Tết xứ Quảng – Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe – Phần 1

Tết xứ Quảng - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 1

VÕ VĂN HOÈ

 

TẾT

XỨ

QUẢNG

 

LỜI GIỚI THIỆU

 Phong tục mừng năm mới đã có từ xưa. Mừng năm mới là ngày lễ duy nhất trên thế giới có tính toàn cầu nhưng được tổ chức vào nhiều thời điểm khác nhau, theo từng nước và từng dân tộc

          Ở Việt Nam, chúng ta sử dụng lịch biểu cả dương lịch lẫn âm lịch, vì vậy mỗi năm có đến hai ngày Tết, đó là Tết dương lịch, gọi là Tết Tây, được coi là Tết của các nước phương Tây, diễn ra vào ngày đầu tiên của năm dương lịch; và ngày Tết âm lịch, được gọi là Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền dân tộc, là ngày lễ thiêng, vui vẻ, đầm ấm, hạnh phúc nhất và cũng dài ngày nhất trong năm.

Nhân dân ta quen gọi “ba ngày Tết”, “ăn Tết”,”Tết nhứt”,”Tết đến”,”ra Tết”, “đón năm mới”, “Có đói cũng ngày Tết/có hết cũng ngày mùa”- cho thấy cái Tết mới thiết tha, thiêng liêng được trân trọng và quan trọng đến dường nào! Ngày Tết diễn ra từ ngày 30 Tết (tức ngày cuối tháng, cuối năm âm lịch, Ba mươi tháng Chạp), cho đến ngày mùng Một, mùng Hai, mùng Ba tháng Giêng năm mới. Xưa kia, Tết có khi kéo dài đến ngày mùng Năm, mùng Bảy mới hạ nêu, cúng đưa ông bà. Thời gian, thời khắc ấy tồn tại qua hàng ngàn năm trên mọi miền đất nước, với nhiều lễ nghi, phong tục Tết đã được định hình, nhưng ở mỗi nơi, mỗi vùng cũng có những nét, những chỗ khác nhau về tiểu tiết, song cái đại thể về phong tục Tết truyền thống vẫn được cha ông ta đã giữ gìn và truyền lại. 

Qua nhiều năm chú tâm sưu tầm và nghiên cứu, tác giả Võ Văn Hoè đã ghi chép và biên soạn tương đối có hệ thống, gần như “toàn cảnh TẾT XỨ QUẢNG”, theo từng chương, phần như: Ý nghĩa ngày Tết dân tộc, đến việc chuẩn bị ăn Tết, chợ Tết, bánh trái ngày Tết, trang trí trong nhà ngày Tết, các tục trong ngày Tết cần loại bỏ, các trò chơi ngày kết… Những nội dung trên được khảo cứu, miêu tả chi tiết, cung cấp cho người đọc những điều bổ ích về nét đẹp nguồn cội của cha ông ta.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là bước đầu tác giả sưu tầm, tìm hiểu ở một địa phương và khu biệt trong một đề tài, trong điều kiện tư liệu thành văn và sử sách chưa viết nhiều, ngoài một vài cuốn sách đã in về Tết cổ truyền Việt Nam để tham khảo, vì thế còn có những hạn chế nhất định mà người biên soạn khó tránh khỏi.

Là Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội viên Hội văn nghệ dân gian Đà Nẵng, trong những năm qua, tác giả Võ Văn Hoè luôn gắn bó và tâm huyết với công việc của mình nên đã có nhiều đề tài sưu tầm, nghiên cứu về văn hoá, văn nghệ dân gian ở vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng, thể hiện trong một số bài viết đã đăng trên các báo Trung ương và địa phương, trong đó có cuốn “TẾT XỨ QUẢNG” được xuất bản lần nầy.

Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng luôn chia sẻ và khuyến khích công việc thầm lặng, đáng quý của tác giả. Dù còn phải tiếp tục thu lượm những ý kiến đóng góp cũng như tìm hiểu kỹ hơn để bổ sung, nhưng “TẾT XỨ QUẢNG” là một tác phẩm tốt, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy vốn văn hoá, văn nghệ dân gian giàu bản sắc, làm phong phú thêm kho tàng văn hoá dân gian của đất Quảng nói riêng và đất nước nói chung.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa.

Đà Nẵng, 19/5/2005
HOÀNG HƯƠNG VIỆT

aa - Tết xứ Quảng - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 1

Thông qua lao động và cùng với lao động, người Quảng đã tạo nên giá trị tinh thần khi từ quê hương Đại Việt những lưu dân đặt chân lên vùng đất mới cách nay trên năm thế kỷ.

Đứng trước một vùng giang sơn tốt tươi nhưng cũng nhiều khắc nghiệt, người Quảng đã vận dụng khả năng sẵn có chinh phục nó, biến tự nhiên thành cơ sở thực tiễn quan trọng,  hình thành nên những giá trị tinh thần và vật chất làm cho cuộc sống của mình thêm phong phú. Quá tình đó không chỉ hình thành quan hệ với thực tiễn mà còn nảy sinh quan hệ giữa người với người trong cộng đồng xã hội. Mặt khác, còn có quan hệ mang yếu tố tâm linh giữa con người với lực lượng siêu nhiên, thần bí. Trong ý nghĩa đó,sinh hoạt tinh thần  một mặt  qua hội hè, lễ hội , tín ngưỡng dân gian…, mặt khác còn là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội trong đó  nổi lên là tình yêu thương con người, tính cố kết cộng đồng làng xóm… ở đấy tập trung có nỗ lực hình thành nên nét văn hóa đặc trưng của vùng. Lễ hội Tết ở xứ Quảng cũng là một trong những lễ hội lớn của Việt Nam, tạo nên bản sắc văn hóa riêng của cộng đồng dân tộc. Ở lễ hội Tết, người ta sẽ tìm thấy các thuộc tính tinh thần, thể hiện trong phong cách, nếp sống, lối tư duy ứng xử từ mỗi người, gia đình đến cộng đồng làng, xã chung quanh mối liên hệ nhà – làng – nước. 

Sinh hoạt tinh thần của nhân dân xứ Quảng thể hiện trong lễ hội Tết thông qua các tục lệ, mỗi nơi mỗi khác tùy theo điều kiện tự nhiên như thời tiết, đất đai, thổ nhưỡng, các dạng địa hình, các dòng sông… và điều kiện lịch sử xã hội như các chế độ chính trị, quá trình phát triển của lực lượng sản xuất… mà hình thành nên những nét riêng mang dấu ấn của vùng, khu vực có tính khu biệt. Tuy thế vẫn mang tinh thần chung là  hướng tới xây dựng một cuộc sống tinh thần đẹp đẽ, cá nhân, tập thể, cộng đồng vươn tới cái ích, chân, thiện, mỹ. Phong tục Tết in đậm trong sinh hoạt văn hóa dân gian, song hành cùng với sự phát triển của xã hội được lặp đi lặp lại nhiều lần, do đó gắn liền với đời sống hằng ngày của người Quảng. 

Sưu tầm, nghiên cứu lễ hội Tết xứ Quảng nhằm làm sáng tỏ tinh thần nhân văn cao cả trong mỗi phong tục, tập quán của những ngày Tết trên đất Quảng Nam – Đà Nẵng, đồng thời làm sáng tỏ giá trị lễ hội ở vùng đất miền Trung chưa mưa đà thấm, mặt khác còn chống lại tàn dư văn hóa lạc hậu lai căng, biến tướng nhằm góp phần bảo vệ và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghiên cứu, sưu tầm Tết xứ Quảng còn nhằm xem xét dưới góc độ thẩm mỹ truyền thống, cái gì xưa mà có lợi thì phát huy, cái gì cũ mà lạc hậu thì nên bỏ, cái gì cũ có thể sửa đổi được cho phù hợp thì nên sửa đổi lại ứng với thời kỳ phát triển đương đại của người Quảng.

 Dưới ánh sáng của chế độ xã hội mới ưu việt, lễ hội Tết phải được gạn đục, khơi trong, làm cho các thành tố trong lễ hội phù hợp thuần phong mỹ tục, làm phong phú, truyền thống, hiện đại. 

Hiện nay đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dưới ánh sáng của Đại hội Đảng lần thứ IX , Nghị quyết Trung ương V (Khóa VIII) về văn hóa văn  nghệ,  phát  huy  sức mạnh  đại đoàn kết toàn dân để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đề tài  TẾT XỨ QUẢNG  nhằm sưu tầm, nghiên cứu thực hành các tập quán trong lễ hội Tết, tìm hiểu những thành tố tích cực, trong lễ hội, tìm hiểu tâm trạng,ý chí, tình cảm ,tính cách của người Quảng, trên cơ sở đó góp một phần nhỏ vào việc giải thích quá trình hình thành tâm lý trong sinh hoạt văn hoá tinh thần, tâm linh và truyền thống “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” của người Quảng Nam – Đà Nẵng.

Từ Tết xưa nhìn thấy Tết nay có giá trị truyền thống, thế nên việc sưu tầm ghi chép lại TẾT XỨ QUẢNG không chỉ để biết tục xưa mà còn “bàn đến những vấn đề đạo lý của hiện tại, trong đó lịch sử có tác động mạnh mẽ” đến việc gạn đục khơi trong, bảo lưu và phát huy tinh hoa văn hoá dân tộc.

 

Phần thứ nhất

CHUẨN BỊ TẾT

Mục “Tứ thời tiết lạp” trong Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính có liệt kê các loại Tết theo chu kỳ một năm qua 4 mùa, có thể thấy: Tết nguyên đán (1/1), Tết hàn thực (3/3), Tết

thanh minh (khoảng tháng 3), Tết trung nguyên (15.7), Tết trung thu (15.8), Tết trùng cửu (9.9), Tết trung thạch (10.10), Tết táo quân (23.12) và ngày trừ tịch (30.12).

“Xét về các ngày ăn Tết của ta, phần nhiều là noi theo tục Tàu, nhưng chủ ý thì chỉ nhân ngày tuần tiết mà dâng cúng Gia tiên, chứ không có ý gì nhớ đến người Tàu cả”[1]

Ở ta, lễ hội Tết là của mọi người, rõ ràng Tết đến, ta không có khái niệm gì là Tàu cả mà là lễ hội của ta có nét riêng và khu biệt của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Tết đến mọi người từ trẻ em đến người già đều bảo rằng “ăn Tết” nhưng thực tế đón tết không phải để ăn mà với niềm hân hoan, phấn khởi, đấy là dịp mọi người vui xuân, thăm hỏi, chúc nhau những lời đẹp nhất trong phong vị ngày xuân. Phong vị  ngày Tết mỗi nơi mỗi khác, ngày nay lại càng khác hơn nhất là giữa thôn quê và thành thị. Ngày Tết đến thực tế với mỗi người và cộng đồng có 3 ngày nhưng để chuẩn bị đón 3 ngày ấy phải kể là dài lâu, hầu như mọi công việc làm ăn nông tang cày cấy, buôn bán kinh doanh đều nhắm vào mốc kết thúc và cũng là mốc khởi đầu, đấy là ngày Tết. Ngày Tết mọi người ai cũng được tăng thêm tuổi, trẻ con thì phấn khởi, người lớn càng thấy trách nhiệm lớn lao của mình ăn ở đời, với mọi người chung quanh, với con cháu, dòng họ, cộng đồng.

Ở đâu, đi đâu người Việt Nam vẫn giữ phong tục ngày Tết. Có đều ngày Tết mỗi miền mỗi khác, có nơi duy trì hết thảy những tục xưa, có nơi gạn lọc loại bỏ tục lệ lỗi thời mà duy trì những thói quen thích hợp với vùng, địa phương.  Tuy như thế, Tết vẫn là Tết của mọi người, mọi nhà là không có gì thay đổi.

Sửa soạn  đón Tết, phấn khởi để vào Tết có thể nói bắt đầu rất sớm trong từng người, mỗi nhà và làng xã. ở vùng Quảng Nam xưa nay đều vậy.

1/ Chuẩn bị từ xa:

Ngày Tết là phong tục nằm trong lễ hội dân gian của người Việt nói chung và người dân xứ Quảng mang giá trị tinh thần truyền thống của vùng nói riêng so với cả nước. Một năm với quá trình đổi thay của vũ trụ mà có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông trong đó mùa xuân là mùa có đặc thù khởi sắc nhất trong năm. Tháng 3 mùa xuân là mùa lúa chín, lúa rộ lên màu vàng vào độ cuối tháng trong tiết trời ấm áp:

    Tháng giêng đồng lúa xanh già
Tháng hai lúa trổ, tháng ba lúa vàng

phản ánh trong ca dao ngày xưa là vậy. Thiên nhiên vào mùa xuân cũng có khác, cây lá xanh tươi đâm chồi nảy lộc, con người vào xuân cảm thấy dễ chịu, tiết trời ấm áp mát lành làm cho con người như trẻ trung ra, sức sống vươn lên, mọi vật cũng có sự thay đổi, vết tích già cỗi được che lấp bởi sức lớn lên đến điểm đỉnh của quá trình phát triển. Các loài hoa đua nhau khoe sắc, không gian, thời gian ấm áp so với các mùa khác trong năm.

Thiên nhiên tươi đẹp vào xuân cũng vào lúc phong tục ngày Tết đặt ra, ngày Tết là ngày truyền thống có giá trị và ý nghĩa trong năm đồng thời qua lễ hội ngày Tết mọi giá trị tinh thần được biểu hiện thăng hoa. Do quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống như vậy nên việc chuẩn bị cho ngày Tết phải kể là kỹ lưỡng, rầm rộ từ mỗi người, mỗi nhà đến làng xóm, cộng đồng không đâu không náo nức cho lễ hội này.

Trong quan niệm của con người, mùa xuân là mùa giao lưu đồng thời cũng là mùa bắt đầu cho một chu kỳ mới, một trật tự mới. Vì thế sự nỗ lực dồn cho phong tục Tết phải lo tính trước từ nửa năm trước Tết.

Ở  xứ Quảng, người nông dân trong vụ mùa của mình chuẩn bị ngay từ tháng 4 (gọi là hè – thu, có nơi gọi là hè – thu – muộn) một ít ruộng tốt phù hợp với cây nếp để cấy trồng, chuẩn bị cho những ngày Tết  đến. Vào vụ này, trên những cánh đồng màu mỡ đầy ắp phù sa dọc theo các con sông như Thu Bồn, Vu Gia, các cánh đồng đại điền như Điện Bàn, Duy Xuyên, Hòa Vang, Đại Lộc… rộ lên màu xanh của lúa và nếp. Cùng với cây nếp là các loại đậu: đậu xanh, đậu đen, đậu phụng, đậu nành, mè… cũng rộ lên mang tiềm năng cho mùa xuân đến.

Cũng trong vụ mùa hè – thu này, nhiều nơi trên khắp tỉnh Quảng Nam người dân lên vồng trồng kiệu, gừng, hành, nghệ và các loại cây rau trái khác. Đấy là lúc chuẩn bị cho Tết, “Trồng mướp trồng cà rồi lại trồng rau” để thu hoạch vào thời kỳ trước Tết ít lâu. Nhân ngày Tết, xứ Quảng có sự tích về hạt nếp thơm được kể, chuyện rằng:

“Ngày xưa có hai anh em nhà nọ, cha mẹ mất sớm, hai anh em hết lòng đùm bọc yêu thương nhau. Họ cùng làm ăn cần cù chăm chỉ… ngày nối ngày, tháng tiếp tháng chẳng mấy chốc cả hai anh em đều khôn lớn. Vào một ngày xuân, người anh lấy vợ, rồi vợ chồng người anh ăn cơm riêng và ở một gian nhà riêng. Ngôi nhà bắt đầu chia hai từ dạo ấy bằng một tấm phên làm vách. Họ chỉ chừa ra một cái cửa để qua lại thăm hỏi nhau nhưng không vì thế mà tình anh em nhạt hẳn. Họ vẫn quấn quýt bên nhau như những ngày thơ ấu.

Rồi vợ chồng người anh sinh được người con đầu lòng, đứa thứ hai, thứ ba, thứ tư liên tiếp từng năm một, thế mà người em vẫn chưa lấy vợ. Thấy anh mình ngày càng đông con, người em nghĩ: “mình sống một mình ăn uống thế nào cũng xong, bên anh chị, các cháu đông, không đủ cho chúng nó ăn thì khổ biết chừng nào”. Nghĩ thế, đêm đêm người em đã xúc lúa bên bịch thóc của mình đổ sang bịch thóc của người anh.

Người anh vẫn làm ăn chăm chỉ, siêng năng, ngày ra đồng, tối về vui đùa với các con. Người anh nghĩ: “mình sống có vợ, có con đông đúc, ăn uống thế nào cũng vui, bên chú nó sống một mình cô quạnh đã thế mà thiếu thốn thì cực biết chừng nào”. Nghĩ vậy, đêm đêm người anh đã xúc lúa ở bịch thóc của mình đổ sang bịch thóc của người em.

Thu tới, đông qua, mùa xuân đã đến, làng xóm khắp nơi nhộn nhịp đón xuân. Tết mà thiếu thốn lại càng cực. Nghĩ vậy nên cả hai anh em đêm đêm lại xúc lúa ở bịch của mình đổ sang bịch bên kia.

Bỗng một đêm người em vừa bưng thúng lúa xúc được chạy qua nhà anh thì cùng lúc đó người anh đang bưng thúng lúa của mình chạy sang nhà em. Cả hai đụng đầu ngay nơi cái cửa trổ năm xưa. Hai thúng lúa đổ xòa ra vung vẩy trên nền đất. Khi biết được ý nghĩ của nhau, hai anh em cảm kích rồi họ ôm chầm nhau mà khóc, khóc mãi, những giọt nước mắt yêu thương và chứa chan tình nghĩa cứ đổ xuống. Lạ thay những giọt nước mắt đó rơi xuống thấm vào những hạt lúa nằm tung tóe trên nền đất, làm cho những hạt lúa căng phồng lên tròn múp. Thấy là lạ, hai anh em liền hốt vào thúng và họ đem chúng ra cối giã sau hè. Đêm giao thừa năm ấy, dưới ánh lửa bập bùng phía sau nhà, cả gia đình người anh và người em đã reo lên khi những hạt gạo lẳn tròn, trắng muốt ra đời trong cối giã.”[2] Về sau người đời gọi là  nếp.

Ngày nay, cứ đến Tết nhà nào cũng có nếp thơm gói bánh tét, làm bánh in, bánh rò…. lại có gia đình dành để nấu xôi cúng đầu năm. Truyền thống tốt đẹp ấy đã đi vào lòng dân tộc ta từ bao giờ, mãi mãi được giữ gìn và phát huy nhờ tài năng sáng tạo của người dân lao động. Cứ mỗi lần nhìn những hạt  nếp thơm chúng ta lại nhớ đến câu chuyện chứa chan tình nghĩa của hai anh em nhà kia biết thương yêu nhau.

Từ tháng 6 Âm lịch, người dân xứ Quảng lại sửa soạn nuôi gia súc gia cầm: heo, gà, vịt… dành cho ngày Tết. Hầu như nhà nào cũng chuẩn bị một vài con gà, dăm ba con vịt cho Tết, nhất là vùng thôn quê, và đồng thời cũng bắt đầu từ tháng 6 này người ta lại thiến gà  trống để dành, nuôi béo mập  ăn vào dịp Tết, hoặc chờ đến ngày giáp Tết dùng vào việc đi Tết. Tục ở Quảng Nam vào dịp Tết chàng rể đi tết cha mẹ vợ, cha mẹ đi tết thầy dạy con mình học tập trong năm, hoặc là mang biếu thầy thuốc chữa bệnh, có khi đi tết ông mai bà mối đã giúp đỡ trong việc dựng vợ gả chồng cho con cái đến tuổi cập kê. Có khi dùng đi tết cho những người trong một năm  đã có công ơn gì đấy mà mình đã chịu ơn… Thường thường  người ta đi tết bằng gà trống thiến, nếp, đậu các loại, bánh tráng, thuốc lá, cân chè hoặc những đồ dùng khác sử dụng trong ngày Tết.

Để đến Tết có hoa phục vụ cho phong vị Tết tăng thêm phần tươi vui, những người chăm bón hoa cảnh sống bằng nghề bán hoa trong dịp Tết họ cũng chuẩn bị từ tháng 8 âm lịch có khi sớm hơn để kịp vào dịp Tết là có hoa trưng bày bán ở chợ hoa xuân. Hoa thì nhiều loại, đáng kể nhất vẫn là vạn thọ, thược dược, cúc vàng. Vào những ngày Tết hoa mai dường như không thể vắng mặt. Mai vừa có sắc vàng dịu mát, đồng thời mai còn là biểu trưng cho sức dẻo dai bền bỉ, chịu đựng được môi trường sống khó khăn khắc nghiệt vì thế cây mai được thể hiện như là kẻ chính nhân quân tử. Cắm một cành mai đặt giữa nhà trên chiếc bàn độc chính là tìm đến nét đẹp tinh thần ấy của con người xứ Quảng.

Mùa xuân làm mới lại thiên nhiên nên ở mỗi  người cũng muốn làm mới cho phù hợp với nét tươi vui trân trọng, do đó mà việc may sắm áo quần là một nhu cầu được đặt ra. Mùa xuân mọi vật đổi thay, khởi sắc, tâm lý con người cũng theo đó mà vào hội lễ với vẻ đẹp không chỉ tâm hồn mà còn biểu hiện ra dáng vẻ bên ngoài. Ngày  Tết mà không tươm tất thì đó là một thiệt thòi lớn biết bao, có khi cũng là một đụng chạm đến thuần phong mỹ thục nữa. Chính thế mà may  sắm áo quân mới là một nhu cầu không thể không đặt ra trong lễ hội ngày Tết. Dù khó khăn đến mấy cũng sắm sửa cho con cháu một bộ quần áo mới, giày dép mới, nón mũ mới vui chơi cùng bạn bè trong những ngày hội lễ. Cửa hàng may mặc vì thế mà khẩn trương tấp nập từ tháng 10 cho đến khi giáp Tết một, hai ngày. Không riêng cho trẻ em, người lớn cũng vậy, nhất là thanh niên nam nữ cũng vào Tết với tất cả tấm lòng và với những bộ áo quần mới sắm. Người già vào hội lễ bằng bộ áo quần dân tộc, chiếc áo dài lương đen, quần trắng, đi dù và mang guốc, đầu cuốn chiếc khăn nhiễu đượng cổ truyền.

Ngày trước sang trọng nhất là đội nón trong lúc đi làm cũng như dự lễ hội,  ở Quảng Nam nói về chiếc nón còn lưu hành câu ca dao:

Trong nhà có một cái giàn
Một trăm tấm đệm, một ngàn tấm tơi
Lại thêm bảy cái nón cời
Vài gùi giẻ rách chờ thời mà mang

Tết đến, ăn mặc đẹp nhưng còn phải đội cho sang. Ngày Tết người dân mua sắm đủ thứ, trong đó có chiếc nón đội đầu. Nón mua mới tại chợ, ngày Tết không ai đội nón cũ bung vành, rách mái. ngoài chiếc dù, khăn nhiễu, ngày Tết ra đường mà đội chiếc nón còn thơm mùi dầu, mùi lá dạo quanh làng, thăm họ hàng, bà con trong ba ngày xuân nhật thì quả là tươm tất biết bao. Đội nón ra đường còn làm tăng thêm vẻ đẹp, nhất là phụ nữ lại càng duyên dáng.

Quảng Nam có nhiều làng chuyên chằm nón: Giảng Hòa ở Đại Lộc, Duy An ở Duy Xuyên, Quế Minh ở Quế Sơn, La Bông ở Hòa Tiến… theo chân những người vào Nam mở đất, thuở ban đầu nón có hình chóp nhọn đầu, vành rộng chằm bằng sợi chỉ dâu hoặc thơm (dứa), đay, treo quai bằng vải hoặc lụa. Theo thời gian qua bao đổi thay chiếc nón thích nghi với bản địa, đã thay đổi hình dáng nhiều lần.  Từ đầu thế kỷ XX về trước, người Quảng Nam chằm loại nón hình bầu gọi là nón bầu (đỉnh nón bầu, trảng) mà chưa có nón hình chóp. Đây là loại phổ biến xưa kia ở Quảng Nam, người bình dân đa số họ sử dụng loại nón này vì dễ mua sắm. Tầng lớp trên đội nón thúng sang hơn, trông giống cái thúng úp lên đầu. Ngày ấy ra đường hoặc vào dịp Tết ai đội nón thúng quai thắt bằng vải thao[3] thì đấy là tầng lớp trên, hoặc những gia đình giầu có phú hộ. Cùng với nón thúng là nón bầu và nón có vành rộng, đội lên như chiếc mũ cối thời nay. Người dân làng Giảng Hòa chằm loại nón này bán cho thanh niên đi đồn điền cao su, cà phê ở miền Nam, Tây Nguyên thời thuộc Pháp.

Đến những năm 30 của thế kỷ XX chiếc nón hình chóp ra đời vành rộng ưa nhìn. Ngày Tết người dân Quảng lại xum xoe với chiếc nón lá diễn bân trên đầu. Từ đó các loại nón đầu thế kỷ trước dần dần được thay thế bằng nón hình chóp vành rộng như hiện nay.

Xưa, chỉ chằm nón không phải bằng sợi cước nhỏ trong suốt như hiện nay mà người ta phải dùng chỉ bằng lá thơm, chỉ đay, chỉ đoát, chỉ đủng đỉnh. Những chiếc nón thúng chằm đẹp, lá mỏng, diễn dùng cho các bà giầu có, họ thường đặt hàng chằm bằng chỉ thao (tơ tằm). Để có sợi chỉ chằm nón người ta cắt lá thơm về nhà, dùng dao cùn hoặc cái dĩa úp lại cào lớp vỏ nhớt rồi rút ra những sợi tơ dai,  xong phơi khô xe lại làm chỉ  chằm. Cây đoát, cây đủng đỉnh, cắt lá đập dập, ngâm nước, phần mền bở, rã ra, rửa sạch tước nhỏ phơi khô làm chỉ. Tùy vào yêu cầu mà tước sợi, sợi lớn cột (chắp) vành, sợi vừa nức vành, sợi nhỏ chằm vành vào lá nón.

Khoảng 50 năm trở lại đây, thợ chằm nón đã có loại chỉ bằng cước thay cho chỉ thơm, đay… đẹp, giá rẻ, đặc biệt chỉ cước không bị hoen ố sau những trận mưa.

Chiếc nón lá đã đi cùng người dân Quảng Nam – Đà Nẵng từ xưa đến nay từ việc đi làm, dự hội lễ đều có chiếc nón kèm theo. Ngày Tết nếu không mang khăn nhiễu, thì chiếc nón vẫn là dụng cụ che đầu thân thiết. Các cô gái lại càng cần chiếc nón hơn, đội nón góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp, sự duyên dáng, mềm mại.

Với thời gian, nay chiếc nón không còn độc tôn như ngày xưa nữa, nhất là thành phố, thị xã, thị trấn huyện lỵ. Các loại mũ tân thời may hoặc chằm, đan bằng vải, len hoặc đủ các loại vật liệu xuất hiện trên thị trường. Từ người già đến trẻ em ngày Tết ra chợ có thể chọn bất cứ loại mũ nón nào thích hợp. Ngày Tết mũ nón bày bán nhiều ở chợ, cửa hàng, màu sắc kích cỡ đa dạng.

Tuy thế về miền quê Quảng Nam – Đà Nẵng, những người lam lũ đồng áng quanh năm, chiếc nón vẫn là đồ dùng quan trọng và không thể thiếu kể cả trong những ngày Tết cổ truyền. Trời nắng ra đồng làm lụng hoặc đi thăm nhau vào những bữa hội hè, đội nón vẫn tiện hơn mũ vải, nón vừa nhẹ, vừa thoáng che được mưa. Mùa hè dưới bóng râm của lũy tre làng, nón làm quạt, có khi ngang qua giếng làng dùng nón hớt một ngụm nước uống, rửa mặt, rửa tay thật thú vị biết bao.

2/ Tháng chạp ( chuẩn bị gần)

Xuân không phải đến ngay buổi giao thừa mà nó đến  từ từ, chẳng phải ngay khi trên tờ lịch ghi lập xuân là xuân đến. Khúc dạo đầu của mùa xuân len vào từ tháng chạp, xâm nhập vào không gian, cảnh vật và lòng người tự khi nào, nhiều ngày thể hiện trong màu nắng tươi vàng. ở thôn quê xứ Quảng, nắng tháng chạp có pha chút màu xanh lá chuối gói bánh tét. Tháng chạp ngòai đồng phơn phớt màu xanh lục của lúa. Cây mộng(mạ) như tăm hương mới đó mà đã nở thành bụi lúa.

Là phong tục giành riêng cho việc tu tảo phần mộ tổ tiên. Từ chỗ này trong nhân dân còn lưu hành từ “chạp lạp” (lạp: cúng, tế). Mùa này là độ cuối đông đầu xuân, khí trời còn nhuốm màu se lạnh, có mưa, đôi khi gió mùa đông bắc thổi từng đợt lạnh ngọt lại là lúc đền ơn đáp nghĩa cho ông bà tiên tổ. Trong nắng tháng chạp người ta đi tảo mộ (dãy mả) từ mồng một tháng mười một đã bắt đầu dưới trời mưa se lạnh, dài cho đến hết tháng chạp.

Đôi khi xứ Quảng lạnh suốt tháng chạp, lạnh băng sang tháng giêng (đây là đặc điểm của thời tiết miền Trung) sáng có sương, trưa có nắng và chiều lạnh, lạnh thâu đêm. Trong cái nắng tháng chạp, ngất ngây, mặc thêm chiếc áo ấm, nắng vẫn hiền lành có màu của vàng ròng, đấy là cảm giác xuân ở Quảng Nam, người ta chỉ có thể khoanh tay trước ngực nghe cái lạnh bàng bạc, dàn trải quanh người, lạnh không thể trốn được, lại có nắng hanh vàng không thể mặc áo ấm khi nắng sang xuân đã âm ấm dịu hiền. Xứ Quảng lạnh ấm đan xen nhau trong tiết trời tháng chạp quả là quyến rũ lạ kỳ. Thời tiết như thế là một báo hiệu còn mấy ngày nữa là Tết đến!

Thời gian này cũng là lúc sớt sưa trong công việc làm mùa: vụ lúa đông – xuân cũng mới chỉ bắt đầu, nhân dân chưa phải bận bịu với công việc đồng áng do thế việc chạp mả là trọng tâm của tháng chạp. Vào đợt tu tảo mộ phần trước hết mỗi tộc họ họp lại quy định mọi thủ tục chuẩn bị sau đó một cách tự nguyện, tự giác dù đi đâu, ở đâu, làm đâu, ăn đâu vào ngày kỷ niệm này cũng tìm về tưởng nhớ tổ tiên. Các  thành phần dù có bất hảo đến mấy nhưng trước anh linh tiên tổ và những người tiền bối của họ, họ không có thái độ hỗn láo. Công việc đầu tiên là dãy mả (từ địa phương) mộ phần được vun đắp lại chu đáo hơn, dọn sạch cỏ. Mỗi tộc họ trong làng (công xã) họ dành cho công việc này từ hai đến ba ngày là xong. Tiếp đến là lễ chạp, trong lễ chạp có cúng tế, tộc họ nào lớn còn có tế xuân, có nơi kèm với  văn tế còn có nhạc cổ bát âm[4], trống chiêng tạo nên không khí lễ hội trang nghiêm ấm áp hùng tráng. Việc chạp, tiến hành trong một ngày, dù tộc họ lớn hay nhỏ sau buổi chạp là tục lễ đóng góp, người ta chia làm hai hệ: nội thân, ngoại thích. Nội gánh phần nặng và chịu trách nhiệm chính, ngoại là phụ, được giao phần nhẹ hơn. việc đóng góp có quy định hiện vật và tiền để chuẩn bị cho lần chạp năm sau, có khi  tổ chức nuôi heo và giao cho một người nào đó chăm sóc.

Sau tục chạp  mả, thời gian còn lại là chờ đợi mùa xuân. Từ tục chạp mả đến tết nguyên đán không có phong tục nào kèm theo, chỉ đến những ngày giáp Tết hoặc ngày Tết có nơi tổ chức lễ hội đua ghe, hội bắt cọp… Việc ruộng đồng sau chạp mả lại khẩn trương vào vụ, mọi cánh đồng lúa non xanh mướt chuẩn bị sang xuân, thuốc lá đang là thời kỳ lên hàng. Nhiều nơi trên đất Quảng chạp mả nhằm vào Tết thanh minh (khoảng tháng ba).

Chạp mả là phong tục nhớ về tổ tiên, đền ơn đáp nghĩa cho những người đã mất, nhớ về cội nguồn đồng thời cũng là dịp thể hiện tình đoàn kết, lạc quan tin tưởng vào sự sáng tạo của mình. Trong tục chạp mả, cháu con nội ngoại có dịp gặp gỡ nhau, thông cảm nhau trong tình tương thân tương trợ, hàn gắn những sứt mẻ (nếu có) nối lại tình đoàn kết, phân biệt được các thế hệ con cháu mà tiếp tục duy trì dòng dõi vững bền và tồn tại dài lâu.

. Liễn, đối các loại lịch cho Tết

Tháng chạp cũng là lúc ngoài chợ xuất hiện những câu đối Tết và lịch Tết các loại. Lịch, ngày trước có nhiều loại song chủ yếu là lịch vạn niên (loại 60 năm), lịch coi ngày, giờ… viết toàn bằng chữ Hán. Từ thời Pháp thì có lịch Blôc, gần đây có lịch treo tường, có tranh thiên nhiên, tranh phụ nữ, trẻ em, tranh nhà cửa, tranh bon sai, tiểu cảnh… loại này trong nước sản xuất là chủ yếu, một ít mua từ nước ngoài. ở làng, thôn quê rất ít sử dụng loại lịch treo tường nhiều tờ, đa số người ta sử dụng loại lịch Blôc treo ở cột nhà hoặc bờ phên. Ngoài ra còn có lịch để bàn, lịch bỏ túi. Thông thường vào dịp Tết ở xứ Quảng ít ai xin câu đối và liễn, và cũng ít ai làm câu đối trừ những lúc ngẫu hứng xuất khẩu tại chỗ (không kể những ông đồ đặt câu đối cho vợ hoặc con mang xuống chợ bán). Đối, liễn vào dịp Tết bày bán nhiều ở các chợ, cần thiết tìm một đôi câu đối cứ việc xuống chợ Tết mua ở các quầy bán hàng giấy, hàng mã. Có thể mua những câu:

Xuân đáo  xuân lai xuân bất tận
Nhật thăng nhất giáng nhật trường tồn

Họăc:

Nhứt thất thái hòa chơn phú quý
Hải môn xuân sắc hưởng vinh ba (hoa) mang về dán lên cột nhà.

Hội An, ngày trước thường có các ông đồ bày mực tàu, giấy đỏ tại chùa Cầu để bán câu đối Tết, bên cạnh còn có bán tranh Tết, lịch Tết… Câu đối cho bà H do cụ T ở huyện Đại Lộc lúc còn sống có dạo chơi vùng Hòa Vang đặc biệt là ở làng Phong Lệ (cụ quen với Ông ích Khiêm) đã có câu đối tết:

Bà H
Bách hòa
Chúng tam hồ
Thiên thượng lưu[5]

bà H dùng câu đối dán lên cột nhà.

Thời kỳ những năm 1908 khi phong trào chống sưu thuế ở Quảng Nam bùng nổ, nhiều người tham gia phong trào và bị bắt nhốt tại tỉnh thành La Qua (Điện Bàn – Vĩnh Điện). Nhân ngày Tết nguyên đán, quan Tuần Vũ lúc bấy giờ tổ chức một cuộc hát bội vui xuân nhằm trấn an phong trào kháng thuế. Khi làm sân khấu, quan Tuần Vũ lệnh đưa những người bị nhốt ra đốc thúc họ đốn cây dựng rạp trướng thành.

Rạp dựng xong,  những người này gặp quan Tuần Vũ, trình cụ việc làm rạp đã xong, đồng thời đề nghị với cụ nên dán một câu đối lên hai bên rạp mừng xuân để nhân dân đi xem lấy đó làm thích. Quan cụ nghe xong đồng ý cho thực hiện, những người bị bắt giam này làm một câu đối và dán lên hai bên rạp. Câu đối viết:

“Cùng một bọn với nhau, vẽ mặt bôi mày làm kẻ lạ
Việc trăm năm còn đó, cầm gươm vác giáo đánh người thân”

Thời gian vào tháng chạp là lúc không khí Tết gần kề, mọi người đều làm mới lại từ ý thức đến việc làm, cách ăn mặc, đi đứng đến nói năng… vì thế nên phải tiến hành  hớt tóc gọn gàng trước khi  ngày Tết đến, đồng thời sắm sửa giày dép mũ nón để đón Tết. Vào tháng chạp bắt đầu rộ lên khắp mọi nơi từ nông thôn đến thành thị, nhất là trẻ em lại càng để ý đến tóc tai vì không chỉ đến dịp Tết mà những ngày sinh hoạt bình thường cũng thường thể hiện “cái tóc là vóc con người”.

          -Sắm sửa đồ dùng trong nhà: 

Ngoài dịp Tết, bình thường những ngày khác trong năm cũng có những ngày tết nhưng không có lễ hội lớn, chỉ có những lần giỗ, kỵ trong phạm vi gia đình, nhu cầu dụng cụ trong nhà không lấy làm lớn nên cũng không phải mua sắm gì thêm. Mùa  xuân đến, Tết về là lúc nhu cầu mới xuất hiện, người ta thường đến chợ tết mua sắm những thứ cần thiết nhất về dùng cho dịp Tết và cho cả năm. Từ cái chén, cái bát ô tộ đến cái chổi quét nhà, cái cặp, cái rế, đũa bếp…. ở thành thị đũa ăn cũng phải sắm mới. Đặc biệt, vào dịp Tết mọi nhà thường mua đồ trang trí nơi bàn thờ tiên tổ, mua mới các loại lư hương, chân đèn, một số đồ lễ dùng vào việc thờ cúng tổ tiên.

– Củi đun vào những ngày Tết:

Những ngày trong tháng chạp điều quan tâm là chuẩn bị củi đun, người ta tích trữ vài ba tháng trước đó, để riêng một góc nhà, góc trại, ở thôn quê thường gác trên sạp chuồng heo để giành cho những ngày Tết. Những gia đình không chuẩn bị kịp củi đun (chụm) nội trong tháng chạp phải mua sắm để giành cho Tết. Củi có khi phải tích trữ đủ dùng cho cả tháng giêng bởi thường, tháng giêng công việc đồng áng còn sưa nên nghĩ là tháng ăn chơi, không ai phải vất vả với việc củi lửa e rằng quanh năm nhọc sức.

3/ Những ngày giáp tết:

Từ 20 âm lịch đến sáng 30 hoặc chiều 29 tháng chạp là thời gian thể hiện các tục lệ tiếp cận với Tết. ở thời gian này là lúc tưởng như chạy đua với công việc còn lại của năm cũ, phải hoàn thành mọi công chuyện có liên quan đến Tết trước khi năm mới sang. Người ta sẽ không để phải đeo sầu mang nợ vào năm mới. Tất cả bước vào năm mới phải được bằng lòng, phải được trang trải, có khi đã giãi bày xong trong năm cũ những mắc mứu phiền hà có liên quan đến cá nhân, mỗi nhà, cộng đồng, chính vì vậy mà tục đi tết được đặt ra.

Đi tết thầy học, thầy thuốc, nhà vợ, ông mai.

Ngày Tết có tục đi tết thầy dạy con cái học hành trong năm, đây là thời điểm tốt nhất để tỏ lòng biết ơn, theo quan niệm “tôn sư trọng đạo” của người xưa mà người dân Quảng Nam – Đà Nẵng thể hiện trong dịp Tết xưa đến nay. Thông thường lễ đi tết (tức là tặng, biếu, cho) thầy học một ít sản phẩm địa phương dùng trong những ngày Tết, có thể có 2 con gà trống thiến mà học trò đã chuẩn bị từ lâu, đường bát, nước mắm, bánh khô, bánh in… tùy theo sản phẩm từng vùng mà có lễ tết với thầy.

Xưa kia ở vùng Bình Thái hạ tổng có thầy đồ nho dạy học trò học chữ Hán là thầy Hoàng Thự tục gọi là thầy Ngại và thầy Võ Dương, tục là ủy Mẫn đã từng mở trường dạy học ngay tại nhà để san sẻ bớt chữ nghĩa thánh hiền cho con em trong tổng, hạt. Hàng bữa, các thầy nho không lấy tiền, thế nên đến dịp mùng 5 tháng 5 (Tết đoan ngọ) và dịp Tết nguyên đán, tùy ở tấm lòng của học trò mà có lễ cho thầy, đặc biệt vào dịp Tết không thể không có lễ.  Hình thức đi tết thông thường là cha mẹ quang gánh đi theo sau, đi trước là học trò đội một khay trầu, rượu. Lễ tết có năm gồm nếp, bánh tráng, rượu nếp, rượu gạo, bánh khô, trà, chè, đôi khi có cả gà và tiền nữa. Lễ không hoàn toàn bắt buộc mà do tính tự nguyện của người học, nhưng học trò với tinh thần “trọng đạo sùng sư” nhân dịp Tết, không ai lại không đi tết thầy giáo.

Hàng năm cứ độ từ 20 tháng chạp âm lịch là bắt đầu đi tết. Tục đi tết kéo mãi đến thời thuộc Pháp, Pháp cấm dạy chữ Hán và bắt đầu học chữ quốc ngữ cùng với việc học hành theo lối mới, lệ tết thầy giáo hàng năm dần dần được bãi bỏ.

Ngày Tết, thầy thuốc cũng được đi tết vào dịp như tết thầy dạy học. Ngày xưa hai thành phần này được mọi người kính nể, xem trọng. Đi tết cho lương y là tỏ lòng biết ơn  thầy thuốc lúc ốm đau bệnh hoạn. Ngày xưa lương y trị bệnh cho người ốm đau tùy theo từng vùng cư trú, mỗi vùng có một lương y quen thuộc. Vì vậy, đi tết cho thầy thuốc cả vùng có con bệnh quen thuộc được thầy chữa trị trong năm đều có đi tết. Cách thức và lễ vật giống như đi tết thầy học.

Thầy Mai Luân, Thủ Phụng, ủy Đăng, Tú Ngự, Chín Nho… và nhiều lương y khác trên đất Quảng cũng được mọi người kính trọng, ngày Tết đến, người bệnh sắm một ít lễ vật gọi là “đẳng vật thanh ba” đi tết lương y có công đức với mình trong năm khi gặp bệnh hoạn ngặt nghèo.

– Sui gia, chàng rể cũng nhân những ngày cận Tết mà có lễ đi thăm cha (cậu) mẹ vợ (vợ chưa cưới), bà con gần bên vợ, cách như vậy cũng gọi là đi tết. Chàng rể còn đi tết cho ông mai, bà mối đã giúp đỡ cho hai bên sui gia trai gái, tạo điều kiện cho việc tiến tới hôn nhân.

– Những ngày áp Tết có “tất niên” đãi đằng thân thuộc bạn bè. Tùy theo thu nhập kinh tế trong năm của mỗi gia đình mà có lễ tất niên lớn hay nhỏ. Lễ tất niên bình thường được hiểu đấy là một buổi tiệc mừng, tiễn năm cũ đi trọn vẹn, tiễn một năm không xảy ra sự cố gì lớn, hay có khi sự cố xảy ra song không ảnh hưởng  đến cuộc sống thường ngày và đã khắc phục được. Ngược lại, mừng năm cũ làm ăn chân lấn tay bùn quanh năm phát tài phát lộc, các vị quan thì thăng quan tiến chức, học trò sĩ tử thì học hành thi đỗ, người buôn bán thì thuận lợi… Chính thế, lễ tất niên thường là đãi đằng những người thân thuộc, những người có quan hệ xã hội, những người mà ta chịu ơn trong một năm, đồng thời, tất niên cũng là một cách đãi đằng cho lực lượng siêu nhiên đã ngấm ngầm giúp đỡ cho cá thể, mỗi nhà, cộng đồng vượt qua những sự cố lớn để kết thúc một năm vốn nhiều may mắn thắng lợi. Những gia đình nào buôn bán quanh năm, lời lớn thường có tất niên lớn. Khi tiến hành lễ cúng có tục buộc mọi người trong nhà nhảy qua, nhảy lại trên một nồi lửa đặt giữa nhà, trong nồi lửa có đốt châu sa, khói lên nghi ngút. Cách như vậy gọi là “tống khứ” những điều không may ra khỏi nhà, tống những điều không may xui xẻo ra khỏi người để chuẩn bị “tấm lòng trong sạch”, “nhà cửa hết ô uế” mà đón một năm mới hy vọng có nhiều điều may mắn hơn. Từ khi có lễ tất niên, mọi công việc làm ăn, lao động sản xuất, buôn bán… đều dừng lại chờ sang năm mới chọn một ngày nào đó để bắt đầu trở lại. Mọi việc trong năm mới bắt đầu từ ngày này, thành thị thường có lễ tất niên nhiều hơn ở làng quê.

– Quét dọn đường làng, sân, ngõ:

Những ngày giáp Tết bắt đầu từ Tết táo quân 23 tháng chạp, những người già trong làng thường hay quan tâm đến công việc chung của làng tại đình, chùa, miếu, trong đó có quét dọn đường làng sạch đẹp đón xuân. Vào những ngày này, đường làng được phát quang, đắp sửa những nơi hư hỏng. Việc này do làng quy định mọi người trong làng ai cũng tham gia.

Ngoài  việc quét dọn đường làng, làng còn có tất niên nữa, tất niên thường tổ chức tại đình làng, thường các cụ già trong làng đến dự lễ ấy. Sau lễ ở đình các cụ có tổ chức liên hoan vui vầy tại nhà của người đứng đầu làng hoặc tại nhà người thủ bổn, cũng có khi tổ chức ngay tại đình làng hoặc một cơ sở nào đấy thuộc quyền quản lý của làng. Chi phí do làng tất niên dựa trên công quỹ mà làng thu nhập trên những mảnh vườn, thửa ruộng công mà làng giao cho một số dân nào đó trong làng đứng ra canh tác đến cuối năm chịu trách nhiệm về những phí tổn này.

Giặt giũ quần áo, nhà cửa, bàn ghế, giường chiếu…

Ngày Tết  càng đến gần, không khí Tết lan về các làng quê càng nhộn nhịp, vào tận gia đình đến với mọi người, đặc biệt trẻ em thì nôn nao chờ đón Tết đến hơn cả. Những ngày này mọi người ai cùng chuẩn bị Tết cho riêng mình, cho mọi người, cho ông bà tiên tổ. Giặt giũ quần áo, lau chùi bàn ghế, quét dọn nhà cửa, giường chiếu… sạch sẽ trước khi đón giao thừa. Việc làm như thế là lệ thường năm trong mỗi gia đình.

– Lau chùi bàn thờ tiên tổ:

Các bà đi chợ thường không bao giờ quên việc mua sắm vàng mã, hương đèn từ chợ Tết về bày biện lên bàn thờ tiên tổ. Các bậc cha mẹ những ngày này hoặc là tự tay mình, hoặc nhắc nhở con cháu sửa soạn lại nơi thờ tự gia tiên, lau chùi quét dọn cho sạch sẽ. Các loại đồ thờ như lư hương, đỉnh đồng, chân đèn đều được đem lau chùi bóng loáng cẩn thận.

– Đi chợ Tết, làm thịt heo:

Tháng chạp, đến chợ người ta thường gặp các loại hàng giấy, người dân Quảng Nam quen gọi là “đồ giấy”, trong đồ giấy có đồ gói. Đồ giấy chính là hàng hóa bày bán phục vụ ngày Tết theo chủ điểm thờ cúng gia tiên và một số các loại thần. Đồ giấy gồm: hương đèn, giấy vàng bạc, giấy tiền, giấy ngũ sắc, giấy bông đủ loại, giày, mũ mão cho thổ thần, nón, guốc cho bà… riêng bộ đồ gói là một tập hợp gồm người thế hình con heo, con bò, hình nhà, hình người và một số loại giấy màu khác gọi là giấy đất gói chung. Loại này dùng vào các lễ cúng trong phong tục ngày Tết, mặc dầu không tác dụng gì, nhưng nay vẫn còn.

Đến trưa 28 hoặc 29 Âm lịch, khắp xóm làng lại vang lên tiếng kêu eng éc của heo. Đấy là lúc làm thịt heo cho tết. Nhà giàu có, có thể mổ một con để dùng vào dịp Tết, những nhà nghèo hơn họ tập hợp lại ba, bốn có khi năm nhà mổ một con heo. Từ quá trưa đến chiều những ngày này không khí Tết đã bắt đầu cùng với không gian, thời gian dường như cũng khác hơn so với những mùa khác trong năm. Từ chiều hôm ấy, mọi người cũng thấy khác thường, phấn khởi hơn, lúc này cảnh gia đình làm ăn đâu xa cũng lần lượt tụ tập về đông đủ quây quần chuẩn bị cho nồi bánh tét, bánh rò, nướng những cái bánh in ngon lành ngày Tết.

– Gói bánh tét, bánh rò::

Ở chợ, người ta còn gặp đầy đủ tất cả những nhu cầu cho Tết. Những ngày cuối cùng của năm cũ bao giờ cũng bộn bề công việc, người ta làm việc luôn tay mà vẫn thấy chưa đủ cho chuẩn bị đón Tết. Bao nhiêu chuyện phải làm, nhất là ngày 30 và tối 30 rạng ngày mùng 1 tết.

Phiên chợ Tết ngày 30 thật nhộn nhịp, người đi chợ vội vàng, người bán hàng cũng không kém nôn nao, thời gian như trôi qua quá nhanh trong tính toán của con người. Tuy vậy, chợ nhộn nhịp đến quá trưa, lâu hơn đến nửa chiều là ngơi dần, người thưa, hàng quán bắt đầu khẩn trương dọn dẹp hàng hóa. Đường làng chiều 30 Tết bỗng vắng hơn, một vài người qua lại trong sự nôn nao của buổi chiều còn lại cuối năm.

Không gian cuối năm se lạnh, có năm có mưa lấm tấm, cảnh mùa xuân lại càng thể hiện vẻ đẹp dịu dàng hiền hòa của tự tin, phấn khởi.  Ngày 30 Tết quả là rộn ràng, mỗi nhà bắt đầu gói bánh tét, làm bánh rò. Trên sân vài ba chiếc nong, nia phơi lá chuối, trong nhà sẵn sàng với thúng nếp, nồi nhưn (nhân). Lại có nhà còn gói giúp bánh tét cho người hàng xóm nữa. Cảnh ngày 30 kề Tết quả thật khẩn trương trong tâm trạng mọi người.

Trong mỗi nhà, đã chuẩn bị sẵn các loại bánh: bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in, bánh hộc, bánh khô, xà lam, bánh gừng, mứt, hạt dưa… đã làm từ trước đó chừng 15 ngày. Các lu, hũ, vại chứa dưa món bằng củ kiệu, củ hành, thù đủ (đu đủ), cà rốt… được sắp xếp ngăn nắp và sẵn sàng phục vụ trong những bữa cơm gia đình vui xuân đón Tết.

– Đòi nợ Tết: 

Lại còn chuyện đòi nợ Tết. Nợ nhau cả một năm dài, thế nào cũng phải trả trước giao thừa. Người nào làm ăn kém may mắn trong năm thường đeo sầu, đeo nợ vào những ngày giáp Tết phải lo mà thanh toán cho xong. “Gạo tháng giêng, tiền tháng chạp” là vậy. Chủ nợ đến nhà thúc giục tới tấp bên lưng, con nợ lo lắng chạy vạy tìm cách thanh toán nợ nần. Sở dĩ như vậy là quan niệm xưa không thể đòi nợ đầu năm, sợ rầy rà cho con nợ và cả cho mình nữa, thế nên cuối năm thường thúc nợ nần, e rằng khó đòi ở năm mới.

Pháo Tết:

Xưa, ngày Tết vui vẻ bao nhiêu, phấn khởi bao nhiêu thì tiếng pháo đì đùng ngày Tết lại làm tăng thêm giá trị tinh thần cho mọi người bấy nhiêu. Ở xứ Quảng, không thể thiếu được dây pháo Nam Ô trong những ngày Tết, nhất là thời bình thì càng  không thể thiếu. Pháo làm hương vị ngày Tết tăng thêm. Pháo Quảng Nam thông thường sử dụng vào các dịp cưới hỏi, khánh thành đình chùa, về nhà mới, khai trương một công chuyện làm ăn, một công trình… mà đặc biệt là pháo được dùng trong dịp Tết nguyên đán.

Cứ nửa tháng chạp về Tết, người ta đã nghe tiếng pháo nổ đì đùng trong làng xóm do trẻ con mong Tết đến mà đốt pháo lên hoặc do một vài gia đình nào đấy mừng tiễn đưa năm cũ sớm hơn. Tiếng pháo ngày Tết rộn lên từ 20 tháng chạp rồi chen kẽ đến tối 30, pháo ngưng chờ đợi giao thừa. Còn gì vui hơn thế trong những ngày Tết ! Không có gì ngòai pháo cho tiếng động không gian trong dịp Tết, cho khởi sắc của con người bằng pháo tết. Chỉ có pháo tết là tiếng động duy nhất mang lại niềm vui, sự ước ao cho mỗi con người trong thời điểm giao thừa giữa đêm trừ tịch và ngày đầu năm. Pháo rộ lên dồn dập liên tục vào thời điểm chiều 30 là lúc tục lệ tiến hành rước ông bà về vui Tết cùng con cháu rồi sau đó kéo dài đến nửa đêm pháo lại đì đùng đánh dấu thời điểm giao thừa, pháo kéo dài đến quá nửa đêm, rồi lác đác và thưa thớt dần. Pháo Nam Ô nổi tiếng là nổ đều, nổ to, ngòai tiếng nổ liên thanh, còn có pháo nổ tiếng to đấy là pháo lúa (pháo tống) đệm vào trong chuỗi âm thanh đều đặn đó.

Có thế nói từ trước Tết vài ba tuần, tiếng pháo đã bắt đầu nổ, càng giáp Tết pháo nổ càng nhiều, tiếng pháo là báo hiệu của hương vị Tết. Pháo nổ đến hết ngày mùng 4 có khi đến hết mùng 7 tháng giêng (đưa ông bà) mới thôi. Trên sân, pháo hồng bao nhiêu, Tết càng đậu lại ấm áp bấy nhiêu. Vùng Nam Ô – Hòa Vang chuyên làm pháo bán trong và ngoài tỉnh, nhất là vào dịp Tết. Pháo Nam Ô có nhiều loại, loại pháo lói (quả to như trái lựu đạn) loại này cho nổ từng trái một, nổ lớn tiếng (nguy hiểm). Loại pháo tre hình vuông thường các nhà đốt trái pháo này vào sáng mùng một Tết, đặt ngay trên bức phản giữa nhà. Loại pháo bông, pháo bông tiếng nổ không lớn chỉ nghe “xịt” êm tai và sau đó từ trong trái pháo xòe ra như hoa cải cho đến khi hết thuốc pháo mới dừng (loại này nguy hiểm dễ cháy). Loại pháo chuột, tiếng nổ như pháo bông, sau khi đốt pháo nhìn thấy một lũ chuột chạy từ trái pháo ra ngòai. Loại pháo cối xay, khi pháo nổ hàng lọat pháo khác tạo nên vòng quay giống chiếc cối xay lúa thường dùng trong nhà xưa kia. Nam Ô còn làm cả pháo thăng thiên nữa. Các loại pháo bông, pháo chuột, pháo cối xay, pháo thăng thiên thường là đốt vào ban đêm và chỉ có đốt về đêm các loại pháo này mới cho vẻ đẹp lung linh trong ánh lửa. Ngoài các loại pháo đặc biệt trên,  Nam Ô còn phổ biến là pháo dây, pháo dây nổ lớn tiếng, đốt ban ngày, cả ban đêm cũng được. Trước đây ở các chợ Tết thường bày bán các loại pháo dây. Các loại pháo đặc biệt khó làm đắt tiền như pháo bông, pháo chuột, pháo thăng thiên, pháo cối xay không còn phổ biến nữa kể cả pháo tre, pháo lói cũng không còn phổ biến trong dịp Tết nguyên đán. Trên thị trường, thị hiếu ngày xuân trước đây chỉ còn thấy dây pháo treo, hoặc khoanh tròn bán khắp các chợ xuân, từ miền duyên hải đến vùng trung du miền núi… đó là loại pháo:

Hình một tấc
Bận áo châu sa
Sống không la
Chết la như quạ

 Hoặc:

Hình một tấc
Bận áo châu sa
Chích vô rồi  lại rút ra
Đàn ông la sướng, đàn bà la kinh

Ngày Tết, pháo ở Quảng Nam còn được hiểu:

Thân em như gái đến thì
Liều mình để tiếng quản gì đến thân 

Đến Nam Ô, quê hương của pháo còn nghe được câu chuyện về pháo, đặc biệt là từ tháng 10 đến tháng 12 khi làng Nam Ô làm pháo chuẩn bị cho ngày Tết. Chuyện kể rằng: Ngày xưa có hai anh em không biết từ đâu đến và ở lại làng Nam Ô, cả hai người sống bằng nghề đốn củi và cuốn pháo. Người ta không nhớ tên chỉ biết và gọi tên người anh là Ngài – ông Ngài. Ông Ngài những tháng sắp đến Tết cuốn các loại pháo như pháo bông, pháo cối xay, pháo chuột, pháo thăng thiên, pháo lói, pháo tre bán cho nhân dân ở làng và các làng lân cận đến mua vào dịp đón Tết nguyên đán.

Về sau ông Ngài nhận nhiều người trong làng đến làm và học nghề, từ đấy nghề làm pháo phát triển ở Nam Ô, lâu dần người ta tôn ông Ngài là ông  tổ của nghề pháo ở Nam Ô.

Đến nay người ở làng Nam Ô vẫn gọi ông Ngài là ông tổ của nghề vì nhờ ông mà làng Nam Ô ngoài nghề làm nước mắm truyền thống nổi tiếng một thời nhiều gia đình trong làng còn có thêm nghề cuốn pháo cũng không kém phần  nổi tiếng trên cả nước.

Nay pháo không còn sản xuất vì tốn kém, nguy hiểm, khi đốt pháo nổ lại không đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

4/ Làng chuẩn bị Tết 

Trong không khí vui riêng của mỗi người, mỗi nhà, ngày Tết còn có không khí vui chung cùng làng xóm. Tết chung ở vùng quê thường tập trung tại đình làng, chùa làng hoặc miễu làng. Thời gian này mộ phần tộc họ trong làng đã tổ chức sửa sang tưởng niệm xong, thời gian còn lại trước Tết làng tổ chức cúng tế ở miễu làng (miễu được xem là nơi cúng tế ma quỷ). Cúng ở miễu làng nếu gọt bỏ biểu tượng tập trung của sự thờ cúng ma quỷ thì vào thời kỳ trước đây vẫn hàm chứa một khía cạnh nhân đạo sâu sắc. Ở miễu, nhân dân biểu lộ mặt tình cảm, lòng thành kính đối với tất cả  những vị thánh thần được phong tước hiệu đến những kẻ vô danh, là những liệt sĩ đã hy sinh nơi chiến trận cho đến những người rủi ro ở xó chợ đầu đường.

   Khi cúng, tế ở miễu, nhân dân có đọc bài văn tế có khi bằng chữ Hán có lúc bằng chữ Nôm thể hiện sự tôn trọng, cảm thông đầy tinh thần nhân đạo. Ví dụ ở vùng Hòa Vang :

Hỡi ôi !
Hồn phách phiêu lưu, mồ phần thất lạc
Cõi trời nam xây đắp bước văn vinh
Chốn âm cảnh ngậm ngùi hồn xao xác
Nhớ âm linh xưa
Cũng lịch duyệt tôn ti, cũng con hồng cháu lạc
Nay khói lanh hương tàn, bởi con tạo xuôi nên phận bạc
Cũng cành vàng lá ngọc, cũng thế hệ trâm anh
Nay cỏ rậm mồ hoang, tại số phận cam đành ngơ ngác
Vì Tổ quốc giang sơn ra gánh vác, mà phải đánh khứ lý li hương
Nơi trận địa chốn biên cương, vào đạn ra tên gặp bất hạnh cam đành chịu chết
Cũng có kẻ khoa trường tráo chác, thất thanh danh mà hồn lạc phách sa
Cũng có người giông tố phong ba, không đủ sức nên hồn xiêu phách lạc
Cũng nhiều người bị chiến tranh hành phạt, bỏ quê hương đi tự vận liều thân
Bị hung niên cơ vận phân vân, qua không khỏi trong cơn đói khát
Nào mấy kẻ lên ghềnh xuống thác, bị chìm thuyền mà hồn xuống âm ti
Nào mấy người non lảnh rừng sâu, gặp thú dữ thủ tiêu thân xác
Nào những kẻ thân đơn phận bạc, lửa vô tình văng xuống cháy lan
Tự nhiên mà nổi tiếng nổ vang, vì phát súng mà hồn bay thịt nát
Thương những kẻ tham tiền tham bạc, vì bán buôn mà lặn lội với Đê, Tây
Gặp đứa hung tàn, bị hãm hiếp mà hồn lìa mình hạc 
Úy thôi thôi !
Kể sao xiết phách lạc hồn xiêu từ xưa nhẩm đến
Kể sao rồi cỏ rậm mồ hoang trên đài dưới cát
Nay kỷ niệm kính dâng lễ bạc, nguyện âm linh chứng ngưỡng tâm thành
Hộ toàn thôn đắc lộc đắc danh, phò bổn xã vĩnh an vĩnh lạc. 

Ví dụ ở vùng Đại Lộc (Đại Nghĩa)

Hỡi ôi ! dòng dõi ở đâu, mả mồ ở đó
Ngoài nội trống mình nằm quạnh quẽ tiết thanh minh không kẻ viếng thăm
Giữa đồng không hồn ẩn mịt mờ, ngày kỵ lạc không người quan võ
Người xưa thế, người nay cũng thế, cũng ở trong đất rộng trời xanh
Người sống đây, người thác cũng nằm đây, cũng một giống da vàng máu đỏ.
Thuở còn sống biết bao là tay giỏi, tranh đua nơi bể thánh rừng nho
Khi thác rồi còn một nắm xương tàn, khây khỏa hết nghề văn, nghiệp võ
Nào là người lý bốc nho y
Nào những kẻ sĩ nông công cổ
Cũng có kẻ nhà cũng giàu, quan cũng lớn, vì cháu con lưu lạc để nồi hương bát nước nổi tê tề.
Cũng có người xông lũy Bắc, đánh thành Nam, sa vó ngựa bị tên bay, hồn tan tác luồn mây chặn gió
Cũng có kẻ bán nguồn trên buôn biển dưới, gãy buồm loan, rơi chèo quế,  gởi thân nơi góc biển chân trời
Cũng có người già yếu chẳng ai nuôi, chịu không nổi lúc cơ hàn, bỏ thể phách rồi nằm nơi khoáng khổ
Cũng có kẻ nhâm thần không ai chủ, ngày khai hoa nở nhụy, xác chôn nơi cấm rậm, gò hoang.
Cũng có người lụt lội chẳng ai coi, để chảy nằm trôi lấp lóang dưới trạnh cây lửa giáo
Hồn thơ thẩn nhà chay tiêu đám, biết nhờ ai xuân tế thu thường
Xác lấp vùi lách phủ lau tre, không có kẻ tảo tu phần mộ
Dãy đắp vắng, đúc xây cũng vắng, mả vô nhơn trông thấy cũng đau lòng.
Trầm trà không, dưa muối cũng không, hồn thất tự thấy càng tuôn lụy đổ
Ôi thôi thôi một lát đất gọi là nghĩa trũng, đắp nền cao nơi cấm rộng, nắng mưa che ấm mát tấm thi hài
Một nén hương gọi tế cô hồn, lò sơ ướp vàng hương xông mặn lạt
Đám quay qua ngày chạp giỗ, hoặc ở chốn bồng lai hải đảo thấy cành hương ngọn khói, gắn về đây chứng chút tâm tình
Hoặc chơi miền bích thủy thương ngôn, nghe trống điểm chuông rung về án, thượng hưởng hôn bàn lễ sáo…[6]

Có thể thấy rằng nếu những bài văn tế của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du như “Văn tế nghĩa sĩ, văn tế cô hồn, văn tế thập loại chứng sinh”… đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam thì những bài văn tế âm linh, cô hồn mộc mạc nôm na trên đây khi đọc lên trong tiếng trống điểm, chuông rung cũng đã làm xao động biết bao tấm lòng của những người dân trong làng xã mỗi khi đứng trước miễu làng.

Để chuẩn bị kết thúc một năm nhọc nhằn, lăn lộn mưu kế sinh nhai, đón một năm mới đến với bao hy vọng đợi chờ những ngày cuối đông trước miễu làng dưới cây đa râm bóng hay dưới tán cây bàng lá rụng chờ xuân ai cũng cảm thấy ở đó có những người thân quen ruột thịt của mình, ai cũng thấy dấy lên lòng thương xót vô bờ đối với con người và từ đó mà bỏ qua  những tị hiềm đời thường, xích lại gần nhau hơn tí nữa, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày. 

– Quét dọn đình miễu, chùa

Ở đình làng, ông Thủ Bổn (có nơi gọi là Thủ Từ) là người có trách nhiệm trông coi, đồng thời lau chùi dọn sạch sẽ bụi bặm trên bàn thờ, hương án ở đình, miễu.

Đúng ngày 25 tháng chạp, sau Tết táo quân, Thủ Bổn mang cờ, phướn ra cắm trước sân đình. Cờ thường là cờ đuôi nheo, ngũ hành. Cùng với ông Thủ Bổn là một số trưởng tộc trong làng, một số người già tại làng đến tế lễ tại đình làng để làm lễ dựng neo.

Cây neo không chỉ dựng ở chùa mà còn dựng ở đình làng. Trước sân đình dựng một cây neo bằng tre, trên ngọn chừa lại một ít cành lá, người ta cột một chiếc giỏ bằng tre, lót giấy vàng bạc, trong đựng trầu cau. Giỏ được cột trên cây neo đoạn dưới cành lá.

Xưa kia, ngày Tết nhà nào cũng có dựng nêu song không có lá phướn như ở chùa, neo được dựng lên ngay chiều 30 Tết lúc làm lễ gia tiên rước ông bà về vui Tết cùng con cháu. Rước ông bà về nhà mới dựng cây nêu có rắc vôi bột hình cung tên là mang ý trừ khử ma quỷ vào quấy phá tổ tiên.

Về sự tích cây nêu ở Quảng Nam kể rằng: ngày xưa có một thời kỳ âm thịnh, dương suy, quỷ dữ quấy phá người trần gian thường xuyên đến mức dân  phải kêu cứu lên đức Phật, nhờ Phật độ trì cứu giúp. Đức Phật hay tin giáng xuống trần bắt lũ quỷ.

Lũ quỷ sợ quá, van lạy xin tha và không dám quấy nhiễu người trần thế nữa, không dám quấy nhiễu đất Phật.

Lũ quỷ hỏi dấu hiệu nào để biết đấy là đất của Phật mà kiêng cử. Phật bảo nơi nào có cột phướn, cây nêu và dưới đất có rắc vôi trắng hình cung tên thì đấy là đất của Phật.

Từ đó về sau, các chùa có trồng cây nêu cột lá phướn do các sư trụ trì thực hiện và rắc vôi trắng vẽ hình cung tên là dấu hiệu báo cho ma quỷ biết mà không bén mảng đến.

Về sau trong dân gian, theo lời Phật dạy cũng trồng cây nêu và cũng rắc vôi bột hình cung tên để dọa lũ quỷ dữ không được láng cháng  vào trong nhà vào những ngày hội Tết.

Đấy là ở đình làng.

Còn ở các chùa làng, miễu làng cũng dựng cây nêu có treo cờ vào dịp chuẩn bị mừng xuân mới mà không có lá phướn.

– Đến lễ giao thừa có khi sáng tinh mơ ngày mùng một Tết, người đứng đầu làng cùng vài vị  già làng đến đình đánh lên ba hồi trống đầu năm. Sau đánh trống đầu năm vị đầu làng cùng ban đại diện chính quyền sở tại đi thăm chúc Tết tại các nhà thờ của các tộc họ trong làng. Họ nào chưa có nhà thờ, đoàn chúc Tết kéo đến nhà tộc trưởng để chúc tết. Việc đầu tiên là lễ Tết đầu năm xin được thắp nhang nơi giường thờ tiên tổ, niệm hương, sau đấy là trao nhau lời chúc mừng năm mới, mừng cho dòng họ mãi mãi vững bền, đời đời nối tiếp nhau. Năm mới công việc làm ăn, nông tang cày cấy … gặp nhiều may  mắn.

5/ Y phục ngày Tết

Phải kể từ tháng mười có khi sớm hơn, việc may sắm áo quần mới cho ngày Tết đã được đặt ra. Xưa kia đời sống người dân Quảng Nam có thiếu thốn nhiều bề, song khi đã ổn định được mức sống  có trang trải chút ít, người dân xứ Quảng yên vui tổ chức đón Tết mừng xuân. Những ngày Tết cần phải trân trọng hơn, làm đẹp cho mình, cho người, cho thiên nhiên, đồng thời tạo nên những ngày Tết hợp với quan niệm của  người xưa nên y phục cho những ngày Tết cũng được coi trọng. Ăn mặc sơ sài trong những ngày Tết là một trong những bất kính, vi phạm thuần phong mỹ tục, vì vậy mọi người dù nghèo khó cũng phải may sắm quần áo mới.

May sắm áo quần tết cũng có nghĩa là may sắm cho những ngày lễ hội, từ xưa cũng có những điểm đặc biệt do người Quảng sống lẫn lộn với người Chiêm Thành lâu ngày nên trên y phục cũng có ảnh hưởng phần nào cách ăn mặc của người Chăm. Y phục của người dân Điện Bàn trong những ngày hội Tết, “Ô Châu cận lục” viết: Đàn bà mặc áo Chiêm, con trai cầm quạt Tàu, có nơi dùng nón chóp thay cho nón thượng, mặc quần màu nâu thay cho màu đen, đàn bà mặc áo năm thân, gài khuy thay cho bốn thân gài yếm, tóc thì búi mà không bao như tục lệ Đại Việt và bỏ váy mặc quần[7]. Những ngày hội lễ quan trọng như hội lễ ngày Tết, những nhà giàu có thường cầu kỳ: đàn bà mặc một lần năm hoặc sáu cái áo, áo nọ phủ lên áo kia, màu sắc khác nhau. Chiếc áo trong cùng dài sát đất, có vẻ rất trịnh trọng. Chiếc áo thứ hai ngắn hơn chiếc áo trong cùng nửa gang tay, chiếc áo thứ ba cũng ngắn hơn chiếc áo thứ hai bằng chừng ấy và như vậy cho đến chiếc áo ở ngoài hết, nên người ta thấy đủ các lớp áo với màu sắc khác biệt hẳn nhau. ở ngoài hết lại có chiếc áo chẽn ngắn ngang thắt lưng bằng vải sọc vuông có nhiều màu khác biệt… đàn ông mặc váy thay vì quần cụt và cũng mặc năm hay sáu chiếc áo dài rộng bằng lụa mỏng khác màu nhau, tay áo khá rộng… đàn ông cũng như đàn bà đều để tóc dài. Đàn  bà thường bỏ xõa thả dài sát đất, vì càng dài, càng được coi là đẹp. Nam nữ đều đội nón chóp…”[8]

Còn duyên nón cậu quay tơ
Hết duyên đi sớm về trưa một mình

“Đàn ông phong lưu, quý phái thường dưỡng móng tay rất dài để tự phận biệt với hạng bình dân lao lực. Thư sinh và người khoa bảng ăn mặc một cách nghiêm chỉnh hơn, một chiếc áo dài bằng nhiễu đen, phần dưới không xẻ thành nhiều vạt và không có kiểu  áo nhiều màu như hiểu áo nói trên”[9].

Nay, những người già làng có tuổi thường đã đơn giản hơn về cách ăn mặc so với những ngày từ Đại Việt vào hình thành nên xứ sở. Vào dịp lễ hội Tết người Quảng mặc áo dài lương đen, hai thân, thân trước và sau, bận quần dài màu trắng, đi dù, mang đôi guốc xà lan đẽo bằng gốc tre, cây mức hoặc cây thầu đâu (xoan). Đầu các cụ thường cuốn khăn nhiễu đượng màu đen. Đàn bà mặc chiếc áo dài hai thân bằng vải mỏng một màu cho người già và sặc sỡ cho thanh niên. Có khi gọn gàng đơn giản chỉ mặc chiếc áo bà ba tay ngắn hoặc dài, màu sắc không thật sặc sỡ lắm.

Ngày nay thanh niên ảnh hưởng của văn hóa ngoại, quần áo đã Âu hóa. Có thời kỳ ống quần bó sát vào ống chân, áo sơ mi rộng, dài, vạt lượn cong hai bên hông (gọi là áo lai bầu), đến thời kỳ thanh niên chuộng quần có ống rộng áo bó sát thân mình. Đến nay cả phụ nữ cũng phổ biến bộ y phục Âu hóa cả trong lễ hội ngày Tết. Chân mang dép da hoặc giày da trong nước hoặc ngòai nước. Đầu đội mũ may bằng các loại vải. Chiếc nón chỉ tồn tại với những bà có tuổi hoặc những phụ nữ trung niên.

Trẻ em thường ăn bận những loại áo quần đơn giản nhiều màu sắc đẹp mắt. Ngày nay loại vải thun may sẵn  có in nhiều loại hình vui nhộn chiếm đa số trên thị trường đặc biệt là vào dịp Tết.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

 


[1] Việt Nam phong tục – Phan Kế Bính. NXB.Hà Nội 1999.

[2] Trần Xuân Phong Điền kể. Báo Quảng Nam-Đà Nẵng chủ nhật, số xuân Bính Thìn 1988.

[3] Vải thao, một loại vải thứ phẩm của lụa bằng  tơ tằm

[4]  Nhạc bát âm gồm: 8 nhạc cụ thường sử dụng trong hát bội, hát giáo tuồng, lễ hội, trong quan, hôn, tang, tế… ngày xưa người ta thường sử dụng âm của 8 nhạc cụ khác nhau hòa thành âm sắc mà ta thường gọi là nhạc bát âm. 1/ Bào: đấy là 1 bộ gõ dùng để gõ, tiếng kêu trong hơn tiếng mõ; 2/ Thổ: 1 dụng cụ bằng đất nung, tiếng kêu thanh;3/Cách: cái trống; 4/Mộc: cái mõ âm thanh trầm hơn tiếng bào; 5/Thạch: 2 miếng đá rát mỏng; 6/Kim: cái chuông giống như cái linh; 7/Tư(tơ): cái đờn có 16 dây; 8/Trúc: ống sáo, ống tiêu. Ngày nay nhạc bát âm không còn phổ biến nguyên bộ trong các lẽ hội cũng như trong quan, hôn, tang, tế mà thay bằng kèn, trống, đờn nhị, đờn kìm.

[5] Bà H dán lên cột nhà vào những ngày Tết nhưng cũng chưa hiểu câu đối nói điều gì. Về sau khi ăn Tết xong có người phát hiện cụ T đã dùng cách nói lái trong tiếng Việt, cũng là cách chơi chữ trong phương thức đối.Chúng tam hồ: Đông ba ôi – đôi ba ông . Thiên thượng lưu: ngàn trên trôi – ngồi trên trang

[6] Bái này do nhóm giáo viên khoa học xã hội trường phổ thông cơ sở xã Đại Nghĩa sưu tầm. Người đặt bài văn: Tú tài Mai Xuân Sanh

[7] Ô Châu cận lục Dương Văn An – Nguyễn Lương Bích nhuận sắc. Sài Gòn 1961

[8] Ô Châu cân lục. Sđd

[9] Theo Christoforh Borri – dẫn theo Quảng Nam qua các thời đại – Phan Du. Quảng Nam cổ học tùng thư 1974, quyển thượng.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây