Tết xứ Quảng – Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe – Phần 2

Tết xứ Quảng (Chợ tết ) - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 2

Phần thứ hai

CHỢ TẾT

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

aa - Tết xứ Quảng - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 2

Đất trời vào xuân, cây lá xanh tươi đâm chồi nảy lộc, con người trước mùa xuân thấy dễ chịu, tiết trời ấm áp mát lành làm cho ai nấy trẻ trung hiền hậu, sức sống vươn lên, dấu vết già cỗi được che lấp bởi sức lớn đến điểm đỉnh của quá trình phát triển. Mùa đông đang lùi dần, xuân đến, thời gian tươi trong chờ ngày nguyên đán.

Chợ Tết

Chợ Tết có thể nói bắt đầu từ nửa tháng chạp, nói là “Chợ Tết” chứ thật ra là tiếp tục của chợ ngày thường nhưng hàng hóa phục vụ cho dịp Tết chiếm đa số trong các gian hàng. Thời gian này là lúc tập trung mọi nỗ lực cho Tết vì thế mà chợ đã biến thành chợ Tết. Từ xưa đến nay nơi nào có chợ đều có thể  biến thành chợ Tết vào những ngày giáp Tết, kể cả những chợ rất nhỏ nằm sâu trong xóm.

Tết về, người ta đi chợ Tết, chợ quê bao đời nay nhóm họp xuất phát từ nhu cầu trao đổi hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng. Do nền kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp nên chợ quê bày bán hàng hóa thuần nông, đủ dùng cho nhu cầu làng xã. Nền kinh tế nông nghiệp như vậy kéo dài quá lâu làm cho đô thị, thị xã ở xứ Quảng chậm phát triển và việc hình thành khu thị tứ, thị trấn mới rất chậm. Chợ quê ở Quảng Nam  – Đà Nẵng thường gắn với tên làng tên đất, núi sông. Trong quyển “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc Sử quán triều Nguyễn chép vào đầu thế kỷ này Quảng Nam có trên 30 cái chợ và 12 cái quán. Có  thể đi đến nơi và gặp các chợ như Thanh Chiêm ở Diên Phước tục gọi là chợ Củi, chợ Vĩnh Điện, chợ Phong Thử, chợ Trà Nha, chợ Hải Châu tục gọi là chợ Hàn, chợ Phù Nam ở Hòa Vang còn gọi là chợ Phường Lạc, chợ Hà Điền, chợ Cẩm Lệ, chợ Trà Nhiêu, Chiên Đàn, Bàn Thạch… có thể hiểu được rằng ngày trước mạng lưới chợ phân bố đều từ trung châu đến duyên hải miền núi xa xôi, đâu mà không có chợ để người dân bán buôn mua sắm những thứ cần dùng mà chủ yếu vẫn là hàng nông nghiệp đặc trưng của văn minh lúa nước. Chợ thường tựa lưng vào lũy tre làng, chợ mọc một bên góc sân đình có cây đa râm bóng, chợ xoải chân bên dòng sông bốn mùa mát mẻ, đấy là nơi mít non, cá chuồn tập kết trước khi xuống biển, lên ngàn. Chợ như chợ Phong Lệ quê cụ Ông ích Khiêm nằm cạnh bên đường nơi đổ về phố thị những con hến thơm mùi.

Sớm mai em đi chợ Quảng Huế
Chiều xế em đi chợ Hàn
Một ngày hai buổi chợ
Gặp nàng cả hai
Sớm mai em đi chợ Quảng Huế
Chiều xế em đi chợ Hàn
Một ngày hai buổi chợ
Nuôi chàng chớ nuôi ai

Ngày xưa, làng quê chợ Tết cái gì cũng nhiều từ cái chén, bát ô tộ đến cái chổi quét nhà… mọi thứ bày trên sạp đơn sơ, tre pheo thân thuộc, quê kiểng mà tình. Chợ quê có một lều chính còn bao quanh là những lều nhỏ lợp tranh. Xa về vùng sâu, vùng xa của Quế Sơn, Tiên Phước, vùng miền trung du, chợ là những túp lều lợp tranh rạ, không có lều chính như chợ ở huyện, tổng, hạt.

Chợ Tết là vui, đầu chợ trẻ em níu áo mẹ mải mê nhìn con gà đất xanh, vàng nao nức trên nia mà thích. Chẳng thế người lớn tìm lại ký ức của mình một thời chụm miệng thổi te te. Ngày Tết nhu cầu nhiều không kể xiết, ai có gì đem ra chợ đổi lấy thứ cần dùng: cái rổ, cái rá, chổi rơm bằng rạ nếp, một lứa gà, lứa vịt, dăm ba cái trứng, ít liễn trầu cau… đều mang ra chợ. Làng quê phiên chợ Tết đông vui, không dư dả như hàng rau, hàng thịt, hàng cá, củ kiệu, dưa hành… bày biện đâu ra đấy, người đi chợ đảo một vòng đã mua được bao nhiêu thứ cần dùng. Những trái pháo chuột, pháo tiểu đỏ au, phơi bụng treo lủng lẳng từ trên mái chợ thòng xuống tận sạp tập trung vào đấy hàng bao đôi mắt của dân làng. Có trái nằm xoãi mình trên nia trông ra dáng tết. Rồi những sợi lạt tước ra từ ống tre, ống trúc treo từng hàng như tấm sáo chắn gió đông se, ai cần cứ mua về mà gói bành tét. Lá chuối xếp một hàng phẳng phiu chờ đợi. Củ kiệu, dưa hành, gừng, nghệ … tươi non, ưỡn mình trong gió góp thêm phong vị cho chợ tết thơm hương. Tất cả là sản vật thổ nghi của quê hương kéo nhau lên chợ. Người ta còn tìm thấy ở chợ nhiều thứ tiêu dùng cho Tết phục vụ cho chuyện bếp núc như nồi niêu, đũa bếp đến cái gáo dừa, cái cặp… cũng hóa thân trở thành hàng trao đổi. Lại nữa, những bức tranh quê lung linh màu sắc, người đi chợ Tết có cái nhìn ao ước: tranh bốn mùa mai, lan, cúc, trúc, các lọai tranh chim sẻ đậu cành trúc xỉa lông. Người Quảng cũng thích tranh Tùng lộc loại tranh “cố dĩ” – con nai quay đầu lại phía sau – mới là tranh có giá trị thưởng thức. Tranh quả bồng. Tranh phỏng theo điển tích hay chuyện cổ như Bát tiên, Tố Võ, Khổng  phu tử, Ngũ phụng tề phi… còn có loại tranh cho trí thức, học trò như tranh Lã Vọng, Khương Thái Công, Tam Quốc, Thạch Sanh, Nhị Độ Mai, Quan Âm Thị Kính, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Hội đạp thanh….

Đến chợ Tết ở Quảng Nam người ta ít gặp các ông đồ ngồi “bày mực tàu giấy đỏ” bán câu đối Tết như hình ảnh ông đồ của Vũ Đình Liên ngòai Bắc. Thoảng một góc hương hoa trà quả, mùi trầm thơm lừng nhẹ bay trong gió đã nghe đâu đây mùi tết quê nhà.

Xưa kia xứ Quảng có Hội An là sầm uất, tương đương phố Hiến, hàng hóa đã nhiều, người lại đông vui. Lại có chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Mới, xuôi về quận huyện từ Nam Ô đến Miếu Bông, Túy Loan, Mỹ Thị, chợ Chiên Đàn, Tam Kỳ, An Tân, Trà Kiệu.. đâu mà chẳng có chợ quê đông vui từ bấy đến giờ. Ở quê phiên chợ Tết rộ lên chiều 30, trên đường  người ta thấy từng đoàn người thong thả, tay bưng rổ tiếng đánh đồng xa đi xuôi ngược về phía chợ, vào làng. Người  dân mình đi chợ Tết, có khi trên vai đôi gióng như hai đầu cân, hai cái rổ tiếng hoặc đôi rổ sảo, mủng thúng nhịp nhàng theo bước chân thoăn thoắt nhộn nhịp trên đường làng trộn lẫn bóng tre và bóng nắng. Cứ thế, xuôi về chợ đông vui náo nức.

Nay xã hội phát triển, chợ quê lặn vào lũy tre làng, mất dần vẻ dân gian quê kiểng. Hàng ngoại vào nhiều, hàng Tây bày bán đầy các gian hàng chợ, hàng công nghiệp xuất hiện thay cho hàng nông nghiệp tự cung tự cấp. Cái rổ, cái rá bằng nhựa tiện nghi mau khô dễ rửa; dây lạt, dây mây được thay bằng sợi ni lông gọn nhẹ… Tết về quê qua một phiên chợ chiều 30 hình như ta không tìm đâu ra nếp xưa quê mùa của chợ, yên ắng của làng.

Rồi Tết đến, xuân sang, những cái sạp tre pheo thân thuộc kê hàng, nay làm nơi dân làng khai hội bài chòi hô thai giải trí. Xưa, đến chợ người ta yên tâm không sợ ai lấy đi vài xu, vài hào trong túi nãi, cướp giật thường ít thấy. Hàng đổi trao nhau có cử chỉ chân thành không thách thức trêu ngươi. Nhìn quầy ở chợ bày biện đâu đấy  người ta đoán được sức lao động, khả năng chăm sóc và thu hoạch sản phẩm của người dân. Đến chợ Tết còn là nơi trao đổi kinh nghiệm nhà nông. Chợ quê, người mua kẻ bán bằng lòng. Chợ Tết ở làng quê  ta còn được nghe đổi trao dăm ba câu chuyện thường ngày, chuyện Tết, chuyện bôn ba xuôi ngược làm ăn, chuyện mai sau, chuyện đời, chuyện nợ… Thanh niên nam nữ làng quê đôi khi ra chợ dạo quanh bởi không chỉ đi chợ Tết mà còn:

Trai khôn tìm vợ chợ đông
Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân 

Hàng năm cứ vào mùng ba Tết, trời xuân êm ả, có năm mưa phùn gió núi lành lạnh, có năm mất mùa hay thiên tai địch họa vào ngày đầu năm mới chợ phiên Trung Phước vẫn đông khách. Đây là phiên chợ trung du đặc biệt ở Quảng Nam xưa nay, đã trở thành lệ hàng năm.

Nằm giữa các dãy núi cao ngất từ Trường Sơn chẻ ra băng xuống ôm lấy một vùng trung du sương khói, đấy là thượng lưu và trung lưu của con sông Thu Bồn yên ả. Đến đây bằng đường bộ, phải băng qua đèo Le, đều Phường Rạnh. Chợ phiên Trung Phước ở xã Quế  Trung huyện Quế Sơn có từ bao giờ ? Điều này không có tài liệu chép lại, trong “ Đại nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX phần chợ và quán ở Quảng Nam cũng không thấy chép chợ phiên Trung Phước. Tuy nhiên có thể nói rằng khi cư dân người Việt đến vùng trung du này lập làng, lập xóm, nhu cầu trao đổi hàng hóa kiểu công xã được hình thành và do đó chợ phiên Trung Phước được nhóm họp. Đến nay, đây là một phong tục lâu đời. Gia phả tộc Nguyễn ở làng Đại Bường có ghi làng được nhóm lập từ năm 1781 trở đi. Như vậy chợ phiên Trung Phước có lẽ được nhóm họp trong khoảng thờ gian này. Và từ đó đến nay, qua bao đổi thay của lịch sử, từ chợ Trung Phước cũ đến chợ Trung Phước mới vẫn năm ven sông Thu Bồn là nơi giao lưu trao đổi hàng hóa từ xuôi lên, mạn ngược xuống. Hàng hóa bài trên những chòi sạp là sản vật thổ nghi của vùng. Vào chợ những ngày xuân, người dân nơi đây còn tổ chức hát bài chòi vui xuân, chơi Tết. Trẻ em cũng nô nức đổ về tấp nập đông vui tạo cho chợ phiên Trung Phước có nét riêng của một vùng quê Trung du yên ả thanh bình.

Mờ sáng, tiết xuân se lạnh mang hơi hướm vùng núi Quế Sơn, những người dân làng Khương Hạ, làng Rô, làng Mực, người các  làng Cờ- tu thuộc huyện Nam Giang (giằng cũ), tở mở chân bước rộn ràng về chợ Trung Phước. Họ mang theo trầm hương, sừng hươu, sừng nai, ngà voi, mật ong, cau khô, măng khô… cá được trở từ Hội An lên phục vụ cho miền trung du. Dân các làng dọc theo hai bên thượng nguồn con sông Thu Bồn: Tí, Sé, Dùi Chiêng, Nhụ Sơn, Thạch Bích, Đá Ngang… họ đi bằng ghe từ khi sương núi chưa tan cho kịp về hội chợ Trung Phước.

Đò ghe từ miền ngược xuôi về các làng bộ lân cận tụ tập thành chợ đông vui tấp nập. Mặt trời lên chừng ba con sào là lúc chợ đông và nhộn nhịp nhất của phiên. Từ bến đò Trung Phước, thoai thỏai lách vào hàng tre dọc triền sông, các hàng quán chống cửa bán mở hàng đầu năm. Người ta hỏi thăm nhau, chúc lành năm mới, mời trầu, mời thuốc ngay tại bến sông, dọc đường vào chợ. Những câu chuyện vui buồn trong ba ngày Tết được đem khoe hoặc dãi bài tâm sự cho nhau và có cả những ước mơ, dự định đầu xuân.

Các cô gái, các bà đi chợ bưng theo một cái rổ tiếng, quảu[1] họăc cái thúng không, trên đậy một tàu chuối sứ còn tươi khấp lại. Thúng, mủng trống là để chờ mua lấy cái hên, và chính mua cho được cái hên đầu năm đã là động cơ, mục đích cho phiên chợ mùng ba Tết ở Trung Phước đông vui. Cái hên ấy là một loại cá mương. Đây là một loại cá nhỏ sống phổ biến ở những mương nước chảy, con lớn nhất bằng hai ngón tay người lớn chập lại. Cá sống thành từng đàn dọc theo ven bờ sông Thu Bồn, bơi nhanh, lách giỏi, khỏe thân. “Mương mây chày rủi” là phương châm quan niệm của người dân  vùng trung du Trung Phước, vậy nên ra chợ phiên mùng ba Tết, mỗi năm một lần để tìm mua một con cá mương như thế là đã có cái hên đầu năm. Chợ đông vào giờ cao điểm, cả hàng quán dọc theo hiên nhà hay bên chợ cũng được bày bán la liệt cá mương, người mua kẻ bán thuận lòng.

Mua được con cá mương còn quẫy đạp trong quảu, mủng song các bà, các cô đi chợ còn ghé vào quầy hàng xén tìm một chút mặn mà đầu năm cho cả năm nhớ lâu, bền thắm, đấy là mua muối, mua gừng, mua trầu cau nữa. Thế là đã xong công đi chợ mở hàng đầu năm.

Mặt trời đứng bóng đến ngọ, chợ tan. Người ta vui vẻ ngược dòng Thu Bồn, có tốp thoăn thoắt qua những điền dâu, lũy tre quen thuộc về nhà, mang theo tâm trạng phiên chợ đầu năm, ai không đi chợ Trung Phước đầu năm lấy làm tiếc lắm! Bởi không mua được cái hên của trời đất, nhận lấy cái may mắn của lòng người, mong sao một năm mới đến với nhiều hạnh phúc, đẹp  lòng.

Song, có loại chợ duy trì đến ngày mùng 4 tết, có năm kéo dài đến mùng 6 mới dứt. Đó là trường hợp của “hội chợ xuân hàng năm”. Bắt  đầu vào những ngày từ 20 đến 23 tháng chạp là Hội chợ xuân khai mạc, chợ họp tại nhà khu văn  hóa số 88 Hùng Vương Đà Nẵng, nơi trước đây thời thuộc Pháp là đồn lính khố xanh. Từ năm 1975 sau ngày quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng giải phóng lần đầu tiên năm 1982 (Xuân giáp Tuất) Hội chợ xuân nhóm họp, đến năm Nhâm ngọ 2002. Không chỉ ở  thị thành như Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ mà chợ Hoa Xuân còn xuất hiện ở chợ quận huyện, có khi bên cạnh những giao lộ nơi người tham gia giao thông tấp nập. Các loại hoa được bày bán với đủ sắc màu thiên nhiên tươi đẹp. Liên tục duy trì trong nhiều năm với hình thức hội chợ vừa mang tính sinh họat tinh thần bởi ở đó có các trò chơi giải trí như cờ tướng, lô tô, các gian hàng vui chơi khác, liên tục nhộn nhịp trong các ngày Tết còn có chiếu phim… trẻ em có tham gia tiếng hát “Hoa phượng đỏ”… đồng thời mọi người có thể đến để mua sắm hàng hóa cho nhu cầu ngày Tết. Chính hình thức như vậy đã trở thành những ngày hội chợ không thể không có đối với đông đảo bà con Quảng Nam – Đà Nẵng trong những lần vui xuân đón Tết.

Ở Hội chợ, chúng ta có thể gặp những gian hàng sản phẩm bằng nông nghiệp, nào: đường, gạo, nếp từ Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình… gởi ra góp mặt tạo nên sắc thái quê hương. Thịt bò của Hòa Vang, Thăng Bình, Cầu Mống cũng góp phần mình làm cho hội chợ xuân xứ Quảng phong phú. Măng, nấm, nấm mèo, lá chuối… từ các huyện miền núi kịp thời gởi xuống miền xuôi. Hàng hóa là sản phẩm công nghiệp như bánh kẹo, mứt Đà Nẵng, đồ da, gốm Tam Kỳ với nhiều loại mẫu mã đẹp mắt, bền. Dụng cụ phụ tùng xe đạp Đà Nẵng, hàng hóa bằng thủy tinh từ nhà máy thủy tinh Hòa Khánh… cũng về góp phần làm cho hội chợ xuân ở các quận, huyện, thị thành thêm phong phú. Sản phẩm lên từ biển có nước mắm Nam Ô, Hội An, các loại cá, tôm, cua. Ngòai ra còn có các gian hàng đồ mộc, đồ mỹ nghệ, đồ nhôm, sành sứ, hàng hóa từ núi có đồ đá Ngũ Hành Sơn. Văn hóa phẩm sách báo các loại từ các địa phương trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng góp phần làm cho hàng tết của xứ Quảng thêm đa dạng. Không riêng gì ở Đà Nẵng, từ 20 năm qua các huyện lỵ đều có hội chợ xuân, hội hoa xuân. Hiệp Đức là huyện mới   thành lập từ năm 1986 cũng đã tổ chức được Hội chợ xuân, hội hoa xuân.

Nhìn vào lượng hàng hóa tại Hội chợ xuân trong tỉnh không thể không nghĩ đến thành quả lao động của nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng đã tạo ra chuyển biến trong sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Cùng với Hội chợ xuân là Hội hoa xuân, trước đây Hội hoa xuân chưa ổn định về địa điểm nhóm họp nhưng từ sau ngày giải phóng Hội hoa xuân được tổ chức ngay tại quảng trường Nhà hát Trưng Vương. Chợ Vườn Hoa thuở xưa này là nơi hội họp của hàng trăm các loài hoa là sản phẩm của kinh tế phụ gia đình từ các nơi trên cả tỉnh đổ về tạo nên Hội Hoa xuân rất nhiều loài hoa và cây kiểng quý hiếm do các nghệ nhân chăm hoa tần mẫn tỉa tót qua hai mùa mưa nắng, gió bấc, gió nam hoa vẫn đơm chồi nảy lộc, khoe sắc đưa hương tô đẹp cho ngày xuân xứ Quảng. 20 năm trở lại đây, chợ Hoa xuân đã tụ tập nhiều hoa đến thế cho ngày Tết, lại còn chim kiểng, cá cảnh, non bộ, bể cạn, các loại tranh, lịch…

Từ năm 1999, sau khi đường 2.9 hoàn thành kéo rộng không gian thành phố về phía đông nam, chợ Hoa xuân được dời từ quảng trường nhà hát Trưng Vương về quảng trường 2.9 nơi có tượng đài tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe


[1] Quảu: như cái mủng, thúng nhưng nhỏ hơn

 

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây