Tết xứ Quảng – Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe – Phần 8

Tết của các dân tộc miền núi

Phần thứ tám

TẾT CỦA CÁC DÂN TỘC MIỀN NÚI

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

aa - Tết xứ Quảng - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 8

  1. Người Cơ tu miền núi Quảng Nam ăn Tết Prơ gie râm
Đối tượng suy tôn      :Giàng
Địa điểm                    : các xã Huyện Nam Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng  Nam; xã Hoà Bắc, Hoà Phú thành phố  Đà Nẵng.                    
Thời gian                   : Cuối năm
Đặc điểm                   : Mừng năm mới, cầu được mùa, no đủ.

 

Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, người Cơ tu các huyện miền Tây đất Quảng lại vang lên tiếng cồng chiêng hát mừng năm mới giữa các bản làng. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người Cơ tu. Thời gian cuối năm là lúc công việc sưa sớt, lao động đang là thời điểm nông nhàn. Lúa đã có dự trữ. Rượu t’vạc, tr’đin đã lên men và chín trong ché, trung chum. Đàn ông Cơ tu các huyện Phước Sơn, Giằng, Hiên chuẩn bị các loại rượu tr’đin, t’vạc cho ngày hội Tết Prơ giê râm trước đó đã 3 tháng. Không chỉ có rượu mà còn phải có các loại thú rừng lấy thịt nên việc đi săn bắn vào thời điểm cuối năm rất bận rộn đối với người đàn ông Cơ tu. Từ các loại thú nhỏ như chồn, chim, cheo, mang… đến các loại thú lớn như nai, heo rừng…mang về vui với Tết. Cơm lam, xôi, cơm thường, bên cạnh các món ăn ngày Tết, người Cơ tu còn có loại bánh cook . Đây là một loại bánh được làm bằng nếp (nếp rẫy khác nếp ruộng lầy ở đồng bằng). Trong lúc gói, nghệ nhân không dể lá đót bị ướt, vì nếu ướt, bánh sẽ rất lâu chín và bánh dỡ. Bánh đook được chia gói thành loại: bánh sừng trâu, bánh sừng nai và bánh chim én. Mỗi cái bánh có 3 khía. Cách đặt tên căn cứ vào hình dáng của bánh. Bánh sừng trâu to và mập, sừng nai thon nhỏ, bánh chim én nhỏ và dẹt hơn. Vào những ngày áp Tết, người phụ nữ Cơ tu tập trung làm bánh. Ngoài ra, người Cơ tu còn có loại bánh cút, đây là loại bánh bằng nếp thường có mặt trong lễ hội ngày Tết cổ truyền, có mặt trong lễ cưới, lễ hỏi, mừng lúa mới, lễ đâm trâu và đặc biệt bánh giữ lâu, có thể mang theo bên mình đi xa ăn đường vẫn tốt.

Vào những ngày đầu của năm mới, khi tiếng gà cất tiếng gáy râm ran khắp bản, cùng với tiếng chim ríu rít trên những mái nhà gươl, báo hiệu một ngày mới đang đến. Để mừng năm mới, người Cơ tu từ già trẻ gái trai, trong trang phục mới nhất, đẹp nhất ra khỏi nhà chào đón khách từ làng bên sang, từ Cơ tu dal, Cơ tu đông đến vui năm mới với làng. Trong mừng năm mới của tộc người Cơ tu có hát đối đáp, hát lý mừng vui. Tiếng cồng có múm – goong – được các trai làng khởi động vang lên giục giã hoà với tiếng trống K’thu theo nhịp chiêng dài vang xa tận tới rừng xanh, động đến giàng thiêng. Già làng xuất hiện choàng tấm dồ mới, to bản, rộng với nhiều hoa văn chen kẽ trắng và đỏ, trên đầu búi tó có ghim móng hổ, móng gấu, răng manh con lợn rừng cong như vành trăng khuyết. Cổ vị già làng quàng vòng cườm mỗi hạt lớn bằng ngón tay cái, dài xuống đến dưới bụng. Hai cổ tay già làng đeo các vòng bạc, đồng đen chạm nổi con hổ, con thú. Trên các vòng là lục lạc leng keng khi già làng đưa tay lên xuống. Vị già làng bước lên nhà gươl, nơi khách Cơ tu dal, Cơ tu đông đang chờ sẵn. Tại nhà gươl để bắt đầu cho những ngày đầu năm vui tươi, hạnh phúc, trước sự chứng kiến của dân làng và các khách đến chúc mừng năm mới, già làng bắt tay vào thực hiện nghi lễ cúng cầu an cho làng trước thềm năm mới. Vị chủ lễ đọc:

Hương trầm từ bên phải xin dâng giàng núi!
Hương trầm từ bên trái xin dâng giàng sông!
Hôm nay đây từ già đến trẻ,
Cả dâng làng dâng lễ thần linh
Ở sân có con trâu đực to không dị tật,
Trong gươl có ché rượu không chua!…

Đọc xong lời cầu an, vị chủ lễ tay cầm cái tua móc chấm xuống chén zahương đựng rượu cần, vẩy vẩy rồi từ từ tung lên các dải, các tua được trang trí tại nhà gươl.

Các tua trang trí tại đây có hình như chân gà trống chưa móc vào các dải xem như giàng chưa về ngự trị tại làng.

Chiêng goong, trống k’thu lại khởi động vang lên mong động đến giàng, phải giục lên ba hồi cho các linh hồn nghe rõ mà về với dân làng! Sau ba hồi cồng chiêng trong tiếng k’thu, già làng lại cất lên bài cầu an:

 Lạy trời cao, lạy đất rộng
Lạy rừng núi, lạy suối sông
Lạy linh hồn ông, lạy linh hồn bà,
Lạy linh hồn cha, lạy linh hồn mẹ…
Hôm nay đây, từ già đến trẻ,
Cả daâ làng xin dâng lễ thần linh
Cầu cho dân làng ấm no sung sướng
Cầu cho buôn làng hạnh phúc, giàu sang.

  Đoạn, vị chủ lễ ngừng đọc, cầm tua móc như chân gà trống, chấm vào chén zahương rồi vẩy vẩy, tay kia rắc nhắm gạo rồi nghiêm trang tung tua móc lên cao. Lần này tua móc đã dính vào các dải. Theo tập tục Cơ tu từ xưa như vậy là đã được các thần linh ứng báo chứng giám ngày hội hát đối của dân làng. Đước giàng đồng thuận, tất cả dân trong làng vui vẻ bởi như thế là năm mới đến lúa bắp sẽ tốt tươi, trâu bò heo gà sẽ không bị bệnh , dân làng sẽ không bị rủi ro hoạn nạn, chết xấu…

Già làng mời các vị khách cùng uống rượu và nói lý: “Ơi các khách làng trên có cái đầu nghĩ cao như ngọn núi trên Hiên, trên Giằng. Ơi các khách làng dưới có cái sức mạnh như dòng sông A Vương!” Sau mấy lời lý khiêm tốn với khách, tiếng trống k’thu và chiêng goong lại ngân lên, vị già làng hát lý trước.

Bao nhiêu đất lặng lẽ vun đồi,
Bao nhiêu đồi âm thầm gom núi,
Bao nhiêu núi non xanh kỳ vĩ,
Bát ngát rừng, hùng vỹ quê hương.

Bài hát vừa dứt, tiếng bàn tán xôn xao: “giọng ngâm hay quá, bài hát chí lý quá!…” Hát xong, theo tập quán vị già làng được mời uống một chén rượu zahương. Sau đó mọi người cùng mơì nhau uống rượu cần. Một lát sau, các vị khách đáp lý: “Ơi các già, ơi các trai gái bên làng, người làng chúng tôi cái đầu nghĩ chỉ cao bằng đất của con dế đùn, sức làng chúng tôi chỉ bằng sức con nòng nọc dưới suối. Làng chúng tôi vừa được nghe lời hát ngọt như mật ong rừng, vời vợi cao như đỉnh núi A Lưới, sâu thẳm lời tổ tiên bên dòng sông A Vương…”. Lại mời nhau chén zahương. Lát sau làn điệu dân ca blơnoóch cất lên:

Nhiều giọt nước hôn nhau thành suối,
Nhiều con suối ôm nhau tạo sông,
Nhiều dòng sông sum vầy biển cả,
Xốn xang lòng sáng tỏ làng buôn.”

Lời háy lý đáp lại đã xong, tiếng cồng goong hoà với tiếng k’thu nổi lên dồn dập, lắng sâu. Chủ và khách lại vừa mời nhau ăn uống vui vừa hát đối đáp giữa các làng với nhau theo làn điệu dân ca truyền thống Cơ tu. Trước khi hát lý đáp lại bao giờ cũng có đoạn nói lý trước: “Ơi người làng có tấm lòng rộng như núi rừng bát ngát, ơi người làng trên có giọng hát mênh mang như dòng A Vương. Buôn dưới chúng tôi, giọng hát như con ếch kêu từ khe suối. Lời đáp của chúng tôi ngắn như ngọn cỏ”. Xong lại hát lý:

          Quá khứ không vĩnh viễn,
          Hiện tại xao xuyến lòng,
          Tương lai rạo rực tim,
          Mãi mãi hội hát xuân.

Các cô gái Cơ tu trong trang phục lễ hội dịu dàng bưng những ống bương, ống tre vỏ bầu khô trong có nước lấy về từ suối đổ vào các ché rượu cần được xếp thành dãy trong gươl. Trồng lớn chagơr hoà âm cùng tiếng thanh la (sênh) – chiêng bằng – chiêng goong vang vọng khắp núi rừng.

Giữa sân làng đã có con trâu lông trắng cột vào nài, sừng dài nhọn, to béo và không dị tật chuẩn bị tế giàng. Các chàng trai, cô gái Cơ tu từ Giằng, Hoà Vang, Đại Lộc lên, từ Nam Đông, A Lưới sang có cả anh em người Kinh cùng dự, tất cả dập dìu nháy múa theo điệu t’tung t’tung da dă truyền thống của dân tộc Cơ tu trong niềm vui đón mừng năm mới [1].            

Trong lễ hội Tết Prơ giê râm, mọi nhà đều trang trí đẹp mắt. Các loại dụng cụ ghẻ, cung, nỏ, mác…dùng cho đi săn bắn được lau chùi cẩn thận cất đặt cho mùa săn kỳ tới. Các loại chiêng, trống, thanh la (sênh), được lau chùi sạch sẽ để vào hội múa hát mừng năm mới. Ở nhà gươl, trai làng xúm lại dựng cây nêu đâm trâu bằng cây gạo, được chạm trổ hoa văn đặc trưng dân tộc Cơ tu, đẹp mắt. Trong Tết, sinh hoạt văn hoá được tổ chức tại nhà gươl, con trai con gái vui chơi, hát các làn điệu, tnướt, nnơơi – hát cúng – điệu clâu, lênh, đặc biệt là hát lý ba boóch –hát giao duyên – múa t’tung da’ dă. Hát ba boóch cũng ứng khẩu (kiến tại) như hát lý, nói lý nhưng khác là có vần điệu. Hát ba boóch thường thể hiện tình tứ của đôi nam nữ (cũng có trường hợp dùng ba boóch để giải hoà công việc), hay căn dặn con cháu ăn ở phải lẽ, rằng am răng a’băng chặt prơ đươi u cân/ tre gìa măng mọc đều có lợi đấy con. Hoặc đôi khi hát ba boóch để khen hay chê một người nào đó. Hát ba boóch cũng có ẩn dụ để ví lên sự việc, dùng hình tượng để giải bày, hát có nhiều tầng nghĩa tuỳ thuộc trình độ, khả năng của người ba boóch. Ví dụ, sau đây là một bài ba bóoch của cô gái nhớ người yêu:

  Cha boóc hi poong vau, amây vêy iêm loom
  Adô hi’loom cu bơr’bla ta pưn a’ao
  Dêy Lăng anoo mây bơr’bai ắt k’tang Jiếh anoo.
  Cha booc hi crao crơng ipêê vêy iêm loom zơ’rhiêu
  Adô hi loom cu bơr’blă’h cu ta pưn adóh
  Dêy Nhíah anoo mây ắt k’tang pêê Nal bơr bai choóh ưi anoo! [2].
  (Con trĩ vui hót với đời, khổ tâm ai úa mòn nỗi nhó,
  Anh đang vui say nơi đất Jiếh, có biết em trông, em chờ,
  Hỡi bồ chao rừng hót vang, khổ tâm em héo mòn nỗi mong,
  Anh giờ ở đâu, có phải nơi đất Nal gái xinh, gái đẹp đó ư!

Hoặc sau đây là một bài hát trong một vụ cướp vợ người khác tại làng bên, mâu thuẫn căng thẳng, đòi đầu trả đầu, không giải quyết được, một phụ nữ còn rất trẻ thấy thế, cô dùng ba boóch, vừa đi vừa đập tay vào đùi mình vừa hát, rằng:

  Ta huung li hoóp toóp lư lêêp
  Tục đha’nuc đha’nu, tu ni nâu apêê tr’tắc
  Ta hu ung li hoóp trêêh lư lêêp
  Tục đha’nuc đha’nu tu ni’nâu apêê tr’lêệng.
(Cái “rãnh” nhỏ mà loá lên lưỡi mác, nhiều kẻ bỏ xác.
Cái hang như lố kiến, mà lắm phiên tan tác giết nhau.

 Đôi bên nghe chí lý giải quyết êm đẹp, không vì “cái hang chỉ như mỏ con chim gõ kiến” mà phải liều phi lý. Song ở đây cho thấy  nơi nào, thời đại nào xung đột xảy ra chỉ vì “gái và đất” nên cảnh giác, không đùa.

Lễ Tết các dân tộc thiểu số vùng Tây Quảng Nam chính là lễ mừng lúa mới, nhưng nay, ngoài lễ Lúa mới người Cơ tu cũng chọn ngày Tết cổ truyền của người Kinh để ăn Tết. Họ chọn một ngày trong 3 ngày Tết, tập trung tại nhà gươl ăn một bữa cơm chung, thức ăn và các loại bánh được tự nguyện mang đến. Tại đây, họ chúc nhau một năm mới hạnh phúc, trong năm gặp được nhiều điều may mắn. Khi rượu tr’đin, t’vạc ngấm say, đàn ông, con trai múa vòng điệu t’tung, đàn bà con gái múa điệu da’dă nhộn nhịp theo lối vòng tròn đúng nhịp chiêng trống. Điệu t’tung của đàn ông vừa múa vừa hú rất sôi động, còn đàn bà con gái khi múa đưa hai tay lên trên đầu, chân lết đi, mắt nhìn thẳng và xoay tròn thân theo nhịp trống chiêng êm dịu, nhịp nhàng, phô ra vẻ đẹp của người con gái miền sơn cước.

Các món ăn trong ngày Tết Prơ giê râm của người Cơ tu

Chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho ba ngày Tết, người Kinh thường đến chợ Tết mua sắm thì người Cơ tu tự chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho ngày Tết Prơ giê râm của mình theo phương thức tự cung tự cấp. Cuối năm thường là lúa đã cho vào nhà kho, công việc sớt sưa, đàn ông Cơ tu chuẩn bị các loại rượu cần t’vạc, tr’đin họ còn lên rừng đặt các oại bẩy đánh bắt muông thú về ăn Tết. Chồn, cheo, mang, khó nhất là heo rừng, đôi khi săn được nai nữa.

Để dự trữ thịt dài ngày cho Tết, người Cơ tu dùng phương thức sấy khô, người phụ nữ được phân công làm việc này (giống như người Bana chỉ có phụ nữ mới ngâm rượu cần để lên men, chỉ cái say, cái ngon dành cho phụ nữ!), họ chọn những đùi thịt ngon nhất, xắt mỏng vuông vức, ứơp muối, phơi khô hoặc sấy, xong treo lên giàn bếp để dành. Bếp của người Cơ tu hay người miền núi nói chung đỏ lửa cả ngày đêm. Cũng có thể xắt thịt ra thành từng miếng nhỏ, ướp muối ớt trong 3 ngày, đem nướng lửa, thịt nguội cho vào ống nứa, bịt chặt, bỏ tro lên, ủ lại. Cách chế biến bảo quản này có thể để dành dài ngày, thịt vẫn ngon. Ngoài thịt chế biến còn có thịt ăn liền trong 3 ngày Tết như gà, chim, heo… Trong những ngày tết, người Cơ tu còn có món gọi là zơ rá. Món zơ rá bằng thịt cá, thịt chim, hoặc thịt thú rừng…Người phụ nữ Cơ tu chọn các loại rau như chuối bắp, cà chua, bẹ môn, cải, các loại rau rừng khác…để làm.Trước hết cho vào ống nứa một lớp rau, sau đó cho thịt cá, chim… vào rồi lại cho thêm một lớp rau nữa lên trên. Khi ống nứa đầy, bịt chắc và cho lên lửa nướng. Sau khi nướng chín, dùng một đoạn mây khuấy đều, món zơ rá sền như kem. Đây là món ăn ngon trong những ngày tết, do đó đến tết gia đình Cơ tu nào cũng chế biến món ăn này mừng năm mới, ăn zơ rá uống với rượu t’vạc, rượu t’đin thì ngon tuyệt.

  1. Tết Kă p’lei của nguời Ca doong
Đối tượng suy tôn      :Giàng
Địa điểm                    : các xã nam, bắc Trà My, xã Phước Gia, Phước Trà huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.
Thời gian                   : Cuối năm hoặc tháng Giêng
Đặc điểm                   : Mừng năm mới, cầu được mùa, no đủ.

 

Người Ca dong có chừng 8.000 người, sống tập trung ở Nam Trà My, Bắc Trà My và một số tại xã Phước Gia, Phước Trà, huyện Hiệp Đức. Làng gọi là plơi, nhà gọi là spôk nóc. Lễ Tết của người Ca dong gọi là kă p’lei thường tiến hành vào ngày đầu năm theo nông lịch Ca dong, tức tương đương trong tháng Chạp, tháng Giêng (so với người Kinh), là thời gian từ khi lúa rẫy mùa trước gặt hái mang về chòi đến khi có lễ làm phép phát rẫy gọi là len a chem để chuẩn bị mùa sau. Cũng có thể quan sát khi nghe tiếng chim pút poong  hót vang lừng “bắt cô trói cột” trên những cánh rừng Trường Sơn bạt ngàn xanh thẫm là lúc người Ca dong tỉa lúa, bắp… đến khi tiếng chim pút poong chuyển tiếng hót từ “bắt cô trói cột” (như cách nói người Kinh) cao, trong sang giọng trầm là dấu hiệu kết thúc mùa nương rẫy. Theo đó, lễ Tết Kă p’lei tiến hành khi kết thúc một vụ mùa, chuẩn bị mở ra một năm mới đầy hứa hẹn cho cuộc sống, là ước vọng cho ấm no hạnh phúc cho nócplơi. Chủ trì lễ hội Tết – kă p’lei – là vị chủ làng, có uy tín được dân trong làng cử ra tổ chức nhằm giữ gìn và phát huy phong tục, tập quán tốt của dân tộc mình. Để tiến hành lễ Tết, già làng và vị padâu tareo – thầy cúng – chọn ngày lành xin phép thần linh, khi thần linh đồng ý, họ thông báo cho plơi biết nhằm chuẩn bị cho lễ hội kă p’lei. Trong nhà đã có nhiều ché rượu cần khằm sẵn chờ Tết, bánh trái được các cô gái chuẩn bị thực hiện, giã nếp làm bánh păk, làm bánh thiêng. Bánh thiêng làm từ bột gạo lúa padâm, gói bằng lá đót [3] Làng phân công thanh niên trai tráng vào rừng chặt lồ ô, nứa, bứt lá cây thiên niên kiện về trang trí cây nêu, cây huê (cột đâm trâu).

Người Ca dong coi trọng Tết đầu năm, mỗi làng tổ chức ăn Tết mỗi ngày riêng, tuỳ theo làng, hễ làng nào thu hoạch lúa trước thì ăn Tết trước. Khi ăn tết, họ mời bà con thân thuộc hoặc sui gia từ các làng khác bên cạnh sang nhà cùng vui Tết năm mới. Do đó, Tết kă p’lei của người Ca dong miền Tây đất Quảng kéo dài cả tháng là vậy.

Ngày thứ nhất dâng cúng tổ tiên và các thần linh cùng về dự Tết với gia đình và dân trong làng. Lễ được cử hành cúng ngay tại bếp khi lửa đang bốc cháy. Tại lễ, người phụ nữ chia cho mỗi thành viên trong gia đình một ít bánh thiêng. Tục quy định rằng sau khi ăn hết bánh, tự tay mỗi người cầm lá đót gói bánh ném lên mái nhà làm phép để có bánh cho mùa tết sau, có hên cho năm mới. Khi ném lá đót lên mái nhà, phong tục Ca dong cho rằng nếu lá đót rơi về phía bếp thì năm đó thế nào người ấy cũng đau một trận thật nặng, hoặc có một thời gian đi hoặc sóng xa nhà; còn nếu ném lá đót bay thẳng lên trời rồi rơi khỏi bếp thì đấy là một điềm vui, suốt năm khoẻ mạnh. Sau lễ cúng tại bếp, không khí trong nhà rộn ràng hơn, các thành viên trong gia đình nấu bánh, làm thịt heo, gà để ngày hôm sau đãi khách. Chuẩn bị 4 con vật đặc sản Ca dong là rắn mối, rắn nước, chuột và kắc ké cho ngày hôm sau mời khách quý. Tuy nhiên trong những ngày Tết, người Ca dong kiêng không ăn những con vật, thú có màu đỏ như con bò, con mang…và chó được xem như vật linh (tô tem) nên không bao giờ người Ca dong giết thịt. Đây là điều kiêng kỵ tuyệt đối.

Ngày thứ hai, cả làng ra bến nước gần làng cúng thần máng nước, gọi là lễ co dooc bẹn, krát lang tak. Trước khi cử lễ máng nước các mương rãnh được khai thông, đường nước chảy được dọn sạch cỏ. Lễ cúng kiền dụng các phẩm vật: một con gà trống tơ chưa gáy lần đầu, một con heo, một ché rượu. Chủ làng – kră plơi- cắt tiết gà ngay tại máng nước, xong đổ tiết gà xuống nguồn nước cho dân làng dùng ống lồ ô hứng nước ấy về dâng lên giàng và tổ tiên mình. Tập tục quy định với ý niệm rằng máng nước là nơi phục vụ chung dân làng, còn tượng trung cho sự thịnh vượng cho cả làng nữa. Tại lễ cúng, cầu cho vụ mùa trong năm được bội thu, dân trong làng khoẻ mạnh.

Suốt thời gian có lễ máng nước, người Ca dong cữ tuyệt đối không được săn bắn, bắt cá, đi rẫy, người nhà, hàng xóm nội bất xuất ngoại bất nhập như cách nói của người Kinh, kể cả khách cũng không được vào làng trong thời gian hành lễ. Chỉ có người làng và chiêng trống được gióng lên vang lừng một góc núi rừng, vì lễ  co dooc bẹn krat lang tak  là lễ thiêng, máng nước là nơi thần trú ngụ nên phải giữ được nét thiêng linh [4]. Bên cạnh máng nước, trai tráng trong làng dựng cây nêu hai tầng, trong lúc đó chung quanh làng thì trang trí sợi dây phép bằng những sợi lạt nứa chẻ nhỏ, dẻo có cột những lá thiên niên kiện treo quanh làng và trên mỗi mái nhà. Lối đi chính dẫn vào làng, người Ca dong đặt hai tượng người tay nắm thanh kiếm được đẽo từ cây dương xỉ nhằm mục đích trừ ma quỷ không vào làng được.

Lễ cúng xong, các chủ nhà đi đến chủ làng dự lễ dâng rượu cho thần linh và cầu phúc cho dân làng, sau đấy họ tổ chức lễ bít pô – đâm trâu ở mỗi gia đình (chỉ những nhà có trâu), nếu hộ khá giả thì tổ chức ăn trâu huê còn nếu nghèo hơn một chút thì ăn trâu lừng gưng kèm theo nghi thức nhảy cơm [5] chung quanh bàn thờ trong nhà, vừa nhảy vừa ném cơm vào nhau và reo hò vui nhộn trong tiếng cồng chiêng, trong men say là ngà của rượu [6] .Theo tập tục, nếu người nào dính cơm, xôi vào người nhiều, đấy là điềm báo sự may mắn cho cả năm.

Sau lễ ăn trâu, họ đi đến từng nhà thăm viếng nhau, chúc mừng năm mới thắng lợi trong niềm vui dào dạt. Đến đêm xuống, bên ánh lửa bập bùng, trên khoảng sân rộng, dân trong làng, cả con trai, con gái, người già và khách, tập trung sinh hoạt lửa, đánh chiêng và hát ra nghé – đối đáp – hát plét – ngẫu hứng. Tụm lại một đôi chỗ, người già ngồi kể chuyện cổ  –  tabuool, họ đâm trâu huê, đánh đàn kalong vút, nhảy ca vố và mời nhau uống rượu cần, thức vui chơi đến sáng.

  1. Người Giẻ Triêng với phong tục Tết Cha kcha
Đối tượng suy tôn      :Giàng
Địa điểm                    : Huyện Nam Giang, Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Thời gian                   : Cuối năm hoặc tháng Giêng
Đặc điểm                   : Mừng năm mới, cầu được mùa, no đủ.

Đối với người Giẻ triêng, người Ve huyện Nam Giang, Phước Sơn miền Tây Quảng Nam, khi cây đót (cây đót làm chổi quét nhà) bắt đầu trổ hoa, toả hương thơm ngát cả một vùng rừng là thời gian dân tộc Giẻ triêng chuẩn bị bước vào hội Tết cổ truyền Cha –kcha. Sau Tết, theo thời vụ người Giẻ triêng nghỉ ngơi suốt tháng trước khi chuẩn bị bước vào một vụ mùa mới với một năm mới, hy vọng đầy may mắn.

Tết Cha- kcha của người Giẻ triêng không thể ấn định ngày cụ thể mà tuỳ thuộc vào vụ mùa. Vụ đến sớm thì Tết sớm, ngược lại thời vụ chưa thu tuốt lúa xong thì Tết đến sau. Do vậy tuỳ theo thời tiết từng năm tổ chức Tết Cha – Kcha. Để chuẩn bị chu đáo cho Tết, đàn ông Giẻ triêng vào rừng đốt than, họ chọn loại cây rừng chắc nhất, để có than tốt cho tro đượm nhất (như than cốc). Than đốt xong mang về nhà cất giữ, sau những ngày đốt than trên rừng về, họ nghỉ ngơi suốt tháng lo sửa sang lò rèn, rèn cuốc, dao, rựa, xà gạt chuẩn bị cho vụ mùa mới năm sau. Trong khi đàn ông lên rừng đốt than thì cùng thời gian ấy, phụ nữ Giẻ triêng cũng bận bịu không kém, họ cũng vào rừng, hoặc lên các triền núi chặt đọt đòng đòng của cây đót về. Kế là giã gạo, quệt thành bột làm các loại bánh. Lúa mới, sau khi giã thành gạo đem trộn với ngọn đót đòng đòng, muối, ớt, hoặc đem nấu canh trộn với bột gạo, đây là món ăn chính trong những ngày đón Tết Cha – kcha [7] của người Giẻ triêng. Ba tháng trước Tết đã có rượu được ủ từ loại nếp thơm, nếu thiếu nếp có thể dùng sắn để ủ rượu. Ngoài rượu, bánh còn có các loại thịt dơi, thịt chuột, rau dớn…là các món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Giẻ triêng. Trong lễ Tết Cha – kcha, gia đình  khá giả có cả trâu, heo, gà, vịt để tế thần linh, yếu về kinh tế không có cũng không sao.

Người Giẻ triêng kiêng liền 7 ngày trong lúc đàn ông lên rừng đốt than, con gái lên rừng bẻ đọt đót đòng đòng: cổng nhà của người Giẻ triêng treo một nhành gai làm dấu. Cả nhà, cả làng phải kiêng không ăn thịt cá và thịt thú đã phơi khô.

Trong tập tục Tết Cha – kcha, người Giẻ triêng, các con vật gà, heo, trâu bị giết lấy máu làm vật hiến sinh, được vị chủ làng dùng bôi vào cột nhà mỗi gia đình xem như để xua đuổi tà ma ra khỏi nhà, cầu mong giàng phù hộ cho dân làng một năm mới an khang thịnh vượng, lúa bắp đầy nhà, trâu, bò đầy đàn, heo gà chóng lớn, còn mọi người luôn thương yêu nhau, không có tị hiềm.

Tại nhà rông, là nơi tổ chức vui chơi nhân dịp Tết Cha – kcha, các gia đình trong làng mang canh đọt đòng đòng, gan heo, gà…trộn vào nhau mang đến thưởng thức, chung vui ăn uống, uống rượu nếp, rượu sắn, những gia đình thiếu ăn cũng được phân phát cổ phần. Tại nhà rông có tục người già kể khan, thần thoại, cổ tích về làng, về các anh hùng chiến đấu xây dựng làng… cho lớp con cháu nghe, học tập. Người già bày vẻ cho lớp con cháu biết đan gùi, chẻ lạt, biết đan các loại giỏ, biết rèn xà gạt…, biết dệt tấm dồ, tấm tút, biết nấu nướng những món ăn cổ truyền trong dịp Tết, lễ hội…

Tết Cha – kcha, còn là dịp cho các đôi trai trẻ nam nữ chưa vợ, chưa chồng tìm hiểu, tỏ tình nhau. Họ được quyền tự do nằm chung tại nhà rông mà không sợ vi phạm luật tục vì đã được sự cho phép của làng, của gia đình. Nếu đôi trai gái nào vi phạm, có thai, luật tục Giẻ triêng sẽ điều chỉnh nghiêm túc, không tha thứ. Do cách tỏ tình như vậy nên nhiều đôi tình nhân, nhân Tết Cha – kcha đã nên vợ thành chồng.

  1. Ngày Tết của người Pơ noong
Đối tượng suy tôn      :Giàng
Địa điểm                    : Huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam                             
Thời gian                   : Tháng 10 dương lịch
Đặc điểm                   : Mừng năm mới, cầu được mùa, no đủ.

 

Tết Nguyên đán bắt đầu một năm mới, một mùa xuân mới trong chu kỳ xuân, hạ, thu, đông với nắng ấm và tưng bừng hoa nở. Nhưng với người Pơnoong ở Phước Sơn tỉnh Quảng Nam, ngày “Tết” là những ngày hội sau khi tuốt lúa, khép lại một chu kỳ sản xuất nương rẫy. Ngày hội ấy bắt đầu vào khoảng tháng mười dương lịch, khi ở đồng bằng miền Trung còn mưa lụt và gió mùa đông bắc, khi tín hiệu Tết của người Kinh chỉ mới bắt đầu từ những tờ lịch trên các cửa hiệu, ki ốt, thì người Pơnoong đang nhảy múa, ca hát vui mừng ngày “Tết” của mình trên quê hương miền thượng Trường Sơn hùng vĩ với mưa phùn, mây núi âm u.

Người Pơnoong gọi ngày hội này là cha plẩy. Mỗi năm đồng bào Pơnoong chỉ làm một mùa lúa rẫy, độ tháng chín là lúa bắt đầu chín tới. Trước khi suốt lúa, cả làng cúng nguồn nước và cũng kể  từ lúc này ” nội bất xuất, ngoại bất nhập”, cử người ngoài vào làng và người trong làng không được đi đến các làng khác. Theo phong tục, trước khi suốt phải cúng hồn lúa để tạ ơn thần linh và cầu mong mùa sau hạt lúa trên nương nhiều hơn. Người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình lên rẫy suốt lúa đầu tiên về hong khô giã gạo nấu cho cả nhà ăn bữa cơm mới đầu tiên. Trong ngày thu hoạch đầu tiên, người phụ nữ suốt trước, sau đó các thành viên trong gia đình mới được suốt. Đồng bào Pơnoong quan niệm khi gùi lúa từ rẫy về kho đi qua suối phải căng sợi dây chỉ hoặc nhành cây nhỏ ngang qua cho hồn lúa theo về, nếu hồn lúa không theo về được thì mùa sau sẽ xấu, sẽ thất bát. Khi các bếp trong làng đều đã suốt xong, hồn lúa đã yên vị trong kho, chủ làng mới định ngày “cha plẩy”, thường bắt đầu vào thời điểm trăng tròn. Quá trình chuẩn bị cho đến ngày ” cha plẩy” là 7 ngày. Sáu ngày đầu là ủ rượu, làm bánh, vào rừng săn bắt tìm thịt, cá. Rượu của người Pơnoong làm từ sắn ủ men, chứa trong các chiếc đốc, có hai loại bánh không thể thiếu là bánh  kót và bánh bel. Bánh kót làm bằng gạo hoặc nếp gói với lá dong, có hình chóp. Bánh  bel làm bằng bột gạo, hình vuông. Món cá ủ chua cũng rất được ưa thích trong những ngày “cha plẩy”.

  Đến ngày thứ 7 là xoá cử, người các làng được qua lại với nhau và ngày hội “cha plẩy” bắt đầu. “Cha plẩy” kéo dài chừng một con trăng và bắt đầu từ ngày nào là tuỳ từng làng. Mỗi làng Pơnoong gồm nhiều bếp ( tương tự như một gia đình), các bếp lần lượt “cha plẩy” cho đến bếp cuối cùng là kết thúc. Ngày xưa, cả làng Pơnoong là một căn nhà dài, có khi đến 30 – 40 bếp cùng sinh sống, mỗi bếp gồm vợ chồng, con cái và cha mẹ già. Căn nhà chia làm hai phần bởi một hành lang ở giữa chạy từ đầu hồi bên này sang đầu hồi bên kia. Trừ gian giữa dùng làm nơi sinh hoạt chung của làng, hai bên nhà được ngăn vách cho từng bếp. Bếp nào “cha plẩy” thì mời các bếp khác đến chung vui, mời cả họ hàng, sui gia ở các làng khác cùng đến. Mọi người ăn uống no say và ca hát, nhảy múa. Rượu được mời tất cả mọi người, ngon nhất là uống nước đầu, đốc rượu vơi thì châm thêm nước vào. Bánh, thịt, cá được dọn hết cho mọi người. Khi chếnh choáng men say, người Pơnoong ứng khẩu ca hát các làn điệu dân gian, ca ngợi rượu ngon, thịt cá nhiều, cầu mong những điều tốt lành, mùa màng bội thu. Chiêng trống nổi lên rộn ràng, mọi người nhảy múa quanh bếp lửa gian nhà chung. Không khí tưng bừng, rộn ràng, no say của những ngày “cha plẩy” lần lượt diễn ra cho đến bếp cuối cùng trong làng. Các bếp có họ hàng, sui gia ở các làng khác lại tiếp tục được mời đến dự hội “cha plẩy”. Ngày “Tết” của làng cuối cùng kết thúc cũng là thời điểm kết thúc “cha plẩy”.

Ngày nay, bên cạnh chung vui ngày Tết của cả nước, nhưng ngày “cha plẩy” truyền thống của người Pơnoong vẫn được bảo lưu trong đời sống, là nét văn hoá đặc trưng cần gìn giữ và cách tân. [8]   

  1. Lễ hội Choóc đăil đón mùa xuân của người Triêng (còn gọi là lễ hội đinh – tút)
Đối tượng suy tôn      :Giàng
Địa điểm                    : Huyện Nam Giang, Tây Giang tỉnh Quảng Nam                             
Thời gian                   : Ngày đầu tháng Giêng âm lịch
Đặc điểm                   : Mừng năm mới, cầu được mùa, no đủ.

 

Người Triêng là một bộ phận của tộc người Giẻ Triêng, địa bàn cư trú của họ chủ yếu trên vùng Trường Sơn – Tây nguyên. Tại Quảng Nam, người Triêng cư trú chủ yếu tại các huyện Nam Giang, Tây Giang. Cuộc sống người Triêng có phần  giống như tập quán người Giẻ Triêng miền Tây đất Quảng. Họ  chuyên về ruộng rẫy và săn bắn. Nương rẫy là nơi họ cày cuốc lâu đời nhất, cùng với vốn văn hoá ra đời gắn liền nương rẫy đã giúp họ tồn tại và phát triển trên miền rừng núi Quảng Nam.

Hằng năm để đón mùa xuân về, người Triêng hoà vào cùng thiên nhiên khi mùa mới lập xuân, chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức đón mùa xuân bằng hình thức mở hội Choóc đăil vui chơi, ca hát, đánh nhịp cồng chiêng vang động núi rừng. Lễ hội Choóc đăil của người Triêng thường trùng vào dịp lễ hội Tết nguyên đán cổ truyền của người Kinh. Đây là thời kỳ vào xuân, tiết trời ấm áp mát lành, hoa phong lan nở vàng cả cánh rừng, khi con chim chơ rao từ rừng sâu bay về đậu trên nóc nhà cượt, nhà rung và nhà của dân làng cất tiếng hót vang, ấy là lúc mùa lễ hội gọi mời người Triêng vui chơi, ca hát bằng tiếng kén đinh tút véo von. Thời kỳ này lại là lúc nông nhàn, lúa trên nương đang độ lên xanh, bắp ngô đang thì ra huê, kết trái… cũng là thời gian mọi người Triêng vùng Tây nguyên -Trường sơn và các xã La Dêê, Dăk Pre, Dăk Pring.. thuộc huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam mở hội Choóc đăil mừng xuân.

Thoạt tiên khi mùa xuân về, người Triêng cảm nhận được qua tiếng gió, tiếng lá rơi, tiếng chim vang rừng núi, thời tiết từ mưa dầm chuyển dần sang khô ráo, họ lần lượt vào rừng tìm loại trúc ống dài về làm cây sáo đinh tút vui hội Choóc đăil. Và, vì trong lễ hội Choóc đăil mừng xuân, tiếng sáo đinh tút là chủ lực nên người Triêng còn gọi lễ hội này là lễ hội Đinh tút nữa.

Lễ hội Choóc đăil của ngưồi Triêng miền Tây đất Quảng giống như nhiều lễ hội khác của đồng bào dân tộc miền núi là cầu cho được mùa, cầu bình yên, cầu mưa thuận gió hoà, người dân no đủ, trong nhà và trong làng mọi người thương yêu nhau để phát triển dòng tộc đời đời, bản làng bên vững.

Không chỉ chuẩn bị sáo đinh tút mà nhà nhà người Triêng con lên rừng săn bắn, chuẩn bị các loại thịt thú rừng, cả thịt gà, heo được nuôi trước đó ít lâu. Lại còn các sản phẩm thổ nghi có tại địa phương như măng tươi hoặc khô, cá sông suối tươi, hoặc khô, các loại rượu cần; đồng thời còn chuẩn bị các loại bánh, trong đó bánh đoók làm từ gạo hoặc bột nếp thơm là chủ sự. Trong ngày diễn ra lễ hội, thanh niên người Triêng thổi sáo đinh tút vang khắp bản làng. Tiếng sáo đinh tút nổi len réo rắt gọi mời, âm thanh lan toả tận các triền núi, nơi các bản làng đứng nghiêng nghiêng trên các triền đồi. Thêm, tiếng chiêng trống rộn vang giữ nhị cho các điệu múa t’tung da dă , phê lách, troong zục, kpiêu zức zăih… quen thuộc của người Triêng.

Trẻ em vào lễ hội vơi scác loại trang phục cổ truyền, chơi các trò chơi, hoặc tung tăng cùng các chị, các mẹ thăm thú, chúc gia đình hạnh phúc, mừng năm mới được mùa, làng bản yên vui, được giàng quan tâm chiếu cố, tạo hành phúc cho con cháu, người già. Những gia đình có sui đều được mời vè nhà chng vui ngày hội. Lễ hội mừng xuân Choóc đăil là ngày hội lớn của cộng đồng nên tiếng chiêng ngày hội tham gia vào các nghi thức lễ cúng liên quan đến cây lúa rẫy, đến suối, đến nguồn. Do người Triêng quan niệm đa thần nên ngày hội có cúng các vị thần lúa, thần suối, thần sông, thần rừng, thần núi…trong ngày hội người Triêng tổ chức vui chơi, ca hát, quên đi những mệt nhọc trong năm, tin tưởng vào ngày mai thắng lợi.

Đến đêm, lễ hội choóc đăil, mọi người vây quanh bếp lửa hồng tươi tại nhà cượt, nhà rung [9] uống rượu và nói chuyện nương rẫy, chuyện sắn bắn, chuyện làm nhà, chuyện hôn nhân, ma chay, lễ hội, chuyện đời…và kể chuyện cổ cho con cháu nghe những gương hy sinh vì cộng đồng, gương phấn đấu xây dựng bản làng phát triển… Chính đó, tạo điều kiện lưu giữ vốn văn hoá, văn nghệ dân gian dân tộc Triêng trong  các thế hệ trẻ nhằm giữ gìn và phát huy nét văn hoá cổ truyền trong phong tục tạp quán người Triêng. Trong đêm, ác điệu múa pê lách, túk chiêng hoong …do than niên nam nữ thực hiện cùng với tiếng sáo đinh tút dìu dặc, khi bổng khi trầm, mọi người ngây ngất trong đêm hội. Tiếng đinh tút vang vọng thâu đêm để ngày mai, người Triêng lại lên nương vào rừng, ra rẫy chuẩn bị dụng cụ cho mùa tuốt lúa, mong sẽ có được một vụ mùa no đủ, mong một năm mới đến với những tín hiệu tốt lành.

  1. Ngày Tết của người Xơ đăng (Ding nơ na sơ năm nêo)
Đối tượng suy tôn      :Giàng
Địa điểm                    : Huyện Nam Giang, Tây Giang tỉnh Quảng Nam                             
Thời gian                   : Cuối tháng 12
Đặc điểm                   : Mừng năm mới, cầu được mùa, no đủ.

          Tại miền Trung, tộc người Xơ đăng sống chủ yếu tại huyện Đắc Tô và Tu Mơ Rông thuộc tỉnh Kon Tum, một số sống tại các huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam. Người Xơ đăng có các nhóm Tơ dră, Ha lăng, Mơ nâm, Ca dong, Xơ teng. Kinh tế của người Xơ đăng chủ yếu là phương thức làm lúa nương rẫy, do đó hằng năm có nhiều lễ hội chung quanh văn hoá nông nghiệp nương rẫy như lễ hội Ăn lúa mới (Ka bău neo), lễ hội Cúng máng nước (On dro kneng tea), lễ hội Ăn lúa kho (Ka pău ton), lễ hội Tỉa lúa (On tro lo chôi), lễ hội Ăn lúa giống thừa (Ka tre ton), lễ hội Ăn lá lúa (Ka la bău), lễ hội Ăn trâu (Ka kơ pô), lễ hội Đám cưới (On drô tơ seo).

Lễ hội mừng năm mới của các nhóm tộc người Xơ đăng tổ chức vào cuối tháng 12 , ít khi trùng ngày và các thành tố trong lễ hội đôi khi có sự khác nhau, tùy theo mỗi gia đình và mỗi làng, tuy nhiên sự khác nhau không đáng kể, bởi người Xơ đăng giữ nguyên các nghi thức lễ trong lễ hội cỏ truyền. Đây là lễ hội vừa tổ chức tại gia đình; đồng thời vừa tổ chức tại làng. Lễ hội suy tôn giàng, cúng là để tạ ơn giàng, thần lúa sau một năm giúp đỡ cho nhà nông ăn nên làm ra trong lao động nương rẫy đầy khó khăn, vất vả. Ở đây chỉ trình bày lễ hội mừng năm mới (Ding nơ na sơ năm nêo) của nhóm người Tơ dră, cũng còn gọi là Tơ rá, Hđrá [10].

Lễ hội ding nơ nư sơ năm nêo là lễ hội nằm trong nhóm các lễ hội nông nghiệp nương rẫy của người Xơ đăng. Đến cuối năm trong tháng 12, tuỳ theo khả năng kinh tế của mỗi hộ gia đình mà tổ chức lớn hay nhỏ, làng tổ chức do các thành viên trong buôn làng chung sức vào trên tinh thần thành tâm với lực lượng thần linh, đặc biệt là suy tôn giàng. Các lễ được tiến hành linh thiêng, trang trọng theo nghi thức cổ truyền. Sau khi lúa và các loại cây lương thực trái, củ khác được thu hoạch xong cất vào kho, người Xơ đăng thuộc nhóm Tơ dră bắt đầu chuẩn bị cho lễ hội mừng năm mới. Để tổ chức ba ngày lễ mừng năm mới long trọng, trang nghiêm, người Xơ đăng chuẩn bị rất chu đáo.

Trước đó hàng tháng trời, phụ nữ Xơ đăng chuẩn bị dệt các loại vải tạo nên các tấm váy, khố mới mặc trong ngày hội lễ.

Trong gia đình phân công cho lực lượng đàn ông lên rừng săn bắn các loại thú: chim, nhím, thỏ, chuột…cá được bắt tại suối hoặc một đoạn sông đầu nguồn. Phụ nữ lo ủ rượu cần. Nếu làng tổ chức, trước lễ chừng 10 – 15 ngày, già làng họp dân làng lại tại nhà rông, thông báo ngày tổ chức và cắt cử, phan công chuẩn bị. Săn bắn, chặt đốn cây trên rừng về sửa lại nhà rông, gia cố những chỗ cũ mục, trang trí cây cột nhà rông nơi cột ché rượu cúng thần, quét dọn buôn làng giao cho đàn ông. Ủ rượu và đi lấy nước, chuẩn bị củi đun, lên rừng chặt ống nứa về đựng rượu, dọn dẹp nhà cửa (có trẻ em giúp việc), giã nếp, gạo cho lễ hội được giao cho đàn bà. Để những ngày diễn ra lễ hội được đông vui, người làng mời các vị là sui gia, các vị khách quý từ các làng lân cận về làng mình tham dự lễ hội.

Sau khi chuẩn bị xong, sẵn sàng cho ngày lễ hội, người dân Xơ đăng bắt đầu mở hội ding nơ na sơ năm nêo – mừng năm mới.

Sáng ngày đầu tiên của lễ hội, theo tập tục, tất các các bếp trong buôn làng bắt đầu nhen lửa, giết heo, dê, gà làm vật tế dâng cúng lên giàng và các thần linh. Chủ lễ (thường là chủ nhà) mang ché rượu ngon nhất, cột vào cây cột giữa nhà (cột cái) để cúng thần, kế đến sắp đặt các loại thịt ngon như thịt đùi, gan, tim, thận, huyết, mỗi thứ một ít chia làm đôi, bỏ vào cái máng đã chẻ đôi bằng lồ ô, đặt cạnh bên ché rượu cần, bên cây cột giữa nhà để cúng (không đặt lên bàn). Lễ vật cúng giàng đã bày biện xong, tất cả thành viên trong gia đình ngồi (không quỳ lạy như người Kinh) quay mặt về hướng đông nơi đặt lễ vật dâng cúng. Chủ lễ dùng ngón tay trỏ của bàn tay phải chấm rượu cần để cúng rồi chấm lên trán của mình, sau đó chấm ngón tay lên miệng ché rượu, đoạn khấn “Ơi giàng!…hôm nay gia chủ cùng dân làng tổ chức dâng lễ mừng năm mới lên giàng, tạ ơn ông Trời và thần lúa đã cho gia chủ một mùa thu hoạch đủ đầy, xin mời thần về ăn cơm mới, ăn thịt ngon, uống rượu cùng gia đình chúng tôi, phù hộ cho gia đình chúng tôi sang năm mới mạnh khoẻ, gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi không bị chim chuột, sâu bọ phá hại và năm mới được mùa hơn năm cũ…”

Khấn xong, chủ lễ dùng tay phải bốc vài hạt cơm bỏ lên đỉnh đầu mình làm phép rồi uống ngụm rượu đầu tiên. Tiếp theo các thành viên trong gia đình từ lớn đến nhỏ, đều dùng tay phải bốc vài hạt cơm bỏ lên đầu của mình, sau đó uống rượu để tạ ơn giàng và thần lúa.

Tại làng, đến trưa, già làng là người đầu tiên đi đến nhà rông, khởi một hồi trống báo cho dân làng biết, tất cả các hộ trong làng mang lễ vật đến đặt tại cột chính giữa nhà rông tế giàng. Già làng giữ vai chủ lễ, trước tiên cột ché rượu và vật dâng cúng của gia đình mình vào cây cột, sau đó cột các ché rượu của các hộ gia đình khác trong làng vào cột. Khi phẩm vật dâng cúng giàng và thần linh được mang đến đầy đủ tại nhà rông, già làng bắt đầu triển khai lễ cúng. Lời khấn có thể là: “Ôi giàng!…hôm nay dân làng chúng tôi làm lễ mừng năm mới, mong muốn mọi người được tự do, thoả mái, không kiêng cữ, không bị cấm kỵ như trước đây. Năm mới, xin mời giàng và thần linh về đây vui với dân làng chúng tôi, cùng ăn cơm, ăn thịt, uống rượu. Trong cuộc sống, từ nay xin giàng và thần linh đừng làm khó dễ chúng tôi, xin hãy xoá bỏ mọi điều cấm kỵ trước đây. Từ nay về sau, xin các thần cho các gia đình được tự do mở kho lấy lúa ra ăn, khách được tự do đến thăm làng chúng tôi và chúng tôi cũng được tự do đến thăm làng của họ. Xin các thần hãy phù hộ cho dân làng chúng tôi được sống yên vui, hạnh phúc, có sức khoẻ, mùa màng tốt tươi và thu nhiều lúa bắp hơn năm cũ”.

Khấn xong, già làng dùng bàn tay phải, bốc vài hạt cơm bỏ lên đỉnh đầu của mình và uống ngụm rượu cúng đầu tiên. Lúc này, các loại nhạc khí cồng chiêng (chinh goong), xoang, kèn klông pút nổi lên nhộn nhịp chào mừng măn mới. Tiếp đến các gia đình trong buôn làng tiến hành tuần tự làm các động tác như vị chủ lễ và uống một ngụm rượu cúng trong ché của mình, sau đó họ cùng nhau mời nhau uống rượu của mình để mừng năm mới. Trong dịp làm lễ có các vị khách của làng khác đến dự lễ, được người dân trong buôn làng đón tiếp niềm nỡ, chân tình, chu đáo. Cuộc vui cứ thế kéo dài, họ ăn uống, nói chuyện và múa hát thâu đêm bên ánh lửa bập bùng trong nhà rông ngay tại giữa buôn làng.

Tại nhà riêng cũng vậy.

Sáng hôm sau, chủ nhà mang một ché rượu cần còn mới, giết dê, heo, hoặc gà (nếu nhà ít của) nấu cơm mời khách và con cháu ở xa về nhà mình dự ăn uống, nói chuyện.

Dịp lễ ding nơ na sơ năm nêo, người Xơ đăng có tục cà răng cho con cái trong nhà khi đến tuổi trưởng thành, đôi khi tổ chức gặp gỡ, mai mối, cưới hỏi cho con cái trong nhà. Đến chiều họ chia tay nhau và hẹn sẽ gặp lại nhau trong lễ mừng năm mới các làng bên cạnh và sang năm tới sẽ còn dịp gặp lại cũng trong lễ ding nơ na sơ năm nêo vui nhộn và thiêng liêng.

Tục người Xơ đăng khi tiễn khách làng khác đến dự lễ ding nơ na sơ năm nêo tại làng, hoặc nhà mình, khi ra về, chủ nhà gởi theo mỗi người khách một nắm xôi và ít thức ăn được gói trong lá chuối để khách ăn đường hoặc mang về nhà làm quà cho gia đình.

Lễ kết thúc sau ba ngày thăm thú, chúc mừng nhau, những ngày sau đó, dân trong làng ăn uống, nhảy múa, ca hát vui vẻ. Đêm đến, thanh niên nam nữ tập trung tại nhà rông đánh cồng chiêng, xoang, thổi các loại kèn và hát giao duyên, nhiều đôi thanh niên nam nữ thành vợ thành chồng cũng từ các buổi giao duyên này. Những đêm lễ hội ding nơ na sơ năm nêo cồng chiêng vang lừng một khu rừng, đến khuya vẫn còn vang vào tận rừng sâu, thiêng liêng và huyền diệu.

Lễ hội ding nơ na sơ năm nêo tổ chức không lớn như lễ hiến tế sinh trâu, song có ý nghĩa rất thiêng liêng đối với người Xơ đăng miền Tây Quảng Nam. Vừa là lễ kết thúc một năm làm rẫy thắng lợi, được mùa, còn có ý nghĩa mở đầu một năm mới với nhiều lễ hội – ning nơng – trong năm có dịp nghỉ ngơi; đồng thời lễ ding nơ na sơ năm nêo còn có ý nghĩa báo với giàng mở đầu cho một vụ mùa mới trong năm mới.

Lễ hội ding nơ na sơ năm nêo là dịp thực hiện các nghi lễ theo tập tục văn hoá văn minh nông nghiệp lúa rẫy, là lúc tập hợp sự đoàn kết của tộc người, là dịp con cháu làm ăn xa hoặc có vợ, lấy chồng xa về lại buôn làng thăm cha mẹ, bà con thân thuộc. Thông qua lễ hội, người Xơ đăng tỏ lòng biết ơn giàng đã đem đến cho họ một năm no đủ. Lễ hội tạo điều kiện cho người Xơ đăng thực hiện việc tìm hiểu nhau giữa các đôi thanh niên nam nữ; đồng thời các thành viên trong gia đình đã đến tuổi trưởng thành cà răng hoà nhập với cộng đồng gia đình và buôn làng như một thành viên chính thức. Lễ hội ding nơ na sơ năm nêo là dịp cồng chiêng và các loại kèn vang lên, các làn điệu dân ca cổ truyền của tộc người Xơ đăng có dịp cất lên giữa  buôn làng lộng gió, các nghệ nhân dân gian được phát huy, truyền lời ca điệu thức lại cho các thế hệ sau, góp phần vào công việc lưu trữ, bảo tồn vốn văn nghệ dân gian có giá trị văn hoá truyền thống của người Xơ đăng miền Tây đất Quảng.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe


[1] Xem Bcoong Mọc, Mùa xuân về với hát lý Cơ tu, Văn hoá Quảng Nam, Sở VHTT Quảng Nam 2007.

[2] Bài do bà Alăng Bhặl – thôn Ganil, Axan hát.

[3] Padâm là loại lúa do con trai trong nhà đã có vợ trồng một bụi trên khoảnh đất riêng trước khi bắt đầu mùa nương rẫy, người vợ chăm sóc và tự tay tuốt lúa mang về giữ riêng rtrong chòi và được đem ra giã riêng dâng cúng yang s’ti –  mẹ lúa – và yang vút – thần lúa; đồng thời dâng cúng pló xơi – tổ tiên – trong ngày Tết kă p’lei. Theo người Ca dong, thần lúa yang vút là một bà cụ già tóc bạc, dáng người xấu nhưng rất tốt bụng, là người sinh ra ma lúa, mẹ lúa.

[4] Với người dân tộc Ca dong thần gọi là kiak, giàng. Hai vị thần người Ca dong kính trong là Thần Lúa và Thần Nước. Tục cho rằng Thần Nước là con ịơn có mũi trắng, tai to, vài vùng người Ca dong cho rằng là con lươn rất lớn, màu hung đỏ, cụt mất đuôi. Người Ca dong cho rằng Thần Nước và vợ thần Sấm Sét thường hay gây hại dân làng.

[5] Tục nhảy cơm cũng có ở các dân tộc Ve, Giẻ Triêng.

[6] Muốn uống rượu lâu say, thanh niên Ca dong bứt một vài lá thuóc trên rừng cho vào ché rượu. Đối với người Ca dong, rượu cúng chỉ dành riêng cho người già, trẻ không nên uống. Khi uống rượu nếu bắt được con kắc ké, rắn mối đem nương chín làm đồ nhấm vì quan niệm rằng thần linh cho phép tiếp tục cuộc vui.

[7] Vì con trai lên rừng đốt than, con gái lên rừng bứt đọt đót đòng đòng nên Tết Cha – kcha còn gọi là Tết Than hoặc Tết đòng đòng.

[8] Vũ Hùng, Văn nghệ dân gian đất Quảng, Xuân Mậu tý 2008.

[9] Nhà cượt, nhà rung giống như nhà rông của người Ba Na, Xơ đăng… nhà gươl của người Cơ tu.

[10] Ũng có thể đọc là Đeđrab, Xơđrah, Tơtrah, C’trá, Sơra. Xem Lễ mừng năm mới của tộc người Xơ đăng…Phan  Văn Hoàng, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, tháng 3.2008, tr 98.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây