Tết xứ Quảng – Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe – Phần 7

CÁC TRÒ CHƠI TRONG PHONG TỤC TẾT - NHÀ NGHIÊN CỨU VÕ VĂN HÒE

Phần thứ bảy

CÁC TRÒ CHƠI TRONG PHONG TỤC TẾT

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

aa - Tết xứ Quảng - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 7

Đã là lễ hội ngày Tết, không thể không có các loại trò chơi, người nông dân một năm lam lũ với ruộng đồng, Tết đến người dân xứ Quảng cũng có những thú tiêu khiển nghỉ ngơi giải trí.

Gọi trò chơi trở thành hội như đua ghe trên sông Thu Bồn, Cẩm Lệ, sông Hàn, Hội An… hội này tổ chức trước Tết vài ngày hay có khi vào ngay ba ngày Tết, bắt đầu từ mồng hai thì tổ chức. Hội lễ mở ra, cả ngàn người đi xem là một trong những hình thức vui xuân giải trí.

Loại trò chơi mỗi năm tổ chức một lần và chỉ nhằm vào những ngày Tết như hô thai bài chòi, hát bội, hát sắc bùa… cũng đã thu hút đông người tham dự.

  1. Hô bài chòi:

Xưa kia vào ngày Tết làng nào cũng có tổ chức hô bài chòi, nay loại hình này phát triển ít, nhường cho lô tô và các loại trò chơi khác tổ chức tập trung.

Địa điểm tổ chức hô bài chòi thường là ở chợ làng, phần lớn là ở đình làng, chùa làng và miếu làng. ở chợ, người ta sử dụng những sạp bán hàng hằng ngày vào việc tổ chức trò chơi. Huy động vào trò chơi cũng đơn giản, chỉ cần một trống lớn là đủ, một bộ bài chòi có 30 quân cờ dán trên thẻ tre. Cả bộ cờ cho vào một ống tre treo lên một cây tre hoặc là cột lều chợ. Một người đứng vừa hát vừa rung (xóc) các quân cờ, rút cờ khỏi  ống tre và hô tên quân cờ.

Người chơi bài mua ba con mỗi ván có mười người tham gia. Khi hô cờ từ ống tre rút ra, người hô phải nhanh trí ứng tác giỏi, tác phong linh hoạt làm hấp dẫn cuộc chơi thì buổi chơi mới có người tham dự đông. Thanh niên nam nữ ít tham gia loại này. Để sinh động, khi bắt cờ từ ống tre ra, người hô có thể hô – đúng hơn là hát theo làn diệu dân ca bài chòi. Có thể là:

Đi đâu mang sách đi hòai
Cử nhân không thấy, tú tài cũng không
(con Nhứt trò)

Còn duyên làm cách làm kiêu
Hết duyên bí thúi bầu thiu ai thèm
(con Nhì bí)

Biết rằng ai có mong ai
Sao trời lại nỡ rẽ hai thế này ?
Có sao Hôm mà chẳng có sao Mai
Hai đàng hai đứa, tình phai hoa tàn
(con Bánh hai)
 
Em thương anh cha mẹ cũng phải theo
Chiếc tàu buồm kia đang chạy quăng neo cũng ngừng
(con Tam quăng)

Nghèo mà làm bạn với giàu
Ngồi xuống đứng dậy nó đau cái đì
(con Bạch huê)

Nhất thời vợ dại trong nhà
Nhì thời nhà dột thứ ba nợ đòi
Xem đi xét lại mà coi
Nhà dột không sợ, nợ đòi không ghê
Cực lòng vì chút hiền thê
Ăn trưa ngủ sớm vụng về vô song
Vá may lộn cuống, lộn mồng
Đường canh múi chỉ không xong đường nào
Đã vụng mà lại tầm phào
Trăm ngàn vạn chuyện, chuyện nào cũng hư
Đến ngày giỗ ông nội chồng
Gói ba đòn bánh tét, nếp trong, nhưn ngoài
Bánh bọ trục lúc trong tai
Bánh in to bột dện hoài đố ra
Rim gừng khéo chẳng ai qua
Ăn vô một miếng hít hà bùng tai
Rim bí đã dẻo lại dai
Tắt tủn, bá tộ tợ như nhai củ mì
Nàng sao khéo đã lạ kỳ
Một trăm ba mươi sáu chuyện, chuyện gì cũng thưa.
(Con Bảy thưa)

Bài chòi hầu như nhiều làng trên xứ Quảng đều tổ chức,  kể cả những năm gần đây. Loại trò chơi này phổ biến rộng rãi trên toàn địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng. Tiếng trống đệm làm cho cuộc chơi thêm hào hứng vui nhộn, khi có người đến, tức cờ kinh nghĩa là trọn vẹn được sáu quân cờ, đủ ba cặm, trong đó cờ đã mua từ đầu ván là ba con, người hô trùng các quân cờ trên tay đủ sáu quân cờ là “tới”. Sau mỗi ván tới, trống giục lên to hơn, hối hả hơn vang ra xa đến tận các gia đình trong làng, thúc giục nhập cuộc bài chòi.

Thọat tiên trong một cuộc chơi bài chòi, người ta biết đến bộ bài “tới” trong những dịp mừng xuân đón Tết ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Thế rồi dần dà bài tới chuyển lên thành bài chòi từ khi nào,  và cùng với bài chòi là xuất hiện “anh hiệu”,  “lính lệ” trong cuộc chơi ? ở đây anh Hiệu có vai trò quan trọng, vừa dí  dỏm, thông minh, ứng tác giỏi để điều khiển một hội bài chòi. Sức hấp dẫn của bài chòi phần lớn do anh hiệu tạo nên.

Ngày nay hô bài chòi, ngoài những bài bản cổ[1] để thích ứng với người chơi phần ca từ cũng phải sửa đổi cho phù hợp, có tính cường điệu gây hài làm cho người tham gia bài chòi chú ý. Chẳng hạn lời ca cổ:

Lấy chồng từ thuở mười lăm
Chồng chê tôi bé không năm với tôi
Đến nay mười tám, đôi mươi
Tôi nằm dưới đất chồng cũng lô lên giường
Lên giường chồng nói chồng thương
Anh thương chi lắm, bón cái chân giường gãy một còn ba
                                      (Con Tứ cẳng)

Có thể chuyển thành:
Lấy chồng từ thuở mười lăm
Chồng chê tôi bé không năm với tôi
Đến nay mười tám, đôi mươi
Tôi nằm dưới đất chồng cũng lô lên giường
Một anh thương
Hai anh thương
Ba anh thương
Bông anh thương
Anh thương chi lắm rứa, bốn cái cẳng giường nó rung rinh
                             (con Tứ cẳng)

Từ khi đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, sinh họat văn hóa bằng hình thức bài chòi được phục hồi và được tổ chức vào đêm 14 âm lịch hàng tháng với chủ đề: Đêm phố cổ, cũng là một trong những hình thức làm cho văn hóa  Quảng Nam – Đà Nẵng  tiếp tục khẳng định và phát triển.

Ngày Tết hội bài chòi được tổ chức công phu, thu hút người mộ điệu trong đô thị và các làng xã lân cận đến chơi, thưởng thức tài nghệ của các nghệ nhân hô bài chòi trong những lần tổ chức vui chơi giải trí.

  1. Hát bội

Cùng với bài chòi, cứ đến ngày Tết nguyên đán, người dân xứ Quảng cũng thường tổ chức hát hò, các loại trò chơi lớn, nhỏ có khi có hô lô tô, hò đối đáp, nói vè… hát bội là một trong những loại hình vui chơi giải trí ngày tết. Hát bội thường tổ chức tại sân đình cho nhân dân đến xem. Mục đích hát bội dịp tết là có khi do tư nhân nào đó đạt được ý nguyện, làm ăn gặp nhiều may mắn trong năm, Tết đến tổ chức hát bội, họ thuê gánh hát về hát xem như là trả lễ hoặc tạ ơn cho thần (lực lượng siêu nhiên) ngầm giúp đỡ để được toại nguyện.

Các vùng quê ở Quảng Nam – Đà Nẵng như Khánh Đức (Quế Sơn), Khánh Thọ (Tam Kỳ) là hai giáo phường đã cung cấp cho hát bội nhiều tài năng, nghệ nhân dân gian: Nhưng Đá, Nhưng Nguyên, Quyền Ngữ, Cửu Vị, Quản Lan… Những danh xưng Nhưng, Quyền, Cửu, Quản là danh từ tôn xưng tài năng trong hát giáo tuồng giống như danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân ngày nay.

Trong buổi hát có một vị cầm chầu, người cầm chầu phải  thông thạo, phải hiểu ý nghĩa của từng tiếng trống mới dám cầm chầu cho buổi hát. Tiếng trống chầu nổi lên người ta hiểu được bao nhiêu ý nghĩa từ tiếng trống âm vang đó. Có lúc tiếng trống như reo vui bất tận, có lúc thâm sâu mang nhiều suy tưởng trầm tư, có khi rập dồn như vui tươi, có khi giận dữ, có khi lơi nhẹ nhàng biểu hiện sự bằng lòng thỏa mái. Trong quá trình cầm chầu phải hiểu tường tận về niêm luật và  diễn xuất, vũ đạo, phương cách hát, cách dùng binh khí, đấu võ, hiểu được thì cầm chầu mới đúng, tiếng trống mới chính xác. Khi diễn viên hát khách, hát lối hoặc nói lối, người cầm chầu điểm một tiếng hoặc hai tiếng trống sau nhịp, khi diễn viên xuống Nam Ai, chầu đánh một hồi, thưởng hay không thưởng là tùy đào kép hát dở hay hay, chầu rộn ràng vui nhộn. Khó nhất trong hát bội là thể hiện điệu Tẩu mã, điệu này thường là nhịp ngoại nên khó hát, diễn viên thuộc hạng Nhưng mới hát nổi. Chầu cái hoặc chầu lèo thưởng nhiều nhất thuộc về đào kép hát đúng, hát hay nhịp này. Điệu Tẩu mã mà hát không trúng xem như đánh trống vào miệng (họng) người hát. Am hiểu tiếng trống chầu và những nguyên lý về sân khấu hát bội cho phép người cầm chầu giữ vai trò chủ đạo của đêm diễn. Chính đó tạo nên nỗi cảm ứng giữa người diễn với người xem.

Sân khấu hát bội xưa kia làm bằng tre, gốc tre đưa lên trên, làm như vậy có nghĩa rằng đào kép hát tuồng do vị trí phân vai có khi cha có thể đóng vai con và ngược lại, có khi con đóng vai công chúa, nữ hoàng, mẹ đóng vai nông dân hoặc nô tỳ… khi hát con gọi mẹ cha phải dạ nên khi làm sân khấu có tục đổi ngược đầu tre lên trên để chứng tỏ rằng trong hát bội người ta không trách cứ khi sắm vai hát.

Buổi hát bắt đầu bằng lễ xây chầu, khi người cầm chầu đã ngồi vào ghế bên trước sân khấu chuẩn bị đưa dùi trống lên, cả rạp im lặng chờ đợi bao nhiêu điều thú vị trong buổi hát sắp được trình bày trước mọi người xem. Theo lời xướng, trống đánh ba hồi liên tục rồi cứ ba tiếng một mà đánh, đội nhạc cổ bát âm hòa lên bài thường là bài Tam luân cửu chuyển. Sau hồi trống báo hiệu, người xây chầu tập trung cao độ khi mở màn vào những diễn biến trên sân khấu để kịp thời đánh trống thưởng, phạt, khen, chê cho đúng. Lúc này người đánh trống chầu trở thành người nhạc công có trình độ chuyên môn giỏi điểm vào từng phách nhỏ, từng nhịp nội, ngoại của câu hát và động tác múa của diễn viên.

Hát mở màn thường có một kép đại diện cho cả gánh hát bước ra sân khấu và cất tiếng hát mừng: “cá phơi vi giỡn nguyệt, chim xòe cánh hưởng sương, mừng nay quốc phú dân cường phỉ bấy phong điều võ thuận”.

Một buổi lễ hát bội có hai trống chầu (hát thường cho dân dã xem), bên phải sân khấu là chầu cái, bên trái là chầu lèo. Chầu cái chỉ có người cầm chầu chính và các già làng của địa phương có tổ chức hát mới được cầm dùi. Chầu lèo dành cho tứ lân quan khách hoặc người từ xã khác mộ điệu đến xem thì có quyền sử dụng trống chầu lèo. Muốn đánh được trống chầu lèo phải mua thẻ, trong thẻ đã ghi giá tiền.

Khi có đào, kép nào đó hát hay, người bốn phương đến xem hát muốn vào đánh trống khen hoặc chê phải liên hệ ban tổ chức hát bội để mua thẻ, mua bao nhiêu thẻ cũng được. Đoạn, dùng thẻ đó thế tiền ném lên sân khấu và được đánh trống. Hết thẻ, gác ngang dùi trống nhường cho người  khác.

Đào kép nào nhận được thẻ đến Ban tổ chức giao thẻ nhận tiền, xem như đây là tiền thưởng của người đánh chầu lèo cho đào kép hát hay, diễn giỏi. Đào, kép được thưởng trọn quyền sử dụng không phải nhập quỹ hay chia cho ai cả.

Trước khi kết thúc buổi hát bội có đoạn gọi là Định đô tức là phải giết cho được  nịnh thần (nếu trong tuồng ấy có nịnh) và tôn tân vương. Câu hát định đô như sau:

Biên thùy đà dẹp yên quân giặc, không còn dấy động can qua
Truyền bá quan yên vị, truyền nội thị đãi yến bá quan
Nay nước nhà đà thạnh trị, lấy đức rải bốn phương
ra ân nhuần trăm họ

Tất cả đào kép trên sân khấu đồng xướng.

Vạn tuế ! Vạn vạn tuế !

Màn kéo, chầu bãi một hồi trống thật dài.

Năm 1935 ở Phong Lệ, Hòa Vang ông Phó Phong khi hứa với lực lượng siêu nhiên là các thần linh đến Tết đã mời gánh hát về hát tại đình làng xem như là cách trả lễ. Ông Hương Lan năm 1937 cũng tại làng Phong Lệ sau khi cầu tự có tổ chức hát bội nhân dịp Tết nguyên đán để “ra làng” tức trình làng về một việc nào đó đã đạt mục đích. Người ta kể rằng cụ tổ chức hát là do mua được bằng phong chức “hương” có tổ chức đãi đằng như vậy làng mới công nhận và nể trọng và cũng từ lúc trình làng mọi người mới bắt đầu gọi tên theo chức ghi trong bằng do quan chức cấp trên phong. Từ khi có bằng được miễn mọi lao dịch tại làng.

Vào dịp Tết nguyên đán năm 1941, ở vùng Hòa Vang, ông Nguyễn Nghị có mời gánh hát từ Hội An ra mục đích là sau khi cầu tự đạt nguyện vọng. Đợt hát kéo dài ba ngày đêm Tết tại Miếu một (gần bến Thủ Suyền – Cẩm Lệ).

Xa hơn nữa, dịp Tết năm 1832, ông Võ Văn Lân không có con trai sau khi đến miếu ăn chay nằm đất cầu tự về sau sinh được ba con trai đã tổ chức hát bội ba ngày Tết tại chùa làng Đông Phước (dưới chân núi Phước Tường) nhân đó người từ các nơi đổ về xem hát vui xuân.

 3/ Đua ghe

Đua ghe cũng là một trong những hình thức lễ hội vui chơi ngày tết. Làng ở cạnh những dòng sông êm ả vào những ngày xuân thường có tổ chức đua. Hàng năm trên các sông Thu Bồn, Vu Gia, Cẩm Lệ, Sông Hàn có tổ chức đua ghe mừng xuân. Các tay đua là những chàng trai lực lưỡng vừa chèo thuyền vừa hát hò đua ghe, tay cầm mái chèo ngồi trong ghe, đầu thắt một khăn đỏ hoặc nâu. Trước, sau mũi thuyền có người lái, đồng thời cũng gọi là tổng lái hay tổng mũi hoặc tổng khoan để bắt nhịp cho được rập ràng ăn khớp với thao tác chèo ghe. Tổng xướng, chèo xô, cứ vậy những đôi tay lực lưỡng chèo nhịp nhàng hòa với điệu hát cố sức đưa ghe lướt nhanh để thắng cuộc.

Quá trình một cuộc đua ghe có lúc nhặt, lúc khoan, nhặt nhất vào lúc xuất phát khỏi vị trí đua, khoan thai ở đoạn giữa và càng nhặt hơn ở đoạn cuối cùng. Lúc này trên ghe đua thành một âm thanh khẩn trương, kéo dài, tiết điệu kết hợp nhịp chèo khỏe chắc và nhanh, ghe đua cứ vậy mà lướt tới để về đích sớm nhất.

Trên bộ, người đi chơi Tết đứng dọc theo hai bên bờ sông, tiếng chiêng, tiếng trống giục lên hối hả, cờ đủ màu phất phới dọc hai bờ, đoạn có tổ chức đua ghe. Tiếng cổ vũ vang lên vui vẻ, náo nhiệt làm tăng thêm không khí nhộn nhịp ngày xuân. Tục truyền rằng trước và trong những ngày Tết, nắng chói chang, gay gắt, tổ chức đua thuyền nhằm làm khuấy động thủy cung tức là nhân gian cần mưa, Thủy  Nương mới sai người làm mưa cho cây cối xanh tươi. Vì vậy, từ mùng ba tết đến mùng mười tết, các huyện ở Quảng Nam, thậm chí một số vùng, một số xã đều có tổ chức đua thuyền để cầu mưa và làm tăng thêm không khí ngày xuân kéo dài.[2]

Sông Thu Bồn thường có tục đua ghe, sông Cẩm Lệ trước đây vào những ngày tết cứ ba năm (gọi là tam niên nhứt lệ) có tổ chức đua một lần. Năm đua chính thức gọi là năm phong, những năm giữa không chính thức thường là tập dượt mở hội vui xuân nhưng không lớn lắm gọi là năm sái. Lần đua gần đây trên sông Cẩm Lệ vào năm 1978 sau khi quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng được giải phóng đã thu hút nhiều người từ các xã trong huyện Hòa Vang về tham dự. Trên một đoạn sông phía dưới cầu Cẩm Lệ là nơi tổ chức đua ghe, vừa vui mừng đất nước thống nhất, vừa vui xuân bằng lễ hội đua ghe truyền thống của người dân xứ Quảng.

Vào những ngày chuẩn bị đua, cụ Hương Vinh ở Cẩm Lệ sắm một chiếc ghe nam, con cháu vây lại tu bổ: cườm be thật chắc, trét rái thật trơn, giẫy ghe thật tròn và thon mình rồi đem đua dợm (đua thử) để bổ khuyết trước ngày đua vài tuần. Có năm ông vừa đi tắm sông vừa coi đua để cổ vũ cho ghe nhà.

Cụ Thủ Môn ở làng Bình Thái cũng có sắm một chiếc ghe để phòng lũ lụt, cụ gác ghe trên chuồng trâu.  Mỗi năm gần đến ngày đua là các thanh niên trong xóm – những tay đua lực lưỡng – mang chai rượu “lễ” đến thăm ông, ông cho mượn cả ghe đồng thời xuất cả tiền để tu sửa làm trơn. Nhờ tài nghệ của những tổng mũi, tổng khoan như cụ Can, cụ Sửu, cụ Mắn… nên ghe thường dẫn đầu. Mỗi lần điều khiển ghe trên mặt sông các cụ trổ hết tài nghệ của mình ra kìm  ghe thật thẳng, chặt, mạnh tay nạy giầm là chiếc ghe lướt nhanh trên nước. Có năm các tay đua nhà nghề cũng phải nhường giải nhất cho ghe cụ Thủ Môn.

Ngày xuân, đua ghe trên sông Cẩm Lệ, những người đi xem hội ai cũng biết bà “thầy Thừa”, bà hâm mộ đua ghe rất mực, không những ủng hộ trang bị cho ghe làng Lỗ Giáng (Hòa Xuân) mà còn cổ vũ, ủy lạo cho các tay đua. Mỗi khi có đua, bà gánh theo thức ăn nhẹ bụng, ngon lành vào ngày xuân, các tay bơi phấn khởi lại thêm mến phục bà nên thường cố gắng trổ tài, có năm cũng nhận được giải thưởng, rượu, pháo mừng xuân.

Coi đua rất thú vị, ngoài việc xem các ghe đua rẽ nước, lướt sóng với hàng chục cây giầm nhịp nhàng lên xuống theo nhịp hô, hò hát, trống giục, cờ phất, thuyền này chen vượt thuyền kia, khôn khéo của người lái, cầm mũi vặn rốn, qua tiêu. Còn xem trên bờ, dưới nước nhiều người quá say mê lấy nón múc nước tát vào thuyền của làng xã mình hoặc vẫy nón, mũ cho thuyền mình vượt tới, có người lội dưới nước, thuyền lên thì lội lên, thuyền xuống thì lội xuống reo hò khóat nước như giữa đám đông chẳng có người.

4/ Đấu võ ngày Tết

Vào những ngày Tết ở xứ Quảng, bên cạnh các loại trò chơi giải trí vui xuân như hô bài chòi, hát bội, đua ghe… còn có đấu võ. Quảng Nam xưa nay là tỉnh có truyền thống giỏi võ,  thời xưa thì chưa rõ nhưng cuối thế kỷ thứ 19 ở Quảng Nam có vị cử nhân gọi là cụ Cử Du rất giỏi võ quê ở Đại Quang. Con trai nhỏ của cụ Cử Du là ông Mười Địch – sư võ  trong thời gian những năm 20 và 30 của thế kỷ XX đã từng vào thi đấu ở Bình Định.

Ông Tám Thu quê ở Quế Sơn võ nghệ cao cường nhân dân  thường đồn là có thể bay qua nóc nhà. Thực tế có lần ông kẹp 2 tấm tranh nhảy từ trên mái chòi cao xuống vượt qua vòng vây của bọn lính khố xanh. ở Tam Kỳ  võ sư Chánh Lơn có cú đá liên hòan hiểm hóc đã từng làm cho ông Xú người Việt gốc Hoa là võ sư ở Hội An phải kính phục.

Lớp kế tục thế hệ trước có Tám Nghinh ở Duy Xuyên, anh này có mười ngón tay được tập luyện cứng có thể bóp nát viên gạch.

Ở Hội An có Chín Chưởng và ông Năm Sửu.

Trẻ hơn có Hồ Cưu (Chu Bái – Điện Bàn) từng là vô  địch toàn tỉnh nhiều năm, anh giỏi miếng bắt ngựa (nắm cẳng đối phương quật ngã).

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hồ Cập em ruột Hồ Cưu đã thắng một võ sĩ Nam bộ chưa hề chiến bại từ trong ấy ra đến đây.

 Quảng Nam còn có võ sư Hồ Ngọc Dõan vừa dạy võ vừa bấm huyệt chữa bệnh bốc thuốc cho đồng bào thị xã Tam Kỳ. Cụ Hồ Ngọc Dõan năm nay (2002) 60 tuổi. Gia đình cụ có truyền thống về môn võ ở Quảng Nam, bắt đầu từ ông cố của cụ cách đây trên dưới hai thế kỷ, giòng họ Hồ Tánh tại Tam Kỳ đã thiết lập môn võ  truyền thống cho gia đình, sau đấy lập võ hiệu, võ đường, chiêu tập môn sinh và truyền dạy võ thuật đến đời ông nội của Hồ Ngọc Dõan thì tinh hoa võ thuật của giòng họ Hồ Tấn bắt đầu kết tinh và lan truyền nhiều nơi trong tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Võ sư Chánh Lơn đã từng là chủ một gánh giáo tuồng kế thừa gánh hát Khánh Thọ và Đức Giáo ở Quảng Nam (cụ Chánh Lơn tên thật là Hồ Đình Ban, sinh năm 1884, mất 1936). Gánh hát của cụ bắt đầu bầu đoàn từ năm 1934, tập trung những nghệ  nhân nổi danh xứng đáng gọi là Nhưng, là Quyền… như Nguyễn Tấn Chỉnh, ấm Chắt, Trần Thanh Tùng… gánh hát thường xuyên quảy đòan đi hát khăp nơi trong tổng hạt, vào những đêm hội hè, lễ kỳ an, đặc biệt trong những ngày Tết gánh hát họat động mạnh  mẽ, để lại tiếng vang gần xa đâu cũng biết. Ba năm sau (1936) cụ Hồ Đình Ban mất, gánh hát dần dần tan rã. Sau 1975, con trai cụ Chánh Lơn là võ sư Hồ Tấn Ba (Ba Anh) tiếp t ục quy tập, nối nghiệp cha lập đoàn tuồng lấy tên là Lam Sơn tại quê nhà. Về sau em của Hồ Tấn ba là Hồ Đình Chi làm bầu cho gánh hát Lam Sơn, biểu diễn khắp vùng đến những năm 1980 của thế kỷ XX, gánh hát tan rã.

Khi võ Sư Chánh Lơn được 15 tuổi thì cha mất (Hồ Long Đình), người bạn của cha là Hường Lô Tự Khanh Phạm Huy Phương nuôi dạy. Có lần cụ Chánh Lơn ra Huế tìm hiểu võ thuật mãi đến khí 25 tuổi vè quê tiếp tục sự nghiệp võ học của dòng họ và từ đó bắt đầu nổi tiếng khắp Tam Kỳ. Chuyện rằng: Võ sư Chánh Lơn có sức khỏe hơn người, múa song xích đẹp không ai ngờ được. Có lần võ sư nhấc bổng cối xay lúa lên như không, nhân dân khắp vùng đều quý trọng. Dọc theo sông Bàn Thạch (Tam Kỳ) có toán cướp hung dữ thường cướp giật của dân lành, cụ võ sư chỉ với cây roi, đưòng quyền đã đánh tan bọn cướp, người dân Tứ Bàn ghi ơn công cụ như một ân nhân của mọi gia đình.

Nghề võ, võ thuật được cụ nâng lên thành võ học truyền dạy cho con cụ Chánh Lơn là Hồ Tấn Ba. Cụ Hồ Ngọc Doãn tiếp tục nối tiếp truyền thống của cha đến này dòng họ Hồ Tấn đã trải qua trên dưới 200 năm mở võ đường  dạy võ ở Tam Kỳ, Quảng Nam .

Võ ở Quảng Nam có sắc thái, phong cánh riêng cũng có những thảo võ cơ bản như Lão Mai, Ngọc Trảng, Ngũ Môn… nhưng có những chi tiết múa và phân thế khác nhau[3].

Mỗi năm vào dịp Tết, nhiều huyện trên tòan tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng  thường có tổ chức đấu võ vui xuân cũng là cách ôn lại truyền thống võ của Quảng Nam, đồng thời góp phần tạo nên cái Tết nhiều hương vị, nhiều sắc thái, phong phú các trò chơi giải trí, biểu hiện trình độ văn hóa của người Quảng.

Những năm gần đây sau khi quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng được giải phóng, đấu võ ngày Tết thường hay tổ chức, có khi năm nào cũng tổ chức, có khi cách năm tổ chức thi đấu một lần vào những ngày đầu năm. Dịp Tết Đinh Mão (1987) và Mậu Thìn (1988) vùng Hòa Vang tổ chức đấu võ tại khu giải trí của huyện vài ba đêm liền. Cạnh đó, Khuê Trung, Đà Nẵng cũng có tổ chức thi đấu võ vào dịp vui xuân. Nhiều võ sư, võ sĩ từ các nơi trên địa bàn xứ Quảng về tham dự trổ tài nghệ, thu hút hàng ngàn người xem, góp phần làm cho không khí ngày Tết thêm vui, ý vị.

5/ Hát sắc bùa

Ngày Tết, xứ Quảng Nam cũng như một số vùng khác trên cả nước từ Thanh Hóa và đến Bình Thuận… không thể không có hình thức mừng xuân bằng hát sắc bùa. Nay thì tục này đã bỏ. Hát sắc bùa tồn tại từ lâu, không chỉ ở Quảng Nam – Đà Nẵng mới có mà sắc bùa còn có cả ở dân tộc Mường. Có thể nói địa bàn phân bố hát sắc bùa từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam đến Nam bộ tận Bến Tre, Trà Vinh cũng có.

Cách tổ chức hát sắc bùa mỗi nơi mỗi khác, sắc bùa của người Mường gồm một đoàn có từ 5 đến 7 người, có khi đến 20 người. Đoàn có hóa trang dùng cồng trong quá trình hát, múa là chủ yếu. Sắc bùa ở Nam bộ dùng trống, gõ phách như cải lương. Đoàn có từ 10 đến 15 ngời cũng thường hóa trang khi hát… Sắc bùa làng Phù Trạch (Thừa Thiên) đoàn có từ 14 đến 16 người. Sắc bùa ở Quảng Nam  vào những ngày Tết còn tồn tại ở vùng Duy Châu (Duy Xuyên), đây là một trong những họat động văn hóa độc đáo ngày xuân. Cứ tưởng sắc bùa người Duy Châu đọc là (xóc bùa) là bùa mê, bùa lú của những tay phù thủy xóc xiên, nhưng đây là một họat động văn hóa vui chơi dân gian của người Quảng Nam nói chung trong những ngày Tết.

Thọat đầu, họat động này chỉ xảy ra trong những gia đình quyền quý, về sau trở thành phổ biến cả trong nhân dân, từ đó sắc bùa trở thành một loại hình sinh họat vui chơi vào dịp tết của nhân dân Duy Châu nói riêng và người Quảng nói chung.

Mỗi đoàn có từ 5 đến 7 người, trong đó có 3 người sắm vai Phước, Lộc,  Thọ. Vào những ngày đầu năm họ hóa trang chỉnh tề, đòan mang theo trống con, mõ để gõ chủ yếu là dùng thơ lục bát để chúc phước, lộc, thọ. Lời thơ sắc bùa mang tính dân gian.

Theo tập tục địa phương, từ sau khi giao thừa trở đi  đoàn sắc bùa có thể đến nhà để hát, họ mang theo một số nhạc khí, chủ yếu là bộ gõ (nay đã giảm trống con) , đến từng nhà để vui xuân chúc tết, chúc tài lộc đầu năm cho gia đình.

Đến đầu ngõ, đòan sắc bùa có lời hát:

Sắc bùa là sắc bùa âu
Bước qua năm mới trồng dâu nuôi tằm
Mở ngõ, mở ngõ
Trong nhà ngoài ngõ đèn sáng trưng trưng
(….)

6/ Đấu cờ tướng ngày Tết

Không biết cờ tướng ra đời và du nhập vào xứ Quảng từ bao giờ, song một điều chắc chắn là nó đã trở thành một thú chơi được đại bộ phận nhân dân ưa thích. Ngày thường cũng đánh cờ cả khi mỗi dịp xuân về, Tết đến việc chơi cờ tướng ngày xuân là một cái thú không thể thiếu. Cờ tướng là môn chơi đòi hỏi tư duy nhiều, có thể coi đó là một trò chơi dân gian. Cờ tướng đặc sắc, phức tạp có nhiều cách đánh phối hợp hơn cờ vua ở Châu Âu. Những ván cờ tướng mà cờ là những con người được sắp xếp, họ đứng trên một khoản sân rộng có cả hình bàn cờ. Bên này bàn cờ là những người con trai, bên kia là những cô con gái họ đều mặc quần áo đồng phục, cả hai bên đều thay cho những quân cờ và mỗi người đều mang trên đầu một biển ghi tên quân cờ mà mình thay thế. ở làng quê, các thôn đấu với nhau còn các tư nhân thì đánh cuộc, mỗi bên cử ra người chỉ huy cuộc đấu, những ai đánh cờ giỏi đều có khen tặng. Những năm gần đây, phố cổ Hội An, thành phố Đà Nẵng vào những ngày Tết có tổ chức đấu cờ dùng người hóa trang thay cho quân cờ một cách quy mô đẹp mắt. Hoặc người ta thiết kế bàn cờ lớn treo lên một giá đỡ ngoài sân rộng, khán giả có thể ngồi quan sát, theo dõi người ta đánh cờ như xem một chương trình văn nghệ trên sân khấu lớn. Đấu cờ tướng vui xuân ở xứ Quảng đã có từ lâu nay vẫn còn duy trì tổ chức thi đấu trong dịp Tết.

  1. Chơi đầu hồ

Đầu hồ là tên gọi một trò chơi cổ truyền được coi là thú giải trí của các nho sinh và các gia đình khá giả. Cuộc chơi thường tổ chức trong nhà họăc trải chiếu ngòai sân. Người thắng và người thua được thưởng phạt bằng cách mời uống vài ly rượu, không có ăn thua bằng tiền bạc. Người đứng ra tổ chức cuộc chơi có thể tặng cho người thắng một vật quý để làm lưu niệm.

Đầu có nghĩa là ném, hồ là cái bình. Chơi đầu hồ là dùng một cây gỗ dài gọi là phi tiêu, đứng từ xa mà ném gián tiếp cho lọt vào miệng bình. Dụng cụ chơi rất đơn giản, chỉ  cần có cái bình, phi tiêu và tấm ván nhỏ. Người chơi cầm phi tiêu ở hai đầu ngón tay, búng nhiều lần để lấy đà, đoạn búng ngón tay cho phi tiêu rơi trúng tấm ván rồi bật ngược lên để rơi vào miệng hồ. Người nào ném được nhiều phi tiêu trúng đích như thế là thắng cuộc. Khi chơi đầu hồ người chơi phải tập trung, lòng phải thanh thản, nếu tâm trí mờ ám hoặc hoảng lọan thì không thể chơi được.

Quảng Nam  không có trò chơi này nhưng khi du nhập trò chơi này vào  xứ sở của mình đã biến thành nhiều cách chơi khác nhau cho phù hợp với giới bình dân, mọi người ai cũng có thể chơi được như ném lon, ném vòng vào cổ chai, ném phi tiêu… để lấy thưởng.

8/ Đá gà ngày Tết

Trước kia, đá gà là trò chơi dân gian được các tầng lớp nhân dân xưa kia rất thích. Người ta chọn những con gà đạt một số tiêu chuẩn: đầu phải nhỏ xuôi với cần cổ, mỏ nhỏ và ngắn, mồng nhỏ mọc cao và ngay ngắn, mắt sâu, cựa nhiều thép, nhỏ tròn và đóng sát. Khi xây dựng trường gà người ta đào sâu khỏang 30 – 40 phân, rộng chừng 9 – 12 m2, hình vuông, bốn góc cắm bốn cây cọc, giăng dây tứ phía hoặc hình tròn có đường kính khoảng 3m cũng cắm cọc giăng dây chung quanh, trường gà được dựng lên ở địa điểm thuận lợi trong làng, xã để các chủ gà mang gà đến đá, nhất là mỗi khi Tết đến xuân về. Thú chơi đá gà xưa kia thường là thuần hậu không mang tính ăn thua quyết liệt.

Ngày nay, tục chơi đá gà vẫn còn rải rác nhưng đã bị người ta lợi dụng để cá  độ ăn tiền, nên thú chơi đá gà ngày tết không còn trong sáng nữa.

Mới đây, một trường gà quy mô và bề thế đã được khai trương vào ngày 1.1.1998 (mùa xuân năm Mậu Dần) ở Đại Lộc – Quảng Nam, khác với các trường gà ở Hội An, Tam Kỳ… trường gà trên là một ngôi nhà hình chóp, lợp bằng lá dừa nước, nền láng xi măng. Trước đây nền đắp bằng đất sét hoặc đất mỡ gà (loại đất dùng làm vật liệu đóng cối xay lúa). Nhân ngày xuân người ta tụ tập “chia vui” trong không khí trường gà. Có hàng chục con gà được nhốt vào những chiếc lồng tre lớn đợi sẵn. Nhiều con được chủ may cho một cái túi bằng lưới để bọc cần cổ lại nhằm đề phòng kẻ xấu “hạ độc thủ” bằng ngón nghề độc dược nào đó. Khi khoản đất trống gần chuồng gà đã đông người từ các nơi: Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng… kéo tới. Tiếng gà gáy, tiếng la hét, tiếng mặc cả của các chủ gà bắt đầu rộn lên. Trong đám đông người ta nhôn nhao thách đố chấp nhau “gà ông gút mỏ, chắp gà tôi một hồi không ?”. Lại có tiếng: chấp mi cái cựa đó. Gút mỏ  nghĩa là con gà đá trên chân chấp con gà yếu hơn bằng cách dùng chỉ buộc mỏ lại, còn chấp cựa là dùng  vải mỏng bọc cột lại hoặc băng keo dán chiếc cựa gà lại để giảm mức sát thương cho con gà yếu thế.

Thời gian “cáp gà” thường rất lâu vì việc suy đóan thẩm định, so sánh thế lực của hai con gà cho vừa chạn, đây là việc làm rất nan giải, cẩn thận. Hơn nữa, chủ gà nào cũng muốn gà mình ăn chắc nên thường “kì kèo bớt một thêm hai”. Một ông ôm trên tay một con gà tía to tướng: “cáp gà cho kỹ đừng thua, bằng hơn thì đá còn thua thì đừng ! Ai chấp gà tôi một cựa đá chơi ! Bao nhiêu cũng hầu”  Cả trường gà nhốn nháo. Con gà tía của ông ta vừa thả ra làm cả trường gà ồn ào thán phục bởi sức vóc vạn vỡ, oai vệ  của nó. Chàng Tía đi một vòng rồi đập cánh phành phạch cất tiếng gáy vang. Cả trường gà dậy lên tiếng gáy phụ họa đầy vẻ nghênh chiến. Một chủ gà nhảy vào trường đá: “Đá cân với con ô tôi không ?”.  “Em chấp qua cái chi chớ đá cân sao được, gà qua ngó to con lớn xác rứa chớ đá dở lắm !” “gà ông nổi tiếng cả Đà Nẵng mà còn giả yếu, ngang ngửa thì đá chơi !”. Người đàn ông nọ lại bật giọng: “Ô ăn Tía, Tía thua Vàng, Vàng thua Xám, Tía ăn ớt ròng! Bộ chú em không biết răng!”.

Cuối cùng thì con ô và con tía được thỏa thuận quyết đấu với nhau. Hai tay thư ký trường gà bắt đầu kiểm tra từng con gà để đề phòng các chủ gà dùng nọc rắn, a xít và các chất độc khác tẩm vào cựa gà nhằm gây tử vong cho địch thủ trong khi giao đấu. Theo lệ thường, chủ trường gà ăn 10% số tiền cá độ (nếu có) của các chủ gà. Thư ký trường gà thì theo dõi trận đấu, ghi số tiền cá độ, ra hiệu hồi gà sau mỗi hiệp đấu Lệ thường, con gà bị đòn bỏ chạy hoặc chết tại chỗ thì chịu thua. Sau khi hai con gà được cho uống nước, ăn thêm mấy hạt cơm, phun nước cho ướt lông cánh xong, được đưa vào trường đá. Xưa kia nơi gà đá được khóet trũng xuống như một chiếc chảo lớn, đường kính chừng 3m, đắp bằng đất sét hoặc đất mỡ gà. Ngày nay người ta cho gà đá trên nền ciment, mặt bằng.

Trong gần 30 con gà đá năm 1998 ở Đại Lộc thì con ô được mệnh danh là Thần kê. Đầu nó nhỏ, cần cổ nó dài, tròn và thon.Thân nó dài đòn, phao câu lớn và đặc biệt đùi dài đúng hiệu phân ba. Cựa nó sắc nhọn, đóng sát thới, song so với con tía thì nó nhỏ con hơn. Con tía cũng được gọi là Linh kê vì có cú đá song phi hiểm hóc, sở trường. Vừa mới xổ vào trường, lập tức hai con gà quần nhau quyết đấu. Chúng xòe lông chớp cánh, đánh đỡ tiến lùi, lừa nhau từng miếng một. Con ô mắt lườm lườm không chớp, trổ hết tài năng đánh, đỡ, đá rất thông minh và đẹp mắt. Không phải là tay vừa, con tía tung những ngón đòn hiểm hóc để hạ đối phương. Đột nhiên con ô luồn vào cánh địch thủ lòn đầu lên cổ đối phương mổ lấy lông lưng của con tía bằng đá thốc lên. Có người mừng reo lên: “Tuyệt quá Ô ơi ! Vài đòn như rứa nữa là sà cánh địch thủ rồi !”. Nhanh như chớp, con tía dùng mỏ mổ chặt mồng của con ô rồi bất thần tung một cú đá song cước đâm phập bộ cựa vào ức đối phương làm con ô choáng váng. Không hề biết bán độ, không hề câu giờ, trận đấu ngay từ những phút đầu đã diễn ra rất hấp dẫn. Cả trường gà bây giờ tràn đầy âm thanh của sự thách độ. Nào là: “năm ăn mười con ô ai bắt ?”, “hai mươi triệu ăn sáu con tía ai lấy không ?”… hai tay thư ký ghi hối hả và chuyển các phiếu cá độ cho những người đánh cược. Một tay nọ có lẽ là cá độ ăn theo nhảy xổ vào ngồi trong trường đấu, tay chủ trường gà quát: “đá mấy độ lắm mà xon xen. Hử”.

Bỗng dưng  nghe lệnh hồi gà, hai tiếng kẻng vang lên, hai chú gà “ra sân tạm nghỉ”. Bây giờ là thời điểm bồng nước cho gà, đây là công đoạn đặc biệt, quyết định sự thắng bại của mỗi con gà. Những tay có ngón nghề bồng nước thường được coi trọng bởi họ có thể chuyển bại thành thắng trong gang tấc. Từ việc ngậm đầu gà để hút máu độc, đến việc khâu vết thương, buộc mỏ, may lườn… những tay này thường được hưởng thù lao khoảng 25% từ các chủ gà. Một anh bồng lấy con Ô rồi dùng miệng ngậm vào đầu của nó để thổi hơi vào phổi và hút hết máu độc cho nó [4].

Vào hiệp hai, con ô hôm nay chắc thắng. Trong sổ tay của viên thư ký trường gà, số tiền đã lên đến 12,5 triệu đồng.

Đang cuối hồi hai, đột nhiên cả trường gà la thất thanh: “Xe rồi con ơi ! Ô ơi là Ô !” Mọi người vừa kịp nhìn một miếng đá hiểm hóc: con tía đập cánh bay lên, đá thẳng bộ cựa vào mắt làm con ô bị thương mắt trái (dân đá gà gọi là xe). Những người lỡ đặt cọc cho con ô giờ đây tỏ ra lo lắng vì mất  bạc triệu tới nơi. Máu đã chảy ! Trận thư hùng đã đến hồi tàn khốc. Trường gà nhốn nháo, những tiếng thách cuộc cứ liên tiếp vang lên : “Mười ăn hai cho con Ô đây có ai bắt không ?” gần hai trăm con người hoàn toàn bị kích động mạnh, niềm say mê tiêu khiển chợt biến mất để mặc cho sự ăn thua bùng nổ. Tuy bị thương nặng nhưng con Ô vẫn chiến đấu ngoan cường, đến 12 giờ trưa vẫn chưa phân thắng bại. Số tiền cá độ đã lên đến mức cao nhất, chỉ còn chờ kết cục. Bất ngờ, con Ô bỏ chạy, con Tía đuổi theo rất sát, lựa lúc con Tía mất cảnh giác, con Ô quay phắt lại, bay người tung một đòn quyết định. Con Tía đổ vật xuống. Cả trường gà đồng thanh hét lớn: “mã hồi thương. Con Ô tuyệt chiêu” . Có ai nói: hôm nay là ngày thủy, con Ô phải ăn con Tía Kinh Kê nói như vậy !.

Nay, dân đá gà độ lập một trường gà mới ở chợ Lạc Thành, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn để tiếp tục cuộc chơi. Đã đến lúc phải dẹp bỏ các tụ điểm đá gà kiểu này vì đó không thể là trò chơi đá gà vui xuân đón Tết truyền thống như xưa nữa.[5]

9/ Hô lô tô ngày Tết 

Trước thời Pháp thuộc lô tô chưa có ở xứ Quảng Nam, sau khi  Pháp đô hộ nước ta, lô tô từ Pháp du nhập vào miền Nam (Nam Kỳ). Đến những năm 1940 – 1945 lô tô theo các đoàn bán thuốc dạo dần ra miền Trung (bán thuốc dạo: thuốc dán, các loại thuốc bổ thận hòan khác…) .

Vào dịp Tết với loại giải trí bằng lô tô, người chơi có thể mua từ một đến nhiều quân cờ, mỗi quân cờ là một tấm bìa hình chữ nhật (hoặc vuông) có in thành nhiều màu sắc khác nhau. Trên quân cờ có 4 dãy số  theo hàng ngang, mỗi dãy chia đều thành 5 ô hay nhiều hơn, cách ô có 5 con số không trùng nhau. Người chơi lô tô vào dịp tết theo dõi chờ đợi người hô rút số từ trong túi vải hay hộp hoặc lồng (bằng cách quay) ra. Người nào trúng 5 số trên một dãy ngang là thắng cuộc, thắng cuộc thường gọi là “cờ kinh” hoặc “cờ tới”.

Vùng Quảng Nam cứ đến Tết thường có tổ chức hô lô tô kết hợp với nói vè xứ Quảng. Trong số những người tổ chức, ai có giọng tốt, đối đáp kiến tại nhanh, họat bát thường được chọn để hô con cờ. Lời minh họa trước khi hô chữ số ra thường là vè theo thể loại văn vần có từ 4 đến 5 tiếng. Đây là vè phổ biến ở xứ Quảng thường gọi là vè Quảng. Vè được sáng tác tại chỗ, kịp thời, chất phát và người hô phải có khả năng kiến tại linh họat tùy theo con số được bốc ra.

Lối rao tùy theo từng vùng mà có, không quy định thành bài bản cụ thể (trước đây thường là vậy), tuy nhiên người hô phải thuộc ít nhất một số lời hô và câu chuyển. Ví dụ:

Lẳng lặng mà nghe
Tôi hô con cờ kinh
Cờ ra con mấy
Con mấy gì đây
Con vượn bồng con
Lên non hái trái
Tôi cảm thương nàng
Phận gái mồ côi
(là) con một ôi !
                             (con số 1)

Những năm lô tô mới từ Nam ra Trung, thường có kèm theo trống nhỏ, sênh (thanh la), đàn cò, có cả kèn, tất cả phụ họa trong lúc hô theo nhịp. Nhưng do hình thức diễn xướng dễ thực hiện nên lô tô đi đến đâu đã nhanh chóng nhập vào làng xóm và bám ở đó lâu dài, từ đó lời hô thường phản ánh sinh họat ruộng đồng, quê kiểng, cảnh làm ăn, con người, không khí lễ hội ngày Tết. Thông qua lời hô làm cho cảnh vui chơi thêm nhộn nhịp, ấm áp, dễ thu hút mọi người. Người vui Tết do đó dừng chân vào giải trí lô tô được lâu.

Lô tô ngày nay phần nhạc khí dân tộc cổ truyền được thay bằng một dàn nhạc nhẹ, rộn ràng, đa số đã dùng lồng quay thay cho túi vải hay hộp như lúc ban đầu. Nếu như về mặt vui chơi giải trí bằng lô tô, xứ Quảng những năm đầu mới du nhập vào thường không mang tính cờ bạc nhưng càng về sau này lô tô càng mạnh do phổ thông ai cũng có thể hiểu và tham gia được, không có mưu mẹo gì cả, lô tô vững vàng phát triển lên hình thức sân khấu có che rạp, từ đó đã trở thành một trò chơi cờ bạc có ăn thua, được mất.

  1. Các loại cờ bạc được tổ chức trong những ngày Tết:

Tết đến, không thể không có các loại cờ bạc khác nhân dịp chào đón những ngày xuân, người ta cùng tham gia giải trí, có khi cũng là sự ăn thua được mất, hên xui. Cùng với các loại trò chơi mang tính chất lễ hội thu hút nhiều người tham gia thì cờ bạc cũng là cách vui xuân tìm hên xui đầu năm. Trước kia, ngày xuân chơi cờ bạc không mang tính chất sát phạt để tranh phần thắng lợi, ngày nay cờ bạc đã mang tính ăn thua làm mất đi tính chất giải trí của các loại  cờ.

Các làng quê Quảng Nam, ngày Tết gặp nhau thường có lời chào năm mới, sau đó tiện thể người ta hỏi luôn đã phát tài phát lộc gì chưa thì cũng có nghĩa là hỏi thăm hên xui thế nào trong thú tiêu khiển bạc cờ.

Thú tiêu khiển bằng cờ bạc có nhiều lọai, có loại giành cho trẻ em như hốt lú, đánh me, đánh bê, cờ gánh, ô làng, đánh táng tường… gần đây xuất hiện bàn cờ sáu mặt in trên giấy lớn gọi tắt là bầu cua. Bầu cua thường bày trên đất ở chợ làng, trẻ em tụ lại mua vui cũng là một cách chơi xuân.

Có loại giải trí tiêu khiển trong phạm vi gia đình như: tứ cúc, tam cúc, xì lát, gần đây có loại cờ tiến lên khá phổ biến. Có loại cờ bạc giành riêng cho giới mê cờ ăn thua nhau, sát phạt nhau chí tử nhân những ngày Tết như xóc đĩa, súc xắc, chẳng lẽ, đánh kiệu. Loại này thường bị dư luận lên án, loại trừ do ở chỗ người tham gia trở thành con bạc quanh năm, trở thành những tay cờ bạc nhà nghề.

Dịp Tết những năm gần đây mỗi làng, xã có khi vùng rộng hơn mở những gian hàng hội chợ xuân có tổ chức chặt chẽ, tập trung các loại trò chơi như lô tô, ném bóng, các gian hàng  xổ số để mọi người vui chơi trong những ngày Tết, sau Tết các gian hàng cũng dọn dẹp không phải kéo dài nhiều ngày gây nên lãng phí thời giờ, tiền của.

Hội chợ xuân thường tập trung ở những nơi dân cư đông đúc, thành phố, thị xã, thị trấn… mỗi huyện cũng có loại chợ xuân mở tại công viên, quảng trường, các đình chợ.

  1. Chơi Tết:

Ngoài việc tham gia các trò chơi ngày Tết, người dân xứ Quảng còn có thú vui chơi khác trong những ngày Tết đó là tìm đến với thiên nhiên, những nơi danh lam thắng cảnh để thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên của mùa xuân. Hoa là khởi sắc đầu mùa, con người dạo chơi là cách hòa vào trật tự lớn của thiên nhiên để tồn tại. Chẳng hạn ngày xuân tìm đến cảnh đẹp Đá Bàn:

Quê tôi có cảnh Đá  Bàn
Nên thơ là những chiều vàng năm xưa

Hoặc, ngày xuân đến với Ngũ Hành Sơn để dạo chơi có khi dâng hương ở chùa Tam Thai, chùa Linh ứng để thăm các hang Vân Thông Cốc, hang Tiên Long Cốc (hang Rồng), Giám Thái, hang Đèn, hang Ngũ Cốc; thăm động Huyền Không, động Tàng Chơn, Tiên Chơn, Tam Thanh.

Ngũ Hành Sơn là năm hòn non nước đứng từ xa trông như “Năm ngọn núi cắm mũi tên vào mênh mông biển cả[6]. Có người kể chuyện rằng ngày xưa thợ trời cõng đã cẩm thạch đi xây cảnh bồng lai, vườn địa đàng, khi đi ngang qua đây nặng quá nghiêng vai thả bớt mấy hòn. Ngày xuân lên hòn lớn thăm chơi ! Khách bốn phương leo lên những bậc thang đá hoa cương cao ngất, thoảng trong gió biển là hương thơm của hoa sứ ngào ngạt. Đứng ở Vọng Hải Đài nhìn về phía biển, mênh mông mây nước một màu vời vợi. ở đây Phạm Hầu hòai cảm:

          Đưa tay ta vẫy ngòai vô tận
          Chẳng biết xa lòng có những ai

Lại nhìn thấy bán đảo Sơn Trà, về phía tây có dải trường sơn hùng vĩ. Những người du xuân còn thấy chiếc cầu Cẩm Lệ bắc ngang sông trông như cảnh một hòn non bộ và đường ngân giang rẽ đôi đồng lúa xanh rì. Đến Non Nước ghé động Huyền Không, khách sẽ ngẩn ngơ trước vẻ đẹp kỳ ảo của tạo hóa, tâm hồn lại nhẹ lâng cùng với cảnh trời mây non nước bao la.

Vào Huyền Không động rộng thênh, vòm cao vời vợi. Một lỗ thông hơi tròn vạnh, mùa xuân trời trong, ngước mắt mà nhìn thấy một màu xanh như ai trùm lên tấm lụa mỏng. Thạch nhũ luôn thay đổi màu theo ánh sáng mờ tỏ làm cho hình tượng con hạc, cây đàn… ngả màu theo nắng. Những giọt nước mát lành nhỏ xuống tự vòng trời xanh vời vợi. Trên vách núi chi chít những dòng thơ tức cảnh của khách du lịch.

Ngày xuân, người dân xứ Quảng đến Ngũ Hành Sơn không mấy ai lại không cảm hứng trước thiên nhiên đẹp tươi như Ngũ Hành Sơn. Không riêng  gì cho con người xứ Quảng mà thời Minh  Mạng, thường năm nhà Vua cũng ngự giá đến viếng cảnh Ngũ Hành Sơn để thưởng lãm cảnh đẹp của nó. Có năm được tin vua Minh mạng đến viếng, trước khi đến nơi cụ  Trương Quang Đàn có bài thơ:

Bạch thạch huỳnh sa túy tác đôi
Thông thông uất uất khí giai tai
Thiều quang vân ảnh tình lâm động
Hải sắc giang dung hiểu thượng đài
Tình cảnh chỉ ưng tiên mạt túc
Thanh du hoàng hữu sứ tra lai
Truy tư trở giá niên tiền sự
Để ỷ thành tâm tại thử hồi

Và được cụ Minh Viên – Huỳnh Thúc Kháng dịch:

Cát vàng đá trắng khéo xây nên
Nghi ngút điềm già bốt khói thiêng
Tia sáng bóng mây soi thấu động
Màu sông sát biển sớm lên đài
Màu tiên cảnh vắng đành xa tục
Thuyền sử chơi thành lại đậu bên
Trở giá chuyệnxưa ngồi nhớ lại
Lòng thành kẻ dưới  thấu bề trên[7]

Ngày nay Ngũ Hành Sơn vẫn là một trong những thắng cảnh của xứ Quảng và cả nước. Du khách nhiều nơi nhân ngày xuân cũng tìm về ngưỡng vọng:

Càng lên cao Non nước
Biển dưới chân càng gần
Gặp phật bà Quan  âm
Chắn cửa lên trời hẹp
… Đường xuống âm phủ đấy
Nơi ấy mà đá xanh…
Thiên đường và địa ngục
Cách nhau vài bước chân
Cây đại già trầm ngâm
Như người du khách cổ
Động Huyền không đà mở
Nên đá cất tiếng cười[8] 

Cùng với Ngũ Hành Sơn là bãi biển Nam Ô, nơi đây vào tiết mùa xuân, đông đúc du khách khắp nơi đổ về thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên từ bãi biển Nam Ô nhìn lên Hải Vân sơn hùng tráng, đấy cũng là cảnh thiên nhiên tươi đẹp của Quảng Nam. Hải Vân quan được mệnh danh là “đệ nhất hùng quan”, đấy là một chân núi của trường sơn nam ăn lan ra tận biển là ranh giới tự nhiên giữa Quảng Nam – Đà Nẵng với Thừa Thiên.

Hải Vân sơn có đèo, đèo dài chừng 25 km, núi non trùng điệp, vách đá cheo leo hiểm trở. Đứng trên đỉnh đèo sẽ nhìn thấy một vùng trời bể mênh mông “mây bay đỉnh núi”. Nơi đây là một cửa ải xung yếu mà từ khi mở đường băng đèo vào Nam, vua Lê Thánh Tôn đã gọi là đệ nhất hùng quan.

Nói đến Hải Vân sơn là nói đến cảnh trí thiên nhiên với sắc đá đủ màu xanh, vàng, đỏ, tím, nào cây cối thông uất, vượn hú chim kêu. “Ôi Hải Vân ! Hải Vân không một chút bụi trần, trong như lồng qua một khung kính, Hải Vân quả là một viên ngọc bích lung linh khoe sắc với trời cao, khiến cho khách xa có diễm phúc tới đây, khi dời chân xuống đèo, không sao không bịn rịn. Lòng khách băn khoăn như một giấc mơ của kẻ trên tiên cung vừa bị đày về trần giới.

Cây cỏ, vách đá, trời mâu loang lóang ở hai bên đường với các thứ màu pha trộn, như trên một tấm vóc dang dở đang chạy trong khung cửi…”[9]

Đứng trước cảnh đẹp trời mây, non nước đó, Trần Quý Cáp có thơ:

Đèo Hải Vân cao sớm có danh
Lại qua mấy độ chứa chan tình     

Tam Nguyên Trần Huy Tăng cũng có bài thơ khi qua đệ nhất hùng quan:

Tam niên tam thướng Hải Vân đài
Nhứt điểu thân khinh độc vãn hồi
Thảo nọ bán không đê nhựt nguyệt
Càn khôn chích nhãn tiểu trần ai
Văn phi sơn thủy vô kỳ khí
Nhân bất phong sương vị lão tài
Hưu đạo Tần quan chinh lộ hiểm
Mã đầu hoa tận đới yên khai[10]

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

 


[1] Dân ca bài chòi có 4 làn điệu cơ bản là: xuân nữ, xàng xê, cổ bản và hồ quảng.

[2] Theo lời kể của Phạm Ngọc Sang, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Nay công tác tại Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng.

[3] Theo Hoàng Châu Ký: Võ Quảng Nam – QNĐN/CN số 42/87

[4] Gà đá chết người. Trên báo Nam kỳ địa phận, số ra ngày 10.10.1929 viết “Ngày 29.9.1929 tại làng Phú Cam, xã Bến Ngự (Huế) có một người bị gà đá chết. Nguyên khi người ấy bồng nước cho gà, anh ta đưa cái đầu nó vào miệng mình để hút máu độc cho nó. Vừa trông thấy cái đóc họng của anh ta, tưởng là cái mào của địch thủ, con gà kia bèn mổ vào rồi ngậm cứng và đập cánh đá xốc mấy cái rất mạnh. Anh ta ngã xuống, con gà còn hung hăng đá liền mấy cái, người đàn ông này rên la một hồi rồi chết.

[5] Theo lời kể của Lưu Anh Rô, xã Đại Hoà, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Nay công tác tại Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng.

[6] Thơ Cẩm Lê – Gieo hạt – Nxb/ĐN. 1996

[7] Thời gian cụ Phan Thanh Giản làm Tuần vũ Quảng Nam, được tin Minh Mạng sắp ngự giá vào thăm Ngũ Hành Sơn, cụ bèn dâng tờ sớ can vua hãy hoãn kỳ đi thăm lại vì đang lúc mùa lúa vụ xuân hãy để yên lo bề cày cấy đã.

[8]  “Dạo chơi chùa Non Nước” thơ Phạm Mạnh Hảo.

[9] Lê Văn Siêu.

[10] Dịch:                                   Ba năm vượt ải đã ba lần

                                                Nhẹ cánh chim hồng đạo Hải Vân

                                                Ngắm rộng kiền khôn coi cũng bé

                                                Lên cao nhựt nguyệt  tưởng đâu gần

                                                Gió sương như búa tài thêm chuốc

                                                Hồ hải làm nghiêng bút mời thần

                                                Đầu ngựa rừng hoa chen khói nở

                                                Cười ai kêu hiểm lối sang Tần

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây