Thành công của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội và những kinh nghiệm giúp hoàn thiện chế độ bầu cử hiện nay – PGS.TS. Bùi Xuân Đức

Thành công của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội và những kinh nghiệm giúp hoàn thiện chế độ bầu cử hiện nay - PGS.TS. Bùi Xuân Đức
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)

Thành công của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội và những kinh nghiệm giúp hoàn thiện chế độ bầu cử hiện nay

PGS.TS. BÙI XUÂN ĐỨC
Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Mặt trận, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải “xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức”. Ngày 3/9/1945, tức  chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “…tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội. Quốc hội đó – là cơ quan có quyền lực tối cao của nhân dân – sẽ cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ (1). Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giầu, nghèo, tôn giáo, dòng giống v.v..”(2). Vượt qua muôn vàn khó khăn của thù trong, giặc ngoài và những âm mưu đen tối của các thế lực phản động định tiêu diệt cách mạng Việt Nam, cũng như giặc đói, giặc dốt… là di chứng của chế độ thực dân đế quốc để lại, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã được tổ chức thành công, một cuộc bầu cử thật sự tự do, thật sự dân chủ, là mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam. Nhân kỷ niệm 70 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, việc nghiên cứu làm rõ những thành công của nó, từ đó rút ra những bài học để kế thừa và phát triển những quy định của các sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử và thực tiễn tổ chức cuộc Tổng tuyển cử này trong tiến trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội nói chung, đổi mới chế độ bầu cử hiện nay nói riêng, là rất cần thiết và có ý nghĩa.

  1. Cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội lập hiến) năm 1946

Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội(Quốc hội). Đây là văn bản pháp luật đầu tiên về bầu cử. Sắc lệnh ghi rõ: “Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân đại biểu Đại hội họp ngày 16 – 17/8/1945, tại Khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hoà, và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên; Xét rằng nhân dân Việt Nam do Quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hoà; Xét rằng trong tình thế hiện giờ sự triệu tập quốc dân đại hội không những có thể thực hiện được mà lại rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập và chống lại nạn ngoại xâm…”. Bản Sắc lệnh gồm 7 điều, quy định: “Trong một thời hạn hai tháng kể từ ngày ký Sắc lệnh này sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội” (Điều 1); “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường” (Điều 2); “Một Uỷ ban để dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được thành lập” (Điều 5); “Để dự thảo một bản Hiến pháp đệ trình Quốc hội, một Uỷ ban khởi thảo Hiến pháp 7 người sẽ thành lập” (Điều 6) .

Chính phủ lâm thời còn ra một loạt sắc lệnh để xúc tiến công việc chuẩn bị cụ thể cho việc Tổng tuyển cử. Sắc lệnh số 34-SL ngày 20/9/1945 thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp gồm có: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu. Sắc lệnh số 39-SL ngày 26/9/1945 về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử gồm 9 người, trong đó có đại diện của các ngành, các giới.

Tiếp đến, Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 ấn định thể lệ Tổng tuyển cử – văn bản có tính tổng thể tương đương với các Pháp lệnh và Luật về bầu cử sau này – quy định ngày mở cuộc Tổng tuyển cử là 23/12/1945 (Điều 1); quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải được tiến hành theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bí mật, tuyên bố quyền bầu cử và ứng cử của tất cả các công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, trừ những người điên, người hành khất chuyên môn, người bị án mà không được hưởng đại xá của Chính phủ; quy định đơn vị bầu cử là các tỉnh và sáu thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Huế, Sài Gòn – Chợ Lớn cũng đứng riêng làm đơn vị tuyển cử như các tỉnh, ấn định số đại biểu được bầu cử tại tỉnh, thành phố (tổng cộng 329 đại biểu); quy định cách lập danh sách ứng cử (do Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố lập nên), danh sách bầu cử (do UBND làng hay khu phố lập); quy định cách thức bầu cử, cách thức điểm phiếu, cách thức tính kết quả bầu cử. Phải có một phần tư (1/4) số cử tri toàn tỉnh (trong thành phố) có đi bầu thì cuộc bầu cử mới có giá trị. Nếu không sẽ có cuộc bầu cử thứ hai. Những người ứng cử phải được hơn nửa (>1/2) số phiếu bầu hợp lệ thì mới được trúng cử. Kèm theo Sắc lệnh này là Bảng ấn định số đại biểu các tỉnh và thành phố được bầu.

Sắc lệnh số 71 ngày 2/12/1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người ứng cử: vì hoàn cảnh giao thông khó khăn, người ứng cử có thể gửi ngay đơn cho UBND nơi mình c­ư trú và yêu cầu Uỷ ban ấy điện cho UBND nơi mình xin ứng cử, đơn và giấy chứng thực đủ điều kiện sẽ do UBND nơi mình cư trú chuyển sau cho UBND nơi mình ứng cử. Sắc lệnh số 72 cùng ngày 2/12/1945 quy định bổ sung số đại biểu được bầu cho một số tỉnh để nâng tổng số đại biểu Quốc hội lên 330 đại biểu. Để tạo điều kiện cho những người có quyền ứng cử và có nguyện vọng ứng cử có đủ thời gian ứng cử và vận động tuyển cử, ngày 18/12/1945, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 76 quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946.

Theo những Sắc lệnh trên, cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành sôi nổi, diễn ra trên cả nước và giành thắng lợi to lớn. Trong không khí phấn khởi, với tinh thần dân tộc dâng cao chưa từng có sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân cả nước đã đón nhận và chuẩn bị Tổng tuyển cử như ngày hội lớn của mình. Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách các cử tri và ứng cử viên được hoàn thành và niêm yết công khai. Quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại diện của mình, hạn chế tới mức cao nhất những phần tử cơ hội lợi dụng dịp Tổng tuyển cử để tranh giành quyền chức. Trung ương Đảng chủ trương: “Phải đưa những người đã ở trong UBND có năng lực hành chính ra ứng cử”, và giới thiệu những thân hào có tài, có đức ra ứng cử, cùng đứng chung liên hiệp với các người ứng cử của Việt Minh. Càng gần đến ngày Tổng tuyển cử, không khí càng náo nức, sôi nổi. Một số địa phương, nhất là ở phía Nam, do lệnh hoãn không đến kịp, nên Tổng tuyển cử vẫn tiến hành như kế hoạch đã định trước là ngày 23/12/1945. Tin Tổng tuyển cử diễn ra tưng bừng ở những nơi đó được đăng tải kịp thời trên các báo chí làm tăng thêm không khí chính trị sôi động của cả nước hướng đến ngày 6/1/1946.

Ngày 5/1/1946, trước Tổng tuyển cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu: “Ngày mai là một ngày đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”, “là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu tận dụng, hưởng quyền dân chủ của mình… Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”. Vì thế mà “Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”(3).

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thành công trên phạm vi cả nước, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam. Cụ thể là: tính chung cả nước, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%, trong khi đó theo quy định của Điều 56 Sắc lệnh số 51 về Thể lệ Tổng tuyển cử, chỉ cần một phần tư (1/4) số cử tri có quyền bầu cử đi bầu thì cuộc bầu cử đã có giá trị. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 87% là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc thiểu số (4).

Cử tri bỏ phiếu bầu của Quốc hội khóa I min - Thành công của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội và những kinh nghiệm giúp hoàn thiện chế độ bầu cử hiện nay - PGS.TS. Bùi Xuân ĐứcCử tri bỏ phiếu bầu của Quốc hội khóa I

  1. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử năm 1946

Một là,Tổng tuyển cử đã chính thức hóa chính quyền bằng cách lập ra Quốc hội, từ đó cử ra Chính phủ chính thức, ban hành Hiến pháp, tạo dựng một bộ máy chính quyền chính thức hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại, đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện chủ quyền nhân dân.

Ngay sau khi mới thành lập, Chính quyền Cách mạng của nhân dân Việt Nam phải đối phó với những tình thế hết sức hiểm nghèo. Tuy Chính phủ lâm thời đã long trọng tuyên bố với thế giới: Việt Nam đã thành một nước Độc lập và Tự do, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra đời, song chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận (5).

Trái lại, các thế lực đế quốc và tay sai đang ráo riết chống lại Đảng Cộng sản và Việt Minh, hòng lật đổ chính quyền cách mạng và thiết lập một chính quyền phản động tay sai cho đế quốc. Dưới danh nghĩa quân Đồng Minh tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật, quân đội một số nước đế quốc đã kéo vào nước ta: gần 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch ở phía Bắc vĩ tuyến 16 và hàng vạn quân Anh ở phía Nam vĩ tuyến 16. Nấp dưới bóng quân Anh, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng ở Sài Gòn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Hàng vạn quân Nhật còn lại trên đất nước ta cũng tham gia chống lại chính quyền cách mạng. Lực lượng Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) do Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam… cầm đầu và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách) do Nguyễn Hải Thần nắm giữ, theo chân quân đội Tưởng kéo về nước chống phá cách mạng. Việt Quốc và Việt Cách dựa vào quân Tưởng đã chiếm giữ một số nơi ở Yên Bái, Vĩnh Yên, Móng Cái. Chúng quấy nhiễu, phá phách, cướp của, tống tiền, gây rối loạn trật tự trị an. Một số lực lượng phản động khác cũng đã nổi dậy. Thêm vào đó, chính quyền cách mạng còn phải tiếp thu cả một gia tài đổ nát do chế độ cũ để lại: công nghiệp phá sản, nông nghiệp đình đốn, tài chính kiệt quệ, nạn đói đe doạ trầm trọng, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội nặng nề, kinh nghiệm quản lý chính quyền chưa có…

Giữ vững và bảo vệ chính quyền cách mạng là nhiệm vụ hết sức cấp bách, sống còn của nhân dân lúc này. Chính quyền là công cụ sắc bén, là đòn bẩy để đưa cách mạng tiến lên. Muốn vậy, phải tăng cường khối đoàn kết toàn dân, hoà hợp dân tộc, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng về mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội và ngoại giao, kháng chiến đi đôi với kiến quốc, chống giặc ngoại xâm gắn liền với chống giặc đói và giặc dốt.

Công việc Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện giặc ngoài thù trong, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hàng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng. Trong điều kiện như thế, đây không phải là một cuộc Tổng tuyển cử thông thường, mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc hết sức quyết liệt. Chỉ có Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có dịp nói hết những ý muốn của họ, và chỉ có Chính phủ lập ra bởi Tổng tuyển cử mới là đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân. Sau hết, cũng chỉ có Tổng tuyển cử mới có thể cấp cho nước Việt Nam một Hiến pháp mới ấn định rõ ràng quyền lợi của Quốc dân và của Chính phủ và mới phá tan được hết những nghi ngờ ở trong cũng như ở ngoài đối với chính quyền nhân dân (6).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nướcnhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giầu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ đoàn kết”. Đối với Việt Quốc, Việt Cách, Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết đấu tranh chống lại mọi sự phá hoại, chống đối của họ, đồng thời cũng đã cố gắng nhân nhượng, hoà giải nhằm tạo bầu không khí ổn định cho Tổng tuyển cử.  Thực hiện chủ trương thống nhất và hoà giải, Hội đồng Chính phủ đã bàn bạc và nhất trí để Nguyễn Hải Thần giữ chức Phó Chủ tịch của Chính phủ, mở rộng Chính phủ lâm thời, thừa nhận 70 ghế cho Việt Quốc, Việt Cách trong Quốc hội không qua bầu cử. Tiếp theo, ngày 1/1/1946, Chính phủ lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời, mở rộng thành phần chính phủ để thu hút thêm một số thành viên của Việt Quốc và Việt Cách.

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ của kiếp tôi đòi đã trở thành “chủ nhân ông” một nước tự do độc lập, đã khẳng định với thế giới rằng: Nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập, có quyền và đã thực sự có đủ khả năng để tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ mới. Thắng lợi Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ, và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có tính chất hợp pháp, dân chủ – Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến và kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế. Thắng lợi của Tổng tuyển cử, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là “kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

Hai là, cuộc Tổng tuyển cử, tuy là lần đầu tiên ở nước ta, nhưng đã thể hiện một cách đầy đủ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc bầu cử mới: tự do bầu cử, ứng cử của công, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín mà không phải bất kỳ một nước dân chủ nào ngay từ đầu đều có thể làm được.

– Bầu cử phổ thông. Điều 2 Sắc lệnh số 51 quy định rõ: “Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ: 1- Những người điên: những người mà dân địa phương đã công nhận là điên. Danh sách những người trong làng hay khu phố do UBND làng hay khu phố ấn định; 2- Những người hành khất chuyên môn, hay là những người do một hội thiện nào nuôi vĩnh viễn. Danh sách những người này do UBND làng hay khu phố ấn định; 3- Những người bị can án mà không được hưởng sắc lệnh đại xá của Chính phủ dân chủ cộng hoà”. Nguyên tắc tự do bầu cử trong cuộc Tổng tuyển cử được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích trên báo Cứu Quốc ngày 30/12/1945: “… hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giầu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Điều 11 Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 quy định: chậm nhất là 15 ngày trước ngày bỏ phiếu, công dân có quyền bầu cử muốn ứng cử chỉ cần gửi thẳng đơn ứng cử lên UBND tỉnh (hay thành phố) nơi mình ra ứng cử kèm theo giấy chứng nhận của UBND nguyên quán hoặc nơi trú ngụ là đủ điều kiện ứng cử. Còn Điều 12 Sắc lệnh số 51 quy định: Người ứng cử được tự do ứng cử nơi mình chọn lấy nhưng chỉ một nơi ấy thôi. Do giao thông khi đó đi lại khó khăn, để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân có quyền bầu cử thực hiện được quyền tự do ứng cử, Sắc lệnh số 71 ngày 2/12/1945 còn sửa đổi quy định Điều 11 Sắc lệnh số 51 nói trên để người ứng cử chỉ cần “gửi đơn ứng cử cho UBND nơi mình trú ngụ” và “yêu cầu UBND ấy điện cho UBND tỉnh (thành phố) nơi mình xin ứng cử ” thì đã được đưa tên vào danh sách ứng cử của tỉnh hoặc thành phố đó. Còn đơn và giấy chứng nhận đủ điều kiện ứng cử sẽ do UBND nơi trú ngụ chuyển sau cho UBND tỉnh, thành phố. Có lẽ từ trước đến nay, chưa ở đâu và chưa bao giờ pháp luật bầu cử lại có quy định về thủ tục ứng cử đơn giản, thuận lợi và độc đáo như quy định này của Sắc lệnh số 71 ngày 2/12/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký.

Đặc biệt, khi thấy có những nhân sĩ muốn ra ứng cử nhưng không đủ thì giờ để nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76 của Chính phủ lâm thời quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử ấn định ngày 23/12/1945 sang đến ngày 6/1/1946 và quy định hạn nộp đơn ứng cử kéo dài đến ngày 27/12/1945 để những người có quyền ứng cử và có nguyện vọng ứng cử đủ thời gian nộp đơn ứng cử và vận động tranh cử.

Những quy định nói trên của các sắc lệnh về Tổng tuyển cử thể hiện triệt để nguyên tắc tự do bầu cử, là cơ sở pháp lý rất quan trọng bảo đảm cho mọi công dân có quyền bầu cử muốn ứng cử đều có thể thực hiện được trực tiếp và dễ dàng quyền tự do ứng cử, tự do vận động tranh cử của mình. Chính vì vậy, nguyên tắc này đã đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực sinh động của một cuộc Tổng tuyển cử thực sự tự do, thực sự dân chủ. Điều này cũng lý giải tại sao trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, để bầu được 333 đại biểu, đã có hàng nghìn người ứng cử và ở mỗi đơn vị bầu cử (tỉnh hay thành phố), số ứng cử viên nhiều hơn gấp nhiều lần số đại biểu cần bầu. Ví dụ, thành phố Hà Nội (nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử), được bầu 6 đại biểu nhưng có tới 74 người ứng cử, tỉnh Quảng Nam được bầu 15 đại biểu nhưng có đến 78 người ứng cử (7).

Mục đích của nguyên tắc bầu cử phổ thông là nhằm thu hút tuyệt đại đa số dân cư ở trong nước đạt đến độ tuổi trưởng thành nhất định theo quy định của pháp luật tham gia vào bầu cử. Nhưng điểm độc đáo của việc áp dụng triệt để nội dung, yêu cầu của nguyên tắc này trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta là pháp luật không chỉ bảo đảm quyền bầu cử cho những người đang là công dân Việt Nam, mà còn bảo đảm cho cả những người nước ngoài đã sống lâu năm ở Việt Nam, tỏ lòng trung thành với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và có mong muốn được tham gia Tổng tuyển cử cũng được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho họ thực hiện quyền bầu cử. Vì vậy, ngày 7/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 73 quy định điều kiện, thủ tục cho người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam để họ trở thành công dân Việt Nam, được hưởng quyền bầu cử. Điều đặc biệt đáng lưu ý là thủ tục nhập quốc tịch nếu theo Điều 4 Sắc lệnh số 73 thì đơn xin nhập quốc tịch phải qua UBND tỉnh, rồi chuyển tiếp cho Ủy ban kỳ, sau đó được chuyển cho Bộ Tư pháp xem xét và quyết định. Nhưng Điều 5 của Sắc lệnh số 73 quy định: “những người xin nhập quốc tịch Việt Nam mà được UBND tỉnh thấy có đủ điều kiện và ưng nhận, thì được hưởng ngay quyền bầu cử và ứng cử, không phải chờ sắc lệnh cho nhập quốc tịch Việt Nam”.

– Bầu cử bình đẳng là một nguyên tắc bầu cử tiến bộ phù hợp với quyền con người với nội dung là các công dân tham gia vào bầu cử (ứng cử và đi bầu) với những điều kiện ngang nhau, không phân biệt, giá trị của lá phiếu như nhau và đại biểu đại diện cho số lượng cử tri như nhau không phân biệt lá phiếu của cử tri thành thị, nông thôn, miền núi, người có học và có của.

Sắc lệnh về Tổng tuyển cử quy định nguyên tắc bầu cử bình đẳng, nhất là bình đẳng nam nữ về quyền bầu cử, ứng cử ngay trong những ngày đầu tiên của nền Cộng hòa dân chủ nhân dân: Mỗi cử tri chỉ được đi bầu một nơi hoặc ở nguyên quán, hoặc ở một nơi mà cử tri đã trú ngụ ít nhất là 3 tháng tính đến ngày bầu cử (Điều 17). “Đơn vị bầu cử được xác định là tỉnh hoặc thành phố (8), số đại biểu một tỉnh (hay thành phố) căn cứ vào dân số của tỉnh (hay thành phố) đó để ấn định. Người ứng cử được tự do ứng cử nơi mình chọn lấy nhưng chỉ một nơi ấy thôi. Nếu người ứng cử nào ứng cử nhiều nơi hoặc khai gian những giấy chứng thực về điều kiện ứng cử sẽ bị phạt… (Điều 7 – 12).“Phiếu bầu sẽ do ban phụ trách cuộc bầu cử phát cho người đi bầu, chỉ phát cho mỗi người một phiếu, có đóng dấu của UBND làng, tỉnh lỵ hay khu phố. Sẽ có phiếu kiểu mẫu chung cho toàn quốc. Phiếu sẽ phát lúc người đi bầu đã vào phòng bỏ phiếu” (Điều 40).Những quy định này thể hiện triệt để nguyên tắc bầu cử bình đẳng, đặc biệt là quyền bình đẳng của những người ứng cử (dù là Chủ tịch Chính phủ lâm thời hay một công dân bình thường) trong việc tự mình lựa chọn một và chỉ một đơn vị bầu cử để ứng cử mà thôi. Không ai có quyền sắp xếp, bố trí các ứng cử viên vào đơn vị bầu cử này hay đơn vị bầu cử khác và do vậy, cũng không có ứng cử viên nào cảm thấy mình chỉ là người “phụ cử” cho các ứng cử viên “đắc cử” và bảo đảm mỗi người chỉ có một nơi bầu và một phiếu bầu như nhau. Số đại biểu của từng tỉnh cũng phải theo tỷ lệ dân đông hay ít chỉ “…trừ một vài thành phố đặc biệt quan trọng số đại biểu có tăng lên ít” (Điều 9).

– Bầu cử trực tiếp có nghĩa là cử tri trực tiếp bầu ra cơ quan đại diện quyền lực nhà nước ở tất cả các cấp mà không thông qua tầng nấc trung gian nào. Sắc lệnh về Thể lệ Tổng tuyển cử rất cụ thể, rõ ràng chứ không phải chỉ quy định chung chung bằng cách nêu tên của nguyên tắc này: “Đơn vị tuyển cử là tỉnh, nghĩa là dân trong mỗi tỉnh bầu thẳng đại biểu tỉnh mình dự vào Quốc dân đại hội” (Điều 7). Ở một số nước hiện nay vẫn còn áp dụng nguyên tắc bầu cử gián tiếp như cử tri chỉ bầu ra cơ quan đại diện cấp thấp (xã, huyện) còn sau đó các đại biểu bầu ra đại biểu cấp cao hơn, hoặc bầu đại biểu cử tri để họ bầu ra Tổng thống, Thượng viện v.v.. Luật Bầu cử nước ta quy định cử tri bầu ra đại biểu các cấp (xã, huyện, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Quốc hội) một cách trực tiếp. Nguyên tắc này bảo đảm người đại diện trực tiếp nhận uỷ quyền từ nhân dân và cũng bảo đảm sự giám sát đối với đại biểu của cấp cơ quan quyền lực đó, bảo đảm tính chịu trách nhiệm của đại biểu trước cử tri.

– Bỏ phiếu kín nghĩa là bảo đảm bí mật, an toàn và tự do ý chí của cử tri, bảo đảm cho cử tri được yên tâm, tự do thể hiện ý chí của mình mà không phải chịu một áp lực nào. Bỏ phiếu kín được các Sắc lệnh quy định khá độc đáo và cụ thể. Điều 31 Sắc lệnh số 51 về Thể lệ Tổng tuyển cử quy định: “Mỗi cử tri phải thân hành đi bầu, không được ủy quyền, cũng không được bầu bằng cách gửi thư”, “Nếu cử tri không biết chữ quốc ngữ nhưng biết viết chữ Hán, tạm thời được phép viết chữ Hán trong phiếu bầu. Còn những cử tri không biết viết chữ quốc ngữ cùng chữ Hán thì ngày bầu cử, trước khi bắt đầu bỏ phiếu, sẽ lập một tiểu ban 03 người (một người của ban phụ trách cuộc bầu cử cử ra, hai người do dân làng, tỉnh lỵ (hay khu phố) cử ra viết giúp cho người đi bầu, một người viết, hai người kiểm điểm. Khi lập xong, tiểu ban đó phải tuyên thệ trước mặt các người đi bầu rằng: sẽ viết đúng theo lời người đi bầu và giữ bí mật. Hộp phiếu phải có khoá, chìa khóa do ban phụ trách cuộc bầu cử giữ. Trước lúc bắt đầu bỏ phiếu, ban phụ trách cuộc bầu cử phải cho công chúng xem là trong hộp phiếu không có gì và phải khoá lại trước mặt công chúng” (Điều 26-39).

Có thể khẳng định rằng, những quy định trong các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta đã thể hiện rõ ràng, cụ thể và triệt để những nội dung, yêu cầu của các nguyên tắc bầu cử dân chủ và tiến bộ: nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, tự do, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Ba là, việc tuyên truyền, vận động bầu cử được tiến hành rộng rãi, dân chủ và thực chất

Để cuộc Tổng tuyển cử thực sự dân chủ, công tác tuyên truyền, vận động bầu cử là rất quan trọng nhằm giúp cho người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Tổng tuyển cử, về các quy định của pháp luật bầu cử… để động viên nhân dân đi bầu cử đầy đủ, sớm nhất và để cho các ứng cử viên được tuyên truyền, vận động, cổ động cho mình. Điều đặc sắc là Sắc lệnh về Thể lệ Tổng tuyển cử quy định về vận động bầu cử ngay từ đầu, tiếp sau quy định về tự do bầu cử. Sắc lệnh quy định: “Được tự do vận động những cuộc vận động không được trái với nền dân chủ cộng hoà.Những cuộc tuyên truyền vận động có tính cách phương hại đến nền độc lập và cuộc trị an đều bị cấm”(Điều 3); “Trong việc vận động, người ứng cử có thể dùng riêng một danh sách hay hợp cùng nhiều người khác lập chung một danh sách; có thể lấy danh nghĩa một đoàn thể mà cổ động”(Điều 4); “Những cuộc hội họp để vận động tuyển cử (diễn thuyết, giới thiệu những người ứng cử) chỉ phải khai cho các UBND địa phương biết trước 24 giờ. Nói rõ địa điểm cuộc họp ở đâu, mục đích làm gì và tên người chịu trách nhiệm cuộc họp đó. UBND địa phương sẽ phái người đến kiểm soát cuộc hội họp và có quyền giải tán nếu thấy cuộc hội họp có tính cách phương hại đến nền độc lập và cuộc trị an” (Điều 5); “Những yết thị, biểu ngữ, truyền đơn phải đưa UBND địa phương kiểm duyệt và dán ở những nhà công cộng (đình chùa, v.v..) cấm dán chồng lên và cấm xé (hay bóc) những yết thị, biểu ngữ, truyền đơn của người khác”(Điều 6)…

Trên thực tế, các cuộc vận động và tuyên truyền về Tổng tuyển cử diễn ra sôi nổi và phong phú khắp cả nước. Các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là các báo Cứu Quốc, Sự Thật giữ vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, cổ vũ quần chúng, đấu tranh phê phán sự xuyên tạc của các lực lượng chính trị đối lập. Ðặc biệt, tờ Nhật báo Quốc hội, xuất bản ở Hà Nội, là tờ báo chỉ ra trong thời kỳ Tổng tuyển cử nhằm mục đích nêu rõ giá trị của cuộc Tổng tuyển cử, giới thiệu khả năng, thành tích và chương trình của những người ứng cử… Danh sách những người ứng cử ở các tỉnh, thành phố cũng được công bố công khai để nhân dân tự do tìm hiểu, lựa chọn khi bầu. Từ nhiều tháng trước ngày bầu cử, cán bộ Việt Minh ở cấp cơ sở còn trực tiếp tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân những kiến thức cơ bản nhất về Quốc hội, về quyền bầu cử, ứng cử của công dân. Cách tuyên truyền, vận động bầu cử cũng độc đáo, sáng tạo. Có nơi cán bộ phải ở cùng với dân cả khi làm đồng, cả khi xay lúa, lấy bèo, dạy chữ…, cả ngày cũng như đêm, giải thích đi, giải thích lại một cách cụ thể và dễ hiểu cho đồng bào về Quốc hội, về tầm quan trọng của Tổng tuyển cử, về quyền bầu cử, ứng cử… của công dân.

Các ứng cử viên cũng có các hình thức tiếp xúc với cử tri và vận động bầu cử khác nhau. Ở một số địa phương, nhân dân còn nghĩ ra những bài ca, bài vè, câu đối… để giới thiệu người ứng cử cho cử tri dễ nhớ tên các ứng cử viên cần bầu (9). Ngày 5/1/1946, trong buổi lễ ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Việt Nam học xá (10), hướng về các cử tri, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ ấy” (11).

Bốn là,  quy trình tổ chức bầu cử dân chủ, tiến bộ nhất đến lúc này đã được quy định và áp dụng:

– Về đơn vị bầu cử

Nơi bầu ra đại biểu lấy đơn vị bầu cử là một địa phương theo từng tỉnh và thành phố lớn. Sắc lệnh quy định: “Đơn vị tuyển cử là tỉnh, nghĩa là dân trong mỗi tỉnh bầu thẳng đại biểu tỉnh mình vào Quốc dân đại hội” (Điều 7), “Sáu thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Huế, Sài Gòn – Chợ Lớn cũng được đứng riêng làm những đơn vị tuyển cử như các tỉnh” (Điều 8) Cả thảy có 71 đơn vị. “Số đại biểu của một tỉnh (hay thành phố), tức của mỗi đơn vị bầu cử, thì căn cứ theo số dân mà ấn định, trừ một vài thành phố đặc biệt quan trọng thì số đại biểu có tăng lên ít” (Điều 9). Theo Bảng ấn định số đại biểu từng tỉnh và thành phố đính kèm theo Sắc lệnh trên thì những tỉnh có số đại biểu đông là Nam Định (không kể thành phố Nam Định), Thanh Hoá, Quảng Nam, Nghệ An, Bình Định… là từ 12 đến 15 người. Nhưng có tỉnh nhỏ, ít dân như Lào Cai, Hoà Bình, Hà Tiên, Bình Thuận… chỉ có  từ 1 đến 2 người.

Người ứng cử được tự do ứng cử nơi mình chọn nhưng chỉ được lấy một nơi (Điều 12). Số lượng ứng cử viên cho mỗi đơn vị bầu cử không bị hạn chế. Người ứng cử chỉ việc nộp đơn lên UBND (12) tỉnh, thành phố nơi mình ra ứng cử kèm theo một tờ giấy của UBND địa phương (nguyên quán hoặc nơi trú ngụ) chứng nhận đủ điều kiện ứng cử là được ghi tên vào danh sách ứng cử. Tại đơn vị bầu cử Hà Nội, trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, có tất cả 74 ứng cử viên chọn lấy 6 đại biểu (13).

– Danh sách ứng cử viên

Danh sách ứng cử viên là văn bản xác nhận những người được giới thiệu ra ứng cử. Sắc lệnh quy định: Danh sách ứng cử sẽ do UBND tỉnh (hay thành phố) phụ trách lập lên(Điều 10); Chậm nhất là 15 ngày trước ngày bỏ phiếu, người ứng cử phải gửi thẳng lên UBND tỉnh hay thành phố (nơi mà mình ra ứng cử) đơn ứng cử (có ghi rõ địa chỉ) kèm theo một tờ giấy của UBND địa phương (nguyên quán hoặc nơi trú ngụ) chứng nhân là đủ điều kiện ứng cử (Điều 11); Người ứng cử được tự do ứng cử nơi mình chọn lấy nhưng chỉ một nơi ấy thôi (Điều 12); Chậm nhất là 12 ngày trước ngày bầu cử, UBND tỉnh (hay thành phố) phải niêm yết danh sách những người ứng cử tại các nơi công cộng ở tỉnh lỵ hoặc ở thành phố. Tên trong danh sách xếp theo thứ tự a, b, c… (Điều 14); Chậm nhất là 5 hôm trước ngày bầu cử, danh sách các người ứng cử đã phải tới tay các UBND làng hay khu phố để được yết ngay lên những nơi công cộng (Điều 15); Nếu trong tỉnh (hoặc thành phố) số người ứng cử chưa bằng hoặc vừa đủ số đại biểu định lấy thì cũng cứ bầu như thường (Điều 42).

– Danh sách cử tri

Danh sách cử tri là văn bản ghi nhận quyền bầu cử của công dân và là căn cứ để xác định giá trị của cuộc bầu cử và tính kết quả bầu cử. Sắc lệnh quy định: Danh sách bầu cử sẽ do UBND làng hay khu phố phụ trách lập nên(Điều 16); Mỗi cử tri chỉ được đi bầu một nơi hoặc ở nguyên quán, hoặc ở một nơi mà cử tri đã trú ngụ ít nhất là 3 tháng tính đến ngày bầu cử (Điều 17); Binh, lính, thợ thuyền, công chức thì bầu cử tại nơi mình đang làm việc (Điều 19); Chậm nhất là 10 hôm trước ngày bỏ phiếu, UBND làng, tỉnh, lỵ (hay khu phố) phải yết danh sách tất cả các người có quyền đi bầu cử (cử tri) trong làng, tỉnh lỵ (hay khu phố) ở những nơi công cộng (Điều 23) Sau khi yết danh sách bầu cử, trong hạn 3 ngày, dân làng, tỉnh lỵ (hay khu phố) có quyền khiếu nại: Những người có đủ điều kiện đi bầu mà UBND quên ghi vào danh sách thì có quyền bắt ghi thêm tên mình. Nếu có người không đủ điều kiện mà được ghi vào danh sách bầu cử thì bất cứ ai cũng có quyền yêu cầu UBND làng, tỉnh, lỵ (hay khu phố) xét lại (Điều 24); UBND làng, tỉnh lỵ (hay khu phố) cấp cho những người có tên trong danh sách, mỗi người một cái thẻ đi bầu có đóng dấu của UBND (Điều 26).

– Tổ chức bỏ phiếu

Sắc lệnh quy định: Mỗi cử tri phải thân hành đi bầu, không được uỷ quyền, cũng không được bầu bằng cách gửi thư (Điều 31); Ngày bầu cử sẽ bỏ phiếu từ 7 giờ đến 18 giờ (Điều 32); Nơi bỏ phiếu sẽ là trụ sở UBND làng, tỉnh lỵ, hay khu phố (Điều 35);Cử tri sẽ bầu bằng phiếu kín(Điều 36);Nếu cử tri không biết chữ quốc ngữ nhưng biết viết chữ Hán, tạm thời được phép viết chữ Hán trong phiếu bầu (Điều 37); Còn những cử tri không biết viết chữ quốc ngữ cùng chữ Hán thì nhờ tiểu ban 03 người được cử ra viết giúp (một người viết, hai người kiểm điểm). Tiểu ban đó phải tuyên thệ trước mặt các người đi bầu rằng: sẽ viết đúng theo lời người đi bầu và giữ bí mật (Điều 38); Phiếu bầu có đóng dấu của UBND làng, tỉnh lỵ hay khu phố sẽ phát lúc người đi bầu đã vào phòng bỏ phiếu (Điều 40); Nếu cuộc bầu cử lần đầu không có giá trị, hoặc số người trúng cử chưa bằng số đại biểu định lấy thì sẽ bầu lại… (Điều 33);UBND tỉnh (hay thành phố) sẽ định lại ngày, giờ cuộc bầu cử thứ hai và báo cáo cho UBND làng tỉnh lỵ (hay khu phố) biết (Điều 34); Những người không ra ứng cử lần đầu cũng được ra ứng cử lần thứ hai và phải gửi đơn ứng cử tới UBND tỉnh hay thành phố (nơi mình ra ứng cử) trong hạn 7 ngày kể từ ngày tuyên bố kết quả cuộc bầu cử lần thứ nhất ở tỉnh lỵ, hay thị sảnh (Điều 61); Cách bầu cử và kiểm soát lần thứ hai (nếu có) cũng y như lần đầu.

– Kiểm phiếu và công bố kết quả

Sắc lệnh quy định: Phiếu bầu sẽ điểm và kiểm soát ngay ở làng, tỉnh lỵ hay khu phố trước công chúng, ngay sau lúc bỏ phiếu xong (Điều 43); Lúc điểm phiếu và kiểm soát, ban phụ trách cuộc bầu cử sẽ mời thêm người đi bầu chứng kiến. Sau khi kiểm các phiếu xong, thì ban phụ trách cuộc bầu cử phải lập biên bản. Biên bản phải biên rõ số phiếu được bầu của mọi người ứng cử và phải có chữ ký của tất cả mọi người trong ban phụ trách cuộc bầu cử cùng chữ ký của hai người đi bầu được mời dự vào việc điểm phiếu. Biên bản làm hai bản: một bản giao UBND làng hay khu phố giữ, một bản gửi lên ban kiểm soát cuộc bầu cử toàn tỉnh (hay thành phố). Ban kiểm soát tập hợp biên bản các làng hay khu phố gửi tới và làm biên bản tổng thống kê các số phiếu. Phải có một phần tư (1/4) sổ cử tri (người có quyền bầu cử) toàn tỉnh hay thành phố có đi bầu thì cuộc bầu cử mới có giá trị. Những người ứng cử phải được hơn một nửa số phiếu bầu (hợp lệ) thì mới được trúng cử (Điều 57); Đối với cuộc bầu cử thứ hai (bầu lại, bầu thêm) thì người ứng cử nào được nhiều phiếu hơn thì trúng cử (Điều 58); Ban kiểm soát cuộc bầu cử toàn tỉnh hay thành phố tuyên bố kết quả cuộc bầu cử lần thứ nhất ở tỉnh lỵ, ở phủ, huyện, châu và ở các làng. UBND tỉnh hay thành phố báo cáo danh sách những người được trúng cử đại biểu của tỉnh hay thành phố dự vào Quốc dân đại hội, cho yết danh sách ấy ở tỉnh, phủ, huyện, làng và khu phố.

– Giám sát và giải quyết khiếu nại về bầu cử

Sắc lệnh quy định: Chậm nhất là 10 ngày sau ngày tuyên bố kết quả ở tỉnh, đơn khiếu nại phải nộp cho ban kiểm soát cuộc bầu cử toàn tỉnh (Điều 65);Trong hạn 15 ngày kể từ ngày chấp đơn, ban này phải xử xong những việc khiếu nại (Điều 66); Người khiếu nại không có quyền kháng nghị sự xét của ban kiểm soát cuộc bầu cử toàn tỉnh hay thành phố (Điều 67); Lúc ban kiểm soát bầu cử toàn tỉnh đã xử xong các việc khiếu nại thì ban ấy lập lại danh sách các người trúng cử (nếu có sự thay đổi trong bản danh sách) và gửi biên bản cùng danh sách các đại biểu về Chính phủ Trung ương. UBND tỉnh hay thành phố sẽ yết danh sách mới ở tỉnh, phủ, huyện hay châu và ở các làng hay khu phố (Điều 68).

Quang cảnh khỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I min - Thành công của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội và những kinh nghiệm giúp hoàn thiện chế độ bầu cử hiện nay - PGS.TS. Bùi Xuân ĐứcQuang cảnh kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I

  1. Bài học kinh nghiệm cho việc hoàn thiện chế độ bầu cử hiện nay

Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 là một sự kiện lịch sử trọng đại. Nó mở đầu cho một quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới. Đó cũng chính là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, thiết chế trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã và đang để lại những bài học kinh nghiệm quý báu có thể vận dụng trong việc hoàn thiện chế độ bầu cử hiện nay.

1. Tổng tuyển cử là để xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Ý nghĩa trực tiếp của Tổng tuyển cử mà sau này và hiện nay là bầu cử Quốc hội theo nhiệm kỳ là để lập ra cơ quan đại biểu, đại diện quyền lực nhà nước của nhân dân từ đó lập ra các cơ quan nhà nước khác để hình thành bộ máy nhà nước thống nhất, phân công, phân nhiệm thực thi quyền lực. Tổng tuyển cử (bầu cử Quốc hội) còn là dịp để thực thi quyền giám sát bộ máy nhà nước, thay thế những đại diện không còn tín nhiệm. Tổng tuyển cử là một dịp rất long trọng, phải được tổ chức đặc biệt không giống như mọi cuộc bầu cử nào khác.

Độc lập dân tộc gắn liền với Nhà nước của nhân dân, gắn liền với Hiến pháp và dân quyền là tư tưởng đúng đắn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra Đảng ta, Nhà nước ta khẳng định. Muốn giải phóng mình, nhân dân lao động phải giành quyền làm chủ, xây dựng và quản lý xã hội bằng Nhà nước. Nhà nước đó là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Cũng chính vì vậy mà một trong những nhiệm vụ quan trọng ngay sau khi tuyên bố độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ xác định là Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội và chuẩn bị bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó” (14). Người cũng xác định rõ, đại biểu là người được dân bầu ra để gánh vác việc nước: “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc” (15). “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu” (16).

2. Tin tưởng, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân trong công cuộc kiến quốc, lôi cuốn nhân dân tham gia công việc nhà nước kể cả người ứng cử lẫn người đi bầu. Kiên quyết chống thái độ không tin tưởng, coi thường nhân dân cũng như tránh những cung cách bầu cử theo kiểu chọn sẵn làm cho dân thất vọng và thờ ơ.

Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt trong bầu cử ở nước ta là bảo đảm phát huy dân chủ, sức mạnh trí tuệ của các tầng lớp nhân dân. Giải thích lý do tại sao lại ra ứng cử, bác sỹ Tôn Thất Tùng cho biết: “Tôi lấy làm lạ cho thái độ lãnh đạm của một số anh em trí thức đối với cuộc Tổng tuyển cử này. Họ làm như việc của nước mình là việc của nước nào ấy. Tôi từ trước vẫn ở yên trong địa hạt chuyên môn của tôi, không tham dự gì vào đời sống chính trị, nhưng bây giờ tôi thấy phải có bổn phận phải ra ứng cử” để “có thể giúp ích đôi chút bằng công việc chuyên môn của tôi” và cũng chính là “muốn phản đối thái độ hờ hững, lạnh lùng của bọn trí thức nói trên” (17)… Điều này giải thích tại sao trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, để bầu được 333 đại biểu, đã có hàng nghìn người hăng hái tham gia ứng cử và ở mỗi đơn vị bầu cử số ứng cử viên nhiều hơn gấp nhiều lần số đại biểu được bầu.

Bài học rút ra là phải hết sức tôn trọng quyền tự do ứng cử và nơi tranh cử của ứng cử viên. Đây là tư tưởng thể hiện mở rộng dân chủ trong bầu cử, ngoài việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập thể đề cử, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội thì pháp luật cũng bảo đảm cho công dân quyền được tự ứng cử đại biểu Quốc hội nếu thấy đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định.

  1. Bảo đảm quyền tự do bầu cử với những quy định linh động sáng tạo

Tổng tuyển cử đã thể hiện và bảo đảm thực hiện các nguyên tắc bầu cử tiến bộ, tạo mọi điều kiện để nhân dân thực hiện quyền của mình, tham gia bầu cử đông đủ, thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong việc xây dựng chính quyền nhân dân. Bác Hồ nói: “…Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ, Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân…”. Chính vì thế, các quy định của pháp luật về bầu cử đều thể hiện rõ nguyên tắc bình đẳng, dân chủ, công khai, phổ thông, tự do, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những ai là công dân Việt Nam không vi phạm những điều pháp luật quy định, thì đều được bình đẳng, được tạo điều kiện ứng cử làm đại biểu Quốc hội và được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội.

Những nguyên tắc tiến bộ về bầu cử, ứng cử từ đầu của công dân như: không phân biệt trai, gái, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo; bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, tự do, trực tiếp và bỏ phiếu kín… đã được khẳng định trong Hiến pháp, được thể chế hoá trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội sau này. Đây là thành tựu của quá trình đấu tranh cách mạng không ngừng, quá trình giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; là sức mạnh đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ, trí tuệ của nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

  1. Bảo đảm quyền vận động bầu cử dân chủ và thực chất

Cơ chế vận động bầu cử đã có, nhưng so với vận động trong Tổng tuyển cử 1946 thì không được rộng rãi và phong phú bằng: Theo quy định hiện hành, người ứng cử có tên trong Danh sách ứng cử đã công bố được thực hiện quyền vận động bầu cử thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để báo cáo với cử tri dự kiến việc thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nếu được bầu. Người ứng cử đại biểu địa phương nào thì thực hiện quyền vận động ở địa phương đó; Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác; Người ứng cử trả lời phỏng vấn trên báo chí, phát thanh truyền hình; Các cơ quan, tổ chức, báo chí tạo điều kiện cho việc vận động bầu cử. Kinh phí vận động bầu cử lấy từ nguồn kinh phí phục vụ công tác bầu cử. Việc vận động bầu cử phải kết thúc trước khi bắt đầu cuộc bỏ phiếu hai mươi bốn giờ. Không được tuyên truyền vận động bầu cử tại nơi bỏ phiếu.

Có lẽ chúng ta cần nghiên cứu để vận dụng trở lại những hình thức vận động bầu cử phong phú và dân chủ của Tổng tuyển cử như: tự do vận động, có các hình thức cổ động, yết thị, biểu ngữ truyền đơn, hò vè, cho phép diễn thuyết, tranh luận…/.

—————————-

Chú thích:

(1) Xem: Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T.4, tr. 8, tr. 133; Sắc lệnh số 14 ngày 8/9/1945 vềTổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội.
(2) Xem: Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, . T4, tr. 16.
(3) Hồ Chí Minh, Sđd, T.4, tr. 145
(4) Xem: Lê Mậu Hãn. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 – một mốc son lịch sử nhảy vọt về thể chế dân chủ, Báo Nhân dân, ngày 8/12/2005. Trên thực tế, tổng số đại biểu Quốc hội là 403, trong đó có 333 đại biểu được bầu bao gồm Việt Minh 120 ghế, Đảng Dân chủ Việt Nam 46 ghế, Đảng Xã hội Việt Nam 24 ghế, không đảng phái 143 ghế. Số đại biểu không qua bầu cử là 70 người gồm 50 đại biểu thuộc Việt Nam Quốc dân Ðảng (Việt Quốc) và 20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội (Việt Cách).
(5) Trước đó, trong quá trình cách mạng, nước ta đã có các cơ cấu chính quyền như: Quốc dân đại hội do Tổng bộ Việt Minh triệu tập vào tháng 8/1945, bầu ra Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam này 16/8/1945 như một Chính phủ lâm thời Việt Nam và đã ra mắt quốc dân ngày 2/9/1945, sau đó được mở rộng thêm. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những cơ cấu lâm thời (TG).
(6) Cũng cần phải nói thêm rằng, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đề nghị tổ chức Tổng tuyển cử, thấy một số người tỏ vẻ lo lắng cuộc Tổng tuyển cử sẽ không có kết quả do trình độ nhân dân lúc bấy giờ quá thấp, Bác Hồ – với lòng tin tuyệt đối vào nhân dân – đã khẳng định: nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình. Tổng tuyển cử nhất định thành công.
(7) Xem: Lê Mậu Hãn, Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 – một mốc son lịch sử nhảy vọt về thể chế dân chủ. Báo Nhân dân, ngày 8/12/2005.
(8) Theo Điều 8 Sắc lệnh số 51, sáu thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Huế, Sài Gòn, Chợ Lớn cũng được xác định là những đơn vị bầu cử như các tỉnh.
(9) Ví dụ, ở tỉnh Thừa Thiên được bầu 5 đại biểu, có bài giới thiệu về 5 người như sau: “Cách mạng Hoàng Anh, Học hành Trọng Tuyến, Công chánh Đăng Khoa, Cà sa Mật Thể, Y tế Kim Chi”; Hoặc ở tỉnh Quảng Nam được bầu 15 đại biểu trên tổng số 78 người ra ứng cử, có bài ca giới thiệu 14 người ứng cử (của Việt Minh) như: “Tổng tuyển cử đã tới rồi; Vì quyền, vì lợi mấy lời xin ghi; Trung bộ có anh Trần Đình Tri; Anh Lê Văn Hiến vậy thì đồng song; Phan Bôi một dạ một lòng; Anh Huỳnh Ngọc Huệ cũng dòng đấu tranh…; Đồng bào thận trọng lá thăm”. Xem: Lâm Quang Thự – Người con đất Quảng. Nxb. Đà Nẵng và Hội Khoa học lịch sử TP. Đà Nẵng, 2005, tr.181-182.
(10) Nay là Đại học Bách khoa.
(11)Hồ Chí Minh, Sđd, T.4, tr. 147.
(12) Lúc này vẫn còn đang gọi là UBND (hay UBND cách mạng). Về sau mới đổi gọi là Uỷ ban Hành chính
(13) Trích theo: Hiến pháp 1946 và sự kế thừa phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.19.
(14) Xem: Tờ Cứu quốc phỏng vấn ứng cử viên ĐBQH khoá đầu tiên, VietNamNet, 01/01/2006
(15) Xem: Tờ Cứu quốc phỏng vấn ứng cử viên ĐBQH khoá đầu tiên, tlđd.
(16) Xem: Tờ Cứu quốc phỏng vấn ứng cử viên ĐBQH khoá đầu tiên, Tlđd.
(17) Xem: Lâm Quang Thự – người con đất Quảng,Sđd, tr. 182.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây