Thành phố thông minh Hà Nội: Đã rõ hướng đi

Thành phố thông minh nhằm giúp tối ưu hóa nguồn lực, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Xuất phát từ mục tiêu này, Thủ đô Hà Nội đã xây dựng lộ trình đến năm 2025, phát triển thành phố theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại; đến năm 2030, trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới…

Quan điểm về xây dựng đô thị thông minh

Trong thời gian qua, Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước đã, đang triển khai xây dựng mô hình thành phố thông minh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương hiện nay vẫn tập trung vào việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh, chủ yếu gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số, chưa chú trọng đến quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết căn cơ các vấn đề của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường…

Đề xuất cần phải thay đổi nội hàm khái niệm “đô thị thông minh” làm cơ sở cho các địa phương triển khai, ông Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ (Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin – VINASA) phân tích, xây dựng đô thị thông minh không phải là xây dựng đô thị số thay thế cho đô thị thực mà là dùng công nghệ số để thông minh hóa các cấu phần của đô thị. Bản thân các cấu phần thực cũng cần biến đổi để thích ứng với việc tích hợp thêm môi trường số.

“Các địa phương, trong đó có Hà Nội khi bắt tay phát triển đô thị thông minh cần đặt trong tổng thể chuyển đổi số của địa phương. Các lợi ích của hạ tầng thông minh cần được lan tỏa đến toàn bộ cư dân của địa phương, không giới hạn trong không gian đô thị. Do vậy, đề án đô thị thông minh phải được tích hợp chặt chẽ trong chiến lược phát triển đô thị, thể hiện trong mọi chương trình quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương”, ông Nguyễn Nhật Quang nêu quan điểm.

Về giải pháp, ông Nguyễn Nhật Quang cho rằng, đô thị thông minh cần kết hợp nhuần nhuyễn các giải pháp công trình, giải pháp công nghệ và quản lý. Các trụ cột đô thị thông minh cần được phát triển trên nền tảng xây dựng một hạ tầng thông tin thống nhất, mạnh và an toàn, trên cơ sở đó thông minh hóa tất cả lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa, kinh tế – xã hội, xây dựng cộng đồng thông minh, và quản lý phát triển đô thị một cách thông minh. “Hay nói cách khác, xây dựng đô thị thông minh là một quá trình lâu dài. Việc cần làm ngay là “cấy gen 3Q vào các đô thị”. Theo đó, gen 3Q gồm: Quy hoạch – tức là thông minh hóa cái cũ và thông minh từ đầu cái mới; quy chế phải thuận lợi nhằm khuyến khích mọi thành phần xã hội cùng chung tay vào cuộc; quy chuẩn – tức là phải có chuẩn kết nối, liên thông, từ hạ tầng cơ bản đến hạ tầng số”, ông Nguyễn Nhật Quang phân tích.

Chia sẻ về quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nêu, về bản chất, phát triển đô thị thông minh cũng chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm. Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Xây dựng đã có báo cáo sơ kết, đánh giá, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời có văn bản đôn đốc, nhắc nhở tất cả các địa phương về phát triển đô thị thông minh. Trên cơ sở đó, Hà Nội cũng như các địa phương khác đặc biệt lưu ý, phải có tư duy phát triển đô thị thông minh ngay từ khi lập quy hoạch phát triển đô thị. Trong đó, các cơ quan trung ương tập trung vào ban hành chính sách, tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu; còn việc tổ chức triển khai hiệu quả là trách nhiệm của các địa phương.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố thông minh

Tại hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII đã đồng ý thông qua và giao UBND thành phố Hà Nội hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, thành phố Hà Nội đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, thành phố sẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới…

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, để thể hiện mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm và huy động các nguồn lực cho chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh tại Thủ đô, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trực tiếp chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện Nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. “Với vai trò là cơ quan tham mưu, chúng tôi sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp từ cơ quan quản lý nhà nước, từ các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân để sớm hoàn thiện, trình thành phố dự thảo. Sau khi Nghị quyết được ban hành, thành phố sẽ tổ chức triển khai, phân công nhiệm vụ cùng lộ trình cụ thể để các cấp, các ngành thực hiện, bảo đảm đạt các mục tiêu lớn đã được đề ra”, ông Nguyễn Tiến Sỹ thông tin.

Về xây dựng đô thị thông minh, các chuyên gia cũng cho rằng, thành phố Hà Nội cần đặc biệt quan tâm tới Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11-11-2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phát triển đô thị thông minh đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng đối với các đô thị, các thành phố.

Tại Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định quyết tâm phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tổ chức sơ kết tình hình triển khai đô thị thông minh, đồng thời sẽ có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các địa phương để định hướng triển khai có hiệu quả hơn trong thời gian tới. Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội trong triển khai chuyển đổi số nói chung, phát triển công nghệ thông tin – truyền thông trong đô thị thông minh nói riêng để việc triển khai đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả bền vững trong dài hạn.

Việt Nga
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây