Tác giả Nguyễn Thị Bắc Hà

Nguyễn Thị Bắc Hà

NGUYỄN THỊ BẮC HÀ

Tên thật: Vũ Thị Hồng
Sinh ngày 02 tháng Năm 1950
Quê quán: phường Đáp Cầu, thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh
Tháng 9 năm 1970 học xong năm thứ ba khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi vào lớp viết văn phục vụ chiến trường. Giữa năm 1971 vào Khu 5 làm phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng Trung Trung bộ, đã bám theo bộ đội tham gia nhiều chiến dịch cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Từ năm 1976 đến năm 1993 làm biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Được phong hàm đại tá, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội – Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1977).

Tác phẩm chính:

Xóm biển (truyện ngắn, 1983); Tiếng rừng (truyện ngắn, 1984); Có một thời yêu (truyện ngắn, 1990); Trở lại là em (tiểu thuyết, 1991); Tuyển tập truyện ngắn Chu Lai – Vũ Thị Hồng (1996); Mùa thu ở lại (tiểu thuyết, 2016).

Giải thưởng:

Tiếng rừng (truyện ngắn) – Giải B viết về đề tài lâm nghiệp do Bộ Lâm nghiệp tổ chức; Ở ấp Thanh Mỹ (bút ký) – Giải A, cuộc thi viết kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội; Trở lại là em (tiểu thuyết) –  Giải A viết về người phụ nữ trên mặt trận an ninh do Bộ Nội vụ tổ chức; Giải thưởng Văn học 5 năm (1990 – 1995) Bộ Quốc phòng; Mùa thu ở lại – Giải Nhì cuộc thi do Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức.

 

CÓ AI THỈNH MỘT HỒI CHUÔNG

Không ngờ trên chuyến tàu Thống Nhất 1 đi thăm chiến trường xưa cùng với Đoàn công tác Ban liên lạc cán bộ kháng chiến Khu 5 thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tôi có dịp gặp lại Trần Hữu Thanh và Tạ Triệu Thôi, hai bạn trong tổ tâm giao những ngày vượt Trường Sơn cách đây đã hơn 40 năm. Chính xác là 43 năm 2 tháng. Ngày ấy, sau khóa học viết văn đặc biệt tại Trại sáng tác Quảng Bá, hơn 70 anh chị em chúng tôi được phân công đi các chiến trường B1, B2, B3, B5, Khu 6, Lào… đều tập trung tại trường 105 (chúng tôi thường gọi đùa là trường huấn luyện biệt kích) để tập mang vác, chuẩn bị cho một cuộc hành quân dài ngày, gian khổ vượt Trường Sơn. Tại đây, chúng tôi được ghép với các cán bộ dân chính khác như y, dược, giao thông vận tải, điện ảnh… thành một đoàn, biên chế tương đương với một đại đội. Dưới đại đội có ba trung đội, dưới nữa có các tổ tâm giao để giúp đỡ, nâng bước nhau trong suốt cuộc hành trình. Bằng tuổi nhau, cùng sinh năm 1950, nhưng Thanh, Thôi trông trẻ hơn tôi rất nhiều. Tuổi 20, cả hai đều có nước da trắng trẻo, thư sinh, má còn phinh phính lông tơ. Có lẽ do Thanh, Thôi được đào tạo ở Liên Xô về ngành in tráng phim mới trở về nước nên dáng dấp, cử chỉ còn lãng tử, hào hoa lắm. Vừa về nước, các bạn đã xung phong vào chiến trường. Còn tôi, suốt ba năm đại học sơ tán ở vùng núi Đại Từ, Thái Nguyên, hết lo lên rừng kiếm củi cho bếp ăn tập thể lại đi chặt gỗ, chặt tre nứa về xây trường, dựng lớp, đã giúp tôi nhanh chóng làm quen với những thử thách nghiệt ngã của Trường Sơn. Chúng tôi ngày đi, đêm nghỉ, đến bãi khách, Thanh, Thôi giành nhau mắc tăng, võng cho cả nhóm, còn tôi thì chuẩn bị nấu cơm. Món rau tôi đã tạt ngang tạt ngửa hái trên đường đi, lúc thì một khúc chuối rừng, một nắm môn dóc, môn thục hoặc rau tàu bay, lúc thì một nắm ngọn rau dớn, lá lốt… chỉ cần bỏ thêm một ít mắm ruốc cô đặc là đã có một nồi canh ngọt lừ. Xong việc, các bạn giục tôi đi tắm giặt rồi mới về ăn cơm. Tôi để ý thấy Thanh hì hụi đào một cái hố nhỏ rồi lót một tấm ni lông dày xuống đáy hố. Hỏi để làm gì, Thanh chỉ nháy mắt cười. Sau một ngày trèo đèo lội suối mệt mỏi, tôi chỉ muốn nhanh chóng lên võng để nghỉ ngơi, lấy sức chuẩn bị cho một ngày căng thẳng mới. Thanh, Thôi kéo tôi ra chỗ chiếc hố vừa đào, bảo tôi ngồi thả chân xuống ngâm một lúc: “Sẽ biết ngay thôi. Nước muối nóng đấy!”. Tôi lặng đi nhìn các bạn. Thì ra Thanh, Thôi đã để ý đến những ngón chân sưng phồng, tấy đỏ của tôi. Có chiếc ruột tượng gạo nặng, dọc đường đi các bạn đã thay nhau cõng hộ tôi, mặc dù có lúc, Thanh còn phải mang theo khẩu AK 47. Tôi kéo cả hai bạn ngồi xuống: “Nào, ta cùng ngâm cả đi. Chân hai bạn cũng đau chẳng kém gì tôi đâu”. Thế là từ đấy, thành lệ quen, tối nào đến bãi khách, ba chúng tôi cũng bỏ ra nửa tiếng đồng hồ để ngâm nước muối nóng. Không hiểu Thanh, Thôi học lỏm được kinh nghiệm đó ở đâu, nhưng quả là nó có tác dụng rõ rệt. Các ngón chân tôi đã bớt sưng, khớp gối cũng dẻo hơn, không còn những cơn đau thốn lên đến tận óc mỗi khi trèo lên những bậc dốc cao chất ngất. Trẻ, khỏe là thế nhưng mới đi được một phần ba chặng đường, Thôi là người đầu tiên trong chi bị một cơn sốt rét quật ngã. Chúng tôi đưa Thôi vào bệnh xá binh trạm gần nhất. Nhìn Thôi bần bật trong cơn sốt, thương bạn quá nhưng đành phải dứt áo ra đi. Thanh ở lại chăm sóc bạn. Tổ ba người của chúng tôi tan rã từ đấy. Tôi còn gắng gượng đi theo đoàn đến trạm 53 mới bị thần sốt rét hỏi thăm. Cơn sốt bất thần đến vào lúc nửa đêm, đầu váng, mắt hoa, chân tay bủn rủn không còn chút nào sức lực. Và rét, cái rét như thấu vào tận tim gan, xương tủy. Hết rét lại đến những đợt sốt nóng hầm hập. Trung đội đã cho người cáng tôi vào trạm xá ngay nửa đêm hôm ấy. Tôi sốt mê man suốt hai ngày liền, lúc tỉnh dậy, hốt hoảng thấy mình nằm trơ trọi trên chiếc sạp nứa trong bệnh xá, bên cạnh là chiếc ba lô và chiếc ruột tượng xẹp lép, trong còn vài lon gạo. Cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi lúc đó thật khủng khiếp. Nghĩ đến chặng đường còn dài trước mặt, tôi rùng mình không hiểu mình có đủ sức và lòng can đảm để vượt qua được hay không? Giá như cái tổ ba người chúng tôi còn tồn tại, chắc các bạn không để tôi phải thân gái dặm trường lẻ loi như thế này. Cũng may, sang ngày thứ ba, cơn sốt đã dứt, tôi có thể nhúc nhắc đi lại được. Tôi nhập vào đoàn cán bộ đi lẻ của anh Hà Mậu Nhai, lúc đó đang vào chiến trường Đông Nam bộ. Đoàn chỉ có bốn người nên được ưu tiên nghỉ trong binh trạm, không phải ở ngoài bãi khách, đôi khi tôi còn được cô gái giao liên mang giùm chiếc ba lô. Cứ đi như vậy, sau nửa tháng, tôi đã bắt kịp đoàn ở trạm 5 giải phóng. Đoàn đã nằm tại đó mấy ngày vì địch đang càn vào căn cứ của Khu ủy, nghe nói chúng đã chụp quân xuống Nước Ta, rẫy sản xuất của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5. Nhà thơ Nguyễn Mỹ, tác giả bài thơ nổi tiếng Cuộc chia ly màu đỏ đã bị chúng bắn chết ngay tại rẫy. Đoàn cán bộ y tế đi trước chúng tôi cũng gặp địch càn, chúng bắt được một cô y sĩ, tra tấn, hãm hiếp đến chết rồi đóng cọc vào bộ phận kín của cô để thị oai… Cảm giác bức bối và phải chờ đợi làm cả đoàn như sôi lên, ai cũng muốn nhanh chóng được nhập cuộc. Các nhóm đi lẻ (trong đó có Thanh, Thôi) cũng đã lục tục đến. Không lấy được gạo, cả đoàn đã phải nhịn đói mấy ngày rồi. Cũng may, ở gần chỗ đoàn đóng quân có một cái rẫy của đồng bào dân tộc bỏ hoang từ lâu, cây rừng mục ải mọc đầy mộc nhĩ, những cái tai cây to tướng nhìn rất ngon mắt. Thế là đã có một loại thực phẩm bất đắc dĩ lấp đầy những cái dạ dày trống rỗng. Ở thêm vài ngày chờ địch rút, chúng tôi chia tay nhau theo giao liên về căn cứ của Khu ủy, lúc bấy giờ đóng ở xã Leng. Trong gần hai tháng tiếp theo, số anh chị em văn nghệ sĩ mới vào chỉ tập trung học tập, chỉnh huấn, xuống vùng giáp ranh cõng gạo và đi sản xuất ở Nước Ta. Ngày nào chúng tôi cũng phải đi vòng qua mộ Nguyễn Mỹ để lên rẫy làm cỏ sắn. Không ai bảo ai, chúng tôi đều nhặt một nắm đất để vun thêm vào ngôi mộ đã phủ đầy cỏ xanh của anh. Nghe nói sau này, khi đất nước đã được giải phóng, gia đình và đồng đội đã nhiều lần lên tìm anh, nhưng ngôi mộ đã không còn để lại dấu tích. Có lẽ sự khắc nghiệt của thiên nhiên, của thời gian đã giữ anh ở lại mãi mãi với rừng?
Tôi không bao giờ quên được những ngày đầu tiên đi sản xuất ở Nước Ta. Suốt ngày phơi mặt trên rẫy, dưới cái nắng như đổ lửa tháng 6, trưa tranh thủ xuống suối mò ốc về cải thiện. Tối, anh em tập trung lại lẩy ngô, thứ ngô răng ngựa lâu ngày đã mối mọt, phải ngâm với nước tro, than, chà xát và ninh rất kỹ mới ăn được. Có ngô ăn đã tốt lắm rồi đấy. Đã qua cái thời ăn cháo loãng, rau rừng cầm hơi nhưng lúc này được ăn cơm vẫn là một thứ xa xỉ. Chỉ những ngày lễ, tết mới có được chút cơm trộn với sắn lát, thứ sắn bị chất độc hóa học đã mốc mác, đen xỉn. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại thay nhau vào các nóc đồng bào dân tộc đổi muối lấy gạo về cải thiện. Có lần, tôi với chị Bùi Thị Chiến đi kiếm rau rừng, qua một cái rẫy của đồng bào, thấy rất nhiều cây sắn bị chặt bỏ ném quanh bìa rừng, lá đã héo nhưng vẫn có thể ăn được. Tôi hí hửng chất đầy một gùi định mang về thì bất đồ có mấy người đàn ông, đàn bà ở nóc gần đấy kéo ra. Họ nói xì xồ bằng tiếng dân tộc và chỉ vào hai cái gùi đầy lá sắn rồi lại chỉ vào ngực mình. Mãi rồi chúng tôi cũng hiểu họ nói lá sắn là của họ, cán bộ lấy thì phải đền cho đồng bào. Thật may là hôm đó tôi lại mặc thêm một cái áo đông xuân bên trong. Lúng túng mãi rồi tôi cũng cởi được chiếc áo để đổi lấy hai gùi lá sắn… Đã thế, về đến gần nhà hai chị em lại bị một phen hú vía khi thấy một con rắn dài gần hai mét nằm vắt ngang đường. Con rắn cứ nằm ườn oài mãi không chịu đi, báo hại cho hai chị em phải nín thở ngồi chờ cả tiếng đồng hồ mới đi thoát được. Nghe chúng tôi kể lại, các anh ở nhà cứ tiếc hùi hụi, phải tay các anh mọi người đã được một bữa đánh chén ngon lành rồi không. Đúng là đồ con gái nhút nhát. Đến con rắn còn sợ, nói chi đến gặp hổ, báo, heo rừng… Rừng này còn nhiều ông ba mươi( ) lắm. Mới tháng trước nó về cõng mất con heo to của xưởng Dược. Nó rất thích đàn bà, con gái và thường chỉ vồ những người đi sau cùng. Nghe mấy anh dọa thế, tôi hãi lắm, đi đâu cũng len lén chui tọt vào giữa hàng quân. Tôi nhớ có lần được anh Nguyên Ngọc phân công đi coi rẫy lúa cách cơ quan hơn một giờ đi bộ. Chả là Ban Văn học Cục Chính trị Quân khu 5 phát được một cái rẫy nhỏ xíu, nằm lọt thỏm giữa rừng, gieo được ít lon lúa giống. Lúa đã sắp đến ngày thu hoạch nhưng bị bầy chim rừng kéo cả đàn đến quấy phá, coi chừng mất trắng. Nghe nói phải đi coi rẫy một mình, tôi cũng sợ nhưng lại phấn khởi vì công việc nhẹ nhàng, chỉ việc ngồi trên chòi cao giật dây làm rung những chiếc lon sữa bò rỗng xua đuổi đàn chim là xong. Chắc anh Ngọc ưu ái lính mới tò te vào chiến trường đây! Nhưng tôi đã bé cái nhầm. Thoạt tiên, lũ chim nghe tiếng những lon sữa bò va vào nhau xủng xoảng đều giật mình bay tán loạn. Chúng kêu chí chóe làm rộn cả một góc rừng. Nhưng chỉ vài lần sau, mặc tôi ra sức đập, gõ nồi xoong, la hét đến khản cả tiếng, lũ chim vẫn thản nhiên sà xuống mổ lấy mổ để những gié lúa vàng đã bắt đầu mẩy hạt. Quên cả sợ hãi, tôi lao xuống rẫy, dùng cành cây xua đuổi tới tấp lũ chim độc ác. Biết bao công sức, mồ hôi của anh em trong cơ quan tôi đã đổ xuống đây. Nước mắt tôi chảy ra vì sự bất lực của mình. Chiều về, thấy bộ dạng phờ phạc và giọng nói khản đặc của tôi, các anh trong cơ quan vừa buồn cười vừa thương. Thế là hôm sau, anh Ngọc huy động cả cơ quan đi tuốt lúa non. Không có cối xay, các anh đổ lúa vào những chiếc cối khoét vội bằng cây rừng, giã thì thụp cả đêm. Bát cơm gạo rẫy, thứ gạo “bọc thép” nấu cả ngày vẫn sượng mà tôi thấy dẻo quánh như xôi, vị đậm đà, thơm thảo của hạt lúa đầu mùa khiến tôi nhớ mãi đến tận bây giờ.
Cuộc hội ngộ bất ngờ đã làm sống dậy trong chúng tôi bao nhiêu kỷ niệm về một thời ở rừng. Cứ tưởng mọi thứ đã lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho cuộc mưu sinh cơm, áo, gạo, tiền, cho cuộc sống đầy vất vả, lo toan trước mặt. Nhưng té ra, không ai quên một cái gì cả. Mải tranh nhau nói, tranh nhau kể chuyện, chúng tôi không để ý đến một người phụ nữ ngồi nép mình trong góc chiếc giường đối diện. Chị lắng nghe câu chuyện của chúng tôi với một vẻ chăm chú đặc biệt, thỉnh thoảng lại đưa chiếc khăn giấy lên chặm nước mắt. Đoàn cán bộ kháng chiến về thăm chiến trường xưa lần này đi đông quá, phải thuê nguyên cả một toa giường nằm trên chuyến tàu Thống Nhất 1 vẫn chưa đủ chỗ. Đủ các thành phần, các thời kỳ đi B nên chưa kịp làm quen với nhau. Có ai đó chợt thốt lên: “Có phải bác sĩ Phi Phi đấy không?”. Tất cả ồ lên kinh ngạc. Đúng rồi, bác sĩ Phan Thị Phi Phi, nguyên giám đốc Bệnh viện I của Khu ủy Khu 5 nổi tiếng những năm 1966-1971. Không một cán bộ, chiến sĩ nào ở mặt trận Quảng Nam, Quảng Đà ngày ấy không biết đến một bài báo cũng không kém phần nổi tiếng của chị về tác dụng của lá sắn “bổ ngang trứng gà”. Lúc ấy, ở căn cứ Khu ủy 5, nhà báo Đặng Minh Phương ở Báo Cờ Giải phóng gọi tếu lá sắn là “trứng bà Phi Phi”. Chị vào Khu 5 rất sớm, từ năm 1966, để lại chồng và đứa con gái mới hai tuổi ngoài Bắc. Dân trí thức “rặt”, lại là đàn bà chân yếu tay mềm nhưng mọi công việc nặng nhẹ gì cũng đến tay chị. Từ việc cứu chữa thương bệnh binh nặng từ các tỉnh chuyển về, đến việc lo cái ăn, cái mặc, lo di dời bệnh viện trong thời kỳ địch đánh phá, càn quét ác liệt nhất… Có khi vừa chuyển đến chỗ ở mới, chưa kịp đào hầm xong cho thương binh đã lại có lệnh di chuyển vì địch sắp chụp quân. Cứ nhũng nhẵng, cáng, khiêng nhau chạy xà quần trong những vùng núi cao hiểm trở, có lúc lên tận tới chân núi Ngọc Linh. Cho nên nghe chúng tôi kể chuyện đã từng luồn sâu vào hoạt động trong lòng địch, có người còn vượt qua cả đường xe lửa, đường quốc lộ 1 xuống sát biển, chị cứ chép miệng: “Chui cha, tội chưa! Mấy em ngoài Bắc vô mà lội cùng khắp, chỗ nào cũng biết. Còn chị thì rúc tít trên núi cao!”. Nghe chị nói vậy, chúng tôi chỉ cười. Chị khiêm tốn vậy thôi, chứ Khu 5 thời ấy, chỗ nào chẳng gian khổ, ác liệt. Tuổi xuân của chị đã để lại trong những cánh rừng trụi trần vì bom napan, vì chất độc hóa học của Mỹ rải xuống rừng Quảng Nam. Giờ chị đã trở thành giáo sư – tiến sĩ – Thầy thuốc Nhân dân, trở thành một “bà lão” nhưng dáng dấp, tác phong, đi lại vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát như những ngày còn ở rừng. Suốt dọc chuyến đi, tôi để ý thấy chị rất chăm chú ghi chép, tối về lại mở laptop ra cặm cụi làm việc. Chị nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn thường xuyên được mời đi giảng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới. Chủ đề nghiên cứu khoa học mà chị tâm đắc và được nhiều nơi mời thuyết giảng nhất là chuyên đề: “Miễn dịch bệnh lý và tác động của chất da cam/điôxin trên sức khỏe của người Việt Nam”. Chiến trường Khu 5 là nơi chịu ảnh hưởng chiến tranh hóa học của Mỹ nặng nề nhất. Nó không chỉ để lại sự tàn phá khủng khiếp trong chiến tranh mà còn để lại di chứng cho nhiều thế hệ sau này. Cho đến nay, cả nước vẫn còn hàng ngàn, hàng vạn trẻ em bị dị tật do di chứng chất độc điôxin từ thời ông bà, cha mẹ để lại. Đó không chỉ là gánh nặng to lớn về mặt tinh thần mà cả về mặt vật chất cho gia đình và xã hội của đất nước ta.
Chỉ những vệt rừng trập trùng xanh ngắt trải ra trước mặt, chị trầm ngâm bảo tôi: “Em xem, cây rừng đã xanh trở lại, mặt đất chẳng còn vết tích gì của cuộc chiến tranh. Nhưng những vết sẹo trong lòng người thì chẳng bao giờ liền lại được”. Đôi mắt vẫn còn tinh nhanh ẩn sau cặp kính của chị ánh lên những trăn trở, suy tư. Chị cứ ngồi lặng lẽ, trầm tư như vậy cho đến khi chiếc xe đỗ xịch trước cửa khu tưởng niệm cán bộ dân y của Ban Dân y Khu 5 hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Khu tưởng niệm chỉ vỏn vẹn một ngàn mét vuông, quá nhỏ bé, khiêm nhường so với căn cứ rộng rãi, bề thế của cơ quan An ninh Khu vừa được xây dựng trên quả đồi bên cạnh. Thấy tôi băn khoăn hỏi tại sao chỉ có chín tấm bia đại diện cho cán bộ dân y chín tỉnh Trung Trung bộ, chị Phi Phi lặng người đi một lúc rồi thốt lên: “Đúng rồi! Còn phải có một tấm bia đại diện cho cán bộ dân y các tỉnh phía Bắc hy sinh tại chiến trường Khu 5 nữa. Thế mà các chị đã không nghĩ ra!” – Bần thần một lúc lâu, chị nói, giọng ngậm ngùi: “Đây là khu tưởng niệm đầu tiên ở Khu căn cứ Nước Oa đấy em ạ. Mấy năm trước, chị và Phương Liên (bác sĩ, vào Khu 5 cùng thời với chị Phi) thường xuyên đi thăm hỏi, hỗ trợ đồng bào các nóc ở Trà Ca, Trà Giác… Các chị nảy ra ý định xây dựng một khu tưởng niệm hơn 4.000 cán bộ dân y các tỉnh Liên khu 5 đã hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ. Các chị tự bỏ tiền túi và vận động một số anh chị em trong ngành ở Đà Nẵng quyên góp. Cũng là một nghĩa cử của người còn sống tưởng nhớ đến anh em, đồng đội đã hy sinh, không được nhìn thấy ngày chiến thắng. Trong đó có nhiều anh chị em miền Bắc. Thế mà chị… Chị sẽ sửa chữa lại thiếu sót ấy ngay bây giờ!”. – Chị Phi Phi rút máy điện thoại gọi cho anh Xân, nguyên giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng – là bác sĩ Bệnh viện I của Khu ủy 5 thời đánh Mỹ, nhờ anh cho thợ lên xây giúp mộ bia tưởng niệm cán bộ dân y quê miền Bắc hy sinh tại chiến trường này, dưới chân đài liệt sĩ, mọi chi phí chị sẽ lo hết. “Mà phải làm ngay đấy nhé!” – Chị Phi nhấn mạnh. Cho đến hết chuyến đi, tôi thấy chị liên tục gọi điện cho anh Xân để nhắc nhở, coi đó là việc làm cấp thiết, phải thực hiện bằng được. “Để lâu anh em nó tủi!” – Chị nói với tôi rồi quay đi, giấu giọt nước mắt vừa ứa ra.

*
Đây là lần thứ ba tôi được trở lại Khu căn cứ Nước Oa – căn cứ của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 những năm chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1959 đến tháng 4 năm 1975, căn cứ của Khu ủy, Quân khu thay đổi liên tục từ Hiên sang Trà My, Tiên Phước, Nam Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức… Chỉ riêng từ 1971 đến 1975, cơ quan tôi đã di chuyển từ Nước Leng, Nước Xa sang Pui, dốc Voi (Trà Giáp), Nước Oa và cuối cùng là Trà Nô (nay thuộc xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức), trước khi tiến vào Tam Kỳ, Đà Nẵng. Với tôi, Nước Oa là nơi để lại rất nhiều kỷ niệm. Đó là một vùng rừng già thâm u, mọc nhiều cây săng lẻ, thân mốc trắng, to hàng chục người ôm không xuể, loại cây thường gặp ở những cánh rừng bên Khăm Muộn, Savanakhet (Lào). Tháng Ba ở Trường Sơn, chò, lim, sến, táu… đồng loạt trổ hoa, làm thành một bức tranh thiên nhiên đa sắc. Đẹp nhất vẫn là những giò phong lan, từ trên cao buông xuống những chùm hoa phơn phớt tím, hồng. Khắp nơi tràn ngập một mùi hương thanh tao, tinh khiết đến nao lòng. Chiến tranh dường như đã lùi vào một nơi nào đó rất xa, không ăn nhập gì với khung cảnh nơi này. Chỉ ai tinh ý lắm mới thấy không khí khẩn trương, sôi động dưới những mái lán lợp lá cọ nguyên tấm màu xanh biếc, không khí tất bật đặc trưng của một sở chỉ huy mặt trận. Những chiến dịch lớn thường bắt đầu vào mùa xuân. Lán Tư lệnh Quân khu đỏ đèn thâu đêm, mái đầu đã bạc của ông nghiêng theo những mũi tiến công thọc sâu vào hang ổ địch. Tư lệnh là người có tâm hồn rất lãng mạn. Ngoài những giờ phút căng thẳng trên cương vị một người đứng đầu mặt trận quân sự, ông có sở thích đi dạo một mình trong những cánh rừng già quanh khu bộ, có khi sang tận khu vực cơ quan chính trị đóng quân. Lần ấy, khi tôi đang lúi húi tìm tài liệu liên quan đến một bài viết, ngẩng lên bất chợt thấy ông đứng ngay trước cửa lán. Tôi lúng túng làm đổ cả giá sách khiến bụi tung lên mù mịt. Ông cúi xuống nhặt, phủi bụi từng cuốn sách rồi mới đặt lên giá cho tôi. Ông ân cần hỏi tôi vào B từ khi nào, dự kiến sẽ đi đâu, sẽ viết gì cho trận đánh sắp tới. Thấy tôi cứ ấp úng mãi không trả lời được, ông cười: “Trước tiên hãy sống và làm việc như một người lính. Có nhiều vốn sống thực tế rồi sẽ viết được. Thi thoảng tôi cũng làm thơ đấy!”. Sau này tôi mới biết, thỉnh thoảng Tư lệnh vẫn hỏi thăm xem tôi đã làm được gì, viết lách ra sao, đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng chưa? Giờ đây ông đã đi xa. Tôi bồi hồi đứng trước căn lán của ông ngày xưa, vẫn như nhìn thấy mái đầu bạc trắng của ông nghiêng xuống tấm bản đồ chiến lệ. Dưới kia, dòng Nước Oa mùa này nước cạn, hẹp chỉ vài bước chân là có thể lội qua được, những bãi đá ven sông nằm trơ dưới ánh nắng hè gay gắt. “Cánh rừng Tư lệnh” thâm u trầm mặc ngày nào giờ không còn nữa, người ta đã chặt trụi nó từ lâu, thay thế vào đó là những vạt rừng tái sinh khiến cảnh vật thay đổi đến mức không thể nhận ra được. Con đường đá cấp phối nối liền giữa ba cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần giờ đã được trải nhựa, con ngầm cũng đã được nâng cấp thành một cây cầu vững chãi, bề thế. Dòng Nước Oa bắt nguồn từ dãy núi Hòn Bà, chảy xuôi một quãng ngắn rồi nhập với con sông Trường – con sông bắt nguồn từ Nước Y của dãy núi Voi và vùng núi Tây Trà Bồng (Quảng Ngãi) trước khi đổ ra ngã ba sông Tranh, nơi từ đó chúng tôi đi về các hướng của chiến dịch. Tôi không nhớ mình đã bao nhiều lần lội qua, lội về hai bờ của con sông, con sông khi êm đềm thơ mộng, khi cuồn cuộn đổ qua những gành đá dưới cơn mưa rừng xối xả. Không ít lần anh em chúng tôi phải mắc võng trường kỳ nằm chờ lũ rút. Đói. Muỗi. Vắt. Và cả những cơn sốt rét ác tính. Dòng sông gắn bó với bao nhiêu kỷ niệm vui, buồn của “một thời con gái đi qua chiến trường”. Tôi như trôi đi giữa những dòng hồi ức khi chiếc ô tô đưa đoàn chúng tôi ngược lên phía thượng nguồn sông Tranh. Đi qua Nước Vin, chị Phi Phi đập vào tay tôi:
– Đây là nơi sản xuất của cơ quan chị ngày trước, em à! Chị và P.L đã đến đây để tiễn Trần Tiến (Chu Cẩm Phong) ra mặt trận. Ba người đã ăn với nhau một bữa cơm chia tay. Trần Tiến đi mặt trận Quảng Đà rồi từ đó không về nữa.
Mọi người ngồi trong xe ô tô chợt lặng đi. Ai cũng biết Trần Tiến, sinh năm 1941, quê ở Hội An. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn Hà Nội, cuối năm 1964 anh vào chiến trường, công tác tại Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ. Sau khi chia tay chị Phi Phi và P.L (hai người đã đính hôn, chỉ chờ sau đợt Trần Tiến đi Quảng Đà về sẽ cưới), anh xuống công tác tại xã Xuyên Phú (nay là xã Duy Tân), huyện Duy Xuyên thì gặp địch càn. Hầm bí mật bị lộ, anh cùng 7 cán bộ, chiến sĩ và du kích xã Xuyên Phú chiến đấu quyết liệt với hơn một tiểu đoàn liên quân Mỹ ngụy. Anh Tiến bị thương nặng ở loạt đạn thứ hai, sau chị Xuân Ca, y sĩ K650 của Ban lương thực Quảng Đà. Anh nén đau động viên mọi người: “Các đồng chí cứ tập trung chiến đấu, đừng lo gì cho tôi. Ai có tài liệu mật phải hủy hết. Tuyệt đối không được tự sát, dành lựu đạn để diệt quân thù”. Trận đánh không cân sức diễn ra suốt hai tiếng đồng hồ, bên ta bốn người hy sinh, bốn người bị sức ép của mìn, bộc phá địch ném vào hầm bị chết ngất và sa vào tay địch. Đó là vào trưa ngày 1 tháng 5 năm 1971. Du kích và bà con Xuyên Phú sau khi địch rút, đã chôn cất anh ngay tại bờ khe Mỹ Lược, nơi sát gần căn hầm bí mật mà anh, anh Tiềm, cô Ca, cô Ta chiến đấu và anh dũng hy sinh. Bây giờ, tại đây đã xây dựng một bia tưởng niệm bằng đá nguyên khối hình cuốn sách mở rộng để tưởng nhớ về Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang, nhà văn, nhà báo Chu Cẩm Phong và đồng chí. Anh đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2010. Chu Cẩm Phong là nhà văn đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Gần bảy năm ở chiến trường, anh đã có lần về tận Cẩm Thanh, sát thị xã Hội An, bơi trên dòng sông Thu Bồn – Cửa Đại quê hương. Chỉ ít bước chân thôi, anh đã có thể gặp mẹ, người mẹ già mòn mỏi trông ngóng tin con, nhưng giấc mơ đoàn viên đó mãi mãi không bao giờ thực hiện được.
Cũng đi xuôi theo con đường này về hướng Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành) phía đông bắc cầu Bà Rén, sát quốc lộ 1, đoàn chúng tôi đến viếng mộ chị Dương Thị Xuân Quý. Chị Quý sinh năm 1941, trước khi vào Khu 5, chị đã là một phóng viên kỳ cựu của Báo Phụ nữ Việt Nam. Chị có nhiều phóng sự chân thực viết về vùng tuyến lửa Khu 4 trong những năm tháng địch đánh phá miền Bắc ác liệt nhất. Chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã vào chiến trường Khu 5 từ năm 1967. Con chị, bé Bùi Dương Hương Ly lúc ấy mới 16 tháng tuổi. Không ai buộc chị phải đi. Nhưng tình yêu, lòng căm thù giặc và khát vọng muốn được cống hiến sức lực của mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã thôi thúc chị lên đường. Chị đã vượt qua hàng ngàn kilômét đường Trường Sơn với bao nhiêu đèo dốc, muỗi, vắt, bom đạn và những thử thách khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh để tồn tại và viết. Chị Quý đến Khu 5 đúng vào những ngày đen tối nhất sau Xuân Mậu Thân. Lực lượng ta sau những tổn thất lớn bị đẩy lên rừng, lâm vào cảnh thiếu thốn, đói khát triền miên. Địch liên tục đổ quân càn quét và dội bom B52 lên các khu căn cứ của ta. Tất cả phải lao vào chống đói, kiếm cái ăn, phải tồn tại trước đã. Những cái gì có thể ăn được như rau tàu bay, củ nầng, củ chóc, môn dóc, môn thục, tai voi, măng rừng… bị khai thác đến cạn kiệt. Trang nhật ký nào của chị Quý cũng nhắc đến cái đói, cái đói dai dẳng, bào mòn cả sức lực và ý chí: “Mấy hôm nay chỉ ăn ngày hai bữa. Một lon gạo chỉ ăn hai bữa và ăn thêm bắp rang và thiếu muối. Đói quá. Ăn xong lên võng nằm thèm đủ thứ. Chưa bao giờ mình bị cái cảm giác thèm ăn nó bóp nghẹt như bây giờ”. Và chị tự nhủ mình: “Nhất định từ nay mình sẽ không thèm thuồng gì nữa và không được ngại khó. Cái gì mọi người vượt qua được thì mình đều có thể vượt qua được. Phải lao vào cuộc sống với một tinh thần như thế!”.
Cái đói đã vậy, nhưng để vượt qua những trận sốt rét rừng cũng là một thử thách ghê gớm đối với những người mới vào chiến trường. Chị Quý đã làm một con tính như thế này, trong hơn 3 tháng công tác tại Tiểu ban Văn nghệ Khu 5, chị đã có 26 ngày bị sốt rét. Trong 71 ngày đi gùi cõng trên đường, không ít lần chị lên cơn sốt rét, phải nằm lại một mình giữa rừng. Những cơn sốt rét thật khủng khiếp, có thể quật ngã cả những thanh niên trai tráng, sức lực, nói gì đến một cô gái vóc hạc, xương mai như chị. Nhưng chị Quý chẳng nề hà việc gì, dứt cơn sốt chị lại xung phong xuống vùng giáp ranh cõng gạo. Sức con gái nhưng chị vẫn cố mang vác bằng nam giới, từ 3 đến 3 ang rưỡi (mỗi ang chừng 30 lon gạo). Thế mới thấy sức chịu đựng của chị thật phi thường. Nhà văn Nguyên Ngọc đã có lần nói về chị: “Ở đây, chiến trường, cái gì chúng tôi khó một, thì Quý khó gấp mười”. Đúng vậy, không chỉ tham gia đào hầm, dựng nhà, phát rẫy, gùi cõng như anh em trong cơ quan, mà chị còn phải đối mặt với vô vàn những cái khổ chỉ riêng phụ nữ mới có. Những ngày hành kinh, lẽ ra được nghỉ nhưng không dám báo cáo lãnh đạo, vẫn cứ mang vác nặng leo đèo, vượt suối, nhiều khi anh em đòi san sẻ bớt nhưng chị cứ khăng khăng không chịu. Đối với chị, gian khổ nào cũng có thể vượt qua, bom đạn không làm chị nhụt chí nhưng nỗi đau phải xa cách đứa con bé bỏng mới là một cực hình. Đã có lúc, giữa hai đợt sốt rét, chị đã viết rất thật lòng: “Ly ơi, con lại cô đơn quá, mùa đông này con không được vòng tay vào cổ mẹ và không được mẹ ôm con vào lòng như năm ngoái nữa. Khổ thân con tôi. Một nỗi hối hận vò xé lòng tôi. Biết thế tôi không đi nữa hoặc chờ Ly lớn một chút, gửi vào trại đã. Tôi vội vàng quá. Ly ơi, mẹ còn xốc nổi quá. Mẹ chưa đáng là mẹ mà con đã ra đời. Tội thân con tôi”. Ai đã có con mới thấu hiểu cuộc chiến tranh thầm lặng giữa tình mẫu tử và khát vọng được tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong con người chị Quý quyết liệt đến như thế nào. Nhưng vượt qua phút yếu lòng đó, nỗi nhớ con như một liều thuốc thần kỳ đã giúp chị đứng lên, mạnh mẽ hơn, cứng cỏi hơn. Bé Ly đã trở thành niềm tin, là tình yêu, là chỗ dựa vững chắc cho chị bước vào cuộc chiến đấu.
Tháng 4 năm 2006, lần đầu tiên tôi được xuống thôn Thi Thại, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thăm nơi chị Quý đã hy sinh. Từ đường quốc lộ số 1 rẽ vào phải đến gần 3 km mới đến nơi đặt tấm bia tưởng niệm chị Dương Thị Xuân Quý (lúc ấy vẫn chưa tìm được phần mộ của chị Quý). Như thế là ngay từ lần đi thực tế đầu tiên, chị đã vượt qua đường quốc lộ số 1, xuống rất sâu phía dưới biển, một điều ít ai trong số anh chị em văn nghệ sĩ chúng tôi sau này làm được. Ngay từ khi mới vào chiến trường, chị Quý đã rất nôn nóng được xuống đồng bằng, được đi vào những nơi có sự tích anh hùng, có những con người anh hùng, mặc dù biết đó là những nơi nguy hiểm, có thể hy sinh. Đã lao vào thực tế là phải lao vào đến nơi đến chốn, phải đến bằng được những nơi “có chuyện” nhất. Và chị đã đến những vùng đang là trọng điểm đánh phá của kẻ địch để sống và viết tại chỗ về tấm gương những người dân kiên cường bám đất, bám biển… Tôi không có cái may mắn được sống và làm việc với chị Quý. Tôi chỉ biết về chị qua những trang viết về tuyến lửa Khu 4 và qua bài thơ viết về hạnh phúc của anh Bùi Minh Quốc nhưng mỗi lần đứng trước mộ chị, tôi lại không cầm được nước mắt. Chị Quý đã anh dũng hy sinh trước họng súng của bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3 năm 1969, khi ấy chị chưa tròn 28 tuổi. Những tác phẩm chị để lại cho đời còn ít ỏi, nhưng chỉ bằng vào thái độ sống, vào nghị lực và lòng quả cảm, dám xả thân vì sự nghiệp vĩ đại của Tổ quốc, chị đã là một người Anh hùng.
Giờ đây, chị Quý đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Duy Thành. Sau nhiều lần tìm kiếm tưởng chừng vô vọng, năm 2007, anh Quốc và anh chị em trong Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam đã tìm thấy hài cốt chị Quý, chỉ cách nơi đặt tấm bia tưởng niệm 100 mét. Hai vợ chồng anh chị Võ Bắc và Hồ Thị Thanh đã dành tặng một khoảnh đất trên mảnh vườn nhà (nơi chị Quý đã hy sinh) để chị an nghỉ và quanh năm nhang khói. Nơi đó giờ đã trở thành một địa chỉ đỏ để các em học sinh và thanh niên của Duy Xuyên, của Quảng Nam thường xuyên đến thăm viếng, học tập. Hẳn chị Quý ở dưới đó cũng cảm thấy an lòng và ấm áp như đang nằm giữa vòng tay của những người ruột thịt. Tôi ngẩng đầu nhìn lên khoảng trời trên mộ chị Quý. Bầu trời tháng 6 không một gợn mây, vẫn vẹn nguyên một màu xanh thăm thẳm như những câu thơ của nhà thơ Bùi Minh Quốc, chồng chị, đã viết:
Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên
Trên mồ em có mùa xuân ở mãi
Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên
*

Đoàn cán bộ về thăm chiến trường xưa lần này rất may mắn có được một “hướng đạo viên” kỳ cựu, một pho sử sống của vùng này dẫn đường. Đó là anh Nguyễn Bá Thâm, nguyên Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam. Anh có biệt tài nhớ dai, nhớ rất tỉ mỉ, chính xác từng sự kiện, tên đất, tên người… đã diễn ra trên vùng đất này. Anh Thâm học cùng khóa K12 – Đại học Tổng hợp Văn với tôi, cùng vào chiến trường Khu 5, công tác tại Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ. Năm 1997, anh về Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam. Bàn chân anh đã lội cùng khắp các huyện miền núi như Hiên, Nam Giang, Trà My, nhất là các vùng biên giới giáp với nước Lào. Anh ngậm ngùi nhắc đến từng trường hợp hy sinh của các anh chị em văn nghệ sĩ ở Quảng Nam như Phương Thảo, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Hồng, Hà Xuân Phong… Người hy sinh sớm nhất trên chiến trường Quảng Nam là nữ nghệ sĩ múa Võ Thị Phương Thảo. Ngày 6 tháng 4 năm 1967, Phương Thảo cùng với đạo diễn Khánh Cao đi huấn luyện cho lực lượng văn nghệ địa phương Quảng Đà về tới Xuyên Thanh (nay là Duy Châu – Duy Xuyên) thì bị đạn cối của địch từ đồn Kiểm Lâm bắn ra. Chị bị một mảnh đạn cối nhỏ găm trúng vào tim. Đạo diễn Khánh Cao cũng bị thương rất nặng, nhưng lại qua khỏi. Anh Thâm chỉ cho tôi chỗ chị Phương Thảo được du kích, bà con địa phương chôn cất. Cũng thật lạ, từ 1967 đến 1971, chỉ riêng Tiểu ban Văn nghệ Khu 5 đã có ba người nằm lại trên địa bàn Duy Xuyên. Điều đó nói lên mức độ ác liệt của chiến trường Quảng Nam giai đoạn ấy và sự lăn lộn, gắn bó với cách mạng của anh chị em văn nghệ sĩ Khu 5. Riêng về trường hợp của Nguyễn Hồng, có nhiều chi tiết về cuộc đời chiến đấu ngắn ngủi của anh, tôi mới chỉ được biết qua lời kể của anh Thâm. Nguyễn Hồng là một trong số ba người chúng tôi (Nguyễn Bảo, Nguyễn Hồng, Vũ Thị Hồng) được sang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng Trung Trung bộ từ tháng 9 năm 1971. Anh là một người nhiệt tình, xông xáo, dũng cảm, không chịu ngồi yên một chỗ bao giờ. Vừa mới đi với Trung đoàn 12 – Sư đoàn 3 đánh chốt chặn trên đèo An Khê, đường 19 Bình Định về, anh lại hăm hở theo các đơn vị địa phương đánh địch, chống lấn chiếm ở Điện Bàn. Ngày 3 tháng 2 năm 1973, anh cùng với C3 – đại đội nữ địa phương mới được thành lập đánh địch lấn chiếm ở thôn 5 xã Điện Xuân (Điện Hồng ngày nay). Bị địch đánh tập kích sau lưng, Nguyễn Hồng là người trụ lại cuối cùng, bị trúng đạn hy sinh. Địch bắt bà con phát quang, đưa xác Nguyễn Hồng về chôn cất ở ngã ba Trùm Giao. Sau này, Nguyễn Bá Thâm và anh em trong Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam cùng với gia đình đã nhiều lần cất công đi tìm mộ Nguyễn Hồng. Bây giờ Nguyễn Hồng đã an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn. Năm 2003, trong lần ra viếng mộ Nguyễn Hồng, ngoài hương hoa, tôi để ý thấy anh Thâm đặt lên mộ Hồng một lon sữa Ông Thọ. Anh kể hồi mới vào, đang trên đường đi cõng gạo, Hồng thấy lon sữa bò rỗng vứt chỏng chơ, bên trong còn một ít cặn sữa. Hồng đổ nước sôi vào tráng rất cẩn thận rồi đưa cho mỗi người nhấp miệng một chút. Đã lâu lắm không có tí chất ngọt nào, ngụm sữa loãng cũng làm mọi người tỉnh hẳn ra. Cứ mỗi lần nhắc đến Nguyễn Hồng, câu chuyện ấy vẫn làm anh rưng rưng nước mắt. Nguyễn Hồng ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng anh cũng kịp để lại truyện ký Đêm cao điểm viết về những người lính chốt chặn trên chốt Cây Rui – đèo An Khê, đường 19 – Bình Định – hứa hẹn một tài năng văn học sau này. Nguyễn Bá Thâm kể rất chi tiết về những lần tìm mộ, làm mộ, dựng bia tưởng niệm Nguyễn Mỹ, Nguyễn Hồng, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, những chi tiết mà chỉ những người trong cuộc như anh Thâm mới nắm rõ được ngọn ngành như thế.
Trong chuyến đi này, người “hạnh phúc” nhất có lẽ là hai vợ chồng anh Bùi Quang Phó và chị Vũ Thị Kim Oanh. Buổi sáng hôm ấy, đoàn chúng tôi đi thăm và tặng quà bà con nóc ông Điếu và nóc ông Để nằm trên địa bàn hai xã Trà Ca và Trà Giáp, nơi Hội Văn nghệ và Điện ảnh Khu 5 đóng quân năm 1970 – 1971. Đã quá giờ ăn cơm trưa từ lâu vẫn chưa thấy hai anh chị trở về. Hỏi ra mới biết hai anh chị nhờ người dẫn đi tìm mộ đứa con mất từ tháng 5 năm 1973. Anh Phó và chị Oanh cùng ở Ban Giao vận Khu 5, quen biết nhau từ ngày tập hành quân vác gạch chuẩn bị lên đường đi B ở trường 105, Hòa Bình. Vào chiến trường Khu 5 năm 1968 thì cuối năm 1969, hai anh chị cưới nhau, cuối năm 1970 sinh một cháu trai, đặt tên là Bùi Hồng Nam. Nhưng cháu chỉ sống được với anh chị ba năm thì mất. Ngôi mộ của cháu nằm trong một rừng nứa, gần trạm xá của Ban Giao vận Khu 5. Anh chị chỉ nhớ mang máng như thế vì cơ quan chỉ đóng ở đó một thời gian ngắn đã phải chuyển đi chỗ khác. Bốn mươi năm đã trôi qua, rừng nứa giờ đã thành rẫy trồng sắn, trồng bắp, khu vực trạm xá cũng chẳng để lại dấu tích gì. Đang loay hoay tìm phương hướng thì may sao gặp một cụ già người Cadong đi rẫy về. Cụ nói gần đó có một nghĩa địa cũ, người ta đã cất bốc gần hết, chỉ còn hai ngôi mộ, không rõ tên tuổi, lâu nay đồng bào vẫn để tâm coi sóc. Chắc chắn đó là mộ của anh em đằng mình, nó vẫn ở đó từ trước ngày giải phóng. Hai anh chị khấp khởi mừng thầm. Với linh cảm của người mẹ, chị Oanh tin chắc một trong hai ngôi mộ đó là mộ của con mình. Chị kể với tôi, trước khi đi chị đã tìm đến một nhà ngoại cảm, người ấy khẳng định anh chị sẽ tìm được con, sẽ có người đưa đường chỉ lối cho anh chị. Đã bao lâu nay, chị đau đáu nỗi xót xa phải để đứa con ở lại giữa rừng, không người hương khói. Nhiều lần chị nằm mơ thấy con, nó khóc lóc trách chị không thương nó, không sớm đưa nó về quê cha đất tổ. Chuyến đi này là dịp may hiếm có để anh chị thỏa ước nguyện đi tìm con ấp ủ bấy lâu nay. Nghe nói, chỉ sau đó mấy tháng, được sự giúp đỡ của cán bộ và bà con xã Trà Giáp, anh Phó, chị Oanh đã tìm được mộ cháu Bùi Hồng Nam và đưa cháu về quê trong niềm vui muộn mằn của gia đình.
Ngày cuối cùng của chuyến đi, đoàn chúng tôi dừng chân rất lâu ở nhà tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ huyện Duy Xuyên mới được khánh thành. Tọa lạc trên một khu đất rộng, ngôi nhà tưởng niệm xây cao vượt hẳn lên, trông xa giống một ngôi đền thờ hơn 8.000 liệt sĩ đã có danh và còn hơn 3.200 liệt sĩ chưa xác định rõ tên, tuổi, quê quán ở khắp mọi miền đất nước đã chiến đấu và nằm lại trên đất Duy Xuyên. Công trình được xây dựng hết 50 tỷ đồng, hoàn toàn do cán bộ, nhân dân Duy Xuyên tự nguyện đóng góp để tri ân những người con dũng cảm đã làm nên lịch sử cho quê hương mình. Tên tuổi các anh sẽ được lưu danh muôn thuở như một câu đối trong điện thờ đã khẳng định: Vào tử ra sinh, vững thế anh hùng xứ Quảng/ Đội trời đạp đất, lừng danh dũng sĩ trời Nam.
Chỉ riêng một huyện Duy Xuyên đã có hơn một vạn anh hùng, liệt sĩ, thử hỏi trên đất Quảng và cả miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có bao nhiêu người hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc? Tôi thắp một nén nhang, thành kính dâng lên ban thờ. Ai đó vừa thỉnh một hồi chuông. Tiếng chuông trong vắt cứ ngân nga mãi không chịu tắt trong bầu thinh không vắng lặng, trong làn khói nhang lãng đãng bao phủ cả ngôi đền. Ngoài cổng, một đoàn học sinh tiểu học, mặc đồng phục, khăn quàng đỏ phấp phới vừa đổ xuống từ hai chiếc xe ca đang xếp hàng đôi, trang nghiêm tiến vào. Ánh nắng đầu hôm thắm hồng trên những đôi má tròn căng, trên những đôi mắt tròn xoe, đen láy, thơ ngây của các em. Một lần nữa, tiếng chuông lại được thỉnh lên rộn rã, vang vọng. Tiếng chuông cứ ngân nga mãi trên những cánh đồng lúa Duy Xuyên đang vào kỳ chắc hạt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu cho người dân xứ Quảng anh hùng.

Đà Nẵng tháng 1 năm 2015
N.T.B.H.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây