Tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy

Tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy

NGUYỄN THỊ THU THỦY

. Sinh năm 1969
. Quê quán: Quảng Nam
. Hiện sinh sống và dạy học tại thành phố Đà Nẵng
. Hội viên Hội Nhà Văn thành phố Đà Nẵng
. Tốt nghiệp ĐHSP Huế chuyên ngành Ngữ văn năm 1991

. Đã có nhiều tác phẩm đăng trên các báo Trung Ương và địa phương
. Đã in: Vệt thời gian (tiểu luận phê bình, 2022)
. Sẽ in:  Sông chảy bên đời (tản văn)

 

THƠ TÌNH NGUYỄN THỤY KHA- MỘT GÓC NHÌN KHÁC

Nghe tiếng tăm về Nguyễn Thụy Kha – một nhà thơ, nhạc sĩ đã lâu, nhưng đến mùa đông năm 2020, nhân một buổi giao lưu với nhà xuất bản Hội Nhà văn, tôi mới gặp được ông. Con người thuộc thế hệ “hiến dâng trọn vẹn, hiến dâng vô danh” ấy dù ở tuổi thất thập vẫn không ngừng đam mê: đam mê sống, đam mê yêu, đam mê viết. Bên cạnh những công trình nghiên cứu về âm nhạc, mười hai tập thơ đã xuất bản của ông viết về nhiều đề tài, góp phần chứng tỏ Nguyễn Thụy Kha là người nghệ sĩ tài hoa suốt đời tận hiến cho nghệ thuật. Đọc những tác phẩm về đề tài chiến tranh của ông, ta nhận ra chất hiện thực tươi rói được chắt lọc từ trải nghiệm trong cuộc đời của một người lính thông tin đã từng vào sinh ra tử với đồng đội ở mặt trận Quảng Trị ác liệt trước 1975. Năm năm gần đây ngòi bút ông chuyển hướng sang đề tài tình yêu với tập: “Hiền” (2015); “Nàng”(2018), “Mây”“Cưng”(cuối năm 2020). Dõi theo trang thơ tình của ông, ta được gặp sức thanh xuân rừng rực, một cách nhìn, quan niệm tình yêu trẻ trung, tươi mới cùng những cách tân trong nghệ thuật thể hiện của người “rong chơi cùng mưa nắng”- Nguyễn Thụy Kha.

Chất say đắm, mãnh liệt nồng nàn trong thơ tình Nguyễn Thụy Kha xuất hiện ngay từ những vần thơ ông viết năm 1977 ở “Không đề”: Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Rơi cơn mưa ban trưa/ Chợt thấy mình tách làm hai nửa/ Nửa ướt bây giờ, nửa ướt xa xưa”. Đó là cảm xúc chông chênh khi đứng giữa hai bờ yêu thương: hiện tại và quá khứ mà ai cũng có thể trải qua trong đời. Ta cũng gặp những vần thơ tha thiết của Nguyễn Thụy Kha dành cho người vợ yêu thương: “Nếu được về bên em/ Anh sẽ/ nghiêng bàn tay chảy đầy nỗi nhớ/ rót tràn tóc em” (Hiền-tr 32).

Ở người đàn ông yêu tuổi xế chiều ấy, ta bắt gặp một quan niệm, một cách nghĩ suy về tình yêu thật riêng biệt: “Yêu là sinh, yêu là sống tận cùng”,“Chỉ tình yêu là bất diệt đời đời/ Chỉ tình yêu là mãi mãi sinh sôi” (Mây-tr 41). Cách nhìn của Nguyễn Thụy Kha khiến ta liên tưởng những vần thơ của ông hoàng tình yêu Xuân Diệu: “Yêu là chết trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu”. Hai nhà thơ, hai thế hệ, hai vũ trụ yêu khác biệt. Ở Xuân Diệu: yêu là mất mát, khổ đau, thất vọng thì với Nguyễn Thụy Kha, tình yêu có sức mạnh phục sinh tâm hồn, con người sẽ “rất người” khi yêu. Xuất phát từ quan niệm tình yêu làm trẻ hóa tâm hồn và cả thân xác; người thơ ấy nhận chân được giá trị của tình yêu: “Chỉ tình yêu làm bé lại tinh cầu/ Khiến con người tìm ra mọi cách đi ngắn nhất/ Khiến ngắn lại mọi thời gian xa tít tắp/ Không thời gian và không không gian” (Cưng-tr 74). Thật vậy, tình yêu có sức cải lão hoàn sinh, thu ngắn những khoảng cách, giúp con người gần nhau hơn.

Trang thơ Nguyễn Thụy Kha vút lên lòng yêu con người, yêu cuộc sống đến ngất ngây, tỏa lan đến độc giả niềm hi vọng về cái Đẹp, cái Thiện vẫn luôn hiện diện giữa những bon chen, xô lấn của đời thường. Nhà thơ đều trân quý mỗi phút giây trôi qua trong cuộc đời, tha thiết được yêu để tận hiến: “Ôi đời thường ta yêu đến ngả nghiêng/ Hơn tất cả những cao sang giả vờ bần tiện” (Mây-tr 62). Đọc thơ tình Nguyễn Thụy Kha, ta phát hiện ra một quan niệm nhân sinh mới mẻ, xem cuộc sống trần thế là bữa tiệc, coi vẻ đẹp con người là thước đo của mọi vẻ đẹp. Để có được điều đó, nhà thơ phải là con người thành thật với tình yêu, thành thật với chính lòng mình và không ngại ngần khi bung tỏa những đắm say đến bạo liệt, ngông cuồng: “Ta thoát xác bay lên mê dại/ No nê tiệc này lại thèm khát tiệc sau” (Mây-tr 70).

Khác với quan niệm tình yêu lí tưởng và ít nhiều mang tính sách vở, tình yêu trong thơ Nguyễn Thụy Kha rất đời thường, gần gũi với tất cả mọi người bởi là sự kết hợp giữa khoái cảm thân xác và rung động tâm hồn. Đó là cách nhìn trân trọng với từng đường nét trong thân thể của người mình yêu thương và niềm đam mê, đắm chìm trong vẻ đẹp ấy: “Này uống đi cho hết cặp đùi dài/ Này say mềm ngực căng mới nhú/ Này đắm đuối cháy bừng đám lửa/ Này mê man hít thở hương tình” (Cưng-tr 33). Bằng niềm khao khát yêu đến bỏng cháy, nhà thơ đã khắc tạc tượng khỏa thân người mình yêu bằng ngôn từ và có thể mượn lời F. Engels: đây là niềm xúc cảm chân thành của một “nhục cảm lành mạnh”.

Cảm giác yêu thương trong thơ Nguyễn Thụy Kha đầy đủ, trọn vẹn, bởi đó là một tình yêu dâng hiến không so đo, tính toán; không hụt hẫng thất vọng dù rằng cuộc tình nào cũng có tất cả mọi cung bậc: nhung nhớ, cô đơn khi cách xa; hạnh phúc, cuồng say khi gặp lại và cái kết dở dang là điều không tránh khỏi. Nhưng ở Nguyễn Thụy Kha, những dang dở của mỗi cuộc tình đi qua đều được dự báo, ông sẵn sàng đón nhận với cái nhìn đầy nhân hậu, vị tha và khi ấy thơ là người bạn chia sẻ trung thành nhất: “Chỉ những câu thơ mới chống anh đứng nguyên/ Thốc bốn bề ưu tư lốc bão/ Chỉ những câu thơ mới vớt anh ra ngoài hư ảo/ Tắm gội anh ngộ đạo vị tha” (Mây-tr 118). Ý thơ đề cao giá trị lớn lao của nghệ thuật chân chính; thơ ca đích thực sẽ là chỗ dựa cho tâm hồn con người giữa lốc xoáy của sự tha hóa đang bủa vây.

Đến với những vần thơ “có lửa” của Nguyễn Thụy Kha, tâm hồn con người như được hồi sinh, để biết yêu hơn cuộc đời này. Nhằm lan truyền niềm tin vào tình yêu cho độc giả, Nguyễn Thụy Kha đã vận dụng một số thủ pháp nghệ thuật làm mới một đề tài tưởng như đã cũ. Tần suất của những động từ mạnh mang màu sắc nhục cảm đậm đặc trong thơ ông: thèm, khát, ghì, uống, đánh thức, say, hít thở, cháy bừng, quặn thắt…Cùng hàng loạt từ láy vừa tượng thanh vừa gợi hình: rừng rực, hôi hổi, bập bùng, vần vũ, hổn hển, rạo rực, lênh láng…Mỗi một ngôn từ xuất hiện trong thơ ông đều giàu sức biểu cảm, tự nhiên như hơi thở, nhịp đập của một trái tim yêu và say đến tận cùng: “Anh thắp nỗi vắng xa bập bùng từng con chữ/ Mong câu thơ nguôi bớt nỗi đớn đau em”. Nghệ thuật phối thanh, gieo vần mới mẻ, cùng phép tu từ ẩn dụ, so sánh chuyển đổi cảm giác xuất hiện khá thường xuyên trong hai tập thơ tình Nguyễn Thụy Kha truyền cho người đọc niềm biết ơn và nâng niu những hạnh phúc giản dị từ tình yêu nhỏ bé, bình thường: “Thu sẽ tàn tình vẫn ngùn ngụt cháy/ Soi nhân gian muôn thuở xa sau (Mây-tr 79)…

“Chúng ta sinh ra trong tình yêu, lớn lên trong tình yêu và chết đi trong tình yêu” (Gớt). Tình yêu trong thơ của Nguyễn Thụy Kha hiện lên với đầy đủ sắc thái, cung bậc; được thể hiện như một giá trị sống đích thực, đáng được trân trọng, ngưỡng mộ. Trái tim người đọc hòa điệu cùng những con sóng yêu đương mãnh liệt, nồng cháy; cùng đồng điệu về quan niệm tình yêu trẻ trung và mới mẻ giàu chất nhân văn qua những vần thơ tươi xanh của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.

Nguyen Thi Thu Thuy Anh 2 min - Tác giả Nguyễn Thị Thu ThủyNhà phê bình văn học Nguyễn Thị Thu Thủy.

 

PHONG VỊ HUẾ TRONG TRUYỆN NGẮN QUẾ HƯƠNG

Dù là một nhà văn sống và viết tại thành phố bên bờ sông Hàn nhưng Quế Hương không nguôi đau đáu nỗi niềm về nơi chôn nhau cắt rốn của mình: xứ Huế yêu thương. Đến với vùng đất xinh đẹp hữu tình này, ta được tiếp xúc những con người đằm thắm, dịu dàng và chính những con người đó đã trở thành nét hồn quê cho Huế. Với Quế Hương cũng vậy, tình yêu và niềm gắn bó với quê hương xứ sở đã chắp thêm đôi cánh để tác phẩm của chị bay cao, vang xa. Mặt khác, sự cẩn trọng trong kết cấu truyện, lựa chọn ngôn từ khi viết cùng một quan niệm nghệ thuật nghiêm túc khiến những truyện ngắn chị viết có sức thu hút khó cưỡng. Quế Hương đã từng suy nghĩ: “nhà văn là kẻ đào đục, khai thác những tầng vỉa sâu thẳm, khuất lấp của kiếp nhân sinh để nhặt ngọc, kim cương…”. Đọc từng trang sách-trang đời của chị, ta nhận ra một nét hồn quê rất riêng xuất phát từ một tâm hồn nhạy cảm, giọng kể chân chất, cùng niềm tự hào của người con tha thiết với mảnh đất kinh kì.

Chất Huế bàng bạc trong trang viết Quế Hương trước hết thể hiện qua cách xây dựng không gian nghệ thuật. Nói đến Huế không thể không nói đến văn hóa cung đình triều Nguyễn, đó là hồn xứ Huế với thiên nhiên, cảnh vật, con người và những thành quách trầm mặc, cung điện, đền đài. Chính những điểm này lưu giữ sâu sắc bản sắc văn hóa Huế. Trong văn Quế Hương, ta luôn bắt gặp một chùa Thiên Mụ, đàn Nam Giao, Kim Long hay lăng tẩm đền đài của vua Khải Định, Minh Mạng, một làng Dương Xuân Thượng xa lơ xa lắc… Đã từng đến Huế, ai cũng sẽ không quên một hồ Tịnh Tâm với “những con đường rải sỏi trắng viền rặt cỏ tường lam xanh um có màu hoa hồng trẻ dại… những bông hoa súng kiều diễm đang phô trọn sắc tím choáng ngợp trên mặt hồ chan hòa ánh sáng…” (Tịnh Tâm viên). Hay “một bông hoa dại hồn nhiên nở trong búi cỏ trên lát đá của một đại lộ. Ngôi nhà hoang phế liêu xiêu, cánh cửa rục rã, mái trĩu thời gian vẫn tự tại có mặt bên cạnh những ngôi nhà kiến trúc kiểu mới như một đại diện của quá khứ…” (Bức tranh thiếu nữ áo lục) ở một góc phố. Tất cả đã hình thành nên một nét Huế rất riêng trong truyện ngắn Quế Hương- “người đàn bà viết để sống chân thành, da diết, vật vã”. Có thể nói vẻ đẹp của không gian Huế là một mảng riêng làm giàu thêm bản sắc dân tộc Việt. Nói như Trần Đình Sử “Huế từ lâu đã chiếm chỗ sâu bền trong tâm hồn người Việt, là nỗi ước mong của trí thức bao đời”.

Trong miền không gian “đặc sệt” Huế trong truyện ngắn Quế Hương, ta không thể không nhận ra một đặc sắc từ cách miêu tả khí hậu của vùng đất này. Qua các trang viết của chị, ta bắt gặp nhịp điệu của thiên nhiên và cuộc sống qua hình ảnh các mùa đặc biệt là mùa mưa ở Huế. Cái đẹp của Huế thường gắn với cái buồn, cái sâu lắng thích hợp với mùa đông. Có câu truyền miệng hóm hỉnh rằng: đặc sản của Huế là mưa. Huế nổi tiếng với những cơn mưa dầm dề, lê thê hàng tuần, hàng tháng. Và mưa Huế không thể thiếu trong những trang viết của Quế Hương. Mưa Huế đã tạo cảm hứng cho người họa sĩ trong “ Bức tranh thiếu nữ áo lục ” thực hiện giấc mơ vẽ một bức tranh để đời: “ông bắt tay vào việc thực hiện chân dung thiếu nữ áo lục lúc Huế thật sự bước vào mùa đông. Không gian trắng xóa mưa buồn lê thê, giọt vắn, giọt dài sướt mướt, trời lạnh như cắt…”. Mưa Huế cũng rửa sạch bụi bặm thương đau cho một mảnh đời đầy bi kịch trong truyện ngắn “Tịnh Tâm viên”: “những cơn mưa rả rích, trầm buồn, dai dẳng, nhức nhối…Vườn trắng xóa nước. Bầu trời như sáng lên vì trút được gánh nặng. Hiên mưa thánh thót giọt vắn giọt dài…”. Huế nổi tiếng với những cơn mưa dầm dai dẳng, phải chăng vì vậy mà người Huế đa sầu, đa cảm và thích sống nội tâm?

Một Quế Hương dịu dàng, khắc khoải, đằm thắm mà sâu sắc, gần gũi với người đọc. Đó chính là đặc điểm văn phong của người phụ nữ gốc Huế này. Đặc điểm ấy được khắc họa rõ nét qua cách sử dụng từ ngữ, cách xưng hô đậm màu Huế với mụ, mệ, ôn, mạ, tau, mi… Ngôn ngữ Huế cũng là một thành tố của văn hóa Huế. Âm sắc của tiếng Huế với độ cao vừa phải với nhiều từ ngữ địa phương và văn sĩ đã để cho nhân vật của mình đối thoại bằng hệ thống ngôn ngữ mộc mạc như thế: Rồi răng nữa chị? Rứa chớ răng. (Cội mai lưu lạc); “ Tên chi tội nghiệp rứa?… Đời chừ có tiên không?”(Tiên ngồi khóc). Thậm chí, văn chị không hiếm các lời chửi yêu:  đồ mặt mo, Con yêu bánh nậm…

Quế Hương có niềm tin sâu sắc vào những giá trị đích thực của đời sống con người. Chính niềm tin đó đã nuôi dưỡng để nhân vật của chị luôn có vẻ đẹp tha thiết, lắng sâu vào tâm hồn người đọc. Đặc biệt, nhân vật nữ của Quế Hương hầu hết đều mang nét trầm lặng, kín đáo, giàu nội tâm. Họ  xuất hiện đầu tiên qua cách miêu tả ngoại hình với mái tóc dài, chiếc áo lụa màu lục hay màu tím: “ mái tóc ấy luôn gội bằng bồ kết, hong khô bằng gió trời, ngan ngát mùi hương bưởi, hương nhu, óng ả, mềm mại, dìu dịu bay bay đến say lòng ”(Chiếc lá hình giọt lệ). Người con gái xứ Huế không chỉ quyến rũ ta ở nét đằm thắm, thùy mị, dịu dàng mà còn gợi nhớ gợi thương bởi nét đảm đang, tháo vát. Các gia đình Huế vốn xuất thân từ dòng dõi Nho gia, vì thế những cô gái cố đô sớm được mẹ rèn cho một bàn tay khéo léo, một trái tim nhẫn nhịn và giàu đức hi sinh. Trong “ Trần gian có mưa ”, người đọc bị hấp dẫn bởi món “ mưa dầm hết cơm ” do chính tay một người mẹ Huế nấu. Món ăn đơn sơ, giản dị nhưng sâu lắng như con người xứ đó: “ không có thịt làm muối sả mẹ thay bằng đậu phụng giã nhỏ và thật nhiều tỏi ớt thế mà mùi ruốc sả kho hấp dẫn vẫn sực nức không gian. Nồi cơm nóng, tô canh chuối lá lót nấu ruốc mỡ đậm đà và đĩa muối sả như gia vị cuộc đời đủ mặn ngọt bùi cay ”. Hương vị tết với những món ăn cổ truyền qua đôi tay tài hoa của người con gái Huế thật đậm đà bản sắc: “nhìn chị tỉ mỉ tỉa dưa mà không nỡ ăn. Ngọn lá, cây thông, hoa đào, trái lựu bằng đu đủ đẹp như ngọc, những con thú bằng cà rốt, su hào xinh như đồ chơi…” (Chiếc lá hình giọt lệ). Những món quà Huế thanh đạm không thiếu trong truyện ngắn Quế Hương. Đĩa bánh nậm xếp theo hình rẻ quạt, bánh ướt nhụy tôm uốn cong như hình cánh hoa, bánh bèo chén rắc nhụy hồng điểm tóp mỡ giòn tan… Tất cả như quyến rũ say lòng độc giả bởi sự tinh tế và tài hoa.

Miền đất Huế vốn có điệu trầm, người Huế vẻ ngoài cũng vậy nhưng thẳm sâu bên trong là một ý thức biết chọn lựa, biết khẳng định, dám nghĩ dám làm, dám chịu. Con người Huế là một ẩn số. Có thể mượn ý kiến trên để nhìn về những nhân vật nữ trong truyện ngắn Quế Hương. Những nhân vật ấy là những mảnh đời mà chị đã hóa thân. Họ là những con người tha thiết yêu và trân trọng cái đẹp. Cái đẹp ấy có thể từ một cội mai già tuổi cả một thế kỉ rưỡi lạc mất trong biển đời tao loạn hay một cành tiểu mai “tuổi e cả đời người, chìm ẩn trong rêu, xoắn xít ngày tháng” (Tịnh Tâm viên). Họ gắn bó tha thiết với quê hương dù cách xa chân trời góc bể: “mọi thứ đều có cội nguồn gốc rễ, Mẹ tôi đã dạy tôi điều đó. Dù mẹ có ở chân trời góc bể nào tâm hồn mẹ cũng mọc rễ ở đây. Cha tôi có thể tách mẹ ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi trái tim bà” (Cội mai lưu lạc). Và Quế Hương cũng vậy, dù sống tại Đà Nẵng nhưng dòng máu cố đô luôn chảy trong huyết quản của chị. Xa Huế nhưng chất Huế trong con người chị mãi như cội mai bền chặt.

 Bằng giọng điệu giàu xúc cảm, trang viết Quế Hương nhè nhẹ gõ vào lòng người khiến độc giả luyến lưu cùng những nhân vật nữ trong văn chị. Có thể kết thúc truyện, nhà văn không tìm cho họ một hạnh phúc, có thể là chia ly, là cái chết song ở họ vẫn toát lên nét nhân hậu, bao dung và nỗi buồn ấm áp. Đó là một chị Thời (Chiếc lá hình giọt lệ) lặng thầm thủy chung với mối tình cùng chàng trai hàng xóm tên Tâm. Người con gái giỏi giang, kín đáo ấy đã để tuổi xuân trôi đi trong mòn mỏi chờ đợi… để rồi ngày Tâm trở về tay dắt theo một người phụ nữ khác. Chị Thời lại lầm lũi làm cỗ cưới cho người yêu. Chiếc lá chị tỉa làm dưa món mang hình giọt lệ hay trái tim chị đang khóc… Nhân vật nữ trong truyện ngắn “Ga xép” đã thực hiện đợt đi cuối cùng của cuộc đời trên một chuyến tàu vét trong một ngày cuối năm:  “Chị đi không hành lý, không cả chiếc khăn che gió và nỗi buồn, xanh xao, mảnh khảnh như một áng mây sắp bay”. Trong “Trần gian có mưa”, câu chuyện tình yêu của người mẹ được cô gái kể lại sau khi bà ấy qua đời vì tai nạn giao thông:  “có tình yêu ngắn như cơn mưa giông nhưng cũng có tình yêu dài hơn  những cơn mưa dầm trong đời người xâu lại. Mẹ có một tình yêu như thế…

Cái chất Huế đằng sau trong văn Quế Hương toát lên qua cách kể chuyện cô đọng, lối diễn đạt gần gũi, xây dựng nhân vật mang cá tính riêng. Nhân vật trong trang viết của chị mang phong cách của chính nhà văn:  nữ tính, đa đoan nhưng chân thành, da diết. Chất Huế trong văn chị còn bộc lộ trong cách chọn đề tài, không gian nghệ thuật, trong cách xây dựng ngôn ngữ, khả năng am tường về văn hóa ẩm thực hay thú chơi tao nhã của con người nơi xứ sở này. Tiếp xúc văn Quế Hương, ta cảm thấy yêu hơn mảnh đất khúc ruột miền Trung bởi cái đẹp của tình người. Có thể nói quê hương trong văn Quế Hương là một mảng không thể tách rời và người con gái cất tiếng chào đời từ mảnh đất sâu nặng nghĩa tình ấy đã làm đẹp, làm giàu thêm cho Huế.

Anh chan dung NTTT 1 min - Tác giả Nguyễn Thị Thu ThủyNhà phê bình văn học Nguyễn Thị Thu Thủy.

 

NGUYỄN NGỌC HẠNH, MỘT LỐI RẼ VÀO THƠ…

Tiếp xúc với Nguyễn Ngọc Hạnh, nhiều người thường dễ nhận ra một nguồn năng lượng thơ dồi dào từ niềm say mê đầy hệ lụy với thơ; ông miệt mài cày xới trên cánh đồng chữ, suốt một đời vắt kiệt/ như sông kia cạn dòng (Mòn) để dâng tặng đời những vần thơ chan chứa tình người. Từng giờ, từng phút, nhà thơ lặng lẽ nhen lên lửa ấm, ngọn lửa của tình yêu với thơ ca trong công việc hàng ngày; ông là người chăm góc thơ cuối tuần đắm say, tận tụy. Theo dõi chặng đường viết trong suốt gần bốn mươi năm nhưng kết tụ chỉ trong ba tập thơ khiêm tốn, cho thấy  ông không hề dễ dãi với công việc làm thơ, cẩn trọng trong từng câu chữ, thi tứ, kiếm tìm những cách biểu đạt mới lạ cho thơ, cách tân ngay trong chính tác phẩm của mình. Đến với thơ như một cơ duyên và “cho dù có thêm bao nhiêu năm, tháng qua đi, dòng sông thi ca ấy vẫn mãi đem phù-sa-chữ-nghĩa về cho thơ Nguyễn Ngọc Hạnh” (Du Tử Lê). Trong những vần thơ màu mỡ phù sa ấy, hình ảnh làng quê xuất hiện thường trực trong nỗi nhớ của một người làm thơ sống xa làng.

Nỗi quê trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Làng quê từ bao đời nay luôn là mảnh đất thiêng, nơi “sinh-trưởng-tụ-về” của mỗi con người, nhất là những người con xa xứ. Làng không chỉ là nơi mình sinh ra, lớn lên, gắn bó với thuở thiếu thời chứa chan bao kỉ niệm mà còn là nơi “sống gửi, thác về”, là chỗ dựa bình yên sau bao bão tố xô dạt của cuộc mưu sinh. Xa làng từ thời thơ ấu nhưng trong tâm can Nguyễn Ngọc Hạnh, “chất nhà quê” vẫn thắm đẫm từ dáng dấp, hình hài cho đến những ngôn từ giản dị nhưng mênh mang ý tình trong tác phẩm của ông. Thật vậy, là thi sĩ, ai cũng có đôi ba bài thơ viết về quê hương song viết nhiều và viết hay về làng quê thì khá hiếm. Với Nguyễn Ngọc Hạnh, người thơ chân chất này lại khác, những câu thơ viết về làng quê của ông đã trở thành “nhãn mác” của riêng mình, đọng lại trong tâm trí của nhiều người. Hai câu thơ “xưa tôi sống trong làng/ giờ làng sống trong tôi” viết cách đây đã lâu của ông, theo hoạ sĩ Lê Thiết Cương là logo thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh.

Làng Đại Hồng của huyện Đại Lộc, Quảng Nam, nơi thượng nguồn dòng Vu Gia là quê hương và cũng là đề tài xuyên suốt trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Mỗi vần thơ ông là một nét vẽ cụ thể từ vị trí địa lí: “Làng tôi ở ven sông/ bốn bên núi bốn bề yên ắng”… đến nét đẹp bình dị trong văn hóa làng quê; nơi ấy gắn với kí ức cùng dòng sông, con đò, ngọn núi, con đường, ngõ hẹp, người mẹ, giàn trầu, chiếc nón, cây đòn gánh, giếng nước, tiếng gàu rơi… Làng quê một thời nghèo khó gắn bó máu thịt trong thơ ông như hơi thở, nhịp đập của trái tim; và dù có đi bất cứ chân trời góc bể, bóng hình quê hương vẫn luôn đóng đinh trên hình dáng của người thơ ấy: “Người trên phố/ hàng cây và gió/ đều nhận ra tôi/ dáng dấp làng quê” (Làng). Nhà phê bình Hoài Thanh đã từng nhận xét: “trong mỗi chúng ta đều có một anh nhà quê”; còn Nguyễn Duy khẳng định: “Người ở rừng mang vết suối, vết cây/ người mạn bể có chút sóng chút gió/ người thành thị mang nét đường nét phố/ như tôi mang dấu ruộng dấu vườn” (Tuổi thơ). Có thể nói, văn hóa làng quê đã trở thành “con dấu chìm” chạm khắc trong tâm hồn và thơ ca Nguyễn Ngọc Hạnh. Làng quê đã trở thành nguồn tài nguyên vô tận cho cảm hứng sáng tạo đồng thời là phương tiện để ông gửi gắm niềm thương nỗi nhớ: “Ai gõ mạn thuyền trên sông vắng/ mà mái chèo cằn cựa đến xa xăm” (Chạm đáy sông đầy). Có ở gần sông, đã có những lần cắm sào thả lưới đánh cá trên dòng Vu Gia thân thuộc, nhà thơ mới thao thiết nhớ tiếng gõ mạn thuyền mỗi sáng sớm, để nghe được “mái chèo cằn cựa đến xa xăm”. Hai chữ “cằn cựa” vang cả một nỗi niềm thao thức, trở trăn, như một tiếng thở dài cứa vào đêm khuya sâu lắng. Âm vang của từ láy ấy thấm sâu vào ý thức và vào với cõi sâu tiềm thức tâm hồn con người gợi dậy những kí ức xưa cũ về nguồn cội, thôi thúc bàn chân kẻ xa phương tìm về.

Hơn bốn mươi năm sau, qua bao bể dâu cuộc đời, thi sĩ Nguyễn Ngọc Hạnh đã bước vào tuổi xế chiều, vậy mà đọc thơ ông chúng ta vẫn bắt gặp nỗi quê tha thiết ấy, giọng thơ càng lắng sâu hơn, lấp lánh nỗi buồn và chất chứa tâm sự, hút hồn người đọc bởi ở đó là cả một niềm tiếc nuối, nhớ thương quá khứ đến nao lòng. Ông nhớ “con đò mẹ tôi mỗi ngày bơi qua chợ sớm/ chở một thời thơ dại đời tôi” và đặc biệt con sông quê luôn ám ảnh nhà thơ cả một đời, không dễ gì bay mất:

Con sông đầu nguồn trôi xuôi
mà lòng tôi chảy ngược
Tuổi thơ đâu dễ gì bay mất
mãi nương thân ở cánh đồng làng
                        (Cạn cháy cơn mơ)

Cả tiếng gọi đò trên bến đò ngang, một không gian yên ổn, thanh bình của nông thôn giờ cũng đâu còn như xưa nữa. Mỗi lần về thăm quê, trong nỗi hụt hẫng, xót xa, nhà thơ đã bật thốt lên: “Tôi về trong một chiều mưa/ Còn đâu, cả tiếng đò thưa vắng dần” (Nói gì đây sông ơi). “Còn đâu” là câu hỏi hay lời truy vấn khi trở lại bến sông kỉ niệm; tiếng gọi đò hay là tiếng vọng của một thời thơ ấu đã xa mà chỉ ở những người con xa xứ luôn thiết tha, trăn trở trước sự đổi thay của những giá trị văn hóa làng mới có thể nghe được, thấm được. Trong tâm thức yêu làng nhớ mẹ, nhà thơ cũng đã nhiều lần gọi lên như thế: “Không gọi đò/ con gọi mẹ ơi/ Sông thì hẹp mà vô bờ đến vậy” (Qua đò nhớ mẹ). Không gian làng có thể nhạt nhòa với ai, nhưng với Nguyễn Ngọc Hạnh, nơi ấy vẫn ăm ắp những điều thiêng liêng, vẫn là sợi dây kết nối bền chặt một thời thơ dại của ông với cộng đồng, là gốc rễ ăn sâu, bám chặt trong mỗi suy nghĩ, hoài niệm. Chính vì lẽ đó, làm sao nhà thơ không nhói đau trước “vật đổi sao dời”, trước cái xơ xác của bức tranh làng quê ngày càng bị xâm thực: “Xin đừng lấp vội bờ ao/ đừng chê suối cạn mà đào giếng sâu/ Quê nhà còn lại gì đâu/ bờ dâu xanh cũng bạc màu thời gian” (Gửi quê nhà). Nhà thơ vẫn biết “không còn thì thôi, xin đành/ người ơi tôi cúi hôn mình trên sông” (Về quê). Và đây cũng chính là nỗi lòng của những đứa con xa quê ngày trở lại: “Lòng tôi là mạch nước trong/ trôi xa bốn biển vẫn mong ngày về”…

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là vậy, thi ảnh đẹp, ngôn từ bình dị và giàu chất nhạc; mỗi bài thơ của ông man mác một nỗi niềm khó tả, chân chất dung dị như một “người nhà quê”, vậy mà mỗi tứ thơ vẫn không dễ lẫn vào ai, với một giọng điệu riêng, ẩn chứa nỗi lòng sau từng câu chữ. Có thể nói, mỗi tứ thơ viết về làng quê của Nguyễn Ngọc Hạnh như một dòng chảy nhớ thương dâng đầy trong huyết quản, ông cũng chẳng hề dụng công gọt giũa, không cầu kì, đánh đố nhưng nhiều tầng, nhiều ý, lắng đọng bao nỗi niềm của một hồn quê không bao giờ vơi cạn, mênh mang vô bờ…

Một lối đi riêng

Thơ giàu sức ngân rung khi nói được cái vi diệu của cảm xúc, kích thích khả năng đồng sáng tạo ở người tiếp nhận. Độc giả tìm được tiếng nói tri âm, khám phá được tâm trạng của chính mình khi tiếp cận với những tứ thơ lạ, những sắc thái tu từ độc đáo… từ tài nghệ của nhà thơ. Đọc những vần thơ chân chất mà tinh khiết của Nguyễn Ngọc Hạnh, độc giả không chỉ rung động ở nghệ thuật điều khiển ngôn từ mà còn thao thức cùng những chiêm nghiệm về quy luật phát triển của thơ ca; đặc biệt nhà thơ luôn tìm lối đi riêng cho mình giữa bộn bề thi pháp trong thế giới thơ ca hiện nay. Ý thức đổi mới trong thơ ông nổi bật ở việc tạo nhạc điệu bằng cách phối âm, phối thanh; cách dùng hệ thống từ láy gợi hình gợi cảm, đặc biệt thủ pháp lạ hóa, biến ảo trong cách kết hợp cấu tứ ở mỗi bài thơ: Đâu là bả vọng hư danh/ Câu thơ mắc cạn giữa vành môi cong/ Bàn chân vấp bước chân mình/ Sắc không chân lại gập ghềnh bờ ao (Câu thơ mắc cạn). Mỗi bước vấp ngã, mắc cạn của thơ hay của cuộc đời đều để lại những di chấn tinh thần; phải chăng những chấn thương ấy như một lời nhắc nhở đồng thời là sức bật để thi pháp luôn mới mẻ, câu thơ giàu hình tượng vút bay lên?

Đắm chìm trong cái ảo diệu của thi ca nhưng Nguyễn Ngọc Hạnh luôn tỉnh táo nhận ra từng bước đi trong suốt quá trình sáng tạo của mình. Ông yêu thơ nhưng không bao giờ làm thơ khi tâm hồn cạn kiệt, khô cứng; đặc biệt chẳng bao giờ làm thơ để minh họa, cổ súy cho bất cứ điều gì. Theo ông, cảm xúc mãi là cầu nối giữ gìn cấu trúc cho thi phẩm; là sợi dây liên kết kì diệu giữa tâm hồn nhà thơ và độc giả:Tôi đã mòn/ và đời thôi đã hẹp/ lối nhỏ dần nhỏ dần/ lấp khuất/ ngày thì xa mờ mịt/ chỉ lòng tôi chưa cạn với đêm sâu (Ngõ hẹp). Nguyễn Ngọc Hạnh luôn chậm rãi mà dò, mà lần: Chân dò chưa hết nông sâu/ Đã quay lại với nhịp cầu chông chênh (Chông chênh). Đôi lúc, ông thận trọng giới hạn mình để nhìn lại: Biết đâu mình lại dẫm chân ai rồi rồi giật mình lo ngại: Nhầm một câu thơ/ nhầm một dòng chảy/ tìm không thấy bờ (Nhầm)… Với ông, nỗi đau nhất của người làm thơ là đánh mất mình giữa những cám dỗ, bon chen đời thường: Đừng để khi trở về vườn hương cũ/ Tiếng chim lạ rồi, mất giọng thơ xưa (Giấc mơ).

Đằng sau câu chữ kiệm lời trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, người đọc nhận ra những gửi gắm của ông về những nét riêng biệt, độc đáo trong cảm hứng sáng tạo.  Nhà thơ Lê Đạt năm xưa đã từng quan niệm: Mỗi nhà thơ thứ thiệt có một dạng vân chữ/ không trộn lẫn (Vân chữ); còn Nguyễn Ngọc Hạnh thì lại khoác nhan sắc riêng cho thơ mình. “Nhan sắc” của ông giàu tính hàm ẩn; đằng sau cái nhìn về vẻ đẹp người phụ nữ, là quan niệm về cái đẹp của thơ ca. Cái đẹp ấy không hiện lên ngời ngời mà ẩn tàng trong vỉa tầng ngôn từ: Nhan sắc em chín lịm vào trong/ Như quả ngọt đồng làng/ Như tầng tầng câu thơ đa nghĩa/ Mơ hồ một cõi mênh mang/ Trời không cho, đời không ban/ Em làm nên nhan sắc riêng mình (Nhan sắc). Nguyễn Ngọc Hạnh luôn tự tạo dấu ấn bằng những khoảng lặng của ngôn từ, sáng tạo cách kết hợp từ độc, lạ; luôn đổi mới cả với chính mình mà vẫn gìn giữ được giọng thơ riêng không lẫn vào ai.

Nghệ thuật đi tìm cái đẹp trong đời sống, để cái đẹp ấy có sức lan tỏa, đòi hỏi mỗi người làm thơ phải tự cháy như que diêm chỉ phát sáng một lần, như ánh sao rực rỡ băng xuống phía chân trời: Ngày rồi sẽ qua/ Đời người rồi sẽ ngắn dần/ Chỉ có bầu trời kia/ Ánh chớp kia/ Mãi còn lưu dấu vết giữa muôn trùng (Có một ngày). Để có được ánh chớp ấy đâu dễ, nếu tâm hồn nhà thơ không thấu hết tình đời, không biết rung cảm trước những khổ đau của mỗi phận người. Tìm hiểu những trăn trở của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh gửi gắm vào tác phẩm, ta nhận ra cái cốt lõi làm nên giá trị cuộc sống và trong thơ ông là tình yêu đắm đuối đối với thi ca và nỗi đau sâu nặng giữa đời này. Đó là món nợ mà suốt một đời thi nhân không trả nổi.  

Nguyen Thi Thu Thuy Anh 1 min - Tác giả Nguyễn Thị Thu ThủyNhà phê bình văn học Nguyễn Thị Thu Thủy.

                                                                    

SÔNG HÀN CÙNG NHỮNG NHỊP CẦU VUI

“Thành phố như mơ/ Sông Hàn như thơ/ Ai biết ngày tôi về/ Vui thế ngày tôi về/ Sông Hàn đẹp hơn lần tôi xa…” (Sông Hàn tình yêu của tôi). Giai điệu trữ tình từ một ca khúc viết về Đà Nẵng của nhạc sĩ An Thuyên gợi lên trong tôi bao cảm xúc bồi hồi. Chỉ mới đây thôi mà đã một phần tư đời người trôi qua, kể từ ngày tôi chuyển công tác ở Quảng Nam ra thành phố. Ngày ấy, nhìn đâu cũng thấy lạ lẫm bởi những con đường rộn rã tiếng xe, đặc biệt là hình ảnh dòng sông Hàn chảy giữa lòng thành phố cùng những chuyến phà tấp nập người người qua lại. Hai mươi lăm năm, Đà Nẵng đã tiến những bước thật dài cùng những đổi thay kì diệu ngỡ như trong một giấc mơ. Trong giấc mơ đó có hình ảnh của dòng sông yêu quý cùng những nhịp cầu bắt giữa bờ vui; nếu sông Hàn được ví như một tấm voan mềm mại của nàng Tiên Sa thì những cây cầu là chiếc cài duyên dáng điểm tô cho dòng sông thêm lộng lẫy.

Ai đã từng đến với sông Hương êm đềm chảy giữa lòng thành phố Huế hay về Hội An nhìn ngắm sông Hoài mới thấy rõ nét khác biệt tinh tế của sông Hàn. Mặc dù chảy về Đà Nẵng chỉ một đoạn ngắn chưa đến 8 km, theo hướng từ Nam lên Bắc nhưng sông Hàn tươi vui, năng động bởi hòa cùng nhịp sống trẻ của một thành phố trực thuộc Trung Ương. Dòng sông ngày đêm mải miết chảy, âm thầm tiếp nhận nguồn nước khổng lồ từ hạ lưu sông Cẩm Lệ và sông Cái (hạ lưu sông Vĩnh Điện, QN), rồi xuôi về biển lớn, chở trên mình bao mưa nắng, thăng trầm của một thành phố đang từng ngày “lột xác”. Sông chảy bên đời, chứng kiến bao nỗi buồn trong những ngày dịch bệnh Covid 19 hoành hành, những con đường vắng teo có thể nghe được tiếng lá rơi xào xạc bên thềm. Dòng sông thay đổi sắc diện khi thành phố thực hiện Chỉ thị 15 rồi 19, reo vui cùng những tiếng còi xe tấp nập trong những ngày “bình thường mới”. Chiều chiều, khi cái nắng còn chút oi nồng của tháng tám vừa tắt, ngồi bên vệ cỏ xanh ngút mắt bên bờ đông, ngắm hoàng hôn phủ tím mặt sông mới thấy quý giá biết bao những giây phút tĩnh lặng giữa những đua chen đời thường. Đứng trên cầu Trần Thị Lý nhìn xuống, dòng sông uốn lượn, mặt nước xanh thẫm được viền bởi màu xanh non của hai bờ cỏ như nét họa kì thú cho bức tranh Đà Nẵng yêu thương.

Ngồi nán lại bên bờ sông một lát, nhìn ngắm những chiếc cầu lên đèn mới thấy hết vẻ lung linh của một đô thị hiện đại. Gần nhất là cầu Tiên Sơn khiêm tốn nhưng mạnh mẽ như nàng út trong truyện cổ tích khi phải gồng mình chịu đựng từng đoàn xe lưu thông mang trọng tải lớn. Đêm về, chiếc cầu rộn rã với hàng nối dài xe tải, container xếp uy nghiêm chờ đến lượt ra cảng nhận hàng; để khi trời thành phố chuyển về khuya, những chiếc xe đầy ăm ắp từ đây túa đi khắp các ngả. Có thể nói trong sáu cây cầu bắc ngang qua sông Hàn thì Tiên Sơn là cây cầu duy nhất xây dựng chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu vận tải. Dòng sông Hàn đến đoạn giữa thành phố hình như chần chừ không muốn xuôi về biển để tận hưởng hết vẻ đẹp của những cây cầu văng mà mỗi cây là một diện mạo khác nhau. Đó là cầu Trần Thị Lý thanh mảnh nghiêng nghiêng soi gương mặt sông chải tóc, mang dáng hình của cánh buồm vươn ra biển lớn, tượng trưng cho khát vọng hòa nhập và vươn lên của người dân thành phố. Cầu Nguyễn Văn Trỗi dành cho người đi bộ ngắm cảnh và chụp hình lưu niệm có hình dáng cổ kính với mái vòm cong cong màu vàng như ánh nắng dịu nhẹ của mùa xuân. Cầu Rồng đẹp lộng lẫy hơn vào đêm thứ bảy, chủ nhật, du khách tấp nập hồi hộp chờ đợi giờ phút Rồng phun nước, phun lửa. Hình dáng con Rồng bay qua sông vươn ra biển với kết cấu dầm thép hiện đại khiến cho chiếc cầu trở thành điểm thu hút cho Đà Nẵng vào đêm. Nhiều bạn bè của tôi từ Ninh Thuận, Đà Lạt, Cần Thơ… ra Đà Nẵng, chỉ muốn được lưu trú ở những khách sạn bên Sơn Trà để vừa thuận tiện ngắm cầu Rồng phun lửa trong những đêm cuối tuần, xem cầu sông Hàn quay lúc nửa đêm, vừa tranh thủ sáng sớm chạy ùa ra biển nhìn mặt trời giỡn sóng.

Nếu cầu Rồng là thành tựu của thành phố những năm 20 của thế kỉ XXI thì cầu Sông Hàn là kết quả của ý hợp lòng dân bởi đó là chiếc cầu quay duy nhất của đất nước báo hiệu một Đà Nẵng vươn lên sánh cùng Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng…Chiếc cầu quay mang tên của dòng sông được khởi công từ 1997, gắn với thời điểm thành phố trực thuộc Trung ương và khánh thành năm 2000, cùng thời điểm thành phố chào đón thế kỉ mới. Mặc dù chiều dài của cầu quay chỉ 487,7 m, còn khiêm tốn so với những chiếc cầu hình thành ở giai đoạn sau nhưng kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực với hai nhịp dây văng nối liền hai tuyến đường trung tâm giữa quận Hải Châu và Sơn Trà. Điểm đặc biệt, hằng đêm vào khoảng từ 23h đến 0h phần giữa của cầu quay 90 độ quanh trục và nằm dọc theo hướng chảy của dòng sông, mở đường cho tàu lớn đi qua. Thức khuya để ngắm thành phố yên ắng tiếng xe cộ và lặng nhìn cầu quay mới thưởng thức hết nét đẹp của đêm Đà Nẵng.

Dạo xe quanh một vòng quanh thành phố sau những ngày giãn cách dưới ánh sáng đủ màu của những vòng hoa điện, hít thở làn gió mát từ sông Hàn, lòng ta lâng lâng cùng sự hồi sinh của “khúc ruột miền Trung”. Mới đây thôi, con đường ven sông hướng bờ đông còn san sát những dãy nhà chồ, muốn qua bên kia sông để ngắm nhìn phố xá lung linh ánh điện, người xe tấp nập; người dân An Hải phải ngược qua cầu Nguyễn Văn Trỗi cả chục cây số, nếu không phải chờ phà hay thuê đò ngang. Còn hôm nay, bạn có thể dạo xe thỏa mái trên những chiếc cầu, những con đường tấp nập mà chỉ mất có vài ba phút.  “Qua sông ngồi nhớ con đò/ Nhớ hoàng hôn lẫn câu thơ ban chiều” (NNH). Thật vậy 22 năm đã trôi qua, kể từ ngày con phà bắc qua sông được gỡ bỏ, những người lái phà liệu có phút nào ngồi nhớ những ngày xưa ấy? Những người mẹ tảo tần, chân chất cùng “chiếc đòn gánh cong đời mẹ/ Chiếc nón cong vành dâu bể” (NNH) đã từng xuôi ngược sông Hàn, ai còn ai mất? Thoáng chút ngậm ngùi cho nỗi niềm xưa cũ, song thật phấn chấn trước những bước vươn dài của thành phố và tôi chắc chắn rằng những người xa quê hương hai chục năm sẽ choáng ngợp khi trở về thăm mảnh đất đầu biển cuối sông này.

Dòng sông Hàn trước khi xuôi ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng hội ngộ cùng chiếc cầu thứ sáu bắc ngang qua cơ thể mình, trông xa như một chiếc võng dệt bằng kim tuyến mắc giữa hai dãy ngân hà. Cầu Thuận Phước, chiếc cầu treo dây văng dài nhất Việt Nam, hiện ra vừa lộng lẫy, vừa quyến rũ nối liền đường ven biển Nguyễn Tất Thành và đường Hoàng Sa, tạo nên tuyến giao thông liên hoàn từ Liên Chiểu – Sơn Trà – Hội An, mở ra nhiều tiềm năng du lịch cho Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An cũng như thành phố Huế lân cận. Người dân cả nước hồi hộp hướng về sông Hàn trong lễ hội pháo hoa Đà Nẵng vào dịp 30-4 và 1-5. Những màn pháo hoa rực rỡ sắc màu báo hiệu một Đà Nẵng với giấc mơ “hóa rồng” trong niềm giao lưu cùng bè bạn năm châu. Hai năm nay vì Covid hoành hành, lễ hội đáng nhớ ấy tạm ngừng, những khách sạn ven sông của vắng lặng bước chân du khách nước ngoài. Đây sẽ là khoảng thời gian vàng để ngành du lịch chậm lại mà suy nghĩ, định hướng hoạt động tiếp theo, có những đột phá hơn để quảng bá hình ảnh sông Hàn cho du khách. Thiết nghĩ, cần đầu tư những đoàn thuyền trên sông từ việc đảm bảo an toàn đến khâu trang trí, tổ chức các hoạt động nghệ thuật, dịch vụ ăn uống phù hợp…để khách du lịch có những đêm thưởng thức vẻ đẹp khác lạ của Hàn giang xuôi theo chiều từ ngã ba sông ra cửa biển.

Khép lại dòng chảy để tan hòa vào lòng đại dương, con sông Hàn yêu quý của thành phố lưu luyến chia tay những chiếc cầu, để hồi sinh cho một hành trình tương lai. Hi vọng ngày mới sẽ đến với sông Hàn cùng những nhịp cầu vui để Đà Nẵng mãi mãi xứng đáng là thành phố đáng sống của đất nước Việt Nam.

N.T.T.T

                                  

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây