Theo dấu loa kèn – Tập truyện ngắn của Nhà văn Kiều Bích Hậu – Kỳ 1

Theo dấu loa kèn - Tập truyện ngắn của Nhà văn Kiều Bích Hậu - Kỳ 1

1. Tác giả Kiều Bích Hậu min 1 - Theo dấu loa kèn - Tập truyện ngắn của Nhà văn Kiều Bích Hậu - Kỳ 1

KIỀU BÍCH HẬU

Sinh năm 1972
Nơi sinh: Hưng Yên
– Hội viên Hội nhà văn Việt Nam
Công việc hiện nay:
– Thư ký tòa soạn Tạp chí Dệt may – Thời trang Việt Nam;
– Cán bộ Ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam.

• Quá trình sáng tác:

Kiều Bích Hậu bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng những truyện ngắn viết cho thiếu nhi đăng trên báo Thiếu niên tiền phong từ thập niên 80 khi còn là học sinh bậc Trung học cơ sở. Điển hình là truyện nhiều kỳ “Đồi ấy có ma”, đăng nhiều kỳ trên báo Thiếu niên tiền phong, thu hút mạnh bạn đọc lứa tuổi thiếu niên. Ngay từ thuở mới cầm bút khi còn là một học trò nhỏ cấp Trung học cơ sở, Kiều Bích Hậu đã thể hiện năng khiếu văn chương của mình, với phong cách viết hiện thực huyền ảo.
Tiếp tục phong cách này khi Kiều Bích Hậu trở thành sinh viên trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, và chị đã đoạt Giải thưởng Văn học đầu tiên “Tác phẩm tuổi xanh” năm 1992, với truyện ngắn hiện thực huyền ảo đăng báo Tiền Phong “Huyền thoại về người đẹp”.
Khi tốt nghiệp Đại học năm 1994, bẵng đi hơn 10 năm, chị không sáng tác văn học, chỉ tập trung làm nghề báo. Nhưng đây là quãng thời gian để chị tích lũy kinh nghiệm sống, làm chất liệu cho sự nghiệp viết văn sau này.
Kể từ năm 2007, sau giải Nhì cuộc thi truyện ngắn do báo Văn nghệ tổ chức với truyện ngắn nổi tiếng “Đợi đò”, nhà văn Kiều Bích Hậu đạt đến thời kỳ đỉnh cao của mình khi xuất bản liên tiếp 10 đầu sách, hầu hết là các tập truyện ngắn, và một cuốn tiểu thuyết. Chị được coi là một trong những cây bút nữ xuất sắc, có phong cách vừa lãng mạn, lại sâu cay, hóm hỉnh châm biếm nhẹ nhàng mà thâm thúy. Chị cũng là cây bút nữ thể hiện những đề tài mới mẻ, trường bao quát rộng, do đi thực tế nhiều cả ở Việt Nam, châu Á, châu Âu, và với phổ rộng quan hệ, cũng như mối giao lưu văn chương quốc tế phong phú. Điều đó thể hiện trong bối cảnh truyện cực đa dạng của chị, khi thì nông thôn, lúc thành thị, nơi biển cả, khi ở xã hội phương Tây. Nhân vật của chị đắm mình trong các bối cảnh rộng rinh, mới mẻ, được thoải mái va đập trong các hoàn cảnh thú vị, những thách thức của thời đại mới…

* Các giải thưởng đã đạt được:

– Giải thưởng “Tác phẩm tuổi xanh” do Báo Tiền phong và trường Viết văn Nguyễn Du trao tặng năm 1992.
– Giải Nhì cuộc thi Truyện ngắn do báo Văn nghệ (Hội nhà văn Việt Nam) trao tặng năm 2007.
– Giải thưởng cuộc thi Truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ quân đội trao tặng năm 2009.
– Giải thưởng truyện ngắn xuất sắc nhất năm 2015 do Tạp chí Văn nghệ quân đội trao tặng.
– Giải thưởng Truyện ngắn và Bút ký về đề tài Hải quân do Bộ tư lệnh Hải quân trao tặng năm 2015.

* Các tác phẩm đã xuất bản:

Đường yêu (Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2007)
Sóng mồ côi (Tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2010)
Mây vàng (Tập truyện ngắn, NXB Phụ nữ, 2011)
Theo dấu loa kèn (Tập truyện ngắn, NXB Văn hóa – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2011)
Xuyến chi xanh (Tiểu thuyết, NXB Phụ nữ, 2012)
Dị mộng (Tập truyện ngắn, NXB Văn hóa – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2012)
Thay đổi người Việt (Tập tản văn, NXB Hội Nhà văn, 2014)
Quán chuột (Tập truyện ngắn, NXB Phụ nữ, 2015)
Hoa hồng không ở cùng mắm tôm (Tập truyện ngắn, NXB Phụ nữ, 2017)
Smart Wife (Tập truyện ngắn, NXB Phụ nữ, 2019)
The last song (Tuyển tập thơ-truyện ngắn tiếng Anh, 2019)
Vị tướng 9 năm ở nhà con Rồng (Tập bút ký, NXB Hội Nhà văn 2020)
Mũi tên đỏ vút bay (Tập truyện ngắn, NXB Dân Trí, 2020)
Ẩn số (Tập thơ song ngữ Anh-Ý, NXB IQdB by Stefano Donno, 2020)

 

Theo dấu loa kèn

Kiều Bích Hậu như càng viết càng cao tay tổ chức tình huống, càng thong dong đẩy đưa giọng kể và sắp đặt vén khéo các chi tiết ấn tượng, trong sự chi phối ngặt nghèo về dung lượng truyện ngắn hiện đại.
Và Hậu đã nối được sợi dây tơ tinh tế giữa nhiều chi tiết tưởng chừng chẳng liên quan, nhưng lại được giăng mắc hợp lý, hợp tình. Và sau mỗi chi tiết, đều ẩn hiện đâu đó nụ cười tinh quái của người viết.
Chợt nghĩ, Hậu có chiều khao khát vẻ đẹp hiện đại của bóng đá tấn công. Nếu không, đã chẳng có những tên truyện thẳng căng như một quả penalty!

(Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái)

Truyện “Cầu Gon” có chi tiết ông kĩ sư ngã vào máy trộn bê tông mang thịt xương làm nên cây cầu cực hay! Nó thực sự là một biểu tượng mĩ học ám ảnh mà tôi chưa được gặp trong những tác phẩm đã đọc cả trong nước và quốc tế.

(Nhà văn Đỗ Tiến Thụy)

Ngôn ngữ của Kiều Bích Hậu hiện đại, trau chuốt như một người con gái kỹ lưỡng trong việc trang điểm. Văn chị ngày càng mạnh mẽ, sắc sảo. Tôi nghĩ rằng, nếu tiếp tục theo đuổi đề tài đô thị, với khả năng của mình, chị sẽ còn gặt hái thành công.

(Nhà phê bình Đoàn Minh Tâm)

Truyện “Cầu Gon” trong tập sách này cực kỳ đặc biệt, gần như không nhận ra đấy là Kiều Bích Hậu viết. Ngôn ngữ quyến rũ, đầy nhục cảm, nhưng cũng giàu chất thơ.

(Nhà báo Nguyễn Minh Tâm)

Tôi thích đọc văn của Hậu, đề tài rất mới, tràn đầy hơi thở của cuộc sống hiện đại nhưng văn phong lại đẹp như một bức tranh.

(Nhà báo Minh Hồng)

4b. Sách Theo dau loa ken min - Theo dấu loa kèn - Tập truyện ngắn của Nhà văn Kiều Bích Hậu - Kỳ 1

 

BẢN NĂNG MẸ

Kiều Bích Hậu

Anh Sỏi lấy chị Bận gần hai chục năm rồi mà chẳng có mụn con. Giờ thì chẳng hy vọng gì rồi. Không con thì nuôi chó, mèo cho vui. Mà chẳng phải chỉ vui thôi đâu, phải tính chuyện sinh sôi, nảy nở nữa chứ. Tính như này:

Chị Bận xin được một con mèo cái, thì đổi lại chị cho người ta một cây tre đực trong vườn để họ mang về làm cột ăng ten. Anh Sỏi bán ba cây tre già, cả đực lẫn cái trong vườn rồi mua về một con chó cái, tiếng là giống tốt. Cả mèo, chó rồi sẽ đẻ.

Con mèo khoang của chị Bận trông phổng phao đẹp mã, nhưng đêm đêm chỉ lùng chuột loảng xoảng trong xó bếp, không thấy gầm gào động đực gì ráo.

“Hay nó giống con mụ chủ nó”. Anh Sỏi nghĩ thầm.

Con chó Mực thì đen xì xì, mắt tròn xoe cũng đen nhánh. Nhưng nó có vệt lông trắng nối từ cổ xuống ngực, gọi là “thằn lằn bá cổ”. Chẳng mấy chốc cái hĩm nó sưng lên, giọt giọt máu rơi lác đác góc hiên, nơi nó hay ngồi nghểnh tai ra cổng nghe ngóng động tĩnh. Đã thấy hai con chó đực nhà hàng xóm lảng vảng ở cổng, thi thoảng dựng lông gáy cắn nhau ủng oảng.

Rồi con Mực tắt kinh, to bụng, nhưng nó vẫn nhảy tót qua hàng rào cúc tần sang nhà hàng xóm thám thính và ỉa bậy.

– Có chửa mà nhảy qua nhảy lại thế thì sảy thai bỏ mẹ, con ạ. Liệu hồn!

Anh Sỏi nói thế rồi xích nó lại.

Đúng lúc anh Sỏi đi đào móng nhà thuê trên huyện bảy ngày thì ở nhà con Mực trở dạ. Lúc anh trở về thì con chó con chưa mở mắt. Phải đủ mười một ngày nó mới mở mắt.

Anh Sỏi vào thăm ổ chó, thất vọng hỏi vợ:

– Nó đẻ có độc một con à?
– Chả lẽ tôi ăn thịt mất à? Chị Bận hấm hứ.
– Chó đẻ độc con là gở lắm. Phải ném lên nóc nhà, còn sống thì mới nuôi.
– Anh làm thế thì quá bằng giết nó! Chị Bận phản đối.

Nhưng anh Sỏi đã giật con chó con khỏi vú mẹ nó, lao ra khỏi bếp. Con Mực đuổi theo, đợp vào bụng chân anh. Tức mình anh đá nó một cái văng ra, kêu ăng ẳng. Anh vung tay ném con chó con lên mái nhà.

Chị Bận cùng con Mực lao đến chỗ chó con vừa lăn xuống. Máu rỉ ra ở tai nó. Con Mực tha con về lại ổ, nằm xuống liếm vệt máu trên vành tai mong manh của chó con. Nhưng con chó con không bú nữa.

Chiều tối, chị Bận mang xác chó con chôn dưới gốc khế. Con Mực đi theo, mắt đen ươn ướt nhìn chị phủ đất lên con nó, im lặng. Con mèo khoang cũng ngồi cách đó một đoạn. Đến lúc chị chống cái thuổng đứng lên, nó mới kêu “ngoao” một tiếng.

Không có chó con bú nữa, bầu vú con Mực căng tức. Nó đi đi lại lại, khổ sở với hai bẹ sữa phồng lên nhức nhối. Nó ăn ít, bỏ nửa bát cơm, đi lại bồn chồn và rên ư ử.

Con mèo khoang thấy thế, cũng bỏ dở con cá giếc nướng thơm phức, ngẩng lên nhìn con Mực, lo lắng.

Cả đêm, con Mực cứ rên rỉ loanh quanh bên hiên nhà. Anh Sỏi khó ngủ, tức mình đẩy cửa ra ngoài, đá cho nó một phát trúng mõm, con chó kêu oẳng lên rồi chạy vụt ra cổng.

Buổi sáng, con Mực buồn bã quay về chỗ ổ chó. Nó không rên ư ử nữa, mà dọn chỗ nằm xuống, mắt nhắm lại. Chắc nó mệt lắm. Con khoang rón rén lại gần, ngồi xuống nhìn con Mực. Vú con Mực căng quá, nhểu cả sữa ra, mà chẳng còn chó con để bú đi cho. Mèo thấy thương hại. Nó ngập ngừng, dịu dàng đến gần, liếm nhẹ vào vú chó, an ủi, xoa dịu. Con chó mở mắt, nghếch cổ lên ngạc nhiên, rồi bất ngờ nằm hệch ra, phơi hàng vú căng mọng sữa mời mèo. Mèo ta cũng kịp nhận ra, sữa ngọt và thơm vô kể, thì cứ thế nó mút tiếp, sau cùng rồi bú chùn chụt. Bẹ sữa vơi đi.

Con Mực nhỏm dậy khỏi ổ, đuôi vẫy nhẹ vui mừng. Nó âu yếm thè lưỡi liếm khắp mặt, khắp lưng mèo. Mèo khoang dễ chịu grừ grừ “xay lúa” trong họng.

Đến bữa trưa, chị Bận không thấy con khoang cuống quít nhảy lên bàn gào đòi ăn như mọi khi. Cho con cá nướng mà nó chỉ ăn vài miếng chiếu lệ, rồi bỏ đấy lững thững ra góc sân nằm phơi nắng. Con Mực thì ăn hết suất cơm, chạy sang tắc lẻm luôn suất cá của mèo.

Buổi chiều khi đi làm đồng về, lúc treo cái cuốc trong bếp, chị Bận phát hiện ra con khoang đang phủ phục bú con Mực ngon lành. Con Mực ngỏng đầu nhìn chị, xong lại ngả ra cho khoang bú thuận tiện. Chị tròn mắt ngẩn ra một hồi, rồi chị chạy lên nhà, gọi chồng xuống xem.

– Bọn này loạn rồi! Anh Sỏi nói sau khi ngó vào ổ chó một lúc.

Hơn tháng trôi qua, con Mực cứ thế cho con khoang bú. Con khoang thì khoái sữa chó đến nỗi nhường hẳn suất ăn của nó cho Mực. Nhưng vấn đề là, khoang béo tròn quay, không thèm động đực, cũng chẳng chịu bắt chuột trong nhà.

Cơ thể con Mực thì yên tâm với việc tiết sữa nuôi mèo nên không có nhu cầu đi kiếm giống.

Chúng âu yếm, quấn quít bên nhau cả ngày. Con Mực yêu con mèo đến độ tưởng mèo là con của nó.

Cả xóm biết chuyện dị thường ở nhà anh Sỏi, có con chó cứ cho mèo bú, không chịu đi tơ đẻ con nữa. “Cái nhà ấy người làm sao của chiêm bao là vậy!”. Họ cười bảo nhau.

Anh Sỏi đập tay xuống bàn:

– Cái lũ ăn hại. Làm thịt mẹ hết đi!

Chị Bận thì trót gắn bó với hai con vật rồi, nên dùng dằng không chịu bán chúng.

Một hôm chị Bận đi ăn cỗ đằng ngoại. Anh Sỏi bắt con mèo béo ú, nhét vào bao tải đem bán ngoém cho quán rượu tiểu hổ.

Chị Bận cằn nhằn suốt đêm. Con Mực lại căng bẹ sữa, và nhớ mèo, rên ư ử loanh quanh sốt cả ruột. Anh Sỏi tức mình, lao ra hiên đá con chó một cú chí mạng. Nó oẳng lên rồi lết ra cổng.

– Anh ác vừa vừa chứ! Chị Bận gào lên.

Lần này thì đến lượt chị Bận ăn một cái tạt tai.

– Đồ vô sinh lại còn lắm mồm. Cút mẹ mày đi!

Chị lặng người, lặng cả tiếng. Chị Bận đứng trân trân như hóa đá một lúc. Rồi chị lần sờ đi ra cổng, chị gọi:

– Mực, êu, êu!

Không thấy con Mực đâu cả. Lòng chị nặng trĩu. Chị mở cổng, đi ra. Chị không muốn ở đây nữa, nhưng chị cũng chẳng biết mình sẽ về đâu. Chị bấu víu vào đâu bây giờ.

– Mực ơi, êu êu, con ơi! Chị gọi thảng thốt. Gió lạnh cuốn tiếng gọi của chị vào bóng đêm hun hút.

 

BẬP BÊNH

Kiều Bích Hậu

Loan đặt gánh lúa xuống rìa đường, bước xuống mương khoả nước rửa chân. Cô ngước nhìn cây cầu gỗ bắc qua đoạn mương hẹp, một nhịp của nó bị gãy, cứ bập bênh, bập bênh khi có ai đó dẫm chân lên. Nó cứ bập bênh như thế gần năm nay rồi mà chẳng có ai chịu ra tay sửa. Loan ngước lên thấy bóng người con trai đẩy xe lúa tới gần.
– Em cắt xong lúa ở thửa ấy rồi à? Tùng bỏ cái chống xe bằng tre xuống đỡ xe lúa đứng nghiêng nghiêng bên bờ mương, bước lên cầu, mắt lấp lánh nhìn Loan.
– Em xong rồi, đây là gánh cuối cùng. Loan đáp.
Tùng ngắm những sợi tóc dính bết mồ hôi trên trán Loan, hồi hộp nói:
– Em bỏ lúa lên xe, anh chở nốt về cho đỡ mệt.
– Không được, dượng em nhìn thấy thì chết. Thôi, em về đây.
Loan quày quả bước đi, lòng lâng lâng. Tùng nói với theo:
– Tối nay, ở đây nhé!
Loan gật, đặt gánh lúa trên vai, chạy băng băng. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ. Nếu một ngày, không thoáng nhìn thấy Tùng, cô cứ bồn chồn gan ruột. Dù dượng cô căm thù gia đình nhà Tùng, nhưng cô vẫn lén lút gặp anh. Linh cảm những chỗ nào có anh, hoặc anh sẽ đi qua, cô cố tình nấn ná ở nơi ấy. Nhìn thấy anh, mỉm cười, nói với anh vài câu và cơn khát thèm nóng bỏng trong cô được xoa dịu.
– Loan, lại đây mẹ bảo. Mẹ ngoắc Loan vào buồng, gương mặt mẹ đầy lo lắng.
– Có chuyện gì thế, mẹ?
– Mày ấy, con gái con đứa mới 17 tuổi đầu đã nhăng nhít. Có phải mày quan hệ với thằng Tùng? Dượng mày biết cả rồi đấy. Liệu cái thần hồn. Mày có biết bố nó xưa làm ăn với dượng mày, lừa dượng mày trắng tay không, dượng mày đã suýt đâm chết bố nó, nhưng bố nó đã không chết, dượng mày thì đi tù mấy năm. Liệu mà tránh xa thằng Tùng ra, dượng mày giận lắm.
Loan mím môi, im lặng. Thế là hết ư? Dượng mà muốn nghĩa là trời muốn.
Đêm đó, cơm tối xong, Loan vẫn lén ra cầu bập bênh gặp Tùng. Cô nói dối sang nhà cái Hoa chơi, rồi đi như chạy ra phía đầu đình. Trăng sáng quá, chiếc áo phin hồng của cô cứ trắng bóng lên trong đêm. Tới đầu mương, cô đã thấy bóng người đứng bên chiếc cầu bập bênh. Tim cô đập loạn lên.
– Loan… Tùng gọi khẽ. Anh liều mạng nắm tay Loan, một luồng điện giần giật lan khắp người cô.
– Anh không biết nói với em như thế nào… Tùng ngập ngừng – Nhưng nếu một ngày không nhìn thấy em, anh cứ đi ra đi vào bứt rứt. Em hãy cho phép anh, mỗi ngày được nhìn thấy em một lần, được nói với em một câu em nhé.
Loan những muốn thốt lên: “Vâng, em cũng muốn thế. Em ngày nào cũng thèm được nhìn thấy anh”, nhưng cô chỉ im lặng.
Tùng quàng tay qua vai Loan, dìu cô ngồi xuống lòng cầu bập bênh.
– Có những ngày không được gặp em, anh tìm cớ đi qua cổng nhà em bao nhiêu lần nhưng chẳng dám vào. Anh rất ngại dượng em. May mà hôm nay anh hẹn được em ra đây. Anh sẽ nói với em hết những điều anh suy tính, mơ ước bao lâu nay.
Loan tin cậy ngả vào vai Tùng, lắng nghe giọng nói ấm áp của anh. Trước mắt cô hiện lên hình ảnh một ngôi nhà nhỏ, có cô, có Tùng và tràn ngập tình yêu, tiếng cười. Cô sẽ chăm lo, vun vén cho ngôi nhà ấy, còn Tùng sẽ lao động cật lực trên cánh đồng quê hương, chở về nhà những xe lúa đầy ắp, miệng cười vang…

***

Tùng nghiêng ngó tìm số nhà 19. Một mùi nồng nồng, khăn khẳn lẫn mùi chiên, nướng, xào nấu hỗn độn xộc vào mũi anh. Đây rồi, bia hơi Sáu Râu. Tùng mừng quýnh. Đúng là nơi em gái Loan đã lén mách cho Tùng. Đêm đã khuya, nhưng những người phục vụ quán bia ông Sáu vẫn đang còn dọn dẹp vội vàng. Tiếng nước xối ào ào, tiếng cốc thuỷ tinh va nhau lanh canh. Tùng nhìn khắp nhưng không thấy Loan đâu, anh đánh liều tiến lại gần một thanh niên đang đứng úp cốc thuỷ tinh vào một chiếc khay nhựa khổng lồ.
– Anh làm ơn cho hỏi, có Loan làm việc ở đây không ạ?
– Loan nào? ở đây có vài ba cô Loan cơ…
– Cô Loan mắt to, da ngăm ngăm, tóc tết hai bím đuôi sam dài…
– à, cái cô phục vụ mới đến hả. Người nhà anh à? Trông giòn gớm. Đang rửa cốc trong bếp kìa.
– Mày hỏi nó làm gì? Một giọng sắc lạnh vang lên sát Tùng.
Tùng giật mình, quay lại.
– Dạ, cháu…
Gã đàn ông mập ú, trơn bóng với bộ ria mép cứng đen nhãy gườm gườm nhìn Tùng qua cặp mắt sùm sụp:
– Mày là thằng Tùng phải không? Tao biết mà. Bố con Loan đã dặn tao phải cảnh giác với mày. Thằng chó này quả nhiên liều thật. Tao nói với mày lần cuối cùng nhé. Bước ra khỏi cửa quán tao ngay. Khôn hồn thì quay về làng Trạch hũ nút nhà mày, đừng để tao nhìn thấy mày lần nữa. Bố con Loan giao nó cho tao rồi. Nói thật cho mày biết, thằng cha ấy ôm về quê một bọc tiền của tao. Tiền bán con gái nó đấy. Con Loan có muốn cũng không rời đây được, nó bị bán cho Sáu Râu này 10 năm.
Lão Sáu Râu nói một thôi một hồi, rồi khoái chí cười rung cả lớp thịt ở bụng, ở ngực.

– Cháu sẽ đi- Tùng nói- nhưng xin chú cho cháu gặp Loan một lát thôi.
– Thằng chó này từ nãy giờ mày không hiểu tao nói gì à? Cút ngay.
– Thôi đi nhanh đi chú em- Anh thanh niên đang đứng úp cốc hất hàm bảo Tùng- đừng dại làm phiền ông chủ tôi.
– Nhưng tôi chỉ xin gặp để nói vài câu thôi, Tùng vẫn không chịu đi.
– Tao ghét nhất cái trò lằng nhằng bạn trai bạn gái của lũ nhà quê này. Lão Sáu Râu cằn nhằn.
Tùng chưa kịp nói thêm thì hai gã lực lưỡng xuất hiện nhanh như chớp, Tùng xây xẩm mặt mày vì những cú đấm. Anh bị khoá cứng tay, lôi đi xềnh xệch.
Tùng lấy vạt áo thấm nhẹ vệt máu nơi đuôi mắt bị rách do cú đấm của gã bảo vệ. Đau muốn nổ con mắt. Làm thế nào bây giờ. Phải cứu Loan ra khỏi chỗ đó bằng được. Anh ngồi bệt trên vỉa hè một lúc, nhưng cơn đau nơi mắt trái vẫn không dịu đi. Tùng gắng gượng đứng dậy. Anh tìm một góc khuất, nấp vào đó, lặng lẽ theo dõi quán bia Sáu Râu. Có lẽ đã nửa đêm, những người làm vẫn đang dọn dẹp, những chồng bàn, ghế nhựa đặt nơi vỉa hè đã được thu dọn hết, xếp thành những cọc cao ngất ngưởng trong nhà. Một anh chàng gày gò, đi ủng đang lăn những cọc bom bia rỗng, xếp ngay ngắn sát mép vỉa hè, ráng chừng đợi xe đến chở đi. Người phục vụ đi lại nhiều, nhưng Tùng vẫn chưa nhìn thấy bóng Loan.
Một chiếc ô tô đen bóng đỗ xịch trước cửa quán bia. Lát sau, lão Sáu Râu bước ra từ quán, đi theo là Loan, tay xách túi, dáng khép nép sợ sệt, sau nữa là một gã đàn ông gày còm, cúm rúm. Tùng bật người lên. Lão Sáu Râu mở cửa xe bước vào, theo sau là Loan và lão còm. Tùng định chạy đuổi theo chiếc xe nhưng chợt khựng lại.
– Này, anh kia. Về quê đi. Anh không làm gì được đâu. Đêm nay anh mất cô ấy rồi.
Tùng quay lại, người thanh niên xếp cốc khi nãy bước ra vỉa hè, tay cầm cây chổi dài, quét quèn quẹt trên vỉa hè ướt và trắng loá giấy ăn.
– Chỗ anh em cùng dân quê với nhau, tôi bảo thật, anh đừng có cố đòi lại cô ấy làm gì cho thiệt thân. Ông Sáu đây thế lực lắm. Công an còn ngại ông ấy. Bởi ông ấy đông tiền, lại thân mật với một vị “quan” to. Thế hai người đã ngủ với nhau được đêm nào chưa? Chưa à? Thế thì quá thiệt cho anh. Ông Sáu đêm này chắc sướng mê tơi. Được một em nai tơ kháu khỉnh mà còn trinh nguyên. Bố cô ấy bán cô ấy cho ông Sáu rồi. Thằng cha ấy cũng tệ, bán con tới 10 năm. Mấy cô trước cũng bị bán vào đây, nhưng chỉ bán 3 năm, đến 5 năm là cùng. Có cô bị ông Sáu phát hiện đã ngủ với giai trước đó rồi, thế là bị phạt, bán 3 năm nhưng phải ở 5 năm.
Tùng chết điếng người, ruột gan anh như cuộn hết lên ngực, nghẹt thở.
– Anh làm ơn làm phúc, mách cho tôi chỗ ông Sáu đưa Loan đến, tôi và Loan ơn anh cả đời.
– Tôi mách anh, nhưng nếu anh có bị ông Sáu giết, thì đừng oán tôi nhé. Mà này, đến đó, anh khéo nhờ lão Còm ấy. Lão Còm cũng căm ông chủ lắm, chỉ mình tôi biết điều này thôi. Ra đây, tôi bảo…

***

Loan lo sợ ngắm ngôi nhà sang trọng, bóng láng, vắng vẻ. Cô linh cảm một điều đáng sợ. Lão Sáu Râu nhìn cô một lúc, vẻ khó hiểu. Cô co rúm người vì sợ… Sáu Râu lững thững bước trên cầu thang. Lão Còm giục cô đi tắm, đưa cho cô một tấm váy ngủ màu hồng.
– Tại sao chỉ có mình tôi ở đây? Các chị giúp việc khác ở đâu?
– Cô ngốc lắm. Lão Còm cười ranh ma. Cô là người mới đến nên được “ưu tiên”. Thôi, cô đi tắm nhanh lên, người cô chua lắm. Cô đừng làm khó cho Lão Còm này.
Loan đành bước vào phòng tắm, cô chợt rúm người lại lần nữa khi lão Còm cũng đi theo vào.
– Để tôi hướng dẫn cô cách sử dụng bồn tắm, vòi, sữa tắm thôi, rồi cô tự tắm một mình.
Loan tắm qua loa, đầu cô muốn nổ tung vì những câu hỏi, những lo sợ. Làm thế nào để ra khỏi nơi này.
– Cô đẹp quá! Lão Còm hấp háy khi Loan từ phòng tắm bước ra. – Cô ngồi đây thôi, ăn tạm miếng bánh, uống cốc sữa này, rồi xem ti vi, rồi đi ngủ. Cô sẽ sướng như tiên. Để tôi mở băng cô xem nhé.
Lão Còm ép cô ăn miếng bánh, uống cốc sữa bằng được. Lão mở băng, Loan xem thấy cảnh một cô gái đẹp, đứng như chờ ai bên cây cầu bắc qua sông. Rồi người đàn ông đến, họ dẫn nhau về nhà, những cảnh tình tự diễn ra. Loan bỗng thấy người rạo rực khác thường, chân tay như có kiến bò. Cô dán mắt vào những cảnh chưa bao giờ thấy trên màn hình. Vừa lúc đó, Sáu Râu từ cầu thang bước xuống, chỉ quấn một tấm khăn ngang người. Những ý nghĩ lo sợ của Loan hồi tối biến đi đâu mất. Cô không còn điều khiển nổi ý nghĩ và cơ thể mình. Chỉ còn một nỗi ham muốn cuồng loạn đang dấn lên. Sáu Râu cười nham hiểm, dục vọng dồn lên mắt. Hắn ngồi xuống cạnh cô gái trẻ đang bị thuốc kích thích làm cho mê loạn, nhưng hắn cố kiềm chế không lao vào ngốn ngấu cô vội. Hắn nhẹ nhàng mơn man da thịt cô. Loan không kìm được mình, người cô như hết cả sinh khí.
Tùng lắc lắc cái khoá cổng to đùng. Anh ngước lên, ước lượng độ cao của cổng. Anh lao vọt qua cánh cổng sắt, nhanh như một con vượn. tùng nhanh chóng áp sát cánh cửa gỗ, anh lắng tai nghe, nhưng không thấy động tĩnh gì. Cánh cửa kín mít, không có khe nhỏ nào để nhìn qua. Tùng nhìn quanh ngôi nhà, nghĩ cách lọt vào. Anh đi vòng ra phía sau, thấy một cánh cửa. Tùng sờ tay vào ổ khoá. Bỗng anh giật bắn mình. Cánh cửa mở, lão Còm bước ra. Tùng không kịp tìm chỗ nấp, đứng như trời trồng.
– Mày… mày… Lão Còm nhanh như cắt giơ gậy lên.
– Cháu xin chú, cháu không phải là trộm… Tùng nhanh trí nói-cháu là bạn anh Mạc phục vụ ở quán, anh ấy bảo cứ đến tìm chú, nhờ chú.
Lão Còm ngẩn ra. tùng giải thích với lão một hồi. Lão Còm bảo:
– Hỏng rồi. Lão Còm này vừa mới dọn sẵn con bé ngon thơm cho ông chủ chén thịt. Lão đã cho nó uống thuốc lên tiên của ông chủ. Nó sẽ tự nguyện dâng hiến cho ông ấy. Khéo bây giờ ông chủ đang chén nó rồi.
– Trời ơi, không thể thế được, chú giúp cháu nhanh lên, cháu vào cứu Loan ra. Tùng cuống quýt.
– Nhưng mà, ông chủ sẽ giết lão.
– Cháu xin chú, chú làm phúc đi. Cả đời này cháu và Loan nếu sống được sẽ đền ơn chú. Chú cứu một mà thành hai. Loan có làm sao, cháu sẽ chết.
– Thôi được, lão cũng già rồi, lão sợ lúc chết không nhắm mắt được. Mày vào đó, có gì, lão sẽ giúp một tay.
Theo chỉ dẫn của lão Còm, Tùng đột nhập căn phòng của Sáu Râu. Sáu Râu trên người không còn mảnh vải, đang điên loạn vục đầu vào ngực Loan. Tùng nổi cơn điên, anh túm bức tượng gỗ, đập mạnh vào đầu Sáu Râu. Hắn loạng choạng vùng dậy, Tùng lại đập thêm cho nhát nữa. Sáu Râu ngã gục xuống sàn. Loan đờ đẫn nhìn Tùng. Anh vội vàng mặc lại xống áo cho cô, bế thốc cô ra ngoài trời đêm.

***

– Mình đi đâu bây giờ? Loan lo lắng hỏi Tùng.
– Sáu Râu nhất định đang cho đàn em săn lùng mình. Mình không thể về quê được nữa. Anh có mang theo được ít tiền, định cứu em rồi hai đứa vào Bình Dương. Thằng bạn thân anh đang làm công nhân ở đó. Mình vào đó lánh nạn, rồi tìm việc làm, em thấy được không?
– Em đi đâu cũng được, miễn là được bên anh. Cả ngày hôm nay em đã quá sợ rồi. Cũng may mà em gái em kịp báo cho anh lên cứu em, chứ không thì qua đêm nay, em chắc không sống nổi.
– Cầu mong ác mộng này sớm qua đi- Tùng xiết chặt tay Loan- Nhưng mà cũng nhờ có nó mà anh sớm có được em, chứ dùng dằng ở quê mãi, dượng lại gả em cho người khác mất.
– Anh lạc quan nhỉ. Loan mỉm cười-vẫn còn nhìn thấy cái may trong cái rủi.
Loan tin cậy ngả đầu vào vai Tùng. Bỗng cô giật bắn mình khi nhìn thấy bóng hai gã hộ pháp xuất hiện ngay trước mặt.
– Thằng ranh, con nhãi đây rồi. Ông chủ thánh thật. Bảo tụi ta tìm hai đứa bay ở bến tàu, bến xe. Con nhãi ranh, đứng lên về hầu ông chủ. Còn thằng này cho nó về hầu Diêm Vương!
Tùng vùng đứng lên. Gã hộ pháp xông vào. Loan chỉ thấy loang loáng ánh thép trong tay gã. Cô rú lên, Tùng bị gã hộ pháp đâm mấy nhát, gục xuống. Gã hộ pháp thứ hai xông vào, bẻ quặt tay Loan ra phía sau, lôi cô đi xềnh xệch. Một ánh chớp loé lên trong đầu Loan, cô giả vờ ngất xỉu. Gã hộ pháp buông tay, Loan quay ngoắt lại, lấy hết sức đá mạnh vào chỗ hiểm của gã. Gã rú lên đau đớn, cúi gập người xuống. Loan bỏ chạy, vừa chạy vừa la toáng lên. Gã hộ pháp thứ hai đuổi theo cô mấy bước chợt khựng lại khi có mấy bóng người lao ra từ bến xe.
– Loan quỳ xuống, nâng Tùng lên, máu chảy dinh dính trên tay cô. Cô bủn rủn cả người.
– Các anh ơi, mau cứu anh ấy giúp em. Máu, máu nhiều quá!
Nước mắt Loan giàn giụa. Ba người đang ông giúp cô vực Tùng dậy.
– Vào bến xe đánh xe ra nhanh lên- Một người đàn ông nói. Phải chở ngay anh ấy vào viện cấp cứu.
Tùng nằm thiêm thiếp, nước da trông càng nhợt nhạt trên tấm dra trắng. Loan ngồi bên, nhẹ nhàng vuốt ve bàn tay anh. Một lúc sau, Tùng mở mắt.
– Anh còn đau lắm không. Chắc Trời, Phật nghe thấu lời nguyện cầu của em, cho anh tỉnh lại.
– Anh tỉnh một lúc lâu rồi, nhưng không muốn bàn tay êm ái của em rời ra, nên cứ nhắm mắt. Em biết không, lúc này anh thật sung sướng.
– Trời ơi, bị đâm suýt chết mà còn sung sướng sao?
– Nếu có chết, thì cũng chết vì em mà. Tùng cười. Thế bọn nó bị công an bắt chưa?
– Cả hai đứa đâm anh và Sáu Râu đều bị bắt rồi. Em đã đi khai báo hết với công an.
– Thế thì lão Sáu Râu không thể theo chúng ta để bắt em lại được nữa rồi. Nhưng mà anh bị thương thế này, làm chậm mất việc đi Bình Dương.
– Miễn anh sống được là may rồi, đi chậm một chút cũng không sao. Loan nâng bàn tay Tùng lên, áp mặt mình vào đó. Nước mắt cô lại giàn giụa chảy vì mừng vui. Lúc đưa Tùng vào viện. Cô mới hiểu sinh mệnh chàng trai này thiêng liêng đến mức nào đối với cô.
Tùng im lặng nhìn người yêu khóc lặng lẽ. Anh biết, đó là những giọt nước mắt mừng vui khi họ đã cùng nhau qua một nguy biến trong đời.

K.B.H


Liên hệ tác giả:
Kiều Thị Bích Hậu, số nhà 37 ngõ 1 Thọ Lão, Hà Nội.
ĐT: 0947 358 999
Email: [email protected]

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây