Theo dấu loa kèn – Tập truyện ngắn của Nhà văn Kiều Bích Hậu – Kỳ 2

Theo dấu loa kèn - Tập truyện ngắn của Nhà văn Kiều Bích Hậu - Kỳ 2

Truyện ngắn

Theo dấu loa kèn

 

BÓC LỊCH

Tác giả: Kiều Bích Hậu

Ông nội tôi là một chiến sỹ cách mạng kiên cường, suốt những năm hoạt động bí mật nằm hầm cơm vắt, ông ẩn hiện như thần, địch  không tài nào bắt được. Cách mạng thành công, ông trở thành một lãnh đạo cấp tỉnh, lại vốn là người “đầu nghĩ, miệng nói, tay làm, chân đi” nên việc chạy bon bon.

Khi ông nghỉ hưu, giữ thói quen lãnh đạo, lũ con cháu chúng tôi được ông nẹt đến nơi đến chốn. Ông mà giao việc gì thì phải làm “ngay và luôn”, nếu không thì ông nhắc việc ty tỷ lần, vẫn chưa động đậy thì ông nói bằng sống quạt nan và gậy, roi tre, vừa vụt, ông vừa bảo:

– Ngữ chúng mày phải “quân sự” mới xong!

Ông có hộp phấn trắng để cái tủ cạnh giường. Ông ghi nhật ký công việc trên nền gạch ngoài hiên nhà. Cứ bước ra cửa là nhìn thấy việc. Nếu có việc gì bí mật, ông trao đổi với ông chú họ bằng tiếng Pháp. Lũ trẻ tò mò chúng tôi có nghe hai ông nói oang oang, cũng chịu chết không hiểu.

Ông có thói quen bóc lịch tờ. Có tờ ông bóc xong ném toẹt xuống bếp. Có tờ ông cẩn thận giữ lại, ghi chi chít gì đó rồi kẹp vào sổ tay. Vì thế, lịch bloc là không thể thiếu được. Cứ cuối mỗi năm dương lịch, ông biến việc mua bloc lịch mới thành một việc rộn ràng. “Sắp bán lịch năm mới rồi đấy, hôm nào chợ huyện bán nhỉ? Có lịch mới là mua ngay cho ông nhé!”. Ông dặn mẹ tôi ty tỷ lần mỗi khi mẹ chuẩn bị dắt xe đạp ra ngõ đi dạy học trường huyện.

Không đứa nào giành được việc bóc lịch của ông. Mới ngủ trưa dậy, ông đã xăm xắn đi ra bức tường cạnh cửa, xé béng tờ lịch ngày hôm đó.

– Chưa hết ngày ông đã xé lịch – Mẹ tôi kể xấu bố chồng với em dâu – Cái gì ông cũng muốn nhanh, đến thời gian ông còn đẩy tốc đít!

Còn lũ 7X, 8X chúng tôi chả thiết gì đến lịch tờ. Ai cũng như chúng tôi thì phải xóa sổ lịch bloc mất. Chúng tôi xem ngày qua điện thoại, qua Net quen rồi. Có người quen cuối năm biếu tôi một bloc lịch to tổ bố, tôi ơ hờ treo lên tường, chả lẽ lại không treo. Nhưng chúng tôi không hình thành nổi thói quen bóc lịch tờ hàng ngày, bỏ quên có khi cả tuần mới xé cả tập vứt đi. Vứt xấp lịch ngày vào sọt rác rồi mới chợt nghĩ những ngày qua của mình sao mà vội vàng, sao mà vô nghĩa, mình đã làm cái gì vậy, với việc sống của mình? Mình thực sự có những ngày đấy không?

Ông tôi bước vào tuổi chín mươi. Mỗi lần về quê thăm ông, mà thường cũng hiếm hoi, tôi lại thấy ông chống gậy, quờ quạng run rẩy với những ngón tay khô, dăn deo co quắp vì gân co rút, bóc lịch trên tường. Có lúc bóc xong, ông nhìn kỹ tờ lịch, như cố tìm kiếm điều gì.

– Ông vẫn chăm bóc lịch nhỉ? Tôi cười bảo mẹ.
– Gớm, ai mà tranh được với ông. Mẹ tôi bĩu môi – chưa hết ngày đã ra bóc phắt đi. Làm cho xong việc ấy mà. Có hôm ông lại còn bóc kẹp díp mấy tờ một lúc. Bóc lịch trước cả mấy ngày đấy.

Ông nội đã có biểu hiện lẫn lộn, nhưng ông vẫn thỉnh thoảng giao việc cho con cháu, và thúc làm cho xong thật nhanh. Chân yếu, nhưng ông vẫn cố lết đến chỗ treo lịch, bóc đi một tờ để chờ đến ngày mai. Ông mong gì ở ngày mai mà ông bóc lịch sớm vậy? Hay ông không thích ngày hôm nay, thấy nó vô nghĩa, dù gì, thì ông vẫn biết rõ được ngày đó đã thực sự qua rồi. Và ông nhìn thấy một tờ lịch mới, một ngày mới, sờ thấy được, vò nó trong tay, ném nó đi, hay trân trọng giữ nó như một kỷ niệm hiện hữu.

Mức độ lẫn lộn của ông tăng theo thời gian, sức khỏe sút đi, ông quên hầu hết những điều thường cho là quan trọng, nhưng kỳ lạ là ông không quên việc bóc lịch hàng ngày. Ông đi lại khó khăn, run lẩy bẩy, hay ngã nên mẹ tôi thuê một bác giúp việc, chăm sóc ông. Dù phải có người đỡ bên cạnh, nhưng ông vẫn đòi ra cửa bóc lịch.

Sợ ông ngã, năm đó mẹ tôi chủ trương không mua lịch bloc. Sau khi nghe ông chửi mấy ngày đêm, mẹ tôi đành nhượng bộ, đi mua bộ lịch xâu xấu về treo lại chỗ cũ để ông có cái mà bóc hàng ngày.

Ông chỉ còn ăn được mỗi món cháo xay nhuyễn như trẻ ăn dặm, nhưng lịch thì ông vẫn lạng quạng ra bóc đi, bóc xong bỏ vào túi áo quân phục cũ, hoặc đánh rớt trên nền nhà. Mẹ tôi đến nhặt đi, lẩm bẩm:

– Biết ngày nào với ngày nào nữa mà còn bóc lịch!

Một buổi, bác giúp việc ra vườn tưới rau, quay trở vào thấy ông tôi ngã quay lơ ngay dưới bloc lịch, đầu đầm đìa máu. May mà ông không bị tai biến gì, chỉ yếu hơn và lẫn lộn hơn, vệ sinh không tự chủ, phải đóng bỉm như trẻ con.

Cuối năm rồi, mẹ tôi cương quyết không mua lịch bloc nữa. Ông cũng có chửi loáng thoáng vài câu, mẹ tôi xí xóa:

– Ôi giào, đằng nào cũng quá một tháng rồi, mua lịch làm gì nữa.

Nhưng theo thói quen, ông nội vẫn lần sờ cập quạng ra chỗ bóc lịch. Những ngón tay gày khô co rút quơ lên bức tường trống không. Ông ngơ ngẩn bảo:

– Con mẹ mày tệ quá! Sao không mua lịch cho ông? Mua lịch đi, chợ huyện bán đấy.

Ông lẫn cẫn rồi, ông có chửi thì mọi người trong nhà cũng chỉ nhe răng cười.

– Ông vào giường ngủ đi! – Bác giúp việc quát.
– Để vài ngày nữa, sờ không thấy lịch, ông sẽ quên thôi. Chứ cứ để ông đi lại như thế, lạng quạng ngã thì toi – Mẹ tôi giải thích.

Hơn một tháng sau thì ông nội tôi mất, mất rất nhanh. Ông đang ăn cháo, đến miếng cuối cùng thì nghẹn. Cứu không được. Thế là ông đi.

Tôi ở Hà Nội đôn đáo chạy xe về quê trong cơn mưa lạnh. Ông nội nằm đó, mặt phủ tấm giấy bản. Tôi không khóc được lúc ấy, chỉ vơ vẩn nghĩ: Không có lịch bloc để bóc nữa, hay là ông buồn, ông không có cảm giác ngày mai đến nữa, nên ông đã tắt đi?

 

CẦU GON

Kiều Bích Hậu

Đang phất như diều gặp gió trong ngạch đại lý bất động sản, Đoan đột ngột bàn giao việc điều hành cho Phó Giám đốc của mình để tập trung vào một công việc có vẻ lẩn thẩn: nghiên cứu bảo tồn, trùng tu cầu Gon ở quê anh. Phải chăng máu nghề của một kỹ sư xây dựng trong anh lại nổi lên?

Chiếc Jeep được độ năm lần bảy lượt trông hung dữ như một quái thú ầm ầm bò qua cầu Gon đầy vẻ uy hiếp. Chi ngồi ghế sau ngoảnh mặt nhìn cầu Gon như liếc tình địch. Cứ như cây cầu kỳ dị này sắp chiếm mất Đoan của cô. Thanh ngang chắn cầu vẽ lên nền trời một cánh cung đậm được bọc một lớp áo mỏng hồng nhạt màu bình minh.

– Đẹp đấy chứ?! Đoan hất đầu, lập bập điếu thuốc trên môi, nói với người yêu. Chi nghiêng đầu, né tàn thuốc bay vèo qua, nhăn mặt.
– Cũng chẳng thể nào giữ em lại đây được. – Giọng cô thờ ơ.

Chi bỗng đứng thẳng lên, tay bám chặt lưng ghế Đoan. Mái tóc dài mềm của cô, gió thổi bay về phía sau xe. Cô vươn người đón gió. Cảnh tượng ấy đóng khung lại trên mặt sông Gon. Thôi thì mặc kệ ngày mai!

Thả Chi vào ngôi nhà gạch cổ của bà họ mình, rồi Đoan nện giày đinh cồm cộp ra sân, biến mất!

Chi hì hụi cùng bà họ mổ gà, nấu một nồi cháo to và trả lời những câu hỏi bất tận của bà về gia thế, công việc của cô, về mối quan hệ giữa cô với Đoan… Đến quá trưa thì Đoan gọi điện, bảo cô cứ ăn cơm với bà, anh đang thịt rắn nhắm rượu với chú họ rồi.

Cháo gà ngọt thỉu. Chi vừa ăn vừa tò mò nhìn chiếc thìa nhôm mòn vẹt một phía. Nó đã được dùng vài chục năm rồi. Tiếng nó va vào bát sứ cũng đủ ngân lên trong ngôi nhà quá tĩnh lặng.

Tối đến, giữ ý với bà họ, Chi nhất định không chịu nằm chung với Đoan. Cô trằn trọc trên chiếc giường dát tre ọp ẹp, nghe trên tấm phản góc nhà, Đoan đã ngáy đều. Thỉnh thoảng cô lại bật điện thoại xem giờ. Mong sao trời chóng sáng để cô trở lại thành phố. Công việc của cô tuy căng thẳng và nhàm chán, nhưng cô đã quen với nó rồi, hơn là ở đây, dù Đoan ở đây. Giữa công việc và đàn ông, thì đàn bà bây giờ sẽ chọn công việc, dù sao họ sẽ có công việc đến cuối đời, còn đàn ông thì chỉ có một thời.

*        *        *

Sông Gon ngăn cách làng Gôm với làng Kèo. Làng Gôm nằm trên đất bằng còn làng Kèo vắt lên núi. Làng Gôm có thóc còn làng Kèo có vải. Dân hai làng trao đổi thóc và vải cho nhau qua dòng sông Gon. Đò ngang đi đi về về ngày đêm, đầy ắp thóc gạo, vải vóc, dầu đèn… và cả những đám rước dâu. Sợ nhất là mùa lũ tháng chín, nước từ núi tràn về sông Gon, lật thuyền nuốt người. Mùa lũ nào hai làng cũng mất vài mạng người, đến nỗi hai đầu bến đò đều xây hai cái miếu thờ những người bỏ mạng ở khúc sông này. Bên cạnh miếu người ta trồng một cây si, cây si lớn dần thành cổ thụ, mọc thêm nhiều chân, ôm gọn cái miếu vào trong. Bây giờ muốn thắp hương trong miếu người ta phải vất vả luồn tay qua những rễ si lớn.

Trăm năm trước, một nhà buôn xứ Lang sa về đây ngắm cảnh, bước chân lãng du đưa ông qua sông Gon, đến làng Kèo trên núi. Mê một cô gái Kèo đẹp nhất làng, ông bỏ nhiều vàng ra để mua nàng, khi ấy mới mười sáu tuổi và mang về nước. Ba năm sau ông trở lại, xin chính quyền bảo hộ cho ông xây một cây cầu kiên cố bắc qua sông Gon, như để trả nghĩa cho làng Kèo. Cầu được xây bằng kỹ thuật tối tân nhất do chính người ngoại quốc đảm nhiệm, nhân công giỏi cũng thuê tận đẩu đâu, dân hai làng Gôm và làng Kèo chẳng ai được mó tay vào xây cầu, chỉ ngày ngày kéo ra đứng chật hai bờ sông, chống mắt lên xem. Hai bên sông, nơi gần cây si và cái miếu, có hai cái máy to gấp bốn ông voi, ngày ngày gầm rú nhả ra thứ vật liệu lạ để xây cầu. Rồi chính một ông kỹ sư ngoại quốc đã ngã vào máy, trong lúc trèo lên kiểm tra kỹ thuật, và bị xay nhuyễn. Xương thịt ông vĩnh viễn nằm lại trong cầu Gon. Khi cây cầu hoàn tất, người ta đã khắc tên ông lên thành cầu để tưởng nhớ. Đôi khi, nhập nhoạng tối, dân làng Kèo từ lưng chừng núi quả quyết đã nhìn thấy ông kỹ sư Lang sa mặc bộ đồ màu ngà, đội mũ phớt, đứng hút tẩu giữa cầu Gon hóng gió.

*        *        *

Chi tò mò ngắm cánh cửa gỗ thịt với những nét chữ nguệch ngoạc bậy bạ viết bằng phấn trắng của trẻ mỏ “Con Tím vẩu ăn cứt chó khô vè mép”; “Hòe hen bú dái ông già”… Cô ấn mạnh mép cửa nhẵn đen vết tay. Cánh cửa bật mạnh vào phía trong làm Chi giật mình. Cô hơi do dự nhìn vào khoảng không mờ mờ trong cửa, chưa kịp quyết định gì thì như bị bàn tay đẩy mạnh vào lưng, cô dúi dụi lao vào trong căn buồng, nhưng chân cô không chạm vào đâu cả, mà cô lập tức rơi xuống, hàng tỷ lớp mạng nhện quấn thít lấy cô, cô vùng vẫy và không thở được, hơi thở phồng lên trong ngực, thổi phồng hai bầu vú căng to như hai quả bóng khổng lồ, cô há miệng ra kêu thì lập tức mạng nhện ập vào miệng, có cả một con nhện đực với những cái chân lông lá lao vào miệng cô, những cái chân gai của nó quặp chặt mặt cô.

– Chi! Sao thế!?

Đoan phát mạnh vào vai cô. Chi mở choàng mắt, hoảng hốt ngồi dậy. Cô đưa hai tay lên ngực. Không, ngực cô vẫn nhỏ bình thường. Thì ra là ác mộng.

Đoan cúi người nhìn lom lom vào mặt Chi, anh như muốn bảo “lạ nhà khó ngủ hả cô nàng?”

– Đêm qua em trằn trọc mãi. – Chi lấy tay che miệng ngáp, quay mặt đi tránh Đoan – Vừa chợp mắt một tý thì mê sảng. Cái nhà này ám khí kinh quá!
– Bậy nào! Ám trong đầu em thì có. Anh vừa đặt lưng là ngủ như lợn, chẳng mê  mẩn gì!

Chi ngồi im, định thần lại một lúc. Cơn ác mộng rõ rệt đến nỗi cô vẫn nhớ từng chi tiết.

– Cái cánh cửa… Cô thốt lên thành lời.
– Cái cánh cửa gì? Đoan vừa hỏi vừa vươn tay tháo dây màn, gấp lại giúp người yêu.

Chi hấp tấp tụt khỏi giường, bước ra ngoài hiên, cô đi về phía trái, nhìn chằm chằm vào cánh cửa gỗ đóng chặt. Có gì ở trong buồng sau cánh cửa kia?

– Buồng đấy của cụ nội anh. Sau đến ông bà nội anh ở. Hồi bà nội mất thì đóng chặt cửa, con cháu ở thành phố cả. Bà họ anh trông nom nhà này, cũng ít khi mở ra quét dọn. – Đoan đứng sau lưng Chi, giải thích.

Chi khẽ chạm tay lên dòng chữ phấn trắng: “Con Tím…”

– Tím là tên bà cô ruột của anh – Đoan phân trần, các cụ xưa cũng nghịch khiếp!
– Nhưng tại sao em nhìn thấy đúng dòng chữ này, trong giấc mơ…
– Chắc là chiều hôm qua, em tò mò định mở cửa này vào xem, nên tối ngủ mơ đấy hẳn? Đoan hỏi.

“Chiều hôm qua mình chỉ lẩn thẩn ra vườn chơi, chứ có đứng trước cánh cửa này đâu nhỉ?” Chi nghĩ.

Cô giơ tay ra, bàn tay lơ lửng trong không khí. Vừa nãy mình mừng vì thoát khỏi ác mộng, giờ lại định mở cửa làm gì? Chi lưỡng lự trước thôi thúc muốn tìm ra nguyên cớ của ác mộng. Nhưng mà, cô đã quyết định đầu tư tương lai của mình vào Đoan đâu?

– Căn buồng này là nơi bọn trẻ chúng anh bị cấm vào. Lệnh cấm nghiêm đến nỗi bây giờ anh vẫn còn chùn chân mỗi khi định mở cửa đấy.

Đoan đút hai tay vào túi quần, nhìn cánh cửa gỗ loằng ngoằng vết phấn, những vết bẩn, vết dao khắc tên, tất cả đều mù mờ trong lớp bụi phủ của thời gian. “Căn nhà này thiếu vắng hẳn sự chăm sóc của một thế hệ. Đó là thế hệ cha mẹ anh, họ thoát ly ra thành phố. Còn anh chỉ có bảy năm đầu đời gắn với căn nhà”. Đoan chợt lắng lại suy tư.

– Có ai… chết trong buồng này không? Chi chợt hỏi.
– Có chứ. Cụ ông, cụ bà, rồi ông, bà nội anh đều hấp hối rồi đi trong đó cả. Cụ nào đi rồi thì con cháu đốt  dát giường, chiếu, dọn sạch để thế hệ kế tiếp vào ở.
– Thế thì… không có ai chết trẻ ở trong buồng đâu nhỉ. Chi lẩm bẩm.
– Làm gì có… cơ hội! – Đoan nói – các cụ già mới ở trong buồng, các con cháu ở cả nhà ngoài. Ơ, mà sao em hỏi linh tinh chuyện chết chóc làm gì thế nhỉ? Đi rửa mặt rồi kiếm cái gì ăn sáng.

Bà họ đã để một rổ khoai lang tím giữa hiên bốc khói thơm ngọt. Bà lụi cụi lôi dưới gầm chõng ra ba cái ghế gỗ con đặt quanh rổ khoai. Đoan tong tả vào nhà bê ra cái khay gỗ sơn đựng chén, ấm ủ nước vối. Đoạn, anh nắm tay Chi kéo xuống ngồi cạnh rổ khoai.

– Bữa sáng của Thượng Đế đây!

Đoan xuýt xoa thổi phù phù củ khoai nóng hổi rồi bóc vỏ đưa cho Chi. Bà họ nhăn nheo cười độ lượng, nhấp một ngụm nước vối đặc cho đỡ tắc cổ rồi lại cúi xuống củ khoai lang tím bóc dở. Buổi sáng sớm thu trong veo, lác đác vài tiếng cu gáy rúc đầu hiên, gió xạc xào bâng khuâng bứt vài chiếc lá nhãn vàng già thả xuống sân gạch đỏ au. Ba người ngồi giữa hiên như những pho tượng, hòa vào với cảnh sắc, tan vào không khí mùa thu. Một khoảnh khắc thiền định không có ranh giới sống – chết.

Thật lạ, Đoan khoái và sung sướng cho dù bữa sáng của anh không có cà phê, thuốc lá và một tờ Thanh niên mới.

Chi ngậm miếng khoai lang bở như đỗ, ngòn ngọt trong miệng. Dù sao thì cô vẫn cứ đi.

Bà họ nhấp liền hai ngụm nước vối. Giờ ăn cái gì cũng nghẹn. Lũ trẻ mà không có đứa nào về giữ nhà giữ đất trông nom bàn thờ tổ tiên thì bà muốn đi đâu cũng chẳng được, dù là đi lên thiên đàng. Bà hấp háy cặp mắt đục lờ nhìn Đoan hy vọng.

*        *        *

Dần ngồi tựa lưng vào thành cầu Gon. Gió sông vi vút luồn qua thành cầu, thổi phồng tấm áo vải mộc mới của Dần. Đêm nay mùng chín lịch âm, gió thơm mùi trăng non, nhưng chẳng thể làm dịu nỗi ấm ức trong lòng Dần. Chàng hít sâu, thèm một hơi thuốc rê bà nội chàng tự quấn. Thứ thuốc lá hái trong vườn nhà, thái nhỏ, ủ, phơi, sao rồi tự quấn bằng giấy bản, xịt hương liệu va-ni nhập từ Lang sa, điếu to bằng ngón cái, hút rất đã. Làm cả điếu thì đến trâu cũng say đổ kềnh. Ờ, mà sao giờ này chàng lại nghĩ đến thuốc, có lẽ để thời gian chờ Hòe bớt dài. Nàng có thể đến muộn, nhưng chưa bao giờ lỡ hẹn với người yêu. Cả ngày, cả đêm lòng chàng chỉ nghĩ về Hòe, nhớ từng lời nàng nói, nhớ ngực áo phồng lên tròn trịa, nhớ bàn tay ngón nhỏ ấm nồng rất hiếm khi chàng nắm được, nhớ những nốt ruồi nhỏ trên cặp má mịn màng, trên cánh mũi, trên cằm nàng… Chàng có nhớ bao nhiêu cũng không đủ nỗi ham muốn nàng. Chỉ có thể cưới nàng về làm vợ, giữ chặt nàng trong buồng cưới, để nàng chỉ là của riêng chàng thôi. Vậy mà, Hòe lại là chị họ của Dần. Bà nội Dần và ông ngoại Hòe là hai anh em ruột. Nhất định, các cụ hai bên cấm tiệt, Dần không thể cưới Hòe, chị họ gần của chàng, làm vợ được. Thế là loạn luân. Nhưng mà, chàng thiết tha biết bao được ngấu nghiến cặp môi dày, mềm thơm của nàng, sục đôi bàn tay khao khát vào ngực áo nàng, mà chàng cảm nhận rõ nó rung rinh nhẹ theo mỗi bước chân nàng trên đường. Thế giới này ngọt ngào xiết bao khi có nàng. Chỉ có gần gũi nàng cách ấy thì chàng mới cảm nhận một cuộc sống an toàn và ấm áp, đủ đầy. Chàng biết chắc, chàng sinh ra là để sống với nàng. Những người đàn ông trong dòng họ Mạc nhà chàng, người đầu cơ thóc, người buôn vải lẫy lừng bến Gon, người mở mang điền địa… nhưng chàng từ ngày vướng vào ánh nhìn phiêu diêu của Hòe, và nỗi ám ảnh từ đôi gò bồng đảo căng dưới lần áo lụa trắng của nàng, thì chàng chẳng thiết tha gì với nghiệp vận tải cha chàng hướng cho. Chục cái xe ngựa kéo chạy tuyến đường nối huyện với thôn kìn kìn hàng ngày bây giờ cũng bữa đực bữa cái. Chàng hầu như bỏ bê chuyện làm ăn từ hôm cha chàng cấm tiệt chàng đi lại với Hòe…

Cánh mũi Dần động đậy. Mùi thơm non da thịt thiếu nữ thoảng qua chàng. Chàng ngoảnh mặt về phía làng Gôm. Bóng áo lụa rõ lên trong trăng non. Trong gió sông se lạnh, chàng đã cảm nhận hơi ấm của nàng. Chàng đứng bật dậy, đi về phía nàng. Hòe xõa tóc trông càng đẹp, mái tóc dày của nàng vờn quanh gương mặt tròn đông phương bí ẩn, đổ xuống bờ vai như mời mọc ánh mắt hút xuống. Có lẽ nét quyến rũ nhất là bộ ngực tròn căng của nàng cứ lồ lộ dưới lớp áo lụa. Dần đưa tay ra đón nàng, họ ập vào nhau, chẳng hề thốt một lời nào nữa. Có đến hàng thế kỷ đã trôi qua, đôi trẻ không được gặp nhau. Cấm đoán của hai dòng họ như đổ thêm dầu vào lửa.

Dần để Hòe tựa vào thành cầu Gon, tay trái đỡ eo nàng, ta phải chàng tham lam lùng sục. Môi chàng đã khóa kín miệng nàng tự thuở nào. Ngực nàng, căng nở to và ấm đến mức không chịu đựng nổi. Chàng để dành nó đã quá lâu rồi. Chàng cuống quít đặt nàng xuống mặt cầu Gon, rời khỏi môi nàng, vục mặt vào ngực nàng, hai tay chàng vội vã lần xuống cạp quần lụa của nàng. Nàng rên khẽ, tuồng như chống đối, nhưng hai bàn tay nàng lại xoắn chặt lấy vai chàng. Nàng đã ướt nhẹp và tỏa hương quyến rũ, bàn tay chàng bóp nắn cuống cuồng, rồi không chịu đựng thêm nữa, chàng đưa thẳng vào trong nàng, cứng ngắc và mạnh mẽ. Nàng kêu lên trong sự hòa trộn khó tả của đau đớn lần đầu với khoái cảm trào dâng. Cả vũ trụ, cả dòng sông Gon cuồn cuộn chảy hút vào bên trong nàng. Nàng ưỡn mãi lên nhịp vào đam mê, đón hứng hòa tan và bay bổng.

Cả dòng sông thấm đẫm mùi yêu đương, cả ánh trăng cũng thế, dù non nớt. Dần cố ghìm nhịp thở, tay run rẩy gài lại khuy áo ngực cho nàng, ngực nàng lớn quá và vẫn nở căng, tay chàng gài trật mấy lần. Mắt chàng nhòa đi, nàng như tan biến vào lòng cầu Gon, cả chàng cũng thế. Bây giờ, chàng và nàng đã hòa làm một rồi, không gì có thể chia cắt, không luật lệ nào có thể ấn định. Hai thân thể họ, vượt qua mọi định kiến, đã nối liền với nhau bằng một kết giao nghi thức thiêng liêng của vũ trụ.

*        *        *

Chi trở lại thành phố rồi. Đoan ngồi bệt lên hai hòn gạch kê góc vườn với một bao ba số. Khói thuốc thơm lởn vởn lặng lẽ trong nắng chiều nhàn nhạt. Anh nhớ cô và băn khoăn. Dù anh đã biết trước và chuẩn bị tư tưởng. Ngày hôm nay trôi chậm và nặng như đá đeo, đành chịu, bởi cái gì cũng cần thời gian cho nó. Ngày mai Đoan sẽ nghĩ về cầu Gon. Trước mắt anh là cầu Gon. Anh đã chọn gắn với nó như một ý nghĩa của cuộc đời mình. Một cây cầu cổ, cũ kỹ, giá trị thì cũng còn tùy mà một trai trẻ có chút tài kinh doanh như anh lại chọn gắn với nó thì cũng bất thường trong mắt mọi người. Nhưng anh cần gì mọi người!? Thị trường bất động sản, khi anh đã quá rành và hiểu đến tận gốc rễ, thì anh lại không thích nó nữa. Nó như một con đĩ xanh đỏ phồng phào làm hàng, với những giá trị chưa bao giờ là thật, hoàn toàn phù phiếm và mang tính kỹ thuật.

Phía trước anh là cầu Gon, với nhiều điều chưa biết về nó. Cây cầu bẻ gãy bàn tay tham lam của thần chết tại khúc sông tử thần thay đổi diện mạo kinh tế của hai làng, đẩy mạnh nhịp sống, nhưng cũng làm nhiều thêm thói điếm đàng, cùng những đứa con hoang. Số con hoang thể hiện sự phóng túng của làng… Nhưng vì thế mà hai làng giống nhau hơn, làng nọ bắt chước làng kia, mà thói hư tật xấu lại luôn lẹ chân hơn lẽ phải. Và rồi ông kỹ sư ngoại quốc kia nữa, không chỉ gửi thân xác trong cầu, ông còn gửi vào đó ý nghĩa kết nối nào, phải chăng thượng đế đã sắp đặt điều ấy? Để cây cầu bắc qua cõi sống và cõi chết?

Đoan dụi mạnh đầu mẩu thuốc xuống gốc cỏ, đứng lên phủi đít quần rồi lững thững đi về hướng nhà chính. Anh đã thấy trước mặt mình là cánh cửa buồng cụ ông cụ bà. Hôm qua, Chi đã lưỡng lự và cuối cùng không mở nó ra. Đoan ngửi thấy mùi mốc, mùi đồ đạc cũ tỏa ra đậm đặc từ cánh cửa, cái mùi giằng giữ con người với quá khứ, dễ làm người ta mủi lòng với ký ức. Anh giật nhẹ cái ổ khóa đồng to bằng bao diêm:

– Bà họ ơi, cho cháu mượn chìa khóa buồng này tý?

Bà họ anh xẩm xờ lại gần, vạch mấy lần vạt áo cánh, lôi cái chìa khóa đồng buộc mẩu dây điện ố vàng từ túi áo trong, đưa cho anh, nó ấm hơi thân thể bà.

– Anh vào mà thắp hương cho các cụ – Bà đưa ngón cái quẹt nước cốt trầu rịn ra hai mép, rồi xoa vào lòng bàn tay – Giờ bà mệt rồi, chỉ tuần rằm mồng một mới vào quét dọn. À, mà anh đừng xê xích đồ đạc của các cụ nhé.

Đoan cực khâm phục các thế hệ trước mình về cái quan điểm tôn trọng lịch sử ấy. Căn buồng này được trang bị đồ đạc từ năm đời trước, cái gì ở đâu, vẫn đặt nguyên đó, các thế hệ sau vào ở có thể thêm vài món mới, trên nguyên tắc đồ giản tiện, bền, quý, thật quý giá để con cháu có thể sử dụng, và vì tiếc mà không nỡ bỏ đi. Anh ít khi vào căn buồng gia tộc này, nhưng ấn tượng mạnh mẽ đến nỗi, anh tưởng như vẫn nhìn thấy ông bà mình đang ngồi hai cái ghế lim với tựa lưng cẩm thạch kia, nhìn anh với cặp mắt nghiêm nghị mà ấm áp.

Anh chợt chú ý đến một khung ảnh đen trắng treo trên tường, ngay phía trên hai lưng ghế cẩm thạch. Như sự thức tỉnh, như sự lôi kéo, anh tò mò gỡ khung ảnh, mang ra ngoài hiên để xem cho rõ dưới ánh mặt trời. Bụi phủ mờ kính, điểm vệt cứt gián lốm đốm đen, nhưng anh vẫn thấy một cụ ông quắc thước râu dài, đội khăn xếp, mặc áo the, xung quanh là ba cặp vợ chồng trung niên, một đàn đông đúc cháu chắt đứng ngồi. Ảnh cũ là công cụ hữu hiệu nhất để lần lại lịch sử, quá khứ.

Đoan chợt bị hút vào một gương mặt trai trẻ, tóc cạo nhẵn xung quanh, để chỏm ngắn dựng đứng điệu nghệ và kỳ quặc, vẻ mặt ma mị với đôi mắt sâu hoắm, ánh tia nhìn tinh quái.

Anh với cái giẻ cũ vắt trên dây phơi, lau đi lau lại mặt kính khung ảnh.

– Bà họ ơi, đây là ông trẻ Dần phải không ạ?

Bà họ anh cẩn thận chấm hai khóe mắt cập kèm bằng tấm khăn mù xoa cũ mốc đen, rồi nhìn bức ảnh hồi lâu, giọng lo ngại.

– Ừ, ông trẻ Dần đấy chứ ai! Mà sao cháu lấy khung ảnh xuống làm gì? Xui xẻo lắm! Bà lắm lúc còn chẳng dám lau bụi nữa là…
– Cháu khỏe vía hạng nhất bà ạ, đừng lo! – Đoan xoa xoa lưng bà họ, yên ủi – Ma mãnh gặp cháu là chạy mất vía.
– Để rồi anh xem – Bà họ như muốn né ra khỏi bức ảnh – Chứ tôi thì chứng kiến mấy bận, hãi lắm. Ông nội anh chuyển ảnh treo chỗ khác, thế là hôm sau chặt cây tre cũng chặt phải ngón tay, mất luôn ngón trỏ. Rồi thằng Bò, gỡ ảnh xuống lau, bỏ quên trên bàn đúng một ngày, thế mà đi bừa thế nào lại bị răng bừa xiên vào bắp chân sâu hoắm…
– Tai nạn chẳng may trùng lặp thôi bà ơi. Cháu muốn treo ảnh này ra phòng ngoài để con cháu về chơi còn nhìn thấy các cụ. À, mà ông trẻ Dần làm sao chết trẻ vậy bà? – Đoan tay cầm khung ảnh, mắt ngó nghiêng tìm vị trí thích hợp trên tường phòng khách để treo bức ảnh quý.

Bà họ chắp tay trước bụng, đứng cách anh một quãng, sẽ sàng kể:

– Hồi ông trẻ chết, hai làng đồn đại nhiều lắm. Sự thực thì chỉ người chết với một người nữa biết. Người còn lại đã lưu lạc nơi nào. Hồi ấy ông trẻ Dần là con nhà giàu, nhiều gái mê lắm, nhưng trộm vía ông đổ đốn ra mê bà Hòe, là chị họ gần. Chuyện rắc rối to, các cụ hai bên họp họ, ra chỉ cấm tiệt. Quẫn lên, ông trẻ Dần kéo bà Hòe lên cầu Gon tình tự rồi rủ nhau lao xuống sông Gon tự vẫn. Dân làng móc máy bảo là ông Dần nhảy trước, rồi bà Hòe sợ quá không dám nhảy, ngồi trên cầu khóc đến sáng rồi bỏ làng đi. Ông Dần thành ma rồi, mà đợi mãi không thấy bà Hòe đâu, nên không thỏa chí. Thỉnh thoảng ông ấy vẫn hiện lên cầu, dụ dỗ con gái nhảy xuống sông đấy cháu ạ.

Đoan cười thành tiếng:

– Thế từ hồi ấy đã có cô nào nghe xúi dại mà theo ông xuống sông chưa, bà họ?
– Có ba cô chứ ít đâu – Bà họ dường như say câu chuyện do chính mình kể, đứng sát lại gần Đoan, giọng thì thào như sợ người nghe trộm – Gần nhất là cô Hường làng Gôm, tối hôm ý đi xe đạp một mình qua cầu Gon, đến giữa cầu thì nhìn thấy ngườn đàn ông vẫy xe, cô dừng lại nói chuyện mủi dải thế nào, lại vứt xe nhảy tùm xuống sông. May mà được hai anh chàng đi đánh cá đêm vớt lên. Sau này cô ấy kể, là người kia chỉ cho lối xuống, có bậc đi hẳn hoi, thành phố dưới ấy sáng lòe, cô ấy cứ thế mà đi, chả biết thần hồn nát thần tính thế nào…

Đoan chợt nhớ ra, hỏi:

– Thế mộ ông trẻ Dần ở chỗ nào? Mấy lần cháu đi tảo mộ, hình như không thấy mộ ông, cháu cũng vô tâm, đi cho có đi chứ cũng chẳng để ý hỏi kỹ về mộ các cụ…
– Ông trẻ nhà anh làm gì có mộ! Hồi ấy ông trẫm xuống sông Gon, cả họ tìm xác cả tuần không thấy. Ông trẻ đột ngột biến sang thế giới khác, đến cái xác cũng không để lại thế giới này, làm người sống dạ chẳng yên.
– Thì ít ra ông cũng để lại di ảnh này, và một chuyện tình có kết thúc không rõ ràng… Đoan trầm ngâm.
– Cả hai họ bấy giờ lên án bà Hòe lắm, rằng nhìn ông trẻ chết mà không cứu, hèn đến nỗi không đi luôn cùng ông trẻ. Đấy anh xem, người chết thì được thể tất cho, chứ  người sống thì còn bị trách móc, điều tiếng. Bà ấy còn sống cũng chẳng dám về làng. Bức ảnh này chính ông Dần cầu kỳ thuê thợ từ phố về chụp, tự ông treo vào phòng các cụ hôm đầu xuân ấy, rồi đến mùa thu năm đó, ông ấy đi…

Đoan treo khung ảnh vào một cái đinh trên tường, rồi lùi ra xa, xoa xoa tay ngắm nghía:

– Treo thế này được không bà?

Bà họ ngần ngại:

– Thôi thì tùy cháu, nhưng bà cứ chờn chợn thế nào ấy.

*        *        *

Cầu Gon giống như một chú trăn vạm vỡ vắt mình qua sông. Cầu nằm đó, im lìm cho dân hai làng và khách thập phương sử dụng. Họ sử dụng và không ngừng làm đau cây cầu. Khắp thân mình cầu chi chít những vết thương to nhỏ, có vết đã lành, có vết còn mới. Đáng sợ nhất là vết to gây nên bởi cú va của xuồng máy ở trụ cầu phía làng Kèo, làm trơ cả lõi thép. Công nhân xây dựng huyện đã mấy lần về cầu Gon vá vết thương, nhưng cứ vá xong vài ngày thì nguyên liệu mới lại rời ra, không kết dính được vào thân cầu. Các cụ làng Kèo bảo: Tại “chúng nó” không xin phép ông quan cầu Gon (ông kỹ sư Lang sa) trước khi sửa cầu, nên vật liệu cũ và mới không “ăn” nhau được. Muốn làm được thì phải sửa lễ đàng hoàng. Các trí thức làng Gôm ngồi quanh mâm rượu lại bàn thế này: Ngày xưa, ông kỹ sư xây cầu bằng vật liệu gì, đến giờ bọn công nhân dốt nát ấy chẳng chịu nghiên cứu, cứ bậy bạ ốp tràn vào thì nó rụng ra là phải. Người ta làm cầu phải làm bằng cái tâm, làm bằng cả mạng sống. Ông kỹ sư Lang sa ấy xây cầu bằng chính thân thể ông ấy. Ông ấy sống trong cầu Gon. Bọn công nhân kia nhận tiền xong, ăn bớt ăn xén chán chê làm ào ào rồi kéo đi làm chỗ khác, như thế thì chúng “nhập” vào cầu Gon sao được.

Các lời bàn ra tán vào lo lắng, nhưng chưa tìm ra giải pháp. Cả hai làng chộn rộn không yên. Có người yêu thương gìn giữ cầu Gon, nhưng cũng có người mặc kệ. Người nơi xa đi qua thì lại càng không biết. Họ lao xe ầm ầm qua cầu Gon, làm cả hai làng rung chuyển, mọi thứ rạn nứt!

Thỉnh thoảng có đêm, ông kỹ sư Lang sa lại trầm ngâm hút thuốc, đi đi lại lại trên cầu. Ông bỏ mạng vì cầu, nhưng cầu Gon lại làm cho ông bất tử. Cây cầu lạ lùng, ai cũng biết là nó sống, nó thở, nó tác động đến cả hai làng, ban ngày sáng rỡ, nó mang lại những may mắn, nhưng ban đêm, nó ám ảnh.

Những đám cưới, rước qua cầu Gon trước mười hai giờ trưa, đôi uyên ương sẽ hạnh phúc, con cháu đầy đặn. Những đứa trẻ mới sinh được một tuần, mang lên cầu đón tia mặt trời đầu tiên sẽ sống khỏe mạnh, cuộc đời nhiều may mắn.

Vạn bất đắc dĩ phải qua cầu ban đêm, rất có thể sẽ gặp người của thế giới khác. May mắn thì được ông quan Cầu mời làm một hơi thuốc để rồi về nhà tê mê say say cả tháng. Không may thì gặp người đàn ông có gương mặt ma mị với đôi mắt thũng hoáy, vời xuống sông thì chẳng bao giờ còn trở về nhà được nữa. Đến cái xác cũng không để lại được, cứ như một cánh cửa mở ra ngay dưới gầm cầu, đón người vào, đóng lại và dòng nước lại lấp kín, trôi đều.

*        *        *

Đoan thong thả khoác bộ gió thể thao, xỏ đôi giày Fila êm ái, gọi với ra vườn “Cháu ra cầu Gon bà nhá!” rồi rảo bước ra ngõ. Đường làng ngoằn ngoèo, lồi lõm bởi những hòn đá nhẵn thín vết chân người, trâu, xe cộ mài mòn vài thế kỷ. Đá lát đường đều là loại đá xanh lấy từ núi Đọ bên kia làng Kèo. Đoan di di mũi giày lên hòn đá giống mặt khỉ giữa đường, tự hỏi đã biết bao kiếp người mài chân lên đây. Và anh, liệu có giữ nổi con đường lát đá cổ này không, khi mà những con đường bê tông phẳng lỳ vô tính đã hợm hĩnh bò giữa làng rồi?

Chiếc điện thoại cựa quậy trong túi quần, Đoan rút nó ra. Gương mặt Chi sáng rỡ màn hình.

– A lô, anh đây. Em ngoan đấy chứ?

Chi ra giọng đùa, nhưng nội dung lại chẳng hài hước tẹo nào:

– Em ngoan, nhưng “nó” hư. Nó giữ chặt anh trong đó. Thủ đoạn thế đấy. Chắc nó sợ mất anh chăng?

Đoan sựng lại giữa đường:

– Này em, làm thế quái nào có được?! Những thời điểm nguy hiểm là anh … tếch ra đấy chứ?
– Đúng rồi, em xác nhận anh có làm thế thật. Chi giả vờ tỉnh bơ – nhưng người tính chẳng bằng giời tính.
– Bố khỉ! Đoan loay hoay đá tung một hòn gạch vỡ xuống ao bèo – Chi à, anh không muốn phải là một thằng khốn nạn, nhưng anh hy vọng em nhớ những quan điểm của anh…
– Thì anh cứ xem đây như một loại thông tin…
– Ít nhất trong một năm nữa, anh sẽ chỉ gắn với cầu Gon. Sau đó anh còn chưa biết. Anh chỉ có thể tự tay chăm sóc em, và… nếu em chịu về làng.

Chi ngắt lời Đoan:

– Em hiểu. Nhưng em còn chưa quyết định có giữ nó không. Em phải đi làm đã, sẽ gọi lại anh sau.

Cô cúp máy.

Hình như giọng cô ấm ức!

Đoan dựa hẳn lưng vào gốc sung cổ thụ nghiêng nghiêng bên ao bèo, rút thuốc châm lửa. Làm lãnh đạo công ty hơn chục năm, anh đã quá quen với các sự cố, thậm chí tự xây cho mình một loại kỹ năng xử lý sự cố siêu việt. Nhưng kiểu “sự cố” này thì… nó chắc chắn không phải là thứ mà anh muốn xây một kỹ năng xử lý.

Đoan chầm chậm bước về phía cầu Gon. Anh cố dẹp sự rối trí bằng hình dung sẽ chia não mình ra làm nhiều ngăn. Cái sự cố “Chi và nó” sẽ bỏ riêng vào một ngăn rồi đóng chặt lại. Tâm trí anh sẽ chỉ tập trung vào cầu Gon mà thôi, anh phải duy tu cầu Gon thành công.

Ngay đầu cầu là bức tượng ông kỹ sư Lang sa bằng đá đen do dân làng dựng lên để tưởng nhớ ông sau khi cầu khánh thành. Hình như ông nháy nháy mắt với Đoan khích lệ. Đoan ngắm ông một lát, vỗ vỗ vào vai ông và mỉm cười.

– “C’est la vie!”

Hình như ông kỹ sư thoáng yên ủi anh trong hơi gió. Đoan chạm tay lên những miếng vỡ trên thành cầu, vệt lõm trên mặt cầu… Phải làm sạch những vết thương trước khi vá.
– Chào người anh hùng! Một giọng đàn ông hồ hởi vang lên.

Đoan ngửng phắt lên, thấy ông Liêm – Phó Chủ tịch xã Vọng Lạc đứng sừng sững trước mặt anh.

– Ô, chào chú Liêm. Chú đừng làm cháu tổn thọ chứ. Chú vi hành buổi sớm đấy à?
– Vi veo quái gì! Tao lên đây chơi với ông kỹ sư. Ông Liêm hất hàm về phía bức phù điêu đầu cầu. Mày có thuốc cho tao xin điếu.

Rít một hơi thuốc thật sâu, ông Liêm nheo nheo mắt bảo Đoan:

– Chú mày anh hùng thật đấy chứ! Thời buổi làm ăn như gió cuốn này, khó có chuyện một người tự nguyện bỏ việc riêng lo việc chung như chú mày. Nói trộm vía ông kỹ sư Lang sa, chú mày hạng cháu chắt nhưng về đạo nghề có thể sánh với ông ấy.
– Loanh quanh tranh giành nhau vì đồng tiền đến lúc thấy oải chú ạ, thấy mình cứ nghèo đi – Đoan cũng tự châm một điếu thuốc. Cháu thấy mình yêu quý nghề xây dựng, mà không sống chết vì nó thì phí đời quá. Mình phải dành bản thân mình ra, không vội vàng, để làm một cái gì đó, có ý nghĩa. Rồi cháu quyết định, sẽ bảo vệ cây cầu Gon này, bằng cả lẽ sống của mình.
– Động vào cầu không dễ, mày nên cẩn thận. Sinh nghề tử nghiệp. Cầu Gon nó sống, nó có tâm sự riêng, có quá khứ, mày phải hiểu quá khứ của nó thì mới mong tạo tương lai cho nó. Mà này, tao đã đọc kỹ công trình nghiên cứu về vật liệu xây cầu Gon của mày. Tao vẫn đặt câu hỏi về một trong những loại vật liệu ấy…
– Trứng tươi chứ gì? Đoan cười hỏi.

Ông Liêm trầm ngâm:

– Mới nghe tưởng chẳng liên quan, cứ như trò đùa, một loại thực phẩm sống sít, với vật liệu xây dựng thô ráp, khô khốc. Tao chịu chú mày đấy!
– Thì chất liệu gắn mái ngói ở Hội An cũng có mật đấy thôi. Chú hãy đợi kết quả!
– Được, mày cứ thí điểm, vì đấy là chuyên môn của mày, nếu kết quả tốt, tao sẽ hô hào dân hai làng Kèo, Gôm góp trứng sống cho mày, khỏe re!

*        *        *

Dần lẩn quẩn đi trong dãy phố chìm trong ánh đèn xanh ma quái. Ngay cả gương mặt chàng cũng có màu xanh kỳ dị, với hai hốc mắt trũng hoáy vì mong nhớ. Chàng cứ loay hoay giữa đường phố hẹp, với mỗi khung cửa đều treo một ngọn đèn xanh tỏa sáng qua lớp lụa bọc đèn mỏng, làm ánh sáng nhũn ra. Lối đi lát đá lồi lõm, phố dốc như trèo lên đồi, và luôn thình lình có một cái nhà chặn trước mắt như muốn ta đập đầu vào nếu không chú ý nhìn đường, rẽ trái, ngoặt phải không biết bao lần, nó cứ dốc lên, như muốn kéo ngược bàn chân lên trên khiến người ta lộn tùng phèo. Ánh mắt Dần không bỏ qua bất cứ bóng nào lướt qua, dù nó mờ mịt nhất. Chàng cứ nhìn thẳng vào mặt, xem có phải là Hòe không. Lẽ ra nàng phải đến với chàng lâu rồi. Lúc này chàng lại thấy chộn rộn không yên, phải chăng Hòe đã quyết tâm đến với chàng?

– Đi đâu? Một trong hai gã gác cổng lên cầu, tay cầm mác thép, mặt mất dạng trong cái áo mũ trùm đầu lạnh lùng ngăn chàng lại.
– Lên trên cầu Gon – Chàng nói.
– Nhớ mang theo xuống đây một mạng khi trở về. Nếu không thì cứ ở luôn trên ấy. Gã gác cổng nói, tiếng thoát ra như một làn gió mảnh lạnh lẽo không mùi vị.

Cánh cửa đá mở ra không một tiếng động. Dần lặng lẽ đi qua, những bậc đá dẫn lên cầu Gon cứ ấm dần theo mỗi bước chân chàng. Lên đến cầu, chàng đứng dựa vào thành cầu, im lìm như gỗ đá, chỉ có cánh mũi chàng khẽ động đậy. Cứ như hàng thế kỷ đã trôi qua lòng cầu này, trong ánh đèn vàng vọt tỏa ra từ đầu cầu, trong cái bóng đen kịt của chàng giữa cầu. “Hòe ơi!” Chàng cất tiếng. Nó tan vào gió, vi vút hút qua cầu. Chàng vẫn đợi, đợi mãi, đêm sẽ không đi qua nổi nếu Hòe không đến, và chàng thì sẽ không thể về thế giới bên kia được nữa. Kia rồi, tiếng động cơ xe máy òa đến cùng lúc với mùi da thịt phụ nữ. Một cô gái trẻ phóng xe máy qua cầu Gon. Đêm rung rinh trên cầu. Cô gái ngửa mặt hưởng gió. Đến giữa cầu Gon, xe xịch xịch vài tiếng rời rạc rồi lại câm lặng. Cô gạt cần đạp nổ, nó cứng đơ làm chân cô trượt ra. Cô vã mồ hôi lạnh. Dần nhẹ bước tới, đề nghị giúp cô. Cô nhìn chàng e ngại, từ chối và tự mình đẩy xe qua cầu. Cái xe thì nặng như núi đá, mà cầu thì cứ dài ra mãi, cô không sao đẩy xe tới đầu cầu làng Kèo được. Cô đẩy xe mãi, phì phò thở, hơi bốc trắng lòng cầu, vẫn chẳng thấy đầu cầu đâu, kỳ quặc.

Chàng lại xuất hiện bên cô, ngỏ ý giúp. Chàng chỉ cho cô một lối rẽ ngang cầu, ở đó có dốc đi xuống, và có tiệm sửa xe. Cô mệt đến nỗi không còn kịp nhìn rõ mặt chàng. Cô đồng ý. Chàng chạm tay vào yên xe, chiếc xe nhẹ bỗng, trôi đi. Họ cùng rẽ xuống sông Gon.

*        *        *

Trăng nhợt nhạt buông xuống sân vườn. Đoan vừa hút thuốc vặt vừa đi loanh quanh trong sân. Ngày hôm nay anh đã trộn nguyên liệu và cho công nhân vá thử những vết thương nhỏ trên thành cầu và mặt cầu. Anh cho thợ nghỉ chín ngày, để chờ đợi kết quả thí nghiệm. Cả ngày làm việc hào hứng, anh không hề nghĩ đến Chi một phút nào. Đêm về, anh chợt nghĩ sao cô không gọi điện. Phải chăng cô còn chưa quyết định về “nó”.

Sương xuống lành lạnh. Đoan trở vào nhà. Bà họ anh đã lên giường từ lúc nào rồi. Thời điểm này trong làng bớt dùng điện, nên dòng điện mạnh hơn, đèn sáng choang. Đoan chợt muốn ngắm bức ảnh cũ của gia đình trong ánh sáng mạnh hơn này. Anh tiến gần bức ảnh và chợt sững lại. Nó lạ hoắc, như bị thay đổi một cái gì. Anh giụi mắt nhìn thật kỹ. Không có ông trẻ Dần trong bức ảnh. Đoan nhìn đi nhìn lại, anh đưa tay sờ lên khoảng trống chỗ lẽ ra có mặt ông Dần trong bức ảnh, mặt kính lạnh lẽo. Đoan rụt tay lại. Vô lý hết sức. Anh định gọi bà họ dậy để hỏi bà, bảo bà xem lại bức ảnh cùng anh, nhưng có thể bà sẽ sợ và nói năng lảm nhảm. Anh lại thôi. Chợt nghĩ ra, anh rút điện thoại di động, chụp lại bức ảnh ba lần. Sau đó, anh xem lại ảnh chụp trong điện thoại di động. Vẫn không có mặt ông trẻ Dần trong tấm hình. Anh băn khoăn đứng giữa bức ảnh treo trên tường và cái điện thoại di động. Điều này có thể giải thích như thế nào đây?

Thôi mặc kệ, để đến mai đã. Anh tắt điện thoại và lên giường. Lúc giắt màn, anh lẩn thẩn nghĩ, nhỡ đâu Chi gọi điện cho anh ban đêm. Nhưng anh quyết định không bật điện thoại di động lên nữa, và nhắm mắt.

Cả ngày mệt mỏi với việc kiểm tra vật liệu, kỹ thuật vá lại cầu, Đoan dễ dàng bị giấc ngủ kéo đi. Nhưng chẳng bao lâu, anh thấy mình vật lộn với hơi thở. Có cảm giác phổi anh bị bó chặt lại, cứng như đá, không khí không thể vào được, anh cố hết sức để hít vào nhưng không nổi. Anh bừng tỉnh và phát hiện ra lỗ mũi trái bị tắc hoàn toàn, anh bị lạnh, hắt hơi mấy cái. Đèn vẫn sáng choang.

– Đi ngủ rồi thì tắt điện đi cháu! Tiếng bà họ lợt lạt từ góc nhà phía đối diện vọng sang.

Đoan với tay về phía công tắc đèn treo lủng lẳng ở đầu dây sát bên tường, tắt đèn. Anh cố không nhìn về phía bức ảnh treo tường. Để đến mai đã. Anh vớ cái chăn đơn mỏng ở cuối giường, quấn kín từ đầu đến chân, ngủ tiếp.

Hôm sau Đoan dậy muộn. Lúc mở mắt, anh đã thấy nắng vàng rực rỡ ngoài hiên nhà. Một chùm nắng còn xiên thẳng lên tấm chăn đơn màu gụ anh quấn quanh người. Đoan ngáp, thò tay quệt nước mắt ứa ra sau cái ngáp dài, định thần nhớ lại. Anh ngồi nhổm dậy, nhìn bức ảnh treo tường, bức ảnh trông bình thường, không có gì thay đổi. Anh bước ra khỏi giường, lại gần bức ảnh. Gương mặt ông trẻ Dần trong bức ảnh trông vẫn ma mị với đôi mắt sâu hoắm, ánh tia nhìn tinh quái. Anh chớp mắt nhìn lại, vẫn thế. Đoan quay nhanh lại giường, tìm điện thoại di động. Anh ấn nút khởi động mở máy, xem lại những bức ảnh chụp hôm qua. Trong ba bức ảnh chụp lại đêm qua, vẫn hiện rõ mặt ông trẻ Dần. “Chắc mình bị quáng!”. Đoan thầm nghĩ. Anh quyết định không nói lại chuyện này với bà họ. Anh nhìn đồng hồ, đã gần chín giờ sáng. “Nhưng đêm qua, ông trẻ Dần đã không ở trong bức ảnh. Ông đã đi đâu???” Đoan cố xóa câu hỏi lởn vởn này trong đầu.

Anh lững thững đi bộ ra cầu Gon định kiểm tra những vết vá hôm qua. Chưa đến bờ sông, anh đã thấy người làng Gôm xôn xao kéo về phía cầu. Bọn trẻ con thậm chí còn chạy.

– Có chuyện gì vậy bác?! Đoan vừa hỏi vừa rảo bước lên kịp một người đàn ông lùn tịt, mặt quân phục cũ, cũng đang nhao người về phía cầu Gon.
– Ma ông Dần lại vời gái làng Kèo xuống sông. Tôi vừa nghe láo nháo thế, đang chạy ra đấy xem thế nào.

Ông vừa đi, vừa liếc nhìn Đoan từ đầu tới chân, giọng nói vừa có vẻ sợ hãi, lại vừa háo hức theo cái kiểu hóng tai họa của người khác.

Đoan chột dạ chựng lại “Không xong rồi”. Dẫu sao anh cũng phải chạy ngay ra cầu cái đã.

Cây cầu đông nghẹt người, họ xéo cả lên vế vá non của đội công nhân do Đoan phụ trách thử nghiệm hôm qua. Lằn dây chắn cảnh báo vết vá cũng bị xô đổ, dẫm lên. Dân hai làng xô lại từ hai đầu cầu, bao vây chiếc xe máy Wave Thái dựng nghiêng trên lòng cầu. Thế là rõ, nạn nhân mới của ma ông Dần là cô Thanh, đêm qua đi xe máy từ thị xã về làng… Oái oăm thay, cô Thanh lại là cháu gọi ông Liêm, Phó Chủ tịch xã Vọng Lạc, là cậu ruột. Ông Liêm lúc này cũng đang đứng gần chiếc xe máy, chỉ đạo thuyền dân quân tìm xác cô Thanh dọc sông Gon. Thấy Đoan, ông nhìn xoáy vào anh, như muốn bảo: “Gay thật chú mày ạ! Thế quái nào lại rơi vào cháu tao. Cả họ sẽ banh xác tao ra”.

– Không đụng được vào cầu Gon đâu!
– Cúng bái thế nào không biết!
– Đụng chạm gì đến thần sông rồi, ngài phạt đấy!
– Chỉ tại cái dòng giống nhà ấy. Tai họa!
– Cấm tiệt nó đi, không sửa sang gì hết!

Những tiếng xôn xao của người làng bủa vây Đoan. Những ánh mắt xa lạ thiêu đốt. Tiếng khóc ai oán rải xuống mặt sông. Dưới sông, thuyền to thuyền nhỏ hối hả kiếm tìm sục sạo, nước sông vẩn sục lên, tuyệt không thấy xác cô Thanh. Tìm thì cứ tìm cho phải phép, chứ dân hai làng chẳng hy vọng thấy xác cô. Họ quá hiểu việc bị ma ông Dần bắt là thế nào. Ai đó tuyệt vọng đã mang đến đoạn thân chuối tươi, đốt nắm nhang cắm lên đó, đặt bên thành cầu Gon. Khói nhang lan theo gió sông, tăng thêm vẻ bi ai cho khung cảnh dòng sông trưa hôm ấy. Dù rất vô lý, nhưng Đoan thấy như mình là thủ phạm gián tiếp trong vụ này. Cảm giác tội lỗi, sự ưu tư, những băn khoăn đè nặng lòng anh.

*        *        *

Đoan trầm ngâm đứng trước bức ảnh gia đình cụ tổ anh, cảm giác bất an. Đã một tháng chín ngày trôi qua, kể từ hôm cô Thanh bị sông Gon nuốt chửng, Đoan chưa thể tiếp tục công việc của anh với cầu Gon. Dẫu vẫn tự biết, rằng thành công chỉ đến với những ai biết chờ đợi, nhưng Đoan bắt đầu đếm từng ngày chờ đợi của mình, và suy tính những phương án khác nhau để xử lý. Đấu trí với cõi tâm linh cần những năng lực khác với cõi người. Đoan có thể không có năng lực đó, nhưng anh hoàn toàn có thể thuê. Nghĩ đến đó, anh buột thở ra nhẹ nhõm.

– Này cháu, bà họ đứng sau lưng Đoan tự bao giờ, chợt lên tiếng, cháu nghe bà đi, treo lại bức ảnh tai ương này vào chỗ cũ trong buồng các cụ. Cháu để nó ở đây, bà khó ngủ lắm.
– Vâng, cháu theo ý bà vậy. Đoan đáp.
– Cứ thuận theo ý trời là hơn cháu ạ.

Đoan mở cửa buồng các cụ, đem bức ảnh treo lại chỗ cũ. Anh chỉnh ảnh trên tường cho cân đối. Mắt anh va phải mắt của ông trẻ Dần, anh bỗng mím chặt môi, tay tóm chặt khung cảnh. Phải đến nửa phút mắt đối mắt như thế, người Đoan nóng phừng lên, rồi dần dịu lại, anh buông bức ảnh, bước ra ngoài. Gió len lén mang đến mùi nhang bà họ anh thắp lên ban thờ gian giữa, phía đầu hồi, những nụ cau rơi thậm thột, ngoài sân, gió vun đám lá nhãn héo thâm về một góc chân bể nước đầy rêu hanh vàng. Đoan bỗng nhớ Chi quay quắt. Anh rút điện thoại, nhắn tin cho cô: “Em bận không? Về quê chơi với anh?” Sao anh không dám gọi điện mà lại nhắn tin? Năm phút sau không thấy cô nhắn lại, anh mở cổng, định bụng đi bộ tới Ủy ban xã Vọng Lạc.

Văn phòng Ủy ban vắng ngơ vắng ngắt, ông Liêm ngồi sau cái bàn đầy ngộn những tờ báo tỉnh cả cũ lẫn mới và giấy tờ, bao thư, file nhựa phủ bụi. Bộ salon gụ lên nước bóng nhoáng, trên mặt bàn chi chít vệt nước chè loang lổ…

– Chè hay cà phê? Ông hất hàm phía Đoan.
– Chè thôi chú ạ. Món cà phê uống ở thành phố hợp hơn.

Cái ấm sứt vòi làm nước cứ xóe ra mặt bàn, ông Liêm rót được một tý thì vòi tắc, ông ghé miệng thổi phéo vào đầu vòi, rồi nghiêng ấm rót tiếp.

– Chú mày sốt ruột rồi phỏng? Ông Liêm hớp ngụm chè, lé mắt nhìn Đoan. Ở quê này mà ăn không ngồi rồi thì chán bỏ mẹ!
– Vâng, cháu vẫn biết là phải chờ đợi. Đoan chậm rãi nói.
– Tao cũng xót con Thanh quá, gái hơ hớ hai chục tuổi đầu, cả chưa biết mùi giai. Với lại dân làng kéo lên xã phản đối ghê quá, có cả thư gửi Chủ tịch kia kìa! Ông Liêm vung tay chỉ đống vỏ thư trên bàn mình.
– Cháu không định giục chú đâu. Đoan phân trần.
– Chú mày giục thế đếch nào được tao. Ông Liêm nheo mắt. Cái chính là tao đang nghĩ, chuyện cái Thanh ấy. Chú mày giải thích làm sao?
– Cháu không nghĩ đó là chuyện ngẫu nhiên. Ông Dần cháu hẳn vẫn còn một mối hận ở cõi này. Nếu không tìm được bà Hòe cho ông, thì ông vẫn không nguôi đi được.
– Thì “hình nhân thế mạng” thôi chứ gì, cách ấy đâu khó. Ông Liêm ủ chén trà nóng trong lòng bàn tay, hai đầu gối rung rung.
– Vâng. Thỉnh ý chú, còn các bác bên Ủy ban, còn dân hai làng thì sao? Đoan nhìn ông Liêm hy vọng.
– Các ông xã thì cứ thế này là xong – ông Liêm xoe xoe  hai ngón cái, ngón trỏ vào nhau, mắt nháy nháy. – Còn dân hai làng, chú mày tổ chức mời  một thày cúng có thương hiệu về làng, lu loa lên một lễ cúng thật uỳnh oàng, mời cỗ cả hai làng, tốn kém tý. Chè no rượu say là họ ừ tất.
– Tốn kém thì cháu không ngại mấy. Đoan trầm tư nói – Nhưng chú có thấy yên tâm thật không?
– Yên tâm thế đếch nào được – Ông Liêm bật cười, gãi mái đầu muối tiêu sồn sột – Còn sống thì còn phải chiến đấu, kể cả với ma quỷ. Làm thì cứ làm thôi, chú mày ạ. Tao cũng muốn thử xem lần này thì ma ông Dần với thần sông Gon sẽ làm thế nào.
– Chú máu chiến thật, cháu phục chú! Đoan rạng ngời nét mặt.
– Đàn ông đàn ang thì phải thế chứ! Phải “sống không sợ hãi”. Tao làm đến vị trí này ở xã không dễ đâu. Tao nghiệm ra là đếch bao giờ sống yên ổn được, nên tao cứ gáy kho kho trên dư luận. Chỉ bao giờ mặc áo sáu tấm thì chấp nhận yên ổn.

Đoan mừng quá, như gặp tri kỷ. Anh không nói được gì, bước ngang qua bàn, ôm chầm lấy ông Liêm.

*        *        *

Phải mất hơn tháng trời nữa trôi qua, Đoan mới chuẩn bị xong ngày lễ sông Gon, 9 bò cái, 49 lợn cái, 99 gà mái tơ đẹp nõn được sắm về tế lễ. Chân cầu đều được dán bùa hồng, thành cầu trang trí cờ giấy vàng rực rỡ. Hoa chuối non dựng dọc hai bên lòng cầu. Giữa cầu là hình cô Hòe bằng giấy bồi, mặt hoa da phấn. Dưới sông neo một bè thân chuối cắm hương khói bốc nghi ngút, đánh dấu thủy mộ chung cho những người bỏ mạng tại khúc sông này. Khói nhang mặt sông bay lên, khói nhang trên cầu lan tỏa, hòa cùng sương mây cuối đông mờ mịt khiến cầu Gon như chiếc thuyền bay trong làn mây. Gã thầy cúng trùm bộ áo lễ vàng nghệ viền tay áo, vạt áo màu đỏ, một tay dựng ngang ngực, một tay vung vẩy nắm hương lúc chĩa lên trời, lúc chúc xuống sông. Lát sau, gã dốc chậu tiết hòa chung dòng máu của ba loài vật xuống dòng Gon. Vàng mã, hình nhân được hóa ngay giữa cầu. Gã thầy cúng mở chai rượu trắng, vẩy vào đống tro than vừa hóa, rồi cẩn thận bốc một nắm tro, vung xuống lòng sông.

Đoan mặc bộ đồ đen, đứng gần đống tro tàn, hai tay chắp lại thành kính. Hai mắt nhắm lại, cố tập trung vào ý nghĩ cầu cho những oan hồn được siêu thoát nơi đây. Nhưng lát sau, ý nghĩ của anh đã trôi về phía Chi. Kể từ buổi nói chuyện với anh qua điện thoại, thông tin về sự xuất hiện không mong đợi của “nó” thì Chi hầu như không muốn nói chuyện với anh nữa. Có một lần, anh liên tiếp gọi ba cuộc điện thoại, thì nhận được tin nhắn cụt lủn của cô “Em đang họp”. Cả anh, cả cô, không ai nhắc lại về “nó” một lần nào nữa. Giờ đây anh chợt băn khoăn: “Cô đã làm gì với “nó”? Ờ, mà vì lý gì anh lại băn khoăn việc ấy, anh bắt đầu xa rời quan điểm của chính mình chăng?

– Đoan này – ông Liêm đập bộp vào vai Đoan – Chú mày thắp thêm tuần nhang nữa cho ông kỹ sư rồi ta kết thúc buổi lễ.

Đoan mở bừng mắt. Những người dân chen chúc nhau xem lễ đang tản dần về làng. Họ hướng về những mâm cỗ ú ụ thức ăn nóng sốt, ngập ngụa thịt thà đang chờ đợi những cái miệng tham lam nghiến ngấu, và rượu quốc lủi sẽ ngập tràn, ngập tràn núi sông. Dân hai làng sẽ chìm trong một cơn say rượu thịt chưa từng có, phút chốc cho qua mọi cừu hận, oan trái, tai ương và những lo lắng thiếu thốn bất tận.

Cây cầu khẽ rung rinh theo những bước chân rầm rập thịt rượu cuốn về hai đầu cầu. Họ trả giá cho bữa thịt rượu bằng những cái gật đầu. Đoan sẽ được phép tiếp tục sửa cầu. Anh bước chậm rãi theo dân làng, chú ý nhìn những vết vá đầu tiên, chúng lồi lõm do những vết chân, vết xe ẩu đả nghiến lên, nhưng chúng bám chặt vào thân thể cầu, như máu thịt. Đoan khẽ mỉm cười, lòng lâng lâng. Anh hít sâu để tận hưởng cảm giác hạnh phúc bay bổng khó có này. Anh dừng lại trước bức điêu khắc ông kỹ sư người Pháp, hai tay đặt lên vai ông. Anh chỉ có thể sẻ chia hạnh phúc này với ông mà thôi. Cả hai cùng mỉm cười. Cầu Gon sẽ tiếp tục sống, mạnh mẽ.

*        *        *

Đoan ngật ngưỡng chân nam đá chân chiêu trên lối ngõ về nhà. Những viên đá xanh lát ngõ nhô lên, nhưng khi anh đặt chân thì chúng thụt xuống như trêu ngươi, khiến anh chúi về phía trước, suýt ngã. Anh cứ liêu xiêu nghiêng ngả trên đường như làm trò hề, mãi không về được tới nhà, nhưng chẳng có ai đỡ anh, dìu anh về nhà. Những người đàn bà, con gái ít say hơn thì còn bận việc  dìu chồng, em trai, bố… họ về nhà. Đoan vừa đi vừa ngủ, chút lý trí còn sót lại đánh vật với con ma men trong anh. Anh thấy xung quanh anh, dưới bóng trăng non nhợt nhạt, những cái bóng xô lệch ngố hơn cả anh. Anh bỗng bật cười, dựa lưng vào cây duối, thở và ngáy rất to. Một con hổ mang bành trườn từ ngọn cây duối xuống, nhòm vào mặt anh, đung đưa. Anh chợt tỉnh, né ra khỏi cây duối, chạy điên đảo về cổng nhà mình.

Đoan nhắm trúng cái phản gỗ góc nhà, vật người xuống, thở phì phò, phun hơi rượu đầy gian nhà. Hai mí mắt lập tức ập lại, khép chặt, anh không kịp cởi giày.

– Đoan ơi, cháu ơi. Bà họ lay lay vai anh.

Đoan không hé mắt, chỉ lật nghiêng người, thục hai tay kẹp vào giữa đùi, lầu bầu:

– Bà để cháu ngủ tý đã!
– Nhưng mà cái Chi đâu rồi cháu? Bà họ vẫn không tha, tiếp tục lay vai anh.
– Cháu biết đâu, Chi chiếc gì!
– Cháu không gặp nó à? Quái, nó chạy ra cầu Gon tìm cháu mà!
– Cái gì? Đoan ngồi bật dậy.

Bà họ giải thích:

– Chi nó ở thành phố về, chờ cháu từ hồi chiều. Đến tối không thấy cháu về, nó bảo đi tìm cháu. Bà không cho đi, nhưng nó bảo nhất định là cháu ở cầu Gon, muốn ra đấy lôi cháu về.

– Ối giời ơi! Đoan chỉ thốt lên được có thế.

Anh đứng dậy, né bà họ, chạy thẳng ra cổng, hướng về phía cầu Gon. Lối ngõ lát đá cứ dựng đứng lên, đập vào mặt anh, anh đau choáng váng. Nhà cửa, cây cối chung chiêng trước mặt Đoan. Những cú va đau điếng vào trán khiến hai mắt anh tóe ra những quầng sáng ma quái. Anh thấy Chi của anh, và “nó” nhu nhú trong bụng Chi, đang đứng chơ vơ lạnh lẽo trên cầu Gon, vô vọng gọi “Đoan ơi! Đoan hời!”. Rồi anh thấy chính anh, nằm ngửa trôi trên mặt sông Gon, trôi qua gầm cầu. Chi chợt nhìn thấy anh, cô lao xuống với anh. Sức nặng của cô làm anh chìm xuống nước. Nước sông Gon ào vào người anh từ các lỗ mũi, tai, miệng. Người anh trương phình lên, sắp vỡ đến nơi, anh cố vẫy vùng để tìm Chi, anh tóm được cô thì người cô trơn như lươn, chuội ra. Anh và cô không thể chết như thế này được. Anh thu hết sức, hét lên: “Chi ơi, anh yêu em!”.

Sau tiếng hét ấy, nước sông không đè nặng lên anh nữa, anh nổi phềnh lên như một cái phao. Chi túm lấy anh. Họ cố chống chọi với dòng nước chảy xiết. Nhưng có một sức hút lạ kỳ, Đoan ngẩng mặt nhìn lên cầu Gon. Anh thấy ông kỹ sư đứng tựa thành cầu, cúi mặt xuống sông Gon. Ông thò tay xuống đón anh, cánh tay ông vươn dài kỳ lạ, đón hai người trẻ đang vẫy vùng trong hy vọng, ông kéo họ lên khỏi dòng nước, đặt họ vào lòng cầu. Ông lần lượt bắt tay họ rồi tan vào cầu Gon. Cả Đoan lẫn Chi ướt rượi, nhỏ tong tỏng nước xuống lòng cầu. Đoan khẽ khàng ôm lấy Chi. Anh nghe tiếng tim cô đập ấm áp. Quái lạ, sao tim cô lại đập ở dưới bụng. Anh đưa tay xuống bụng cô, chợt ngỡ ra: “À, thì ra là “nó””. Anh quỳ xuống, hôn lên bụng cô. “Nó” vẫn ở đó. Anh ở đó. Họ cùng hiện hữu, nơi cầu Gon này.

K.B.H


Liên hệ tác giả:
Kiều Thị Bích Hậu, số nhà 37 ngõ 1 Thọ Lão, Hà Nội.
ĐT: 0947 358 999
Email: [email protected]

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây