Theo dấu loa kèn – Tập truyện ngắn của Nhà văn Kiều Bích Hậu – Kỳ 4

Theo dấu loa kèn - Tập truyện ngắn của Nhà văn Kiều Bích Hậu - Kỳ 4

Truyện ngắn

Theo dấu loa kèn

 

Lạc loài

Tác giả: Kiều Bích Hậu

Thành phố Brno đón nó bằng một ngày ngập tuyết. Nó bốc tuyết bỏ vào mồm, chẹp chẹp, tê đầu lưỡi, mặc kệ những người xung quanh nhìn nó nghi ngại. Nó phóng mắt ra xung quanh, tuyết đầy ứ hự, trắng mênh mông và đe doạ, như muốn dồn đến tận mắt nó. Nó giơ chân đá tung một cụm tuyết, định há miệng kêu a ha, nhưng e lưỡi đông cứng mất nên thôi. Thế là nó đã cách xa nước Việt tới hơn ba chục thập kỷ! Nó phải biết, một cuộc sống cách xa ba chục thập kỷ thì ra sao.

Hẳn nhiên là rất khác với cuộc sống ở nửa bên kia trái đất.

Trong nhà máy thực phẩm, nó mặc đồng phục trắng toát, đeo khẩu trang, mũ trùm kín tóc, tay đeo găng. Trước mặt nó là khay Inox sáng loáng, những con gà béo căng trụi lông, không cổ không chân nằm chềnh ềnh, bụng phanh toang hoác. Nó khéo léo lách con dao bén, tách đùi và cánh ra khỏi mình gà. Bàn tay đeo găng điều khiển con dao chính xác và dứt khoát như một bác sỹ phẫu thuật lành nghề. Trong đôi găng cao su, là bàn tay của nó, từng cộm lên những nốt chai, cả mùa đông cùng U nó tát bòn ao mương cạn, xắn bùn bắt chạch, những ngón tay đầy sẹo, móng tay vẹo vọ vì xắn phải mảnh sành, toé máu. Còng lưng tát nước, cắm mặt xuống bùn cả ngày, được mớ chạch còi bán lấy mươi ngàn, có hôm ế chẳng ai mua thì đem mớ chạch về U con kho ăn vậy.

Nó sinh ra ở đồng bằng, đất pha cát màu mỡ, khoai lúa lũ lĩ bốn mùa. Đàn ông cày ruộng xong đánh bạn với điếu cày và cút rượu. Đàn bà cấy hái ruộng vườn, củi lửa, sinh con đẻ cái. Đàn ông rượu vào rửng mỡ thì tìm gái chim chuột. Đàn bà bán được dăm tạ thóc, thúng khoai thì mua đồng cân vàng về xỏ tai lủng lẳng. Hạnh phúc chả được bi nhiêu thì cha nó thương người đàn bà khác, đẹp hơn U nó. Từ lâu rồi cha nó vẫn chê U nó xấu. Da U đen, tóc khô, mặt bèn bẹt, mắt lác xệch xạc. U biết mình kém sắc, thì cố tìm cách thu vén đẹp đẽ nhà cửa, nấu nướng ngon ngọt, lời ăn tiếng nói khéo, chiều chuộng chồng hết mực. Nhưng sự hiểu biết, khôn ngoan thì với thời gian U có thể học được, còn nhan sắc thì học mãi cũng chẳng có nổi.

Mẹ cú con tiên. U sinh ra nó đẹp đẽ cũng chẳng làm cha mủi lòng. U chọn cách bồng nó ra đi. U chẳng thiết nhà, thiết vườn nơi cũ, vì yên tâm đã có nó là của để dành của U. Đôn một gò đất, ghé một nếp nhà tranh mong manh nơi góc ruộng, hai U con nó đùm nhau đắp đổi qua ngày. Ba sào đất trong tay U nó không bao giờ được nghỉ. Đất lành chịu vật lên vật xuống, đẻ khoai, đẻ lúa, đẻ rau nuôi hai U con. Năm học lớp mười, nó trổ mã lung linh. Cũng phải cảm ơn cha nó dành cho nó cái nhan sắc ấy. Đôi mắt lóng lánh như mắt bồ câu, vừa hiền lành, vừa ranh mãnh, mái tóc dày buộc vổng cao nhún nhảy, da đen giòn, căng mịn và thân hình rắn chắc, nhanh nhẹn như sóc.

Ngày nó thấy kinh lần đầu, U bảo: cái này là dấu hiệu con có thể có con, nếu con cùng với một người đàn ông. Đó là cái phúc của đàn bà. Con phải tìm bằng được cho mình một người đàn ông tử tế, dù rất khó. Con hãy đi thật xa, vì ở nơi đây U chỉ thấy cứ một trăm đàn ông thì có tới chín mươi chín thằng đểu và một thằng đần.

Nó chưa hiểu hết lời của U. Nó ghi lại vào một cuốn vở nhỏ, để đọc lại khi cần.

Lúc trước nó nghĩ rằng nó không cần đàn ông. Trong đời nó từng có người đàn ông khiến nó nhớ nhất, ấy là cha nó. Nhưng ông đã bỏ U con nó từ lâu, nên sau đó tình cảm nhạt dần, ông đã có hai đứa con mới, rồi nó thậm chí ghét ông. Còn bây giờ thì nó hiểu, rằng nếu nó muốn có con, giống như U nó và bao đàn bà khác, thì vẫn cần một đàn ông nào đó.

Nó mắc chứng ham đọc. Nhà khó chẳng có món nào dành cho sách báo, nên nó vớ được mẩu giấy nào có chữ là đọc nghiến ngấu. Có lần đến nhà bạn mượn vở về chép bài, nó buồn đi ị, bạn chỉ ra chuồng xí, nó ngồi lỳ ở đó gần hai tiếng đồng hồ, đọc hết mấy tờ báo xé dở giắt ở khe liếp làm giấy chùi thì lục đến những mẩu báo người ta chùi xong, vứt vào cái thúng bung cạp, nó vạch ra đọc kỳ hết mới mở cửa chuồng xí chui ra, quần áo, đầu tóc ám xịt mùi phân gio lưu cữu. Nó tiếc rẻ đống báo cũ dùng để chùi đít ở nhà bạn, xin về mấy tờ để dành đọc dần. Ở nhà nó, hai U con cứ đi đồng xong thì lấy nước rửa và dùng giẻ lau khô chứ đâu dám lấy báo cũ mà dùng!

Năm mười bảy tuổi, nó chuẩn bị vào lớp cuối bậc trung học thì một cơn bão ập đến, giật nó ra khỏi trường học. Nhà sập, U gãy chân, hoa màu mất sạch. Nó làm lụng quần quật mười tám tiếng mỗi ngày để dựng lại nếp nhà. Cấy thuê, mò ốc, bán rau, tối về thì cùng U ngồi thêu khăn tay. U gãy chân, bó bột ngồi một chỗ không làm gì khác được thì U may những chiếc khăn tay bằng vải phin trắng, thêu cành trúc và đôi chim hoà bình, bán cho những cô gái làng lấy vài đồng thêm thắt. Nhìn nó ngồi cắm cúi thêu bên ngọn đèn bão, U xót, U bảo: Con không đến trường học được thì tối học ở nhà, đừng thêu nữa.

U lôi ra những cuốn sách ố vàng, đưa nó, bảo rằng đây là sách cũ ông ngoại cho U. Nó lật giở se sẽ từng trang vì sợ giấy giòn vỡ. Những trang sách giúp nó tưởng tượng, và mơ tới một cuộc đời khác.

U bảo: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết là sống!”. Chỉ có hiểu biết mới giúp U con ta vượt qua. Nó nghe U, đọc đến khi mắt cứng đờ ra thì chui vào màn. Thấy mẩu giấy nào có chữ thì nó vồ lấy đọc. Vớ được mẩu giấy trắng nào thì nó ghi chi chít những điều nó tâm đắc, những kinh nghiệm nó học được từ công việc hàng ngày rồi cất cẩn thận vào một cái hòm tôn.

Nó làm khoẻ, mà ăn càng khoẻ. Con gái gì mà ăn bốn bát cơm tú hụ còn thèm. U nó thì giả vờ đầy bụng, khó ăn, nó một tay giữ quai nồi gang, tay kia giữ chắc cái thìa nhôm, nạo đến miếng cháy cuối cùng, nhai rau ráu sướng miệng! Nó vừa nhai miếng cháy, vừa mơ tới một ngày nó cưới được tấm chồng khá, U con nó được ở nhà xây thoáng mát, chồng nó có xe máy chở nó vèo vèo quanh làng!

* * *

Nó xắt một lát gừng, xoa khắp hai bàn chân. Những củ gừng tươi nó mang từ Việt Nam sang châu Âu xa xôi. Nó giơ chân lên mũi hít hà. Mùi gừng tươi làm nó nhớ những buổi lội ao mò ốc, nước thì lạnh mà đỉa thì đói, cuối buổi cắp rá ốc lưng lửng về nhà, môi nó thâm như miếng thịt trâu, bắp chân ròng ròng những vệt máu chảy từ miệng đỉa cắn. Bán vội cho chị Tý lấy mười đồng, thế là sướng. Có hôm chị Tý chê ốc gầy không mua, thì nó mang về nhà luộc lá chanh lá gừng, chấm mắm ớt gừng, ngon xoắn lưỡi! Cũng sướng!

Nó xỏ tới hai lớp tất chân, đi đôi bốt cao đến gối, khoác chiếc áo dày nhất,  khoác túi vải, chụp mũ lông rồi bước ra phố. Tuyết ngập ngang bụng chân, cái lạnh ngấm từ từ. Nó đứng nơi góc phố, dưới ngọn đèn đường trong đêm, hai tay phất hai túm khăn mùi soa thêu. Những chiếc khăn vải phin trắng có thêu cành trúc, đôi chim hoà bình và hai chữ Việt Nam nắn nót. U dặn nó: Khăn thêu đem bán ở nước ngoài phải có thêu hai chữ Việt Nam mới quý.

Nó vẫy tay, nó cười, môi má nứt toác tứa máu vì lạnh. Nó tiết kiệm tối đa, không chịu mua kem dưỡng da để chống nứt nẻ mùa lạnh xứ tuyết. Nó dầm mình trong tuyết, đôi lúc nhảy choi choi cho đỡ lạnh. Cô bạn người Campuchia đứng bên cạnh bán áo phông in hình chùa tháp chán nản ho húng hắng. Có vài cái ô tô đỗ xịch lại, tưởng hai cô cave định bế lên xe, nhưng thấy hai cô chỉ mời chào mua khăn, mua áo bằng thứ tiếng Séc bập bẹ, thì lại sập cửa vụt đi!

Cô bạn Campuchia tuyệt vọng bỏ về. Nó vẫn nán lại, đêm càng khuya càng lạnh, nó đoán đã xuống hai mươi độ âm. Nó vừa vẫy khăn vừa chạy tới lui để chống đông máu, bàn chân không còn cảm giác, trông nó rất kỳ cục, nhưng chưa bán được khăn thì chưa về, dù có phải dầm trong tuyết suốt đêm. Một phụ nữ to béo tò mò dừng lại, xem khăn của nó, rồi nhìn mặt nó. Bà ta thấy nó còn thú vị hơn cả khăn nó bán. Trả cho nó vài đồng curon lẻ, cầm hai cái khăn rồi bà ta bước đi, nét mặt băn khoăn!

“Miluji te!” * Nó hét với theo bà ta, lòng rộn ràng sung sướng.

“Ta sẽ thắng họ vì ta giỏi chịu đựng. U ơi, U đã bảo rằng không dân tộc nào chịu đựng giỏi bằng dân tộc Việt Nam, U nhỉ! Con gái U không chịu thua tuyết giá đâu!”

Nó ăn uống đủ để giữ sức khoẻ, tiết kiệm chi tiêu tối đa, chỉ mua thêm băng vệ sinh và xà phòng, tiền lương ở nhà máy thực phẩm và tiền bán khăn thêu nó gửi về nhà cho U.

Nhất định U phải có tiền mua được ngôi nhà nhỏ ở quê, để yên ấm tuổi già của U!

Giấc mơ khi ngồi nhai miếng cháy cuối cùng cạy ở đáy nồi của nó vỡ tan khi ba sào ruộng của U con nó rơi vào vùng quy hoạch làm nhà máy. Cầm hơn bảy chục triệu đồng tiền bù đất, nó bảo U gửi ngay tiết kiệm để phòng thân và lo chuyện lớn. Hai U con ở tạm nhà bác họ đằng ngoại, nửa ngày làm thuê cho bác để trả tiền nhà, nửa ngày công đổi lấy tiền ăn. Rồi ruộng của bác cũng không giữ được, hai mẹ con hết việc, chẳng ai thuê, lần mò khắp các ao làng làm cua ốc cũng hết dần. Mẹ tính toán, rút ra hơn chục triệu đồng, lo lót xin cho nó vào một nhà máy may, lương một triệu đồng một tháng. Nó cun cút đi làm, cắm mặt vào một đường may lượn nách duy nhất, tai ù đặc vì cái loa to tướng ở góc phân xưởng phát đi phát lại một bài hát tiết tấu nhanh, mạnh nhằm kích thích công nhân làm việc nhanh hơn.

Một công nhân trẻ làm ở nhà máy Inox bên cạnh nhà máy may thích nó. Anh ta thấy gương mặt dễ coi, lanh lợi và cơ thể non tơ của nó. Còn nó chỉ thấy anh ta có một cái xe đạp, một công việc được trả công hơn triệu đồng và chẳng có một tương lai nào khác. Lấy anh ta ư, và đẻ ra một lũ con nheo nhóc, và tối ngày quanh quẩn lo lắng cái ăn, rồi anh ta sẽ lại đánh bạn với rượu, với điếu cày, sẽ hôi rình, và không đưa về cho vợ đồng nào nữa! Bắt đầu chuỗi ngày cãi vã, đánh chửi nhau. Thế là hết!

Nó chẳng thèm lao đầu vào cái tương lai tắc tị và tối mò ấy!

Nó để mắt tới một gã đàn ông khác. Gã này cứng tuổi hơn, nhưng gã có một cơ nghiệp. Gã có một xe tải chở hàng Nam Bắc, gã làm chủ rồi, tiền tỷ chắc cũng có! Nếu nó gật đầu, nó sẽ là chủ cơ nghiệp của gã! Nó sẽ thoát khỏi đường may nách tẻ nhạt. Nó còn có thể giúp chồng làm ăn, tiền đẻ ra tiền, với đầu óc lanh lợi của nó. Gã vẽ ra cho nó một giấc mơ, một ngôi nhà mặt đường phố, nó sẽ mở cửa hàng tạp hoá, hai U con nó trông nom cửa hàng, kiếm tiền ngay tại nhà, quá tốt! Nó nghe ngon quá, nó gật đầu! Gã được phủ phê trên cơ thể thanh tân mơn mởn ấy. Gã đưa nó chút ít tiền. Có con xong chúng ta cưới cũng được, em ở tạm ngôi nhà thuê này, chờ anh tranh thủ kiếm đủ tiền mua nhà mặt phố cho em. Sau mỗi chuyến chở hàng, gã về với nó, mang theo nào quần áo, thức ăn và nhiều lời hứa hẹn, với chút ít tiền, rồi tha hồ ngấu nghiến cơ thể non tơ ấy. Nó thì ngập tràn hy vọng, mải chuẩn bị cho đứa bé sắp chào đời, quên cả đọc sách.

Nó bỏ việc ở nhà máy may, vì chưa cưới cheo đàng hoàng nên không dám về thăm U nó. Nó viết cho U một lá thư, bảo U chịu khó đợi. U nó chỉ im lặng. Nó khẳng định với U là nó sẽ đổi đời.

Nó sinh con gái, trông kháu khỉnh nhưng hay khóc. Cha đứa bé về thăm, ngó con, vạch ra xem rồi đậy lại, hôm sau gã đi ngay, dặn hai mẹ con chờ, gã về quê báo với mẹ gã rồi đón hai mẹ con về bà nội. Nó chờ một tuần, hai tuần, rồi một tháng, gã không trở lại, số điện thoại của gã cũng bị đổi. Nó đoán rằng mình đã gặp đúng một thằng đểu! Nó trả nhà, ẵm con lần tìm về tận quê gã. Mẹ gã nhìn thấy mặt cháu thì khóc, đưa cho nó một nắm tiền rồi bảo: Con tự lo cho bản thân đi, thằng mất dạy đó thấy con đẻ con gái thì đi tìm cô khác rồi. Đã ba cô gái như con về tận đây tìm bác. Kia là vợ đầu của nó, cưới cheo hẳn hoi, đã đẻ bốn đứa con gái!

Nó hộc lên, trả nắm tiền cho mẹ gã, rồi ôm con về quê!

* * *

Căn phòng năm chục mét vuông, chứa mười nữ công nhân. Ba ngày nay hệ thống sưởi bị trục trặc, chưa thấy ai đến sửa, căn phòng giống như một cái tủ lạnh. Những người đàn bà rúc vào nhau ngủ, giữ hơi ấm cho nhau. Không khí trong phòng dường như cũng đông cứng thành băng. Nó khập khiễng đi lại trên đôi bàn chân nhói đau. Nó hà hơi vào ô kính cửa sổ rồi lấy tay xoa xoa, chỉ thấy màu trắng mờ bên ngoài. Có cảm giác nếu đẩy được cánh cửa này sang một bên, thì tuyết sẽ ập vào vùi lấp căn phòng, vùi lấp mười người đàn bà xứ lạ.

Nó đổ nước nóng vào chậu, hơi nước bay lên nổ lách tách mơ hồ, dường như hơi nước vừa bay lên đã vội đóng băng. Nó vẩy vài giọt dầu gió vào chậu nước, tụt hai lớp bít tất rồi thả dần hai chân vào chậu nước nóng. Những ngón chân nó bị cước vì lạnh, sưng tím ngắt như quả mùng tơi. Nó để hai bàn tay lên gối, nhắm mắt. Nghe râm ran máu nhức nhối chảy trở lại từng ngón chân lạnh lẽo.

Nó nhớ mùi nước lá lốt ấm áp thơm nồng gian nhà tranh nhỏ ở quê, khi nó lê đôi chân tím tái trở về sau hàng tiếng đồng hồ ngâm trong nước ao để lần ốc. U nó đun sẵn một nồi nước lá lốt hái ở bờ rào cho nó ngâm chân. Mùi lá lốt xông lên ấm phổi, nước lá lốt nóng vỗ về bàn chân, điều hoà dòng máu, giãn gân cốt. Ngâm chân xong, nó lên giường ngủ ngon lành, không bị những cơn nhức nhói hành hạ bàn chân. Nó cũng nhớ bát canh lá lốt nấu với ba quả cà tím, dăm miếng đậu mỏng, ngon thơm ấm ruột, món ăn quen thuộc của hai U con. Ở xứ lạnh này thì đào đâu ra lá lốt! Nó nhớ U quặn ruột. Giờ này chắc U đang ủ cho con nó khỏi rét nơi bầu ngực đã mềm nhẽo của U. Người đàn bà ấy hai lần nuôi con một mình mà không lời kêu ca! Trên đời này có người đàn bà nào như U nó không, lần thứ nhất mất nhà vẫn nuôi nó lớn lên, lần thứ hai mất nhà lại phải cõng đứa cháu ruột còn trứng nước. Nó chảy nước mắt thương U. U ơi, dù có phải chết con cũng phải kiếm bằng được cho U những ngày cuối đời đủ đầy! Con đã sang được vùng đất mơ ước rồi đây U. Con chỉ còn làm việc kiếm tiền thôi, gánh nặng nơi ấy U đã đỡ cho con rồi. Cái lạnh xứ này thấm tháp vào đâu!

Khi nó ôm đứa con đỏ hỏn về làng, U nó chỉ đỡ lấy đứa bé, giấu mặt vào đống tã, chẳng nói gì! Nó nghe thấy bão trong lòng U. Làng xóm lời ra tiếng vào không dứt. Bác nó dấm dẳn chửi đổng. U con nó chịu đựng, nhét bông lỗ tai hơn tháng thì yên, bác thôi không chửi nữa.

Mỗi sáng, cho con bú xong, nó cắp nón sang xã khác làm thuê, và nghe ngóng tìm đường ra cho cuộc đời. Nó dỏng tai nghe những câu chuyện về những người phụ nữ đi xuất khẩu lao động, mỗi tháng gửi về nhà cả chục triệu đồng, có người số đỏ, trong thời gian ba năm lao động bên Tây, đã làm quen rồi cưa được anh Tây, ở luôn bên đó, sinh con đẻ cái, đời lên tiên luôn, năm nào cũng gửi tiền về biếu bố mẹ, lại còn sắp làm thủ tục cho thằng em sang bên đó làm việc nữa, sướng thế cơ chứ! Đổi đời!

Nó tìm đến tận nhà người phụ nữ số đỏ kia để hỏi han, tìm hiểu sự thực. Nó phân vân ngắm tấm ảnh người phụ nữ Việt tóc đen hớn hở bồng con bên anh Tây to lớn tóc vàng mà người đàn bà kia mang ra khoe với nó.

Nó về thuyết phục U nó, U nó thuyết phục bác nó. Một canh bạc cuộc đời của ba người đàn bà! U nó rút nốt tiết kiệm, bác nó vay tiền ngân hàng, đặt cọc nhà đất lo khoản tiền thủ tục cho nó, một năm sau, nó lần đầu bước chân lên máy bay, bay nửa vòng trái đất, đến với một cuộc sống cách xa cuộc sống ở quê nhà ba thập kỷ! Ở đó có hai bà già và một đứa trẻ, một món nợ trăm triệu và một niềm hy vọng.

Nước ngâm chân nguội dần. Nó rút chân lên, lau khô, xoa vào gan bàn chân một chút dầu gió rồi xỏ tất, ủ chân trong chăn. Nó mở cuốn sách hội thoại Việt – Séc, chăm chú học. Nó không giống những người phụ nữ kia, rúc vào nhau trốn cái lạnh và đi tìm giấc ngủ. Ngủ năm tiếng một ngày là đủ! Nó tiết kiệm cả giấc ngủ. Nó thấy mình còn thiếu thốn quá nhiều cho một cuộc sống thực sự ở nơi đây.

Rất thường xuyên, nó thấy những giọt nước mắt của những người đàn bà cùng phòng trọ. Dòng nước mắt dằn vặt nhớ nhung chảy xuôi về bên kia trái đất, nơi họ đành lòng dứt áo ra đi, nơi họ có cuộc sống không ra con người. Họ, cũng như nó, giãy ra bằng được để sang nơi xứ lạ tìm tiền, hy vọng rằng tiền có thể chữa lành cuộc sống dị tật của họ nơi quê hương. Còn nó thì không khóc, dù những ký ức chẳng ra gì đã chật chội trong lòng. Có được chút thời gian nào sau giờ làm ở nhà máy là nó tranh thủ thêu khăn, bán khăn, học tiếng Séc và tìm hiểu về đất nước này. Nó tập tành gắn bó với những gì ở nơi đây.

* * *

Nó tản những bước rời rạc quanh chân cột đèn đường, ngắm những dấu chân mình để lại trên tuyết để xua nỗi chán nản vì đã khuya lắm mà chưa bán nổi chiếc khăn nào. Có thể nó phải thức trắng đêm bên cây đèn đường này lắm. Mà sáng mai thì vẫn phải đi làm. Nó không cho phép mình nghĩ tới hai chữ mệt mỏi. Đó là hai chữ quá xa xỉ với một người như nó. Khi thiếu thốn thì không thể mệt mỏi, khi không phải là người thì cũng không mệt mỏi. Nó bỗng chắp tay lại khấn khứa Trời Phật, phù hộ nó để nó bán được một chiếc khăn, để nó có thể hớn hở về khu trọ, chợp mắt một chút trước khi đi làm.

Chiếc xe hiệu Skoda xệt lại cột đèn, cửa trước hạ xuống, nó thoắt vui xà đến. Hai tay nó căng tấm khăn thêu về phía người lái xe, miệng nhanh nhảu chào. Người đàn ông có cặp mắt rất xanh nhưng ánh nhìn mệt rũ khẽ gạt tay nó. Có lẽ anh ta muốn nhìn mặt nó hơn là nhìn cái khăn thêu. Phân vân một lúc rồi anh ta mua hai chiếc khăn, hỏi nó đêm mai có bán nữa không, nó cố gắng giải thích với anh ta rằng một tuần nó chỉ ra đây bán khăn ba lần thôi. Anh ta giơ tay bắt tay nó, nó ngạc nhiên, rồi nhìn anh ta với ánh mắt ấm áp nhất. Chiếc xe chạy đi, nó vẫy theo và hét: “Miluji te!”. Nó lập tức quay gót chạy về khu trọ, lòng rộn ràng sung sướng thật lạ.

Đêm ấy, sau khi thêu xong một tấm khăn, học xong một bài tiếng Séc, nó mới lên giường ngủ. Hai bàn chân nó quặp chặt viên gạch nướng nóng bọc khăn bông. Cái chiêu này nó học cụ Hồ, tác dụng ra phết. Nó không dám rúc vào lưng các chị cùng phòng, sợ các chị chửi. Chân ấm, nó chuyển viên gạch lên bụng. Nó co gối hai tay thu lại ôm viên gạch, thu lu cuộn tròn như con mèo, lòng nghĩ tới người đàn ông lạ. Đôi mắt ấy, gương mặt mệt mỏi nhưng sáng sủa ấy hẳn là của một người tử tế. Nó đoán theo thói quen xét nét đàn ông từ cái nhìn đầu tiên. Anh ta hẳn là quan tâm nó, nên đã hỏi đêm mai nó có ra đây bán khăn không. Nếu nó mà thêu kịp mỗi đêm ba chiếc khăn thì hôm nào nó cũng ra đường bán khăn. Nó mỉm cười.

Cách một đêm, nó lại ra cột đèn đường. Dù không dám tin, nhưng nó vẫn có chút hy vọng người đàn ông đêm hôm trước sẽ lại tạt qua. Nó phấn chấn phất phất tấm khăn trước mắt cô bạn người Campuchia, nhảy nhót xung quanh cô ta.

– Điên à!- Cô bạn bật cười.
– Ừ, đang phởn! Hôm nọ tao bán được hai chiếc khăn một lúc cho Vịt giời!
– Vịt giời ở đâu?
– Không biết! Tự nhiên sà xuống, quắp luôn hai chiếc khăn rồi bay vù mất!
– Mày có duyên thật đấy! Tao chưa bao giờ bán được hai chiếc áo phông trong một đêm.

Nó giật mình.Chiếc Skoda xịch đỗ ngay cạnh nó. Cô bạn Campuchia nhanh chân hơn đã tấp luôn tới ô cửa kính xe vừa hạ xuống.

– Cô kia! Tôi mua khăn, – người đàn ông gạt tấm áo phông, rồi chỉ vào nó.

Tim đập bùm bụp. Nó hấp tấp chạy lại, nó đưa cho anh ta hai tấm khăn thêu. Anh ta trả tiền, hỏi nó sống ở đâu, làm ở đâu, tên gì, nước nào. Nó đáp như một cái máy.

– Tôi là Filip Vlastnik, kỹ sư điện tử. – Anh ta nói ngắn gọn, đưa nó một tấm giấy nhỏ cứng có ghi tên anh. – Hai đêm nữa cô lại ra đây chứ?
– Vâng. – Nó đáp.

Anh ta phóng xe đi, nó ngẩn ngơ một chút rồi nhảy lên vẫy tay, hét với theo: “Miluji te”.

– Đồ điên! – Cô bạn Campuchia làu nhàu trong họng, kéo kín cổ áo – Với đàn ông vừa quen mà dám nói thế à?
– Ai mua hàng của tao thì tao yêu họ! – Nó tỉnh bơ nói. – Họ thích nghe thế mà. Mình thì mất gì đâu!
– Xì! – Cô bạn lườm nó, chân bực bội đá tung một đám tuyết.

Đêm ấy, có động lực, nó học hết hai bài tiếng Séc. Nó đặt chuông báo thức để sáng hôm sau dậy sớm học từ mới. Nó cần có nhiều vốn từ hơn để nói chuyện với Filip. Nó tin anh ta sẽ trở lại.

Lên giường ngủ, nó trằn trọc mãi. Đêm nay mải học tiếng Séc, nó quên không nướng viên gạch ủ ấm chân. Liệu Filip có chê nó là công nhân không nhỉ. Anh ta là kỹ sư kia mà. Nhưng sau này, nó sẽ tìm cách học để trở thành cô giáo, hoặc một thủ thư, sẽ không bị thua kém nhiều so với Filip. Nhưng nó là người châu Á da vàng, trông có mọi rợ lắm không nhỉ, đứng cạnh Filip thì sao? Kệ chứ! Giữa những người châu Âu, thì trông nó càng đặc biệt, nó nghe nói đàn ông Tây bây giờ khoái những người phụ nữ châu Á, vì trông họ là lạ, đậm đà hơn so với phụ nữ tóc vàng mắt xanh nhàm chán. Nó sẽ ngủ ít đi một tiếng mỗi ngày, để tranh thủ thêu khăn, và dành ra một buổi chiều Chủ Nhật để đi thăm các bảo tàng, các thư viện ở thành phố này. Nhất định nó sẽ học được nhiều điều ở đó. Và còn để có chuyện mà nói với Filip. Nó sợ Filip chê nó thiếu hiểu biết.

Đêm nào Filip cũng xuất hiện để mua khăn cho nó. Anh mở hẳn cửa xe, ra ngoài đứng cùng nó trong tuyết lạnh trò chuyện với nó, thậm chí dạy nó những từ mới, từ khó trong tiếng Séc. Thỉnh thoảng anh cũng mua hộ một tấm áo phông cho cô bạn Campuchia để cô khỏi lườm nó. Nó biết anh đã từng li dị vợ, giờ đang nuôi một con gái năm tuổi.

Filip mời nó về nhà anh chơi. Nó háo hức ngắm ngôi nhà bê tông ba tầng giản dị nằm dưới chân đồi. Quanh nhà cây cối um tùm trơ trụi, cố ngóc lên khỏi lớp tuyết dày. Nó xót xa vuốt tóc con gái nhỏ của Filip, đôi mắt to lặng lẽ như mắt một cô gái lớn. Nó nhớ con nó ở nhà, cũng cai sữa sớm, đêm đêm nằm nhay vú tóp của U nó. Nó không dám nhìn lâu đôi mắt lặng lẽ của bé gái ấy. Sao có người mẹ nào lại bỏ con cho cha nó thế này. Đàn ông dù sao cũng lơ đễnh.

Nó quẹt nước mắt cười khi Filip mở tủ khoe những tấm khăn thêu xếp dày trong đó.

– Của bé Iva đấy! Nó thích lắm!
– Miluji te! – Lần này thì Filip nói.

Nó ngượng, chạy lại ôm bé Iva, dúi mặt vào tóc con bé. Con bé ngại ngùng gỡ tay nó ra, rồi chạy lại với bố.

Nó nhận lời Filip. Có nhanh quá không? Không, nó tin vào cái nhìn đầu tiên. Đây là một người tử tế. Nó yêu bé Iva của Filip. Nó thấy ấm áp trong căn nhà dưới chân đồi. Nó sẽ ra đây dọn dẹp tuyết quanh nhà, để mùa xuân lộc lá sẽ nảy lên xanh non, hoa đỏ sẽ nhuộm rực rỡ lưng đồi. Nó sẽ lau sạch nhà cửa, sẽ xếp những cuốn sách gọn gàng trên giá, sẽ học làm món ăn Séc, sẽ làm bát đũa reo vui trong bếp và sẽ sinh cho Filip những đứa bé gái thật xinh đẹp. Sẽ rất xinh đẹp, vì lai hai dòng máu, những đứa con sẽ đẹp hơn bình thường. Filip bảo anh không cần nó đi làm, anh có thể nuôi cả nhà, tiết kiệm chi tiêu một chút là ổn! Nó bay trong giấc mơ đẹp như không có thực!

Ngày ngày nó chăm chỉ làm việc ở nhà máy, đêm về chăm chỉ thêu khăn và học tiếng Séc. Nó không phải dầm chân trong tuyết lạnh để bán khăn nữa. Filip bảo anh sẽ mang khăn thêu của nó ký gửi ở cửa hàng tạp phẩm của người quen trên phố. Còn nó thì tính toán, sau một năm làm việc, nó sẽ đủ tiền trả nợ. Nhưng sau đó nếu lấy Filip, không đi làm thì làm gì có tiền gửi về cho U nữa? U nó phải có tấm nhà. Nó sẽ thuyết phục Filip cho nó đi làm, nó sẽ chu toàn việc gia đình, nó có sức khoẻ, lại chăm làm và khéo tay, Filip sẽ hài lòng. Nó sẽ học nghề thủ thư, và sẽ nhờ Filip xin vào làm ở một thư viện trong thành phố. Nó thích công việc ấy, tha hồ mà đọc sách, cả ngày ở trong một thế giới sách.

* * *

Tay nó thoăn thoắt pha thịt gà. Sau sáu tháng làm việc, giờ đây nó đã thành thục lắm rồi. Trong nó bỗng gợn lên câu hỏi: Tại sao vợ Filip lại bỏ anh ra đi? Một người đàn ông như thế? Dù chưa hiểu nhiều về anh, nhưng cảm nhận ban đầu của nó bảo rằng anh tử tế. Phải có ẩn ức nào đó khiến mẹ Iva bỏ đi, rồi nó sẽ phải tìm ra.

Gần hết giờ làm, nó nhận được điện thoại của U nó. U nói tiếng được tiếng mất. Rằng con gái nó mất tích hai ngày nay rồi. Đến sáng nay thì có kẻ bắn tin, rằng phải nộp ba trăm triệu đồng mới đón được con bé về. U không được báo công an, nếu báo công an, chúng sẽ giết con bé! U đoán là người trong làng thôi, vì chúng phong thanh biết nó đi xuất khẩu lao động, có nhiều tiền gửi về. U có tội với nó, U chỉ gửi con bé ở hàng xóm để đi mua sữa, thế mà…

Nó tái mét, run lẩy bẩy. Nó báo tổ trưởng, xin nghỉ sớm. Nó phải làm gì đây? Xa nửa vòng trái đất! Con nó ở đâu? Hai ngày rồi ư? Ai tắm rửa cho con bé, ai cho nó uống sữa, ăn cháo? Quân tàn nhẫn! Con bé yếu ớt mới biết đi, mới tập nói. Lấy đâu ra ba trăm triệu bây giờ! Đứa nào bắt con nó, ở nơi ấy?

Quê nhà, nơi đó khiến nó không nguôi thương nhớ, nơi nó gánh biết bao tủi cực, mà nơi đó cũng luôn đẩy nó ra xa. Con nó bị bắt cóc! Ai bắt cóc? Đòi tiền chuộc ư? Nó đã khổ bao nhiêu năm vì không có tiền, giờ kiếm được chút tiền thì sao chứ? Nó lục lại những người đàn ông trong ký ức: cha nó, thằng đàn ông lừa nó, gã trai bên nhà máy Inox bị nó cho leo cây, hay một kẻ cùng đường nào biết nó mà nó không ngờ tới? Trời hỡi trời! Giá nó chẳng có gì cả để khỏi đau xót hoang mang thế này. Cái sự có ấy cũng khốn nạn làm sao!

Cái nơi ấy là nơi nó sinh ra, mà như kẻ lạc loài. Cha nó chối bỏ U con nó, ngay khi nó còn nhỏ, nó đã không giống những đứa trẻ khác ở quê. Nó chẳng chơi ô ăn quan, chẳng đánh chuyền đánh chắt mà chỉ quanh quẩn giúp U nó việc nhà, mò cua bắt ốc, hái rau mang chợ bán, hoặc rảnh ra thì đọc những mẩu báo, những cuốn sách hiếm hoi U nó kiếm được, hoặc cắm cúi ghi chép. Nó vĩnh viễn không hoà mình thực sự được vào những cuộc chơi của những đứa trẻ ở quê. Ấn tượng của nó chỉ còn là cảm giác xấu hổ khi đám trẻ trong xóm chế giễu lúc nó đi qua: “Đồ nhà nghèo ăn bèo thối!”

Nó cầu cứu Filip. Anh bảo gọi về nhà cho U nó, nói U nó nhất định phải báo cảnh sát, không thể chậm trễ được. Nó gào lên rằng bọn chúng sẽ giết con bé. Filip bảo chúng doạ đấy, không dám giết đâu. Nó khóc lóc rối bời, nó muốn về quê.

Hôm sau Filip ra ngân hàng, rút tiền đưa nó mười ngàn đô la, bảo nó về quê cứu con gái. Nhưng anh dặn nó nhất định không được đưa tiền cho bọn bắt cóc. Phải báo cảnh sát, vì nhiều trường hợp bọn bắt cóc vừa lấy tiền vừa giết hại nạn nhân. Nghe thế nó càng suy sụp! Anh không thể về theo em được, vì còn Iva và công việc ở đây, em phải về đó một mình, cứu con bé rồi làm thủ tục hai mẹ con sang đây với anh. Anh sẽ lo được cuộc sống cho cả bốn người. Chỉ cần em sáng suốt để cứu được con bé ra thôi!

Trên máy bay trở về nước Việt, bụng nó réo ùng ục, và nó liên tục chạy vào toilet. Tay nó giữ khư khư tấm namecard của Filip. Filip dặn nó phải gọi điện ngay cho anh thông báo tình hình. Nó sợ nó sẽ đánh mất tấm giấy nhỏ ấy. Nó nhẩm học thuộc lòng số điện thoại, địa chỉ nhà, địa chỉ email của anh. Nó đọc ngược đọc xuôi đều thuộc, nếu không làm thế thì nó phát điên lên mất. Nó ghi những dòng địa chỉ ấy vào những mẩu giấy khác nhau, để vào những chỗ khác nhau trong hành lý. Nó ghi lên cánh tay, rồi vén áo ghi cả vào bụng. Nó còn biết làm gì hơn được nữa đây? Trong lúc cuống cuồng này, nó cần có Filip để lấp đầy mối hy vọng toang hoang của nó. Nó nghĩ đến cảnh những đứa bé bị bắt, đưa ra nước ngoài và bị bí mật lấy mất nội tạng. Nó nghiến răng trèo trẹo. Nó không thể để mình gục ngã. Nó vẫn còn sống đây cơ mà! Phải chiến đấu thôi. Chao ôi là kiếp đàn bà! Nó lại mở cuốn sổ nhỏ, ghi chi chít vào đó, theo thói quen. Tay chân nó lẩy bẩy, người sốt hầm hập.


[1] Miluji te! (tiếng Séc) = I love you!

 

Mùa Sen

“Thuyền ai thấp thỏm muốn ôm cầm”
(Hàn Mặc Tử)

Làng có tên là làng Nguyệt. Chắc là vì hình thể tròn trịa của làng. Nếu đánh đu lên một đám mây bay qua làng, bạn sẽ phát hiện đó là vành trăng khuyết. Chỗ hõm vào ấy là đầm Dạ. Đầm Dạ rộng hơn 15 sào, thuộc một gia đình giàu bậc nhất làng – gia đình ông Du.

Nhà Ông Du giàu không phải vì ba mùa cắm mặt xuống ruộng.

Ông buôn long nhãn và tim sen. Ông là người có quyền lực nhất làng. Một thứ quyền lực ẩn sau mặt tiền. Dĩ nhiên ông cưới cô Diệp, một đám kháu nhất làng. Cô Diệp sòn sòn sinh hạ cho ông 3 con: 2 trai, 1 gái. Duy có đứa gái út, tên Dạ Liên, khốn thay lại không được bằng người.

Người làng bảo: Ông trời không bao giờ cho ai tất cả. Ông ấy đặt Dạ Liên vào nhà ông Du, để san bớt những thứ ông Du được quá nhiều.

Dạ Liên vẫn lớn lên, vào tuổi 15 thân thể cân đối, cao quý nõn nà.

Ông Du rất hay đi khỏi làng. Nhưng không hẳn lúc nào cũng là đi buôn.

Người làng bảo: Ông Du tham đáo để. Cưới cô vợ đẹp thế rồi mà vẫn mê gái bên ngoài. Mà đó là gái phong sương. Ông phải lòng một nữ sỹ đàn nguyệt, cô này đẹp, lẳng, chuyên dùng ngón đàn cùng hương sắc phóng túng để chài đàn ông.

Ông Du là con buôn, mánh khóe xảo quyệt trên đời không thiếu, nhưng ông mất khối tiền và lao tâm khổ tứ vì cô gái chơi đàn nguyệt kia. Chỉ vì ông mê cô.

Cô theo đoàn dàn nhạc dân tộc vung vẩy khắp nơi. Hễ có dịp là ông Du bám theo cô. Van vỉ, lạy lục, say mê và bao bọc.

Cô cho ông những lời cay nghiệt, nước mắt, những cuốn sách viết về tình yêu cay đắng mà cao cả. Đôi khi cô cũng cho ông cả thân thể cô.

Có đêm, nằm xoay lưng lại vợ mình, ông mơ thấy miệng mình đầy những cô. Ông co rúm người, giật lên. Tỉnh dậy ông hụt hơi, trống hoang.

Làng Nguyệt như con vịt gày xụi lơ xấu xí. Vì làng nghèo nhấp nhô. Dân làng ai cũng muốn ra ngoài làm ăn như ông Du, nhưng lạ thay họ cứ thất bại. Đa phần lũ thanh niên nhấp nhổm bỏ làng.

Làng nghèo đến cây cối cũng rũ buồn. Hầu như quanh năm suốt tháng không khí trong làng loãng tuyệch chán nản. Và người làng chẳng còn điều gì vui thú hơn là thêu dệt những câu chuyện về gia đình ông Du. Mỗi người muốn mở tới 4 con mắt ngày đêm theo dõi động tĩnh của gia đình lạ lùng nhất làng này.

Người ta cũng khoái nói chuyện Dạ Liên. Không phải vì nàng xinh đẹp, mà vì nàng là sự thất bại của ông Du.

Đám trai làng thì khấp khởi. Họ hy vọng. Người nào được ông Du chấm cho Dạ Liên, hẳn sẽ được cả đống vàng. Chắc chắn ông sẽ phải dùng vàng để bù cho khiếm khuyết của Dạ Liên.

***

Cô gái chơi đàn nguyệt kia chết trẻ. Chắc là do phong tình mà thôi. Kỷ vật mà cô để lại cho ông Du là cây nguyệt cầm khảm trai duyên dáng và một hòm tôn những sách diễm tình. Hình như những trang sách viết về những cuộc tình thất bại đã thấm nước mắt cô.

Ông Du ôm nguyệt cầm về quê. Từ đó ông ở lỳ trong làng, không đi đâu nữa. Đi buôn cũng không. Hết đam mê u muội rồi. Ông đã yêu tiền như yêu người tình vậy. Say mê, thấp thỏm đợi chờ rồi thất vọng.

Nhưng của nả của ông thì còn đầy. Ông đem giao hết cho bà cai quản. Đó là một sai lầm của đàn ông!

Bà Du trở nên quyền thế, nghiễm nhiên cắt đặt mọi việc trong nhà, trong làng. Ông mặc kệ.

Ông chỉ quan tâm đến Dạ Liên và cái đầm sen bìa làng.

Dù không buôn tim sen nữa, nhưng ông Du vẫn nuôi đầm sen. Mỗi mùa sen, đầm Dạ trở thành đôi cánh tiên xanh xinh đẹp của làng. Đầm bát ngát sen xanh, làm cả không gian trở nên dịu dàng, thanh thoát. Hàng vạn lá sen xanh ngắt ngửa mặt hứng nắng. Lớp nhung trắng mịn phủ trên mặt lá lọc nắng cứ óng ánh li ti hư ảo tuyệt đẹp. Hương sen thơm mát bao phủ làm người ta yên lòng hơn.

Ông Du chẳng còn việc gì ý nghĩa hơn là nguyện làm người đưa đường cho con gái ông.

Hay ông cũng đang muốn tìm đường cho tâm can ông vậy.

Ông có thể ngỡ rằng mình đang sống.

Mà sống rất khác.

Ông đi trước, miệng rầm rì kể chuyện. Dạ Liên tay trái bám vai cha, lần theo. Tháng 5 âm, mùa sen, hai cha con cứ ngày ngày từ nhà ra đầm sen, từ đầm sen trở về nhà.

Có vẻ như mùa sen nào cũng đến như nhau. Chỉ có Dạ Liên đổi khác sau mỗi mùa sen. Tóc dài đen mướt mải, càng nảy nở gợi tình thì càng dằn vặt xốn xang.

***

Để bớt xốn xang, nàng được cha dạy chơi nguyệt cầm.

Đó quả là thứ đàn chúa. Cho âm thanh tròn như trăng rằm.

Nàng lập tức mê nguyệt cầm. Khi chơi nguyệt cầm nàng mở được lối cho mình. Cha bảo nàng nuôi móng tay dài để khảy dây tơ. Dây đại được se bằng 12 sợi tơ nõn. Âm thanh biến ảo phi thường. Với cây đàn này, Dạ Liên đã yêu thực sự vì đàn thiêng như thấm tâm hồn riêng của nó. Nàng có thể lên dây tơ tùy theo tâm trạng của mình để có tiếng đàn phiêu linh với những âm ngang tàng, kiêu hãnh, hoặc trong vang rộn ràng, hay nỉ non sâu nặng, trầm đục u buồn…

Nhưng bà Du phản đối. Thậm chí căm ghét. Thứ quân tử cầm này đâu phải dành cho đàn bà.

Âm thanh của nó khiến bà nhớ lại những dày vò bần tiện mỗi lần thấy ông Du khăn gói ra đi. Bà ghen tức lồng lộn. Ghen đến tận cùng. Cơn ghen bay thẳng đến cõi chết.

Nhưng ông đã canh chừng rất kỹ, không để bà hại cây đàn. Ông cũng không để Dạ Liên chơi đàn khi ở nhà.

Nơi nào không khí  không trong sạch, không đàn.

Ông tức tốc gọi Oa Ngưu đến cùng với 4 trai làng khỏe trẻ, chọn tre già ngâm kỹ dựng một cái chòi ven đầm Dạ.

Vào những đêm trăng thật sáng, thật trong, hai cha con mang nguyệt cầm ra chòi chơi cho nhau nghe. Vào tháng 5 âm, khi không khí trong làng Nguyệt thơm ngát hương sen thì họ chơi đàn cả đêm.

Người làng bảo: Người cha ngồi trong chòi, ngất ngư với hũ rượu mà Oa Ngưu mang đến. Đó là thứ rượu ngon và thơm nhất làng. Oa Ngưu sinh ra để nấu rượu ngon và lầm lỳ. Nàng con gái tắm dưới đầm sen, quấn lụa bạch ngồi đàn. Những ngón búp sen vẩy trên dây tơ, làm trào lên dòng suối âm thanh giòn giã hoan hỉ. Và rằng thường hoa sen “ẩn hiện tùy nghi diệu”, thế mà khi tiếng đàn trong vắt vang lên thì muôn ngàn cánh hoa bỗng nở ra rộn ràng, và hương sen dịu dàng lan tỏa khắp không gian, ướp ánh trăng trên mặt đầm trong mùi thơm thanh tịnh. Chỉ duy nhất ở đây, trên mặt đầm sen, trong tiếng đàn nguyệt kiêu hãnh, ánh trăng có hương thơm thanh khiết nhường ấy.

***

Nhưng bà Du không muốn để cha con họ hưởng an lạc.

Đá thúng đụng nia, nồi đổ niêu vỡ, rỉa thịt róc xương.

Cũng vẫn là tầm thường.

Bà có thể hành ông đến thế nào cũng được nhưng không được động đến Dạ Liên và nguyệt cầm. Giờ thì ít khi nàng rời cây đàn. Đàn bà nanh ác thì làm được cái gì? Nhất là khi đã thâu tóm được tiền và quyền hành trong tay.

Người như ông Du khinh miệt thứ ấy. Nhưng một ngày kia ông đi lặng lẽ. Ông trăng trối để lại cho Dạ Liên cây đàn nguyệt, hòm tôn đầy sách và đầm sen.

Một mình nó cả cái đầm sen ư? Hai người anh của nàng nhảy dựng lên. Cái đầm đẻ ra tiền đấy.

Tất cả đất đai, của chìm của nổi còn lại do bà Du định đoạt.

Ông dọa quay về bóp cổ đứa nào tranh giành đầm sen của con gái.

Thôi cũng xong!

Người làng bảo: Ông chết là vì đêm nào cô gái phong sương kia cũng hiện về gọi ông đi. Ông khôn ngoan dường ấy mà sống trên đời không biết tránh xa người đàn bà có mùi quyến rũ. Đó là tướng đàn bà làm tiêu tán đại gia.

Oa Ngưu trở thành bờ vai cho tay nàng bám lấy.

Hôm nào Oa Ngưu bận hoặc say khướt, thì nàng có thể tự mình ra đầm sen. Dù không có cha nữa, thì nàng cũng không vấp ngã trên đường. Lối đi đã nằm trong lòng nàng. Nhưng dù sao có Oa Ngưu đi cùng thì vẫn hơn.

Cái gã đến lạ!

Nàng chưa biết mặt mũi gã nom ra sao. Thực sự thì ra sao? Nàng chỉ biết gã có bờ vai rắn như đá, nhưng lại nóng ấm. Bờ vai bên phải cho tay trái nàng bám vào. Và mỗi khi, gã nắm tay nàng để kéo qua một đoạn bờ ruộng gãy, thì trong lòng bàn tay gã, tỏa ra một ngọn lửa mơ hồ. Nàng khá tò mò, muốn miết những ngón tay nàng lên chỗ ấy, để cảm thấu hơi lửa mê hoặc. Nó cứ chập chờn. Như có như ẩn. Dụ dỗ ngón tay nàng miết tới. Mê hoặc.

Bà Du thấy Oa Ngưu là muốn đào đất đổ đi. Có thời, Oa Ngưu về ở hẳn nhà bà gần 2 tháng để trông nom thợ làm long nhãn và sao tim sen. Oa Ngưu có thể làm long nhãn tròn xoay và trong màu hổ phách, còn tim sen sao xong mùi hương như ru ngủ. Nhưng những chiếc quần tí xíu may bằng ren đỏ rực của Dạ Liên cứ biến mất dần. Thế là bà đuổi Oa Ngưu về nhà. Nhưng cứ có việc, thì ông Du lại gọi Oa Ngưu đến.

Vì Oa Ngưu là cháu họ.

Chị con bác ruột ông Du lấy lão Thự. Lão từng đi bộ đội hồi chiến tranh biên giới. Trong một trận giáp lá cà, quả lựu đạn nổ gần làm lão mất chân trái. Mà nghe đâu mất luôn cả cái ấy. Phục viên về làng Nguyệt, lão vẫn lấy được chị họ ông Du mới khổ! Lấy nhau mấy năm mà vợ lão Thự không thụ thai. Vì lão làm gì có chim! Ấy là dân làng kháo thế. Một đêm lão Thự đi vắng, vợ lão ở nhà đương ngủ thì một con ốc sên bò lên người. Sợ quá, người đàn bà bất tỉnh. Ốc sên thừa cơ chui vào chỗ ấy. Các đêm sau người đàn bà hay mơ thấy ốc sên, rồi có thai, đẻ ra thằng con trai rớt bèo nhèo, tên Oa Ngưu. Lão Thự thường dùng nạng gỗ đập Oa Ngưu bất thình lình, nhưng Oa Ngưu chưa bể sọ lần nào. Nó hay lánh sang nhà cậu Du.

***

Bà Du đã cắt đặt xong đâu vào đấy cả. Bà sẽ gả Dạ Liên cho đám con trai ông Tam Đẫn. Các thêm cái đầm sen. Vì Dạ Liên khiếm khuyết, chẳng được bằng người. Cho hẳn một cái đầm sen chứ không cho vàng. Tuyệt nhiên không một mảy vàng. Đám nhà Tam Đẫn cũng đồng ý. Thông gia với nhà giàu dựa hơi thôi cũng vững.

Nhớ rằng, một lần, sau mùa sen, người cha đặt dưới bàn tay Dạ Liên hai tấm lụa quý. Nàng nắm nhẹ lớp lụa mềm như nước dưới ngón tay:

– Màu trắng hả cha?
– Ừ!
– Màu đỏ nữa, cha?
– Ừ. Sao con bé nhạy màu đỏ thế nhỉ? Người cha tự hỏi.
Nhạy màu cho lắm thì cũng chỉ thêm dằn vặt mà thôi.
– Con thích đứa nào ở làng này không? Cha hỏi.
– Con không thích! Nàng đáp gọn lỏn.
– Ừ, chưa vội con ạ. Chỉ một khắc đam mê thôi cũng giá trị hơn tất cả những gì còn lại của ta. Người cha tiếc nuối.

Dạ Liên bảo không lấy đám con trai nhà Tam Đẫn. Bà Du liền ép. Bà không nói ra, nhưng nàng phải hiểu rằng có người lành lặn chịu lấy nàng là may cho nàng lắm lắm. Nhưng bà không thể hiểu, rằng nàng con gái của bà, tuy khiếm khuyết mà lại kiêu hãnh, kiêu hãnh quá đỗi.

Đó là nỗi khổ của nàng!

Mặc cho nàng phản đối kịch liệt, đám cưới ập đến. Người ta bắt nàng mặc áo lạ. Nàng chạy ra đường cái, xé toang quần áo lạ, vứt đi. Người làng tò mò, hoảng hốt trước sự thể chưa bao giờ có. Phi lý thật. Oa Ngưu cũng ở đó, gã chói mắt trước màu đỏ rực tí xíu.

Tương lai chấm dứt!

Chó nó lấy thứ đàn bà con gái xé toạc quần áo, toang hoang phơi ra trước mắt bàn dân thiên hạ. Bà Du bầm gan tím ruột!

***

Điên rồ hơn, cứ mùa sen là Dạ Liên bỏ nhà ra đầm sen ở.

“Nó đi trông sen đấy?” Bà Du tự dối mình như thế. Bà cũng đành để Oa Ngưu canh chừng nàng. Thôi đành trông vào nó vậy, chứ còn biết làm sao.

Nhưng khắp vùng đã lan đi những lời đồn đại về những đêm trăng mùa sen, với thiếu nữ một mình trông sen, vận lụa bạch chơi nguyệt cầm làm cá vờn hoa múa trong đêm. Thậm chí cả những thây ma quanh đó cũng đội mồ thức dậy, rạo rực nhảy múa cùng thần tiên bay xuống từ trời.

Làng Nguyệt, mùa sen, đêm trăng, Dạ Liên với đàn nguyệt phiêu linh, ngang tàng mà dây tơ thật mong manh.

Người làng bảo: Đúng đêm rằm tháng 5 âm, mùa sen đương độ chín, Dạ Liên hiến thân cho thần linh.

Trước đó, nàng câm nín cả tuần. Miệng ngậm cơm sen. Hơi thở nàng nhẹ, thơm ngát chẳng hương hoa nào sánh kịp.

Trăng lên cao dần, trong đến độ tinh khiết, nhìn thấu cả những vân lá sen. Nàng lội xuống đầm tắm rồi bước lên chòi, khoác tấm lụa bạch, mang cây đàn nguyệt lên thuyền. Sen nhẹ nhàng uốn mình, nép vào nhau rẽ lối cho thuyền trôi ra giữa đầm. Bàn tay nàng lần lên đầu đàn hình lá đề, có khảm trai những bông sen và một góc tay áo lụa phất qua. Nàng tì miết ngón tay trên hai sợi tơ mong manh trên khung đàn dài. Đê mê trào dâng. Tiếng đàn vút lên, lan tỏa lung linh mặt nước. Mỗi bông sen thức tỉnh, bỗng hóa thành một vũ nữ, váy trắng váy hồng lớp lớp rộn ràng trong một vũ điệu hoa sen kỳ bí, lộng lẫy và thơm ngát cả vùng.

Nàng ghì miết ghì miết dây đàn. Tiếng đàn kiêu hãnh, trong đến độ có thể vỡ ra. Cây đàn uốn mình. Một bờ vai đàn ông cứng rắn. Cần đàn nóng rực, khát khao bốc cháy. Tấm lụa bạch bay lên, thoát ra chớp màu đỏ rực nhỏ xíu. Thuyền nan dập dềnh, dập dềnh trên khúc hoan ca của sen. Sen nín thở đợi chờ khắc thăng hoa cực lạc. Nàng lặng đi, rồi thiêm thiếp bên cây đàn.

Sáng ra, trên lá sen xanh, là óng ánh một lớp mỏng tang thủy tinh pha ngọc trai. Như có ngàn con ốc sên vừa trườn qua.

Nhớ rằng, làng Nguyệt vào mùa sen bỗng đẹp lung linh. Là vì trước đó, khi mùa đông vừa kịp hết, thì Oa Ngưu theo yêu cầu điên rồ của nàng đã mang hạt sen, củ sen ném và dâm thẳng xuống bùn ở tất cả các ao làng Nguyệt, bất kể ao đó của ai.

Làng Nguyệt lúc ấy ao nào cũng đầy sen.

Nhớ rằng, một lần người cha đặt một nắm hạt sen già dưới bàn tay con gái. Tay nàng chạm khẽ lên hạt sen cứng. Những ngón dài trắng muốt như ngó sen. Có cảm giác tim sen đang cựa nhẹ trong vỏ cứng.

Người cha bảo:

– Đây là những hạt sen giống, cha dành cho con. Tim sen là bất diệt! Gặp nhân duyên thì dù đã lăn lóc qua cả 500 năm sau, những hạt sen dưới bàn tay con ấy vẫn có thể nảy mầm. Nếu gặp ác nghiệp, mầm sẽ mãi ngủ im trong vỏ cứng, không thể phá vỡ vỏ mà thành cây hoa.

Thế rồi sen trở thành vị cứu tinh của làng Nguyệt. Ao nào cũng đầy sen. Dù không làm cho dân làng giàu, nhưng qua mỗi mùa sen, chòm xóm có đồng ra đồng vào. Mùi cơm mùi mắm ấm khí quanh làng. Đó quả là những ao sen báu.

***

Dự án đường cao tốc chạy sát bìa làng. Dân làng khấp khởi. Đổi đời! Một số nhà phải dọn đi, một số ruộng không cần phải cấy hái nữa. Nhường đất cho đường. Đất sẽ biến thành tiền. Một đống tiền. Dành dụm cả đời cũng không có một lúc nhiều tiền như thế!

Tiền đấy. Ôm tiền và dọn đi.

Nhưng Dạ Liên phản đối. Nàng không chịu nhường đầm sen cho đường cao tốc.

Dân làng sẽ đổi đời cơ mà. Đồ điên.

Cưỡng đoạt!

Nàng giật tung tấm lụa bạch. Đốm đỏ rực nhức nhối. Nhưng đám người đứng trơ ra, cười cợt, bình phẩm.

Oa Ngưu cay đắng quấn nàng vào tấm lụa đỏ, giấu đi, mặc nàng vùng vẫy bất lực. Đám người lạ mới đến làng cũng cười cợt. Ừ. Họ đâu có phải mẹ nàng mà thua cái võ lột truồng phơi ra của nàng.

Đầm sen tắt thở. Cát đổ ào xuống lấp kín huyền thoại làng Nguyệt. Xe cộ ầm ào gầm rú vút qua. Nhà cao tầng vọt lên với những cửa miệng há ngoác mời mọc đầy lè hàng hóa.

Một cao ốc sang trọng sẽ mọc lên ngay chỗ xưa là đầm Dạ.

Hàng ngàn tấn sắt, hàng ngàn tấn xi măng lao thẳng xuống lòng đầm, vùi lấp. Chưa bao giờ tim sen bị đè nặng và vùi sâu đến thế.

Dạ Liên biết. Đêm trước khi những chiếc xe với máy móc khổng lồ tiến đến, những hạt sen già đã kịp rời gương sen, rớt xuống lòng đầm.

Hình ảnh đó ám ảnh nàng. Đêm về, nàng thường thấy những củ sen, hạt sen bị tòa cao ốc nhấn chìm trong lòng đất, đã đi xuyên qua cả trái đất, gặp tiết trời ấm nắng đã mọc lên tốt tươi thơm ngát trong những đầm bao la ở bên kia trái đất.

Chỉ cần gặp nhân duyên, dù rất hiếm hoi là sen bừng nở.

***

Chưa phải là mùa sen, cũng không có trăng, đêm lạnh giá đầu xuân, vậy mà lại có tiếng đàn nguyệt. Tiếng đàn trầm đục, dày vò, nhức buốt.

Sáng ra khi tổ bảo vệ tòa cao ốc đang xây dựng đi kiểm tra thì thấy xác Dạ Liên quấn trong hai tấm lụa treo lơ lửng trên cọc giàn giáo. Màu trắng lẫn đỏ pha thật đẹp, nhìn xa như máu đỏ chảy trên tuyết.

Oa Ngưu bỏ làng đi, sau khi hóa cây nguyệt cầm và hòm sách của nàng. Gã mang theo những mảnh nhỏ ren đỏ rực, giấu kín trong ba lô.

Dân làng sống vội vã và lo lắng. Xe máy Tàu rồ lên trên đường làng đổ xi măng. Làng có những triệu phú tiền đồng và những tỷ phú thời gian. Cờ bạc. Bia cỏ ngập ngụa. Có cả đâm chém. Và cả chất gây nghiện.

Nhưng người ta vẫn nhớ đã cất nàng ở phía Tây của làng, cách xa đường cao tốc, cùng với những hạt sen đen nhức.

Tim sen ở đó.

Lại một mùa sen nữa. Những đám mây bụi từ công trường ngổn ngang bên kia nhuộm không khí làng Nguyệt thành một màu đùng đục buồn bã.

Làng nhớ Dạ Liên, nhớ tiếng Nguyệt cầm kiêu hãnh từng làm nảy lên vạn mầm sen trong làng. Bụi cứ lầm lũi phủ trùm lên cả làng, làm mờ dần hồi ức.

“Những gì đẹp đẽ thường qua nhanh”.

Làng Nguyệt. Mùi sen thơm ngát. Ánh trăng non run rẩy trong tiếng nguyệt cầm, dập dềnh vạn lá sen vẫy. Và thân thể nõn nường của Dạ Liên.

Nhớ tiếc thít chặt tim người.
Nàng đã một mình đi về.
Phía tim sen.

K.B.H


Liên hệ tác giả:
Kiều Thị Bích Hậu, số nhà 37 ngõ 1 Thọ Lão, Hà Nội.
ĐT: 0947 358 999
Email: kieubichhau@gmail.com

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây