Trong khoảng hơn mười năm gần đây, nhà văn Phùng Văn Khai đã cho ra đời 7 cuốn tiểu thuyết lịch sử gồm: Phùng Vương; Ngô Vương; Nam Đế Vạn Xuân; Triệu Vương phục quốc; Lý Đào Lang Vương; Lý Phật Tử định quốc; Hai Bà Trưng (tập 1) được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả. Một số tiểu thuyết đã tái bản tới lần thứ 3. Một đặc điểm trong tiểu thuyết của nhà văn Phùng Văn Khai là đậm đặc chất điện ảnh với nhiều “xen” – trường đoạn đều là những truyện ngắn – truyện lịch sử hoàn chỉnh. Vansudia.net xin giới thiệu truyện lịch sử Thiền sư luận pháp được trích từ bộ tiểu thuyết Vương triều Tiền Lý của ông.
Một điều đặc biệt, trong Thiền sư luận pháp, Vansudia.net xin đăng các bức ảnh mà nhà văn đi điền dã để lấy tư liệu viết.
Nhà văn Phùng Văn Khai cùng đoàn điền dã tại ngôi chùa đức vua Lý Nam Đế tu hành từ năm 7 tuổi đến năm 18 tuổi tại Cổ Pháp – Tiên Phong – Phổ Yên – Thái Nguyên.
Thiền sư luận pháp
Chùa Bến, cổ trấn Luy Lâu năm 580.
Đương tiết trời đầu thu mây quang gió mát, bốn phía bến sông Dâu thơ thới thanh bình. Ngôi chùa nhỏ từ ngày Triệu Vương xuống tóc rồi thiền sư Hành Thiện với sư đệ Pháp Hiền lên chiếc thuyền nhỏ xuôi ra cửa biển thấm thoắt đã sáu năm, chùa vẫn còn đây mà bóng dáng thiền sư nay ở phương nào? Chỉ còn mây nước mênh mang ẩn tàng trong khói sóng.
Cánh cửa gỗ cũ kỹ đã bao năm dãi dầm mưa nắng vẫn còn khá chắc chắn dường như chỉ đọng rêu mốc bên ngoài từ từ mở ra.
Từ bên trong, tiếng một vị sư phụ thong thả gọi:
– Các sư đệ! Đã đến giờ luận pháp rồi!
Vợ chồng nhà văn Phùng Văn Khai đi điền dã tại đền thờ Trần Khát Chân – Hà Nội.
Tiếng vị sư phụ bên trong vừa dứt, từ ba gian nhà gỗ nhỏ bên cạnh cổ tự, ba vị sư tăng ăn vận rất khác nhau bước ra, ai nấy đều cầm sẵn một quyển kinh sách trên tay trang nghiêm bước vào cổ tự miệng đều se sẽ đọc kinh.
Trong trai phòng sơ khoáng, vị sư phụ ngồi trên ghế trúc tai to mặt lớn, đôi lông mày trắng cong vút uy nghi. Sư phụ bận bộ đồ vải gai thâm nâu đã có đến ba, bốn mảnh vá lớn. Trước ngực vị sư đeo bộ tràng hạt bằng gỗ huyết long trắng ngà nhẵn bóng. Hai chân ngài để trần lộ rõ bàn chân dày dặn hồng hào. Phía trên bàn trước mặt là quyển kinh bìa da dê đã thủng sờn lỗ chỗ.
Ba vị sư đệ mới tiến vào trai phòng vẻ ngoài quả là khác nhau quá xa. Một vị mặt vuông mũi lớn, trán gồ lên như đá tảng, nước da nâu bóng vận bộ cà sa đỏ thẫm, hai vạt áo choàng thêu ô vuông kim tuyến đã bợt nhiều đường chỉ, khuôn mặt khá dữ tợn thoạt trông như hiệp khách vừa ở xa đến, bụi đường còn vương trên bộ râu muối tiêu xoăn tít.
Nhà văn Phùng Văn Khai đi điền dã tại Lăng mộ Kim Mã – Hà Nội – Nơi có phần mộ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Vị sư đệ râu xoăn khẩn trương chắp tay thi lễ, miệng nói liên hồi:
– Nam mô a di đà Phật! Sư đệ Phàn Uy xin thỉnh an đại sư huynh!
Vị sư đệ họ Phàn như còn muốn nói gì thêm bỗng bên cạnh một vị sư tăng mặt trắng như sáp, tay dài quá gối, dáng người mảnh khảnh, cặp mắt tinh anh, toàn thân bận bộ đồ vải trắng thanh thoát phiêu diêu đã tiến ra nói:
– Bạch đại sư huynh! Sư đệ Trúc Thanh xin được thỉnh an người!
Đại sư đang ngồi khuôn mặt vẫn trang nghiêm bất động.
Vị sư đệ thứ ba liền tiến vào chắp hai tay nói:
– Bạch sư huynh! Tứ đệ Phạ Kheo xin thỉnh an đại sư huynh!
Sư đệ họ Phạ vừa cúi gập người chào đã khiến dây tràng hạt đen tuyền đeo trên cổ lộc cộc chạm đất. Vị sư đệ này mặt mũi hơi kỳ dị, trán dô cằm lớn khác thường, thân hình lại thấp lùn to ngang khiến dáng đi khá nặng nề vất vả. Đã thế, hai chiếc hồ lô khá lớn luôn đeo kè kè ở bên hông không biết bên trong đựng thức uống gì cứ óc a óc ách nghe hết sức vui tai.
Đợi ba vị sư đệ ai nấy đều tới ngồi yên trên ba chiếc ghế trúc quanh bàn, lão sư huynh mới thong thả bảo:
– Các vị sư đệ! Huynh đệ ta tới Luy Lâu cũng đã gần ba năm rồi, cộng với khoảng thời gian bị bọn Hắc Long giam hãm trên đảo cả thảy là sáu năm. Đối với đạo Pháp mà nói, sáu năm cũng chỉ như mây bay gió thoảng. Song đối với đời mỗi thiền sư cũng là khoảng thời gian đáng kể. Các sư đệ theo ta có vị đã hơn bốn mươi năm còn vẫn chưa thành chính quả ta thực có lỗi với các đệ. Nay đang tiết trời thu trong trẻo, đường sá tạnh ráo, vua chúa sư tăng phương Nam hoan hỉ thái bình, các sư đệ nếu có chí hướng riêng của mình hãy hành bước vân du cho thỏa chí bình sinh. Mong các sư đệ hãy hiểu cho ta.
Nhà văn Phùng Văn Khai tại chân tượng đài Trần Quốc Tuấn đảo Song Tử Tây – quần đảo Trường Sa.
Ba vị thiền sư thấy đại sư huynh đã lâu mới nhắc tới chuyện chí hướng riêng chung, lại thấy lời nói hết sức chân thành, đoán biết bản thân ngài ấy đã tự chọn được đất riêng cho mình, không còn muốn đi đâu khác nữa khiến ai nấy đều vân vi ngẫm ngợi.
Một lát, vị sư phụ họ Phàn đứng ra nói:
– Bạch sư huynh! Mười năm trước, đệ đây vốn là một tên cướp nơi chân núi Tư Không một hôm tới cổ tự trộm đồ nghe lén đại sư huynh vấn pháp với lão thiền sư Tăng Xán mà hốt nhiên ngộ đạo. May được sư huynh thâu nạp cho quy y tam bảo, đệ theo sư huynh bôn ba khắp nơi đều thấy sư huynh dốc lòng vì đạo, dốc tâm dịch kinh sách, khơi dẫn Phật tính của chúng tăng, phật tử không hề mệt mỏi, thường ở đâu cũng không quá ba năm. Nay sư huynh đã đến hạn kỳ, chúng sư đệ cũng đang sửa soạn hành trang theo hầu sư huynh vân du, nay đột nhiên sư huynh muốn đuổi chúng đệ khiến đệ đây không hiểu? Có lẽ nào mảnh đất này chính là nơi chứng quả của sư huynh chăng?
Vị đại sư vẫn ngồi trang nghiêm lặng im không nói như có ý mời các sư đệ khác vấn pháp tham góp câu chuyện rồi trả lời một thể.
Như hiểu được ý tứ của sư huynh, vị sư đệ bạch diện thư sinh y phục màu trắng thong thả bước ra hỏi:
– Bạch đại sư huynh! Đệ từ cửa biển Lô Dung xứ Lâm Ấp, bảy tuổi đã cùng sư phụ theo thương thuyền tới Thiên Trúc tu tập kinh sách. Khi sư phụ quy Phật đã giao đệ cho sư huynh khi đó cũng chỉ mười ba tuổi một mạch cùng sư huynh bôn ba khắp các vùng Tây Vực, Bát Đạt Lĩnh, Giang Bắc, Kiến Khang, Bành Thành trên đất Trung Nguyên, được thấy sư huynh luận pháp với các vị cao tăng trong xứ mỗi khi đạt thành tựu đều dời đi nơi khác. Đệ cũng có câu hỏi giống Phàn sư đệ. Có lẽ nào sư huynh quyết chí ở lại đất này? Nếu không thì tại sao sư huynh lúc này lại hỏi ý hướng của các đệ?
Vị đại sư sắc mặt trang nghiêm vẫn không hề lay động.
Thấy vậy, tứ sư đệ Phạ Kheo tay lần tràng hạt tiến lên hỏi:
– Bạch đại sư huynh! Đệ trước nay chậm hiểu, thấy hai vị sư huynh vấn hỏi đều là những thắc mắc trong lòng đệ. Đệ mang đại ơn của sư huynh đã thâu nhận ngay chốn tù ngục nơi hầm tối của bọn đạo tặc Hắc Long trên biển. Đại sư huynh lại chỉ rõ cho đệ biết thân phận gốc gác của mình ở Di Lạo. Nay quả tình đệ chẳng biết đi đâu? Xin sư huynh chỉ đường mở lối cho?
Nhà văn Phùng Văn Khai làm việc với các cụ thủ từ Đền thờ Lý Thường Kiệt – Long Biên – Hà Nội.
Lời ba vị sư đệ dứt đã lâu, ai nấy đều ngồi nghiêm ngắn, tay lần tràng hạt, nhất loạt hướng mặt về phía đại sư chờ đợi.
Vẫn nhắm nghiền cặp mắt, vị đại sư thong thả cất lời:
– Nam mô a di đà Phật! Lời các sư đệ quả đúng lắm thay! Các đệ đều đã tinh tấn rất nhiều, chỉ thoáng nghe bần tăng nói vài câu đã nhận ra chân tướng của sự việc. Ta xưa nay tham thiền luận pháp, dẫu với các đại tông sư danh tiếng hay các phật tử lần đầu gặp mặt thảy đều cởi mở hết lòng, mong muốn luận bàn tới chỗ cao diệu của đạo, cảnh giới của thiền, cũng là học cái sở đắc của người khác, bồi đắp trí tuệ cho bản thân mãi vẫn không cùng. Ta từ ngày rời đất Thiên Trúc, vâng theo ý hướng của Phật tổ, vân du hành pháp khắp nơi, tìm học điều hay trong thiên hạ, cùng các đại sư bản quốc luận dịch kinh sách, đem tinh túy của đạo Phật giáo hóa vương triều, phổ độ bách tính thị tộc khắp nơi đã hơn năm mươi năm. Từ ngày gặp đại sư Tăng Xán cũng là vị Tổ thứ ba nhận y bát truyền thừa từ Đạt Ma sư tổ, Huệ Khả đại sư đến ngài ấy trên núi Tư Không đã muốn dừng bước thiên di, chỉ chuyên tâm dịch kinh chép sách cũng đã xong được bộ Tượng Đầu tinh xá hơn mười quyển. Song Tam Tổ đã chỉ cho ta con đường hành pháp về phương Nam, ta vâng theo ngài ấy chịu ba năm kiếp nạn trên đảo Thiên Long rồi tới đây tham thiền dịch sách. Nay ta thấy quả như lời Tổ dạy, vùng đất phương Nam đúng là nơi đạo pháp được xiển dương, chúng phật tử thuần thành chất phác, vua chúa quan lại không chỉ am tường đạo pháp mà còn dốc tâm dựng chùa, độ tăng, khơi dẫn Phật pháp hết sức chân thành, chính là mảnh đất ta đi tìm đã lâu. Ta ngày trước khi theo lời Tam Tổ về phương Nam đã mang theo bộ kinh Đại Thừa Tổng trì hơn bốn mươi cuốn, trong ba năm liền mới dịch được bảy cuốn. Nay lượng sức mình đến khi viên tịch dốc sức may ra mới xong nên không muốn đi đâu nữa. Ta cũng không vì thế mà cản bước các sư đệ. Vậy các đệ hãy tùy nghi vân du theo chí hướng của mình.
Thấy đại sư huynh một mạch nói hết tâm tư dự tính, cả những uẩn khúc lâu nay chất chứa trong lòng, ba vị sư đệ ai nấy đều cơ hồ chấn động. Ngày trước, đại sư huynh từng một mực từ chối đứng đầu không ít chỗ trung tâm Phật pháp ở Trung Nguyên, kể cả những lời mời trụ trì đại tự, quản lĩnh chúng tăng một vùng, sư huynh đều tìm cớ thoái thác. Đã mấy lần, các vị hoàng đế Trung Nguyên cho người triệu mời về triều đình giảng pháp, sư huynh cũng khéo léo chối từ. Vậy mà chẳng hiểu tại sao, nơi đất Luy Lâu chùa chiền sơ khoáng, phật tử thanh đạm, ngay một ngôi bảo tháp lớn cũng chưa có lại khiến đại sư huynh quyết ở lại quả cũng lạ. Song, xưa nay biết tính sư huynh lời nói như đinh đóng cột quyết chẳng chuyển dời nên nhất thời chưa biết nói thế nào cho phải.
Đang còn phân vân, bỗng ở bên ngoài, nơi hai cánh cửa gỗ vẫn đang rộng mở xuất hiện một vị thiền sư tuổi trạc lục tuần, mi thanh mục tú, chòm râu trắng phơ phất như vị tiên ông, mình vận bộ đồ vải thô màu xám đã cũ sờn, một tay chống gậy trúc vàng, một tay lần tràng hạt đen vừa bước vào vừa cất tiếng:
Nhà văn Phùng Văn Khai cùng đồng nghiệp đi điền dã tại chùa Nội Hoàng – Yên Dũng – Bắc Giang.
– Nam mô a di đà Phật! Bần đạo xin thỉnh an Diệt Hỷ đại sư cùng các vị thiền sư. Biết đại sư giá lâm đã lâu, hôm nay mới tới diện kiến quả là có lỗi. Mong đại sư cùng sư huynh đệ đại xá cho!
Đại sư họ Diệt cùng ba vị sư đệ thoáng chốc giật mình. Không hiểu vị cao tăng mới đến là thần thánh phương nào đã sớm thuộc cả tên họ sư huynh, còn tự nhận lỗi nhất mực cung kính? Lâu nay, cổ trấn Luy Lâu vẫn tương truyền là nơi ngọa hổ tàng long, các bậc cao tăng ẩn sĩ hành đạo đến từ khắp nơi đều có cả nên đại sư họ Diệt cùng các sư đệ từ khi mới đến hành pháp đã hết sức cẩn thận.
Nhìn kỹ thần thái người mới đến, Diệt Hỷ đại sư thong thả đứng lên vừa đích thân rót trà mời vừa nói:
– Nam mô a di đà Phật! Bần tăng đây chính là Diệt Hỷ, cùng các sư đệ kính mời đại tăng nhập tự. Đang lúc chư huynh đệ luận bàn đạo pháp, mong đại tăng chỉ giáo thêm cho. Chẳng hay đại tăng pháp danh là gì? Hiện ngài đang là phương trượng ở đâu, để sư huynh đệ chúng tôi tiện thưa gửi?
Vị sư phụ mới đến không chút khách sáo thong thả ngồi xuống dùng hết chung trà nóng trong thư phòng, nhìn khắp một lượt các tập kinh sách của bốn vị thiền sư rồi tươi cười nói:
– Nam mô a di đà Phật! Bần tăng đường đột đến tự mà không báo trước, xin các vị sư phụ thể tất cho. Cũng là do tình thế đã gấp, nếu đến muộn sợ không gặp được đầy đủ các sư phụ. Nay thấy được đủ cả bốn vị, quả thực là duyên lành. Bần tăng họ Phùng, pháp hiệu Thuần Đức, hiện đang trụ trì ngôi tự nhỏ tận đất Dã Năng, trong lúc vân du tới Long Biên, nghe danh tiếng Diệt đại sư bèn vội tìm đến đây thọ giáo. Xin đại sư cùng các vị chớ chê cười!
Bốn vị sư phụ nghe xong ai nấy đều giật mình. Thì ra đây chính là vị quốc sư Vạn Xuân Phùng Hiền Anh nổi danh là một bậc cao tăng, từng bôn ba khuông phò hai vị quân vương từ ngày trứng nước. Lại thấy quốc sư của một nước phong thái nhi nhiên, ăn mặc giản phác, lời nói cử chỉ đoan chính nghiêm trang mà hồn hậu gần gũi khiến ai cũng cảm thấy phấn chấn.
Thấy đại sư huynh đưa mắt gật đầu, sư đệ họ Trúc bèn đứng dậy thi lễ nói:
– Nam mô a di đà Phật! Bạch Phùng đại sư, bần tăng xin được giới thiệu để đại sư tiện biết. Vị sư đệ vận cà sa đỏ đây chính là tam đệ Phàn Uy, pháp danh là Ngộ Năng thiền sư. Vị đeo tràng hạt gỗ mun này chính là tứ đệ Phạ Kheo, pháp danh là Ngộ Hạnh thiền sư. Còn bần đạo tên tục Trúc Thanh, pháp danh sư huynh đặt cho là Ngộ Pháp. Chúng sư đệ đang được đại sư huynh giảng pháp, cũng có chỗ còn chưa thông, xin đại sư chỉ giáo cho.
Nhà văn Phùng Văn Khai cùng đoàn điền dã kiểm tra nội dung văn bia tại Đền Cao – Tây Đằng – Ba Vì – Hà Nội.
Vị đại sư họ Phùng chăm chú lắng nghe, một tay chắp trước ngực một tay lần tràng hạt, hai mắt hiền hòa chiếu rọi vào người đối diện thong thả bảo:
– Ngộ Năng, Ngộ Hạnh, Ngộ Pháp thiền sư! Pháp danh của các vị quả thực hàm chứa đạo pháp cao diệu của Phật tổ. Lúc ở trong lòng thuyền dưới bến sông tạm dùng chút thức chay, bần tăng đã nghe đầy đủ câu chuyện vấn pháp của các vị, nhất là tâm tư của Diệt Hỷ đại sư thực vô cùng xúc động. Đúng là tìm bóng dưới chân đèn, đi vớt trăng trong nước, không dễ gì nhận ra chân tướng đạo pháp nơi thung thổ của mình. Trộm nghe Diệt đại sư nói vài câu bỗng thành ngộ pháp. Bần tăng xin thay mặt chư tăng Vạn Xuân cảm ơn tuệ nhãn của Diệt Hỷ đại sư.
Thấy vị sư phụ họ Phùng nhất mực khen đại sư huynh đã khai tuệ nhãn, vốn chất phác thật thà chậm hiểu, tứ sư đệ Phạ Kheo bèn hỏi:
– Nam mô a di đà Phật! Bần tăng đây có chỗ không hiểu, xin đại sư chỉ giáo? Sư huynh bần tăng muốn dừng chân độ pháp, dịch kinh, chép sách ở nơi đây vẫn còn chưa biết đức vua Vạn Xuân, phương trượng Luy Lâu có thuận cho không? Lại ý sư huynh muốn các sư đệ tùy duyên lựa chọn đường đi nước bước cho mình. Như riêng bần tăng trí óc chậm chạp, lời nói vụng về, không theo sư huynh còn biết đi đâu? Xin đại sư giảng giải?
Đại sư họ Phùng nghe xong vuốt chòm râu trắng tươi cười nói:
– Lời Phật dạy rằng: trước mắt đừng ngại vụng về, chỉ lo thân mình lười nhác; trước mắt đừng ngại chậm chạp, chỉ lo trí mình chùn nhụt. Đại khái Ngộ Hạnh thiền sư do lưu luyến sư huynh mà chưa quả quyết đường riêng đó thôi. Ý đại sư huynh của ngài chả đã sáng rõ như ban ngày đó sao? Ngài vốn gốc gác đất Di Lạo, bản tính giản phác, ưa sự chuyên cần, chuyên chú lấy bản thân mình ra làm gương, đã học đủ bảy phần thức pháp của sư huynh, nay đã đến lúc trở về cố hương giúp vua hành pháp còn chần chừ gì nữa? Nếu thiền sư không ngại đợi, chỉ hơn tháng nữa, đoàn tùy tùng của tân vương Di Lạo tới mừng Lễ khánh thành quốc điện Phong Châu, ta sẽ giới thiệu để ngài về giúp việc hoằng pháp cho nước. Chẳng hay như thế có tiện chăng?
Thiền sư Ngộ Hạnh bần thần ngồi im, miệng chỉ khe khẽ nam mô a di đà Phật. Trong bụng họ Phạ thầm nghĩ, không hiểu tại sao đại sư mới tới đã biết cả ngóc ngách thân phận của mình, còn ngầm sắp đặt cho vẻ vang trở lại cố hương?
Các vị thiền sư còn lại đều im lặng.
Đại sư họ Phùng lại quay sang thiền sư họ Trúc trang nghiêm nói:
– Ngộ Pháp thiền sư! Ngài vốn bôn ba từ nhỏ, mây núi gió ngàn, bảy tuổi đã tới đất Phật, mười ba tuổi đã đi khắp trong ngoài cõi Trung Nguyên, hẳn kiến thức hơn người, tuệ nhãn thông thấu. Nay khi buổi sáng hẳn đã lĩnh hội tâm ý của Diệt sư huynh? Bản thân ngài chắc đã quán hạnh sâu sắc “Tổng trì Tam ma địa” được bảy tám phần rồi. Nay đất cũ cố hương cửa biển Lô Dung cũng như triều đình Lâm Ấp đang loạn chính loạn pháp, chính là lúc cần ngài dứt khoát trở về, trước là hoằng đạo độ pháp, sau là giúp Thái tử yên định vương triều, không phải là công quả sau này sẽ truyền vào kinh sách hay sao? Nếu thiền sư không ngại, hãy đợi ta trong buổi tiếp sứ đoàn Lâm Ấp tới dự Lễ mừng quốc điện sẽ giới thiệu ngài. Còn như thiền sư có ý khác, bần tăng vẫn theo câu nói của đại sư huynh ngài là “hãy cứ tùy duyên vân du theo chí hướng của mình”.
Vị thiền sư họ Trúc chăm chú lắng nghe dáng vẻ rất trang nghiêm, sắc mặt dần lộ rõ vẻ bồn chồn xúc động, hai tay chắp trước ngực, đầu hơi cúi thấp như người đang lĩnh ấn pháp, miệng khe khẽ nói:
– Nam mô a di đà Phật!
Thiền sư họ Phùng lại hướng về phía vị sư đệ họ Phàn chậm rãi nói:
– Ngộ Năng thiền sư! Ngài trước bị tâm ma quấy đảo, sau may nhờ có đại sư huynh mà ngộ pháp, rồi cứ thế một mạch theo cùng tới đây, cả đời chỉ muốn bên cạnh sư huynh không rời nửa bước. Lại bên cạnh ngài là hai vị nhị huynh Trúc Thanh và tứ đệ Phạ Kheo đã thạo thuộc tính nết, quen bén nhân duyên thật khó chia rời. Nay tâm ngài như đang ở ngã ba đường, chỉ mong vui vẻ bốn sư huynh đệ vân du, nay đây mai đó, mong đại sư huynh sớm thành chính quả, đến chết mới thôi. Như thế là ngài mới ngộ pháp được năm phần. Ta cho rằng, phải đến khi ngài hầu xong sư huynh dịch hết bộ kinh Đại Thừa Tổng trì mới đạt đạo. Mấy lời nói thẳng, mong thiền sư hãy hỉ xả cho.
Cũng giống như sư đệ sư huynh, thiền sư họ Phàn pháp hiệu Ngộ Năng cũng chỉ biết ngồi im, mặt đầy biểu cảm. Có lúc đã toan nói điều gì lại thôi, miệng chỉ khe khẽ nhẩm đọc:
– Nam mô a di đà Phật!
Đợi đại sư họ Phùng nói xong về ba vị sư đệ, bản thân các sư đệ dường như đều đã cam tâm theo sắp xếp của ngài, Diệt Hỷ đại sư thấy vậy bèn chắp tay nói:
– Nam mô a di đà Phật! Quả là Phật pháp vô biên. Hôm nay bần tăng đây đã được mở rộng tầm mắt. Phùng đại sư không chỉ quán thông Phật pháp, mà tuệ nhãn của người đã thông thấu tới quá khứ, tương lai của tam đệ ta. Bần tăng cho rằng, con đường đại sư mở ra cho các sư đệ ta cũng chính là ý của Phật tổ. Xin đa tạ Phùng đại sư!
Vị đại sư họ Phùng trang nghiêm đáp:
– Nam mô a di đà Phật!
Diệt Hỷ đại sư lại nói:
– Ngày trước, bần tăng có nghe Tam Tổ nói rằng, ai đã học được phép “cách không thính vật” đều đạt đại ngộ. Đại sư đây đã đạt tới “cách vật định tâm”, không chỉ biết rõ từng lời luận pháp của sư huynh đệ ta, mà còn tham thấu cùng hết tâm can các đệ ấy quả là thần thông hiếm có. Tam Tổ vẫn cho rằng, phương Nam là đất Phật, tất sinh ra những bậc đại thiền sư thông tuệ bác học, sớm đưa đạo Phật làm quốc đạo, hưng quốc an dân, làm vẻ vang tăng lữ muôn đời, quả là hôm nay bần tăng đã được thấy rõ tận mắt.
Nhà văn Phùng Văn Khai cùng đoàn công tác tham dự Lễ giỗ cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tại Phùng Xá – Thạch Thất – Hà Nội.
Thấy Diệt Hỷ đại sư lời nào cũng đề cao con người, đạo pháp Vạn Xuân, dẫu là thực chứng chân thành, song không nhất thiết phải khen thẳng ra thế, Phùng đại sư bèn nói:
– Nam mô a di đà Phật! Diệt đại sư nói thế quả tình bần tăng không dám nhận. Nếu nói rằng, Vạn Xuân dân chúng thuần hậu chất phác giàu phật tính, đấng quân trưởng đạo hạnh rõ ràng, đều lấy tâm ý của Phật tổ làm phương lược trị quốc, tạm thời có thể nhận được. Song đại sư cho đó đã là mẫu mực như nơi đất Phật, sư tăng ở chốn này đã đạt độ quán thông bác học, đạo pháp thần thông e rằng không ai dám nhận đâu. Phật pháp vô biên, các vị thiền sư, dẫu có là thánh sư chăng nữa sức lực trí tuệ cũng đều hữu hạn. Chúng tăng sư sãi Vạn Xuân cho đến quân vương quốc chủ, quan lại triều đình đều chỉ mong đem hết sức mình, chân thành học hỏi, siêng năng chịu khó làm việc đạo việc đời mà thôi. Mong thiền sư hãy chỉ bảo thêm cho.
Phùng sư phụ vừa dứt lời, Diệt Hỷ đại sư càng cung kính nói:
– Phùng đại sư! Những điều đại sư nói bần tăng đều biết cả. Thực là hết sức khiêm nhường, đúng với chân tâm của Phật. Song đại sư là người ở bên trong, cái nhìn tuy toàn diện cũng có chỗ tự mình khó có thể tổng kết công việc do chính mình quản lĩnh. Khiêm tốn quá tất sẽ bỏ sót công quả. Sớm định rõ công quả đạt thành lại lo dễ sinh kiêu mãn hư hỏng. Bởi vậy, người ở nơi khác đến như bần tăng đây từ xa nhìn vào sẽ khách quan hơn chăng? Lại thấy rằng: Bốn vị hoàng đế, quân vương Vạn Xuân đều là xuất thân cửa tự, không chỉ làu thông kinh pháp mà bản thân đều đã luân trải nước lửa chiến tranh, càng như kim cương bất hoại, đã tự luyện thành chính quả mà vẻ ngoài ai nấy đều mềm mại uyên nguyên. Các vị vua Vạn Xuân không chỉ biết thân dẫn trọng binh giành độc lập cho nước, mà còn suốt đời dẫn dắt chúng dân mưu sinh cơm áo gạo tiền. Các vị ấy rất biết thế thời nặng nhẹ. Chỉ riêng việc Triệu Vương cuối đời xuống tóc, nhường ngôi báu về cho Lý thị đã vằng vặc phật tính trăm năm hiếm có. Bần tăng trong lòng vô cùng hâm mộ mới chân thành phát lộ vài lời, nếu có gì chưa thông đạt, mong đại sư hỉ xả cho.
Thấy Diệt Hỷ đại sư lời nào cũng đều thẳng thắn không né tránh, lại điểm đúng những việc đã làm của các vị quốc chủ hết sức rõ ràng, biết rõ trong lòng thiền sư đã thực sự coi Vạn Xuân là nơi hành pháp không thể tách rời được nữa, Phùng đại sư bèn ân cần nói:
– Nam mô a di đà Phật! Đa tạ đại sư đã khai mở thêm cho bần tăng. Quả thực ngài ở bên ngoài dễ quan sát bốn mặt, lại sẵn có pháp độ cao diệu, trái tim ấm nóng chân thành đã chỉ ra những chỗ cốt yếu của đạo pháp Vạn Xuân. Nay bần tăng vâng mệnh đức vua, cung kính mời đại sư cùng sư huynh đệ hãy thong thả đến dự Lễ mừng quốc điện. Cũng mong dịp này, các vị sư phụ chỉ bảo thêm các việc về kinh sách, đạo pháp cho tăng chúng Vạn Xuân.
Bốn vị sư tăng thấy Phùng đại sư hoan hỉ chân thành đều tươi tắn đáp:
– Nam mô a di đà Phật! Mọi việc xin nghe theo sắp đặt của Phùng đại sư.
Quả nhiên, sau lễ mừng quốc điện, Ngộ Pháp thiền sư quay trở về Lâm Ấp, Ngộ Hạnh thiền sư theo về Di Lạo đều trở thành các bậc quốc sư. Riêng Diệt Hỷ đại sư ở lại Luy Lâu hoằng pháp vừa dịch bộ kinh Đại Thừa Tổng trì nổi tiếng được coi là vị Tổ thứ nhất thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi sau truyền y bát cho thiền sư Pháp Hiền còn cho tới hôm nay.