Mặt trời – ánh xạ của những huyền thoại! – Tác giả: Nguyễn Thanh Tú

Những biểu tượng quen thuộc, lâu đời, phổ quát với nhiều người, nhiều cộng đồng lắng đọng, kết tinh trong nó nhiều lớp mã văn hóa sẽ trở thành cổ mẫu (mẫu gốc). Những cổ mẫu vạm vỡ, giàu có sẽ hóa thành huyền thoại bay lượn trong bầu trời văn hóa hấp dẫn cả nhân loại ngước nhìn và khao khát khám phá.

Dù muôn vàn ý nghĩa nhưng nếu bóc dần đi các lớp mã thì bên trong huyền thoại vẫn luôn nhìn thấy, một là bóng dáng của hiện thực đời sống cổ xưa, dù rất mờ nhạt; hai là các giá trị tinh thần đã trở thành tài sản văn hóa của nhân loại. Những mẫu gốc huyền thoại thì không có đáy và cứ mãi mời gọi, hấp dẫn.

Mặt trời là một ví dụ tiêu biểu. Tự thân mặt trời đã tỏa ánh sáng – một thứ ánh sáng vật lý, đi vào huyền thoại, nó trở thành thứ ánh sáng lộng lẫy và đa sắc của văn hóa, theo quy luật tiếp biến các ánh sáng ấy cứ ánh xạ, khúc xạ vào nhau tạo ra một vùng ánh sáng rất đặc biệt lóng lánh chung quanh biểu tượng. Đặc biệt đến nỗi không một nghiên cứu nào có thể tìm ra, gọi ra được tên, chưa nói đến sự phân tích chỉ ra một cách cụ thể các mảng màu hay cường độ của màu sắc… Xin được lấy cứ liệu vùng Đông Á đồng văn đồng chủng để minh họa.

Than Amaterasu ra khoi goc dau min - Mặt trời - ánh xạ của những huyền thoại! - Tác giả: Nguyễn Thanh TúThần Amaterasu ra khỏi gốc dâu. Tranh cổ Nhật Bản, 1887.

Ở hầu hết các nền văn hóa cổ, thần Mặt Trời là nữ. Thần thoại Nhật Bản kể nữ thần Mặt Trời Amaterasu tóc dài, mắt sáng chói, thân hình kiều diễm tỏa ra muôn ngàn tia sáng rực rỡ. Thần thoại Trung Quốc kể Hy Hòa – thần Mặt trời là mẹ của 10 mặt trời con… Thần thoại dân tộc Thái (Việt Nam) có truyện “Nữ thần Mặt trời, Mặt trăng”, dân tộc Ê Đê (Tây Nguyên, Việt Nam) kể chàng Đăm Săn vĩ đại đi bắt nữ thần Mặt Trời làm vợ… Đó là huyền tích về thời kỳ mẫu hệ xa xưa.

Không chỉ có ở huyền thoại, nó còn lặn cả vào ngôn ngữ. Ví như ở nước Việt xưa người ta gọi cái gì to lớn, hoành tráng, bề thế là “cái”, là “cả” (sông cái tức sông mẹ, rổ cái, đũa cả…). Thế nên trở về với cổ xưa bằng con đường biểu tượng và ngôn ngữ cũng là những phương cách khả thi, không thể chính xác khoa học bằng lịch sử hay khảo cổ… nhưng thi vị hơn, vẫn cho phép những phán đoán khả tín. Ví như phân tích hình tượng Đăm Săn sẽ thấy sử thi này ra đời ở thời quá độ, như cái dấu gạch nối giữa hai thời mẫu quyền và phụ quyền. Ngay một động từ “bắt” (nữ thần Mặt trời) đã cho thấy tính chất giải thiêng, hạ bệ tư tưởng mẫu quyền (!?).

Trong nhiều ngôn ngữ gọi “trời” là ông (ông trời – nam tính) tức cách gọi đó đã ở hẳn sang thời nam quyền. Đến khi phái đàn ông đã xác lập ổn định quyền hành, tính chất phụ hệ mạnh đến mức tạo ra tính chất nam tính hóa những gì thuộc nữ. Có thể cách gọi “ông trăng” (chứ không phải “bà trăng”) của người Việt nằm trong trường hợp này (!?). Nhưng tại sao vẫn gọi “ông tơ bà nguyệt” thì là cả một câu chuyện dài về cội gốc, mong được dịp trở lại sau.

Điểm dễ thấy nhất ở các huyền thoại là thông qua biểu tượng mặt trời để biểu hiện cái khát vọng chinh phục tự nhiên, bắt tự nhiên phục vụ con người, chiều theo ý con người.

Hầu hết các nền văn hóa cổ đều kể có nhiều mặt trời cùng thời điểm. Thần thoại Ấn Độ kể có 12 mặt trời. Thần thoại các nước châu Mỹ, châu Phi cũng kể có nhiều mặt trời. Càng là vùng nắng nóng khô hạn thì thần thoại nơi đó càng có nhiều mặt trời, thậm chí có vùng thần thoại kể có tới 99 mặt trời… Hình tượng mặt trời đều mang tính nước đôi, hai mặt, vừa tốt vừa xấu, vừa tích cực, chính diện vừa tiêu cực, phản diện…

Canh Dam San di bat Nu than Mat troi min - Mặt trời - ánh xạ của những huyền thoại! - Tác giả: Nguyễn Thanh TúCảnh Đăm Săn đi bắt Nữ thần Mặt trời.

Điều này cũng xuất phát từ một thực tế, nhất là ở vùng cư dân nông nghiệp nếu thiếu ánh sáng mặt trời thì cây cối khó quang hợp nên chậm phát triển, nhưng nắng quá, gay gắt gây ra hạn hán thì cây cối bị héo, con người mệt mỏi… Thế nên cái mong mỏi lớn nhất của người nông dân xưa là “mưa nắng phải thì”, điều hòa, cân bằng. Đây cũng là một đặc tính tâm lý ở họ, ưa sự chừng mực, vừa phải… Đặt trong thế đối sánh với các huyền thoại khác dễ thấy khát vọng chinh phục mặt trời mạnh mẽ nhất ở các vùng văn hóa nông nghiệp. Chàng Đăm Săn “đi bắt nữ thần Mặt Trời” chính là một biểu hiện lớn lao cái khát vọng ấy.

Nhiều huyền thoại khác có chung môtip bắn rụng mặt trời nhưng với Đăm Săn thì “đi bắt”. Dưới ánh sáng của văn học so sánh, sự đối chiếu, phân tích các hành động ấy chắc sẽ có nhiều kết quả thú vị. Trước hết là khác nhau về động cơ.

Trong văn hóa Trung Hoa có rất nhiều truyện thần thoại bắn mặt trời, như truyện “vua Nghiêu lệnh cho Hậu Nghệ bắn 10 mặt trời” nhưng để lại 1. Thần thoại Mường (Việt Nam) có khác đôi chút, có 9 mặt trời bắn rơi 8, còn để lại 1 làm sáng ngày; có 12 mặt trăng bắn rơi 11, còn để lại 1 làm sáng đêm… Thần thoại Mông thì chàng Giàng Do bắn rụng 8 mặt trời 7 mặt trăng. Ở thần thoại Thái thì chàng Quải không bắn mà trèo lên ngọn núi cao, dùng đá cát ném vào mặt trời không cho xuống thấp làm cháy lúa nương, cháy nhà sàn… Lột lớp mã “nhiều mặt trời” này sẽ cho thấy một hiện thực: nắng nhiều gây hạn hán (dẫn đến mất mùa), hỏa hoạn (nhất là cháy rừng)… Thế nên song hành với khát vọng chinh phục mặt trời là nghi thức cầu mưa đều có ở mọi nơi: “Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày…”.

Như vậy hầu hết các hành động “bắn” mặt trời có lý do điều chỉnh tự nhiên, với hình tượng Đăm Săn, rộng rãi hơn, còn là lý do xã hội. Đó là cái khao khát mãnh liệt cắt bỏ những vòng trói của tục nối dây đã ngàn đời ràng buộc phận người… (!?).

Theo tục “nối dây” (chuê nuê) Đăm Săn cưới hai chị em Hơ Nhí, Hơ Bhí rồi trở thành một tù trưởng giàu có, hùng mạnh. Đăm Săn đánh bại các tù trưởng Mtao Grư, Mtao Mxây, giành lại vợ, đem lại sự giàu có cho cộng đồng. Đăm Săn phản kháng thần quyền, chặt cây thần và “đi bắt Nữ thần Mặt trời” về làm vợ. Chàng đã thể hiện một tư thế vượt tầm vũ trụ. Vượt qua rừng có nhiều cọp, nhiều rắn, vượt qua chông lớn, chông nhỏ, “chông lớn nhiều như lông nhím, chông nhỏ nhiều như lông chó. Con sóc mà nhảy vào thân nó cũng khó vẹn toàn”. Như vậy, đi bắt Nữ thần Mặt trời không chỉ là khát khao vượt qua mọi trở ngại tục quyền, thần quyền, cường quyền để chinh phục tự nhiên, còn là chinh phục những gì lạc hậu, xưa cũ. Như một tượng đài sử thi bất tử, hình tượng Đăm Săn sẽ mãi tỏa sáng rạng ngời không gian văn hóa Tây Nguyên!

Khát vọng là vô cùng nên hành động thực hiện khát vọng cũng rất đa dạng. Rất nhiều nền văn hóa có chung hành động “bắn rụng mặt trời”, nhưng nhiều nơi còn là “ném đá”, “ném cát”, dùng “mây che”, dùng “tay” để “bắt”,… Riêng trong huyền thoại của Nhật Bản thì không có các hành động này. Cây huyền thoại anh hùng “bắn mặt trời” của văn hóa Trung Hoa tuy cao lớn nhưng vẫn không đủ tầm vươn qua biển cả để cành lá ngả bóng sang xứ Phù Tang. Hơn nữa với đặc thù là một quốc gia đảo bốn bề mênh mang nước thì với Nhật Bản nạn hạn hán không cấp bách. Vả lại nông nghiệp không phải là “độc canh” của họ. Sống giữa biển, người Nhật thành thạo ngư nghiệp, thậm chí có thời còn coi đó là ngành nghề chính. Nhưng lý do cơ bản là từ quan niệm về cội nguồn, người Nhật Bản tự hào là “đất nước mặt trời mọc”.

Theo âm Hán, “Nhật Bản” có nghĩa là “gốc của Mặt trời” (nhật là mặt trời, bản là gốc). Thần thoại Nhật Bản coi tổ tiên của họ là nữ thần Mặt trời Amaterasu (Thái dương thần nữ). Chả anh hùng nào, dù mạnh mẽ, tài giỏi đến mấy lại dám chống lại tổ tiên nguồn cội mình nên trong văn hóa Nhật không có môtíp người anh hùng đi “bắt”, đi “kiện” (như kiểu thần thoại “Cóc kiện trời” của ta), đi “ném”… mặt trời như một vài nền văn hóa láng giềng. Nhật Bản còn một tên nữa liên quan đến mặt trời là “Phù Tang”. Phù tang là loại cây dâu rỗng ruột (tiêu tâm). Theo truyền thuyết Thần Mặt trời “ngự” trong gốc cây dâu này trước khi cưỡi xe lửa đi trên trời từ Đông sang Tây. Cái tên “Phù Tang” mộc mạc mà cũng đầy kiêu hãnh.

Có một điểm chung ở các thần thoại trên thế giới (trừ Nhật Bản) là các anh hùng có bắn rụng nhiều mặt trời nhưng vẫn để lại 1. Thì ra huyền thoại vẫn có giới hạn, dù có tài năng phi phàm đến mấy, có tưởng tượng tài giỏi mấy thì cũng không vượt qua được hiện thực là có 1 mặt trời, 1 mặt trăng. Dù có bay bổng lãng mạn đến mấy huyền thoại vẫn phải bắt rễ sâu vào hiện thực, tôn trọng hiện thực. Cổ xưa đã vậy, huyền thoại trong văn chương hiện đại có còn như vậy chăng?

N.T.T

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây