Thương cảng Hội An – Cửa ngõ giao thương của xứ Đàng Trong – Việt Nam

Trên hơn 3200 km chiều dài bờ biển của đất nước Việt Nam hiện nay, trong lịch sử, có nhiều “điểm mở” thông thương với thế giới bên ngoài để đón nhận nhiều luồng mậu dịch quốc tế ngay từ buổi sơ khai. Hội An chính là một “điểm mở” như vậy.

Nằm trên bờ Bắc cửa sông Thu Bồn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam, cách Thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Đông Nam, Hội An chính là điểm “hội thủy” của hệ thống lưu vực rộng lớn sông ngòi và tất yếu trở thành điểm hội tụ tàu thuyền, hàng hóa, sản vật của khu vực nội địa.

Song Hoi an cuoi TK18 min - Thương cảng Hội An - Cửa ngõ giao thương của xứ Đàng Trong - Việt NamSông Hội an cuối TK18

Hội An là một trong những cảng thị Việt Nam nằm trên “Con đường tơ lụa trên biển” và phát triển trong hệ thống thương mại Châu Á. Ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVI, nơi đây đã từng là một trung tâm mậu dịch lớn nhất của Đàng Trong và của cả nước Đại Việt, là một trong những thương cảng sầm uất của vùng biển Đông Nam Á trong các thế kỷ 16, 17, 18 với sự tham gia của các thương nhân đến từ Thái Lan, Philippin, Inđônêxia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hà Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha

Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi nên hàng hóa từ bốn phương trong nước tụ về thương cảng Hội An. Rồi lại chính từ thương cảng này, hàng hóa trong nước với những sản phẩm nổi tiếng như tơ tằm, gốm sứ, trầm hương, yến sào… được thuyền buôn các nước chuyển tải đến nhiều nước Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á và một số nước phương Tây. Hàng hóa nước ngoài cũng từ Hội An được tỏa khắp mọi miền đất nước. Hội An đã trở thành cửa ngõ của Đàng Trong thông thương với thế giới bên ngoài.

Pho co Hoi An min - Thương cảng Hội An - Cửa ngõ giao thương của xứ Đàng Trong - Việt NamPhố cổ Hội An

Hội An là nơi tập trung nguồn thổ sản dồi dào nhất Quảng Nam. Một thương khách người Quảng Đông đã thuật lại “… Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một món là củ nâu, thuyền ở Thuận Hóa về chỉ mua được một món là hạt tiêu, còn thuyền từ Quảng Nam về thì trăm hóa vật không món gì không có… Do đường thủy bộ, đi thuyền, đi ngựa đều tập hợp ở phố Hội An, cho nên rất đông thương khách phương Bắc tới đó để mua…”.

Bên cạnh đó, Hội An còn là một thương cảng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên “con đường gốm sứ” trên vùng biển Tây Nam Thái Bình Dương. Chúng đóng vai trò trung gian kép giữa vùng biển Đông Nam Á và Trung Hoa, cũng như giữa Nhật Bản và Trung Hoa trên con đường gốm sứ xuyên Thái Bình Dương trong kỷ nguyên đại thương mại của thế giới. Từ một vùng đất yên tĩnh, Hội An đã trở thành một thương cảng giữ vai trò mắt xích trung chuyển hàng hóa trọng yếu của xứ Đàng Trong nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Thuong cang Hoi An Cua ngo giao thuong cua xu Dang Trong Viet Nam min - Thương cảng Hội An - Cửa ngõ giao thương của xứ Đàng Trong - Việt NamThương cảng Hội An

Với vai trò là một thương cảng trọng yếu của Đàng Trong – Việt Nam, lại nằm trên hải trình mậu dịch thuyền buôn quốc tế, cùng với các cảng thị ở Đại Việt như: Phố Hiến, Vân Đồn, Thanh Hà, Nước Mặn, Gia Định… Hội An đã tham gia tích cực vào việc hình thành nên mạng lưới thương mại hàng hải ở vùng biển Thái Bình Dương, là một phần của các con đường gốm sứ, con đường gia vị và nhất là con đường tơ lụa lừng danh một thời.

Lê Khiêm tổng hợp

————–

Nguồn: Trần Ánh. Thương cảng Hội An – Điểm hội nhập và trung chuyển gốm sứ mậu dịch quốc tế. VHNT 1998, số 8 (170), tr. 37 – 38.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây