Giới thiệu khái quát huyện Sìn Hồ

Giới thiệu khái quát huyện Sìn Hồ

Giới thiệu khái quát huyện Sìn Hồ

Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, nằm cách thành phố Lai Châu khoảng 60 km về phía Tây. Toạ độ địa lý trong khoảng từ 22002′ đến 22037′ vĩ độ Bắc và từ 102056’ đến 103024’ kinh độ Đông. Phía Đông Bắc giáp huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu); phía Đông giáp thành phố Lai Châu và huyện Tam Đường; phía Đông Nam giáp huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu); phía Tây giáp huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu); phía Nam giáp huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) và huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La); phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Có tổng diện tích tự nhiên 152.700,1 ha; diện tích đất nông nghiệp 29.374,32 ha; đất lâm nghiệp 52.322,76 ha; đất phi nông nghiệp 7.502,1 ha; đất ở 603,99 ha; đất khác là 62.896,93 ha. Là huyện có địa hình tương đối phức tạp, nhiều núi cao, độ dốc lớn, chia cắt mạnh bởi nhiều khe sâu.

Huyện Sìn Hồ có 22 đơn vị hành chính, gồm: Thị trấn Sìn Hồ và 21 xã (Phăng Sô Lin, Tả Phìn, Sà Dề Phìn, Tả Ngảo, Làng Mô, Tủa Sín Chải, Chăn Nưa, Pa Tần, Hồng Thu, Phìn Hồ, Ma Quai, Lùng Thàng, Nậm Tăm, Nậm Cha, Noong Hẻo, Pu Sam Cáp, Pa Khóa, Căn Co, Nậm Cuổi, Nậm Mạ, Nậm Hăn). Trung tâm huyện lỵ đặt tại thị trấn Sìn Hồ. Huyện có tổng chiều dài đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc dài 12 km thuộc địa phận xã Pa Tần, nên huyện Sìn Hồ có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh – quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia.

Tổng dân số của huyện là 82.852 người (tính đến ngày 30/11/2018); gồm 14 dân tộc: Kinh, Thái, H’Mông, Dao, Lự, Khơ Mú, Lào, Giáy, Kháng, Hoa và các dân tộc khác cùng sinh sống, trong đó: Dân tộc Thái chiếm 30,40%; dân tộc H’Mông chiếm 33,31%; dân tộc Kinh chiếm 6%; dân tộc Dao chiếm 22,37%; dân tộc Lự chiếm 4,49%; dân tộc Kháng chiếm 0,93%; dân tộc Khơ Mú chiếm 0,90%; dân tộc khác chiếm 1,6%.

Do chịu ảnh hưởng lớn của hoạt động kiến tạo địa chất nên có địa hình rất phức tạp, núi cao, độ dốc lớn, mức độ chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao chạy dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, phổ biến là kiểu địa hình núi cao và núi trung bình xen lẫn thung lũng. Độ cao trung bình từ 900 – 1.800m so với mặt nước biển, được chia thành 03 vùng khác nhau:

* Vùng cao: Gồm thị trấn Sìn Hồ và 08 xã (Phăng Sô Lin, Tả Phìn, Sà Dề Phìn, Tả Ngảo, Làng Mô, Tủa Sín Chải, Phìn Hồ, Hồng Thu) với độ cao trung bình từ 800 – 1.800m so với mực nước biển, riêng thị trấn Sìn Hồ ở độ cao 1.500m, có khí hậu nhiệt đới, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế rừng, cây chè, cây ăn quả ôn đới có giá trị kinh tế cao, cây dược liệu và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

* Vùng thấp: Gồm 11 xã (Ma Quai, Lùng Thàng, Nậm Tăm, Nậm Cha, Noong Hẻo, Pu Sam Cáp, Pa Khóa, Căn Co, Nậm Cuổi, Nậm Mạ, Nậm Hăn)   với độ cao trung bình từ 500 – 800m so với mực nước biển, là vùng chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp như Cao su, Quế… và phát triển sản xuất nông nghiệp.

* Vùng biên giới và dọc sông Nậm Na: Gồm 02 xã (Chăn Nưa, Pa Tần) với độ cao trung bình từ 400 – 600m so với mực nước biển, là vùng có tiềm năng phát triển thủy điện vừa, nhỏ và nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Khí hậu huyện Sìn Hồ mang đặc điểm của vùng nhiệt đới núi cao Tây Bắc, ít chịu ảnh hưởng của bão. Thời tiết quanh năm chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa đông lạnh và mưa ít, mùa hè nóng mưa nhiều và ẩm ướt. Lượng mưa bình quân năm ở mức tương đối cao khoảng 2.604 mm/năm và phân bố không đồng đều. Lượng mưa của các xã vùng cao ở mức 2.600 – 2.700 mm/năm, lượng mưa ở các xã vùng thấp và các xã dọc sông Nậm Na ở mức 2.480 – 2.750mm/năm. Lượng mưa cao nhất là vào tháng 6 và tháng 7 hàng năm chiếm tới 70% lượng mưa trung bình của cả năm. Độ ẩm trung bình trong năm từ 80 – 86 %, tháng cao nhất là tháng 7 dao động từ 85 – 90%, tháng thấp nhất vào tháng 3 dao động từ 70 – 80%. Tổng số giờ nắng trong năm trung bình từ 1.850 – 1.900 giờ.

Huyện Sìn Hồ có mạng lưới sông, suối khá dày đặc, đa dạng, trong huyện có 02 sông chính chảy qua là sông Đà và sông Nậm Na ngoài ra còn các dòng suối với trữ lượng nước lớn như: Suối Nậm Mạ, suối Nậm Múng, suối Nậm Tăm, suối Phiêng Ớt. Đặc biệt, huyện có 08 xã nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La. Điều kiện địa hình, khí hậu, thủy văn, sông ngòi thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và phát triển du lịch sinh thái, thắng cảnh và nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó huyện còn có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử, hang động, núi đá tự nhiên nổi tiếng như: Núi Đá ô, Động Quan âm, Cổng trời… Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc sinh sống như dân tộc Thái, Dao, Lự, H’Mông… với bản sắc văn hoá riêng, có những lời ca, tiếng hát, say sưa trong điệu xòe của người Thái, điệu múa và tiếng khèn ngân nga của người H’Mông. Hàng năm vào các dịp lễ Tết quý khách còn được chiêm ngưỡng lễ hội Gầu Tào, một lễ hội truyền thống của người H’Mông.

Sìn Hồ còn là nơi nổi tiếng bởi ẩm thực đặc sắc của người Thái, Mông như: Rêu đá cộng với lá cây rừng, món cá nướng, lạp thịt, gỏi cá đượm vị cay của ớt, thơm nồng của “mắc khén”, hạt tiêu rừng, xả, gừng, canh măng chua… sẽ không thể quên sự tài hoa, khéo léo của phụ nữ vùng Tây bắc và trong mỗi các món ẩm thực còn thấm đậm trữ tình./.

Văn phòng HĐND&UBND huyện
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây