Di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng của ông và cùng với thời gian, di sản ấy trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và người dân địa phương dâng hương tưởng niệm tại phần mộ Đại Thi hào Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN).
Ngày 24/9, Lễ Tưởng niệm lần thứ 203 ngày mất Đại Thi hào Dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới Nguyễn Du (1820-2023) được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh phối hợp cùng Hội đồng Gia tộc Nguyễn Tiên Điền cử hành tại Khu Di tích Đại Thi hào Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Đại Thi hào Nguyễn Du nhà thơ nổi tiếng, nhà văn hóa lớn. Ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn chương bất hủ, cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, trong đó có tác phẩm “Truyện Kiều.”
Di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, Trần Xuân Lương cho biết, Lễ tưởng niệm nhằm tưởng nhớ công lao to lớn, sự đóng góp của Đại Thi hào Nguyễn Du đối với nền văn học Việt Nam, thể hiện tấm lòng trân trọng của cán bộ, nhân dân Hà Tĩnh đối với những tác phẩm của Nguyễn Du, đặc biệt là kiệt tác “Truyện Kiều.” Đồng thời, góp phần quảng bá, tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ về các giá trị văn hóa truyền thống.
Để tôn vinh những cống hiến to lớn của Đại Thi hào Nguyễn Du đối với văn hóa dân tộc và những giá trị cốt lõi của nhân loại, năm 1965, Hội đồng Hòa bình Thế giới đã quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại Thi hào dân tộc Nguyễn Du cùng với 8 Danh nhân Văn hóa trên toàn Thế giới.
Gần 50 năm sau – năm 2013, Đại Hội đồng UNESCO quyết định vinh danh Đại Thi hào Nguyễn Du cùng 107 Danh nhân Văn hóa của Nhân loại.
Hiện nay, Khu Di tích Đại Thi hào Nguyễn Du tại huyện Nghi Xuân là Di tích quốc gia đặc biệt. Tại đây có khu vực trưng bày hơn 2.200 tài liệu, hiện vật tiêu biểu như nghiên bút của Nguyễn Du, bản “Kiều” in từ bản khắc năm 1866, cuốn “Truyện Kiều” viết theo lối thư pháp (độc bản), thư pháp “Truyện Kiều” dài nhất Việt Nam (độc bản), bộ sưu tập Truyện Kiều xuất bản bằng các thứ tiếng, sưu tập sách viết về Nguyễn Du…
Mỗi năm, Khu Di tích thu hút khoảng 20.000 đến 30.000 lượt khách tham quan, nghiên cứu và học tập./.