Trái Đất chuyển mình – con người sẽ hành xử ra sao trước vận mệnh của hành tinh? – Tác giả: Minh Anh

Với dung lượng gần 900 trang sách, sử gia Peter Frankopan đã đưa người đọc lướt qua hành trình từ khi sự sống trên hành tinh này bắt đầu hình thành từ 4,6 tỷ năm trước, cho đến thời điểm hiện tại khi các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng xảy ra một cách thường xuyên. Qua đó khí hậu trở thành nhân tố quan trọng, quyết định sự sống còn và tuyệt diệt của cả xã hội loài người.

Quen thuộc với độc giả Việt Nam qua các tác phẩm quan trọng như Những con đường tơ lụa, Con đường tơ lụa mới và Cuộc thập tự chinh thứ nhất, Peter Frankopan không chỉ tạo nên danh tiếng với khả năng nghiên cứu một cách chi tiết và sâu rộng, mà còn cung cấp rất nhiều góc nhìn mang tính khác lạ, khiến quan điểm dĩ Âu vi trung(lấy châu Âu làm trung tâm) phải được xem xét một cách cẩn trọng.

Với Trái Đất chuyển mình, những đặc trưng này vẫn được duy trì, từ đó tác giả không chỉ tạo ra một tác phẩm sử, mà còn là một tác phẩm sử có phần toàn diện.

Trai Dat chuyen minh min - Trái Đất chuyển mình - con người sẽ hành xử ra sao trước vận mệnh của hành tinh? - Tác giả: Minh AnhSử gia Peter Frankopan. Ảnh: The Guardian.

Thông tin từ những nghiên cứu mới nhất

Điểm đặc biệt đầu tiên là phương pháp nghiên cứu. Không chỉ tìm hiểu các nguồn tư liệu đã được khai thác cũng như khám phá, Frankopan trong cuốn sách này tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn đại sử (big history), lịch sử toàn cầu (global history) và lịch sử dài hạn (la longue dureé). Qua 24 chương sách, tác giả đã sử dụng hệ thống dữ liệu cập nhật từ nhiều ngành khoa học, cung cấp cái nhìn đa diện và mới mẻ về các mô hình tương tác giữa con người với khung cảnh môi trường như học máy (machine learning), mô hình máy tính, dò tìm và định vị bằng ánh sáng (LIDAR), phân tích đồng vị, phấn hoa, vỏ sò, gen người, trầm tích, mẫu lõi khoan băng… giúp những thông tin mới mẻ và được cập nhật mới nhất.

Điểm đặc biệt thứ hai là vị sử gia vẫn giữ góc nhìn tương đối trung dung. Trong một tác phẩm khai thác mối quan hệ giữa con người và khí hậu, hơn hết trong thời buổi môi trường ngày càng nguy hại, góc nhìn phiến diện dành cho tác nhân nhân tạo dễ bị áp đặt. Nhưng ở đây Frankopan rất nỗ lực tránh những thông tin quy chụp hay các mối quan hệ nhân quả không có cơ sở. Chẳng hạn ở phần đầu sách, ông đã cho rằng các thảm họa tự nhiên như khí hậu, đất đai, núi lửa… không phải lúc nào cũng mang nghĩa xấu. Bởi lẽ bản thân sự xuất hiện của con người cũng một phần đến từ biến đổi khí hậu, rằng sự thay đổi môi trường tự nhiên, địa hình, thời tiết… đã góp phần định hình nên quá trình tiến hóa cũng như là các thiết chế xã hội.

Ngoài ra ông cũng dẫn chứng ngành khoa học khí tượng vốn luôn phân mảnh, tương đối rời rạc. Ông dẫn chứng trong quá khứ, dựa trên các phân tích đồng vị, những gì xảy ra ở các bối cảnh khác nhau dù có khoảng cách tương đối gần nhau là ít khi nào trùng khớp với nhau. Do đó việc lạm dụng một mẫu thử ở nơi này rồi gán cho những nơi khác là cách nghiên cứu thiếu sự chính xác và không bao quát. Vì vậy xuyên suốt cuốn sách, mỗi chương đều được ông lướt qua rất nhiều khu vực và nền văn minh chiếm vị trí quan trọng. Điều này cũng giúp triệt tiêu cách nhìn dĩ Âu vi trung như đã nói trên, giúp cho tác phẩm có được độ nặng cũng như thuyết phục.

Trai Dat chuyen minh 2 min - Trái Đất chuyển mình - con người sẽ hành xử ra sao trước vận mệnh của hành tinh? - Tác giả: Minh AnhBìa sách Trái Đất chuyển mình. Ảnh: Omega+.

Những lý giải mới

Điểm đặc biệt thứ ba là Frankopan sử dụng nhiều mẫu thông tin để tạo nên những câu chuyện vô cùng cuốn hút. Bên cạnh những nghiên cứu sâu sắc về lịch sử và những gì đã từng xảy ra, ông cũng tạo ra những lối giải thích tương đối bất ngờ, gợi mở cho phía độc giả những lý giải mới gắn với môi trường họ chưa từng biết.

Chẳng hạn với những hình ảnh đầu tiên tìm thấy trong hang động Lascaux thuộc miền Tây Nam nước Pháp, Frankopan đặt ra giả thiết rằng nó vốn được tạo ra bởi người tiền sử vì các biến động khí hậu phải trốn vào hang. Và những hình ảnh mà con người hiện đại chưa thể giải đáp có thể bắt nguồn từ sự yếm khí, vì càng ở sâu trong hang lượng oxy càng ít, khiến những người này có thể nảy sinh ảo giác hay trải nghiệm ngoài cơ thể ở trạng thái ý thức bị thay đổi, dẫn đến hành động để lại hình ảnh đặc biệt.

Trai Dat chuyen minh 3 min - Trái Đất chuyển mình - con người sẽ hành xử ra sao trước vận mệnh của hành tinh? - Tác giả: Minh AnhHình vẽ trong hang Lascaux ở tây nam nước Pháp. Frankopan đặt giả thiết biến đổi khí hậu đã dồn người nguyên thủy vào sinh sống trong hang, và việc thiếu oxy có thể tạo ra những hình ảnh khó lý giải. Ảnh: Bradshaw Founda.

Hay gắn với Kinh Thánh, Frankopan cũng đặt nghi vấn vì sao khi vợ của Lot ngoái nhìn ra sau thì lại biến thành cột muối mà không phải là chất liệu khác. Ông cho rằng khi việc này xảy ra, một thiên thạch đâm vào Trái Đất, giải phóng ra những vật chất tương tự như muối, khiến cho những người sống sót mang hình tượng này vào Kinh Thánh như lời răn dạy về các thảm họa nếu không sống ngay thẳng. Cơn Đại Hồng Thủy và sự việc con thuyền của Noah cũng tương tự thế, vốn bắt nguồn từ sự kiện lũ lụt trầm trọng có thật, từ đó được ghi chép lại để răn dạy cho đời sau…

Điểm đặc biệt thứ tư là Frankopan đã gắn môi trường vào các sự kiện tương đối quan trọng, làm trọn vẹn thêm những sự thịnh suy của các đế chế cũng như vương quốc xuyên suốt chiều dài lịch sử. Chẳng hạn ông đã chứng minh nếu Thời kỳ Ấm La Mã góp phần tạo ra Pax Romana (kỷ nguyên vàng của Hòa bình La Mã) thông qua sự thịnh vượng của các điền trang lớn, thì giai đoạn Tiểu Băng Hà nửa sau thế kỷ 16 với nhiệt độ suy giảm đã tác động đến hệ thống sản xuất lương thực, khiến cho chính trị, xã hội rơi vào khủng hoảng và làm rối loạn đời sống con người. Một dẫn chứng khác là nếu đế chế Mông Cổ được hưởng lợi từ các đợt khí hậu nóng ấm, thì đế chế Angkor của người Khmer đã phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng nửa cuối thế kỷ 14, khiến vương triều này dần dần sụp đổ.

Trai Dat chuyen minh 4 min - Trái Đất chuyển mình - con người sẽ hành xử ra sao trước vận mệnh của hành tinh? - Tác giả: Minh AnhBức tranh Thợ săn trong tuyết của Peter Bruegel Elder được vẽ vào giữa TK 16, được cho là gắn liền với những ý tưởng vể thời kỳ tiểu băng ha (khoảng năm 1550 – 1800).

Gần hơn với thời hiện đại, ông cũng chứng minh chính thời tiết mùa đông khắc nghiệt đã khiến cho những chiến công của Napoleon (vào năm 1812) hay của Hitler (vào năm 1941) vào Nga hay Liên Xô trở nên thất bại. Ông cũng cung cấp những kiến thức mới trong các tài liệu được giải mật. Chẳng hạn trong chiến tranh Việt Nam, kế hoạch POPEYE nhằm tạo ra đủ lượng mưa dọc theo các tuyến đường liên lạc ở Bắc Việt Nam và Nam Lào để cản trở quá trình tiếp viện bằng cách gieo iốt vào các đám mây đã được tiến hành.

Ông cũng cảnh báo một mối nguy lớn, khi các kỹ thuật hướng đến thời tiết nếu được nghiên cứu một cách thành công thì nó có nhiều khả năng tạo ra tác động tương đương với bom nguyên tử, khiến các cuộc chiến trở nên khó dò và nghiêm trọng hơn.

Trai Dat chuyen minh 5 min - Trái Đất chuyển mình - con người sẽ hành xử ra sao trước vận mệnh của hành tinh? - Tác giả: Minh AnhKiểm soát thời tiết đã trở thành một phần quan trọng của tư duy quân sự và chính trị trong TK 20. Ảnh trang bìa của tạp chí Collier vào tháng 5 năm 1954. Ảnh: WorthPoint.

Frankopan cũng gắn khí hậu với sự hình thành các nền tôn giáo khác nhau, từ đó giải thích điều này một cách khác lạ. Chẳng hạn ông phân tích Phật giáo thường được cho là có đề cập tới nhận thức sinh thái và tính bền vững của môi trường, thế nhưng đây mới chỉ là diễn giải thời gian gần đây. Trên thực tế, đối với Phật tử thời sơ khai, thế giới tự nhiên là cõi tạm, do đó góc nhìn của tôn giáo này không quá xem trọng vấn đề khí hậu, trong khi ngược lại thì Bái Hỏa Giáo lại xem môi trường có tầm quan trọng hàng đầu.

Ông cũng cho rằng khí hậu ảnh hưởng đến sự gia tăng dân số, và phía ngược lại, việc lan truyền mầm bệnh cũng là cán cân cân bằng giúp duy trì cho sự tồn tại của xã hội loài người. Trong thời đoạn mà khí hậu ít biến đổi, nó cũng tạo ra nhu cầu về hệ thống chính trị, mở đường cho sự phát triển của các thị trấn, thành phố hoặc quốc gia, dẫn đến sự phát triển của hệ thống chữ viết và những thiết chế khác. Có thể nói rằng vai trò của môi trường vẫn là trung tâm của tất cả.

Qua những cảnh báo và phân tích trên, Peter Frankopan đã tái liên kết con người và lịch sử tự nhiên lại cùng với nhau. Đây không chỉ là một công việc đáng làm, mà nó còn là nền tảng quan trọng để chúng ta hiểu thế giới quanh mình một cách đúng đắn và rõ ràng hơn. Từ đó có những biện pháp can thiệp hợp lý trong một thời đại mà như Paul Crutzen – nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học cho việc phát hiện ra lỗ thủng của tầng Ozone, gọi là Thế Nhân sinh, khi chính con người chứ không phải lực lượng tự nhiên, quyết định trực tiếp cho sự tồn tại hay là suy vong của hành tinh này.

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây