Miền tháp cổ – Tác giả Vũ Hùng – Kỳ 6 – Những Man sách trong thế kỷ 19

Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 6 - Những Man sách trong thế kỷ 19

Untitled 1 10 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 6 - Những Man sách trong thế kỷ 19

NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG

Untitled 2 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 6 - Những Man sách trong thế kỷ 19

Tác giả Vũ Hùng

 

Những Man sách trong thế kỷ 19

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

Trong địa bạ triều Nguyễn của các tỉnh từ Thừa Thiên đến Bình Thuận(1), lập từ năm 1805 đến năm 1836, từ thời vua Gia Long (1802-1820) đến vua Minh Mạng (1820-1841), có ghi một số Man sách và sách ở đồng bằng, tập trung nhiều nhất ở Quảng Nam, ngoài ra còn có ở Thừa Thiên và Khánh Hòa.

Địa bạ Quảng Nam lập năm 1812, có hai phủ Điện Bàn và Thăng Hoa với 5 huyện, 44 tổng, thuộc. Dưới các tổng, thuộc có 937 đơn vị hành chính/ đơn vị cư trú: 608 xã, 161 thôn, 42 phường, 74 châu, 10 ấp, 25 tộc, 7 trại, 3 giáp và 7 Man sách(2). Các Man sách này phân bố ở 4 huyện: 2 Man sách ở huyện Duy Xuyên và 2 Man sách ở huyện Lễ Dương, Phủ Thăng Hoa; 1 Man sách ở huyện Diên Khánh và 2 Man sách ở huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn.

Tứ cận và diện tích của 7 Man sách trên:

– Tân An Man Sách, còn có tên gọi khác trong địa bạ là Tây Lộc, tổng An Lễ Thượng, huyện Duy Xuyên(3). Tứ cận: Đông giáp xã Ba Trinh, lập cột gỗ làm giới; Bắc giáp xã Tân An Thọ Sơn; Tây giáp xã Tân An Thọ Sơn, lấy khe làm giới; Nam giáp núi. Diện tích: 34 mẫu, trong đó 1/3 diện tích canh tác là của người nơi khác và đất hoang nhàn(4).

– Yên Sáng Tứ Chánh Man Sách, tên gọi khác là Ngãi Lê, thuộc Hà Bạc, huyện Duy Xuyên(5). Tứ cận: Đông giáp xã Bình An phụ lũy; Tây giáp xã Trà Lộ (tổng An Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương); Nam giáp xã Hoa Sơn An Viên; Bắc giáp thôn Trà Lộ. Diện tích: 1 sở (thủy điền trúc đăng).

– Bến Cỏ Thủy Điền Tứ Chánh Man Sách, tên gọi khác là Phương Tân, thuộc Hà Bạc, huyện Lễ Dương(6). Không ghi tứ cận. Diện tích 1 sở ruộng (21 khẩu)(7).

– Cây Trâm Cồn Xây Tứ Chánh Man Sách, tên gọi khác là Diêm Điền, thuộc Hà Bạc, huyện Lễ Dương(8). Không ghi tứ cận. Diện tích: thủy điền trúc đăng 13 khẩu (636,27 mét vuông).

– Liên Trì Tứ Chánh Man Sách, tên gọi khác là Liên Trì, tổng Hạ Nông Trung, huyện Diên Khánh(9). Tứ cận: Đông giáp xã nội phủ Chợ Quán (tổng An Nhơn Trung); Tây giáp xã Bát Nhị và xã Hạ Nông; Nam giáp xã Liên Trì; Bắc giáp xã Thanh Quất (tổng Thanh Quất Trung). Diện tích: 1 sở ruộng.

– Tăng Sai Man Sách, tên gọi khác là Thạch Bồ, tổng Phước Tường Thượng, huyện Hòa Vang(10). Tứ cận: Đông giáp xã Cẩm Nê (tổng An Thái Thượng, huyện Diên Khánh), Tây giáp xã Ái Nghĩa (tổng Đức Hòa Thượng); Nam giáp xã Thạch Bồ (tổng An Thái Thượng); Bắc giáp xã Bồ Bản (tổng An Châu Thượng). Diện tích: 1 sở (thủy điền).

– Phú Tài Tứ Chánh Man Sách, tên gọi khác là Cẩm Lệ Bắc, thuộc Võng Nhi, huyện Hòa Vang(11). Tứ cận: Đông giáp xã Hóa Khuê Trung Tây (tổng Bình Thái Hạ); Tây giáp xã Hóa Khuê Trung Tây (tổng Bình Thái Hạ), lập cột đá làm giới; Nam giáp sông; Bắc giáp xã Hóa Khuê Trung Tây (tổng Bình Thái Hạ), lập cột đá làm giới. Diện tích 5 mẫu rưỡi, trong đó đất nghĩa địa 4 mẫu, đất đền miếu 5 sào, chỉ còn 1 mẫu tư thổ, tức đất bãi, gò đồi.

Địa bạ Thừa Thiên, lập từ năm 1810 đến 1818, có 3 huyện Hương Trà, Phú Vang và Quảng Điền với 20 tổng. Dưới các tổng có 210 làng, trong đó có 1 sách: Thủy Cam Khách Hộ Sách, tổng Diêm Trường, huyện Phú Vang.

Tứ cận của Thủy Cam Khách Hộ Sách: Đông giáp thôn Thủy Dương khách hộ, phường Thủy Dương, phường Tây Hồ, phường Bái Đáp khách hộ, có cọc gỗ làm giới; Tây giáp phường Bái Đáp, có cọc gỗ làm giới; Nam giáp núi; Bắc giáp phường Thủy An khách hộ và sông. Diện tích: 460 mẫu, trừ đất hoang nhàn và đất nghĩa địa, chỉ còn lại 3,5 mẫu là đất tư điền, tư thổ và ao sen(12).

Đến triều vua Đồng Khánh (1885-1889), trong Đồng Khánh địa dư chí, các Man sách trong địa bạ Quảng Nam và Khánh Hòa trước đó hoàn toàn không còn, nhưng tại Thừa Thiên, bên cạnh Sách Thủy Cam (tên mới của Thủy Cam Khách Hộ Sách), tổng An Cư, huyện Phú Lộc, có thêm 2 sách: Sách Mỹ Gia, tổng An Cư và Sách Cao Đôi, tổng Lương Điền(13), đều tại huyện Phú Lộc (tách ra từ huyện Phú Vang). Các Sách Mỹ Gia và Sách Cao Đôi không ghi tứ cận và diện tích.

Địa bạ Khánh Hòa lập năm 1811, truy dụng vào năm 1830, phần lớn tái sao vào năm 1873, có 2 phủ Bình Hòa và Diên Khánh với 5 huyện, 18 tổng và thuộc. Dưới tổng, thuộc có 275 làng, trong đó có 1 Man sách: Cây Sung Hạ Đê Man Sách (xứ Đồng Lớn, Đồng Bé), thuộc Hà Bạc, huyện Quảng Phước, phủ Bình Hòa(14). Tứ cận: Đông giáp thôn Cây Sung, lấy khe làm giới; Tây giáp núi; Nam giáp địa phận thôn Đông Hải, có cọc gỗ làm giới; Bắc giáp núi. Diện tích: 5 mẫu 3 sào đất (tư điền).

Trong 8 Man sách và 3 sách trên (gọi chung là Man sách) thì có 10 Man sách tập trung từ các huyện Thăng Bình và Duy Xuyên, Quảng Nam, đến huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế ngày nay. Đây là vùng đất nam châu Rí và bắc Chiêm Động cũ.

Địa bạ Khánh Hòa có kèm theo chữ Nho của Cây Sung Hạ Đê Man Sách(15) và địa bạ Thừa Thiên có kèm theo chữ Nho của Thủy Cam Khách Hộ Sách(16).

Untitled 1 4 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 6 - Những Man sách trong thế kỷ 19

Cây Sung Hạ Đê Man sách (số 9)

Tự dạng của Hạ Đê Man Sách:下氐蠻冊. Sách (冊) là đơn vị hành chính/ đơn vị cư trú được các triều đại phong kiến sử dụng đối với vùng dân tộc ở miền núi, miền biên viễn. Cũng như các triều đại phong kiến trước ảnh hưởng văn hóa Hán, nhà Nguyễn cũng gọi các dân tộc miền núi, miền biên cương và người Chàm(17) và các phiên thuộc là Man (蠻), kể cả người Anh cũng gọi là “Man An Liệt”(18). Đê (氐) là nền, gốc, sao Đê trong nhị thập bát tú, tên một bộ lạc, rợ, ở miền tây Trung Quốc thời cổ (đê ngăn nước là 堤). Theo Lê Quý Đôn: “Tục gọi Đê là người Chàm, Man là người Mọi”(19). Hạ (下) là thấp kém, hèn mọn, dưới, cấp dưới. Hạ Đê Man Sách là tên gọi miệt thị thời phong kiến theo quan niệm văn hóa Hán.

1 4 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 6 - Những Man sách trong thế kỷ 19

Thủy Cam Khách Hộ Sách (số 31)

Cây Sung Hạ Đê Man Sách là một làng Chàm gắn với địa danh Cây Sung.
Các Man sách còn lại ở Quảng Nam và Thừa Thiên có phải cũng là những làng Chàm?
Hầu hết các Man sách ở Quảng Nam và Thừa Thiên đều ở gần khe, sông, biển. Diện tích đất canh tác của phần lớn các Man sách không nhiều, thậm chí rất ít ỏi, không phải là sinh kế chính. Như vậy, bên cạnh việc trồng trọt, có thể sinh kế còn là các nghề khác như đánh bắt cá, làm muối, vận chuyển và buôn bán trên sông biển.

Tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên ngày nay, có địa danh “Bến Cồn Chăm”, nơi ba dòng sông Thu Bồn, Bà Rén và Trường Giang hội tụ trước khi đổ ra Cửa Đại – Cửa Đại Chiêm cũ, và cũng là điểm cuối của con đường bộ cổ nối kinh đô Trà Kiệu với Cửa Đại Chiêm(20). Có thể địa danh “Bến Cồn Chăm” là dấu vết của Bến Cỏ Thủy Điền Tứ Chánh Man Sách và Cây Trâm Cồn Xây Tứ Chánh Man Sách. Tên gọi khác của Cây Trâm Cồn Xây Tứ Chánh Man Sách là Diêm Điền cũng gợi lên nghề làm muối của hai Man sách này.

Các Man sách trong địa bạ Quảng Nam gắn với các di tích Chiêm Thành. Tại khu vực Bình Hòa và Miếu Xóm Thuận An, dọc sông Cẩm Lệ, phường Khuê Trung, đất cũ Phú Tài Tứ Chánh Man Sách, đã phát hiện bia ký và dấu vết tháp Chàm. Khu vực Tăng Sai Tứ Chánh Man Sách có các tộc Chế, Trà, Ông và các di tích Chàm. Khu vực lân cận với Liên Trì Tứ Chánh Man Sách là tháp Chàm Bàng An và tộc Trà thôn Tây, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn. Tân An Tứ Chánh Man Sách có thể là khu vực dọc con khe Tân Lân đổ vào sông Bà Rén, xã Duy Sơn, Duy Xuyên, bên cạnh các di tích kinh đô Trà Kiệu, miếu Bà Chiêm Sơn, tháp Dương Bi. Theo một số người cao tuổi, đầu thế kỷ 20, tại làng Hoàng Châu, nay là xóm Cà Châu, xã Duy Sơn, cách khe Tân Lân khoảng 2 cây số, còn có một số hộ “người Hời” sinh sống. Làng Hoàng Châu trong cố đô Trà Kiệu, là địa điểm người Pháp đã khai quật phát hiện nhiều tượng đài cùng với đền tháp Chàm vào đầu thế kỷ 20.

Tại huyện lỵ Phú Lộc, thường gọi là Cầu Hai, tên cũ là Cao Đôi, còn có những dòng họ gốc Chàm. Ký ức người Cầu Hai còn cho biết, trước đây còn thấy người Chàm gần đó đến mua bán(21). Đây là khu vực Sách Cao Đôi, Sách Thủy Cam và Sách Mỹ Gia.

Theo Phủ biên tạp lục, biên soạn năm 1776, trước thời điểm lập địa bạ Thừa Thiên và Đồng Khánh địa dư chí khoảng 150 đến 200 năm, tại đây đã có các Sách Cao Đôi, Sách Mỹ Gia và Sách Tân An. Triều đình quy định 3 sách trên đóng thuế đinh bằng tiền như người Kinh ở đồng bằng, trong khi đó thuế đinh của các “Man mọi” khác lại đóng bằng thổ sản của miền núi là sợi mây(22). Như vậy, chủ nhân của 3 Man sách này không phải là các dân tộc miền núi.

Địa bạ Bình Thuận lập năm 1836 có ghi: “Công cuộc đạc điền chỉ tiến hành tại duyên hải, nơi có nhiều đồng bào Chăm và người Kinh đã quần cư sinh sống thành làng mạc, đã chia ra phủ, huyện, tổng có kỷ cương chặt chẽ. Còn các vùng sơn lâm biên viễn, nơi các sắc dân thiểu số sinh sống theo lối đốt rừng và du canh du cư, chưa đặt phủ, huyện, thì chưa đóng thuế ruộng thuế đinh hay phải đi lính”(23).

Tương tự như Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Nam, Thừa Thiên và các tỉnh còn lại của miền Trung cũng không đo đạc lập địa bạ vùng các dân tộc miền núi.

Vì vậy, các Man sách vùng đồng bằng và ven biển xen kẽ với hàng ngàn làng của người Kinh nhất định không thể là các dân tộc miền núi làm nương rẫy và du canh du cư. Cùng với Cây Sung Hạ Đê Man Sách, các Man sách trong địa bạ Quảng Nam và Thừa Thiên cũng là các làng Chàm cuối cùng còn lại trong thế kỷ 19. Có thể các làng Chàm này không còn những đặc trưng điển hình sau hàng trăm năm kể từ sự kiện năm 1471, nhưng vẫn còn những khác biệt nhất định nên khi lập địa bạ ghi là Man sách.

Vì sao, bên cạnh một số Man sách tại Thừa Thiên, Quảng Nam lại tập trung nhiều Man sách, nhưng Khánh Hòa chỉ có 1 Man sách và nhất là Quảng Ngãi, Bình Định cùng thuộc về Đại Việt sau sự kiện năm 1471, và Phú Yên, gần một thế kỷ rưỡi sau năm 1471, cũng thuộc về Đại Việt vào năm 1611, lại hoàn toàn không có Man sách nào ghi trong địa bạ?

Quảng Nam, nơi tọa lạc hai cố đô Trà Kiệu, Đồng Dương và khu thánh địa Mỹ Sơn, là đất Chiêm Động, có lẽ vì nhiều động(24) của người Chàm, nay cũng là nơi còn nhiều đền tháp và dấu vết văn hóa Chàm. Các giáo sĩ và thương nhân phương Tây đã ghi thủ phủ của Quảng Nam là Cacciam, Cacham, Ciam(25). Đầu thế kỷ 20, Albert Sallet, sau 4 năm nghiên cứu, cũng gọi Quảng Nam là Quảng Chàm(26).

Ngoài yếu tố lịch sử nêu trên, có thể còn do Quảng Nam lập địa bạ vào năm 1812, không truy dụng hoặc tái sao vào giai đoạn sau như các tỉnh ở miền Trung, nên các Man sách gắn liền với tên Nôm dân dã chưa mất đi.

Theo Đại Nam thực lục, năm Minh Mạng thứ 5 (năm 1824): “Lại sai bộ Hộ xét danh hiệu các tổng xã thôn phường ở các địa phương, những tên Nôm và mặt chữ không nhã, thì bàn định thay đổi”. Địa bạ Khánh Hòa lập năm 1811, truy dụng năm 1830, phần lớn là tái sao năm 1873; địa bạ Bình Định lập năm 1815, tái tạo năm 1839; địa bạ Phú Yên lập năm 1815-1816, truy dụng năm 1830-1831. Các địa bạ trên đều truy dụng và tái tạo sau năm 1824, nên có thể các đơn vị hành chính/ đơn vị cư trú Man sách và địa danh tên Nôm đã thay đổi so với địa bạ lập lần đầu tiên.

Thay đổi danh hiệu các tổng xã thôn phường rõ nhất là trong địa bạ Bình Thuận lập năm 1836 (gồm Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng và một phần tỉnh Đắc Lắc ngày nay). Bình Thuận có 2 phủ, 4 huyện, 15 tổng; dưới tổng có 203 thôn, 74 ấp, 3 phường, 2 giáp; đất thực canh là của người Chàm, theo cách gọi trong sử liệu triều Nguyễn là người Thổ, chiếm 41,27%. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có nhận xét: “Đối với cả nước, đồng bào Chăm tập trung tại Bình Thuận đông đảo hơn cả, nhưng địa danh hành chính đều dùng chữ Hán – Việt, cho cả các cấp phủ huyện tổng đã đành, mà cho toàn thể xã thôn nữa”(27).

Hiện nay, tại Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng có những dòng tộc gốc Chàm lâu đời như các tộc Ông, Trà, Chế nhưng trong địa bạ thế kỷ 19 các làng có các dòng tộc này sinh sống tập trung không ghi là Man sách: tộc Chế tập trung tại các làng Vân Thê, La Vân, An Đô, An Mỹ, Mỹ Hòa, Thừa Thiên-Huế. Tộc Trà tại thôn Tây, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Tộc Trà tại xã Hòa Phong (có cả tộc Chế), huyện Hòa Vang, tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu; tộc Ông tại phường Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ và xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.

Vào thế kỷ 19, có thể các dòng tộc gốc Chàm này đã sớm hòa huyết và hòa nhập vào các làng người Kinh nên không còn khác biệt như các Man sách.

Những Man sách ít ỏi còn lưu lại ở Quảng Nam, Thừa Thiên và Khánh Hòa trong thế kỷ 19 góp phần hình dung quá trình cận cư giữa các cộng đồng người Chàm bên cạnh người Kinh sau sự kiện năm 1471.

Ngày nay, cư dân trong các Man sách ấy đã hòa nhập hoàn toàn vào các cộng đồng chung quanh, cùng với các di duệ gốc Chàm khác, họ đã góp phần vào quá trình dung hợp, tiếp biến văn hóa tạo nên sắc thái cho cư dân gốc gác nơi đây./.

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng


(1) Công trình Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, phát hành theo từng tỉnh. Trong bài này xin viết tắt là địa bạ và tên các địa phương tương ứng với các tỉnh hiện nay.
(2) Trong bài này chỉ ghi số đơn vị hành chính dưới tổng, thuộc còn địa bạ, không tính các đơn vị mất địa bạ.
(3) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, dinh Quảng Nam, tập II, NXB. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, trang 41.
(4) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, dinh Quảng Nam, tập I, sđd, trang 45: 1 mẫu = 4894, 4016 mét vuông. 1 khẩu hay miếng = 48,944016 mét vuông. 1 sở = Văn Thánh miếu 1 sở (chưa rõ đơn vị đo lường này là bao nhiêu mét vuông).
(5) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, dinh Quảng Nam, tập II, sđd, trang 117.
(6) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, dinh Quảng Nam, tập II, sđd, trang 330.
(7) 1 sở ruộng (21 khẩu) = 21 khẩu x 48,9444016 m2=1027,8324336m2.
(8) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, dinh Quảng Nam, tập II, sđd, trang 330.
(9) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, dinh Quảng Nam, tập I, sđd, trang 198.
(10) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, dinh Quảng Nam, tập I, sđd, trang 334.
(11) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, dinh Quảng Nam, tập I, sđd, trang 339.
(12) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, Thừa Thiên, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1997, trang 224.
(13) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh địa dư chí, Viện nghiên cứu Hán Nôm, NXB. Thế giới, 2003, trang 1424. Địa danh Cao Đôi
sau này còn có tên Cầu Hai. Huyện lỵ của huyện Phú Lộc hiện nay là thị trấn Phú Lộc, còn có tên Cầu Hai, thành lập năm 1986, trên cơ sở
nhập các thôn Cao Đôi Xá, Gia Lương, Đông Lưu, Vọng Trì và Sách Chữ, Đá Bạc.
(14) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, Khánh Hòa (Khánh Hòa, Đắc Lắc), NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1997, trang 140.
(15) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứ địa bạ triều Nguyễn, Khánh Hòa, (Khánh Hòa, Đắc Lắc), sđd, trang 82 (xem minh họa).
(16) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứ địa bạ triều Nguyễn, Thừa Thiên, sđd, trang 148 (xem minh họa).
(17) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Tổ Phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, trang 154.
(18) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, trang 115.
(19) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, (Viện Sử học dịch), 1977, trang 122 (xem thêm bài “Trầm tích Cu Đê”), trang 24 của sách này.
(20) Địa chí Quảng Nam-Đà Nẵng, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010, trang 1643.
(21) BS Tôn Thất Đệ, “Cầu Hai ngày cũ”, https://www.facebook.com/109028492544038/posts/cầu-hai-ngày-cuxbc-tônthất-đệtết-vừa-rồi-về-việt-nam-trên-đường-từ-huế-vào-đànẵ/379889628791255/
(22) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, sđd, trang 211,212.
(23) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, tỉnh Bình Thuận, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, trang 85.
(24) Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB. Hồng Đức, 2016, trang 146: Động là đơn vị hành chính ở miền núi và biên giới
thời phong kiến.
(25) Nguyễn Sinh Huy, Quảng Nam và những vấn đề sử học, NXB. Văn hóa – Thông tin, 2005, trang 52.
(26) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2001, trang 258.
(27) Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, Bình Thuận, sđd, trang 84. Tổng Ninh Hà, huyện Hòa Đa, phủ Hàm Thuận, có 17 làng (8 thôn, 9 xã), đất của người Chàm chiếm 96,18%, tên các làng như sau: Xã An Giang, xã Cảnh Diều, thôn Cao Lãng, thôn Chương Thiện, thôn Dụ Phong, xã Đạo Hiệp, thôn Định Thụy, xã Hậu Khoách, xã Hựu An, thôn Lệ Nghi, xã Minh My, xã Ninh Hà, thôn Tồn Thành, xã Tường Loan, thôn Xuân Hoa, xã Ỷ (Kỳ) La. Tổng Tuần Giáo, cũng thuộc huyện Hòa Đa, phủ Hàm Thuận, có 18 làng (12 thôn, 6 xã), đất của người Chàm chiếm 81,25%, tên các làng như sau: Thôn Châu Hành, thôn Gia Mỹ, thôn Giai Cảnh, xã Hà Yến, thôn Hoa Lĩnh, thôn Hương Bá, xã Thanh Hiếu, xã Thanh Khiết, thôn Tố Lý, thôn Trí Hòa, thôn Trí Thới, xã Trí Đức, xã Trinh Sơn, thôn Tú Sơn, xã Tuần Giáo.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây