TỒN TẠI VÀ SỐNG
1.- TỒN TẠI HAY KHÔNG TỒN TẠI
Từ năm 1943, A. Maslow (nhà tâm lý học Mỹ) đã đưa ra cách phân cấp về nhu cầu của con người ra làm 5 bậc, từ thấp đến cao : 1/ Nhu cầu sinh lý ; 2/ Nhu cầu an toàn ; 3/ Nhu cầu giao tiếp xã hội ; 4/ Nhu cầu được tôn trọng ; 5/ Nhu cầu thể hiện chính mình. Theo đó, một người chỉ có thể đặt vấn đề cách sống / How to be ?, khi đã giải quyết được (hay được giải quyết) chí ít là các nhu cầu bậc 1 và bậc 2. Điều đó nghe ra có lý, nhưng đúng thì « đúng vậy thôi ».
Thế hệ chúng ta chẳng là đã từng được động viên là :Ăn no rồi sẽ ăn ngon, mặc ấm rồi sẽ được mặc đẹp… Thời khốn khó « đói ăn rau » ấy thì thịt được coi là ăn ngon hơn rau, nhưng bây giờ thì xem ra rau lại được đổi ngôi và được coi là ngon và bổ. Nói cách khác, trong cái ăn để no tự nó cũng chứa cái yếu tố ngon – ngon theo phẩm chất nội tại của nó và căn duyên chủ quan của người dùng nó. Trên thế giới, có nhiều tộc người vẽ mình, xăm mình để làm đẹp mà chẳng đoái hoài gì đến nhu cầu ấm. Cái khố nhỏ tí xíu kia cũng có hoa văn… đẹp cực kỳ chứ không phải chỉ là cái miếng vải có mỗi một công dụng che chắn. Vậy thì đẹp và ấm chưa hẳn cái gì cần trước. Ơ đất nước Văn Lang, hồi sơ khai, theo lời tục truyền, cha Rồng xứ Lạc dạy dân vẽ mình theo hình giao long thuỷ quái cốt để thuồng luồng khỏi làm hại. Trong cách hiểu văn hóa, đó là vẻ đẹp thời thượng của tộc người nhận rắn làm totem, họ vẽ/ xăm mình là để đồng nhất mình với vật tổ, để khẳng định bản sắc – đối chiếu với các tộc thờ vật tổ khác và đương nhiên coi totem của mình là số một. Như vậy, là « How to be ? » đã hiện hữu ngay trong « To be or not to be ». Nói cách khác, trong no có ngon, trong ấm là có đẹp. Đó là hai thuộc tính của một thực thể chứ không phải hai quá trình của một tiến trình. Do đó phải dè chừng với sự tráo trở của tư duy tư biện kiểu này.
Chúng ta cũng thường được nghe rằng : Ăn mặc ở là nhu cầu cơ bản của con người. Điều này cũng thuộc loại « đúng là đúng vậy thôi ». Còn ở góc nhìn con người là động vật cao cấp thì nên đính chính lại : « Ăn, mặc, ở là nhu cầu sinh học cơ bản của con người ». Nói cách khác, nhu cầu cơ bản của con người ắt phải là nhu cầu khiến con người vượt lên trên các sinh vật khác để đáng được là người. Do đó, nhu cầu hướng thượng – hướng đến chân, thiện, mỹ – phải chăng là nhu cầu cơ bản của con người ?
Mục tiêu của bất cứ nền giáo dục chân chính nào cũng là dạy cho người học biết làm người và biết làm việc – nói theo cách nói thông thường là tài đức. Tài đức là « hai trong một » của cái con người. Việc có tài mà thiếu đức là chuyện khập khễnh do tham dục danh lợi mà tha hóa. « How to be? » là câu hỏi thường xuyên giúp chúng ta tu dưỡng. Phật dạy rằng : Trong mọi thắng lợi, chiến thắng bản thân là gian khó nhất và vinh quang nhất. Điều này có nghĩa là trên đường mưu cầu các thắng lợi, kẻ thiện trí phải luôn « hồi đầu qui bản », quay về với giá trị, ý nghĩa sống của mình – nhất là trong thời đại hạnh phúc bị đồng nhất với thành đạt. Nói cách khác, tình hình phổ biến là người ta căn cứ vào các giá trị hữu hạn của hiện thực/ thế gian để xem xét thế giới và bản thân mình ở những góc độ khác nhau nhưng vẫn cũng chỉ một tầng nấc. Do đó, cái thiếu chung nhất ở đây và bây giờ phải chăng là cái nhìn bắt nguồn từ tuyệt đối để có được chiều kích phê phán thẳng đứng. Bởi có đứng cao mới nhìn rộng khắp được.
2.-BÌNH ĐỊA LỤC TRẦM
Trần Nhân Tông (1258-1308) vị minh đế đã rời bỏ ngai vàng để thành đệ nhất tổ của Thiền phái Trúc Lâm, tại cuộc pháp thoại với đệ tử Pháp Loa của mình đã nói bài kệ Hữu cú vô cú :
Hữu cú vô cú,
Tự cổ tự kim.
Chấp chỉ vọng nguyệt,
Bình địa lục trầm.
(Nghĩa : Có và không, từ xưa nay, chúng sinh chấp vào ngón tay chỉ mặt trăng nên bị chết chìm ngay trên đất bằng).
Và từ đó/ trước đó đến nay, ngón tay và trăng vẫn cứ là vấn đề. Lịch sử cũng để lại cho chúng ta nhiều bài học : hoặc cao thượng như Thánh Gióng hoặc trang nghiêm như Trần Nhân Tông Điều Ngự Giác Hoàng hay hăm hở tích cực như Nguyễn Công Trứ – chín vạn anh hùng đè xuống dưới… và chúng ta, những người bình thường, điều muốn tìm trong xử cảnh bình thường, có lẽ cái đạo trong đời sống thế tục. Đã đành là trong nghịch cảnh lầm than hay nô dịch thì xử cảnh đó đòi hỏi cách ứng xử đặc biệt – thậm chí coi hiện tại là phẩm vật hiến tế cho tương lai. Còn ngày nay, xử cảnh không còn là nghịch cảnh, tất nói chung là có khác.
Có phần giống như Thái tử Tất Đạt Đa, Điều Ngự Giác Hoàng đã đi một chuyến đi lớn : từ bỏ ngai vàng, cung điện để đi về Yên Tử tu theo hạnh Đầu đà. Ơ đây vấn đề luôn gợi lên khái niệm về tính thanh đạm, theo ý nghĩa một lối sống. Đây không là sự tiết kiệm vì thiếu thốn hay sự kiêng khem/ chay tịnh tự nguyện mà là sự điều độ về ứng xử, đáp ứng một yêu cầu về sự cân đối/ quân bình – một ranh giới đúng giữa sự cần thiết và thái quá. Đơn giản là người ta không thể lẫn lộn sự thỏa mãn các ham muốn với chất lượng cuộc sống ; do đó, thanh đạm có nghĩa là biết những lựa chọn có suy nghĩ về mặt tiêu dùng và lối sống – một cách tự nguyện và được chấp nhận.
Ai sẽ đề ra những ranh giới này ? Và theo những chuẩn mực nào ? Tất nhiên là sự đánh giá chủ quan, theo các chuẩn mực của sự tự vấn/ phản tỉnh mà lịch sử văn hóa, các truyền thống, các hệ giá trị luôn đóng một vai trò then chốt. Hãy lấy một ví dụ, chẳng hạn phương châm « sống là tranh đấu » đã thúc đẩy những nổ lực tích cực của chúng ta, nhưng điều đó hẳn là không khuyến khích sự tranh danh đoạt lợi bằng mọi giá với bất cứ ai, trong bất cứ trường hợp nào và rõ ràng là cần điều chỉnh lại trong thời đại hiện nay khi khoan dung và chia sẻ được xác định là giá trị chủ đạo.
Con khỉ sinh ra từ hòn đá bên bờ biển xứ Ngạo Lai (Tây du kí ) có lần đã trả lời với thầy của mình là Đường Tam Tạng đang dùng dằng trên đường đi thỉnh kinh rằng : « Tôi đi về phía trước ». Con khỉ đi về phía trước để tìm đạo với pháp danh Tôn Ngộ Không và với cái vòng kim cô đóng chặt trên đầu rõ ràng là khác với trước đó : nó được lũ khỉ tôn xưng là Mỹ Hầu Vương với nhiều tài phép và đã dùng tài phép đó phá nát Thiên đình, huỷ hại sạch sành sanh vườn đào tiên của Tây Vương Mẫu, khiến cho vua nhà trời phải sợ… và rốt cục nó được phong chức Bật Mã Ôn – để đi chăm ngựa. Đi về phía trước, tiến lên để giành những thắng lợi mới, với tâm nguyện « đi đến là đivề » cho phép con người quan tâm hơn đến tầm kích quan trọng khác của cuộc sống để có thể mỗi cá nhân được tự tại hơn và đời sống tinh thần phong phú hơn. Đạo – đời viên dung cho phép thay thế những lề thói tham dục bằng sự mưu tìm những giá trị hoàn hảo và nhân văn hơn.
3.-ĐỜI LÀ THẾ ?
Do ranh giới giữa đạo và đời quá mỏng manh, nên trong thực tế cuộc sống giờ đây điều đáng cảnh giác là thái độ sống thực dụng hai mặt. Các diễn- viên- đi- dây- không chuyên này dao động như con lắc giữa hai biên độ. Họ tự coi là kẻ thức thời hay thảng hoặc cũng chua chát rằng : Đời là thế. Kiểu sống thực dụng hai mặt thực sự là nguy cơ khi đến mức nào đó khôn ngoan/ khôn khéo trở thành chuẩn mực chủ đạo trong cuộc sống bởi lẽ thực chất của kiểu sống này là đồng nhất cái đúng với cái lợi(nói rộng ra là danh lợi). Ơ đây chúng ta không xuất phát từ cái nhìn hư vô về danh lợi mà lưu ý đến khả năng liệu có cơ may tìm được sự cân bằng giữa những nhu cầu và phương tiện, đặc biệt giữa nhu cầu danh lợi và những tầm vóc tinh thần của đời sống mỗi con người trong xã hội tiêu thụ ?
Adam Smith, cha đẻ của kinh tế học, đã viết : « Sản xuất không có mục đích nào khác hơn là tiêu dùng » và theo đó, khi kinh tế đã gia nhập vào lĩnh vực công cộng và kinh tế học đã đề ra mục đích duy nhất là gia tăng sự tiêu dùng thì tiêu dùng trở thành động lực của xã hội hiện đại. Rõ ràng tiêu thụ là đặc điểm của mọi sinh vật, trong đó có con người ; song sự chia sẻ cái kiếm được diễn ra từ thời kinh tế săn bắn và hái lượm đã hàm chứa ý nghĩa của một hoạt động bảo hiểm xã hội và cùng với sự gia tăng sản xuất – tiêu dùng, gia tăng sự ham thích của cải và quyền lực thì hầu hết các nền văn minh đều thấm nhuần một hệ thống tín ngưỡng (với các giá trị và giới luật) đã đem lại những tôn chỉ để tồn tại và xác lập cho chúng những cứu cánh của việc loại trừ hay hạn chế việc chỉ nhất nhất theo đuổi sự tích luỹ và tiêu dùng/ hưởng thụ. Điều này luôn chỉ ra rằng đi-về-phía-trước theo đuổi lợi nhuận bất chấp các giá trị luôn là nguy cơ phải cảnh giác, bởi cuối cùng sẽ dẫn đến sự đồng nhất thành đạt cá nhân với tài sản cá nhân, sẽ làm xói mòn các giá trị xã hội như sự tin cậy, uy tín, tính liêm khiết và lợi ích cộng đồng. Nói cách khác, ở đây, vấn đề này phải được coi như một cách nhìn nhận về cuộc sống, nhằm thiết lập, thay cho những tình trạng mất cân đối và hỗn loạn, một đòi hỏi thiết yếu về sự cân bằng trên qui mô xã hội từ hẹp nhất đến rộng nhất, giữa nhu cầu vật chất và những khát vọng về đạo đức, thẩm mỹ và cả giải trí. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, khi hệ giá trị cũ mâu thuẫn với yêu cầu bình thường hoá cuộc sống và hiện đại hoá để phát triển đang dần dần bị thu hẹp chỗ đứng của nó và các giá trị mới xuất hiện có phần tự phát như những phản ứng triệt để đối lập với hệ chuẩn cũ. Tình trạng « quá độ » (dilemma : lưỡng nan) kéo dài này là mảnh đất mầu mỡ cho chủ nghĩa tương đối về đạo đức, thậm chí là thái độ hư vô về niềm tin lẫn luật pháp.