Từ cảng Liên Chiểu – Đà Nẵng đến tầm nhìn Việt Nam là quốc gia biển mạnh

Trong số 28 tỉnh, thành phố của cả nước, có vị thế giáp biển, thì 14 tỉnh, thành phố miền Trung, đã chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước (bờ biển của 14 tỉnh, thành, có chiều dài gần 1.800km/ 3.260km); với các tỉnh, thành phố miền Trung Việt Nam, kinh tế biển giữ vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với hiện thực hóa chiến lược biển của đất nước nói chung, Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển kinh tế biển nói riêng.

Chu tich nuoc Nguyen Xuan Phuc min 2 - Từ cảng Liên Chiểu – Đà Nẵng đến tầm nhìn Việt Nam là quốc gia biển mạnhChủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành “cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Ảnh trong bài: Trần Ngọc.

Ngày 14/12/2022, thành phố Đà Nẵng chính thức khởi công dự án “Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung” – 1 trong 7 dự án động lực của thành phố ; ngày 16/12/2022, tại thành phố Đồng HớiBộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Bình, tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới”.

Tầm nhìn đến năm 2045 “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương”, mà Nghị quyết số 36-NQ/TW (ngày 22-10- 2018, của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII), đã đề cập, đã và đang đi vào cuộc sống ở cả 2 góc độ lý luận lẫn thực tiễn.

Cảng biển miền Trung với vai trò chiến lược trong lịch sử

Hôm khởi công dự án “Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung” của thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã viện dẫn lịch sử cận đại và hiện đại, để nhấn mạnh vai trò chiến lược của Cảng Đà Nẵng”.

Ông nói: Cảng Đà Nẵng đã từng có một quá khứ vàng son trên con đường giao thương hàng hải quốc tế, sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn đã chép: “nước sâu lại rộng, ngoài có đá núi ngăn che, những ghe tàu qua lại gặp gió lớn hay đậu nghỉ nơi đây”. Những ghi chú bản đồ Đà Nẵng vẽ năm 1787 cũng cho rằng “vịnh Đà Nẵng có thể tiếp nhận những tàu buôn lớn nhất và là hải cảng rất thuận lợi”. Những cứ liệu lịch sử cho thấy thời kỳ cận đại, hoạt động thương mại quốc tế qua cửa biển Đà Nẵng khá sầm uất, (hẳn nhiên rằng), những hoạt động thời bấy giờ chỉ là “điểm chuyển tải và mang tính chất tiền cảng”, chưa có những cơ sở hạ tầng và thiết bị tối thiểu cho một hải cảng.

Cảng Đà Nẵng không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn là vị trí “yết hầu” về quốc phòng – an ninh của đất nước. Thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta năm 1858, cũng chính ở cửa biển Đà Nẵng, cho thấy vai trò chiến lược của Cảng Đà Nẵng quan trọng như thế nào.

Toan canh Le khoi cong min - Từ cảng Liên Chiểu – Đà Nẵng đến tầm nhìn Việt Nam là quốc gia biển mạnhToàn cảnh Lễ khởi công

Nằm ở vị trí trung độ của cả nước, là tiếp điểm của các tuyến giao thông Bắc- Nam, là giao điểm của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không của miền Trung; khi đất nước được thống nhất, Cảng Đà Nẵng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, đang từng bước được đầu tư kể cả Khu bến Tiên Sa; Cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà) và Khu bến Liên Chiểu.

Nhìn rộng hơn, Cảng Đà Nẵng là cửa ngõ chính hướng ra biển Đông tiếp giáp với các tuyến hàng hải quốc tế nối giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á cũng như của thế giới. Cảng Đà Nẵng cũng là điểm trung chuyển phía Đông của vùng miền Trung đón các dòng lưu chuyển hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây cũng như các tỉnh trong khu vực với thị trường quốc tế.… Với những tiềm năng, lợi thế mang tính Thiên thời và Địa lợi đó, chúng ta chỉ cần phát huy thêm yếu tố Nhân hòa thì có thể thành công”.

(Xin nói thêm: Không xa mấy với vị trí được chọn tổ chức lễ khởi công vào ngày 14/12/2022 vừa qua; cách đây 57 năm, ngày 8/3/1965, những đội quân viễn chinh đầu tiên của Mỹ, cũng đã đổ bộ lên vùng biển này, trong một chiến dịch quân sự có mật danh là Red Beach Two – bãi Biển đỏ 2, mở đầu cho sự can thiệp trực tiếp của quân đội Hoa Kỳ vào “một cuộc chiến sa lầy”-T.N)   

 “Trong bối cảnh thế kỷ XXI, được coi là thế kỷ của biển và đại dương, nhiều quốc gia và cường quốc trên thế giới đều coi biển, hướng ra biển và tập trung vào chiến lược biển để củng cố và tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia. Việc chúng ta quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện thành công mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phoi canh Cang Lien Chieu min - Từ cảng Liên Chiểu – Đà Nẵng đến tầm nhìn Việt Nam là quốc gia biển mạnhPhối cảnh Cảng Liên Chiểu

Miền Trung nước ta là khu vực có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về biển, phát triển kinh tế biển, “mà không một vùng nào (của cả nước) có được. 14 tỉnh, thành phố thì tất cả đều có biển, trong đó có nhiều bãi biển, vùng biển, đảo rất đẹp, nhiều tài nguyên vào loại nhất cả nước. Những năm qua, các tỉnh, thành phố miền Trung đã có nhiều chủ trương, chính sách và dành một nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển kinh tế biển; nhờ đó, ngành kinh tế này ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng, đóng góp ngày càng lớn hơn vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trong vùng.

Một số địa phương trong vùng đã khai thác, tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển để vươn lên mạnh mẽ, từng bước trở thành các cực tăng trưởng, hướng tới là trung tâm của vùng và các tiểu vùng. Khoảng cách phát triển của vùng so với mức trung bình của cả nước đang dần được thu hẹp. Văn hóa, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực ngày càng được nâng cao”, PGS.TS Vũ Trọng Lâm – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định.

Cảng Liên Chiểu – Đà Nẵng, tầm nhìn mới

Toan canh Hoi thao min - Từ cảng Liên Chiểu – Đà Nẵng đến tầm nhìn Việt Nam là quốc gia biển mạnhToàn cảnh Hội thảo

Ngày 22/9/2021, Chính phủ có quyết định 1579/QĐ-TTg, phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Tầm nhìn đến năm 2050, theo Nghị quyết số 36-NQ/TW, Việt Nam sẽ phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh; đáp ứng đầy đủ, hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội đất nước, là trụ cột chính có vai trò động lực, dẫn dắt, phát triển thành công kinh tế hàng hải, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh và nước phát triển, thu nhập cao”.

“Những quan điểm, chủ trương lớn, các khâu đột phá và các nhóm giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển cho nước ta đến năm 2030, 2045, và 2050, đã thể hiện tư duy tiếp cận những tri thức mới của nhân loại, đi cùng thời đại trong chính sách đại dương”, TS. Phạm Việt Dũng Vụ trưởng, Trưởng Ban Kinh tế Tạp chí Cộng sản, nhìn nhận. Và Cảng Liên Chiểu – Đà Nẵng được xem là cảng biển của tầm nhìn mới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ thêm rằng, “Với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông – Tây, Cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành “cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á”.

Khu vực Cảng khá thuận lợi về kết nối giao thông, kết nối với các khu công nghiệp của thành phố; cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả khu vực miền Trung; đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững “phên dậu, mạng sườn” tiền tiêu cho Tổ quốc. Điều này góp phần làm tăng vị thế của vịnh Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển của Việt Nam và khu vực”.

Đặc biệt, Chủ tịch nước, nhấn mạnh thêm: “Cũng cần phải nhận thức đúng đắn rằng, việc Nhà nước đầu tư cảng Đà Nẵng không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng, mà đầu tư cho cả vùng miền Trung. Bởi nếu chỉ một mình quy mô kinh tế của Đà Nẵng khai thác cảng thì sẽ không thể đủ quy mô kinh tế hiệu quả, việc đầu tư là không cần thiết. Thay vào đó phải hướng đến quy mô kinh tế cả vùng, hay ít nhất là các tỉnh lân cận phải cùng chia sẻ không gian và hạ tầng chung, khi đó mới phát huy hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cảng biển.

Nhận thức này cũng cần được lan tỏa trong công tác lập quy hoạch chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam nói riêng và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn có tính liên kết vùng nói chung. Vì vậy các cảng Chân Mây… đều có đề án phát triển riêng”.

Đây là lần đầu tiên, về quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã làm rõ các dự án có tính động lực cho cả vùng, quy hoạch hợp lý để không còn tình trạng mỗi địa phương đều có một sân bay, một cảng biển, một nhà máy xi-măng như trước đây.

Còn nhớ, TS Phan Lê Bình – chuyên gia cao cấp của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) từng chỉ ra rằng: Việc xây dựng sân bay (cũng như cảng biển), phải song hành với phát triển kinh tế của địa phương, khu vực, cũng như (tính toán trong) đầu tư xây dựng hạ tầng của hàng không (cảng biển) có thời gian hoàn vốn rất dài. Nếu không tính toán kỹ sẽ đi theo vết xe đổ của một số địa phương khi phát triển xây dựng cảng biển đã không đạt hiệu thời gian qua”.

Lãnh đạo Nhà nước cũng lưu ý rằng, “hàng nhiều, chất lượng cao thì hiệu quả cảng cao và ngược lại. Do đó phải thu hút các nguồn hàng ở khu vực Đông Nam Á và thế giới đến với Cảng Liên Chiểu – Đà Nẵng.

Ong Le Trung Chinh – Chu tich UBND thanh pho Da Nang min - Từ cảng Liên Chiểu – Đà Nẵng đến tầm nhìn Việt Nam là quốc gia biển mạnhÔng Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng: Cảng Liên Chiểu sẽ tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cảng Liên Chiểu là cảng biển đặc biệt, cảng cửa ngõ của cả miền Trung, cảng tích hợp được tất cả các phương thức vận tải

Chủ đầu tư dự án, ông Lê Thành Hưng – Trưởng Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng, cho biết: Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021), Cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực Miền Trung, được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, trong đó Liên Chiểu là khu bến chính đóng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế khu vực miền Trung, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000DWT và lớn hơn, quy mô gồm các bến container, tổng hợp, hàng rời, bến cảng hàng lỏng/khí và các bến công vụ, sà lan.

Với lợi thế về kết nối giao thông liên vùng, Cảng Liên Chiểu nằm ở vị trí điểm cuối của các tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, hiện các tuyến Quốc lộ, đường Hồ Chí Minh, tuyến cao tốc Bắc Nam, đường ven biển đã kết nối toàn vùng Tây Nguyên và duyên hải miền Trung về Cảng. Đặc biệt, sau khi cải tạo ga Kim Liên thành ga hàng hóa sau cảng, có tuyến xếp dỡ đường sắt trực tiếp trong cảng, kết nối với tuyến đường sắt Bắc Nam, sẽ đảm bảo cảng Liên Chiểu thành cảng cửa ngõ miền Trung tích hợp được tất cả các phương thức vận tải.

Đồng thời với lợi thế hiện nay, cảng biển (Tiên Sa) Đà Nẵng là cảng biển duy nhất tại khu vực miền Trung, đã thiết lập đến 30 chuyến tàu container cập cảng/tuần, trong đó có 7 tuyến nội địa và 23 tuyến quốc tế đi các nước nội Á. Đây là tiền đề quan trọng thu hút các hãng tàu thiết lập tuyến biển xa đi châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Phi khi các bến Liên Chiểu được đưa vào khai thác”.

Tại Quyết định số 1672/QĐ-UBND (ngày 22/6/2022), UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung bao gồm: công trình giao thông, dự án nhóm A, các hạng mục có đê chắn sóng, kè chắn sóng (trong đó, kè chắn sóng dài 573m, đê chắn sóng dài 597m); luồng tàu (dài khoảng 7,3km, chiều rộng luồng tàu 160m, cao độ đáy nạo vét 14,0m (hệ Hải đồ), có bố trí khu quay trở; hệ thống báo hiệu hàng hải., hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mắt trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chứa 6.000 – 8.000 Teus.

Tuyến đường giao thông kết nối đến cổng cảng gồm 2 đoạn, đoạn 1 từ cổng cảng đến chân cầu vượt đường sắt dài 1,2km, bề rộng 30m, quy mô 6 làn xe; đoạn 2 bao gồm các nhánh thuộc phạm vi nút giao, nối tiếp với đoạn 1 và đường Nguyễn Văn Cừ (QL1), bề rộng 8m, mỗi nhánh gồm 2 làn xe. Cùng hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ đến cổng của khu vực bến cảng.

Tổng mức đầu tư dự án là 3.426,3 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021-2025 là 2.994,59 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng ngân sách thành phố Đà Nẵng). Tiến độ thực hiện, đến 12/2025 hoàn thành, đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng cho 2 bến khởi động ban đầu.

Theo ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết, triển khai dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung, là mong muốn của lãnh đạo và toàn thể nhân dân phố Đà Nẵng. Bởi đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; đồng thời cũng là mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm logistics, là thành phố cảng biển theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị.

Thực tế hiện nay là Cảng Tiên Sa, Sơn Trà đã không còn khả năng phát triển mở rộng, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại đặc biệt) do hạn chế về không gian mở rộng, cũng như  điều kiện kết nối giao thông. Phương án đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch là phù hợp với tiến trình phát triển của thành phố.

Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung được khởi công hôm nay là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển các bến trong giai đoạn tới theo quy hoạch, giảm tải cho khu bến Tiên Sa, Sơn Trà, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội của thành phố Đà Nẵng và trong khu vực; phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế biển, cảng biển theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Như vậy, cảng Liên Chiểu – Đà Nẵng đã “không rơi vào” những tồn tại (chung) , kéo dài, của hệ thống cảng biển Việt Nam thời gian qua (như một tham luận tại hội thảo “Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới”, đã phân tích rất kỹ), đó là: Thiếu đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với quy hoạch xây dựng của địa phương; hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng kịp nhu cầu ngày càng cao của thị trường hàng hải khu vực và thế giới; Chưa là cảng biển hiện đại có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn; Trang thiết bị bốc xếp lạc hậu, năng suất thấp.

Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, còn lưu ý rằng “Ngoài ra, phải đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng, hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh” tại Cảng Liên Chiểu, theo xu hướng của thế giới. Và cuối cùng, từ câu chuyện của lịch sử, “Cảng Đà Nẵng đã có tên tuổi toàn cầu, vậy cảng Liên Chiểu có đặt tên là Cảng Đà Nẵng hay không, việc này thành phố cần xem xét nghiên cứu”.

Cảng Liên Chiểu – Đà Nẵng, hay Cảng Đà Nẵng của ngày mai – như gợi ý của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – đã góp phần hiện thực hóa tầm nhìn “đến năm 2030 đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển” mà Nghị quyết số 36- NQ/TW đã xác định là một mục tiêu tổng quát “đưa Việt Nam nước ta trở thành quốc gia biển mạnh”./.

Trần Ngọc

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây