Chuyện nàng Tiên Sa – Nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Xuân

Chuyện nàng Tiên Sa - Nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Xuân

164294438 1445168985844734 1543839683265866187 n min - Chuyện nàng Tiên Sa - Nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu lịch sử Bùi XuânNhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Xuân

 

CHUYỆN NÀNG TIÊN SA

Có một lần mắt biếc em hỏi tôi
Long nữ về trời thì chàng trai ngày nay có đợi
Tôi bảo em sông Hàn còn đó
Và em nhìn tôi đôi mắt Tiên Sa…
(Đà Nẵng cảm nhận những lúc đi xa. Thơ Bùi Xuân )

Từ thời thơ ấu tôi đã được nghe kể câu chuyện cổ tích về nàng Tiên Sa lấy chàng trai chài lưới ở một làng chài ven biển Sơn Trà. Trong câu chuyện cổ tích ấy, nàng tiên có đôi cánh. Còn chàng trai thì mình trần, ngực đỏ; chàng đã đánh cắp đôi cánh của nàng tiên khiến nàng không thể bay về trời, phải ở lại trần gian và kết duyên vợ chồng cùng chàng… Từ đó, với tôi, nói đến sự tích nàng Tiên Sa, chỉ có một câu chuyện đó. Mãi sau này, khi đã tuổi 30, trong một đợt điền dã, sưu tầm tư liệu về lịch sử Đà Nẵng, tôi mới nghe được câu chuyện về một nàng Tiên Sa khác. Nàng Tiên Sa này khi xuống chơi hạ giới, không bơi trên sóng biển mà rong chơi trên những động cát lớn và đã đem lòng yêu một chàng nông dân*.                            

Truyện kể rằng: Ngày xưa, ở Đà Nẵng, có những động cát lớn nối tiếp nhau rất đẹp. Các tiên nữ ở trên trời thường hay xuống đây chơi, mỗi lần đi chơi được ba ngày, mà một ngày trên tiên giới thì bằng một năm ở dưới trần gian. 

Trong đám tiên nữ xuống chơi ở trần gian, có một nàng tiên hoa khôi. Nàng thích cảnh, yêu người ở trần gian. Một hôm đang dạo chơi, nàng gặp một chàng trai nông dân  hiền lành và yêu chàng tha thiết. Chàng trai nông dân cũng yêu say đắm nàng tiên. Họ kết duyên với nhau, dựng nhà, vỡ ruộng, lập vườn, chăm chỉ làm ăn như nhiều cặp vợ chồng  khác.  Chẳng bao lâu nàng tiên mang thai và sinh  hạ một cháu bé trai.  Hằng ngày, chồng đi làm ruộng, vợ ở nhà chăm sóc con, trông nôm nhà cửa, vườn tược. Mỗi khi đi làm về, người chồng thường hay cất tiếng gọi vợ, và thế nào chàng cũng nghe tiếng “dạ” ngọt ngào, êm ái của vợ . Nhưng một hôm, chàng nông dân đi làm về, không thấy vợ ở đâu cả, đứa con nhỏ thì nằm ngủ trên chiếc chõng tre. Chàng  chạy đi hỏi lối xóm, thì được bảo, khi chàng đang làm ngoài ruộng thì vợ chàng ở nhà hóa thành con thuồng luồng, bò trên cát, đi về phía núi Sơn Trà. Chàng nông dân hốt hoảng, chạy về nhà bồng con đi tìm vợ. Chàng đi theo dấu chân của thuồng luồng, ra đến  bãi cát trắng ở chân núi Sơn Trà bên vịnh biển Vũng Thùng  thì gặp  người vợ tiên nữ của mình. Nàng đã cởi bỏ lốt thuồng luồng, trở lại thành một nàng tiên xinh đẹp. Gặp nhau, hai vợ chồng ôm nhau khóc nức nở. Nàng nói: “Chàng có nghe tiếng trống nhà trời thúc giục, buộc  em phải mau về trời?”. Người chồng gật đầu. Họ nhìn lên trời thì thấy binh tướng nhà trời xuất hiện mỗi lúc một rõ, tiếng trống cũng một lúc một to hơn. Vợ giải thích cho chồng, theo luật lệ trên Thiên đình, mỗi lần các tiên nữ chỉ được xuống trần ba ngày, tức là bằng ba năm ở trần gian,  hết ba ngày, tiên nữ nào còn nán  ở lại trần gian thì sẽ bị tướng nhà trời bắt về trị tội.  Nghe vợ nói, người chồng  khóc: “Đời này tôi chỉ có nàng là vợ. Xa nhau thương nhớ không nguôi. Nàng về trời, cực hình đang chờ, tôi lo lắm, nhưng  dù trong hoàn cảnh nào, nếu có cơ hội thì  hãy bay xuống trần gian để vợ chồng gặp nhau cho đỡ nhớ  mong”.  Nàng âu yếm nhìn chồng: “Xin chàng  ở lại nuôi con. Hằng năm cứ vào ngày này, giờ này, chàng dẫn con ra bãi cát này, em sẽ trốn nhà trời để xuống đây gặp chàng cùng con”. Nói  xong, nàng tiên ôm hôn con, bịn rịn nắm tay chồng, rồi một luồng ánh sáng từ trên trời chiếu thẳng xuống, cuốn nàng bay lên trời. Người chồng nhìn theo cho đến khi bóng dáng của vợ khuất hẳn trong các đám mây. Từ đó, chàng nông dân về làm lụng nuôi con, đúng ngày hẹn lại dẫn con ra bãi cát trắng bên chân núi Sơn  Trà chờ vợ. Nàng tiên từ trên trời bay xuống. Họ lại ôm nhau mà khóc, nói với nhau lời âu yếm, nhớ thương. Trời biết chuyện, chẳng những không quở trách hay phạt tội họ, ngược lại, còn cảm động đến tuôn trào nước mắt, cho họ hằng năm được gặp nhau. Những giọt nước mắt của trời đất đã làm thành những  cơn mưa nặng hạt, kéo dài, tuôn chảy ào ạt  theo con đường nàng tiên hóa thành con thuồng luồng đi ra biển và chàng nông dân bồng con đi tìm vợ, tạo thành một con sông. Con sông ấy, người đời sau đặt tên là sông Hàn, vùng  có những động cát trắng, họ dựng nhà ở với nhau được gọi là Tiên Sơn, bãi cát mà họ gặp nhau  mỗi năm một lần là bãi Tiên Sa. 

Chẳng biết vợ chồng nàng Tiên Sa gặp nhau vào ngày nào, tháng nào trong năm,  ai đã từng gặp họ, nhưng các địa danh trong câu chuyện Nàng Tiên Sa thì có thật, đến nay vẫn là những tên gọi quen thuộc của người  Đà Nẵng.

Bùi Xuân


* Hai người kể cho tôi nghe câu chuyện này là: cụ Thủ Bút, người làng An Hải (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) và Mẹ VNAH Bùi Thị Lý, người con dâu của quê hương Hòa Cường (nay thuộc Hòa Cường Nam, quận Hải Châu). 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây