Tư liệu đặc biệt về chế độ điền thổ và công cuộc khai phá miền đất phía Nam

‘Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử khẩn hoang Nam kỳ Lục tỉnh’ của học giả Nguyễn Đình Đầu là công trình nghiên cứu quá trình khẩn hoang lập ấp và chế độ công điền công thổ của Nam kỳ Lục tỉnh từ cuối thế kỷ XVI khi lưu dân người Việt bắt đầu công cuộc khai phá vùng đất này, cho đến khi Thực dân Pháp xâm chiếm vào năm 1860. Tác giả đã sử dụng nhiều nguồn tư liệu trong quá trình nghiên cứu: tư liệu trong thư tịch Hán Nôm, tư liệu khảo sát của người Pháp khi mới chiếm Nam kỳ.

Sách Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử khẩn hoang Nam kỳ Lục tỉnh gồm 3 phần. Trong đó, phần 1 nói về Lịch sử khẩn hoang lập ấp và chế độ sở hữu ruộng đất tại Đồng Nai – Gia Định (thời kỳ 1698-1800). Trong phần này, tác giả nói về những người Việt đầu tiên tới khai hoang Đồng Nai – Gia Định (giai đoạn 1594-1698), chính quyền được thành lập dần từ 1698 đến 1757 tại khắp Nam kỳ và cung cách khẩn hoang lập ấp, chế độ điền thổ dưới thời chúa Nguyễn.

Phần 2 nói về Chế độ công điền công thổ được củng cố tại Nam kỳ Lục tỉnh (thời kỳ 1800-1860). Trong phần này, tác giả đi sâu vào cách nhà nước thời bấy giờ là nhà Nguyễn tham gia khai hoang, tạo điều kiện phát sinh chế độ công điền công thổ (giai đoạn 1800-1836), đến thiết lập chế độ công điền công thổ (giai đoạn 1836-1850), củng cố công điền công thổ bằng đồn điền (giai đoạn 1850-1860) và phỏng tính tỷ lệ công điền công thổ ở Nam kỳ trước khi bị Pháp thống trị.

Ở phần kết luận, tác giả định nghĩa một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất về chế độ công điền công thổ, các nguồn gốc của công điền công thổ ở Nam kỳ và cho người đọc hiểu rõ hơn về bản chất của công điền công thổ. Tác giả cũng có thêm phần phụ lục với những chú thích về lính đồn điền, những ghi chú về dân số, ruộng đất và cả mẫu điền bạ ngày xưa.

Che do cong dien cong tho trong lich su khan hoang Nam ky Luc tinh min - Tư liệu đặc biệt về chế độ điền thổ và công cuộc khai phá miền đất phía NamNhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử Nguyễn Đình Đầu.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã dày công nghiên cứu, tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn tài liệu quý để viết nên quyển sách đặc biệt này. Bằng cách viết đơn giản, dễ hiểu, có số liệu, bản đồ cụ thể, tác giả đã cho người đọc thấy được toàn cảnh của chế độ công điền công thổ ở Nam bộ vào thời khẩn hoang lập ấp.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu vấn đề công điền công thổ ở Nam bộ chưa được nghiên cứu có hệ thống trong các sách khảo luận do người Việt hay người ngoại quốc viết về chế độ phong kiến, về xã thôn, về chế độ ruộng đất và cả về công điền công thổ ở Việt Nam, vấn đề này mới chỉ được lướt qua.

Pháp chiếm Nam bộ trước toàn quốc đến một phần tư thế kỷ (1859 – 1884), nên đã có những bài báo cáo hoặc tham luận về công điền công thổ ở đây trước. Song tất cả đều manh mún, phiến diện và hầu như có chung một ý đồ: tìm cách xóa bỏ hoặc thu hẹp tầm vóc của chế độ công điền công thổ cố hữu của Việt Nam ngõ hầu thiết lập và củng cố “quyền tư hữu tuyệt đối và bất khả xâm phạm”, một khái niệm mà Pháp hãnh diện mang tới khai hóa An Nam! Thực chất đây chỉ là mưu tính chiếm hữu và tập trung ruộng đất vào tay thực dân và địa chủ.

Mãi đến năm 1932, một chuyên gia nông học là Yves Henry mới đưa ra những tỷ lệ về ruộng công tư ở cả ba miền Việt Nam trong cuốn Kinh tế Nông nghiệp Đông Dương do phủ Toàn quyền xuất bản. Đây là kết quả của một cuộc điều tra tiến hành khoảng từ 1928 đến 1930, theo đó Trung kỳ có 25%, Bắc kỳ 21% và Nam kỳ 3% ruộng là công điền. Như vậy thì công điền ở Nam kỳ có rất ít, không đáng quan tâm! Vì thế, người ta chú ý đến vấn đề công điền ở Trung và Bắc kỳ hơn.

Năm 1936, tiến sĩ Văn khoa Pierre Gourou viết một cuốn địa lý nhân văn do Trường Viễn Đông Bác cổ phát hành với nhan đề Nông dân ở đồng bằng Bắc kỳ. Tác giả đã dành một chương trình bày vấn đề và tình hình công điền ở vùng châu thổ sông Hồng. Trong mục khảo cứu phương thức khẩn hoang tại vùng bãi biển tân bồi ở Tiền Hải và Kim Sơn do Nguyễn Công Trứ chủ trương, Gourou cũng nói nhiều về công điền công thổ. Và tới năm 1939, lần đầu tiên, một tác phẩm chuyên đề Sở hữu xã thôn ở Bắc kỳ ra mắt với nội dung đặc khảo về công điền công thổ trong lịch sử Việt Nam và tồn tại đương thời ở xứ Bắc. Đây là luận án tiến sĩ luật khoa của Vũ Văn Hiền.

Che do cong dien cong tho trong lich su khan hoang Nam ky Luc tinh 2 min - Tư liệu đặc biệt về chế độ điền thổ và công cuộc khai phá miền đất phía Nam Che do cong dien cong tho trong lich su khan hoang Nam ky Luc tinh 3 min - Tư liệu đặc biệt về chế độ điền thổ và công cuộc khai phá miền đất phía NamBằng cách viết đơn giản, dễ hiểu, có số liệu, bản đồ cụ thể, tác giả Nguyễn Đình Đầu đã cho người đọc thấy được toàn cảnh của chế độ công điền công thổ ở Nam bộ vào thời khẩn hoang lập ấp.

Từ đó đến nay, nhiều tác phẩm giá trị nghiên cứu về chế độ công điền công thổ đã được công bố, phần lớn là trong khuôn khổ và do sự khuyến khích của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Nhiều bài tham luận sâu sắc cũng được trình bày trong các tập san Nghiên cứu Lịch sử và Nghiên cứu Kinh tế. Những công trình đó đã vượt xa Henry, Gourou, Vũ Văn Hiền hay bao người khác, mặc dầu một số thống kê hoặc dữ kiện vẫn được trích dẫn vì giá trị khách quan của chúng. Các nhà nghiên cứu trước bị vượt qua, không phải chỉ những gì liên hệ đến quan điểm, mà còn ở những phát hiện mới của việc nghiên cứu lịch sử và đặc biệt là của các cuộc điều tra điền dã công phu.

Những công trình đó là ánh sáng chiếu soi vào tình trạng u minh của chế độ sở hữu ruộng đất nói riêng, của chế độ gọi là “phong kiến” ở Việt Nam nói chung, mà ta cần tìm hiểu. Tuy nhiên, mỗi khi nói đến tình hình công điền công thổ ở Nam bộ thì tác giả nào cũng chỉ đề cập một cách sơ sài, chứ không đi sâu và đầy đủ như khi phân tích cùng vấn đề ở Trung hay Bắc Bộ. Có lẽ vì thiếu tư liệu và vì quá xa hiện trường của đối tượng nghiên cứu. Cho nên, mục đích trước hết của bản tiểu luận này là hy vọng ít nhiều lấp vào chỗ trống đó: cung cấp thêm cho độc giả một số tư liệu tuy không mới mẻ nhưng dễ bị lãng quên.

Do vì tư liệu sơ sài nên thường đi tới giản đơn hóa và đôi khi còn gây ấn tượng sai lầm. Như khi nói tới số lượng công điền ở Nam bộ, người ta hay nhắc tới con số 3/100 của Y. Henry (đúng vào năm 1929) và trình bày như là tỷ lệ đó đã có từ trước khi bị Pháp xâm lăng. Mục đích thứ hai của tập này cũng là để đính chính một số nhận định lệch lạc hoặc thiếu quan điểm lịch sử như vậy…

Theo tác giả, ngày nay, một số tác giả có xu hướng cho rằng “công điền là cái tồn tại của xã thôn từ thời công xã nguyên thủy”. Có lẽ điểm này đúng cho Bắc bộ. Nhưng Nam bộ là miền đất mới, xã thôn ở đây được thành lập trong giai đoạn xã hội đã biến chuyển không còn là thời công xã nguyên thủy nữa. Cho nên công điền ở Nam bộ không thể xem là “cái tồn tại” đó được. Nếu giải thích nó vẫn tồn tại trong não trạng chứ không cụ thể trên luống cày, thì vấn đề đã trở thành khác. Vả lại, công điền được tạo thành là do nhiều, chứ không phải do một nguồn gốc duy nhất nào. Tác giả liệt kê những nguồn gốc đó khi đã nghiên cứu toàn thể quá trình phát sinh và phát triển của công điền ở Nam bộ.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, may mắn thay, chỉ ở Nam bộ quá trình đó mới thu gọn trong một thời gian tương đối ngắn và gần ta, để ta có điều kiện nghiên cứu một cách tổng hợp. Trong sách này, tác giả tìm hiểu chế độ công điền, nên chỉ dùng từ ngữ “công điền”, từ ngữ bao hàm một khái niệm đã được xác lập qua thực tại, truyền thống và luật lệ của Việt Nam.

Công điền chỉ định một loại ruộng cụ thể, theo thiển ý, phải có ba yếu tố sau đây: 1. Ruộng được coi là sở hữu của quốc gia; 2. Ruộng được ghi ở địa bạ làng dưới danh hiệu “công điền”; 3. Ruộng quân cấp cho xã dân theo quy định của nhà nước.

Công điền phải hội đủ ba yếu tố đó, mà yếu tố thứ hai là hiển nhiên nhất. Do đó, không nên dịch chữ “công điền” là “ruộng công” hay “ruộng làng”. Gọi là “ruộng công” thì có thể lẫn với quan điền, tịch điền, trang trại điền và các loại ruộng khác nhau của nhà nước không trao cho làng để chia cho xã dân cày cấy. Gọi là “ruộng làng” thì vừa sai ý nghĩa vừa lẫn với các loại ruộng thuộc trọn quyền sở hữu của làng như bổn thôn điền, tự điền, trợ sưu điền, hậu điền, tư văn điền, cô quả điền…

Che do cong dien cong tho trong lich su khan hoang Nam ky Luc tinh 4 min - Tư liệu đặc biệt về chế độ điền thổ và công cuộc khai phá miền đất phía NamSách Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử khẩn hoang Nam kỳ Lục tỉnh có nhiều thông tin hữu ích cho những ai đang nghiên cứu về lịch sử Nam bộ cũng như tìm hiểu về chế độ công điền công thổ ngày xưa. Sách cũng phù hợp cho những học sinh, sinh viên và giáo viên để có thể có thêm nguồn tài liệu quý giá trong việc học tập và nghiên cứu về văn hóa, lịch sử nước nhà.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cũng cho rằng không nên lẫn công điền với quan điền, mặc dầu công và quan cùng có nghĩa “thuộc về nhà nước”, vì công điền và quan điền là hai loại ruộng đất khác nhau, có quy chế khác nhau; nên cũng không thể dịch nghĩa hai loại ruộng đó ra cùng một chữ là ruộng công như một số tác giả đã nhầm.

Chế độ công điền chỉ có ở Việt Nam, bên Tây bên Tàu không có chế độ nào giống thế. Trước đây, người Pháp đã dịch chữ công điền ra terres communales, terres publiques, propríeté communal, biens communaux, đều không sát nghĩa và cũng chẳng khác gì như ta dịch nôm là ruộng công hay ruộng làng. Do đó, một tác giả đã phải đặt nhan đề dài dòng cho bài khảo cứu: “Những loại ruộng đất gọi là công điền” (Les terrains dits “công điền”). Người Trung Hoa cũng không có danh từ nào để nói được trọn vẹn khái niệm công điền của ta, vì nước họ không có chế độ công điền trong suốt quá trình lịch sử sở hữu ruộng đất của họ. Do đó, ta nên dùng nguyên chữ công điền công thổ, không nên dịch, vì nó đã trở thành một từ ngữ riêng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết tiểu luận về công điền công thổ này được nghiên cứu giới hạn trong không gian và thời gian nhất định. Tác giả chọn địa bàn Nam bộ, tức Nam kỳ trước, thuộc thời gian khi đã phân chia thành Lục tỉnh. Đó là lý do của tiêu đề Công điền công thổ ở Nam kỳ Lục tỉnh và biện minh tại sao không lấy tiêu đề “Ruộng đất công ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Nam kỳ là danh xưng có từ trước thời Pháp thuộc, cũng như Bắc kỳ, Kinh kỳ, Trực kỳ, Tả kỳ hay Hữu kỳ.

Tác giả giải thích, rằng Nam kỳ từng là một xứ thuộc đơn vị hành chính riêng, ban đầu gọi là Đồng Nai, Gia Định rồi Nam kỳ. Đến đời Minh Mạng, Nam kỳ mới chia ra lục tỉnh, trước nữa thì còn là tam dinh, tứ trấn rồi ngũ trấn. Tuy sau này Pháp cắt thành hai mươi mấy tỉnh, nhưng dân chúng vẫn hoài niệm xưng mình là Nam kỳ Lục tỉnh (thí dụ: một tờ báo nổi tiếng mang tên Lục tỉnh tân văn). Công cuộc khẩn hoang lập ấp có lẽ đã bắt đầu từ cuối thế kỷ XVI, qua thế kỷ XVII, XVIII rồi tới thời có danh xưng Lục tỉnh, khi đó mới thấy chế độ công điền được thiết lập và củng cố. Cho nên chúng ta sẽ tìm hiểu chế độ này từ lúc manh nha tới lúc thịnh đạt, tức từ lúc mới có Đồng Nai cho đến khi Pháp chiếm làm thuộc địa…

Viết trong Lời giới thiệu Giáo sư Phan Huy Lê cho biết: “Tôi đã đọc một cách hứng thú và đọc kỹ cuốn sách Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ Lục tỉnh của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu. Cái thu hút sự chú ý và hứng thú của tôi là tác giả, bằng những tư liệu cụ thể, đã dẫn dắt người đọc vào ba thế kỷ khẩn hoang lập ấp đầy gian truân và thành tựu của nhân dân Nam kỳ, nó luôn khêu gợi nhận thức của người đọc bằng những phát hiện và đề xuất mới mẻ”

PV

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sinh ngày 12.3.1920 (giấy khai sinh ghi năm 1923) tại Hà Nội.

Năm 1941, ông tốt nghiệp trường Bách Nghệ (Hà Nội), sau đó làm trưởng một xưởng công nghệ. Sau Cách mạng Tháng Tám, khi Chính phủ lâm thời thành lập, ông được chỉ định làm bí thư mảng kinh tế cho bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà. Năm 1951, ông sang Pháp học tại Đại học Công giáo Paris, tốt nghiệp cử nhân năm 1953.

Trong thời gian ở Pháp, ông cùng các nhà trí thức Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Ngọc Bích tham gia vận động phong trào kêu gọi chính phủ Pháp đàm phán với chính phủ Hồ Chí Minh; năm 1954, ông cùng các trí thức nói trên sang Thụy Sĩ ủng hộ phái đoàn do Phạm Văn Đồng dẫn đầu dự hiệp định Genève.

Đầu năm 1955 ông về nước làm giáo sư sử địa tại trường trung học Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn (trường Bùi Thị Xuân ngày nay). Những năm 1960, ông bắt đầu công bố các công trình nghiên cứu của mình trên báo chí miền Nam và được giới nghiên cứu công nhận là một học giả uy tín. Bên cạnh đó ông cũng là người tích cực đấu tranh cho hòa bình; ông được xem là “lực lượng thứ ba” (ôn hòa) trong chính trường miền Nam. Năm 1975, ông được phó tổng thống đặc trách hòa đàm Nguyễn Văn Huyền cử đến trại Davis để điều đình ngưng chiến.

Từ năm 1975 đến nay, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và công bố các công trình nghiên cứu về sử địa, đặc biệt trong đó có công trình nghiên cứu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây