Vài ý kiến về việc phiên âm Lưu hương ký – Tác giả: Nguyễn Khắc Bảo

Vài ý kiến về việc phiên âm Lưu hương ký - Tác giả: Nguyễn Khắc Bảo

Một điều thật đáng tiếc cho chúng ta ngày nay là đối với các Danh nhân văn hóa, sử sách thường ít quan tâm ghi chép đến tiểu sử và ngay cả việc lưu trữ nguyên tác của họ cũng chưa được chú ý thích đáng. Vì vậy đến nay, mặc dù đã có rất nhiều học giả dành thời gian nghiên cứu mà về tiểu sử của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương thì vẫn là một ẩn số như nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết năm 1986:

“Người ta nói nhiều về Hồ Xuân Hương
Nhưng người đó là ai?
Thật mỉa mai
Không ai biết rõ
Như có như không như không như có…”

Rất may mắn là vào năm 1964, nhà nghiên cứu văn học Trần Thanh Mại đã phát hiện bài tựa tập thơ Lưu hương ký trong tập sách Du Hương Tích động ký (A.2814) và sau đó lại dõi tìm được tập Lưu lương ký đã được cụ Cử nhân Hán học Nguyễn Văn Tú tặng cho Ban nghiên cứu Văn sử địa (tiền thân của Viện Văn học từ khoảng 1956 – 1957).

I. Về bài thơ Hồ Xuân Hương gửi Nguyễn Du:

Điều đáng chú ý đặc biệt là trong tập thơ Lưu hương ký này có bài thơ của Hồ Xuân Hương gửi cho Nguyễn Du mà ông Trần Thanh Mại đã phiên âm đăng trên Tạp chí Văn học 11/1964:

Cảm cựu kiêm trình Cần chánh Học sĩ Nguyễn hầu
(hầu Nghi Xuân Tiên Điền nhân)

Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
Phấn son càng tủi phận long đong
Biết còn mảy chút sương đeo mái?
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong.

Do điều kiện kỹ thuật thời đó chưa in bản chụp chữ Nôm nên độc giả đành bằng lòng và tin ở trình độ của người phiên âm ra Quốc ngữ.

Song với một học giả như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn thì lại có một thao tác suy luận rất minh triết và thuyết phục. Trong cuốn: Thiên tình sử Hồ Xuân Hương (xuất bản 1984, tái bản tại Nxb. Văn học, 1999) học giả đã cho biết:

Sương siu mấy” Trần Thanh Mại và Nguyễn Lộc đều đã phiên âm: Sương đeo mái, Hồ Tuấn Niêm chữa âm đeo ra treo. Cả hai thoại đều vô nghĩa, hoặc phải ép nặn mới hơi có nghĩa. Riêng tôi khi đọc (bài) N4 của Trần Thanh Mại tôi đã đoán sự lầm ấy, vì tôi biết rằng ông chưa biết thành ngữ cổ, chữ Nôm viết 霜超và có thể đọc ra “sương siêu” hoặc “sương siu“. Hồ Tuấn Niêm trong (bài) N3 đã cho hay rằng chữ ông chữa âm là chữ siêu 超. Vậy tôi chắc thoại tôi là đúng. Tôi đã chọn đọc sương siu“. (tr.245, Sđd)

Như vậy mặc dù không có bản chữ Nôm trong tay, bằng vốn kiến thức uyên bác của mình, học giả Hoàng Xuân Hãn đã chỉnh cách phiên Nôm từ “Sương đeo mái”, “Sương treo mái” ra “Sương siu mấy” được giới Hán – Nôm tin phục. Nhưng với chữ thứ ba thì học giả đành lòng chấp nhận: “Còn chữ sau có âm mãi nhưng trước đó đã có từ mảy chút thì ý mãi không thuận bằng ý mấy nghĩa là với“.

Thế là do không được đọc bản Nôm nên học giả vẫn tạm bằng lòng phương án “ba trong một” là: “âm là mãi, đọc là mấy, nghĩa là với“. (tr.245).

Vấn đề tưởng là sẽ được giải quyết triệt để vì đến năm 1996, PGS Đào Thái Tôn trong công trình Thơ Hồ Xuân Hương, từ cội nguồn vào thế tục (xuất bản tại Nxb. Giáo dục, tr.120) đã chép 2 câu cuối của bài thơ đang bàn như sau:

“Biết còn mảy chút sương siu mấy(1)
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong”.

Việc nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn, người độc nhất nắm trong tay tập Lưu hương ký gốc viết như vậy thì các bậc thức giả còn có gì để bàn nữa.

Ngày 27/10/2008 sau 40 năm “một mình mình giữ, một mình mình hay”, ông Đào Thái Tôn đã đem trả bản Lưu hương ký gốc cho Thư viện Viện Văn học với sự thẩm định của bà Chu Tuyết Lan, ông Nguyễn Xuân Diện là Giám đốc và Phó Giám đốc Thư viện Viện Nghiên cứu Hán – Nôm Việt Nam.

Theo nguyện vọng của tôi, ông Nguyễn Xuân Diện đã chụp lại cho tôi bản Lưu hương ký gốc đó, ký hiệu HN.336 và cả bản mà ông Tôn đã “thuê một cụ đồ viết chữ Hán rất đẹp – là thầy đồ cùng làng tôi, năm nay đã hơn 90 tuổi, chép lại bản gốc Lưu hương ký trên giấy dó. Tôi dặn kỹ cụ rằng, nếu thấy trong bản gốc có chữ nào chép sai thì cứ chép nguyên như thế mà không sửa lại. Bản đó tôi đã gắn kèm với luận văn cao học của tôi hiện đang lưu giữ ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Gần đây tôi đã vào thư viện chụp lại bản chép tay này” (Theo Báo Gia đình và Xã hội, nhà báo Nguyễn Thắng phỏng vấn Đào Thái Tôn 16.9.2008, bản ông đồ chép lại này ký hiệu: Thư viện Hán – Nôm, LA.44).

Khi có cả 2 bản: HN 336 và LA 44 để nghiên cứu thì mới thấy là học giả Hoàng Xuân Hãn đã suy luận rất minh triết để đọc từ “Sương siêu” thành “Sương siu” nhưng chữ thứ 3 thì không phải là “mãi” để đọc thành “mấy” nghĩa là “với”. Mà thực chất trong bản Lưu hương ký gốc HN336 chép là:

“Biết còn mảy chút 霜超 貝

Lầu nguyệt 五 canh chiếc bóng chong” (tr.7)

Bản ông Đồ chép thuê LA44 lại chép câu cuối cùng là:

“Lầu nguyệt ?canh chiếc bóng chong”

Với thực tế văn bản HN336 như vậy, tôi đề nghị đọc hai câu cuối bài thơ đang xem xét là:

“Biết còn mảy chút sương siu với

Lầu nguyệt ngũ canh chiếc bóng chong”

Nhận xét: Chỉ trong một bài thơ mà các nhà nghiên cứu đã có quá nhiều sai sót:

+ chữ 超phiên ra đeo, treo

+ chữ 貝mà chép là 買

+ chữ 五mà sao chép lại là ?

II. Về bản chép lạiLưu hương ký LA44:

1/ Mặc dù PGS Đào Thái Tôn đã dặn dò kỹ cụ Đồ già cùng làng việc chép thật chính xác bản Lưu hương ký HN336, nhưng thực tế khi thành bản LA44 lại có mấy nét sai lệch như sau:

+ Các chữ thảo khó đọc đã được cụ Đồ chân hóa cho dễ đọc, nghĩa là đã gỡ rối khá kỹ cho người đi sau sử dụng.

Chỉ xét trang đầu tiên đã có các chữ: tình, xuân, nhạn (ở cột 4), hảo, triêu, tận (cột 5), hoạt, tư, khoát, chiêm, cát (ở cột 6), đạm, bằng (cột 7), phong, mang (cột 8), được chân hóa, dễ đọc, có ích cho người phiên âm song cũng không tuân thủ chặt chẽ đúng số chữ trong một cột, trong một trang đúng như bản gốc như đoạn: Hà xứ thị Đằng Vương ở đầu trang 2 lại chép lên cuối trang 1.

Nhiều chữ cụ Đồ lại chép sai so với bản gốc.

(Số trang và cột tính theo bản gốc HN 336)

Trang 4 cột 1 chữ (荒 hoang) lại chép ra (花 hoa)

Trang 5 cột 4 chữ (予dư) lại chép ra (吾ngô)

Trang 7 cột 2 chữ (五ngũ) lại chép ra ( ?năm)

Trang 13 cột 7 chữ (? trời) lại chép ra (尼 này)

Trang 19 cột 8 chữ (群 còn) lại chép ra (掣xiết)

hoặc lại chép thiếu các chữ xướnghọa ở tr.19, 21.

III. Phiên âm sai bản Lưu hương ký:

(số trang và số cột theo bản HN336, chữ phiên âm sai là của PGS. Đào Thái Tôn.

TT Tr. Cột Chữ Phiên sai Phiên lại Chú thích
1 3 trình đông
1 8 tu
4 11 song thông học giả Hoàng tái lập
7 5 ? tủi trối so chữ tủi (trang 7 cột 1
11 1 luống lúc
11 2 đường điếm
11 5 dắt thắt
12 1 học mong so chữ (mong) trang 17 cột 1
13 4 dính sánh
14 8 買 㗂 mấy kiếp mãi tiếng
15 3 dạ chửa
16 3 đục động
16 8 ? mỏi mệt mải miết so chữ mỏi 痗trang 18 cột 1
17 2 才葉 ngẫm dịp
17 8 láng lạc
18 5 ngõ ngỡ
19 4 trống gióng
19 7 đi đưa
19 7 ? mỏi mệt mải miết
19 7 乱單 cô đan loàn đan ngỗ ngược, lăng loàn vượt quyền

 

IV. Thay cho lời kết:

Bản Lưu hương ký HN 336 là một văn bản quý hiếm đến học giả Hoàng Xuân Hãn nhờ GS. Tạ Trọng Hiệp về Việt Nam tìm song cũng không có được bản phô tô. Chúng tôi mới được đọc trong một thời gian ngắn, thấy ngờ ngợ về việc chép lại và phiên âm một số chữ. Rất mong các bậc thức giả quan tâm về vấn đề này cùng thẩm định.

 ————–

Chú thích

(1): Sương siu mấy. Ba chữ này 霜超買 từ lâu đều được phiên âm là “sương đeo mái”. Nay phiên âm theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Xem thêm về ba chữ này ở phần nghiên cứu”.

Tài liệu tham khảo

Lưu hương ký bản chép tay HN 336.

Lưu hương ký bản chép tay LA 44.

Trần Thanh Mại các bài trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học 3/1963; 5/1964; 10/1964; 11/1964.

Lữ Huy Nguyên: Hồ Xuân Hương, thơ và đời, H; Nxb. Văn học 3/1996.

Đào Thái Tôn: Thơ Hồ Xuân Hương, Từ cội nguồn vào thế tục H; Nxb. Giáo dục 7/1996.

Hoàng Xuân Hãn: Thiên tình sử Hồ Xuân Hương (Tái bản lần thứ nhất) Nxb. Văn học H. 4/1999.

Đào Thái Tôn: Hồ Xuân HươngTiểu sử văn bản tiến trình huyền thoại dân gian hóa, Nxb. Hội Nhà văn, H. 1999.

Nguyễn Bích Thuận: Hồ Xuân Hương, Nxb. Đồng Nai, 2002.

Nguyễn Ngọc Bích: Chuyện trinh thám Văn học hay là cuộc săn lùng hơn 40 năm một thi phẩm của Hồ Xuân Hương./.

(Thông báo Hán Nôm học 2011, tr.506512)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây