Hồ Xuân Hương – 200 năm độc bản vô tiền khoáng hậu của thi ca Việt Nam

Hồ Xuân Hương – 200 năm độc bản vô tiền khoáng hậu của thi ca Việt Nam

Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm sinh, 200 năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương sẽ diễn ra tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vào ngày 3.12.2022.

Sau 200 năm, nữ sĩ Hồ Xuân Hương và thơ ca táo bạo của bà vẫn là độc bản vô tiền khoáng hậu của thi ca Việt Nam.

Tại kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 (diễn ra từ ngày 9 – 24.11.2021 tại Paris, Pháp) đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 – 2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất.

Tại kỳ họp này, hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương cùng với 58 hồ sơ khác đã được thông qua.

Theo đó, trên kế hoạch vừa công bố của Sở Văn hóa – Thông tin – Thể thao tỉnh Nghệ An, lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm sinh, 200 năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương sẽ diễn ra tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh vào ngày 3.12.2022.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương qua 200 năm vẫn là độc bản dị biệt và sinh động bậc nhất trong thi ca Việt Nam. Xuất hiện trên thi đàn vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, giữa bối cảnh xã hội phong kiến còn đầy định kiến về thân phận phụ nữ, Hồ Xuân Hương và thi ca của bà đã trở thành “cú sốc” về ngôn ngữ khi đề cao nữ quyền, lên tiếng đả kích mạnh mẽ những thói hư tật xấu, trọng nam khinh nữ, đồng thời là tiếng nói quyết liệt, táo bạo về những khát khao hạnh phúc mà người phụ nữ cần phải có.

Cho đến bây giờ, trải qua 200 năm, thơ ca Hồ Xuân Hương vẫn chưa thôi gây kinh ngạc với cả giới phê bình và nhiều thế hệ độc giả. Không ai có thể lý giải được, vì sao trong bối cảnh xã hội “trọng nam khinh nữ”, kìm kẹp, chèn ép mọi ước muốn, nhu cầu của phụ nữ như thế, mà thơ ca Hồ Xuân Hương có thể bứt phá, bẻ gãy mọi quy tắc, lễ giáo, vượt lên trên định kiến xã hội – được như thế.

Hồ Xuân Hương kể từ khi xuất hiện đã trở thành người phụ nữ “độc nhất vô nhị” với hệ thống ngôn ngữ sinh động, lớp lang, giàu ngữ nghĩa. Hồ Xuân Hương vừa cho thấy tính cách mạnh mẽ, xé bỏ mọi rào cản, vừa tinh quái, hài hước đến hiếm có.

Thơ ca bà táo bạo, giàu lớp nghĩa, luôn ẩn dụ nhiều thông điệp. Hồ Xuân Hương đặc biệt tới mức, đã có những giả thuyết cho rằng, bà không có thật. Có ý kiến cho rằng, cái tên Hồ Xuân Hương chỉ là bút danh của một nhóm tác giả nam, thích làm thơ phú ẩn dụ về tính dục, bản năng con người.

Những giả thiết này càng gây chú ý khi tuyển tập “Lưu Hương Ký” được phát hiện vào năm 1964. Giọng thơ trong “Lưu Hương Ký” hoàn toàn khác xa với sự độc đáo, táo bạo từng có trong thơ Hồ Xuân Hương từng lưu truyền trước đó trong tuyển tập “Xuân Hương thi tập”.

Song vượt lên trên tất cả những tranh cãi, giới phê bình cho rằng, Hồ Xuân Hương bị nghi ngờ vì bà quá đặc biệt. Thơ ca bà với sức mạnh vượt thời, với sự hài hước, tinh quái và đả phá mọi định kiến, đã biến Hồ Xuân Hương thành nữ sĩ vô tiền khoáng hậu trên văn đàn Việt Nam.

Trải qua 200 năm, cũng vì tính cách thơ mạnh mẽ, táo bạo, đề cao bản năng dục tính của con người – mà Hồ Xuân Hương vẫn phải chịu nhiều thị phi, điều tiếng. Thơ Hồ Xuân Hương dù vịnh bất cứ đồ vật gì từ cái quạt đến bánh trôi nước, từ quả mít đến con ốc… đều khiến người đọc phải đỏ mặt vì lớp ngôn ngữ đa nghĩa, luôn hướng đến hình ảnh miêu tả dục tính.

Rất nhiều giai thoại về tình sử của Hồ Xuân Hương. Các hậu thế sau khi khi phác họa Hồ Xuân Hương hay thơ ca của bà cũng luôn sử dụng hình tượng khỏa thân, phồn thực để tái hiện.

MI LAN

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây