Văn hóa dân gian Cơ Tu – Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe – Phần 11

Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 11

Untitled 2 min 2 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 11

CHƯƠNG V

TRANG PHỤC, TRANG SỨC  

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

1. Trang phục truyền thống

Người Cơ Tu sinh sống trên vùng núi Đông Trường Sơn qua bao đời có nhiều kỹ năng khai thác các loại thực vật và động vật phục vụ nhu cầu tồn tại. Cuộc sống với rừng là cứu cánh nên kinh nghiệm sử dụng các loại cây có sợi làm y phục mặc hằng ngày là nhu cầu thiết yếu. Y phục chống giá lạnh, chống lại các loại côn trùng tấn công da thịt, thú dữ là cần thiết. Thời tổ tiên người Cơ Tu vào rừng bóc vỏ cây rừng có sợi mang về ngâm, tướt, phơi khô, bó bện thành từng tấm che thân. Vỏ cây ha mớt thường được lựa chọn khai thác, bởi vỏ cây có nhiều sợi. Đây là loài cây lá to, cao 20 mét, đường kính có cây 2 – 3 mét nên vỏ cây dày và lớn. Người Cơ Tu khai thác vỏ, thành tấm về ngâm nước tướt sợi phơi và đan, bện làm y phục cho cả nam và nữ đều được. Người Cơ Tu sử dụng cây bhơnương, lá dứa rừng, lá gai, … để dệt quần áo, chăn, chiếu và lưới đánh cá, hoặc vợt xúc cá ao, hồ, song, khe, suối, … hoặc đan thành võng vẫn được. Lá dứa rừng sau khai thác từ rừng mang về nhà, cạo sạch hai mặt ngoài của lá, giữ lại những sợi nhỏ màu trắng. Phơi khô. Đoạn xe lại thành sợi lớn như sợi chỉ, cuốn lại thành từng gùi để dùng khi cần. Sợi mây nước (mây con) tướt nhỏ làm sợi khâu nối hai bên miếng vỏ lại, chừa chỗ chui đầu qua. Thế là được. Cùng với loại cây a ngươn là các loại cây có sợi, tước ra ngâm lấy sợi, đó là các loại cây t’rang, t’coóng, t’duir, a mướt, …trong số đó, vỏ cây t’rang là loại cây cho vỏ nhiều sợi, dùng vỏ cây này y phục mặc lên người mềm mại, dễ chịu, mát và ấm vào mùa đông. Màu của sợi dễ lẩn vào cây rừng trong những lần săn bắn.  Vỏ cây t’rang là loại vỏ người Cơ Tu ưa chuộng nhiều hơn các loại khác do vỏ chỉ cần lột vỏ ngoài, để nguyên tấm, bện lại khâu may thành áo, khố hay váy mặc được và bền.

Hiện tại, và ngay cả về lâu dài, đời sống tộc người Cơ Tu miền Tây Quảng Nam sẽ còn dựa vào rừng, lấy rừng là cứu cánh của họ trong mưu kế sinh tồn. Theo đó, từ rất lâu trong lịch sử phát triển tộc người, tri thức dân gian/ bản địa được người Cơ Tu tích lũy trở thành di sản văn hóa gắn liền với môi trường sinh sống, tạo điều kiện cho họ sử dụng nguồn tri thức dân gian này một cách có hiệu quả trong cuộc mưu sinh. Từ rừng, họ tồn tại và bảo vệ cuộc sống cộng đồng. Thế nên, trước yêu cầu và cũng là thách thức trước biến dịch dẫn đến biến đổi các thành tố văn hóa dân gian đã tồn tại theo cùng đời người là điều người Cơ Tu trước hết có cái nhìn tích cực để có thể thích ứng với những biến đổi văn hóa ngày càng sâu rộng, không chỉ trong cộng đồng mà cá nhân những người trẻ tuổi đã chấp nhận sự biến đổi. Cho nên tìm hiểu đời sống người Cơ Tu gắn với tự nhiên, với rừng cho chúng ta cái nhìn tiệm cận vào sự biến đổi văn hóa dân gian đang ngày càng phổ biến. Môi trường sống đang ngày càng thay đổi, người Cơ Tu đã và đang nâng cao năng lực thích ứng với những biến đổi; đồng thời trên cơ sở những chỉ tiêu, chính sách xây dựng nông thôn mới dẫn đến có sự thay đổi phong tục, tập quán tộc người là điều cần thích ứng. Mặt khác, vận dụng tri thức dân gian trong giữ gìn, phát huy những thành tố dân gian làm nên bản sắc tộc người, không để tan rã trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng nhanh chóng trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Hiện tại, sự biến đổi đang đứng trước sự dùng dằng cho – nhận, cái cũ mất đi –  cái mới từng bước được hình thành, người Cơ Tu đang trên đà thích ứng với biến đổi, đồng thời tạo nên năng lực giữ gìn và phát huy các thành tố văn hóa dân gian tộc người trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, để có thể giữ vững đặc trưng văn hóa tộc người. Trong bối cảnh đương đại, tri thức dân gian trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của người Cơ Tu đang ngày một thay đổi, thậm chí có những tri thức đã không còn tồn tại, nhất là trong lớp người trẻ tuổi. Mặc dù, biến đổi là quy luật khách quan, phát triển tất yếu của xã hội, song việc giữ gìn những giá trị văn hóa đặc trưng – để tạo nên bản sắc tộc người – của người Cơ Tu là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm lưu giữ, phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng.

1.1. Cho giới nam

Nam giới người Cơ Tu đóng khố, ở trần, đầu hoặc vấn khăn (số ít), hoặc để tóc ngắn. Khố có các loại bình thường (không trang trí hoa văn và ít màu sắc), loại dùng trong lễ hội dài rộng về kích thước và trang trí đẹp với màu sắc và hoa văn trên nền đen – xanh đen. Mùa rét, họ khoác thêm tấm choàng dài hai, ba sải tay. Tấm choàng màu đen và được trang trí hoa văn với các màu trắng đỏ, xanh, điểm vàng (nay do kỹ thuật pha màu mua sẵn từ đồng bằng lên, bên nước Lào sang, có nhiều màu sắc). Người ta mang tấm choàng có nhiều cách: hoặc là quấn chéo qua vai trái xuống hông và nách phải, thành vài vòng rồi buông thõng xuống trùm quá gối. Lối khoác này tay và nách phải ở trên, tay và vai trái ở dưới hoặc quấn thành vòng rộng từ cổ xuống bụng, hoặc theo kiểu dấu nhân trước ngực vòng ra thân sau.

Trang phục/y phục truyền thống của đàn ông là đóng khố bằng tấm vải hẹp và dài. Thường ngày họ phủ một tấm vải xanh, phía dưới đóng khố. Tấm tút đôi khi có trang trí bằng những hạt chì với những sợi chỉ nhỏ màu đỏ lẫn đen và trắng. Các chiến binh thời xưa (trước 1975) mặc “một thứ áo giáp lưới sắt làm bằng những vòng sắt kết với nhau và luồn vào vải”.

1 min 3 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 11 2 min 2 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 11

Y phục vỏ cây (Ảnh St)

3 min 1 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 11 4 min 2 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 11Y phục vỏ cây cho nam và nữ (Ảnh: St)

1.2. Cho giới nữ

Phụ nữ Cơ Tu mặc một xà lùng bằng thổ cẩm với các họa tiết màu hỗn hợp giữa đen, đỏ và trắng. Đây là tấm dồ, được cuộn bao quanh thân người ngang đến dưới ngực. Ngực được che một dải vải như tấm dồ nhưng khổ nhỏ hơn. Trên mái tóc, họ thường thích cài lên đó một miếng tre tướt và dác mỏng, làm tua ra những sợi nhỏ như lông chim trĩ, hoặc cài nanh heo rừng.

Xưa họ để trần chỉ buộc một miếng vải như chiếc yếm che ngực. Họ mặc váy ngắn đến đầu gối, màu lanh khoác thêm tấm chăn. Họ thường mặc áo chui đầu khoét cổ, thân ngắn tay ngắn. Về kỹ thuật kết nối, đây có thể là một trong những loại áo giản đơn nhất (trừ loại áo choàng chỉ là tấm vải). Áo loại này chỉ là hai miếng vải khổ hẹp gập đôi, khâu sườn và trừ chỗ tiếp giáp phía trên làm cổ. Khi mặc cổ xòe ra hai vai thoạt tưởng như áo ngắn tay ngắn. Áo được trang trí ở vai, ngực, sườn, gấu, với các màu đỏ, trắng trên nền xanh đen hoặc đen. Váy ngắn cũng được cấu tạo tương tự như vậy, theo lối ghép hai miếng vải khổ hẹp gập lại thành hình ống.

2. Trang sức

2.1. Cho nam giới

Trên cổ nam giới Cơ Tu thích các loại chuỗi cườm, hạt to, dài như crôl, đheng, jơ loong.

Cổ, chân, tay thích đeo các loại vòng to, có nhiều loại hoa văn, như cong (cong là thứ vòng đeo ở cổ tay chân), cong cụ, cong kiên và một số loại cong khác.

Trên tai, thích đeo các loại hoa tai làm bằng kim loại hoặc đá quý.

Nam giới Cơ Tu xưa không thích cắt tóc ngắn, để dài búi thành cục tròn (cơ dôm) phía sau gáy và cài lên đó một chiếc răng nanh heo nhà, có giá rất đắt (có cái bằng giá hai con trâu). Xuyên qua cục búi tóc là cai tơr lăng, hình tam giác cân, đáy rộng 1 cm, dài từ 10 – 15 cm, được làm bằng xương ống chân trâu, bò, găm đêt búi tóc khỏi bị bung ra. Phía đầu lớn của tơr lăng có buộc cái tua sợ tấm dồ, tấm tút màu xanh, đỏ, vàng, tím,…

Trên đầu thích đeo vòng đeo (đhơr nưc) có cái bờm lợn lòi, lông đẹp của một số loài chim, đặc biệt là một chiếc lông đuôi chim a vang đhơr duôl (chim chèo bẻo) và hai lá kim hình tam giác cân (Cơ Tu gọi là vit vot), đáy rộng 1 cm, dài 25 30 cm, dẹp, rất mỏng.

Một chàng Cơ Tu, mình chơr gur a duông cơ lị a lung, hoặc a duông cơ lị a rác, cổ tay đeo vòng cong cụ, cong kim, cổ đeo cườm crôl, đheng, đhơ rơ loong; tai đeo nhiều các vòng nhỏ (chơr cáu) bằng bạc, đầu đội vòng lợn lòi (như nói trên), tay cầm kiếm, cầm khiên (gơ hêl), mình mặc khố gơ hul vang, thì đó là loại trang phục Cơ Tu cho là đẹp nhất của người đàn ông. Kiểu trang phục này thường được các cô gái Cơ Tu hát ba bóch ca ngợi:

“Cu lêy catriêc nơlêêng
Cu hay a đo ơng đhưc grưi ađhăh
Cu lêy plêêng nơ ngon
Cu hay a đo ơng văh xoi a vang”.

Tập tục đàn ông Cơ Tu búi tóc sau gáy đã không còn thực hiện đối với đàn ông Cơ Tu thời nay; đồng thời tập tục cài răng căng tai và tục xăm mình cũng không còn thực hiện trong cộng đồng Cơ Tu tại Quảng Nam, Đà Nẵng.

Xăm mình là tập tục xuất hiện từ lâu trong lịch sử phát triển nhân loại. Người Trung Hoa cổ đại có thể được cho là thực hiện tục xăm mình đầu tiên trên thế giới. Các nhà nghiên cứu về biểu tượng văn hóa cho rằng xăm mình đầu tiên được cắt nghĩa là lời cầu khấn thường xuyên, sự đồng nhất với thế lực thần linh, đồng thời là phương thức giao tiếp cơ bản với những thế lực thần. Đấy là ý nghĩa biểu tượng của việc xăm mình mà người ta được phép thực hiện sau cuộc thụ pháp đưa đến sự giao tiếp với thần thánh. Thụ pháp xăm mình đồng thời cũng là nghi thức hội nhập vào một tập đoàn xã hội, mà hình xăm là dấu hiệu không thể phai: đấy là dấu hiệu của bộ lạc.

5 min 2 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 11Trang sức nam (Ảnh:2015)     6 min 1 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 11

Trang sức nữ (Ảnh:2015)

Người Cơ Tu trước đây có tục xăm mình, xăm trên mặt là tìm lấy cái thần tồn tại mà con vật đó có, và đấy là sự biểu hiện sức mạnh thần thánh, đồng thời xăm mình còn là một cách biểu trưng của bộ lạc mình. Như thế người Cơ Tu xăm mình trước hết muốn thần thánh hóa sức mạnh và sau đó thể hiện tính đặc trưng của tộc người mình. Xăm mình cũng nhằm hướng đến sự ma thuật và thần bí của các biểu tượng xăm mình. Xăm là muốn thu hết tính năng của con vật nào đó mà người Cơ Tu xăm lên mình để tăng sức mạnh, tăng tính năng của sinh vật là khách thể được mô phỏng trên hình xăm. Mặt khác, xăm mình còn chứng tỏ rằng sẽ vô hiệu lực khả năng gây hại của khách thể đó. Do đó người Cơ Tu xưa kia thường chọn những con vật có sức mạnh như bọ cạp, sư tử, rắn hoặc các con vật trông hung dữ nhưng không thể nhận ra hình thù thật, được thực hiện biểu tượng bằng hình thức hình xăm trên tay, trên mặt hay trên lưng, trên ngực.

Đầu tóc của họ búi tó, trang điểm thêm chiếc lược bằng đồng và một nanh heo, đôi khi không có lược bằng đồng, họ cài lên tóc bằng một vòng tre, trên vòng đính những hạt cúc áo, hạt cườm; một số người đàn ông khác trang sức trên mái tóc kiểu như người Sơ đăng ở huyện Nam Giang, Phước Sơn. Trên mặt, tùy theo vùng, đàn ông tỉa lông mày cho mỏng nối với những chấm xăm màu đen làm cho lông mày dài thêm ra đến trên vành tai. Hai mép xăm hai hình mặt trời. Trên thân thể thường có xăm ngôi sao và hình chữ thập màu đen.

2.2. Cho nữ giới

Trên tay phụ nữ Cơ Tu thích đeo hai loại vòng (cong), đó là cong cà vượt và cong bhơr lăng.

– Cong cà vượt: màu vàng, được chế tác bằng chất liệu đồng, được xếp chống khít lên nhau gần như hình trụ, phía cổ tay hẹp phía khủy tay, phần giữa hơi lõm vào trong, khi đeo ôm cổ tay.
– Cong bhơr lăng: cũng màu vàng và có rất nhiều hoa văn, cả vòng lá, một lá kimloại được dập mỏng rồi uốn tròn thành hình nón cụt. Một phía hở theo chiều dọc để tra cổ tay khi đeo vòng vào. Cong có chiều cao khoảng 10 cm.

Đấy là hai loại cong (vòng) phụ nữ Cơ Tu ưa chuộng nhất, có tiếng và đắt giá nhất.

Trên cổ, nữ Cơ Tu thích đeo nhiều thứ vòng, thứ cườm, nhưng thích nhất là vòng bạc (pa nâng) và hai loại cườm là mã não và kho.

– Pa nâng là vòng kim loại bạc, uốn tròn, thon dần về phía hai đầu.
– Mã não được chế tác bằng một loại đá đỏ, rất cứng, phần lớn chế thành hình thoi.
– Kho được chế tác bằng một loại đá rất cứng màu trắng, dẹp, tròn, có ba lỗ nhỏ để luồn dây ở giữa tâm của mỗi hạt cườm.

Trên tai, phụ nữ Cơ Tu thích đeo đhơr nưc nhất là  hai loại vòng có tên là: đhơr nưc chrơơi và đhơr nưc lat.

– Đhơr nưc lat tự làm lấy bằng cật nứa, giang màu trắng, nút thắt đặt phía sau gáy.
– Đhơr nưc chrơơi màu hơi trắng pha vàng, tự làm lấy từ lõi cây tiết dê (cơr pong).

Cách làm: Tước bỏ vỏ, lấy phần lõi, bó thành bó rồi cắt ngắn khoảng 60 – 80 cm, thắt hai đầu lại, để thừa mỗi bên phần cuối khoảng 15 – 20 cm đội lên đầu. (Khi đội lên đầu nhớ để phần thắt về phía trước trán để khi múa da dắ, hai phần thừa này sẽ bật lên, vít xuống theo nhịp điệu da dắ cùng trong âm thanh chiêng, trống hòa với tiếng hò, hú,… trông rất đẹp). Đây là loại vòng trang sức trên đầu phụ nữ Cơ Tu cho là đẹp nhất, thích nhất.

Phụ nữ Cơ Tu thích trang sức bằng hai loại dây thắt (cơ tiêng) ở ngực và ở bụng. Cả hai loại đều tự làm lấy.

Dây thắt ở ngực Cơ Tu gọi là cơ têêng bh’lý, được làm bằng cách: bện bông thành sợi, nhuộm màu đen, rồi quay vòng lại thành bó trò có chu vi vừa ngực đeo của mình để che phần ngực khỏi lộ. Cơ têêng pa pat có ba loại: cơ têêng zơr lung (loại có bản hẹp nhất), cơ têêng pa pat loại có bản rộng hơn, cơ têêng cơ loh (loại có bản rộng nhất, từ 8 – 10 cm, loại này đẹp nhất, có giá nhất. Cách chế ra ba loại cơ têêng giống nhau (đều được bện bằng sợi bông nhuộm màu hoa văn truyền thống). Cả ba loại cơ têêng này đều thắt được cả phần trên ngực và dưới bụng. Khi thắt, phụ nữ thường để thừa ra phần hai đầu cơ têêng dài thòng xuồng gần tới đất, để khi múa da dắ, hai phần này bay lượn lập là theo nhịp di chuyển của cô gái da dắ trông rất đẹp.

Ngày thường và nhất là trong các ngày lễ hội, phụ nữ thân mặc chơr đhu cơ lỵ, ngực thắt cơ têêng pa pat cơ loh, cổ đeo pa nâng bạc, mã não, kho, tai cài tơ rau long, đầu đội đhơr nưc chrơơi, đhơr nưc lat, tay đeo vòng bh’lăng, cà vượt,… thì đó chính là bộ trang phục và cũng là hình ảnh con gái Cơ Tu cho là đẹp nhất của mình, được mọi lớp đời trai Cơ Tu hát boch ca tụng. Hát rằng:

“…ô liêm bơ kê
Cu lêy ca tiếc nơ lêêng
Cu hay ađo ơng đhưc đhơr nưc lat vơl vơơi
Cu lêy plêêng nơ ngon
Cu hay ađo ơng đhưc đhơr nưa chrơơi vơl vi”

Phụ nữ Cơ Tu để tóc dài búi ra sau gáy, hoặc thả buông. Có các kiểu (tên gọi) để tóc sau:

– Cơr tưn: văn cuộn tóc bên trái, bên phải vòng sau gáy rồi vắt chếch lên trán, thắt chặt lại thành cục tròn trên trán.
– Cơr dôôm: Cuộn tròn bộ tóc phía sau thành cục tròn phía sau gáy.
– Cơr luột: Đối với tóc ngắn không cuộn cơr tưn, cơr dôôm được thì vắt cuộn tròn rồi nhét phần ít còn lại đó vào cục tròn cho tóc khỏi bung ra.
– Bơm bé: chia tóc thành hai phần, phải trái bằng nhau, rồi vặn thắt thành cục tròn ở hai bên tai.

Họ ưa mang các đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay và nay có thêm đồng hồ. Phụ nữ Cơ Tu có khi mang tới 5 – 6 cái cong (vòng), đeo khuyên tai bằng gỗ, xương, hay đồng xu, vòng cổ bằng đồng, sắt, chuộng nhất là cong kim loại bạc và các chuỗi hạt cườm, vỏ sò, đá mã não,… [1]

Nhiều người còn đội trên đầu vòng tre có kết nút hoặc những vòng dây rừng trắng (rơnơk) và cắm một số loại lông chim. Một vài vùng có tục cà răng căng tai cho nam nữ (nam cà răng) đến tuổi trưởng thành khi đó làm tổ chức lễ đâm trâu.

7 min 1 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 11Đá mã não, người Cơ Tu rất quý chuộng (Internet)

Đồ trang sức truyền thống của phụ nữ Cơ Tu gồm nhiều loại thành phẩm, phổ biến là vòng đồng đeo tay dài và nặng, vòng cổ, khuyên tai bằng gỗ, bằng xương, đồng hay bạc ta. Đôi khi nhìn thấy phụ nữ đeo một đồng xu bằng đồng thau được lau sáng bóng. Nhìn chung nhất, một phụ nữ Cơ Tu trang sức truyền thống thường là đeo trang sức ở cổ. Vừa vòng bằng hạt cườm, bằng đồng, bằng sắt, vỏ sò kết thành sợi.

8 min 1 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 11
Trang phục nhóm chiến binh Cơ Tu trước trong cột x’nur

12 min 6 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 11
Trang phục tốp phụ nữ một lễ hội

(Ảnh: Les chasseurs de sang, Le Pichon, 1938)

10 min 1 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 11

Trang sức phụ nữ (Ảnh: Les chasseurs de sang, Le Pichon, 1938)   

12 min - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 11

Trang sức phụ  nữ năm 1938 )  

11 min 1 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 11Y phục thời nay (2019)(Ảnh: Les chasseurs de sang,(Ảnh : VVH)Le Pichon, 1938)

13 min 1 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 11

Trang sức người già (2019-St)

14 min - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 11

Hình xăm người Cơ Tu (A: St) 

Người Cơ Tu có nhiều tập tục xưa nay in dấu ấn trong cộng đồng: tục đi sim, ngủ duông, tục cà răng căng tai, …tục lệ xăm hình.[2] Phần nhiều người Cơ Tu thích xăm hình lên mặt. Họ làm đẹp hoặc tuân thủ yếu tố tâm linh, xăm hình người đàn bà nhảy múa, vừa để làm đẹp, đồng thời chứng tỏ sự ưa thích các hình nahr mà họ ấn tượng nhất. Nhưng mặt khác, xăm hình lên người còn để hóa trang, hoặc tăng them sức mạnh tự nhiên như hình được xăm lên da thịt. Những hình xăm trên người thường là những hình thù lạ mắt được cách điệu mô phỏng từ thiên nhiên, nhiều nhất là các động vật có sức mạnh núi rừng. Xăn trên mình những hình khối thể hiện sức mạnh của con vật, mong rằng sẽ truyền sức nạnh cho người xăm.

Hình xăm lên thân thể của người Cơ Tu cũng được quan niệm như bùa hộ mệnh. Hình xăm ngăn cản mọi lực lượng siêu nhiên khác thâm nhập vào tâm hồn, trí tuệ con người. Theo đó họ tin rằng, trong lúc ngủ, linh hồn có thể thoát xác đi đây đó, khi trở về nhập xác nhờ có hình xăm, linh hồn nhận ra được bản thể của linh hồn trú ngụ để nhập về.

Người Cơ Tu có nhiều nghệ nhân tài hoa, họ điêu khắc chạm trổ trên gỗ khối (phần lớn là gỗ tròn nguyên khối), miếng gỗ, ván tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, phản ảnh tư duy tín ngưỡng và cuộc sống đời thường. Những hình xăm của người Cơ được thực hiện một cách khéo léo, lạ mắt, nhưng đó là văn hóa xăm mình cùng với trang sức tạo nên tổ hợp nghệ thuật hóa trang tìm đến yếu tố thẩm mỹ trong cuộc sống. Xăm còn mục đích hòa lẫn vào môi trường khi cần thiết. Xăm dấu chấm tròn, trên lông mày dài đến gần tai. Xăm hình hoa atút (hoa móc), xăm hình chữ thập, rau dớn, hình nhảy múa da dắ. Phổ biến là hình xăm dấu chấm trên trán, dài ra đến mang tai và xăm nơi cằm.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe


[1] Mã não, tên tiáng Anh là agat, dạng kết tinh của Thạch anh, cấu tạo hóa học tương tự đá Thạch anh, nhưng được tạo thành từ những hạt mịn màu sáng. Do đó, mã não dùng làm đồ trang sức rất đẹp, lau chùi đã bóng sáng. Mã não được tìm thất đầu tiên tại con sông Achates của Hy Lạp. Đá mã não có nhiều màu: xanh, tím, vàng, đỏ,…trong đó đá màu đỏ được ưa thích hơn. Bởi người Cơ Tu quan niệm có tác dụng bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng. Cho rằng đặt viên mã não đỏ lên trán để hạ cơn sốt, giải cơm cảm nắng, mưa. Khi đeo mã não trên tay, trên cổ, họ cảm thấy tự tin, thỏa mái, theo đó giúp cho sức khỏe vững bền hơn, giảm bớt bệnh tật.

Đá mã não còn được cho là xua đuổi ma xấu, quỷ dữ. Bởi đá ẩn sâu trong lòng đất nhiều ngàn năm, theo đó nhập năng lượng từ đất, giúp cho người sử dụng mã não ít bệnh tật, cuộc sống thỏa mái hơn. Đặc biệt mã não đỏ, làm cho người đeo tự tin, đằm tính mỗi khi gặp cảnh ngộ làm tính khí nóng nảy. Đeo mã nào làm giảm bớt căng thẳng, áp lực công việc lằm ăn.

Phụ nữ đeo mã não còn là cách trang sức, làm đẹp.

[2] Để xăm được hình lên da thịt, lên trán, họ dùng loại cây axap đốt cháy lên để truyền cảm hứng và không muốn gặp trở ngại khi phải xăm hình. Lấy ba gai kẹo (loại gai dài nhọn, sắc), tra vào ống tre nhỏ, vừa vặn. Ống tre cũng là cán cầm xăm. Dùng màu đen (chưa rõ pha chế bằng vật liệu gì) để xăm. Xăm xong tra thuốc, sau đó dần xuất hiện hình xăm lên da thịt.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây