Tiểu thuyết Nông dân – khúc tráng ca của nông dân Ba lan – Tác giả: Nguyễn Văn Thái

Tiểu thuyết Nông dân - khúc tráng ca của nông dân Ba lan - Tác giả: Nguyễn Văn Thái

TIỂU THUYẾT NÔNG DÂN – KHÚC TRÁNG CA CỦA NÔNG DÂN BA LAN

NGUYỄN VĂN THÁI
(Dịch giả, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)

Tiểu thuyết Nông dân được Wladyslaw Reymont cho in thành sách trong những năm 1904 – 1909 và vì tác phẩm đó ông đã được trao giải thưởng Nobel trong lĩnh vực văn học năm 1924(1).

Trong nền văn học mỗi nước có những tác phẩm được gọi là anh hùng ca vì ý nghĩa của đề tài và giá trị nghệ thuật, đồng thời vì vai trò của nó đối với văn hóa dân tộc. Theo cách hiểu thông thường, anh hùng ca là trường ca dân gian, một loại hình của thể loại tự sự hình thành trên cơ sở thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, và khai thác đề tài, cốt truyện trong kho tàng đó, do nghệ nhân dân gian khai thác, thu lượm, chỉnh lí… có kết cấu và cốt truyện tương đối thống nhất, hoàn chỉnh, phản ảnh những sự kiện lớn có ý nghĩa lịch sử trong đời sống một quốc gia, một dân tộc, ca ngợi chiến công của nhân dân… Anh hùng ca truyền thống, cũng như anh hùng ca cổ đại phải biểu thị lịch sử các nhân vật huyền thoại trên nền tảng những sự kiện có tính bước ngoặt đối với xã hội. Anh hùng ca phải bắt đầu từ những cứ liệu lịch sử, chứa đựng các so sánh có tính anh hùng ca, hiện thực đến từng chi tiết, các sự kiện phải có tính xung đột, gay cấn, các nhân vật anh hùng, người kể chuyện giữ thái độ khách quan, v.v…

Mặc dù Nông dân không có đầy đủ các tính chất của một bản anh hùng ca truyền thống, song tác phẩm kinh điển này vẫn được coi là bộ sử thi của dân tộc hay anh hùng ca của Ba Lan. Trong quyết định của Ủy ban Nobel năm 1924 có đoạn đánh giá về tác phẩm của Reymont như sau: “Đây là tiểu thuyết đặc biệt trong nền văn học thế giới những năm gần đây, là thiên anh hùng ca bằng văn xuôi đích thực…”(2).

Wladyslaw Stanislaw Reymont sinh ngày 7 tháng 5 năm 1867 tại làng Kobiele Wielkie thuộc Piotrkow, cha là nhạc công nghiệp dư, chuyên chơi đại phong cầm ở nhà thờ, mẹ là cháu gái một cha đạo ở quê. Thời thơ ấu Reymont sống cùng gia đình ở Tuszyn – một thị trấn nhỏ cách thành phố Lódz không xa. Sau này nhà văn kể lại: “Tuổi thơ của tôi trôi qua khá buồn tẻ. Bố mẹ tôi có tới chín người con, trong đó bảy là gái. Anh trai cả vào học cấp II khi tôi chưa biết gì. Tôi sống thầm lặng giữa các chị em gái, không quan hệ với xung quanh, bởi vì gia đình tôi ở ngoài rìa thị trấn và tôi sẽ bị phạt nặng nếu chơi bời với những đứa trẻ con nhà thị dân, dù chúng ở gần. Trong nhà tôi việc thờ phụng Chúa là tập quán thiêng liêng đã ăn sâu vào tâm trí mỗi thành viên gia đình và bố tôi là người luôn duy trì kỉ luật sắt đối với con cái. Tôi sống cô đơn, không bè bạn, chỉ biết lấy sách làm nguồn vui và để nuôi óc tưởng tượng”(3)

Người ta đồn rằng Reymont được thừa hưởng năng khiếu văn chương là do bà mẹ nổi tiếng về tài kể chuyện và đọc thơ. Những năm học cấp I nhà văn tỏ ra là học trò kém cỏi và bướng bỉnh, do đó bố mẹ bắt phải học nghề thợ may ở chỗ chị gái và anh rể để sau này có một nghề kiếm kế sinh nhai. Nhà văn kể: “Mọi người bắt tôi học nghề – tôi không đủ kiên nhẫn, bắt học buôn – tôi trốn, rồi lại bắt vào trường học văn hóa – tôi không chịu. Sáu năm trời như vậy, chẳng đạt được kết quả gì, cuối cùng người ta trả tôi về với bố mẹ. Lúc bấy giờ tôi đã mười tám tuổi và bố mẹ chuyển đến chỗ ở mới”…

Buồn chán, Reymont bắt đầu làm thơ, nhưng chẳng biết gửi đâu đăng, nhiều lần trốn đi đó đi đây và có lúc bỏ nhà theo một gánh hát rong, nhưng không gặt hái được kết quả như mong muốn, cuối cùng lại phải về ăn bám bố mẹ. Sau đó nhờ sự dàn xếp của bố, Reymont được nhận vào làm công nhân đường sắt, song vì yêu thích nhà hát và văn chương hơn, nhiều lần lại bỏ nhà đi viết văn, làm thơ, làm báo và thử sức với sân khấu. Đường sắt và nhà hát có thể coi là hai mặt của cuộc đời Reymont lần lượt đổi chỗ cho nhau thời trai trẻ.

Từ năm 1893 ông sinh sống ở Warszawa và bắt đầu cho ra đời một số tác phẩm được dư luận chú ý như Hành hương về Jasna Góra và tiếp theo là Đất hứa viết về những năm tháng sống ở thành phố Lódz. Sau một tai nạn đường sắt, được hưởng tiền bồi thường khá lớn, cuộc đời nhà văn thay đổi, vừa cưới được vợ, vừa yên tâm viết văn và đi chu du một số nước Tây Âu.

Tác phẩm tiêu biểu của ông là bộ tiểu thuyết đồ sộ nhan đề Nông dân viết trong những năm 1901 – 1908, phản ánh tình trạng nông thôn và nông dân Ba Lan dưới ách thống trị của Nga hoàng thời kỳ cuối thế kỷ XIX. Bộ tiểu thuyết này gồm bốn tập là Thu, Đông, Xuân, Hạ với tư tưởng chủ đạo rất đơn giản: Những gì đang diễn ra cũng đã từng diễn ra và sẽ diễn ra mãi mãi. Hết thu đến đông, hết xuân đến hạ, cứ thế quay vòng. Mỗi mùa đều có công việc, các ngày lễ, niềm vui và nỗi buồn riêng của mình. Song ở đây ông đã vẽ ra hết sức sinh động bức tranh toàn cảnh nông thôn Ba Lan với mọi tập quán hủ tục trong cuộc sống thường ngày, được đánh giá là bộ sử thi của dân tộc Ba Lan, chỉ đứng sau tác phẩm Chàng Tadeush của Adam Mickiewicz.

Cần nhấn mạnh rằng trong thời kỳ mà tiểu thuyết ra đời, đề tài nông dân đã trở nên hết sức phổ biến trong nghệ thuật và văn học. Có thể phán đoán rằng việc Reymont đã trải qua thời thơ ấu ở nông thôn có ảnh hưởng rất lớn đến chủ đề bộ tiểu thuyết. Hơn bất kỳ nhà văn Ba Lan nào khác, trong Nông dân Reymont đã thể hiện một cách đầy đủ nhất và có tính gợi mở bức tranh về cuộc sống nông thôn. Tiểu thuyết làm cho người đọc phải kính nể vì tính xác thực, cũng như tính hiện thực của các tập quán, ứng xử và văn hóa tâm linh của những người nông dân Ba Lan ở cuối thế kỷ XIX. Đầu đề mỗi tập (Thu, Đông, Xuân, Hạ) báo hiệu về một tác phẩm gồm bốn phần được biểu thị trong chu kỳ sinh trưởng của cỏ cây, mà chu kỳ đó điều chỉnh nhịp điệu vĩnh hằng và lặp đi lặp lại của cuộc sống nông thôn. Thuận theo nhịp điệu đó cũng đã diễn ra các sự kiện tôn giáo, tập quán và công việc đồng áng. Đồng thời việc tập hợp các sự kiện vào nhịp điệu một năm theo lịch và theo nghi lễ, cũng như việc không nêu ra thời điểm lịch sử cụ thể nào trong đó hành động được diễn ra, đã giúp cho nhà văn đạt được hiệu quả tính liên tục và vượt ra ngoài khuôn khổ lịch sử của các sự kiện.

Trên những trang sách đã thể hiện một màn kịch hết sức đa dạng về các trải nghiệm của con người và cuộc sống tâm linh phong phú, có thể so sánh với những điều ghi trong Kinh Thánh hoặc trong thần thoại Hy Lạp, nó không hàm chứa bất kỳ lí tưởng có tính học thuyết cũng như tấm gương có tính giáo huấn nào. Tác giả của Nông dân không tin vào các học thuyết, có lẽ chỉ tin vào kiến thức của bản thân về cuộc sống, vào tâm lí của những nhân vật được miêu tả và ý nghĩa của cuộc sống hiện thực.

Dư luận thế giới cho rằng ít có tác phẩm nào trong lĩnh vực văn chương mà từ đầu đến cuối luôn tạo ra hứng thú lớn lao đến như vậy cho người đọc, mặc dù toàn kể chuyện đời thường, từ công việc đồng áng, các buổi chợ phiên, lễ hội, đám cưới, mối quan tâm của một cha xứ quản hạt, đến cuộc đấu tranh vì đất đai, vì tình yêu, có khi kể về những mâu thuẫn xóm giềng hoặc thói hư tật xấu, thói dâm đãng hoặc nhẹ dạ của người này người kia, nhưng cũng có những tình tiết gay cấn như cha con đánh nhau sứt đầu mẻ trán vì tranh giành tình yêu hoặc số phận của một cô gái quá xinh đẹp và đa tình, quan hệ cả với bố lẫn con, cuối cùng lại si mê một linh mục vừa ra trường, dẫn đến kết cục bị đuổi khỏi làng, tức là hình phạt nặng nề giống như bè chuối trôi sông thời phong kiến ở nước ta…

Tác phẩm này đã được chuyển thể thành phim, lần đầu vào năm 1922 và lần thứ hai năm 1973 và cho đến nay vẫn liên tục được chiếu đi chiếu lại trên các kênh truyền hình.  

Wladyslaw Reymont mất tại Warszawa ngày 5 tháng 12 năm 1925, tức là chỉ một năm sau khi nhận giải Nobel văn học và thi thể của ông được chôn cất tại nghĩa trang dành cho các vĩ nhân Ba Lan, còn trái tim được lưu giữ trong nhà thờ Thánh giá ở Warszawa, bên cạnh trái tim của nhạc sĩ thiên tài Fryderyk Chopin.

Những nhân vật chính của tiểu thuyết bao gồm: Maciej Boryna – chủ đất hàng đầu của làng Lipce, tuổi 60, góa vợ, khỏe mạnh, một người dân quê Ba Lan điển hình, coi trọng danh dự, tính cách gia trưởng, có bàn tay sắt trong quản lí gia đình và ruộng đất, cương nghị, trung thực, chăm chỉ, tháo vát, đồng thời cũng keo kiệt, mọi suy nghĩ và hành động đều tính toán trước hết cho bản thân. Khi yêu và mới cưới Jagna về làm vợ đã nâng niu cưng chiều, nghe bằng tai của cô, nhìn bằng mắt của cô, nói và hành động theo ý tưởng của cô, nhưng khi phát hiện cô ngoại tình thì coi cô không bằng một người hầu, không thèm đếm xỉa gì đến cô, thậm chí sẵn sàng giết chết cô. Boryna yêu các con, mặc dù tỏ ra lạnh nhạt với Antek, song trong lòng luôn coi trọng anh. Ông đã từng nói “Mảnh đất Lipce này quá chật hẹp cho hai người chúng tôi”. Antek Boryna – con trai Maciej, khỏe như rồng, cứng rắn, ương bướng, sống nội tâm, có vợ con nhưng vẫn chưa được chia ruộng đất, mâu thuẫn với cha không chỉ về đất đai mà còn vì Jagna. Antek là mẫu người sẵn sàng nổi loạn, trong gia đình thì chống lại cha mình, trong làng xã thì coi chánh tổng và cha xứ chẳng ra gì, trong xã hội thì chống lại bọn quan lại của chính quyền Nga hoàng và quân lính. Anh chứa trong mình đầy mâu thuẫn, một mặt căm hờn cha đẻ và định bắn ông, mặt khác lại kính nể và sợ hãi đến mức sẵn sàng đứng lên giết chết những kẻ hành hung sát hại ông. Anh hối hận và ăn năn vì những hành động của mình đối với vợ, song vẫn không dứt nổi mối tình ngang trái với Jagna. Anh sợ bị tù đầy và định trốn sang Mỹ nhưng nặng tình đối với mảnh đất quê hương và với vợ con nên vẫn ở lại. Hanka – vợ Antek, một trong những nhân vật phụ nữ rất thú vị trong văn học Ba Lan, một con người ban đầu sống thụ động, nhu nhược, tồn tại như cái bóng bên cạnh chồng và bố chồng, thế nhưng trải qua các thử thách cam go của cuộc sống, trải qua những mất mát và đau khổ cả về đời sống vật chất lẫn tình cảm, đã trở nên dũng cảm, biết bảo vệ đất đai tài sản bằng sự khôn khéo, ngoan cường và quyết tâm sắt đá của một người đàn bà nghèo, hết lòng vì chồng con và gia đình. Jagna – cô gái trẻ đẹp, nhạy cảm, đa tài và đa tình, người mang bất hạnh đến cho không chỉ Maciej, Antek mà cả chánh tổng và linh mục mới ra trường Jasio. Đây cũng là nhân vật rất thú vị trong tác phẩm, trước hết bởi sự khác biệt của cô so với cộng đồng làng xã. Cô không quan tâm đến gia sản, ruộng đất, không có chính kiến thậm chí ngay trong việc kết hôn của bản thân mình, toàn bộ cuộc sống tương lai của cô đều do bà mẹ sắp xếp. Cô cả nể, nhẹ dạ, sống bằng cảm tính và do đó dễ sa ngã trong các cuộc phiêu lưu tình ái. Chính sự khác biệt trong cách nghĩ, cách sống đã đưa cô đến chỗ bị dân làng tẩy chay, lên án.

Không gian của tiểu thuyết là Lipce, một ngôi làng được tác giả phác họa như bức tranh đầy màu sắc quyến rũ: “Ở xa tít tắp ngút tầm mắt là cánh đồng màu xám xịt trông không khác gì cái chảo khổng lồ với những lưỡi rừng xanh lam thè ra, và xuyên qua cái chảo ấy, một con sông như sợi bạc long lanh dưới nắng uốn mình giữa đám cây cối ven bờ. Ở giữa làng, con sông tràn nước vào một hồ lớn và dài, rồi chảy trốn lên phía Bắc, len lỏi giữa những quả đồi nhỏ, giữa đáy thung lũng. Bao quanh hồ là làng quê đang khoe dưới nắng mặt trời màu sắc những vườn cây vào thu, giống hệt màu đỏ pha vàng của con sâu bướm trườn mình trên chiếc lá xám. Từ làng ấy cho đến tận các cánh rừng là những luống cày trông như sợi chỉ xoắn vào nhau, cánh đồng như tấm khăn choàng màu xám, bờ ruộng chất đầy sỏi đá gom từ dưới đồng lên và chi chít những bụi mận hoang; chỉ đôi chỗ giữa đám mây màu xám bạc ấy ánh lên chùm tia vàng giống hệt những cây phấn hoa vàng thắm tỏa hương, đó là dòng sông cạn với những viên đá trắng đến nao lòng hay những con đường cát mịn đang ngái ngủ; còn trên con đường cát ấy là hàng dương cao khoan thai bò lên đến đỉnh đồi, đổ bóng về phía rừng cây”…

Lipce trong tiểu thuyết dĩ nhiên không phải là một địa danh có thực, song đã được Reymont miêu tả như một làng quê điển hình của đất nước Ba Lan, nhỏ bé, xinh đẹp và mang trong nó đầy đủ mọi đặc tính của nông thôn thời ấy: sự cuồng tín, thói hư tật xấu, cái thiện và cái ác, lòng nhỏ nhen ích kỷ cùng cả những tấm lòng cao thượng…

Reymont ca ngợi công việc lao động hàng ngày cùng các sự kiện thiên nhiên bằng những trang viết đầy tâm huyết: “… Đám đàn bà đứng thành từng dãy bên nhau đỏ rực cả các luống đất đang đào bới… tiếng khoai tây đổ vào xe vang lên không ngớt… đôi chỗ người ta vẫn còn đang cày bừa để gieo hạt… đàn bò nhiều màu sắc cần mẫn gặm cỏ trên mảnh đất hoang… đây đó trên các luống cày màu tro dài nổi bật lên vài vạt lúa mì mới nhú mầm… rồi hàng đàn ngỗng không khác gì các mảng tuyết phủ trắng cả cánh đồng cỏ xơ xác bạc màu… con bò cái ở đâu đó bỗng rống to thảm thiết… những đống lửa được đốt lên và làn khói dài như bím tóc mây là là bay trên đám đất hoang… tiếng xe nghiến trên đường hoặc tiếng lưỡi cày đụng vào những tảng đá trên đồng… rồi yên tĩnh lại chế ngự cả đất trời trong giây lát, khiến cho cả đến tiếng nước chảy rì rầm của con sông và tiếng cối xay quay đều đặn đâu đó sau làng, ẩn giữa những hàng cây rậm rạp thẫm vàng cũng nghe rõ mồn một… rồi lại có tiếng hát hoặc tiếng kêu không biết từ đâu vẳng tới, nghe rất gần rất thấp, vỡ òa ra giữa những luống cày và hố sâu trên ruộng rồi chìm vào màn xám mùa thu không một tiếng vọng trở lại, chìm vào những ruộng rạ bị xé ra thành từng nhánh chằng chịt như mạng nhện, lọt giữa con đường ngái ngủ trống không, trên đó chỉ có lũ chim đa đa đầu to tướng và đỏ lòm chen chúc nhau … rồi những cánh đồng lại trải ra vô tận và làn bụi xám lửng lơ dưới nắng lại bay lên cao theo những đường cày, kéo dài ra và bò trườn lên dốc rồi rớt xuống, và ở phía bên dưới, giống như từ trong mây ló ra một gã trai làng đi chân trần đang cúi lom khom, đầu không mũ nón, choàng vào vai chiếc bao tải may bằng vải thô lớn – chậm rãi bước và thò tay nhúm những hạt lúa mì ra rắc đều đặn trên mảnh đất Chúa ban, khi đến cuối luống đất lại nhúm hạt từ trong bao tải ra, quay lại và chậm rãi đi lên phía đỉnh đồi và do đó trước tiên là cái trán, sau đó hai vai và cuối cùng toàn thân nổi bật lên dưới ánh mặt trời, vừa đi vừa vung tay đều đặn ra tứ phía và cùng với nhịp tay ấy, những hạt lúa mì vàng ươm như bụi phấn vàng bay ra thành vòng tròn phủ kín mặt đất…”.

Toàn bộ tiểu thuyết dựa trên mối quan hệ của cuộc sống con người với thiên nhiên, tác giả phô bày các số phận của cộng đồng và của từng cá nhân như một phần của lịch sử nhân loại nhìn dưới góc độ lịch sử của đất đai diễn ra đúng theo ý Chúa. Câu đầu tiên của tiểu thuyết là: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời”, còn câu kết là: “Hãy ở lại cùng Chúa, những người thân yêu của tôi ạ”… Đằng sau mọi công việc, tập quán, lễ nghi là lập luận có tính tôn giáo. Song đôi lúc chúng ta có cảm giác rằng tính triết lí tôn giáo đó hướng tới những vị thần thánh thời xa xưa của đất đai, của mùa màng và sự sinh sôi nảy nở của thiên nhiên.

Ngôn ngữ trong Nông dân thấm đậm chất dân gian. Reymont không đưa nguyên xi phương ngữ của một vùng quê cụ thể nào vào tiểu thuyết, song chính ông đã sáng tạo ra trong những trang sách của mình một thứ ngôn ngữ vừa dân gian vừa đậm chất anh hùng ca mà nông dân Ba Lan sau này thường sử dụng.

Người kể chuyện trong Nông dân là người kể chuyện “làng quê” biết tường tận điều mình kể. Hệ giá trị của tác giả và những trải nghiệm của ông không khác biệt so với những quan niệm và các trải nghiệm của những con người mà ông đưa ra làm đề tài câu chuyện. Chính tác giả đã sống cuộc đời ấy, đã vui vì những thành tựu của các nhân vật của mình và buồn vì những thất bại của họ. Song tác giả không phải là thành viên của cộng đồng Lipce, người kể chuyện luôn giữ một khoảng cách nhất định so với họ. Đôi lúc ông cũng nhấn mạnh sự kì lạ của phong tục dân gian ở đây, thí dụ khi miêu tả các trang phục lễ hội hoặc các điệu nhảy trong đám cưới. Ông luôn giữ thái độ khách quan khi nêu ra những lí lẽ biện minh cho hành động của các nhân vật, thí dụ lí lẽ của Boryna và Antek khi yêu cùng một người đàn bà, lí lẽ của Hanka và của cộng đồng dân làng Lipce bất bình khi những chuẩn mực trong tục lệ bấy nay bị trà đạp…

Chúng ta cũng nhận thấy ở đây một người kể chuyện có những hiểu biết sâu sắc về văn học và thẩm mĩ. Qua việc miêu tả những trải nghiệm yêu đương hoặc tôn giáo, qua phân tích tâm lí, thậm chí qua các nhân vật điển hình rút ra từ thực tế đời sống nông thôn người đọc dễ nhận biết tất cả đều là sản phẩm của trí tưởng tượng của một nhà văn vừa là nghệ sĩ đồng thời cũng là một nhà cách tân. Ông miêu tả cái chết của Boryna và Kuba như những câu chuyện thần tiên, còn cuộc chiến đấu với đại điền chủ để bảo vệ rừng cây lại được miêu tả giống như những nỗ lực của các chiến sĩ thời cổ đại.

Reymont đã miêu tả tâm lí hai nhân vật Antek và Jagna khi họ tình cờ gặp lại nhau trong buổi lễ ở nhà thờ như sau:

“Cô ngồi cứng đơ như những người khác, nhìn chăm chú vào quyển kinh nhưng không đọc được chữ nào, thậm chí không nhận biết trang nào, chẳng nhìn thấy gì, bởi đôi mắt thấm buồn của anh, đôi mắt sầu não, cháy bỏng của anh cứ hiện ra trước mặt cô, cứ sáng long lanh như những vì sao, đôi mắt ấy che lấp cả thế giới khiến cô như người mất hồn, ngay lập tức bị ngã gục – còn anh vẫn tiếp tục quỳ, cô nghe được cả hơi thở gấp gáp nóng bỏng của anh, cảm nhận được sức mạnh ngọt ngào đó, sức mạnh kinh hồn, sức mạnh như đang bị trói buộc bởi những sợi dây thừng và chặn lại bởi sự sợ hãi, song nó cứ thế lao thẳng vào tim cô bởi sự ngọt ngào rung động đê mê mà vì nó người ta đánh mất cả trí khôn, chỉ còn nghe theo tiếng gọi cuồng si của tình yêu, có cảm giác như từng khớp xương trong người cô đều rung lên bần bật, trái tim cô đập hối hả chẳng khác gì con chim điên cuồng đập cánh vào tường để thoát ra bay đến với tự do.

Lễ mi-sa đầu trôi qua, những bài thuyết giáo đã được truyền đạt, lễ mi-sa thứ hai cũng xong, dân chúng đang cùng nhau hát, cùng nhau cầu kinh, cùng nín thở và cùng khóc – còn hai người họ như tồn tại bên ngoài thế giới, họ không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì và không cảm nhận được gì ngoài chính bản thân họ.

Nỗi sợ hãi, niềm hân hoan, tình yêu thương, những hồi ức, những lời hứa hẹn thề bồi và sự khao khát thèm muốn lần lượt đổi chỗ cho nhau dâng lên ngập tràn và cháy bỏng trong họ, truyền từ trái tim người này sang trái tim người kia, kết nối họ lại với nhau, khiến họ cùng cảm nhận như nhau, tim họ cùng đập nhịp như nhau, mắt họ cùng cháy lên ngọn lửa rực sáng như nhau”…

Về bố cục, trong Nông dân không có những nhân vật được tách riêng nổi bật cũng như không có các chủ đề đặc biệt nào mà dựa vào đó câu chuyện diễn ra. Thậm chí những chủ đề được phát triển mở rộng rất công phu như mối tình của Antek và Jagna, cuộc đời của Boryna hoặc cuộc đấu tranh của Hanka nhằm giành lại tình yêu của chồng và vị thế của mình trong làng xã cũng không có gì thật khác biệt so với các tiểu thuyết khác. Những nhân vật đó không hề mất đi cá tính của mình, song chỉ là những bản sao lục cuộc sống của làng quê và của các quá trình diễn ra ở nông thôn Ba Lan. Qua những ví dụ đó Reymont chỉ ra những vấn đề liên quan đến việc thừa kế đất đai ở nông thôn, quan hệ giữa sở hữu đất đai với vị thế của người nông dân, những mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình liên quan đến phân chia ruộng đất, quan hệ hôn nhân và của hồi môn…

Những đề tài khác, như nhân vật Kuba Socha, bà già ăn mày Agata, chánh tổng hoặc mối tình của Szymek và Nastka… mặc dù không được đề cập đến nhiều nhưng cũng không vì thế mà trở thành thứ yếu. Họ là những ví dụ điển hình của cuộc sống phong phú ở nông thôn. Những đề tài còn lại cũng giống như vậy, từ cậu bé người làm Witek, cô chủ nhỏ Jozka, bà giá lắm lời Jagustynka, ông lão Rocho thánh thiện, cha xứ quản hạt quá chăm lo đến việc làm giàu, bà Dominika độc đoán, gã thợ rèn tham lam keo kiệt, ông già Ambroza suốt ngày say sỉn, vợ chồng người chơi đại phong cầm tìm mọi cách thu vén cho mình… tất cả đều nhằm tạo ra nhân vật tập thể của tiểu thuyết, tức là cộng đồng Lipce.

Chủ nghĩa tự nhiên trong Nông dân phản ánh quan niệm viết của tác giả. Reymont nhấn mạnh đến nhu cầu sinh học của các nhân vật, sự phụ thuộc của cuộc sống của họ vào thiên nhiên, thời tiết, mùa màng. Bản năng giới tính có ảnh hưởng rất lớn đến hành động của Antek, Jagna, chánh tổng và cả Maciej Boryna. Đồng thời yếu tố kinh tế cũng có tác động không kém phần quan trọng đối với hành động của nhân vật. Ông già góa vợ Boryna rõ ràng đã bị hút hồn bởi vẻ quyến rũ của cô gái trẻ đẹp nhất làng Jagna, song khi tính đến việc hôn nhân vẫn không quên của hồi môn của nàng dưới dạng những mẫu ruộng nằm kề bên trang trại của mình. Bà Dominikowa sẵn sàng gả con gái cưng của mình cho Boryna vì tờ văn tự đất, và bà đã nói thẳng ra rằng “Con người không có đất đai cũng như không có chân, chỉ bò ra ôm ấp mà chẳng đi tới đâu được”. Antek, mặc dù vẫn yêu say đắm Jagna, nhưng khi đã được thừa kế gia tài, với tham vọng muốn thừa kế cả vị thế thủ lĩnh của bố, đã sẵn sàng đồng ý đuổi cô ta ra khỏi làng theo quyết định của dân làng. Khi được hỏi ý kiến về vấn đề đó, anh ta nói: “Tôi sống trong cộng đồng, vì thế sẽ đứng về phía cộng đồng! Nếu các người muốn đuổi cô ta thì cứ việc đuổi, còn nếu các người muốn đặt cô ta lên bàn thờ thì cứ việc đặt!”.        

Khi miêu tả các nhân vật, Reymont cũng tôn thờ chủ nghĩa tự nhiên, thậm chí ông không ngần ngại trước việc miêu tả tỉ mỉ đến từng chi tiết những hành động có thể gây sốc mạnh như cảnh lão Kuba lấy rìu tự chặt chân mình. Thông qua toàn bộ các chi tiết miêu tả rất chân thật đó, ông muốn chứng tỏ rằng mình luôn tôn trọng sự thật, dù sự thật đó có phũ phàng, đáng sợ.

Yếu tố kinh tế đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh giành vị thế của các nhân vật trong cộng đồng. Vị thế xã hội của mỗi người được thể hiện rõ rệt nhất qua chỗ đứng mà họ được sắp xếp trong các cuộc lễ hội ở nhà thờ: các chủ đất hàng đầu được đứng gần bàn thờ nhất, càng nghèo càng phải đứng xa, những nông dân bần cùng nhất, những tá điền không có ruộng đất, những người chuyên làm thuê làm mướn, kẻ hầu người ở như lão già Kuba chẳng hạn, thậm chí không được đặt chân vào trong nhà thờ, mà chỉ đứng lễ ở ngoài hiên. Tài sản của một người chính là sự đảm bảo về uy tín của người đó trong cộng đồng làng xã. Ở đây không chỉ nói đến vấn đề tiền bạc. Gã chủ cối xay mặc dù là người giàu nhất làng, song không được cộng đồng kính trọng nhất. Uy tín trong làng phải được đảm bảo bằng số lượng ruộng đất, đàn gia súc và năng lực điều hành công việc đồng áng. Thậm chí cái chết cũng được người ta suy xét trên phương diện kinh tế. Khi Boryna chết, mặc dù hết sức thương yêu bố chồng, song Hanka vẫn nghĩ ngay đến gia tài mà ông ta để lại: “Ba mươi hai mẫu ruộng, rồi đồng cỏ, rồi rừng, rồi nhà cửa chuồng trại, rồi gia súc, cả một trang trại rộng lớn!”.

Ý thức về vị thế xã hội của nhân vật tồn tại cho đến khi xuống mồ. Maciej Boryna trong những giây phút cuối cùng trước khi chết, mặc dù không còn biết gì nữa nhưng bản năng vẫn mách bảo ông phải vục dậy đi ra ngoài, đến với ruộng đất, thực hiện đúng vai trò một chủ đất. Những trang viết về Boryna trước khi chết là biểu tượng sinh động nhất của mối liên hệ con người – đất đai:

“Tốp gà thứ hai cất tiếng gáy, đêm đã khuya lắm rồi, các cánh đồng chìm vào giấc ngủ thẳm sâu sau một ngày đầy bận rộn lo âu…

Ngay sau đó Boryna quỳ xuống luống đất và đưa tay ra bốc đất cho vào vạt áo sơ mi như định bọc hạt lúa mì vào đó để mang đi gieo. Sau khi bốc được một vốc đất lớn, nặng đến mức phải khệ nệ mới bê lên được, ông làm dấu thánh giá và bắt đầu vung tay ra gieo hạt…

Nặng quá, ông phải cúi lom khom rồi chậm rãi bước từng bước một và bằng động tác thành kính vung tay ra gieo từng nắm đất nhỏ xuống các luống đất.

Con Đốm đi theo sau và khi có chú chim nào sợ hãi bay đến đậu dưới chân, liền chạy đến xua đuổi, rồi lại quay về túc trực bên cạnh ông chủ để sẵn sàng phục vụ.

Còn Boryna đăm chiêu nhìn về phía trước như muốn tận hưởng vẻ đẹp của trời đất giữa một đêm xuân, rồi lặng lẽ bước dọc theo các luống đất như muốn cầu Chúa ban phước lành cho từng tấc đất, từng thân lúa và liên tục vung tay ra gieo hạt, gieo không ngừng nghỉ và không biết mệt.

Vấp vào một mô đất, bước thấp bước cao đi lạc vào những rãnh sâu, thỉnh thoảng thậm chí còn ngã sóng xoài, song ông không hay biết gì về chuyện đó và chẳng cảm thấy đau đớn gì, chỉ tập trung toàn bộ tâm trí vào việc gieo hạt.

Cứ như thế lần mò đi đến cuối cánh đồng và khi trong tay không còn đất để gieo, ông lại vốc thêm lên và gieo tiếp, còn khi bắt gặp những tảng đá lớn và bụi rậm gai góc chắn đường, ông quay người đi ngược lại.

Ông đã đi xa đến mức không còn nghe thấy tiếng gà gáy và làng quê cũng đã mất hút ở đâu đó trong màn sương mù dày đặc, xung quanh chỉ còn lại những cánh đồng bàng bạc chạy dài vô tận. Ông mất hút trong đó như cánh chim bay lạc hoặc như linh hồn cất cánh bay khỏi mặt đất để rồi sau đó lại xuất hiện gần các ngôi nhà, lại nghe tiếng gà gáy và chứng kiến những thành quả lao động của con người. Ông như được nâng lên bay bổng trên những làn sóng lúa nhấp nhô để quay trở lại ranh giới của một thế giới đang sống…

– Thả lưỡi bừa xuống đi, nhưng phải thật nhẹ nhàng đấy! – thỉnh thoảng ông lại lên tiếng như đang nói với gã người làm.

Thời gian cứ thế trôi và ông cắm cúi gieo không biết mệt, chỉ thỉnh thoảng mới dừng lại nghỉ ngơi, vươn vai cho giãn xương giãn cốt, rồi lại lao vào công việc nặng nhọc và cố công cố sức một cách vô tích sự như thế.

Sau đó, khi đêm sắp tàn, các ngôi sao trên trời chỉ còn le lói và gà đang gáy sáng, ông mới chịu nới lỏng nhịp độ làm việc, dừng lại nghỉ nhiều hơn và quên hẳn việc vốc đất lên áo mà cứ thế gieo tay không, như định mang ra gieo đến cạn kiệt chính bản thân mình, gieo toàn bộ những tháng năm mà đời mình đã trải qua, toàn bộ cuộc sống của một con người mà ông đã được hưởng và giờ đây bằng những hạt giống thiêng này ông muốn dâng lên trả lại Chúa Toàn năng, dâng lên mảnh đất mà tổ tiên để lại”.

Cũng đối mặt với cái chết, song với lão Kuba, khi bà Jagustynka định đi gọi linh mục đến làm lễ rửa tội lại phản đối: “Gọi cha xứ! Đưa cha xứ đến chỗ này, đến chuồng ngựa với tôi ư?… Bà nghĩ gì trong đầu thế?”. Đối với ông già nghèo hèn đó, trật tự xã hội là một cái gì đó không thể đảo lộn được, thậm chí ngay khi sắp chết. Riêng bà già Agata lại có suy nghĩ khác, không một tấc đất trong tay, phải đi ăn mày ăn xin ngoài thiên hạ, bà đã cố nhịn ăn nhịn uống để tích trữ đủ lo cho việc chôn cất sau này: “Điều ước duy nhất mà bà vẫn bí mật nuôi dưỡng trong lòng một cách thầm lặng, và bà đã xin lỗi Chúa vì dám chen ngang như vậy, đó là được chôn cất như một chủ đất – đấy chính là ước nguyện mà bà luôn cầu xin một cách nhút nhát đầy sợ hãi…”.

Các nhân vật trong tiểu thuyết tạo ra toàn bộ tầng lớp xã hội ở nông thôn Ba Lan cuối thế kỉ XIX. Reymont miêu tả những chủ đất giàu có, mà điển hình là Maciej Boryna, những người thuộc lớp trung lưu như bà Dominikowa, bần nông như Kobus, Mateusz, Jagustynka và tá điền đầy tớ như Kuba, Witek, Pietrek… Ông miêu tả lớp người già, người trẻ, linh mục, chánh tổng, chủ cối xay, thợ rèn, gã Do Thái chủ quán, những ông bà già ăn mày ăn xin…, tức là những người tạo nên cuộc sống nông thôn thời đó. Reymont đã vẽ ra cả một bức tranh toàn cảnh làng quê Ba Lan với hàng loạt nhân vật điển hình, nhưng ông không phân chia họ một cách rõ rệt ra thành chính, tà, đen, trắng.

Người xấu như chánh tổng, thợ rèn, chủ cối xay được miêu tả với thái độ chế diễu, miệt thị. Hành động của họ thường mang đến thất bại, mưu kế của họ không thành công. Song không phải lúc nào và ở đâu họ cũng làm điều xấu, hành động của họ phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Họ bị coi là xấu vì số lượng những hành động tồi tệ ở họ nhiều hơn hành động tốt (và dĩ nhiên cả quan điểm sống của họ cũng đáng phê phán).

Những người tốt như Maciej Boryna, Hanka, Kuba, Rocho, Szymek, Nastka, Witek, Jozka… được miêu tả như những người chính trực, kính Chúa, sống hòa đồng với cộng đồng làng xã, chăm chỉ cần cù, có lòng nhân từ… Song bên cạnh những hành động tốt, các nhân vật đó cũng có những tật xấu đáng phê phán. Maciej Boryna là người giàu có, được cả làng kính nể, biết tính toán trong công việc quản lí trang trại, được coi là thủ lĩnh của cộng đồng, song vẫn không tránh được thói keo kiệt, suy nghĩ và hành động vì lợi ích cá nhân. Ông ta chỉ đứng hẳn về phía dân làng trong cuộc đấu tranh bảo vệ rừng cây sau khi biết gã chủ cối xay, chánh tổng và tay thợ rèn đã phớt lờ ông để thỏa thuận ngầm với đại điền chủ. Đến lúc đó Boryna mới quyết định đứng ra lãnh đạo cộng đồng và tỏ ra không khoan nhượng trong cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ lợi ích của số đông dân làng Lipce.

Có những nhân vật không tốt cũng không xấu, nhiều lúc đáng trách nhưng cũng có những ưu điểm đáng khen, điển hình là bà Jagustynka, Weronka, Mateusz, Tereska vợ lính, vợ chồng Koziol, Pietrek… 

Độc giả Việt Nam dễ dàng tìm được nhiều điểm tương đồng trong cách sống, cách nghĩ và hành động của những người nông dân, trước hết là thái độ đối với đất đai, quan hệ làng xóm, những xung đột hàng ngày của các thế hệ, những tập quán, hủ tục, đời sống tâm linh. Quan hệ giữa bố mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, làng xóm có khi chỉ vì đất đai, vì những quyền lợi trước mắt mà sinh ra mâu thuẫn, song khi cần thiết, đứng trước những mâu thuẫn lớn hơn – mâu thuẫn giữa bọn thống trị với nhân dân, hoặc giữa tầng lớp nông dân với đại điền chủ thì mọi người lại đoàn kết bên nhau thành một khối, sẵn sàng trợ giúp nhau trong hoạn nạn, giúp nhau canh tác cho kịp thời vụ… Ở nông thôn tình làng nghĩa xóm là một giá trị được đặc biệt đề cao. Nông dân ở mọi nơi đều gắn với đất đai, đều có cuộc sống vất vả “chân lấm tay bùn” và rất quý trọng con người, quý trọng những giá trị truyền thống của dân tộc, rất ngại phải thay đổi cuộc sống, thay đổi nơi cư trú.

Tuy là nhà văn có phong cách hiện thực, nhưng các trang viết của Reymont lại đặc biệt bay bổng, phóng khoáng, lãng mạn với thiên nhiên Ba Lan được miêu tả tinh tế, hoà quyện cùng con người – vẻ đẹp lộng lẫy sinh động, luôn mới mẻ, không gây nhàm chán. Ông đã thể hiện tình yêu sâu đậm của mình đối với quê hương, đất nước, thiên nhiên qua những trang viết tràn trề nhiệt huyết, như rút ra từ ruột gan mình, như máu ứ trong tim, tuôn ra ngòi bút, như muốn vẽ ra trước mắt độc giả bức tranh toàn cảnh về đất nước Ba Lan thân yêu của ông. Vợ nhà văn kể lại, sau khi viết xong những trang sách tả về đám cưới của hai nhân vật chính – ông Boryna và nàng Jagna, nhà văn đã suy sụp sức khỏe, ốm liệt giường vì đã trút toàn bộ sức lực và tâm trí vào việc miêu tả phong cảnh và tiệc cưới. Xin trích một đoạn nhỏ trong những trang tả về đám cưới đó: “… Những tiếng đàn trầm ấm gầm lên theo nhịp phách và run rẩy như tiếng vạc, còn tiếng sáo tiếp theo sau lại rộn rã, nhí nhảnh như hòa nhịp với tiếng trống vui tươi, rồi tiếng kêu leng keng đinh tai nhức óc vang lên đùa giỡn và run rẩy như bộ râu cằm của lão già Do Thái phất phơ trong gió, còn vi-ô-lông thì đi trước dẫn đường như một vũ nữ tài ba, rồi người ta lập tức cất tiếng hát cao và khỏe như để thử giọng, còn sau đó bắt đầu những bài ca buồn thảm, du dương, thấm thía, giống như tiếng khóc thút thít trước lúc chia li của những đứa trẻ mồ côi, để rồi cuối cùng xoắn lại một chỗ và bỗng nhiên hạ xuống với những nốt nhạc ngắn, nhấp nháy, gắt gao, như hàng trăm cặp nhảy cùng giập gót giày và hàng trăm người dân quê cùng hét lên bằng cả sức lực của mình khiến ta nghẹt thở phải rùng mình, và ngay lập tức mọi người lại bắt đầu quay tròn, hát hò, lộn đi lộn lại, chia nhỏ ra, nhảy nhót cười vui, khiến cho trái tim ấm lên và sự ham muốn cũng dâng lên đầy đầu… và thế là người ta lại hát những bài hát đau buồn tang thương dài lê thê; hát những bài ca yêu thương thân ái say sưa bằng cả sức mạnh và tình yêu, và họ lại lao vào nhảy những vũ điệu vùng quê Mazowsze mãnh liệt điên cuồng…

Bình minh đã mỗi lúc một sáng rõ, ánh sáng len lỏi hắt vào căn phòng bẩn thỉu và người ta vẫn tiếp tục vui chơi bằng cả nhiệt huyết của mình, nếu ai chưa uống đủ thì lại cho người đến quán ăn mua thêm rượu về cùng uống với bạn bè. Ai ra về thì cứ việc ra về, ai mệt mỏi thì nghỉ ngơi, ai quá chén thì nằm lại phòng xép hoặc ngoài hiên; ngược lại những người khác, chân cẳng cứng đơ nhức nhối thì lần ra hàng rào hoặc nơi nào tùy ý, số còn lại vẫn tiếp tục nhảy cho đến chết…”.

Những trang tả về thiên nhiên của Reymont là những bài thơ hết sức tươi mát, trữ tình và vô cùng cuốn hút. Phải có một tình yêu mãnh liệt lắm tác giả mới có thể dành rất nhiều thời gian và tâm trí để khắc họa chi tiết và đẹp đến như thế về một vùng đất vốn cũng bình thường như bao nhiêu vùng quê khác và truyền cảm được tình yêu ấy cho những thế hệ sau ông hàng thế kỷ.

______________

Tháng 11 năm 2012 vừa qua, Trung tâm Văn hóa & Ngôn ngữ Đông – Tây và Nhà xuất bản Lao động đã ấn hành bộ tiểu thuyết Nông dân của W. Reymont do Nguyễn Văn Thái dịch.

(1) Wladyslaw Reymont: Nông dân (Nguyễn Văn Thái dịch). Nxb. Lao động – Trung tâm Văn hóa & Ngôn ngữ Đông – Tây, H., 2012; Tập I, 616 trang; Tập II, 724 trang. Các trích dẫn trong bài đều theo sách này.

(2) Dẫn theo Pawel Goźlinski Giải Nobel dành cho người Ba Lan, phần II, mục 11, Thư viện báo Gazeta Wyborcza, truy cập trên Internet.

(3) Dẫn theo Bogdan Kozak Nông dân, Thư viện báo Gazeta Wyborcza – Sách dành cho trường học, NXB Mediaprofit Sp. z o. o., Warszawa 2010, tr. 43.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây