Văn hóa dân gian Cơ Tu – Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe – Phần 9

Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 9

Untitled 2 min 2 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 9

CHƯƠNG III

TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN

(Đơ điêng) 

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

1. Thờ cúng dàng (chủ yếu là cộng đồng làng thờ cúng)

Có thờ có thiêng, có kiêng có lành như người Kinh.

Theo quan niệm của người Cơ Tu giống cư dân nông nghiệp trồng lúa khu vực Đông Nam Á là vạn vật hữu linh, nên dàng đối với người Cơ Tu là hết thảy những gì thuộc về thiên nhiên, từ cây lúa (Mẹ Lúa) đến cây cao đại thụ trong rừng, hòn đá, đất, nước, mây, trời, rừng (Mẹ/ Nàng Rừng), … đều có dàng ngự tọa, nên tổ chức thờ cúng, tế lễ dàng. Tập trung cao nhất của cúng dàng là lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới hằng năm. Theo Cơ Tu, Dàng là đấng tối cao hết thảy.

“Họ cho rằng, mọi cái không tự nhiên mà có, mà do Dàng sinh ra, nuôi nấng, quản lý, bảo vệ,… và quyết định đến sự mất hay còn của chúng. Do vậy, con người muốn ước điều gì phải cúng Dàng. Dàng cho thì có, Dàng không cho dù có cố gắng mấy cũng chẳng được.

Trong đời sống cá nhân, gia đình và của làng, có rất nhiều lễ cúng gắn với sản xuất, mưu cầu sức khoẻ… Vật cúng (thứ này hay thứ kia), quy mô cúng (vật to hay nhỏ, phạm vi cúng là cá nhân, gia đình hay làng), hình thức cúng,…Tùy theo mục đích của từng nội dung cúng mà thực hiện theo ý Dàng cho phù hợp.

Với người đã qua đời, người Cơ Tu vốn không có truyền thống lập và thờ cúng qua bàn thờ, dù biết rằng “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Bởi lẽ:

Một là: họ không có truyền thống đó,

Hai là: họ cho rằng “chết rồi nghĩa là ma xấu đã bắt nbgười đó đi theo nó rồi, không còn thuộc người của gia đình mình nữa” (đã biến thành ma rồi).

Thế nên, nếu lập bàn thờ, thờ cúng trong nhà, hoặc nơi nào đó gần nhà của mình, thì có ngày hồn người chết sẽ rủ hồn người sống trong gia đình đi theo (họ cho rằng hồn mình chết thì thể xác mình rồi cũng chết theo),…Vì vậy, cho dù họ có thương tiếc mấy cũng không dám lập bàn thờ thờ cúng qua bàn thờ. Bàn thờ của họ chính là ở trong đầu của họ, họ luôn nhớ nhung da diết, thương tiếc, đi đâu họ cũng than thở, trách móc ma xấu nở lấy đi người nhà của mình.”[1] Đấy là nhân sinh quan của họ.

Trong cuộc sống thường ngày cóp nhiều lễ cúng, từ cúng lớn đến cúng nhỏ. Cúng lớn (làng chủ lễ) có trâu, xưa kia cao nhất dùng đầu/ máu người, các loại thịt và lễ phẩm khác. Lễ cúng nhỏ (gia đình chủ lễ) chỉ cần tế bằng gà, thậm chí dùng trứng gà; lớn hơn thì dùng lợn; cao hơn nữa là dùng trâu.

Theo người Cơ Tu, đối với các siêu nhiên, máu con vật hiến sinh quan trọng đặc biệt. Làng có thể có vật “thiêng” (thường là hòn đá – bái vật) được cất giữ ở ngôi nhà chung, tức gươl và được xem như một thứ bùa xua đẩy tất cả những điều không tốt ra khỏi làng. Một số thành viên trong làng cũng có loại bùa này và họ thờ tại nhà riêng như là bùa hộ mệnh.

2. Tính thiêng của việc thờ cúng Dàng

Trong cuộc sống, người Cơ Tu quan niệm và tin rằng: “Mọi mong muốn và cố gắng của con người, nếu không cầu cúng và được Dàng chấp thuận thì mọi mong muốn và cố gắng đó đều không có tác dụng…” Trường hợp cúng “chuộc hồn về” (póc rơ vai) dưới đây là một ví dụ:

“Anh A từ rừng B về thì bị đau, gia đình đã tổ chức vài cách cúng chữa, nhưng đều không khỏi và bệnh ngày một nặng thêm.

“Một số thầy mo, thầy bói và già làng trong làng cho đây có thể do “ma xấu” (dàng xấu) nào đó ở rừng B bắt [2] mất hồn rồi, phải tổ chức cúng chuộc hồn về (póc rơ vai) mới sống được (họ cho rằng ma xấu tại rừng B bắt hồn anh A, và đòi phải có lễ cúng chuộc hồn).

“Để cứu sống anh A, gia đình anh A đến rừng B tổ chức cúng, như sau:

“Sáng sơm, sau khi cơm nước xong, chọn 5 đến 6 người gia đình anh A, mang theo 1 con heo, 2 con gà trống, rượu cần, xôi, gạo, thuốc lá, tấm đồ, sáp ong làm nến và thêm lễ phẩm (nếu có).

“Khi tới rừng B, tiến hành phát dọn tại một đám cỏ nào đó, rồi làm nhà cúng: chặt hai đoạn cây bằng bắp tay, dài khoảng 60 cm, một đoạn phát qua, tượng trưng hình người bị ma bắt giữ hồn (cho mặc khố – nếu là nam, mặc váy nếu là nữ); đoạn kia phát qua tượng trưng ma xấu bắt giữ hồn ông A tại rừng B. Trên đoạn gỗ tượng trưng cho ma xấu này có đoạn gắn cái giá (đhặ a lặ). Sau đó giết một con gà và con lợn nấu chín, cùng với xôi,… đặ các lễ phẩm lên nhà cúng và trên giá tượng trưng cho ma xấu nói trên, rồi cúng gọi ma xấu bắt hồn anh A về thưởng thức lễ phẩm và cầu mong thả hồn anh A về nhà.

“Trong khi đang cúng, có một người phụ nữ đứng nắm tấm đồ, hứng tấm dồ về phía nhà cúng để gọi hồn anh A về.

“Cúng xong, người chủ lễ cúng hỏi người phụ nữ  đứng hứng hồn: Hồn anh A đã về chưa. Người phụ nữ đứng hứng hồn anh A trả lời: Về rồi, đoạn gói chặt tấm dồ lại.

“Sau đó, mọi người ăn hết thức ăn cúng (trừ cái để trên giá tượng trưng ma xấu) không được mang về nhà (nếu ăn không hết cũng để lại tại chỗ), thả con gà sống vào rừng cho ma xấu về nuôi. Đoàn người quay về làng. (khi rời khỏi chỗ cúng, không ai được ngoảnh lại phía sau).

“Về đến nhà, có một phụ nữ từ trong nhà chạy ra hỏi: Hồ anh A đã được ma xấu trả về chưa? Người đàn bà hứng hồn anh A tại nơi cúng, trả lời: Về rồi! Đoạn, bước đến chạm tấm dồ hứng hồn vào người anh A, tấm dồ được mở ra, mọi người trong đoàn đều thốt lên: Hồn anh A đã về. Từ nay trở đi, anh A không phải ốm đau chết chóc gì nữa. Từ đó anh A khỏi bệnh! [3]

Quan niệm kêu hồn, gọi hồn là hình thức ma thuật nhằm làm thỏa mãn yếu tố tâm linh gọi, bắt hồn ma thời nguyên thủy còn sót lại trong cuộc sống. Cho đến nay, người Cơ Tu vẫn còn tin thế và họ vận dụng “tính thiêng” này vào ứng xử với Dàng và vào cuộc sống trong bối cảnh xã hội đương đại, giao lưu, hội nhập và xây dựng nông thôn mới ngày càng rộng khắp và hiệu quả!

“Hồn”, gọi hồn về nhập xác gợi ý về một quyền năng vô hình. Nghĩ rằng hồn là bản thể khác riêng biệt trong một thân xác, hoặc chỉ đơn thuần là một hiện tượng sống: vật chất hay phi vật chất, phải chết hay bất tử. Nhờ vào khả năng huyền bí, hồn gợi ý về một sức mạnh siêu nhiên, về thần linh, về một trung tâm năng lượng. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant trong Dictionnaire des symboles cho rằng: “…khẳng định sự tồn tại của linh hồn tức là khiêu khích những phản ứng đối lập. Dưới màu sắc khoa học hoặc triết học, sự tồn tại ấy bị bác bỏ…hay được chấp nhận, được hiểu có thể rất khác nhau song luôn luôn dưới dạng giả định, Hai thái độ ấy quy định những sự khác nhau cơ bản trong nhân loại học, đạo đức học và tôn giáo. Thế nhưng, dù gợi ý niệm  hay kích thích một sự tìm hiểu gây niềm tin hay là sự phản bác, với cả hai tư cách ấy, hồn, linh hồn ít nhất vẫn có giá trị tượng trưng nhờ những ngôn từ và cử chỉ thể hiện nó cũng như những hình ảnh biểu thị nó. Nó trưng ra cả một chuỗi biểu tượng”[4] về một sức mạnh vô hình

Hiện nay, người Cơ Tu vẫn còn duy trì tín ngưỡng dân gian về chức năng của Dàng (cả Dàng tốt và Dàng xấu), thường xuyên có tác động trong đời sống thường ngày. Nhưng mặt khác về tín ngưỡng tâm linh đã có sự biến đổi bên cạnh quan niệm về Dàng của họ. Trường hợp Người Cơ-tu xã Hòa Phú huyện Hòa Vang có khoảng 120 hộ với dân số là gần 500 nhân khẩu. Trong khi đó người Kinh chỉ chiếm khoảng 20%. Về mặt lý thuyết giao lưu tiếp biến văn hóa thì phải là văn hóa của người Cơ Tu tác động và ảnh hưởng đến văn hóa người Kinh, nhưng hiện nay, văn hóa Cơ Tu đã một mặt gắn chặt chẽ với người Kinh (Việt) và mặt khác họ đang phát huy nội lực để thích ứng với sự biến dịch, tạo nên đặc trưng văn hóa đặc trưng. Trên cơ sở văn hóa cổ truyền mà hiện nay vấn đề tham quan tìm hiểu của nhiều người trong và ngoài nước muốn tìm đến đang cần để tạo nên những thành tố riêng biệt của cư dân Cơ Tu tại Hòa Vang nói riêng và Quảng Nam nói chung. Vùng Hòa Phú là một khu vực miền núi cao của thành phố Đà Nẵng đang trên đà phát triển toàn diện, do tiếp cận với thành phố lớn mà quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.

Tại thôn Phú Túc, có những khu du lịch trọng điểm: Núi Thần Tài, Ngầm đôi, Khu du lịch Hòa Phú Thành, Suối Hoa, … và một con đường 14G kết nối xuyên suốt với cộng đồng Cơ Tu ở huyện Đông Giang, Tây Giang thuộc tỉnh Quảng Nam. Nơi đây có vị trí hết sức thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái. Cùng với đó, chính quyền huyện Hòa Vang thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng văn hóa cho nên đời sống người dân ở đây có khá nhiều biến đổi.

Phỏng vấn 4 người (trong đó có 2 vị già làng), những người này cho rằng người Cơ Tu không thờ thần (chỉ thờ một cách chung chung giống người Kinh) như thần ngõ, thần bếp, thần nước, thần xối, thần đất và thờ tổ tiên ông bà.[5]

Và cũng theo người dân tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), họ cho hay khoảng bảy năm trở lại đây, mỗi hộ gia đình người Cơ Tu chuyển sang hình thức thờ cúng mới. Họ bắt đầu xây những bàn thờ trước hiên nhà. Có nhà thực hiện mái che, trang trí màu sắc, vẽ biểu tượng rồng, (thể hiện kinh tế khá giả hơn), một số khóm thờ khác đơn giản nhưng cách thể hiện bài trí cũng thấy được sự quan tâm của gia chủ đối với tín ngưỡng dân gian.

Một số người dân tại đây tường thuật việc tổ chức làm bàn thờ tại nhà có nhiều yếu tố giống nhau. Họ quan niệm có ngày giờ tốt xấu, nên trong gia đình, họ cử một thành viên đi coi thầy ở một vài địa phương khác và về lập bàn thờ. Ví dụ trường hợp của một gia đình ở Hòa Phú, con gái bà đi làm xa bỗng nói với bà là có đi coi thầy tại Hội An, thầy nói “là do nhà mình có hai cây lớn trước nhà nên cần phải lập bàn thờ nhỏ đặt ở ngoài sân.” Bà nghe theo lời con gái, đặt một bàn thờ nhỏ ở giữa hai cây lớn bìa sân rồi ngày Rằm, mồng Một dâng cúng bánh, trái cây, nước sạch ở đó, hương khói hằng ngày.

Bàn thờ nhà bài trí đơn giản, thông thường sẽ là một cây cột gỗ thẳng đứng tầm một mét ở trên đặt một cái bàn chứa lư hương (có nhan hương) vài cái ly đựng nước hoặc trà và một cái dĩa nhỏ chứa ít bánh kẹo hoặc trái cây. Với người Cơ Tu ở đây, đây là bàn thờ Thần Ngõ cùng với đó là những cô hồn vất vưởng không nơi nương tựa, những người chết trong chiến tranh, … Đối chiếu với bối cảnh lịch sử – xã hội vùng Hòa Phú, Hòa Bắc: xung quanh rừng núi bao phủ, có một căn cứ địa cách mạng (đã từng có nhiều người chết ở đây trong thời kì chiến tranh). Cách thiết trí bàn thờ, thoạt trông hình ảnh bàn thờ trước sân dường như là hình ảnh của cột Gươl thu nhỏ. Cột Gươl đối với dân làng là nơi rất linh thiêng, mọi nghi lễ hay cả phần hội hè, ca múa đều được thực hiện chung quanh cây cột lễ này. Thuyết cấu trúc chức năng đề cập đến quan điểm “khi môi trường càng bất trắc thì con người dùng nghi lễ để trấn an tâm lí”. Điều này liên quan đến việc thờ cúng của người Cơ Tu. Người Cơ Tu ở hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú trước đây do chiến tranh và đời sống du canh du cư đã di chuyển lên trở về vùng Đông Giang, Tây Giang sinh sống nay thuộc tỉnh Quảng Nam. Sau năm 1975 những người Cơ-tu ở xã Hòa Phú chuyển về lại thôn Phú Túc, riêng còn một bộ phận người Cơ Tu ở Tà Lang hiện nay vẫn sinh sống ở xã Tư huyện Đông Giang, một thời gian ngắn sau đó, họ chuyển đến vùng Tà Lang cũ như hiện nay. Theo người dân kể lại “đây là vùng đất dữ, đã có nhiều người mắc bệnh lạ rồi chết dù đã được già làng lập lễ cúng nhưng cũng chỉ ở lại một vài năm. Đến năm 1994 người dân bắt đầu di chuyển xuống vùng Tà Lang hiện nay (gọi là Tà Lang mới). Đối với vùng đất mới này, già làng cũng thực hiện các nghi thức xin phép thần linh được cư ngụ trên vùng đất mới này, họ không xin giới hạn trong bao nhiêu năm nữa mà sẽ ở đây luôn”. Điều này đi cùng với chủ trương của huyện Hòa Vang, lúc năm 1994 ở đây có dịch bệnh khiến nhiều người chết nên đã quyết định chuyển toàn bộ người Cơ Tu Hòa Bắc xuống vùng Tà Lang hiện nay. Điều này cho thấy thể hiện một đời sống tín ngưỡng dân gian có nhiều nhiều nguy cơ bất trắc trong quá trình tồn tại của họ. Thành thử ra, khi di chuyển xuống hoặc là được nhà nước hỗ trợ việc định canh định cư, nhưng trong tâm thức người Cơ Tu cũng rất lo sợ, thế nên họ muốn hòa chung cuộc sống với người Kinh, theo đó, họ cho rằng việc thờ cúng là điều rất nên làm. [6]

Có điều dễ nhận ra, hầu hết các hộ đều có bàn thờ này. Bên cạnh đó, một kiểu bàn thờ khác cũng đặt ở trước ngõ nhưng xoay vào phía ngôi nhà. Người ta gọi đó là cái khóm. Ở đây họ thờ những người thân trong gia đình đã mất. Vấn đề này họ thích ứng như người Kinh vùng Hòa Vang, rằng cần phải đi coi ngày tháng kiết hung cụ thể và thuê mướn người Kinh xây khóm. Cho nên về mặt kiến trúc, có giao thoa đường nét cấu trúc khóm với những khóm thờ của người Kinh. Họ cho rằng cho dù ở xứ đất nào cũng có bàn thờ này và khi xây nhà xong thì phải thiết trí để thờ tự, từ cấu trúc kiểu dáng, sự đơn giản của bàn thờ trước ngõ đều có nét tương đồng. Tuy nhiên họ không biết được rằng, người Kinh (Việt) Quảng Nam không phải ở đâu cũng có kiểu bàn thờ như vậy (một số vùng quê đến nay vẫn lưu giữ). Như thế, họ bắt đầu từ đâu mà tiếp nhận được một cách đồng loạt giữa các hộ (nghiên cứu thêm các vùng ven hoặc địa phương khác). Khi nói chuyện về cách thờ cúng cũng như việc xây bàn thờ, người dân rất e dè và không nói nhiều khi chúng tôi đặt vấn đề phỏng vấn, rằng: ai là người xem ngày giờ và lễ cúng gồm những gì?. Họ cho rằng việc ghi chép của chúng tôi giống với việc nhà nước kêu gọi chống mê tính dị đoan (trò chuyện với chị Mười ở thôn Tà Lang). Cách đó vài căn nhà của thôn Tà Lang Mới đều dùng một loại bàn thờ bằng inox, thỉnh thoảng xuất hiện vài khóm thờ xây hai tầng đã cũ và đẹp (giống như một căn nhà). Chúng tôi quan sát thấy khóm thờ kiểu xưa nhưng khi nói chuyện với chủ hộ, được cho hay khóm đã xây dựng và thiết trí thờ tự khoảng 7 năm trở lại đây. Tầng dưới thờ tổ tiên ông bà, tầng trên là thờ chú/bác của chồng người phụ nữ này (chồng người phụ nữ này đã mất và được thờ trong nhà). Quan sát trong khóm thờ, chúng tôi thấy cái lư hương đã ngả đổ nằm trên bàn còn ở tầng hai thì có một con gà nhảy vào nằm bên cạnh nhiều cây hương tàn. Điều này một phần nào đó thể hiện sự không quan tâm của gia chủ với cái khóm thờ và ít nhiều chúng ta thấy tín ngưỡng dân gian trong thờ cúng có sự trái chiều trong đời sống văn hóa thường ngày của người Cơ Tu. Trước đây vì tính chất du canh du cư nên họ sợ thần, sợ thiên nhiên nếu như làm mất lòng thần, nhưng thần hiện diện trong trong tâm thức người Cơ Tu nên họ thờ cúng rộng rãi và linh đình. Việc thờ cúng như đã nói trên bắt nguồn từ việc sống cộng cư với người Kinh, từ đó họ tiếp biến, hội nhập, biểu hiện người Cơ Tu có tín ngưỡng đặt bàn thờ tại hiên, nơi bìa sân và thiết trí bàn thờ giữa căn nhà như người Kinh (Việt). Tuy nhiên, người dân lại sợ nhắc đến thờ cúng như vậy thì hẳn họ đang có sự nhọc nhằn giữa thờ cúng ông bà tổ tiên và tính chất của mê tín dị đoan. Vấn đề ở đây có thể bản thân họ cho rằng, đó là điều mà từ xưa họ không có hình thức thờ cúng như vậy. Bởi tộc người Cơ Tu cư trú trên vùng Trường Sơn, xưa kia họ không thiết trí khóm thờ, bàn thờ tại nhà riêng, mà thờ tự tại nhà chung tộc họ (nhà thờ tộc) hoặc tại gươl làng.

3. Biểu tượng của tính thiêng

Biểu tượng hay ký hiệu là một hình ảnh, ký tự hay bất cứ cái gì đó đại diện cho một ý tưởng, thực thể vật chất hoặc một quá trình. Mục đích của một biểu tượng là để truyền thông điệp ý nghĩa một cách dễ dàng và ngắn gọn, nhanh chóng.

Trong lời mở đầu sách từ điển Những biểu tượng văn hóa, có viết: “Khởi nguyên, biểu tượng (symbole) là một vật được cắt làm đôi, mảnh sứ, gỗ hay kim loại. Hai người mỗi bên giữ một phần, chủ và khách, người cho vay và người đi vay, hai kẻ hành hương, hai người sắp chia tay nhau lâu dài, …Sau này ráp hai mảnh lại với nhau, họ sẽ nhận ra mối dây thân tình xưa, món nợ cũ, tình bạn ngày trước”.

Có thể nhận ra biểu tượng là hình thức cao của quá trình nhận thức sự vật và hiện tượng. Trong văn hóa biểu tượng thể hiện sự ước mong, những hy vọng thể hiện hạnh phúc con người thông qua ký hiệu nào đó. Cây nêu, cột lễ của tộc người Cơ Tu là một cách biểu hiện như thế, chỉ sự tồn tại tộc người trong ký ức cộng đồng thông qua các biểu tượng mà cây x’nur là biểu tượng tập trung ý chí cộng đồng. Trong quá trình vươn lên tồn tại của tộc người Cơ Tu trên đại ngàn Trường Sơn, họ đã tạo ra nhiều biểu tượng khác nhau mang tính ký hiệu biểu đạt. Không chỉ cây x’nur, cây nêu mà các biểu tượng các loài hoa, loài cây được tạo hình trên thổ cẩm là những biểu tượng có tính biểu đạt ý chí, nguyện vọng của họ. Không chỉ thế, ngay trên gươl, trên dụng cụ vẫn thể hiện những biểu tượng biểu đạt về họ. Những biểu tượng dân gian đó được lưu giữ trong cộng đồng làng và được truyền lại cho người sau bằng ký ức, sự ghi nhớ. Và vì là biểu tượng dân gian nên rất đa dạng, có tính phổ quát và hẳn nhiên mang tính cộng đồng làng. Cây nêu, cột lễ x’nur của tộc người Cơ Tu tồn tại bền vững trong cộng đồng trải qua nhiều thời kỳ phát triển, được lưu truyền sâu rộng trong mỗi thành viên một cách bền vững. Các tộc người khác biết đến họ nhờ tính bễn vững của biểu tượng.

Thế nên, biểu tượng (symbole) tính thiêng của tộc người Cơ Tu luôn biểu hiện tính đa nghĩa trong hệ thống sử dụng các ký hiểu biểu đạt mà người Cơ Tu sử dụng thông qua x’nur, cây nêu hay nhiều ký hiệu khác nữa. Tất cả được huy động tập trung biểu hiện tính thiêng liêng của hệ thống dàng trong thế giới quan của tộc người Cơ Tu. Trong quá trình tồn tại và phát triển trên vùng Trường Sơn, người Cơ Tu tạo ra nhiều biểu tượng biểu đạt sự phát triển khác nhau, qua đó, có thể khảo chứng đặc điểm quan trọng của biểu tượng như Iuri Mikhailovich Lotman nhìn nhận: “Biểu tượng còn có một đặc điểm quan trọng: biểu tượng không bao giờ thuộc vào một mặt cắt đồng đại của văn hóa, nó bao giờ cũng xuyên qua mặt cắt đó bằng chiều dọc, đi từ quá khứ đến suốt tương lai”. Điều này cho thấy các biểu tượng người Cơ Tu hình thành, sáng tạo ra đã gắn chặt với cuộc sống của họ theo chiều dài phát triển trên vùng rừng núi Trường Sơn từ xưa đến nay. Sự tồn tại của biểu tượng là cách thể hiện văn hóa tộc người.

3.1. Không gian thiêng

Không gian thiêng là khoảng không gian được giới hạn trong chừng mức người ta quy định cho lễ cúng dàng. Thực ra, không gian thiêng của tộc người Cơ Tu rất rộng lớn, là cả bầu trời mà ở đó dàng Trời – dàng tối cao – ngự chế và cai quản. Tuy nhiên, để có thể tạo thành không gian thiêng trong lễ hội đâm trâu mừng lúa mới, người Cơ Tu quy định trong phạm vi nào đó được cho là không gian thiêng. Không gian này được chỉ định trong khoảng giữa hai cây nêu bằng tre được trồng đối xứng với cây x’nur, hai ngọn tỏa ra hai bên với nhiều cái hoa bằng tre (a bung) hay hoa dây mây (a dương) gắn vào thân nêu. Nơi hai ngọn tre vươn ra đến đâu, nơi đó được giới hạn là không gian thiêng, tức không gian diễn ra quy trình lễ cúng dàng.

 

 

 

1 min 1 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 9Gà trống trên nóc gươl (Ảnh: St)

Hoặc, đôi khi, người ta quy định giữa hai cây nêu dùng sợi dây cột túm hai đầu cây tre, tạo nên hình rừng núi (răng cưa), trong khoảng không gian đó được cho là không gian thiêng. Nơi các dàng xuống giao tiếp, kết nối với cộng đồng và với các thành viên trong làng.

Tuy nhiên, nói không gian thiêng phải kể đến không gian của một làng người Cơ Tu đang sinh sống.

Bởi vì đấy được cho là không gian ẩn hiện của dàng, tổ tiên và các loại ma. Là sự hiển linh của ma tồn tại đâu đó trong làng. Có thể lực lượng này là ma hiền nhưng không thiếu ma dữ, luôn làm hại các thành viên của làng. Theo đó, trong trường hợp làng Cơ Tu có bệnh dịch nhiều người chết, hay mất mùa đói kém, một vài người sinh đẻ chết, tự tử, bị thuốc chết – chết xấu – được cho không gian thiêng bị xâm hại, Hội đồng già làng tư vấn cho chủ làng đưa ra quyết định quan trọng. Quyết định này ngay tức khắc được thực thi.

Hoặc sự xuất hiện sự linh thiêng bất thường của các loài chim, như chim tr’iing, gà trống, tiếng kêu của một loài thú đi hoang làm cho dân làng chú ý, …được cho là biểu tượng của tính thiêng bị xâm hại, thì đấy là cả một không gian thiêng của làng Cơ Tu đã có sự chuyển đổi. Cần tìm đến dàng để được ổn định, điều chỉnh mọi hành vi của thành viên làng. Người trong làng, người ngoài làng thực hiện trong không ra, ngoài không vào làng, ít phải trong vòng sáu ngày.               

Trong một lễ đâm trâu, không gian thiêng mặc dầu được giới hạn một khoảng không gian nhất định, nhưng kỳ thật còn rộng lớn hơn thế. Vào buổi tối thường không gian thiêng thể hiện tính thiêng. Trong đêm vắng, nghi lễ khóc trâu được tiến hành, nhảy múa mừng dàng, mừng cộng đồng, kéo dài đến sáng hôm sau là thể hiện cao điểm của không gian thiêng. Trong không gian này, người Cơ Tu cúng dàng, ném con gà vào rá pà pà [7] trên đầu cây x’nur. Và lễ kết thúc khi mọi nghi lễ được diễn ra và đạt nguyện vọng của dân làng. Đấy cũng chính là đặc điểm sinh thái thể hiện tính thiêng trong không gian thiêng của nghi lễ cúng dàng.

Nghi lễ cúng dàng, thể hiện qua đặc điểm sinh thái: cây x’nur, cây nêu, con gà, con heo, đầu trâu, máu, …là cách thiêng hóa lực lượng tự nhiên của người Cơ Tu. Đây là biện pháp ứng xử khéo khéo, hài hòa giữa thiên nhiên, lực lượng siêu nhiên với con người lấy rừng núi là cứu cánh trong cuộc sống để tồn tại. Đồng thời cho thấy sự ứng xử giữa người với người trong cộng đồng làng. Khi người Cơ Tu tổ chức lễ đâm trâu đánh dấu sự sụp đổ, sự vô hiệu lực của những bóng ma xấu trong một năm đeo bám quấy phá cộng đồng làng; đồng thời, thông qua không gian thiêng trong lễ cúng dàng cho thấy sự tan rã của những thỏa ước trong xã hội truyền thống người Cơ Tu luôn bị dàng ràng buộc trên tất cả các mặt hoạt động của đời sống con người suốt cả một năm. Lễ đâm trâu theo đó được cho là mở ra một bước ngoặc mới cho một năm mới yên bình, no đủ.

3.2. Cây cột lễ, cây nêu

3.2.1. Cây cột lễ, trước hết bản thân nó thể hiện tầm cao, chừng 3 đến 3,5 mét. Ngọn của x’nur cao dưới độ cao của gươl làng chút ít.  Sự thể hiện đó cho thấy ý tưởng tộc người Cơ Tu tìm đến sự thăng hoa hay hơn thế là siêu thăng hóa trong thế giới tinh thần. Họ gửi vào biểu tượng x’nur tinh thần hóa mọi năng lượng con người, đồng hóa tất cả các năng lượng con người có được, được biểu thị từ Trời. Với quan niệm như thế, cây cột lễ giữa sân, trước gươl thể hiện tầm cao, trước hết làm cho các thành viên trong cộng đồng làng tuân thủ về mặt đạo đức mà cụ thể là không vi phạm luật tục – cái đã được cụ thể hóa từ phong tục tộc người. Với ý nghĩa đó, chiều cao (thẳng đứng) của cây x’nur cao lớn về mặt biểu hiện ý nghĩa hơn là bản thân nó có độ cao về mặt mặt vật lý, tức là biểu tượng cây cột lễ mà người Cơ Tu xem là rất quan trọng và thiêng liêng trong lễ Dàng của họ. Người Cơ Tu sáng tạo ra cây x’nur, tưởng tượng và chia ra, sắp đặt trên biểu tượng ba tầng thế giới, thể hiện tâm thức con người là cột thiêng, thông với trời – đất – người và cõi âm phủ, tạo cho trí tưởng tượng của họ phong phú và chính đó, sức mạnh tinh thần của tộc người được nâng lên, tạo nên động cơ cho sức mạnh tâm thức Cơ Tu trên rừng Trường Sơn. Tất cả chiều cao, tâm thức đang vận động giao thoa cùng thế giới siêu nhiên đã và đang duy trì sự sống.

Cây x’nur, lễ phẩm dâng lên dàng là một biểu tượng mang tính thiêng liêng trong hoạt động cúng Dàng cao nhất của người Cơ Tu. Đây được cho là thể hiện sinh hoạt văn hóa cao nhất của người Cơ Tu với Dàng, với Người và với Tự nhiên. Cây cột lễ là biểu tượng, tượng trưng cho mọi ứng xử với dàng, với người. Và vì là biểu tượng nên bản thân cây x’nur mang tính đa nghĩa. Người ta có thể luận giải về cây x’nur dưới nhiều góc nhìn khác nhau: chết chóc, đói kém, no đủ, bệnh tật, bình yên, …đều được lý giải qua cây x’nur trong lễ đâm trâu. Người Cơ Tu ngưỡng vọng hệ thống dàng thông qua cây x’nur, bởi x’nur là cầu nối, là trục giao tiếp, nơi liên kết một bên là thế giới các dàng và một bên là thế giới con người trần tục. Theo đó, cho thấy cây x’nur, và các vật hiến tế (mang tính sinh thái) cùng với nghi, lễ là biểu hiện cao nhất mà người Cơ Tu muốn gởi đến các dàng. Trong những lần hiến tế lên dàng ở tầng vũ trụ, toàn bộ những gì là lễ phẩm hiến tế đều thuộc về các dàng, bởi vì các dàng/ thần linh là đối tượng hiến tế. Người ta trích đầu trâu, đuôi trâu, máu trâu, con gà trống tơ ném lên rổ pà pà nhằm dâng hiến lên dàng và cầu mong dàng chấp nhận. Vật dâng hiến còn lại sẽ được chia đều cho những người tham dự lễ hiến sinh trâu và còn chia cho người không đến được trong lễ dâng hiến. Trong lễ đâm trâu của người Cơ Tu, người chủ lễ thường là chủ làng, họ thay mặt nhưng không thay thế được những người dâng hiến, bởi họ là người trung gian, còn người dâng hiến là tất cả dân làng. Con trâu hiến sinh là lễ của người dâng hiến tế, trâu là phương tiện để gửi thông điệp làm vật thay thế người dâng hiến – là cộng đồng người làng – nên trước khi đưa mũi giáo đầu tiên đâm trâu, người làng cử người đâm trâu và người khóc trâu (nơơi tơ rí), vỗ về, an ủi trâu, hãy vì cộng đồng làng mà hy sinh hiến tế. Trâu hãy an tâm vui vẻ vì cộng đồng làng. Dân làng gởi gắm niềm tin vào trâu thay mặt người làng, hy sinh để người làng đạt được nguyện vọng hiến dâng, đó là những mục đích có lợi mà cộng đồng chờ đợi từ các dàng/ các thần linh ban phát. Thực tế trong cuộc hiến tế, người Cơ Tu nhận ra thông qua hình thức hiến tế là muốn tìm đến sự đẩy lùi, tẩy sạch mọi phiền muộn, khổ đau, đói kém ra khỏi tinh thần của mỗi người và cả cộng đồng làng. Sự đẩy lùi điều không may mắn này thể hiện bằng vật hiến tế (trước kia là máu và đầu người) nay là con trâu – một con trâu đẹp toàn diện – mong khả năng tạo ra một nguồn năng lượng tinh thần cho người làng là hoàn toàn có thể. Cầu vọng như thế mang yếu tố ma thuật nhằm giảm thiểu sự sợ hãi. Vật hiến tế càng quý bao nhiêu thì năng lượng tinh thần nhận lại sẽ là bấy nhiêu, cả việc được mùa no đủ và nhất là nhận lại một tinh thần minh mẫn trong một thân thể không ốm đau, dịch bệnh. Đây là năng lượng căn cốt cần nhận lãnh. Thế nên, con trâu được nuôi nấng tại khu rừng riêng biệt, được chăm sóc tử tế và được nuông chiều ăn no ngủ kỹ.

Vị trí chôn bộ cột lễ (cây cột lễ, cây nêu, người Cơ Tu gọi là xơ nur đơ đoong) trên diện tích sân làng cũng khác nhau.

– Nếu vì mục đích và ý nghĩa chung cho cả làng, như: tổ chức ăn lúa mới, khánh thành làng mới, lễ kết nghĩa giữa hai làng (pơ ngóch) và một số trường hợp khác thì bộ cây cột lễ được chôn gần mặt tiền của gươl. Đầu trâu sau khi chết cũng được xoay về phía gươl.

– Nếu nội dung. Mục đích, ý nghĩa là cho riêng một gia đình nào đó trong làng, như: đám cưới, tạ ơn công lao trời bể của cha mẹ vợ (pơr đănh), cúng nhà (đăh a veng đong), v.v… thì bộ cây nêu sẽ được chôn gần nhà chủ lễ tổ chức việc đó trên sân làng. Đầu trâu sau khi được giết chết cũng được xoay về phía nhà chủ lễ tổ chức lễ.

Và để cây x’nur lung linh huyền ảo giữa làng, các nghệ nhân dân gian Cơ Tu tài hoa thể hiện nét đẹp của mình thông qua đường nét chạm trổ mỹ thuật, những khắc chạm dân gian bình dị không có lý luận điêu khắc soi đường, nhưng với màu sắc rực rỡ của những chiếc hoa a tút, hoa pơ lơm, những mũi chông,… hình ảnh mặt trời được cách điệu hay những bông hoa đẹp nhất trên rừng Trường Sơn, cây rau dớn,… được mô phỏng trên x’nur, xem đó là sự tỏa hương, là lúc mãn khai để thăng hoa, tất cả thể hiện đức tin, sự sáng tạo để hiến dâng lên các dàng của người Cơ Tu nơi rừng thẳm.

Theo tập tục xưa truyền lại, trước khi làm lễ đâm trâu, trâu hiến tế phải được các già làng tắm rửa sạch sẽ và ăn đủ no. Trong nghi lễ đâm trâu và cúng dàng lúa, chủ làng cùng đội cồng chiêng, đội múa tâng tung da dắ đi vòng quanh cây nêu, (hướng ngược chiều kim đồng hồ). Các loại nhạc cụ cơ thu, cha grâl, cồng, chiêng, sáo trúc tấu lên giai điệu nhạc lễ. Khóc trâu là nghi lễ cần có được tổ chức ngay tại vị trí cột trâu. Lời thương tiếc từ đó cất lên, tiễn biệt trâu và mong rằng trâu đừng trách ai cả, không nên trách dân làng, vì đó là sứ mệnh thiêng liêng của trâu phải về với cõi thần linh, giúp dân làng có được ấm no. hạnh phúc. Khóc trâu cũng là nghi thức tạ ơn trâu đã vì con người mà tự nguyện hiến dâng. Nhiệm vụ thiêng liêng của trâu là vật hiến tế thần linh, mong trâu vui vẻ để dàng được yên lòng, giúp cho cộng đồng làng bình yên trong năm mới đến.

Phía trong, đối diện với gươl, các vị già làng thiết trí một lều cúng bằng nhiều tấm tút ghép lại, gọi là ganâu rộng chừng 6 m2, đấy là lều cúng. Lều thổ cẩm thiết trí mỗi khi có lễ cúng dàng, sau đó xếp đặt lưu giữ cho năm sau. Nơi đó được cho là điểm dàng ngự tọa chứng kiến lễ đâm trâu hiến tế của dân làng. Trong không gian thiêng đó, tất cả phải được tiến hành chu đáo đúng lễ nghi và mỗi thành viên đều phải thật lòng đến với dàng để cầu xin, nguyện ước điều mình muốn lên dàng.

Ngay giữa chiếc lều thổ cẩm, chủ làng và Hội đồng già làng đặt một mâm lễ gồm: một đầu heo, một con gà trống tơ luộc chín, một con sóc nướng, một ống cá liên nướng chín, một con ếch nướng, rượu cần, rượu tavak, hoặc rượu tr’đin, một số bánh sừng trâu, hai hay nhiều ống cơm lam. (lễ phẩm tùy theo điều kiện địa phương mỗi làng); đồng thời biểu trưng một hay hai cây mía nguyên rễ, thân, gốc, dựng bên lều thổ cẩm (chòi lễ). Chủ lễ (thường là chủ làng) và các bậc già làng trong Hội đồng già làng và các vị nói – hát lý, vị trông coi sức mạnh làng (quân sự), những vị này được dân làng kính trọng và tin tưởng gởi gắm niềm tin vào họ. Họ nắm giữ phong tục, tập quán làng đã chuyển hóa thành luật tục thay mặt họ chủ trì lễ cúng, khấn với dàng những điều dân làng mong muốn. Dàng sẽ lắng nghe những lời khẩn cầu của dân trong làng.

Đoạn, chủ lễ dùng sợi chỉ (xe lại bằng sợi bông, hoặc tướt vỏ cây rừng làm chỉ), buộc vào bó lúa, dùng nước tưới lên lúa để hồn lúa được sạch sẽ. Sau nghi thức cột hồn lúa, chủ lễ mời mọi người, những người lớn tuổi trong cộng đồng làng lần lượt lên cúng lúa. Họ khấn xin, đọc lời cầu nguyện, dàng hai tay lên trời như là hình thức mong dàng tiếp nhận những lời cầu khấn của họ. Đấy là nghi thức cùng với lễ phẩm tạo nên niềm tin thiêng liêng nơi các dàng/ thần.

Xưa kia trong lễ cúng dàng tại lễ đâm trâu, đàn bà không được đến gươl, chỉ những người trong đội múa da dắ đã được chọn lựa từ trước mới đến gươl và nhập vào không gian thiêng của lễ.

Nghi thức đâm trâu diễn ra trong tiếng hò reo, tiếng chiêng trống, và tiếng hú vang dội rừng xanh. Trâu ngã!

Chủ lễ cắt một đoạn đuôi trâu (phần cuối đuôi) cùng với con gà trống còn sống đặt vào túp lều thổ cẩm, hoặc ngay tại gốc x’nur, nơi đặt chiếc đầu trâu vừa mới cắt xong, rưới máu trâu vào gốc x’nur, bôi lên cột, cúng thần linh để báo tin trâu ngã thành công. Dân làng tiến về cột x’nur bôi máu trâu lên trán để được dàng giúp đỡ, nhận được nhiều may mắn. Cả con gà và đuôi trâu được những người già có uy tín trong làng ném tung lên đúng vào chiếc rổ pà pà trên đầu cột lễ x’nur. Dân làng reo vui, mừng cho điềm lành được dàng chấp nhận lời cầu khẩn. Những tiếng hú vang lên, một không gian thiêng bừng tĩnh sắc thái hân hoan giữa đại ngàn. Tẩy rửa mọi u ám ra khỏi tinh thần, nhận được một nguồn năng lượng mới cho sự tái sinh trong một chu kỳ.

2 min 1 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 9Gà được ném vào pà pà

Lễ cúng đến nghi thức ném gà, đuôi trâu lên pà pà xong là kết thúc. Không gian thiêng giãn ra khi điệu múa nghi lễ kết thúc, tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng chiêng gian tấu một hồi rồi lặng. Mọi tinh thần tham dự giãn ra.

Cây nêu được tháo giở. Cả làng bước vào trạng thái mới, hy vọng một năm nữa bình an. Một chu kỳ mới cho thăng hoa phát triển được bắt đầu.

3.2.2. Cây nêu

Cây nêu là hai cây tre được trồng hai bên cột x’nur, đối diện với gươl. Hai cây nêu giới hạn không gian thiêng của lễ tế dàng. Trên thân hai cây nêu được các nghệ nhân Cơ Tu trang trí dãy hoa vót bằng tre, hoặc bông dây mây bứt từ rừng về. Tre được vót mỏng, cong lên từng chùm, như những cái hoa, trông đẹp mắt. Tre được đính vào thân tre, tạo cho thân tre có sự chăm sóc kỹ lưỡng. Hai đầu tre, những cụ già thực hiện việc trang trí kéo hai đầu chúm lại, cột níu xuống đỉnh x’nur, khoanh vùng không gian thiêng theo đường cắt như đỉnh núi. Đấy là sự hùng thiêng của núi rừng.

Sợi dây níu hai đầu ngọn tre lại, trước hết nhìn nhận theo quan niện của con người, rằng đó chính là biểu hiện sự vận động hướng thượng, (như người Ca Dong vậy) cũng như cây nêu, x’nur và những sợi hoa giăng thòng xống đất như những sợi tơ giăng. Sợi dây biểu tượng cho sự cất cánh vươn lên tầm vao mới của người Cơ Tu trên vùng núi non trùng điệp. Dây được thắt lại, tượng trưng cho mọi hình thức phải gắn bó và phải bị ràng buộc với những năng lượng bí ẩn, đôi khi phải nghĩ đến sự thần bí từ sợi dây, cây nêu và cột lễ. Dây nối hai đầu cây nêu biểu trưng cho sức mạnh núi rừng mà con người là chủ thể, biểu hiện bằng sức mạnh vật chất, sợi dây không phải là sự cứng rắn, nó mềm mại như sự cương – nhu của con người với cuộc sống nơi rừng núi. Sợi dây cũng là sự căng thẳng mà người Cơ Tu qua đó tiếp cận với dàng tối cao – dàng Trời. Đấy là con đường thiêng liêng trong tâm thức người làng, dây nối liền các thành viên trong làng Cơ Tu với thế giới vũ trụ. Đó là con đường dẫn đến sự khấn cầu, sự che chở của các dàng/ thần mong cho cuộc sống được bình yên.

Người Cơ Tu níu sợi dây tạo hình răng cưa hay nhô lên thành ngọn núi, là hình ảnh biểu trưng cho sức mạnh phi vật chất, tức sức mạnh tinh thần của con người. Bản thân sợi dây là sự mềm dẻo, không phát ra sức mạnh cứng rắn như vật chất, như mũi tên, mũi giáo mà nó mềm mại mang yếu tố thuộc về nữ tính. Sự căng sợi dây xuất phát từ sự căng thẳng. Sự căng thẳng thể hiện trên tất cả các mặt đối lập mà người Cơ Tu ở vùng rừng núi Trường Sơn phải đối mặt để tồn tại và phát triển.

3.3. Các tượng thờ (gỗ, đá, cây)

Tượng gỗ Cơ Tu là sản phẩm được làm ra từ hiện thực khách quan bằng sự khéo léo của các nghệ nhân dân gian. Đường nét trên tượng không thể hiện sự tinh xảo bằng những đường nét chi tiết hay đường nét tạo hình phức tạp theo lý thuyết tạo hình. Hầu hết các tượng gỗ đều phản ảnh cuộc sống thực của người Cơ Tu vào tác phẩm điêu khắc gỗ. Từ cây rau dớn đến các loài chim thiêng, con gà, đầu trâu, người, các loài thú, …được tái hiện trên gỗ, thông qua tư duy nghệ thật dân gian, thô mộc nhưng không thiếu phần cảm xúc khi xem một tượng gỗ Cơ Tu.

3 min - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 9
Vòng đeo tai là biểu tượng rau dớn

Trong số các tượng gỗ của người Cơ Tu, không ít những bức tượng được khắc trổ là hiện thân của đời sống thực tế của một đời người. Những tượng như thế không đặt tại nhà ở, mà đặt tại nhà mồ hoặc tại gươl. Tại nhà mồ người ta tìm gặp nhiều tượng gỗ ngồi, chống cằm, nhìn đăm chiêu vào không gian nào xa lắm. Đó là sự tái hiện hình ảnh người sống trong cộng đồng làng với niềm thương tiếc người đã chết. Đó là nỗi đăm chiêu nhìn vào cuộc đời đầy những khó khăn trong cuộc mưu sinh để tồn tại. Tượng đặt tại nhà mồ thể hiện vai trò là những người suốt đời canh giữ ngôi mộ, và sẽ được hồn người chết đền đáp lại tình cảm tiếc thương vô bờ của người sống đối với mình mà phù hộ (gia đình người chết) gặp nhều điều tốt đẹp trong cuộc sống hằng ngày. Không những thế, nhà mồ đẹp (ping) còn là niềm hãnh diện, tự hào của gia đình người chết. Và hồn người chết đối với nhiều người Cơ Tu khác sống gần xa, ca ngợi và thán phục gia đình mình,… Chính vì các lẽ này, nhiều bô lão Cơ Tu mong rằng khi mất đi có được nhà mồ đẹp là đã an lòng.

Thông qua các tượng đặt tại nhà mồ cho thấy phản ảnh tín ngưỡng dân gian của người sống với người chết, họ đang ở chiều kích Dưới đất và sẽ không bao giờ được quay về nhà, về làng (cơr noon) nữa. Đối với người Cơ Tu, quan niệm tượng gỗ thể hiện vai trò là người canh giữ ngôi mộ, mộ phần. Cách bố trí các tượng tại nhà mồ thường là chung quanh cổ quan, hoặc đặt bên cạnh, hoặc trên nhà để xác, nơi có thể từ đó giữ được linh hồn người chết. Hoặc người Cơ Tu chạm khắc hình tượng lên cây trụ, dựng gần mộ phần người chết. Tượng nhà mồ có trách nhiệm giữ mộ phần không bị thú rừng, các ma xấu, ma rừng đến hãm hại, gây nên sự chết chóc.

Gỗ chạm khắc tượng phải là gỗ tốt, không nát mục để khỏi nghĩ đến hiện tượng rã mục như là sự chết chóc, sự phân hũy. Gỗ càng tốt, ít bị phân hũy nhanh theo thời gian, ít hư hỏng như linh hồn người chết phải tồn tại vĩnh hằng đâu đó mà không bị rã mục. Những tượng đặt tại mộ người chết có khoảng cách nhất định và xem như đây là linh hồn người chết, tạo nên cho họ một cõi tạm để vẫn ở gần người sống và mong rằng các linh hồn sẽ giúp cho cây lúa, cây hoa màu trên đất rẫy, thăng tiến bằng năng lực siêu nhiên có được và đang nắm giữ. Tuy nhiên mặt khác lại không muốn những hồn ma tại các nhà mồ thoát ra đi lang thang đâu đó, hoặc trở thành những ma rừng, hoặc quay về làng sẽ trở nên nguy hiểm cho các thành viên cộng đồng làng. Như thế, các tượng gỗ người Cơ Tu đặt tại nhà mồ có tính đa nghĩa, vừa mong có được sức mạnh giữ gìn sự sống cho người Cơ Tu, nhưng mặt khác lại không muốn các hồn ma thoát khỏi nhà mồ đi lang thang đâu đó trong rừng, trong làng và trở nên nguy hiểm. Bởi những hồn ma như thế không thiếu những ma xấu đi lang thang và gây hại cho làng và các thành viên.

Những bức tượng khắc gỗ đặt tại nhà mồ cho ta nghĩ rằng, các tượng luôn ở đó là một phần của sự thăng hoa trong cõi vĩnh hằng. Sau thời gian bỏ mả, các gia đình dồn mộ, người Cơ Tu lại chạm trổ bức tượng khác, biểu trưng cắngự coi ngó, chăm sóc linh hồn an nghỉ. Tượng như sợi dây, là phương tiện kết nối giữ được sự liên hệ với tổ tiên.

Màu của tượng gỗ nhà mồ Cơ Tu thể hiện quan niệm nhân sinh của họ. Màu đen là màu của đất (abhuyh catiếc) màu đỏ là màu của mặt trời (abhuyn pleng). Đất – Trời là cặp nhị nguyên tạo ra tất cả sự sống và tất cả cái chết. [8]

4 min 1 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 9

Tượng gỗ Ma rừng (Ảnh; VVH, 26/4/2019) Tượng gỗ đặt tại nhà mồ (Trích trong Les chasseurs de sang, Le Pichon, 1938)

3.4. Máu hiến tế (người, trâu, heo, gà)

Máu dùng tế dàng được xem là vật thiêng cao nhất trong lễ đâm trâu người Cơ Tu.

Theo cách phân kỳ của người Kinh, ra Giêng, Hai thường là mùa trẩy hội, các làng người Kinh tổ chức nhiều loại hình lễ hội khác nhau: khai rừng (lâm nghiệp), làng nghề (thủ công truyền thống), đình làng (nông nghiệp), cầu ngư (ngư nghiệp), lễ hội tôn giáo tín ngưỡng,…cũng là lúc tộc người Cơ Tu sinh sống dọc theo sườn đông dãy Trường Sơn tổ chức lễ hội đâm trâu, ăn mừng lúa mới. Lễ đâm trâu được thực hiện phổ quát cho hầu hết các loại hình cúng tế của họ. Mừng có gươl mới, mừng lúa mới, kết nghĩa anh em với các làng lân cận, mừng nhà mới, mừng đám cưới, cúng dàng trừ ôn dịch, …hầu hết đều có thực hiện đâm trâu dâng cúng lên dàng. Trong đó máu là vật lễ cao nhất thiêng liêng nhất trong tâm thức của họ. Không có máu không thành lễ. Vì thế người Cơ Tu nuôi trâu không để giúp nhà nông trong lao động cải tạo nương rẫy, sản xuất lúa, bắp, sắn, … mà chỉ để cúng dàng. Làng hay gia đình nào không có phải đi mua, trao đổi nhau giữa các làng hoặc trao đổi với miền xuôi để có trâu cúng tế. Dịp tết, người Cơ Tu tổ chức lễ hội đâm trâu. Bởi không có máu tế dàng là xem như chưa dâng hiến gì lên dàng để cầu xin, thể hiện đức tin đối với dàng trong thế giới ba chiều kích (Trời – Đất – Âm phủ (dưới đất)).

Quan niệm rằng máu là tượng trưng cho những gì linh thiêng gắn với lửa. Nói rằng “máu lửa” để nhìn nhận trong tâm thức nhân loại rằng máu luôn là cặp song hành với lửa mới thành phạm trù biểu đạt sức nóng và sức sống gần với mặt trời. Trong lễ tế dàng, tất cả những gì là đẹp đẽ, hào hiệp, là cao thượng đều gắn với giá trị của máu. Không chỉ người Cơ Tu miền tây đất Quảng mà tộc người Kinh (Việt) miền đồng bằng cũng xem máu là vật thiêng liêng là gạch nối với thần linh. Trước kia người Kinh tế thần tại đình làng cũng quan niệm rằng máu là vật phẩm dâng hiến linh thiêng mà không có gì thay thế được. Máu heo, máu bò, máu dê, máu gà đều là lễ phẩm dâng lên thần và không chỉ là thần mà cả hệ thống thần linh là nam là nữ được phối thờ trong đình làng, tại một địa điểm được cho là trung tâm làng. Không có gì thay thế cho máu khi dâng cúng, cả màu đỏ của máu cũng biểu trưng là nguồn năng lượng mặt trời. Máu là sự sống. Bởi máu là nguồn năng lượng không thay thế được của loài người. Máu là bản nguyên của sự sinh thành. Người Cơ Tu dâng tế lên dàng bằng nghi thức vung vẫy máu lên không trung, hoặc vung vẫy vào vật lễ dâng cúng như trường hợp xin dàng cho đất lập làng chẳng hạn. Người chủ làng và cũng là thầy cúng khấn vái đồng thời vẫy máu gà vào vật hiến dâng để xin được toại nguyện. Như thế, quan niệm dân gian các tộc người xem máu là khởi nguyên của vạn vật, mang lại sự màu mỡ cho đất đai, sức khỏe cho con người và no đủ cho toàn thể sinh linh trong cộng đồng làng.

Máu thiêng liêng trong lễ tế nên nhiều tộc người xem máu là vật dẫn linh hồn. Trong nghi lễ hiến sinh làm sao cho máu không đổ xuống đất, tất cả những gì được bôi lên chút máu, như bôi máu lên trán, lên mặt hay lên cây x’nur là tìm được đường dẫn đến với dàng. Bấy giờ máu đã thiêng hóa. Người Cơ Tu sau lễ tiết đâm trâu, máu trâu được họ bôi lên trán, lên cây cột tế như thế là lễ tế dàng thực hiện thiêng hóa máu dâng để có giá trị biểu đạt.

Thế nhưng, sự biến dịch trong cách nhìn phản ảnh văn hóa tộc người đã có sự biến đổi từ quan niệm tế máu tại cây x’nur. Sự biến đổi muốn thích nghi với sự phát triển chung trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới và với tính chân, thiện, mỹ trong tổ chức lễ tế hiến dâng máu lên dàng. Vào mùa xuân Đinh Dậu 2017, đánh dấu sự chuyển đổi vật tế dàng bằng hình thức khác thay cho tâm thức ngàn đời xưa của họ về máu trong tâm thức thiêng liêng dâng hiến lên dàng. Phóng sự của Thanh Hải trên báo Lao Động ghi lại quan niệm máu cúng dàng đã có sự khác trước: “Tất cả 90 làng đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang đã đồng loạt bỏ nghi thức truyền thống này”. Những người trong cuộc, ông Bh’riu Liếc xem đây là chuyện cần được tháo bỏ, bởi sự khác nhau của đâm trâu và ăn trâu trong ngôn ngữ Cơ Tu: “Nguyên thủy, lễ hội có giết trâu để hiến tế của người Cơ Tu gọi là đăh t’ri, nghĩa là “ăn trâu” chứ không phải tắc t’rí nghĩa là đâm trâu. Vì vậy, bây giờ giải thích, vận động người dân bỏ nghi thức đâm, thọc trâu dã man kia mà vẫn giữ nghi thức chọc mũi trâu để lấy ít máu hiến tế và làm thịt để mọi nhà đều được chia thịt, ăn trâu là họ chấp nhận ngay. Tết 2017, tất cả 90 làng Cơ Tu ở Tây Giang đều có trâu để ăn từ nguồn hỗ trợ của chính quyền tỉnh, từ tiết kiệm và tiền được trả từ các dự án bảo vệ rừng. Vì vậy, bỏ đâm trâu nhưng làng nước vẫn vui.”

Trong lần điền dã về huyện Tây Giang, tại xã Lăng, các vị già làng cho hay rằng việc thay đổi lễ tiết đâm trâu thành thọc mũi trâu lấy máu tế dàng vẫn có thể chấp nhận được, bởi dù thế nào đó cũng là máu của tâu hiến tế và dàng đã chứng nhận khi cột trâu tại cây x’nur báo cáo với dàng trước khi hành lễ rồi nên vẫn được. Một chủ làng ở xã Lăng (trên 80 tuổi) tự tin chấp nhận biến dịch để biến đổi phong tục cổ mà đi cùng cuộc sống đương đại. Ông kể: Làng Bút Tưa ở huyện Đông Giang, gần miền xuôi hơn chúng tôi, mới đây đã bỏ làng kéo nhau lên núi lập làng mới sinh sống, bởi trong làng xảy ra cái chết xấu. Có một người tự tử bằng cách treo cổ chết. Cả làng xôn xao rúng động. Họ cầu khẩn đến dàng, mong dàng giúp họ xua đi hồn ma xấu ra khỏi làng. Họ đã đâm trâu hiến tế xin dàng. Nhưng mà, dù Bút Tưa có hiến tế nhiều trâu, nhiều con vật bốn chân to năm gang nữa thì đời sống vẫn khốn khó. Nhà cửa không kiên cố, chỉ tạm bợ bên bìa rừng hay trên núi. Dân thêm khổ. Rồi nợ nần, ai trả. Rồi nghèo khó ai lo. Rứa nên, tôi thấy bỏ đâm trâu không ảnh hưởng gì lớn đến cúng dàng cả, mà trước mắt là bỏ gánh nặng cho người nghèo. Lễ vẫn tiến hành, nhảy múa nghi lễ vẫn cứ làm, trâu vẫn cứ cột vào cột lễ, chỉ có khác là mang trâu đi nơi khác xẻ thịt mà không phải đâm trước mắt nhiều người.

3.5. Đầu trâu

Đầu trâu là biểu tượng của tính thiêng, không chỉ trong lễ đâm trâu mà cả trong trang trí trên nóc gươl, trong gươl, tại nhà mồ, đầu trâu có vị trí quan trọng trong tín ngưỡng tâm linh của người Cơ Tu.

5 min 1 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 9Máu bôi lên cây  ,x’nur

Khi trâu ngã, đầu trâu (cả sừng) được cắt ra đặt nơi gốc x’nur để báo với dàng rằng trâu hiến tế đã ngã, và đây chính là lễ phẩm dâng lên dàng, mong dàng chấp thuận. Kèm với đầu trâu là máu trâu được bôi lên phần gốc x’nur, hiến tế lên dàng. Biểu tượng của tính thiêng đó, người Cơ Tu nhìn nhận trong tổng thể một cuộc đâm trâu với nhiều lớp nghĩa từ các vật thiêng. Họ có thể tìm kiếm ở đó nhiều lời giải đáp cho một hiện tượng trong cuộc sống thường ngày. Nhưng tựu trung là tìm kiếm sự may mắn cho cộng đồng, cho gia đình và cá nhân họ không bệnh tật, chết chóc và đói khổ.

Trong lễ hội đâm trâu diễn ra các thành tố nghi lễ mừng lúa mới (cha ha roo tơ mê ê), một lễ lớn nhất trong năm, lễ cúng hồn lúa được mùa (bhuôih a ví), hoặc mừng gươl mới, mừng lập làng mới và từ sau năm 1950 thêm lễ kết nghĩa anh em giữa các làng Cơ Tu. Đây là lễ hội mang ý nghĩa đem lại tính cố kết cộng đồng làng được xem trọng, các làng kết nghĩa không còn thù hận nhau như trước đây trong tục nợ đầu lấy máu tế dàng.

3.6. Các con vật thiêng

+ Chim t’riing (toucan).  

6 min - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 9 7 min - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 9Hai cặp chim tr’iing (Ảnh: Dân Việt, 21/4/2014)

Biểu tượng chim tr’iing trên hai đầu nóc gươl (đh’rượp tr’văng) – nhà cộng đồng, nhà chung – hay trên hai đầu nóc nhà ở của người Cơ Tu – là biểu tượng thể hiện cho mối liên hệ giữa Trời – Đất. Chim cũng được hiểu theo nghĩa trong tiếng Hy Lạp là thông điệp của Trời và từ Trời. Các bậc dàng/ thần linh thường biến thành chim làm nổi lên tính tinh nhẹ của chim. Đấy cũng được hiểu là sự nhẹ nhàng chao lượn của các dàng/ thần mà người Cơ Tu thờ cúng. Sự nhẹ nhàng cũng được hiểu theo nghĩa là cần trút bỏ những gì nặng nhọc để tìm đến những gì nhẹ nhàng trong cuộc sống nhiều lo toan tất bật để mưu sinh, tìm đến sự hạnh phúc, bình an ở cõi trần.

Các hình tượng về thầy cúng của Cơ Tu hay hình tượng các vũ nữ múa da dắ được biểu trưng bằng hai cánh tay gắn trên cây cột x’nur hay cây cột cái giữa gươl nhằm biểu hiện điều mà người Cơ Tu bay lên, gởi lên Trời những nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh làm cho nhẹ nhàng cuộc sống trần gian. Theo đó, biểu tượng chim tr’iing là hình ảnh linh hồn thoát xác, hoặc biểu hiện trí tuệ của tộc người thuần túy đó là tìm đến cái nhẹ nhàng. Một số biểu tượng chim tr’iing thường gặp được khắc chạm, cài đặt hoa văn hình dáng lá cây hoa a tút (hoa móc) hay cái hoa hình chong chóng của nó trên x’nur, trên cột r’măng giữa gươl đều được hiểu là thể hiện chức năng biểu đạt thuần túy cái nhẹ nhàng. Đấy là thể hiện tinh thần lúc thăng hoa.

Biểu tượng chim, trong đó có loài chim tr’iing thể hiện biểu trưng của văn hóa phồn thực. Đây là dạng thuần khiết trong biểu tượng tinh thần của tộc người Cơ Tu về sự sinh sôi nảy nở. Chim tr’iing còn là biểu tượng luôn đối lập với loài rắn. Thế nên có thể tìm gặp chim tr’iing bắt rắn làm mồi, hoặc đấu tranh sinh tồn với loài rắn độc. Hai biểu tượng này được đồng thời khắc chạm, thể hiện trong một không gian văn hóa. Đó là gươl, nơi mà ở đó người Cơ Tu kính cẩn mời các dàng, tổ tiên về ngự tọa.

Dưới góc nhìn người Cơ Tu, chim tr’iing được bố trí trên hai nóc gươl, trước hết là thể hiện tinh thần về tính thiêng của loài chim này, đấy là sự thanh cao, nhẹ nhàng, mang nhiều niềm vui, hạnh phúc đến với con người. Mặt khác là yếu tố thẫm mỹ được cài đặt nơi đh’rượp tr’văng làm tăng vẻ đẹp cho gươl, cho nhà; đồng thời bởi vì chim tr’iing là sứ giả của sự thăng hoa trong lao động làm ra hạt lúa, nên chim được xem là điềm lành. Thông qua biểu tượng chim tr’iing, thần lúa truyền đạt những thông điệp an lành hay nguy cơ trong việc làm ra hạt lúa của người Cơ Tu.

+ Gà trống

Con gà trống được biết đến và hiểu như thể biểu tượng của sự kiêu căng. Hãy nhìn dáng đi của gà trống cũng hình dung ra cái sự kiêu căng ấy trên toàn thể hình của gà. Từ hình ảnh biểu trưng của con gà trống (gơng atưch) và người Gaulois và một số nghệ thuật tạo hình thời La Mã cho thấy gà trống là biểu tượng, tượng trưng của mặt trời, bởi tiếng gáy của nó lúc bình minh báo hiệu đêm tối lui dần và ngày rạng rỡ ban mai khi mặt trời sắp mọc. Tiếng gáy của nó đánh thức bình minh. Và do đó ta gặp con gà trống trên cây x’nur của người Cơ Tu hay trên nóc gươl hoặc đâu đó trên các bức gỗ chạm khắc hình ảnh con gà tạo nên một phù điêu trang trí chung quanh gươl, thể hiện thế giới quan sinh động của tộc người Cơ Tu về hình ảnh của mặt trời – hiện thân của năng lượng mặt trời cần thiết cho sự sống. Đa nghĩa hơn, có thể tìm thấy hình ảnh của dàng tối cao – dàng Trời là một trong ba chiều kích thể hiện thế giới quan của tộc người.

Tiếng gáy của nó làm thức tĩnh, được cho gắn với tiếng hát ca, reo vui của các dàng, làm cho dàng Trời phải rời khỏi cõi Trời để đến với tộc người trong các lần lễ tế diễn ra, trong đó quan trọng hơn cả là lễ đâm trâu của họ. Từ đó, có thể hiểu sự phát lộ ánh sáng mặt trời trong lúc mặt trời xuất hiện soi sáng trái đất – trần gian – con người nhờ đó có sự đón nhận ánh sáng để thăng hoa sáng tạo. Chính đó, ta tìm gặp biểu tượng con gà trống được chạm trổ và tô vẽ rất đẹp dưới bàn tay của các nghệ nhân dân gian Cơ Tu, tạo dựng hình ảnh con gà trống với dáng vẻ hiên ngang, cứng cỏi. Bởi thế, người Cơ Tu nhìn thấy ở gà trống điềm lành, theo đó máu gà hay chân gà thường dùng để tế các dàng, xem vật đoán việc theo kiểu coi giò gà. (Giò gà là hình ảnh trong thuật bói toán của người Kinh). Gà báo hiệu ngày mới, nó luôn chống lại cái không tốt của đêm đen. Đặt con gà trống vào điểm tacoai trên nóc gươl được cho là gà sẽ xua đi ô uế, sự mờ ám, những điều đen tối ra khỏi làng, khỏi nhà, ra khỏi cộng đồng làng.

8 min - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 9

Trong đời sống thường ngày, gà trống là biểu tượng của giải quyết những bất đồng giữa cá nhân hoặc cộng đồng. Người Cơ Tu xưa kia tin rằng để hòa giải những mâu thuẫn trong cuộc sống, chủ làng chủ trì việc chặt đầu gà trống để phân biệt đúng sai. Luộc con gà trống cúng dàng, xong đem ra chặt đầu gà, đầu gà rơi về phía bên nào, bên đó đúng. Gà trống còn đi vào đại lễ, như lễ cưới, nhà gái mang đến nhà trai không thể thiếu con gà trống tơ, luộc chín. Thầy cúng xem đầu gà (a cọ) có hay không có lỗ thông. Nếu lỗ thông mà lớn, việc hôn nhân có nhiều hạnh phúc và ngược lại. Nếu không lỗ thông nơi hai bên đầu và hốc mắt, nhà trai hũy việc cưới, cho rằng vợ chồng không tâm đầu ý hợp. [9]. Và đồng thời cũng em chân gà (thung atưch) tốt hay không tốt để phán đoán việc cưới theo phương thức “xem vật đoán việc”,  giống cách bói giò gà của người Kinh.

Theo đó, có thể thấy biểu tượng gà trống đi vào đời sống tín ngưỡng của người Cơ Tu quan trọng thế nào, nên họ tạc tượng để thể hiện niềm tin vào Trời – Đất và các đấng dàng linh thiêng ứng nhập vào gà để họ hóa giải những khó khăn thường gặp trong cuộc sống của các thành viên và cả cho làng.

3.7. Cây mía trong tín ngưỡng dân gian Cơ Tu        

Trong không gian thiêng của những lần tế dàng vào lễ đâm trâu mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em, lễ mừng gươl hay mừng nhà mới, người Cơ Tu trong tâm thức luôn hướng về dàng với hệ thống thần linh được thờ cúng tại gươl.

Trong thực hiện nghi lễ, múa tâng tung da dắ đã trở thành múa nghi lễ cúng dàng. Đội hình múa có dụng cụ bổ trợ gồm trống ca thu, trống chơ gơ,[10] cồng chiêng, cái khiên, giáo, lao, dụ, thanh kiếm, biểu tượng không gian thiêng như một cây rừng nên không thiếu cây mía được chọn lấy nguyên cây cả rễ, thân và lá, và cây rung rang được thể hiện như bái vật biểu đạt sự giao tiếp với dàng/ thần linh.

Tục cây mía trong tín ngưỡng dân gian người Cơ Tu dâng lên dàng là biểu tượng đặc trưng của cư dân trồng lúa khu vực Đông Nam Á.[11] Tín ngưỡng thờ cây mía gắn liền với văn hóa nông nghiệp.

Người Cơ Tu trong lễ hội đâm trâu chọn cây mía lớn, nhiều lóng (đốt), có đủ lá và cả rễ. Nghĩa là có đủ nguyên cây và không có sâu đục phá. Cây mía trong tín ngưỡng Cơ Tu cũng như các tộc người khu vực văn hóa nông nghiệp là biểu hiện sự kết nối. Kết nối được hiểu cả ba tầng: phần tán, thân và gốc rễ. Đây là biểu trưng của sự kết nối liên thông, giao hòa giữa Trời – Đất và – Dưới đất, kết nối và làm xích lại gần hơn ba tầng vũ trụ theo quan niệm vũ trụ quan của tộc người Cơ Tu miền tây đất Quảng. Tán lá là biểu trưng của mây trời, gốc rễ biểu trưng cho đất và nước, thân mía biểu trưng cho sự liên thông giữa ba tầng Trời – Đất (Người) và Dưới đất (cội nguồn gốc rễ). Những lóng mía như những bậc thang liên kết và hướng dần lên với mây trời, để ở đó con người đón nhận ánh sáng, trời mây và năng lượng vũ trụ từ sự ban phát của dàng. Và tán cây mía là biểu trưng đón nhận linh hồn dàng tối cao, linh hồn tổ tiên về chung vui cùng con người vào những ngày dân làng mở hội ăn mừng lúa mới, mừng một năm được mùa no đủ, dân trong làng không đau ốm, không có người chết xấu, …

Sau những ngày lễ hội tưng bừng, cây mía bấy giờ là biểu trưng cho chiếc đòn gánh, gánh những thành quả con người dân cúng lên dàng, và tổ tiên trở về cõi tiên với những món quà con cháu dâng lên. Và dọc đường về với Trời không ít những ma xấu theo phá hoại, giành giật, cây mía là vũ khí chống trả. Cây mía còn là con đò qua sông mỗi khi gặp phải sông sâu, ghềnh thác.

Cây mía có vị ngọt, là niềm tin, là ước vọng cuộc sống sinh sôi nảy nở. Vị ngọt cuộc sống được liên tưởng đến mía, theo đó, cây mía trong lễ hội đâm trâu là thành tố ngọt ngào đem lại hương vị thanh tao, nguồn sống dồi dào và năng lượng được nhân lên để người Cơ Tu trụ bám núi rừng Trường Sơn tồn tại và phát triển.

Cây tập hợp thành rừng, thực vật là biểu tượng phong phú và phổ biến, là vũ trụ sinh sôi trong tái sinh liên tục. Theo đó, cây mía là biểu trưng về một bản thể của tự nhiên, vượt lên, đây chính là bản thể của sự thăng hoa, dâng hiến, chính bản thể đó là đối tượng mà người Cơ Tu hay cư dân khu vực văn minh nông nghiệp thờ cúng. Từ chỗ đó, ta thấy người Cơ Tu tiến hành múa nghi lễ có một thanh niên cường tráng nắm cây mía và múa theo nhịp điệu chiêng rung, trống điểm. Thế nên gọi múa tâng tung da dắ là điệu múa “dâng trời” đúng với ý nghĩa và bản chất của múa. Bởi xưa kia, trên hai tay người phụ nữ múa da dắ, có đặt chiếc lá mà trên đó là thịt, xôi, cơm, … dâng Trời. Cây nói chung và cây mía nói riêng trong tín ngưỡng dân gian Cơ Tu là biểu tượng của sự sống, sự vươn lên trên nữa về phía Trời. Cây mía theo chiều thẳng đứng, nhưng đồng thời cây mía cũng là hình ảnh biểu trưng cho sự chết và sự tái sinh. (Cây mía dễ trồng và dễ tái sinh). Mặt khác trong quan niệm của cư dân nông nghiệp, cây nói chung là sự tuần hoàn như một sinh vật, có tiếp nhận và có thải hồi, có rụng lá ra hoa rồi nẩy lá, đâm chồi. Cây mía là tượng trưng cho ba cấp bậc theo quan niệm của người Cơ Tu về vũ trụ: không gian trên cao đó là Trời – Thân mía với những lá non nhô lên để rồi vươn lên tầng cao mới, nơi những chiếc lá non lấy ánh sáng mặt trời, đấy là nơi Đất ở – và tầng Dưới đất là cội rễ, cắm sâu và giấu mình. Trên rừng núi Trường Sơn, dưới tán cây chim muông bay nhảy, các loại côn trùng bò sát cuộn mình trong bộ rễ của cây. Cây mía hay cây nói chung là sự tập hợp các thành tố: nước lưu thông, tuần hoàn, đất hòa nhập với thân qua bộ rễ cắm sâu vào lòng đất ẩn mình còn không gian trời mây nuôi dưỡng lá.

Như thế, theo quan niệm Trời – Đất – Dưới đất, cây mía của người Cơ Tu trong lễ hội đâm trâu là biểu trưng cho mối quan hệ đã được thiết lập giữa Đất – Trời như con người thiết lập quan hệ với dàng và với tổ tiên.

9 min - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 9 10 min - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 9Biểu tượng cây mía trong lễ hội đâm trâu (Ảnh: Internet)

3.8. Hòn đá trong tín ngưỡng dân gian Cơ Tu

Đá trước hết gắn với đời sống, con người sử dụng đá đầu tiên làm công cụ lao động, tác  động vào môi trường sống tự nhiên, đá tạo ra lửa phân cách con người ra khỏi thời mông muội. “Đá tham gia vào mọi hoạt động sinh hoạt, lao động của con người. Sự gắn bó của con người với đá trong xã hội nguyên thủy, người ta thấy rằng: giữa đá và linh hồn con người có mối liên quan chặt chẽ. Đá cũng là sự sống, cũng có phần hồn, phần xác như con người và đá có thể là nơi trú ngụ cho linh hồn con người, cũng như trong thực tế, thân xác con người sống trong đá và chết có khi cũng nằm trong đá” [12]. Quan niệm đó được huyền thoại hóa thành những câu chuyện ở nhiều dân tộc. “Trong truyền thuyết, đá chiếm một vị trí trang trọng. Giữa linh hồn con người và đá có mối liên quan chặt chẽ. Theo huyền thoại về Promete, ông tổ loài người, có các loại đá vẫn giữ được hơi người.” [13] Như thế, đá có mối quan hệ gắn liền với nơi cư trú của các dân tộc và là dạng kết tinh, đóng vai trò quan trọng trong mối liên hệ giữa Trời – Đất – Dưới đất. Người Cơ Tu xem đá là vật thiêng được thờ cúng tại gươl, nơi đó là chốn ngự tọa của các dàng/ thần bảo vệ tộc người, đá ngăn chặn những điều xấu có thể làm hại con người. Khi phát hiện được hòn đá có hình thù đẹp, kỳ lạ,… Người Cơ Tu thường nhặt về nhà, tối liền đó nằm mơ thể hiện lành hay dữ. Nếu trong giấc mơ thể hiện nhiều điều dữ, họ vất đi, ngược lại họ giải cấu trúc giấc mơ nếu có nhiều điểm lành, họ cắt cổ gà lấy máu cúng bôi vào đá đó, cầu mong dàng đá phù hộ gia đình gặp điều tốt lành trong cuộc sống hằng ngày (họ cho rằng, trong đá có dàng tốt ngự tọa, thương mình, gia đình mình nên mới cho mình thấy được hòn đá). Nếu đối xử tốt và đúng cách với đá, sẽ cho gia đình nhiều thứ tốt đẹp. Và ngược lại.

Loại đá như thế Cơ Tu gọi là “zơ riêl”. Zơ riêl đá cùng với một số zơ riêl khác của gia đình  được cho vào một giỏ cất kỹ trong kho lương thực, đá sẽ giúp gia đình sử dụng lương thực mãi mà lương thực vẫn còn nhiều trong kho. (họ tin thế – trường hợp này Cơ Tu gọi là chặ). Bởi họ cho đây là một thứ bảo vật rất quý do dàng cho, nên mỗi khi gia đình có tổ chức cúng gì luôn không quên bôi máu cúng vào các loại zởiêêl này của gia đình, nếu không sẽ mất tác dụng, gây nên đói khát, ốm đau, chết chóc,…nhất là lần cất đặt lúa mới vào kho.

Trong những lần cúng, người Cơ Tu không quên nói: “Ma mung mơ xêế tâm đom đhâl, mơ đhâl xiêng a liêng plêêng”. Có nghĩa là: “Mong Dàng phù hộ cho mình, gia đình mình sống cho tới khi sông suối cạn không còn nước, đá chín bỡ, cho bằng tuổi đá trắng (lọai đá trắng rất cứng), tuổi lõi trời xanh”.

Trong trường hợp gặp phải ai đó vu khống mình gây ra điều sai trái, nếu đúng không phải do mình gây nên, người bị vu oan sẵn sàng thề hứa mang tính nguyễn rủa bản thân mình, gia đình mình trước dàng rằng: “Nếu việc đó chúng tôi gây ra, dàng cứ thẳng tay giết chết tôi và cha mẹ tôi. Nếu không phải tôi gây ra, dàng hãy thẳng tay giết chết thằng nào, cha mẹ người nào vu khống oan cho tôi”. Câu thề nói bằng tiếng Cơ Tu, như sau: “Mung mế ma mơ xêế tâm, đâm đhâl, mơ đhâl xiêng a liêng plêêm. Ơy a lua a cu, a cu lâng ca conh, ca căn cu chêêt. Ơy căh a lua a cu, a đo ơng tơơng a cu chêêt”.

Trong cuộc sống, người Cơ Tu tin tuyệt đối những điều xấu không phải họ gây ra, họ tin rằng bên vu oan sẽ bị dàng gây nên chết chóc. Đây là lời thề nguyền. Người Cơ Tu ít thể hiện lời nguyền trong cuộc sống. Nhưng một khi họ đưa ra lời nguyền, họ tin tuyệt đối vào đó.

Bình thường, hằng ngày nếu ai đó phát hiện hòn đá ínhố lượng, dáng hình, màu sắc khác thường,… họ cho rằng hòn đá đó đã có dàng trú ngụ, cai quản. Người không nên gần tới đó quấy rày dưới mọi hình thức. Nếu vì một lý do nào đó, làm phiền hà đến đá, thì người đó và gia đình họ phải mang lợn trắng, chó trắng, gà trắng,… đến cúng dàng đá đó để được dàng tha cho. Nếu không thực hiện việc cúng dàng, bản thân họ và ai đó trong gia đình họ sẽ bị đá gây nên chết chóc.

Đá thiêng như thế, tại xã Lăng, người Cơ Tu phát hiện một số loại, sau:

Đá Ta gun, hình trâu nằm ở dãy núi Ta gun.
Đá Đhiêr, giống như hình người mẹ ngồi giữa, các con ngồi chung quanh.
Đá Bhoc, tương đối to, màu trắng có tại dãy núi Aciêl.
Đá Khôông, to, nằm giữa dòng sông Lăng, đoạn khu vực thôn A Jum B, xã Zuôih, huyện Nam Giang.

Đấy được cho là những hòn (nhóm) đá thiêng. Chuyuện xưa kể rằng: “Ngày xưa có một người trong làng, sống trên ngọn nguồn sông Lăng (thuộc xã Lăng). Vào một đêm, người này nằm mơ thấy dàng nói rằng: Dân làng hãy khiêng tảng đá màu đỏ to kia xuống để tại ngã ba giữa sông Bung và sông Lăng, trong thời gian một đêm, dân làng yêu cầu gì tôi sẽ giúp nẫy. Nghe vậy, dân làng rất mừng, sáng sớm, sau khi cơm nước xong tổ chức khiêng tảng đá to lớn kia. Khiêng mãi, khiêng miết đá quá nặng, đường đi lại quá khó và xa, họ dừng chân nghỉ lấy sức để tảng đá giữa dòng sông Lăng. Nghỉ lấy sức chẳng được bao lâu thì trời hửng sáng, dân làng buồn bã, đành trở về làng của mình. Tảng đá từ đó nằm mãi tại giữa dòng sông Lăng”. Theo lời kể trong dân gian, rằng: “Tại tảng đá đó, xưa nay người ta vẫn thường lui tới tắm và ngồi chơi trên tảng đá này. Nhưng từ khi có hai người nam và nữ đi bắt cá, xảy ra quan hệ bất chính trên tảng đá đó, trở về làng, cả hai đều chết. Từ đó, dân làng cho rằng do dàng đá đó này thấy đau đớn mà thẳng tay trừng trị hai người. Từ đó, mọi người không ai dám đến tảng đá đỏ kia bắt cá, tắm, đùa vui gần tảng đá nữa.”[14]

Đá là vật thiêng (thường là hòn đá, có khi là cụm đá), người Cơ Tu cất đặt trong gươl, xem như một loại bùa hộ mạng dân làng, tộc họ và mỗi người. Huyền thoại Cơ Tu được nhắc đến trong truyện cổ “Tầm Mò Zòi” với nhân vật cùng tên, được xem là thần khổng lồ ẩn thân trong một tảng đá lớn. Tầm Mò Zòi đã cứu giúp dân làng thoát cảnh bị cướp bóc. Thần còn trị nhưng kẻ ác, gây hại cho người khác. Hay truyện kể Sự tích dinh Bà cho thấy “đá là nơi trú ngụ của linh hồn và đá còn có thể là nơi trong thực tế, thân xác con người sống trong đá và chết có khi cũng nằm trong đá.” Kể rằng: “Ngày xưa, ở vùng rừng núi Giằng có một làng người Cơ Tu sinh sống. Trong làng, có một người đàn bà sinh được một đứa con trai. Khi bà ra rừng sinh đẻ, người chồng đi vắng tận một làng rất xa, không về kịp. Lúc đứa bé ra đời, bà vẫn khoẻ mạnh. Bà ăn vẫn bình thường, nhưng có điều lạ, là uống bao nhiêu nước cũng thấy khát. Hết bầu nọ tới bầu kia, bà cứ uống mãi. Dân làng mang bao nhiêu nước cho bà, vẫn không đủ.

Một đêm, vào lúc khuya về sáng, trong nhà cạn không một giọt nước. Khát quá, không chịu nổi, bà bồng con xuống sông uống nước. Từ nửa đêm cho tới tận sáng, bà cứ cúi mặt xuống sông uống mãi, uống mãi. Rồi bà chết ngay bên bờ sông tay vẫn ôm chặt đứa con. Khi dân làng ra bờ sông, thì xác hai mẹ con bà khát nước kia đã hoá thành đá. Người chồng trở về. Cách làng một đỗi xa, ông đã nghe tin vợ con chết. Vừa giận cho số phận, vừa thương vợ con, ông ta dẫm nát cái bè gỗ đang đi, và cái bè từ từ chìm sâu xuống nước, mang theo cả người chồng bất hạnh.

Ít lâu sau, cả người và bè biển thành một khối đá lớn, trồi lên ngay giữa dòng sông. Dòng nước chảy qua tảng đá, phát thành tiếng vang động cả khúc sông. Vào những ngày mưa gió, dân làng ở cách xa dòng sông nghe tiếng nước réo, bảo đó là tiếng của người chồng khóc thương vợ con.Về sau, dân chúng gọi tảng đá kia là đá ông Ồ Ồ. Còn hình mẹ con người đàn bà chết hoá đá, có hai chiếc vú đá, thì chỉ còn một chiếc chảy nước. Có người bảo là chiếc vú kia bị người đời sờ vào nên đã tắt đi dòng sữa. Những người Kinh và Thượng đi qua khúc sông ấy đã lấy đá xây nên một cái miếu thờ, thường đốt đèn nhang cầu cho qua lại trên sông nước được bình yên.”

Trước kia, khi chưa tìm ra được các loại công cụ lao động như hiện nay, người Cơ Tu sử dụng đá như là công cụ, bởi đá rắn chắt. Do đá cứng rắn, con người có thể dựa vào đó thể hiện tính cứng rắn của mình trên vùng rừng núi. (Xưa kia người Cơ Tu rất cứng rắn trong các mối quan hệ bên ngoài làng). Đây là đặc trưng xã hội nông nghiệp vì đá như thế nên xem là có dàng ngự tọa trong đá. Đá còn là biểu tượng hai mặt tinh thần và vật chất, trong đó tinh thần chính là phần hồn biểu trưng cho đời sống tinh thần người Cơ Tu, đây là điều vĩnh hằng luôn tồn tại. Và từ đó, yếu tố ma thuật được sử dụng để các hòn đá thờ tại gươl luôn có linh hồn, trừ khử những điều không tốt ám hại tổ tiên họ và cộng đồng làng. Và từ đá, là vật thiêng nên có năng lực  thông liêng giữa Người – Trời – Đất tạo nên mối giao cảm trong những lần ăn mừng lúa mới, mừng sau chu kỳ lao động con người được bình yên, mừng được mùa lúa bắp và nhất là không mắc phải bệnh tật, không xuất hiện những cái chết xấu ám ảnh đầy ấn tượng trong cuộc mưu sinh của họ. Đá như thế là cách biểu trưng như một loại bùa hộ mệnh.

Đá thờ tại gươl, người Cơ Tu còn thể hiện sự cầu mùa, cầu mưa nắng thuận hòa, bởi linh hồn tổ tiên đã ngự tọa trong đá, nơi đó, tổ tiên họ đã trú ngụ cả ngàn năm, đã tạo nên sức mạnh cho họ. Cho nên hòn đá được thờ cúng,  giữ lấy là vật thiêng tạo ra mưa nắng, khai hóa tộc người, thăng hoa trong cuộc sống. Theo đó, đá là biểu trưng của dàng, của tổ tiên, các vị anh hùng lập làng đều ngự trị trong biểu tượng đá. Người Cơ Tu từ đó hình thành quan niệm đá cho họ sức mạnh tinh thần nên đá là đối tượng cần phải được thờ cúng trong thế giới đa thần của cư dân nông nghiệp.

3.9. Rung rang trong múa nghi lễ

Trong điệu múa tâng tung da dắ của người Cơ Tu vào những dịp tế lễ thần linh, trong đó quan trọng và lớn hơn cả là lễ đâm trâu ăn mừng lúa mới. Múa có cây rung rang, cùng với cây mía là biểu trưng cho sự giao lưu trời – đất – con người và tầng dưới đất. Trước đây, múa tâng tung da dắ thường chỉ để cử hành trong thực hiện các nghi lễ – nên còn gọi múa nghi lễ, tín ngưỡng – mà chưa phổ biến trong cộng đồng với tư cách là một điệu múa hội hè, vui chơi, giải trí như hiện nay. Do đó, trong múa tâng tung – da dắ, chiêng (chiing) là nhạc cụ chủ đạo. Chiing dừng, các loại nhạc cụ khác đều dừng lại. Cả tiếng hò, hú của người tham gia múa và dân làng đều ngưng hẵn.

Trong nghi lễ cúng của người Cơ Tu, điệu múa tâng tung – da dắ cùng với nịp điệu chiêng, trống, hò, hú,… luôn được tấu lên với nhịp điệu nhanh dần đều. Có điều đang hành lễ, chiêng trống, các loại nhạc cụ khác cùng với múa tâng tung dă dắ không ai được sai nhịp. Đây là việc kiêng, bởi như thế người Cơ Tu quan niệm rằng lạc điệu, sai nhịp việc cúng dàng/ thần linh sẽ không thiêng.

Thời nay, điệu múa tân tung da dắh đi vào sinh hoạt cộng đồng, từ vui chơi giải trí, hội hè đình đám dân làng và cá nhân mỗi hộ gia đình, đến nghi lễ dâng trời, múa tâng tung da dắ là một thành tố cấu thành quan trọng và không thể thiếu trong lễ hội đâm trâu (lễ ăn mừng lúa mới). Trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện lối sống văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội từng vùng, điệu múa tâng tung da dắ có sự chuyển đổi tên gọi, từ múa đâm trâu dần chuyển dịch thành múa ăn mừng lúa mới.

Múa là hình thức thể hiện nghi lễ không thể thiếu của người Cơ Tu trong lễ tế dàng/ thần linh. Múa của người Cơ Tu có hai phần: 1/ Phần múa của nam là tâng tung; 2/ Phần múa của nữ là da dắ.

Trong múa tâng tung, người đàn ông Cơ Tu đóng khố hoặc choàng tấm tút từ vai xuống lưng, đôi khi quấn thành hình chữ X trước và sau thân người. Những lễ tế dàng Trời, người múa tay trái nắm cái khiên, tay phải nắm thanh kiếm, hoặc cây giáo lưỡi cha chí. Tiến trình múa sử dụng tiếng trống cha gâr và ca thu làm nhịp. Thường là nhịp đi hùng tráng và mạnh mẽ.

Múa da dắ của nữ lung linh và luôn uyển chuyển như cây lau, cây mía giữa gió trời. Tiến trình múa chân đứng thẳng khoan thai, đôi tay đưa ngang vuông góc với cánh tay lên khỏi đầu. Bàn tay ngửa lên trời, các ngón tay hướng về phía sau. Đôi tay như chống đỡ cõi Trời, đồng thời dâng hiến lên cả bầu trời những ước vọng bình yên của con người. Đôi tay đưa lên trời như hai chiếc sừng trâu, biểu trưng của đầu trâu máng nước, biểu hiện sự hiến dâng và hiến tế của người Cơ Tu lên hệ thống dàng, và các đấng thần linh. Và vì trên hai tay người phụ nữ có đặt miếng lá dong với thịt, xôi, cơm, bánh, … khi thể hiện múa nên múa còn được gọi vũ điệu dâng Trời – điệu múa được cách điệu từ động tác dâng lễ vật lên dàng thời xưa của người Cơ Tu. Lễ vật được đặt trên tay múa da dắ là thịt, xôi, bánh, trái,… dâng mừng lên các đấng tối cao. Sự phối hợp giữa tâng tung với da dắ bằng những bước nhảy xiên, nhảy trượt ngang, nhảy xoay lật, nhảy nhún nghiêng, nhích người và quay lượn, tạo nên đường nét của múa sinh động, ngôn ngữ múa thể hiện dáng vẻ, nguyện vọng, ý chí thông qua biểu đạt bằng động tác múa, tạo nên hình tượng múa Cơ Tu thanh cao và đầy sức sống hiến dâng Trời. Theo đó, múa tâng tung da dắ trước hết là múa nghi lễ dâng Trời.

Cây rung rang được sử dụng trong nghi lễ ăn mừng lúa mới, trước hết được hiểu rung rang là biểu tượng của sức mạnh thần thánh mà con người thu nhận được. Những bái vật như rung rang trong thực hành nghi lễ có yếu tố ma thuật nhờ vào sức mạnh mà người ta tin rằng sức mạnh đó được ngự trị trong bái vật. Từ cây rung rang – xem là bái vật – được truyền năng lực từ vị thầy cúng – hoặc một người có uy tín nhất trong làng nắm giữ rung rang, giữ quyền năng của sức mạnh thần thánh của thế giới đa thần. Linh mục Cadière, người Pháp đến Việt Nam với tín ngưỡng đơn thần tìm hiểu người Cơ Tu, ông viết: ‘‘… là thờ cúng quỷ thần. Tôn giáo này không có lịch sử vì nó có ngay chính từ nguồn gốc nguyên thủy của giống nòi. Quỷ thần ở khắp mọi nơi. Chúng bay nhanh trong không trung và đến cùng với gió. Chúng tiến lên bằng đường bộ hay đi xuống theo dòng sông. Chúng trốn dưới đáy nước trong những vực nguy hiểm cũng tài giỏi như trong những ao yên tĩnh nhất… Đúng là những tín ngưỡng này cũng gặp trong những truyền thống dân gian ở tất cả các xứ và khác thường khi nghe những chuyện ma khủng khiếp.’’[15]

Và vì thờ cúng sức mạnh dàng/ thần và quỷ dữ nên người thầy cúng được cộng đồng chấp nhận thay mặt dân làng tế lễ, nêu lên nguyện vọng trước dàng/ thần linh. Họ cho rằng các vị thầy cúng (chủ lễ một hiến tế) được trao giữ năng lực siêu nhiên, nắm rung rang nhảy múa trong nghi lễ dâng trời.

Rung rang là vật truyền dẫn sức mạnh ma thuật.

Như thế rung rang có liên quan đến đời sống tâm linh của người Cơ Tu. Rung rang là phương tiện vật chất quan trọng do con người thiết lập nên trong nghi thức múa tâng tung da dắ của người Cơ Tu. Thông qua bái vật rung rang, được cho là hiện thực hóa tư duy con người mà trong quá trình thực hiện điệu múa, rung rang tác động vào giác quan con người làm cho con người tri giác được hiện tượng thần thánh, ma thuật, lý giải về nó được và suy diễn, tìm kiếm được sự bình an vĩnh hằng nằm ngoài cái rung rang trong nghi thức múa. Người Cơ Tu sử dụng rung rang trong điệu múa dâng trời, bởi rung rang đại diện cho ma thuật, là sự giao lưu Trời – Đất và Dưới đất. Đấy là sự liên tưởng ra thế giới an bình, không chết chóc mà người Cơ Tu liên hội ra từ rung rang được sử dụng phối hợp trong múa nghi lễ tâng tung da dắ (tơntúng dadăq).

Theo đó, trong tất cả những lần múa nghi lễ, múa tân tung da dắh (tơntúng dadăq) đều có biểu tượng rung rang trong vòng tròn múa. Bên cạnh còn có hệ thống nhạc lễ mà cồng chiêng là nhạc cụ quan trọng trong tiến trình thực hành nghi lễ; lại còn có múa nghi lễ hỗ trợ, lúc nhịp nhàng sâu lắng, lúc dữ dội trầm hùng, lúc cầu khẩn thiết tha để việc dâng cúng mang tính thiêng hóa như là tôn giáo tín ngưỡng.

11 min - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 9Cây rung rang (vẽ theo hiện vật) tại thôn A Rất, xã Lăng, Tây Giang     

9 min - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 9Cây rung rang và cây mía trong múa ăn  mừng lúa mới 

Theo các vị già làng ở Tây Giang, Đông Giang, xưa kia trên tay người phụ nữ múa da dắ có đặt chiếc lá mà trên lá là lương thực: thịt, xôi nếp, bánh, … dâng trời. Theo đó múa tâng tung da dắ còn được gọi là điệu múa dâng trời. Biểu tượng rung rang được một người đàn ông Cơ Tu mặc áo vỏ cây cầm bái vật và nhảy múa cùng với điệu múa phối hợp giữa nam tâng tung và nữ da dắ.

Chúng ta tìm gặp trong đời sống tinh thần người Cơ Tu thể hiện đời sống văn hóa của họ thông các các biểu tượng, như cây mía, hòn đá, đầu trâu, cây rau dớn, con gà trống, bái vật rung rang, thần rắn, … Ở đó, người Cơ Tu bảo tồn được tâm lý và năng lực giữ gìn đặc trưng văn hóa cùng với những nhận thức sâu xa nằm ngoài duy lý tộc người, bởi tính đa nghĩa của biểu tượng. Và vì tính đa nghĩa nên mỗi cách nhìn, cách nhận thức vào biểu trưng văn hóa của mỗi người cũng khác nhau. Những đặc trưng văn hóa đó có nguy cơ mất đi và bị loại bỏ trong tiến trình lịch sử và cập nhật, cho nên biểu tượng như là việc cố gắng thể hiện lại dấu hiệu văn hóa được thể hiện ra bên ngoài và truyền đạt lại cho người đời sau về ý nghĩa của văn hóa thông qua biểu tượng biểu trưng về các thành tố văn hóa để cấu thành sinh hoạt văn hóa tộc người Cơ Tu trong lịch sử phát triển. Ngay trong các biểu tượng, người Cơ Tu nhận thức được sự kế thừa và sáng tạo ra văn hóa dưới góc độ dân gian. Sự sáng tạo đó mang dấu ấn cá nhân, họ đã biến nội dung văn hóa người Cơ Tu được tích lũy trong cả quá trình phát triển thể hiện trong biểu tượng để rồi ngay trong các biểu tượng văn hóa ám chỉ những khởi đầu cho sự phát triển và sáng tạo của các thế hệ người Cơ Tu tiếp truyền sau. Hiện nay, những biểu tượng, tượng trưng văn hóa dân gian tộc người Cơ Tu đã có sự chuyển dịch, biến đổi và sáng tạo thêm, đủ khả năng biểu đạt nội hàm văn hóa đương đại đang từng bước tác động vào nhận thức cộng đồng làng và mỗi cá nhân trong cộng đồng đó. Điều nhận ra rằng không nên đánh đồng văn hóa dân gian Cơ Tu với các biểu tượng biểu trưng văn hóa (cũng được xem biểu tượng là một thế giới văn hóa), bởi văn hóa do con người sáng tạo ra một cách toàn diện do nhu cầu sinh tồn của mình, đồng thời tồn tại và phát triển thông qua tính sáng tạo của con người.

4. Hệ thống biểu hiện tính thiêng

4.1. Dàng,/ thần linh, tổ tiên và các ma (hiền, dữ)

+ Dàng/ thần linh

Dàng của người Cơ Tu được hiểu như thần của người Kinh. Với người Cơ Tu trên rừng núi Trường Sơn hùng vỹ, quan niệm vũ trụ nhân sinh của họ làm xuất hiện thế giới quan vũ trụ. Họ tin có ba tầng mà dàng thường trú ngụ. Đó là Trời – Đất – Dưới đất. Như thế dàng cũng chính là thần của họ. Truyền thuyết cổ xưa của người Cơ Tu, mỗi tộc họ có một vị thần linh kèm theo. Có thần được nhân cách hóa từ rễ cây, hoa lá. Mỗi cơ bhuh, hay tô gộ Cơ Tu đều kèm theo một vật tổ thể hiện ra cái cơ bhuh của tộc họ. Vật tổ chính là tô tem giáo, là tổ tiên linh thiêng như vị thần. Đó là thần hộ mệnh, thần cứu rỗi. Đối với loài người nói chung quan niệm về thần được hiểu là tượng trưng cho ánh sáng không thể chia cắt và khống chế, tạo ra niềm tin sâu kín nhất và dĩ nhiên cũng mãnh liệt nhất của con người. Thần luôn có mặt khắp nơi và phát hiện cho loài người những quy tắc thần thánh trong hầu hết các hoạt động của con người để tồn tại. Không thể coi thường những lời răn dạy của thần, bởi làm thế sẽ gây ra những hỗn độn khó lường, gây rối loạn nghiêm trọng trật tự đã được sắp xếp, bởi vì dàng/ thần đã sắp xếp và thiết lập mẫu mực ứng xử thường xuyên trong cuộc sống và điều này phải được thực hiện nghiêm túc giữa các sự vật và hiện tượng với nhau, đặc biệt quan hệ sắp đặt giữa người với người phải được coi là chuẩn mực. Vì đấy là cái gốc của ổn định tính cộng đồng xã hội. Có thể quan niệm về thế giới đa thần của tộc người Cơ Tu nằm trong gốc gác của trật tự xã hội đó. Những hình tượng các thần ma bằng gỗ được người Cơ Tu sáng tạo ra với nhiều bộ dạng biểu cảm khác nhau thể hiện tầng lớp thế giới vô hình được sắp xếp trước sau đã cho thấy trong những lần hiến tế tại các lễ tế cúng dàng/ thần linh là thế nào!

+ Tổ tiên

Trước đây người Cơ Tu không thiết lập bàn thờ và thờ tự, cúng tế tổ tiên ông bà vì tính chất du canh du cư, di chuyển theo mùa nương rẫy. Đó cũng là tập tục truyền thống của họ. Trước đây, khi có người chết, người Cơ Tu sau khi đem chôn một hay hai năm sau thực hiện lễ bỏ mả (têng ping) và chuyển đi chỗ khác theo cách dồn mồ. Họ rất sợ người chết và không bao giờ quay lại khu vực nơi chôn cất đó nữa.

Hiện nay có nơi, người Cơ Tu lập bàn thờ, thờ ông bà tổ tiên họ. Tục lệ này giống người Kinh. Khi người thân trong gia đình chết họ cũng làm lễ tang giống người Kinh và đến năm, họ cũng làm đám giỗ cho người đó. Thảng, có đám tang người Cơ Tu tìm xuống vùng đồng bằng mời một tổ chức tang lễ của người Kinh (Việt) đến tổ chức lễ tang. Và tổ chức tang lễ này tiến hành các lễ theo cách của người Kinh.[16]

Như vậy có thể thấy được là cách đây không quá lâu, người Cơ Tu vẫn có những nét riêng biệt trong phong tục. Họ có lễ bỏ mả, chia phần của (tài sản) người sống cho người chết. Nhưng với sự sống chung của người Kinh, phong tục người Cơ Tu đã dần biến dịch dẫn đến biến đổi theo.

Trong gian thờ của người Cơ Tu hiện nay đa phần có hai không gian thiêng, trên cao họ nói là để thờ cúng ông bà tổ tiên, còn không gian phía dưới, đặt bàn thờ để thờ cúng người thân cận huyết thống của họ. Tuy nhiên, trong điền dã đến các làng Cơ Tu, chúng tôi còn thấy được những gian thờ rất rộng ngay chính giữa ngôi nhà có để ban thờ tổ tiên, người thân của họ. Hai bên và chính giữa là dải liễng màu đỏ tương tự của người Kinh. Có thể thấy đây được cho rằng họ tiếp nhận văn hóa thờ cúng của người Kinh.

Qua việc thờ thần và thờ cúng tổ tiên của người Cơ Tu có thể thấy được từng bước chuyển đổi từ vạn vật hữu linh như tín ngưỡng vùng Đông Nam Á sang loại hình tín ngưỡng cổ truyển là thờ cúng tổ tiên ông bà và đồng thời cùng với tín ngưỡng dân gian cổ truyền như người Kinh, gần đây xuất hiện tín ngưỡng đơn thần: Phật giáo, Thiên Chúa giáo. 

+ Các ma  

Chết là kết thúc một quá trình tuyệt đối của sự sống. Chết tước đi sự tích cực của sự sống. Tất cả các sinh vật (vạn vật) hay một hiện tượng nào đó đều có sinh và có chết (diệt): con người, cây cỏ, liên minh nào đó, một thời đại, … đều có sinh và có diệt. Cái chết làm hủy diệt sự sống, chết cắt đi sự tiến hóa trong sự sống. Con người chết là hình thức cắt đứt sự sống và sự tiến hóa sinh học, trí tuệ của sự vật và hiện tượng. Trong cái chết có nhiều hình thức cắt đứt, hoặc chết do tiến hóa đến độ chuyển đổi từ vật thể này sang vật thể khác, chết do quy luật tiến hóa ngưng trệ phải chịu sự kết thúc sự sống theo cách tự nhiên có sinh có diệt. Chuyện sinh tử là chuyện thường nhiên. Tuy nhiên theo ý niệm về Thiên đường và Địa ngục là hai mặt đối lập, thì cái chết không bình thường của những người không may mắn, nhận lãnh cái chết bằng cây đè, rắn cắn, sét đánh (được cho là Trời đánh), chết do cung tên bắn, chết do sinh đẻ, [17]… được người Cơ Tu quan niệm rằng đó là chết hung dữ, là chết xấu, linh hồn sẽ trở thành ma dữ. Bởi vì chết như thế do quyền năng thuộc về dàng/ thần linh. Hồn ma của họ phải được dẫn dắt vào Địa ngục để vĩnh viễn không trở lại thế gian phá hại, để trở thành ma ám cộng đồng làng.

Với cái chết của những người có quy luật tiến hóa bình thường, theo quan niệm Sinh lão bệnh tử/ Tự cổ thường nhiên, được dàng và người thân còn sống cho phép và mời về với tổ tiên, và với cộng đồng làng. Sự hân hoan của những người còn sống trong sự tiến hóa luôn tin tưởng ở khả năng nắm giữ năng lượng, sắp đặt cho phát triển, cho tái sinh sự sống mới. Con người phải khách quan đón nhận sự sống và cái chết, trong quá trình tiến hóa luôn căng thẳng trong tình thế đối lập sống – chết.

Người Cơ Tu có hai ý niệm về cái chết: chết xấu và chết bình thường (chết dữ và chết hiền).[18]

Chết dữ: Theo quan niệm người Cơ Tu miền Tây Quảng Nam, chết xấu do có sự “ra tay” của con ma xấu dưới quyền năng nắm giữ của dàng. Ma xấu xem là có sức mạnh siêu nhiên mà các thầy cúng trong làng chưa có phương thức khắc chế được. Do vậy, trong làng nếu đã bị ma ám cả làng, người dân khiếp đảm trong thế đối lập.

Người Cơ Tu sẽ bỏ làng di dời người dân đi nơi khác nếu như ma xấu làm chết người dân trong làng, hoặc cuộc sống đang bình yên, bỗng một ngày có người chết theo cách được cho là chết “xấu”. Người chết xấu, ma sẽ trở nên rất dữ, làm hại người còn sống, “kéo theo” ma xấu. Người sống quan niệm rằng có thể kéo theo nhiều người cùng chết. Hoặc có thể sau khi ma ám, làng sẽ gặp đói kém, dịch bệnh làm chết người, hoặc đau ốm triền miên, lẩn quẩn trong vòng đói nghèo, bệnh tật. Nên với người Cơ Tu thời trước, ma xấu là loại ma mà con người luôn tránh xa để ma không gặp mặt làm hại bằng cái chết không bình thường, nghĩa là gặp phải cái chết xấu như “ma xấu”. Thế nên, khi người chết theo cách chết xấu, được người thân chôn cất tức khắt tại một nơi xa làng, nơi mà người chôn cất nghĩ rằng, con ma sẽ không biết đường về lại nhà, lại làng quấy phá, ám hại dân làng.

Năm 2014 một người trẻ tuổi tại thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang bỗng dưng thắt cổ tự tử chết.[19] Quan niệm rằng ma xấu đã về làng “bắt” người đi theo, nên người dân trong làng thắt thỏm, nao lòng, không an tâm. Ngay tại đầu làng (cổng vào làng), người dân cắm nhiều cây gai xương rồng (loại không gai, da xanh sẫm, có nhiều mủ) ngay tại đường đi vào làng để mong ngăn chặn ma xấu tìm hại dân làng. Cách như thế cho rằng để ngăn ma xấu thâm nhập vào làng và theo người dân ra khỏi làng. Không gian phía trong những cây gai xương rồng đó là không gian làng Bút Tưa đã bị ma xấu chiếm giữ và đang phá hại “với một sức mạnh siêu nhiên khó ngăn cản được”!.

Người dân làng Bút Tưa đã có dấu hiệu dời nhà đi nơi khác. Họ yên lặng thoát ra khỏi làng, tìm đến những nơi được cho là an toàn để tránh ma xấu bu bám theo làm hại. Có thể họ đưa nhau ra nhà zơng (chòi rẫy) tại rẫy trú ngụ. Quan niệm về ma xấu, thâm nhập vào làng, chiếm giữ và phá hại có ảnh hưởng lớn lao đến cuộc sống người dân Bút Tưa. Ảnh hưởng do quan niệm “ma xấu” lớn đến mức, người dân sẵn sàng phá dỡ nhà cửa tìm nơi khác lập làng, khi trong làng được cho có con ma xấu thâm nhập mà chưa có cách nào đuổi ra khỏi làng được. Các thầy cúng mặc dầu có năng lực giao tiếp với dàng nhưng trong trường hợp này đều không xoay trở được gì để giúp dân trong làng ổn định tinh thần, quay lại với cuộc sống thường ngày, ổn định tâm lý để làm ăn sinh sống. Ma xấu làm hại con người trong làng bằng hình thức cao nhất là gây nên chết chóc – những cái chết rất linh thiêng. Đây là điều đáng sợ và thế là nên tránh, để ma xấu không tìm thấy để “bắt” phải đi theo.

Từ ngày mồng 4 tết Giáp Ngọ (2014), làng/ thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang tính ra đã định cư hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đã tắt bếp. Phút chốc, các hộ gia đình tháo dỡ nhà cửa, bỏ đi nơi khác, bởi vì một lẽ duy nhất là sợ con “ma xấu” gây nên chết chóc. Như thế, người Bút Tưa cho rằng làng đã bị ma xấu ám hại. Theo cách hiểu dân gian là làng bị ma ám. Mà ma đã ám thì người không ở được với ma.[20] Thầy cúng tại làng báo cáo dàng và được cho rằng đến lúc này làng Bút Tưa không thể ở tại vùng đất này được nữa. Phải dời làng! Có 21 hộ gia đình với 85 nhân khẩu phải di dời theo phán quyết của tâm lý lo sợ và khả năng đối lập sống – chết của người dân Bút Tưa. Dân làng sắm lễ phẩm cúng dàng xin được đuổi ma xấu ra khỏi làng nhưng không hiệu quả. Bởi ma xấu đã ám rồi. Và thế là cả làng Bút Tưa tháo chạy trong nỗi hoang mang, lo lắng, khiếp sợ thắt lòng.

Nhưng để trừ khủ con ma xấu đi khỏi làng, người dân phải có lễ cúng. (Mặc dầu đây là hủ tục theo quan niệm tồn tại thời nguyên thủy, nhưng chủ làng, những người có trách nhiệm trong Hội đồng già làng phải thực hiện để làm an lòng người dân), [21]

Ma xấu là quan niệm cổ hủ xuất hiện từ thời nguyên thủy, tồn tại đến nay còn dai dẳng trong cộng đồng tộc người Cơ Tu. Hiện nay trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, các hủ tục dần bãi bỏ. Vấn đề ma xấu là hủ tục cần loại bỏ ra khỏi bản giá trị văn hóa dân gian Cơ Tu, nhằm xây dựng, phát triển làng bản theo lối sống văn hóa đương đại, phù hợp thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, hội nhập giao lưu khu vực và quốc tế. 

13 min - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 9Lễ phẩm dâng cúng đuổi ‘ma xấu’ (Ảnh St)

4.2. Các thầy cúng

Niềm tin của con người đối với các lực lượng siêu nhiên trong xã hội nguyên thủy, mỗi khi cần giao tiếp để thực hiện nghi lễ tín ngưỡng, thì cá nhân tự mình thể hiện các nghi thức giao tiếp với thần linh, với tổ tiên. (Bấy giờ chưa xuất hiện tầng lớp trung gian) Người Cơ Tu thời xa xưa trước cũng vậy, mỗi người tự đặt niềm tin, thể hiện sự giao tiếp với hệ thống dàng, với tổ tiên mình thông qua nghi thức cúng lễ, Trước hết là lời khấn, bùa chú, và các động tác của ánh mắt, đôi tay giơ lên cao như thể chào mừng, dâng hiến, nguyện cầu, quỳ ngồi nghiêm túc để khấn vái. Và ánh mắt hay cái nhìn xa xăm vào khoảng không nào đó, hay nhìn vào biểu tượng của vật linh như lễ phẩm chỉ định sự dâng cúng. Đó là vật linh hay bái vật cúng dàng chẳng hạn, …Tất cả các biểu trưng đó cùng với lời cầu xin hướng theo tâm thức con người, mong đạt được sự hoàn thiện cuộc sống của cộng đồng người Cơ Tu trên miền rừng núi Trường Sơn.

Về vấn đề này – các thầy cúng – tức các vị đóng vai trò trung gian, thay mặt dân làng giao tiếp với các dàng, đề đạt nguyện vọng của cộng đồng làng hay cá nhân mỗi hộ gia đình gửi đến dàng lời cầu xin một năm thuận lợi, giảm bớt khó khăn, có được mùa màng tươi tốt, lúa sắn sung túc. Bấy giờ cá nhân mỗi người ủy thác miềm tin của mình vào các vị thầy cúng trung gian này. Chuyên luận Những biểu hiện tín ngưỡng trong văn hóa dân gian, GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh, viết: ‘Về sau, khi xã hội đã phát triển, nhất là thời kỳ bắt đầu có phân chia giai cấp, thì mối quan hệ bình đẳng giữa người tin và đối tượng được tin mất đi. Tín ngưỡng trở thành quan hệ tòng thuộc của người tin vào sức mạnh của đối tượng được tin. Thêm vào đó, những thể chế, quy trình ngày càng phức tạp, bao gồm ngày càng nhiều nhân tố (không gian, thời gian, vật dâng cúng, trang phục, giới tính, kiêng kỵ, v.v…) khiến cho người dân bình thường không phải ai cũng biết hết và tự làm lấy được. Từ đó đẻ ra những người được coi là có khả năng giao tiếp và hiểu luật lệ ứng xử với thần linh. Họ được cộng đồng công nhận thay mặt người tin để giao tiếp với đối tượng được tin. Đó chính là những người trung gian, một mặt thay mặt người tin; mặt khác lại là đại diện cho thần thánh để thiết lập mối quan hệ giữa hai bên. Tùy theo loại tín ngưỡng và đối tượng được tin là ai mà có một loại người trung gian tương ứng.’[22] Đối với người Cơ Tu, vị Chủ làng cũng là thầy cúng, – nhưng có làng ủy thác cho một già làng uy tín khác – được người dân trong cộng đồng làng tín nhiệm, tin tưởng vào khả năng nắm giữ thần quyền và có năng lực giao tiếp với các dàng của họ. Và do đó, họ thay mặt cho mỗi cá nhân và cộng đồng làng thực hiện các nghi lễ dâng cúng dàng và tổ tiên ông bà họ trong các lễ cúng mà tiêu biểu là lễ đâm trâu mừng lúa mới. Các vị thầy cúng rất có uy tín trong cộng đồng làng, bởi họ được tín nhiệm để gởi gắm niềm tin. Họ nói hầu như cả làng nghe theo nên làng rất quý trọng thầy cúng. Các vị thầy cúng trong cộng đồng Cơ Tu không chỉ thực hiện đơn lẻ là lời khấn, các động tác mà bên cạnh còn có nhạc lễ, múa nghi lễ hỗ trợ để việc dâng cúng mang tính thiêng hóa như là tôn giáo tín ngưỡng.

4.3. Các biểu tượng: con trâu, mặt trời

+ Con trâu

Con trâu trong văn hóa phương Đông, gắn bó mật thiết với cư dân trồng cây lúa vùng Đông Nam Á. Trong văn hóa phương Đông trâu là một trong 12 con giáp, đồng thời là gia súc đứng đầu lục súc thường nuôi nấng, chăm sóc. [23] Đối với văn hóa phương Tây, Kim Ngưu là một trong 12 cung hoàng đạo của phương Tây.

Người Cơ Tu, coi trâu là con vật dùng vào việc tế dàng/ thần linh, xuất hiện trong lễ hội dân gian của họ. Máu trâu là vật lễ dâng cúng cao nhất và thiêng liêng nhất trong các vật lễ (xưa kia có hiến tế máu người). Đuôi trâu là phần thể hiện sự linh thiêng của dàng với người khi đuôi trâu được người chủ lễ ném lên rổ pà pà được thiết trí trên đầu cây x’nur, nơi được cho từ đó dàng xuất hiện và chấp nhận sự cầu khẩn của con người. Sừng trâu cong như vầng trăng khuyết được cho là biểu trưng của nước (sừng trâu máng nước), là thể hiện sự sống trước hết con người tìm đến. Bởi nước rất quan trọng trong đời sống con người và muôn loài. Nước là tác nhân gây nên sự sinh sôi nảy nở thế giới vật chất và tinh thần của nhân loại. Tín ngưỡng nông nghiệp xem trọng sừng trâu. Người Cơ Tu xem con trâu là hình ảnh thiêng liêng nối kết những ước vọng của con người với dàng, với thế giới thần linh. Trâu là vật lễ trung gian, là sứ giả mà người Cơ Tu kính cẩn dâng lên thế giới thần linh trong lễ cầu xin được mùa, xin nước và tạ ơn dàng sau một mùa lúa đủ đầy. Cả trong niềm vui, nỗi buồn của tộc người như vui trong đám cưới hay buồn trong đám ma, hình ảnh con trâu xuất hiện như sứ giả gửi gắm niềm tin và ước vọng của con người. Thế nên, trước lễ đâm trâu, trâu được người làng thương khóc (nơơi tơ rí), gửi gắm nơi trâu thông điệp hiến dâng dàng về sự hiến thân của trâu cho dân làng sung túc, ấm no. Và nhắn nhủ trâu hãy yên lòng là vật hiến tế dàng cho con người hạnh phúc.

Người Kinh xem con trâu là đầu cơ nghiệp. Người Quảng có thành ngữ làm nhà, tậu ruộng, mua trâu, theo đó, họ cũng xem con trâu có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế nghề nông.

Con trâu, phần nhiều nhìn thấy đầu trâu được chạm trổ tại gươl và nhà mồ Cơ Tu, bụng trâu nơi chôn cất người chết, nơi đó là biểu trưng của sức nặng, của trọng lượng, của sự bình ổn, vững chắc và mang tính cố/ ổn định. Thế nên quan tài được biểu trưng là bụng trâu, nơi chứa đựng và cất giấu. Đó là nơi yên ổn vĩnh hằng mà con người tìm về yên nghỉ.

Quan niệm phương Tây về trâu, “Kim Ngưu là hệ ý nghĩa biểu trưng về vật chất đầu tiên, về bản thể khởi nguyên, có thể đồng hóa với Đất – nguyên tố và Đất – Mẹ. Nếu cung Dương Cưu mang động lực của lửa nguyên thủy được hiện thân bằng một con vật khô, siêu nam tính, với cái sọ có thể tích được phóng đại, như thể một sự nhảy vọt lên cao và về phía trước, thì ở Kim Ngưu ta thấy trạng thái tĩnh của một khối vật chất mang sự sống, với những đặc trưng của một con vật mang hình thể đẫy đà mà ở đấy những đường ngang và đường bụng chiếm ưu thế…”[24] Cho nên người Cơ Tu hình dung con vật bốn chân bằng cách đo vòng ngực bằng gang tay để xác định con vật to hay nhỏ.

+ Mặt trời

Hình ảnh mặt trời là một trong những biểu tượng thể hiện tính thiêng liêng trong việc tế lễ các lực lượng siêu nhiên của người Cơ Tu. Ánh sáng mặt trăng theo chu kỳ sáng tối, giúp họ phân chia thời tiết, thực hành mùa vụ, trồng cây và nhiều thói quen khác lặp lại hằng năm do sự vận động của mặt trăng mà ánh sáng của trăng dẫn dắt tư duy người Cơ Tu vận dụng vào cuộc sống. Như thế, người Cơ Tu gắn chặt chẽ sự vận động của mình vào thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Mặt trời tỏa ra một năng lượng khai phóng vũ trụ, vạn vật do đó mà khởi sinh. Có ánh sáng mặt trời loài người hoàn thiện được mình trong thế giới hỗn mang như chưa được sắp xếp trật tự. Mặt trời giúp hoàn thiện tinh thần và thế chất. Không chỉ người Cơ Tu mà nhân loại lấy mặt trời biểu hiện tính thiêng liêng bởi ở đó thể hiện bảy sắc cầu vồng là bảy màu tự nhiên trong vũ trụ. Và từ bảy màu, lại “phát ra bảy mươi lăm tia sáng có màu sắc khác nhau, năm mươi chín tia màu đen, tám tia dạng tam giác kéo dài ra với cạnh thẳng (bốn vàng, hai xanh lá cây, hai đỏ), xen kẽ với tám tia khác có cạnh lượn sóng (ba đỏ, hai trắng, ba xanh) vậy là nhấn mạnh hoạt động kép tỏa nhiệt và phát sáng của bức xạ mặt trời.”[25] Như thế hình tượng mặt trời trong quan niệm vũ trụ quan người Cơ Tu là cốt lõi, bởi ở trời có dàng Trời, dàng ngự trị và phán xét mọi chuyện trần gian (làm trưng triệu đói no, bệnh tật, tai họa, giáng xuống bất cứ lúc nào mà con người làm phật lòng dàng). Không có mặt trời cũng đồng nghĩa không có dàng pool khởi sinh sự sống con người. Theo đó, để tạo nên tính thiêng về hình ảnh mặt trời, người Cơ Tu kẽ vẽ, chạm trổ trong gươl, trên cây cột lễ, trong cái khiên, một cách khéo léo trên các tượng nhà mồ, trên y phục thổ cẩm, cả xăm trên tay, trên mình hình ảnh mặt trời, … thể hiện tính thiêng của mặt trời trong không gian thiêng mà người Cơ Tu quan niệm Trời – Đất – Dưới đất. Sự giao tiếp này được liên kết trên hệ thục thẳng đứng từ Trời xuống và từ Đất lên. Biểu trưng tại cây x’nur (chia ba tầng), cây nêu, rung rang (ba tầng) hoặc cây mía tươi (ba tầng vũ trụ) trong những lần lễ hội lớn của họ.

5. Tín ngưỡng đa thần (thần đất, lúa, núi, sông, cây cỏ, thần đá)

Người Cơ Tu quan niệm vạn vật hữu linh như các tộc người khu vực Đông Nam Á, theo đó trong lễ tế dàng, đồng thời có lễ tế các thần Cây, Đá, Sông, Suối, …khác trong hệ thống đa thần mà thế giới quan người Cơ Tu quan niệm. Tín ngưỡng dân gian mang tính nguyên hợp, chưa có sự chia tách nên điều này dễ nhận ra tín ngưỡng Cơ Tu là tập hợp các vị thần đều cúng kính trong một phiên lễ tế. Do đó, với tín ngưỡng này chưa phải là một tôn giáo cả tôn giáo nguyên thủy của loài người.

Như thế tín ngưỡng dân gian người Cơ Tu giống tín ngưỡng dân gian tộc người Kinh là toàn bộ các biện pháp thiết lập mối quan hệ với các đối tượng thờ cúng. Những nghi thức trong tín ngưỡng (dàng hai tay đưa lên trời, vẫy tay, vẫy nước, …) đi kèm với nghi thức ứng xử với hệ thống dàng. Đây là cách nhìn nhận sự vật và các hiện tượng luôn có linh hồn (hoặc hiền hoặc xấu) thường ngày thường xuất hiện. Tín ngưỡng là hình thức tồn tại theo quá trình lịch sử và cập nhật từ khi con người biết đến việc thờ cúng tổ tiên của mình. Biểu hiện các nghi lễ thờ cúng, nghi thức lễ là cái chung của loài người. Người Cơ Tu vùng Đông Nam Á không ngoài các nghi lễ đó.

Từ tín ngưỡng dân gian mà tộc người Cơ Tu thực hiện trong các lễ cúng dàng, cho thấy chuyển hóa thành hình thức thực hành văn hóa, bởi thông qua tín ngưỡng đem lại cho tộc người quan niệm linh hồn đang tồn tại. Cho nên tất cả các hiện tượng từ nghi lễ, hình thức thực hiện nghi lễ (người Cơ Tu dang hai tay đưa lên trời và ngước mặt nhìn lên dàng tối cao) đều gắn chặt nhau, bổ sung nhau tạo nên đặc điểm của tín ngưỡng tâm linh không thể tách rời nhau. Đối với người Cơ Tu dọc theo Trường Sơn, không chỉ nghi lễ được thực hiện qua các thầy cúng (thường là chủ làng) mà còn biểu hiện hành động nghi lễ qua điệu múa, điệu chiêng trống và các loại nhạc lễ đi kèm. Trong không gian thiêng được cộng đồng thiết lập tất cả động tác hướng về dàng, cầu khẩn xin ân huệ nơi dàng đều được xem là nghi thức lễ.

Người Cơ Tu dâng hiến hay xin dàng động tác nghi thức của họ là hành động dang hai bàn tay đưa lên trời. Bởi không có hành động nghi thức này xem như không biểu hiện được tính chất văn hóa tín ngưỡng, không thể hiện đức tin vào dàng và hệ thống dàng trong thế giới quan của họ. Điều này rõ ràng không giống với hình thức tôn giáo. Qua những lần tham dự quan sát các hình thức dâng, cúng lễ và cầu xin dàng trong những lần lễ hội đâm trâu, tín ngưỡng người Cơ Tu với dàng thể hiện hằng số tồn tại vĩnh cữu biểu hiện văn hóa tộc người trong thờ cúng dàng của họ.

6. Cúng thần rừng, tạ ơn rừng

Người Kinh vùng Quảng Nam, Đà Nẵng khi nhìn lên rừng cách họ cả trăm cây số đường chim bay, họ thảng thốt mà rằng: trên rừng có ông Rừng. Người Cơ Tu – tộc người được xem là bản địa tại rừng Trường Sơn – khi nhìn vào rừng họ cho biết có dàng Rừng (mẹ Rừng) đang tồn tại ở đó. Theo người Cơ Tu mọi thứ có được trong vũ trụ bao la này đều do thần/ dàng nào đó sinh ra, quản lý, bảo vệ cũng như quyết định đến sự tồn vong của chúng. Trong quan niệm đó, dàng Đất – Trời, đặc biệt là dàng Trời là đấng tối cao của tất cả các loại dàng. Dàng Đất sinh ra mọi dàng trên mặt đất. Dàng Trời sinh ra mọi dàng trên trời. Dàng Trời chết mọi dàng đều chết hết. Vì vậy, trong tất cả các lần cúng cầu mong điều tốt lành, hay cúng nguyền rủa điều xấu xa, họ không quê nhắc đến dàng Trời, dàng Đất.

Họ cho rằng Dàng cũng như người, mỗi loại dàng: ông kỵ, bà kỵ, ông cố, bà cố, ông, bà, cha, mẹ, con cháu, chắt, chít…

Chuyện dân gian “A pêê ơng lướt ơ chắc tơ noi” phản ảnh có dàng ông của người Cơ Tu (Dàng mẹ – Mẹ Rừng – trong chuyện kể Hai cha con dưới chân núi A Dương).

Chuyện Dàng ông, được kể rằng:

“Ngày xửa ngày xưa, trên một dãy núi cao gần làng nọ, có rất nhiều đàn chim di chuyển đến ăn các loại quả. Thấy vậy, nhiều đàn ông trong làng kéo đến núi này tranh nhau chọn cây to bóng cả để làm điểm cắn que nhựa bắt chim.

“Trong làng ấy, có hai anh em trai mồ côi, hiền lành, nhút nhác ở với người ông đã già.

“Ngay từ tờ mờ sáng, đám trai làng còn sức đã lên núi cả rồi. Hai anh em mồ côi chậm chạm đến sau, cũng xin nhận cây để đặt que nhựa bắt chim vào ngày hôm sau. Nhưng chọn cây nào, chỗ nào cũng bị đám trai làng khướt từ, không cho chọn. Họ chỉ đồng ý cho hai anh em chọn địa điểm xa hơn, thường ít khi có chim bay tới.

“Chọn cây xong, mọi người trở về làng chuẩn bị que nhựa bắt chim, cùng một số dụng cụ cần thiết khác. Khoảng ba đến bốn giờ sáng hôm sau, ai nấy đốt đuốc đi đến cây đã chọn để cắm que nhựa. Hai anh em mồ côi cũng vậy.

“Cắm xong que nhựa, mọi người ai nấy xuống trú tại láng trại của mình, chờ đàn chim bay đến đậu vào que nhựa, rơi xuống rồi bắt.

“Mọi người chờ mãi đến xế chiều mà số chim bắt được ở mỗi lán trại chỉ được vài con. Hai anh em mồ côi cũng bắt được một con chim rất nhỏ (bằng ngón tay cái, Cơ Tu gọi là xơ xeéh). Sau đó, khi mặt trời xuống gần dãy núi, tại láng đầu tiên phía làng xuất hiện một ông già tóc bạc phơ, đi vào lán hỏi: “Các cháu có bắt được con chim nào không? Nướng cho ông ăn với, ông thèm ăn thịt chim quá rồi!”.Tuy có bắt được vài con chim, nhưng vì tính keo kiệt, không thương người nên đám thanh niên này đáp: “Không có! Không có! Ông đi tới lán kia mà hỏi”. Rồi cứ thế khi ông đi tới lán trại nào cũng bị đám thanh niên làng mắng nhiếc, xua đuổi. Rồi ông đến lán cuối cùng nơi trú ngụ của hai anh em mồ côi, ông cũng đề nghị như đã đề nghị với các lán trại trước đó. Hai anh em mồ côi thấy ông già vào lán của mình, ông già hỏi, hai anh em niềm nở chào đón và nhẹ nhàng trả lời ông già: “Dạ thưa ông có, có… Hai chúng cháu bắt được một con chim nhỏ ne nè, chúng cháu nướng cho ông ăn nhé!”. Ông già cười, gật đầu im lặng. Chim chín, ông anh lấy một ít gan chim đặt lên đầu ngón tay trỏ búng mạnh lên trời, rồi nói: “Ới Dàng ơi Dàng, hai anh em chúng tôi cho các dàng Ông, dàng Bà, Trời, Đất, cây cỏ, chim thú,v.v… ăn ganngon chim này…Tí nữa cho hai anh em chúng tôi bắt được nhiều chim”. Sau đó, ông anh hai tay đưa ông già ăn. Tay ông già không đỡ lấy chim, mà gật đầu, cười nói: “Cảm ơn hai cháu, hai cháu ăn đi. Khi nãy hai cháu đã cho ông ăn rồi”. (Thì té ra lúc búng gan chim cúng khi nãy ông đã ăn rồi). Sau đó, ông già hỏi: “Cây cắm nhựa bắt chim của hai cháu đâu rồi?”. Đứa em chỉ: “Đó! Đó! Thưa ông ạ”. Đoạn ông già leo lên cây, leo càng cao, các loài chim chóc bay đậu vào cây rơi rớt xuống đất càng nhiều. Hai anh em nhìn lên ngọn cây để nói lời cảm ơn, nhưng không thấy ông già đâu nữa.

“Cả hai sà léc đã đầy chim, hai anh em trèo lên cây thu lấy số que nhựa còn lại rồi về làng trước đám thanh niên làng. Hai anh em đi ngang qua lán trại đám thanh niên hỏi làm thế nào hai anh bắt được nhiều chim như thế. Hai anh em mồ côi thật thà kể lại tất cả sự thể câu chuyện giữa hai người và ông già nọ. Nghe xong chuyện kể, ai cũng xuýt xoa tiếc lấy, tiếc để giá lúc nãy mình thương và nướng chim cho ông già ăn, thì mình đã bắt được rất nhiều chim rồi.

“Mọi người về đến làng, câu chuyện bắt chim kể trên cũng nhanh chóng lan nhanh khắp mọi nhà và giá làng. Ai cũng bảo ông già đó chính là Dàng ông chim (pa bhướp a chim), ông thường hay thử tài, tính nết mọi người và giúp đỡ những người thật thà và tốt bụng, thương người.

“Từ đó trở đi, mỗi lần ăn uống gì họ đều dành lòng kính trọng cho các đấng Dàng thưởng thức trước rồi mới đến lượt mình.”

Những già làng sinh sống cả đời, gắn bó máu thịt với rừng đều tôn trọng và quý rừng. Bởi đó là môi trường sinh thái của họ. Rừng với hệ động thực vật phong phú cho họ cuộc sống để tồn tại. Rừng nhiệt đới rậm rạp, đủ các thảm thực vật: cây cỏ, cây bụi, dây leo, cây lá kim, cây lá to, cây có nhựa, cây không nhựa, cây có độc tố, cây không độc và nhiều loại cây dùng làm dược liệu,… Đấy là sự phong phú mà thiên nhiên ưu đãi cho họ. Với tín ngưỡng dân gian vạn vật hữu linh nên tất cả đều có linh hồn, quán xuyến được mọi việc. Thần Rừng cũng từ đó mà có.

Những người trong cuộc như già làng Cơ Lâu Bh’lao ở xã Tr’hy, huyện Tây Giang, một già làng xếp hàng thứ tư trong hệ thống tổ chức xã hội truyền thống Cơ Tu – tức vị thầy cúng – được người được dân trong làng kính trọng (như người Kinh trước kia có thầy phù thủy, người Chăm có thầy cúng thường gọi trân trọng là các paseh – chức sắc adhia – họ chuyên phục vụ các lễ nghi cúng tế). Bởi họ luôn là người thay mặt cộng đồng làng giao tiếp với dàng để gửi đức tin của người dân trong làng đến với dàng. Làng Cơ Tu nói chung xem vị thầy cúng (thường là chủ làng) là người có thể hiểu được ý muốn của dàng, thông thạo luật tục làng, nên họ rất được kính trọng. Luật tục thờ cúng, thờ thần rừng ở xã Tr’hy huyện Tây Giang có đã lâu đời, người Cơ Tu gọi lễ hội tạ ơn rừng là bh’rợ bhiệc lỏỏng c’moo bhuối hơng k’coong da diing. Lễ phẩm dâng cúng tùy theo làng. Làng nghèo thì cúng một con heo, một con gà; làng có của hơn có thể cúng trâu, bò và sau đó tổ chức cho cộng đồng làng tham gia bữa cơm cộng cảm cùng đăh t’ri ngay tại gươl hay tại sân làng. Trong lễ cúng có nghi thức nhạc lễ, chiêng trống được khởi lên để cúng, kèm theo đó là điệu múa tâng tung da dắ – múa bây giờ trở thành múa nghi lễ, múa phục vụ tín ngưỡng – được quay thành vòng tròn múa quanh cây x’nur. Rồi sau lễ là hội, tập trung lại hát giao duyên, hội thi xay, giả, dừng, sàng gạo; thi bắn ná luyện tay săn, hoặc trò chơi đẩy gậy, ném vòng đơn, vòng đôi, … được thanh niên nam nữ trong làng tổ chức, phục vụ cuộc vui.

Trong lễ, có nghi thức nhạc lễ làm cho lễ hội cúng rừng lớn hơn, vang xa hơn để thỉnh cầu nguyện vọng đến được dàng, tổ chức cho cả làng ăn trâu, ăn heo, gà, … đánh trống chiêng, múa tâng tung da dắ, … giữa các làng kết nghĩa anh em, tạ ơn thần rừng trong một năm đã cho dân làng hạt lúa, nguồn nước đủ đầy, người không đói kém. Có được sự giúp sức của dàng, mùa màng theo đó bội thu, dân làng được anh lành, hạnh phúc. Lễ phẩm cúng dàng rừng thường người Cơ Tu dâng lên dàng là sản vật địa phương thu hái từ nơi rừng thẳm.

Mùa xuân tới, hy vọng lễ cúng rừng khẩn cầu cho năm tới lại được mùa, của cải được nhiều hơn. Với luật tục giữ và bảo vệ rừng đầy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, mang đậm ý thức dân sinh, văn hóa rừng, người Cơ Tu sống hòa mình với thiên nhiên, họ xem Mẹ Rừng là thiêng liêng, là gương soi để noi theo cách bảo vệ rừng của Mẹ. Và hãy đừng bao giờ vi phạm lời nguyền.

Truyện về Mẹ Rừng, được chủ làng Bh’riu Pố, thôn A Rấh, xã Lăng, huyện Tây Giang, kể Hai cha con dưới chân núi A Dương, Chuyện rằng:

“ Mẹ Rừng, người mẹ đại ngàn
Người Mẹ sữa vàng muôn vàn tình thương
Mẹ Rừng, người mẹ bốn phương
Năm châu bốn bể, mẹ thương, mẹ gần

Con chim trên trời cao cần rừng xanh bát ngát
Con cá dưới nguồn cần dòng nước trong veo
Con người Cơ Tu cần Mẹ Rừng che chở
Cho dân làng ta sinh sôi, nảy nở
Cho mùa màng ta luôn bội thu
Cho người Cơ Tu khắp muôn nơi mãi mãi trường tồn…
Mất rừng chim không còn tiếng hót
Mất suối, sông cá không còn hơi thở
Mất Mẹ Rừng người Cơ Tu sẽ tàn vong…

“Dọc theo những cánh rừng đại ngàn trên rừng Trường Sơn hùng vĩ, người Cơ Tu sinh sống bao đời nay, biết giữ gìn rừng núi, bởi nơi đây chính là mái nhà của Cơ Tu, che chở cho người sinh sống và tồn tại. Người Cơ Tu ai cũng nghĩ thế.

“Tại vùng đệm của dãy núi A Dương, rất dài và rất cao, trên giáp cây Ba, bên dưới giáp ngã ba suối Nal. Tại dãy núi có rất nhiều chim, chuột, sóc, … sinh sống dọc theo sườn núi đó. Lưng chừng sườn núi Dương là ngôi làng Cơ Tu, ở đó có một gia đình Cơ Tu nhà chỉ có hai cha con. Tại cánh rừng có rất nhiều loài bò sát như ốc, cuốn chiếu, kỳ đà, …sinh sống. Lại có loài gặm nhấm bốn chân như chuột, sóc, nhím, … sinh sống từng đàn. Tối chúng kéo nhau đi ăn, tìm mồi mòn cả khúc đường rừng nhỏ hẹp, trông thấy mà thích. Bởi nhờ có loài cầm thú này mà người Cơ Tu tồn tại, sinh sống được trên rừng Trường Sơn hùng vỹ thế này. Thế nhưng, hai cha con nhà nọ muốn chiếm đoạt hết nguồn lương thực của rừng kia, lại không cho dân làng đặt bẫy săn bắt chim chuột tại dãy núi đó. Một ngày kia, hai cha con giành hết phần của dân làng, họ làm bẫy thò, bẫy thụt đặt trên những lối mòn thỏ chuột hay đi kiếm ăn để đánh bắt. Họ đặt rất nhiều bẫy, cứ năm, sáu mét đặt một số cái. Những cái bẫy có miệng loa như hình tam giác cân, hình tròn, hình vuông, … đủ loại, đặt xuống dất để thỏ, chuột chạy qua sập bẫy.

“Ban đầu hai cha con mài liềm, mài rựa cho bén ra rừng phát quang một con đường dọc theo sườn núi. Đường mòn được mở ra, hai cha con để nguyên vậy ra về. Thời gian phơi cho đường ráo khô và để cho các con thỏ, con chuột, …làm quen với con đường mòn mới khi đi kiếm mồi rồi hãy đặt bẫy đánh bắt.

“Dân làng thấy hai cha con nhà nọ ăn ở keo kiệt, muốn giành lấy hết phần của người khác nên họ không thích. Trong làng có tiếng ra, tiếng vào cho tính tham lam của hai cha con nhà nọ. Họ ăn ở không được phải lòng với bà con trong làng lắm. Họ tranh giành không cho người khác tham gia đặt bẫy tại cánh rừng kia.

“Sau một tháng, các loài chuột, thỏ, kỳ đà, …đã quen với đường mòn mới, hai cha con quyết định chọn một ngày đi đặt bẫy. Họ đặt rất nhiều bẫy, có bẫy hình tam giác cân, hình vuông hoặc hình tròn. Bẫy làm bằng cây giang, buột lên một cái cần bật lên xuống, có một sợi dây nhỏ để thắt cổ con vật lại cho chặt, dễ bắt.

“Hai cha con đặt xong các loại bẫy, để yên đấy và vui vẻ ra về. Không may cho họ, tối hôm sau đặt bẫy xong trời bỗng đổ mưa. Mưa rừng đổ xuống dữ dội cả ngày đêm. Trời bắt đầu lạnh, khói núi tỏa ra càng thêm lạnh lẽo. Hai cha con không có tấm tút, tấm dồ to để mặc. Thời ấy áo, váy mặc không nhiều như ngày này. Thuở đó chỉ có cái khố bằng vỏ cây che thân nên trời lạnh, hai cha con lại co ro hơn trong chiếc áo vỏ cây thưa thớt. Người cha thấy lạnh, ngại khi phải ra rừng thăm bẫy, bèn bảo người con ra rừng thăm bẫy thử thế nào sau trận mưa rừng dai dẳng đổ xuống, mấy chục cái bẫy có đánh bắt được con vật nào không, hay không có được con nào. Người cha bảo con:

– Bây giờ trời đã sáng rồi, con gà gáy rồi, con ngủ gì nữa, thức dậy đi thăm bẫy trên rừng đi!

Đứa con cũng cảm thấy lạnh, trả lời cha:

– Trời lạnh quá mà lại mưa nữa, để ngưng mưa hãy đi thăm chưa muộn.

Người cha lại hối hả giục:

– Đi đi ! Con đi đi ! Còn tiếc gì nữa mà ngủ.

Hai cha con lời qua tiếng lại, dẫn đến con cãi lời cha không chịu ra rừng thăm bẫy. Căng thẳng, hai cha con lên tiếng với nhau, chửi bới nhau trong nhà.

Người cha bảo:

– Con đi đi, cha không đi !

Nhưng sau đó người con vẫn phải ra rừng thăm bẫy. Người con vừa đi, vừa bực mình.

“Ra đến rừng, người con tìm đến đến đoạn bẫy thứ nhứt, đến nơi, nắm cần bẫy giật lên nhìn vào nhưng không thấy thỏ, chuột nào cả. Hắn đặt lại như trước.

“Hắn vừa đi thăm từng cái bẫy, vừa chửi cha hắn. Chửi cha hắn xong, hắn chửi ma rừng, cả thần núi, các thần, ..hắn chửi tuốt cả. Chửi chó mắng mèo luôn cả Mẹ Rừng (người Cơ Tu gọi là Cà Coong=Mẹ Rừng). Vừa chửi hắn lẩm bẩm trong miệng: không có con nào chui vào bẫy cả mà cha bắt mình đi lên rừng thăm bẫy làm gì cho tốn công. Thế này thì, … !

“Đến đoạn bẫy thứ hai cũng không thấy có con nhím, con thỏ, con chuột nào dính vào bẫy cả. Nó nói to lên giữa rừng, vẻ bực mình:

– Nào, có thấy cái gì đâu!

“Đến đoạn bẫy thứ ba, thứ tư, đoạn nào cũng thế, không có gì cả. Đi đến đoạn nào có đặt bẫy, nó cũng chửi thần Trời, thần Đất, thần Sông, thần Suối, …Nó giật mình nói trời, nói đất, mắng chửi, nguyền rủa không ngớt miệng. Nó chửi thần Núi, thần Sông không cho mình bắt con thỏ con chuột mà ăn. Bực mình vì không có cái ăn. Giở cái bẫy nào lên nó căng mắt tìm cũng không thấy gì cả. Hắn bước đi. Đi miết đến đoạn bẫy cuối cùng xa lắm. Đến nơi, hắn ngó thấy cái cần của bẫy, nắm giật lên, nhìn thấy con gì lạ lạ mà hắn chưa gặp hồi nào. Hắn nghĩ, đây là con quái vật mà hắn chưa bao giờ thấy. Hắn nhìn rồi hắn sợ, lẫm bẩm trong miệng: cái con quái gì lạ thế. Hay là ma hay là gì đây rồi. Sao con này lại ở đây. Hắn sợ lắm. Rùng mình. Hắn bèn thò tay vào bẫy rồi rút tay ra quay một trăm tám mươi độ, định chạy về nhà. Nhưng từ đâu trong rừng có tiếng nói vọng ra:

– Đây, trúng bẫy rồi đây này, qua đây mà lấy!

“Hắn nghĩ, hắn biết gặp a vui (các thần nói chung) rồi. Nếu có chạy về nhà cũng không kịp với thần a vui được, làm sao mà kịp chạy thoát ra nhanh hơn thần được chứ. Hắn đã bị con quái vật nắm chặt tay hắn trong cái bẫy. Hắn cố gỡ tay ra, nhưng không thể nào rút tay ra được. A vui nói với hắn:

– Anh có biết tôi là ai không ?

– Dạ ! Dạ !…

– Trước khi anh làm bẫy ở đây cùng với cha của anh, hai cha con anh tham lam lắm. Thứ nhứt, là không cho người khác tham gia phát rừng, tham gia đặt bẫy ở sườn núi này. Thứ hai, là hai cha con anh không xin phép tôi, mà tôi là ai đây ? Là cà canh cà coong đây, là Mẹ Rừng đây. Có tôi mới có được sông, được suối, có núi non, cây cỏ, rồi chim muông, rồi chuột, …mới có mọi cái trên núi này. Tôi sinh ra tôi ở đây, tôi quản lý, tôi bảo vệ. Hai bố con đến đặt bẫy không xin phép, không thưa gửi với tôi mà lại còn chửi rủa tôi nữa, nguyền rủa đất trời.

Những lời nguyền rủa của hắn làm Mẹ Rừng rất tức mình. Nói xong bà dốc cái giỏ to như nón cụt của bà xuống, con chuột trong giỏ rớt xuống đất. Bà bảo:

– Đây! Chuột đây, sóc đây anh mang về mà ăn đi!

“Sẵn đó bà tóm cái cây a ngung (dương xỉ) gần đó. Loại cây chà xát vào da rất rát. Cây dương xỉ khá là to, bà chà vào người hắn. Ối da ơi, nó la, nó hét cả lên:

– Ôi da ơi! Ôi da ơi! Đau quá!

“Nước cây a ngung ăn sâu vào da thịt đến đứt các mạch máu. Máu chảy tứa ra. Nó kêu lên, la cả trời cả đất nọ kia. Bà vừa chà xát, vừa dặn dò nó. Khi chà xong, thân thể nó mềm xìu. Thấy thế, bà chừa lại một ít sức lực cho nó, để nó có thể về nhà được, kể lại chuyện này cho mọi người trong nhà, cho người khác trong làng nghe.

Về đến nhà, mọi người nhìn nó ngạc nhiên, sao hắn lại thế này! Người làng ngạc nhiên:

– Anh là ma hay là người mà lại thế này?

Dân làng kéo nhau đến xem đông. Trên thân thể hắn máu me chảy đầy, nếu không có giọng nói của hắn chắn không ai nhận ra được hắn nữa. Già làng hỏi, dân làng hỏi hắn tại sao ra thế. Nó bèn kể hết lại câu chuyện hắn đặt bẫy với cha hắn và đi thăm bẫy trên rừng. Hắn kể ra hết cho dân làng nghe. Hắn chửi bới thế nào, mắng mỏ ra sao, cả các thần hắn cũng mang ra chửi. Sau khi kể xong hắn ngất lịm và chết.

“Trong khi kể hắn có tả dáng vẻ của Mẹ Rừng. Người đó là con gái giống như người Cơ Tu mình, có vòng đeo, có dây cườm, có tay, có váy, có vòng đeo tay. Hắn kể thế rồi hắn kể thêm tóc tai trông như hoa lá, như là cây cỏ. Chân lại như rễ cây không phải người.

Già làng nghe xong bèn bảo hắn:

– Thế là gặp Mẹ Rừng rồi. Do anh chửi bới nọ kia Mẹ Rừng tức mình bảo anh: chuột này của tôi, kể cả anh cũng của tôi, không có anh là không có chuột, không có cây có cỏ, không có gì trên núi này. Bà nói thế.

“Từ đó trở đi, mọi người hiểu ra rằng trên núi trên rừng này mọi thứ đều có người sinh ra, không phải tự nhiên mà có. Có người nuôi dưỡng, có người bảo vệ. Muốn làm gì đụng tới rừng mình phải xin phép, phải cúng, phải thưa gửi thần linh rồi mới được làm.

“Đến bây giờ nhìn lại, người Cơ Tu ngày trước đã thế, nay giờ muốn lập làng tại một khu đất nào đó phải xin Mẹ Rừng cho phép. Nếu thiên tai, địch họa người Cơ Tu cho rằng làng này hư rồi, không ở đó được nữa, phải chuyển đi ở chỗ khác, lập nên làng mới. Già làng đích thân đến nơi chọn lập làng mới tìm hiểu xem thế lập làng được không. Ông phát quang một vùng rừng rộng rồi đặt lễ phẩm cúng xuống. Cúng giò gà xem thử Mẹ Rừng có cho không.

“Cúng bằng ba cách (ở đây trình bày 2 cách):

Thứ nhứt: nếu không bắt được con ốc, con cuốn chiếu thì lấy cây đót, cạo trên thân bên phải, cạo bên trái đối diện nhau. Sau đó thì cúng. Đặt cây lửa một bên và khấn: Bên này (bên tôi) đây là dân làng, thưa với Mẹ Rừng, thưa với các thần linh. Bên này là chúng tôi dân làng, bên kia là các anh là thần núi, thần rừng, là Mẹ Rừng, là, …Nếu như thần linh vui vẻ cho chúng tôi lập làng tại đây thì tí nữa tôi đốt cái lóng (a tâng) này, nếu đồng ý, cây đót sẽ nổ bên này, bên phía thần linh. Còn nếu Mẹ Rừng và các thần linh không đồng ý thì nổ về phía dân làng. Xong đốt cây đót, không khí nở ra làm lóng đót nổ toang, hoặc bên này, hoặc bên kia không biết được. Nếu đót nổ về phía dân làng, ối chao không được rồi. Vậy là bỏ đi kiếm chỗ khác. Tìm năm sáu chỗ như thế chưa chắc được. Đấy là một trường hợp.

Thứ hai: nếu không có cây đót, dùng con cuốn chiếu hoặc là con ốc (loài bò sát), nắm gốc chuối đặt con ốc, con cuốn chiếu cạnh bên. Dùng máu gà vẫy vẫy lên lễ phẩm cúng rồi khấn: Máu con gà trống đây, tôi cho thần linh ăn, mong thần linh phù hộ dân làng cho dân làng làm nhà tại đây, xin không để xảy ra chuyện này chuyện khác ảnh hưởng đến dân làng. thu hoạch được mùa màng tốt tươi, cho dân làng sức khỏe làm ăn sinh sống.

“Khấn xong, đặt con ốc và con cuốn chiếu xuống tàu lá chuối, vẫy máu gà lên nếu con ốc hay con cuốn chiếu bò về phía thần linh thì được, còn nếu bò về phía dân làng, là mẹ Rừng và các thần linh không chấp thuận.

“Nếu sau khi khấn con ốc hay cuốn chiếu bò về phía dân là Mẹ Rừng và các thần không cho lập được làng.

“Từ đó trở đi bà con Cơ Tu biết rằng khi đi trên rừng hay làm việc gì trên rừng đừng bao giờ chửi bới thần rừng, các thần linh; đừng vi phạm lời nguyền rủa, bởi như thế Mẹ Rừng nghe, các thần nghe làm khổ cho mình, cho dân làng, lấy đi tính mạng con người”.[26]

7. Tính vận động sáng tạo trong tín ngưỡng

Thể hiện qua các hình dáng các tượng thờ, các vật thiêng, các lời khấn của thầy cúng không giống nhau giữa các làng và không giống nhau năm này và năm khác. Các hình thức bày biện khi cử lễ, việc trang trí cây nêu (x’nur – cây cột lễ) không giống nhau hoàn toàn giữa các làng Cơ Tu và giữa các năm. Họ luôn thay đổi biểu tượng lễ (con trâu gỗ) niềm tin cũng biến đổi theo cách nhìn nhận khác trước đã tác động đến dàng. Sự giàu có lên trong cộng đồng liên quan đến sự sáng tạo trong tín ngưỡng dân gian tộc người Cơ Tu, là sự đồng thuận của dàng hay ngược lại, từ đó sáng tạo thêm của cải vật chất và của cải tinh thần cho cộng đồng cho mỗi nhà và cho mỗi cá nhân. Bởi vì tín ngưỡng đã tạo niềm cảm hứng, niềm tin cho cá nhân và cộng đồng có sự thăng hoa trong cuộc sống đã tạo nên các mô hình gươl, nhà mồ, các tượng gỗ, các hoa văn hình học trên thổ cẩm, trên trang trí trong gươl. Sáng tạo nên lời nói – hát lý -, … và các loại hình nghệ thuật khác. Khi con người có niềm tin vào dàng, thần thông qua các biểu tượng (tượng gỗ dàng, thần), đến lượt con người sáng tạo ra các biểu tượng theo chu kỳ phát triển, sáng tạo ra gươl, ra các bức tượng, phù điêu khắc gỗ treo tại gươl và đó chính là tính sáng tạo có được từ niền tin thông qua tín ngưỡng dân gian của người Cơ Tu. Trên rừng núi Trường Sơn. “Niềm tin, nhất là cấp độ tiềm thức, dễ dẫn con người đến tình trạng hiến thân toàn tâm, toàn ý cho việc thực hiện nó. Vào tình trạng đó, con người có thể huy động toàn bộ năng lực, ý chí và thực hiện những việc mà vào lúc bình thường họ không tài nào làm nổi. Đó là tình trạng thăng hoa được thức đẩy bởi một niềm tin sâu sắc. Trong tình trạng thăng hoa đó, rất dễ có những cảm xúc mạnh mẽ và trí tưởng tượng dồi dào. Đó cũng là cơ sở cho những sáng tạo nghệ thuật vô giá.” [27] Trong trạng thái thăng hoa sung mãn đó năng lượng sáng tạo của con người trong một hoạt động nào đó do cảm hứng thúc đẩy, ở đó người Cơ Tu thể hiện tinh thần rất riêng và thiêng liêng và để cho cảm xúc của mình bay bổng, được huy động tối đa và cứ thế sự sáng tạo tiệm cận với những biểu hiện mà lúc bình thường họ không làm được. Trong điều kiện đó, tư duy của những nhà sáng tạo văn hóa vượt ra khỏi ranh giới bình thường để đạt đến lằn ranh đặc biệt tạo ra một hình thức hay một hiện tượng văn hóa nào đó phục vụ yêu cầu thẩm mỹ của con người. Trong điệu múa tơntúng dadăq, trạng thái sung mãn của các nghệ nhân múa kết hợp với năng lượng sáng tạo trong hoạt động múa, theo đó, điệu múa mềm mại hơn trong da dắ, nhưng cũng quyết liệt hơn trong động tác tâng tung. Những lúc đó, trạng thái tâm lý của các cô gái Cơ Tu khi dang tay múa da dắ hay các chàng trai trong niềm đam mê khi nắm khiên, nắm kiếm, cây mía hay rung rang, … với điệu tâng tung hùng tráng, cảm hứng lúc đó đạt đến tinh thần thiêng liêng khi đứng vào đội hình nghi lễ hiến tế thần linh.

Những sáng tạo như gươl, cây nêu (cột lễ), các nghệ thuật tạo hình: tượng khắc gỗ, các hoa văn trên thổ cẩm, … đều xuất phát từ tín ngưỡng dân gian với niềm tin vào bản thể vũ trụ Trời – Đất, trong đó con người tiếp xúc với khoảng rộng mênh mông của văn hóa, để theo đó đến lượt con người trở thành một cơ quan đặc biệt của văn hóa, bởi con người sáng tạo ra văn hóa, thông qua cảm hứng từ Trời – Đất, tự thể hiện dựa trên sự tự do sáng tạo mà con người luôn sáng tạo ra văn hóa, phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần ngày càng cao của loài người. Và người Cơ Tu cũng từ cảm hứng văn hóa, vận hành trong mối quan hệ xã hội – cho dù là xã hội khép kín – cũng có những sáng tạo vật thể, làm phong phú thêm bản giá trị văn hóa tộc người mà từ xưa nay luôn hào hứng. Họ cư trú, sinh sống dọc theo sườn đông Trường Sơn, mỗi lúc một tăng thêm, tạo ra một trạng thái đặc biệt thích nghi môi trường rừng núi có nhiều khắt nghiệt để từng bước họ sáng tạo ra văn hóa. Biện pháp cách tân và kế thừa tạo ra văn hóa thông qua các biểu tượng với nhiều cảm xúc được huy động phục vụ cuộc sống, trong đó cuộc sống cộng đồng là quan trọng, có tính quyết định cho lưu giữ, duy trì và phát triển văn hóa.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe


[1] Tư liệu điền dã tại xã Lăng, huyện Tây Giang.

[2] Chuyện ma bắt giống quan niệm người Kinh vùng đồng bằng, trước đây họ cũng cho rằng có ma bắt: ma bắt giấu vào bụi tre, ma bắt nhảy sông, ma bắt đau bất thường, … cũng còn có quan niệm “xang” (Xang là hiện tượng ngẫu nhiên khi đi ngang qua đình, miễu, nhất là am khán thờ dọc đường, gặp phải lúc ma quỷ có ở đó nên bắt về nhà lâm bệnh, như thế người dân gọi là :xang”. Xang không chữa khỏi bằng Đông Y, Tây Y mà phải đặt bàn hương án tại sân nhà (theo hướng nào đó) van xin ba đêm liền, bệnh sẽ khỏi (?). Nay, thảng có vùng tại Quảng Nam, Đà Nẵng vẫn còn tin thế!

[3] Tư liệu điền dã tại xã Lăng, huyện Tây Giang 6/2020.

[4] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1992) trong Dictionnaire des symboles, Édition revue et augmentée, Robert Laffont, Pais 1992.

[5] 1. Thờ tổ nghề: Những gia đình theo nghề chuyên môn nào đó (nghề mộc, nghề rèn, nghề kim hoàn, nghề thêu may…) thường thờ Thánh sư, tức vị tổ nghề. Thờ Thánh sư là một biểu hiện đẹp đẽ trong tâm linh người Việt. Người ta tin rằng, Thánh sư đã sáng tạo ra ngành nghề thì vẫn sẽ quan tâm và phù hộ cho các thế hệ con cháu tiếp tục phát đạt theo nghề. Bàn thờ Thánh sư để một góc nhà riêng, không lẫn với bàn thờ gia tiên, có bài vị, đỉnh trầm hay bát hương. Lễ Thánh sư thường vào những ngày sóc (ngày mùng Một âm lịch, “sóc” là mở đầu), ngày vọng (ngày rằm âm lịch, “vọng” là trông, ngày này, người xưa thường ra sân ngắm trăng), ngày sinh hay ngày mất của Thánh sư. Nhiều gia đình thường đặt lên bàn thờ Thánh sư sản phẩm tốt nhất mới làm được với ý nghĩa trình lên tổ sư kết quả mới khi phát huy sự nghiệp của vị tổ nghề. (Internet). 2. Thờ Long quân chúa mạch: Người Việt Nam tự nhận là con Rồng cháu Tiên. Dân gian gọi là Bố rồng, cũng gọi là Vua rồng, theo chữ Hán gọi là Long quân, Long vương. Bố rồng ở dưới nước, được gọi là Long vương, Bố rồng ở trên mặt đất được gọi là Long quân. Như vậy, các gia đình làm nhà trên đất liền, bao gồm nhà cửa, vườn tược, cây cối, đều được một vị thần quản lý, phù hộ. Vị thần ấy được tôn là Long quân chúa mạch. Không có bàn thờ riêng, thần thường ngự trên hương án đặt trước bàn thờ tổ tiên, là thần coi sóc toàn bộ gia đình. (Internet). 3. Thờ nhị vị Môn thần: (Còn gọi là Ông Thiện, Ông Ác). Theo truyền thuyết Trung Quốc, đời thượng cổ, ở ngoài khơi Đông Hải có ngọn núi tên là Độ Sóc Sơn. Chân núi có cây đào cổ thụ, hai ông thần ngồi dưới cây chuyên trừng trị loại yêu quái ngoài biển Đông nên dân gian thường chọn mảnh gỗ đào, vẽ hình hai vị thần ấy treo hai bên cánh cửa để trừ tà ma. Đến đời nhà Đường, vua Thái Tông về già, đêm đêm sinh ra chứng hoảng loạn, mất ngủ, lúc nào cũng thấy ma quái nên cho gọi hai tướng: một người là Trần Quỳnh, mặt vàng, một người là Uất Trì Cung, mặt đen, chặn giữa cửa cung. Từ đó, ma quỷ sợ không dám đến nữa. Hai câu chuyện trên dần dần nhập vào nhau. Hai vị thần ở Độ Sóc Sơn và hai vị tướng nhà Đường cũng lẫn lộn với nhau, tên gọi cũng khác đi. Dân gian gọi một cách đơn giản là Nhị vị thần môn, hay là Ông Thiện, Ông Ác. (Internet) 4. Thờ thần bếp (Đông trù tư mệnh): Người ta tin rằng, bộ hạ của Ngọc Hoàng thượng đế có một vị quan mang tên hiệu là Đông trù tư mệnh. Vị quan này có nhiệm vụ theo dõi sinh tử cho những người dưới trần gian. Ông theo mệnh lệnh của Ngọc Hoàng mà định đoạt số phận cho từng con người (tư mệnh là như thế). Là một vị quan ở trên thượng giới, ông không có bàn thờ riêng ở từng tư gia. Nhưng người dưới trần phải biết đến ông, phải khẩn cầu nhờ ông phù hộ. Cùng với các vị thần coi đất đai, cửa ngõ, bếp núc, ông thường về ngự trên hương án, trước bàn thờ tổ tiên của các gia đình. (Internet) 5. Thờ Táo phủ thần quân: (tức Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ). Bên cạnh thờ cúng tổ tiên, người Việt còn thờ cúng Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Thổ Công là thần trông coi không gian bao quanh gia đình, Thổ Địa trông coi mạch đất của gia đình, còn Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Điều này xuất phát từ truyền thuyết dân gian, “xưa có hai vợ chồng nhà nọ rất nghèo khổ. Chồng tên là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Họ lấy nhau đã lâu mà không có con, cho nên thường buồn phiền cãi lẫy với nhau. Một hôm Trọng Cao quá tức giận mà đánh vợ. Tức mình, Thị Nhi bỏ nhà ra đi, rồi gặp một chàng trai là Phạm Lang, anh này đã dùng lời ngon ngọt và khéo léo quyến rũ được Thị Nhi. Hai người ăn ở với nhau thành vợ chồng. Khi Trọng Cao hết giận, thấy vợ bỏ đi mất, liền đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng không thấy, buồn rầu bỏ công ăn chuyện làm, ra đi làm người hành khất để đi tìm vợ. Một ngày, Trọng Cao đến một nhà khá giả xin ăn, bà chủ nhà đem cơm ra cho. Thì ra đó là Thị Nhi. Hai người nhận ra nhau, tình xưa nghĩa cũ dễ nào quên. Thị Nhi hối hận vì đã lấy Phạm Lang. Họ đang hàn huyên thì bất ngờ Phạm Lang từ ngoài đồng đi làm về, Thị Nhi mới nói Trọng cao vào ẩn trong đống rơm. Phạm Lang về nhà cốt để lấy tro bón ruộng, nên đốt đống rơm lấy tro. Trọng Cao đang say ngủ trong đống rơm vì đường xa mỏi mệt ấy bị chết cháy. Người vợ cũ là Thị Nhi, thấy vậy cũng lao vào lửa chết theo. Phạm lang thấy vợ chết cũng lao mình vào đống rơm đang cháy ấy mà chết. Thượng đế thấy ba người có nghĩa mới phong cho làm Táo Quân, và phân chia mỗi người một việc: Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp; Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà; Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom việc chợ búa”.

Việc thờ các thần này trong gia đình người Việt thực chất là thờ trời đất, trong đó gắn với quan niệm của Đạo giáo về ngũ phương. Do người dân chỉ quen gọi là Thổ Công và chỉ nhớ có Thổ Công nên trong Thổ Công đã bao hàm cả Thổ Địa, Thổ Kỳ. Thổ Công là một dạng của Mẹ Đất, là vị thần trông coi nhà cửa, định đoạt họa phúc cho một gia đình. Thổ Công còn là vị thần quan trọng nhất trong gia đình. Nhà nào cũng lập một bàn thờ Thổ Công.

[6] Tư liệu điền dã tại thôn Tà Lang Giàn Bí (xã Hòa Bắc), thôn Phú Túc (xã Hòa Phú), huyện Hòa Vang. Bà Hoàng Hà Giang cung cấp.

[7] Cách định danh của người Cơ Tu vùng Tây Giang, gọi rổ/rá trên đầu cây x’nur là pà pà.

[8] Màu đỏ (bhrôông) chế xuất từ cây củ nâu ; màu đen (tăm) chế xuất từ cây tà râm ; màu nâu chế xuất từ củ ma rớt, màu trắng (bhooc), màu xanh (ta viêng), màu vàng (rơớc).

[9] Nay quan niệm thế thời nay người Cơ Tu không còn sử dụng, nhưng biểu trưng con gà trống với niềm tin của người Cơ Tu thời trước mạnh mẽ thế nào trong phương thức xem vật đoán việc.

[10] Trống thuộc bộ gõ, người Cơ Tu có ba loại trống: 1/ Trống nhỏ, đường kính 17 cm, cao 60 cm. Trống trung, đường kính 20 cm, cao 80 cm. Trống cái, đường kính 30 cm, cao 50 cm. Thân/ tang trống là khối gỗ đục rỗng. Trống cái đánh lên khi có sự việc: có mưa lũ, trâu vào làng phá hại, thú dữ vào làng gây hại, xung đột ngoài làng thâm nhập vào làng.

[11] Người Kinh cũng có tục thờ cây mía trong những ngày Tết cổ truyền.

[12] Nguyễn Việt Hùng (13 july 2010), Tục thờ đá trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-to-chuc-doi-song-ca-nhan/1700-nguyen-viet-hungtuc-tho-da-trong-tin-nguong-dan-gian-viet-nam.html

[13] Dictionnaire des symboles (1992).

[14] Tư liệu điền dã tại xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

[15] Le Pichon (1938), tlđd.

[16] Tư liệu điền dã do ông Y Kong trao đổi (5/2017). Ông kể, ông có một người bạn thân sinh sống tại xã A Xan, nghe tin bạn mất, ông đi thăm viếng tang. Đến nơi ông không tìm thấy lễ tang theo tục lệ người Cơ Tu, không có hát thương tiếc (nói – hát lý đám tang) mà tất cả là lễ tục người Kinh (Việt) được trao truyền và tổ chức thực hiện.

Trong một lần điền dã 5/2018, đến thôn Tà Lang, Giàn Bí, một chị người Kinh (Việt) kể rằng: “Lúc lên đây họ có tục là người chết là chôn rứa thôi, sau ni người Kinh lên cũng có nói chuyện, khuyên họ là người thân của mình thì không nên bỏ mặc, nhất là trong đám ma vì họ rất sợ người chết nên ngày đưa ma là không có ai dám ra đường, bỏ xuống huyệt là chạy thật nhanh về nhà. Nói mãi thì họ cũng đưa đám đàng hoàng nhưng họ đi theo kiểu đi ngược (thụt lùi) để cho ma quỷ không biết mà theo về nhà. Tới chỗ chôn họ cũng chỉ vội ném một viên đá xuống chứ không dám nhìn. Bây giờ thì hết rồi”. (Bà Hoàng Hà Giang cung cấp).

[17] “Người Aztèque (ở Mehico xưa) quan niệm rằng, những phụ nữ chết khi sinh đẻ được nhập với những chiến binh bị hiến sinh hay tử trận. Họ tiếp nối những người này, từ giờ trưa, đi theo Mặt trời trong nửa thứ hai của hành trình ban ngày của nó. Cùng với các chiến binh, họ tạo thành một cặp biện chứng phát triển – thoái triển. Mang khuôn mặt đi xuống của cặp biện chứng ấy, của ánh sáng đi vào bóng tối, họ là một phần biểu hiện nguy hiểm của cái thiêng liêng. Soustelle nói rõ: đôi khi họ hiện ra ở mặt đất vào buổi hoàng hôn, ở các ngã tư. Họ làm cho những người gặp họ khiếp đảm, làm cho những người này động kinh hay bại liệt, nghĩa là những tai họa thiêng liêng. Người đàn bà chết sau khi cho ra đời một đứa con, trong tất cả các nền văn hóa đều có một ý nghĩa thiêng liêng, giống ý nghĩa của việc hiến tế mạng người để bảo đảm tính trường tồn không chỉ của sự sống mà cả của bộ tộc, quốc gia, gia đình” (Jean Chevalier, Alain Gheerbrant. Dictionnaire des symbols. Édition revue et augmentée. Robert Laffont, Paris 1992, Phạm Vĩnh Cư (Chủ biên dịch thuật, 2002).

[18] Vấn đề này, người Kinh miền xuôi có quan niệm chết có hai hình thức: chết bình thường và chết bất đắc kỳ tử. Chết bất đắc kỳ tử là chết ngoài đường, ngoài nhà ở, chết bất ngờ ngoài ý muốn, như xe tông chết, thắt cổ tự tử chết, cây đè, ngã giàn, chết trôi (đuối nước), … Người miền xuôi quan niệm chết đường là cách chết đau khổ nhất, hệ lụy cho những người thân. (Người bệnh nặng hết phương cứu chữa tại bệnh viện cũng bằng mọi cách mang về nhà để chết). Chết như thế, không được mang thi thể vào nhà. Cách nay trên dưới 15 năm, người chết theo cách này, được đưa thi thể vào trong cổng vườn (ngoài sân), tuyệt, không đưa thi thể vào quàng trong nhà. Quan niệm rằng như thế oan hồn sẽ không theo xác vào nhà, hồn ma vất vưỡng ngoài đường và thường làm hại những người có quan hệ huyết thống gần với người chết. Đưa thi thể bất đắc kỳ tử vào nhà tổ chức mai táng sẽ dẫn theo hệ lụy đến cho người thân, có thể gây nên ốm đau, đói kém và cao nhất là chết chóc. Hung thần, hồn sư chết theo cách này trở nên rất dữ. Do đó người miền xuôi vẫn có hình thức kiêng cữ. Đây là hủ tục, cần loại bỏ. Nay, tục kiêng cữ này được loại bỏ.

[19] Bút Tưa: làng, tiếng Cơ Tu viết Bút cu Đhưa là tên gọi người đến lập làng. Ông A Ting Đhưa là người có nhiều của cải, lúa, trâu, heo, bò. Trong làng ai khó khăn đói kém ông giúp đỡ. Năm 1979, bỗng dung ông treo cổ chết tại nhà. Người dân làng thương tiếc ông, lấy tên ông đặt cho tên làng, gọi là Bút Tưa. Bút, bởi nguyên trước kia làng thuộc làng Bút, trước năm 1975 do chiến tranh, dân phiêu dạt nhiều nơi, sinh sống nhiều chỗ, lập nên ba làng, chuyển hóa địa danh thành Bút Nhót, Bút Tưa, Bút Nga. Tháng 4/2018, thực hiện Quyết định 179-QĐ/UBND ngày 18/01/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam về thành lập, đổi tên thôn, khu phố thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Theo đó, sau khi điều chỉnh, sắp xếp lại, địa danh Bút Nhót, Bút Tưa, Bút Nga không còn. (Xem: Võ Văn Hòe (2019), Địa danh Quảng Nam xưa và nay (Quyển 1), Nhà xuất bản Hội Nhà Văn).

[20] Mồng 4 tết Giáp Ngọ (2014), anh A Lăng Nghĩa (30 tuổi), tự thắt cố chết tại nhà em trai, bỏ lại vợ và hai con nhỏ. Sau cái chết của chủ làng A Ting Đhưa (Bút Tưa) năm 1979; đến năm 2007, một người trong làng là A Lăng Nhất treo cổ chết; tháng 12 năm 2013 (Quý Tỵ), A Lăng Tròn 32 tuổi (cháu A Lăng Nhất), treo cổ tự tử, bỏ lại vợ và năm con. Từ đây, người dân nhìn lại, có vẻ tỏ dấu hiệu lo lắng, hoang mang. Đến mồng 4 tết Nguyên đán (Giáp Ngọ – 2014), anh A Lăng Nghĩa (30 tuổi) treo cổ chết. Bấy giờ người dân cho rằng làng đã bị ma xấu có danh xưng là con ma Pơ rong đến ám và phá hại cả làng. Dân làng bỏ công việc nương rẫy, thu mình ở nhà, đóng cửa trong nỗi khiếp sợ. Đường làng vắng vẻ, đêm không có ai dám ra đường. Các thầy lý dịch người Kinh được nhờ gieo bói, và cho rằng: nếu không cúng dàng, trong vòng ba mươi ngày, làng sẽ còn ba người hai nam, một nữ tự tử tiếp theo. Theo quan sát của nhiều người quan tâm, trong hai ngày mồng 7 và mồng 8 tháng Hai năm Giáp Ngọ, 2014), 21 gia đình, với 85/239 nhân khẩu của thôn Bút Tưa đã tháo bỏ nhà cửa để ma xấu không có nơi ẩn náu. Họ đã tháo chạy trong đêm cách làng cũ 2 km đến ở nhà người thân, người quen nhờ tá túc. Họ chạy nhanh đến nỗi, chính quyền xã Sông Kôn không kịp động viên, giải thích hủ tục ma xấu tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

[21] Lễ cúng tổ chức tại hai địa điểm: 1/ Tại nơi đập phá nhà cửa bỏ đi; 2/ Tại nơi mới đến tá túc. Lễ cúng chia thành 4 diên (lần), phẩm vật dâng cúng có thể là con heo hoặc con chó (thú bốn chân). Lần 1, 2 dùng máu của vật hiến tế đánh dấu, khoanh vùng nơi dân dời đi và nơi dân đến tác túc. Trong vòng ba ngày sau khi khoanh vùng cách ly, không một ai được vào – ra khu vực cách ly. Cúng như thế đủ bốn diên. Ai vi phạm, luật tục sẽ điều chỉnh nghiêm khắc, buộc phải cúng như thế đủ bốn diên để giải trừ ma xấu.

[22] GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh (2019), Những biểu hiện tín ngưỡng trong văn hóa dân gian, Tài liệu tập huấn tại thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, tháng 6/2019, tlđd.

[23] trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn.

[24] Jean Chevalier, Alain Gheebrant. Dictionnaire des symboles, Sđd.

[25] Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1992). Người dịch Phạm Vĩnh Cư (chủ biên) và các thành viên. Dictionnaire des symboles. Édition revu et augmentée. Robert Laffont, Paris. p.581.

[26] Tư liệu điền dã tại thôn A Rất, xã Lăng, huyện Tây Giang, tháng 4/2019. Võ Văn Hòe ghi theo lời kể ông Bh’riu Pố tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, nhân ông tham gia trại điêu khắc gỗ Cơ Tu, tại Phú Túc, Hòa Vang ngày 24/4/2019.

[27] GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh (2019), Những biểu hiện tín ngưỡng trong văn hóa dân gian, trong Tài liệu tập huấn hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức tại thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, tháng 6/2019.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây