Tình yêu lý tưởng trong thơ Rabindranath Tagore – Tác giả: Tiểu Mai

Với tài năng xuất chúng và gia tài đồ sộ về văn chương, nổi bật là thi ca, Rabindranath Tagore trở thành đại biểu xuất sắc và tinh hoa của văn học Ấn Độ. Tuy nhiên, tài năng của Tagore không chỉ giới hạn trong thơ mà còn mở rộng ra truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, âm nhạc và nghệ thuật.

Thi hao Rabindranath Tagore min - Tình yêu lý tưởng trong thơ Rabindranath Tagore - Tác giả: Tiểu MaiThi hào Rabindranath Tagore

Rabindranath Tagore, một tài năng hiếm có

Khi Tagore được trao giải Nobel Văn học năm 1913, ông trở thành người đầu tiên không phải người châu Âu đoạt giải này. Ông đã được trao giải sau khi xuất bản tập thơ nổi tiếng “Gitanjali”.

Tagore được công nhận, theo tuyên bố của ủy ban Nobel, “vì những vần thơ đẹp đẽ, tươi mới và nhạy cảm sâu sắc của ông, nhờ đó, với kỹ năng hoàn hảo, ông đã biến tư tưởng thơ ca của mình, được diễn đạt bằng ngôn từ tiếng Anh của chính ông, trở thành một phần của văn học thế giới”.

Tagore không phải là một cái tên xa lạ với độc giả Việt Nam. Trong các nhà thơ châu Á, Tagore là nhà thơ duy nhất có tác phẩm được dịch và in nhiều nhất ở Việt Nam. Với riêng nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân, Tagore đã là một phần của tâm hồn, một phần của trái tim mình, sau rất nhiều bản dịch.

Nha tho dich gia Bui Xuan min - Tình yêu lý tưởng trong thơ Rabindranath Tagore - Tác giả: Tiểu MaiNhà thơ, dịch giả Bùi Xuân.

Năm 2022, “Rabindranath Tagore – Những bài thơ” được phát hành bởi Nhà xuất bản Kim Đồng. Đây là bản dịch tập thơ thứ năm của Bùi Xuân. Rabindranath Tagore là thi hào mà bao năm anh ngưỡng mộ chân thành và đắm đuối say mê. Vì thế, anh dồn hết tâm sức để hoàn thành phần việc đầy khó khăn nhưng cũng đầy hân hoan này. Theo nhà văn Nhật Chiêu, Bùi Xuân đã góp phần đáng kể để thế hệ trẻ ngày hôm nay tìm đến Tagore với tình yêu và sự kính nể.

Nhận xét về Tagore, nhà thơ Bằng Việt nói: “Một nhân cách lớn có tầm suy tưởng vươn cao hơn thời đại mình, có ý thức quyết liệt giải phóng con người mình, rất gần với tư tưởng cách mạng dân tộc dân chủ, chứ không hề chịu đựng lặng lẽ ngụp lặn trong các khuynh hướng tôn giáo và triết lý duy tâm siêu hình hay nhập thân vào các ý niệm tượng trưng thần bí, để bị động rơi vào tâm trạng bi quan, cô độc, thiển cận và hoài cổ…”.

Và đây là cách mà Tagore tự giải phóng bản thân bằng thơ ca, qua lời dịch của Bùi Xuân: “Những vì sao xé nát tim đêm/ xâu thành chuỗi hạt/ một vài thợ kim hoàn ở ngoại ô thiên đường, có thể trả giá cao/ Nhưng các vị thần sẽ bỏ lỡ các giá trị thanh cao/ với bao điều thiêng liêng huyền diệu…”

“Sóng gầm trên sông chìm trong bóng tối mênh mông/ Sấm sét đùng đùng, tia chớp sáng lòe/ Ánh sao lịm chết/ Thương cho kẻ bơ vơ! Thương cho kẻ lang thang không nhà!”

“Trên con đường đẹp như cổ tích/ ánh sáng và bóng tối nhận ra nhau/ Những ngọn cỏ lênh khênh gửi những gợn sóng hân hoan lên trời/ qua những bông hoa/ và tôi nhìn đăm đăm về phía chân trời/ tìm kiếm bài hát của mình.”

“Tôi đã đạt được phúc lành ở cuộc đời này/ cho Cái Đẹp/ Tôi đã được nếm mật hoa trong chiếc bình thương yêu của con người/ Nỗi buồn, khó khăn chịu đựng/ Cho tôi thấy tâm hồn bình an, vô sự…”

Hiện tượng văn chương truyền cảm hứng

Rabindranath Tagore – Nhung bai tho – dich gia Bui Xuan min - Tình yêu lý tưởng trong thơ Rabindranath Tagore - Tác giả: Tiểu Mai“Rabindranath Tagore – Những bài thơ” – dịch giả Bùi Xuân

Dễ thấy, tình yêu là một chủ đề lớn trong thơ Tagore: Yêu đời, yêu người. Đặc biệt, tình yêu đôi lứa trong tâm tưởng của ông luôn đắm say, chung thủy, nồng nàn. Phần lớn những tác phẩm của ông đều xuất phát từ một niềm cảm thông sâu sắc và sự tận hiến cho cuộc đời.

“…Tất cả niềm vui, nỗi buồn, mong mỏi của trái tim/ Tất cả kỉ niệm của những khoảnh khắc ngây ngất/ Tất cả lời bài hát tình yêu của các nhà thơ ở mọi thời đại/ Đến từ khắp nơi/ Và quy tụ trong tình yêu duy nhất dưới chân em.”

Tập “Rabindranath Tagore – Những bài thơ”, tác giả vẫn duy trì và phát huy được thế mạnh trong năng lực suy tư và lí giải nhiều vấn đề tinh tế của đời sống tâm linh và đời sống xã hội. Đôi khi, ông cũng đề cập đến nhiều khía cạnh thời sự trong thời mình sống. Bùi Xuân đã giới thiệu trọn vẹn tâm ý mà Tagore gửi gắm vào thi ca.

Tagore đã khẳng định bản sắc của mình trước toàn thế giới và thông qua những tác phẩm vĩ đại của mình đã tạo ra tương lai của Ấn Độ hiện đại. Ngoài ra, Tagore không chỉ coi giáo dục là nền tảng của sự phát triển mà còn tuyên truyền quyết liệt về giáo dục, coi đó là quá trình bài trừ những tệ nạn của xã hội.

Chỉ vì những ý tưởng tuyệt vời mà ông đã trở nên vĩ đại, trở thành một hiện tượng văn chương truyền cảm hứng.

T.M

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây