Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật – Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật [1]

Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

I. VĂN BẢN CỔ ẤN ĐỘ VỀ KHO THIÊNG TRONG LÒNG THÁP

Nghi thức xây dựng công trình lớn, đặc biệt là đền thờ thần linh, đã được ghi chép rải rác trong các văn bản cổ của Ấn Độ từ thế kỷ 7, và được tập hợp thành bộ sách Kāśyapaśilpa ( Thuật kiến trúc Kasyapa [2] ) vào khoảng thế kỷ 11 -12. Ba chương quan trọng trong KāśyapaśilpaNghi thức đặt những viên gạch đầu tiên (Prathameṣṭakā-nyāsa), Nghi thức đặt kho thiêng (Garbha-nyāsa) và Nghi thức đặt những viên gạch đỉnh công trình (Mūrdeheṣṭakā-nyāsa) (Anna 2007) [3]. Nghiên cứu các nghi thức trong văn bản cổ này chúng ta có thể nhận ra ảnh hưởng của nó đến cách thức kiến trúc đền tháp ở Champa nói riêng và ở các nước Đông Nam Á nói chung; đặc biệt là góp phần sáng tỏ lý do, ý nghĩa của những vết tích bí ẩn còn lại ở các di tích Chăm. Sau đây là một số đoạn trong bộ sách Kāśyapaśilpa, dịch theo bản tiếng Anh trong Anna 2007.

  1. Nghi thức đặt những viên gạch đầu tiên (Prathameṣṭakā-nyāsa): Gồm 54 câu, nói về cách chọn đất, đào hố móng, cách tính tương ứng giữa chiều rộng của móng và chiều cao của công trình, việc chọn gạch và vị trí cách thức đặt những viên gạch đầu tiên.

“Câu 34, 35. Mặc y phục mới, quấn khăn trên đầu, xức dầu, trang sức hoa thơm, làm phép sakalikarana, đeo năm món đồ trang sức, thầy tư tế tiến hành việc rửa những viên gạch đầu tiên.

  1. 37. Đeo sợi pratisara vằng vàng hay bằng vải, miệng đọc câu thần chú hud, thầy tư tế đặt những viên gạch đầu tiên trên nền đất ở bốn hướng xung quanh. Dùng bột gạo kẻ chữ la ở phía đông, chữ va ở hướng Yama, chữ ra ở hướng Varuna, chữ ya ở hướng Soma…
  2. Sau khi cúng, các viên gạch được bọc trong vải và đặt một viên ở hướng bắc, một viên ở hướng nam với đầu quay về đông; hai viên còn lại đầu quay về bắc. Các viên gạch phải được đặt đúng ví trí, các viên gạch tượng trưng cho các thành tố, gồm đất và các thứ khác.

39, 40. Đặt chín cái lọ mới, bắt đầu từ chính giữa. Các chiếc lọ được quấn bằng vải và buộc bằng dây, trang trí bằng cỏ kuaa; có đậy nắp, bên trong đổ đầy nước có hương thơm và được trang trí bằng những hoa sen bằng vàng.

  1. An vị Sadakhya tại chiếc lọ ở giữa, các vị thần bảo vệ phương hướng tại những chiếc lọ chung quanh. Đặt các câu thần chú trong các chiếc lọ. Thành tâm cúng hương thơm và các vật phẩm, sau đó đem đốt để dâng cúng (…)

51, 52. Sau khi đọc năm câu thần chú bhrama, bắt đầu từ hướng đông, đặt hai viên gạch đầu hướng về đông-bắc, đuôi hướng về tây-nam; một viên gạch ở phía đông-nam và một viên gạch ở phía tây-bắc . Ở chính giữa, đặt đá quý và một bông sen bằng vàng.

  1. Sau khi xoa lên gạch bằng bằng năm loại đất, lấy nước trong bình đổ vào giữa, nếu nước chảy về bên phải là điềm tốt, nếu chảy về bên trái là điềm xấu….”
  2. Nghi thức đặt kho thiêng (Garbha-nyāsa). Về mặt thuật ngữ, chữ Garbha trong tiếng Sanskrit có nghĩa là “ nơi chứa đựng bào thai”, cũng có nghĩa là “phòng sâu kín ở trung tâm của một nơi thờ tự”. Nyāsa có nghĩa là đặt, để, ký thác. Các vật quý đặt tại đây không chỉ nhằm dâng tặng thần linh mà có ý nghĩa như sự ký gửi để cầu nguyện cho sự sung túc. Chúng tôi tạm dùng cụm từ “kho thiêng” để chỉ những vật phẩm đặt trong lòng tháp với mục đích ký thác cho thần linh nhằm cầu xin sự bảo trợ và ban phúc của chư thần; ngoài ra để thật sát nghĩa với văn bản gốc có thể gọi là “kho ký cúng” với ý nghĩa là “kho báu vừa ký thác vừa dâng cúng”.

“Câu 1,2,3. Bây giờ ta sẽ giảng chi tiết về nghi thức đúng đắn để đặt kho ký cúng. Ngôi tháp là một cơ thể. Kho ký cúng là nguồn sinh khí. Không ai vào ở trong một ngôi nhà không có kho ký cúng, dù chỉ một lần. Ta và chư thần sẽ không ở lại trong ngôi đền nơi mà không có một kho ký cúng. Vì vậy nghi thức đặt kho ký cúng phải được tiến hành chu đáo. Kho ký cúng sẽ ban tặng phúc lộc cho chúng sinh. Ngược lại (không có kho ký cúng) tai họa sẽ xảy đến…

7,8. Hộp đựng vật phẩm ký cúng được làm bằng vàng, bạc hoặc đồng. Hộp làm bằng vàng là tôn quý nhất, hộp bằng bạc là bậc trung, còn hộp bằng đồng là bậc thấp. Nhưng, này các thầy, hộp đựng vật phẩm cũng có thể làm bằng đồng thau…

17-22 Ngọc, kim loại, đá quý được đặt trong hộp. Ngoài ra cũng đặt trong hộp các loại đất, ngũ cốc, thảo mộc. Viên hồng ngọc đặt trong ô kusa, viên kim cương đặt trong ô anata, viên ngọc trai đặt trong ô sukama.Viên ngọc sa-phia đặt trong ô aivottama, viên thạch anh đặt trong ô etranetraka, ốc xa cừ đặt trong ô ekarudra, viên đá tô-pa đặt trong ô trimurti. Viên đá heliolit đặt trong ô arikanha, viên đá mắt mèo đặt trong ô aikhanei. Người chủ tế đặt con voi bằng vàng trong ô a. Đặt một cái bát bằng bạc trong ô “i” và một cái lọ bằng đồng trong ô “u”…

28, 29. Đọc các câu thần chú bija và đặt theo trật tự bảy loại mễ cốc lúa mạch, bông lúa, hạt lúa,hạt cây tắc, hạt mè, quả mù-tạc,đậu xanh. Bỏ đầy các món này vào chiếc hộp garbha. Đậy nắp lại thật bằng phẳng và vững chắc.”

  1. Nghi thức đặt những viên gạch đỉnh công trình (Mūrdeheṣṭakā-nyāsa)

“Câu 1, 2, 3. Đặt những viên gạch đỉnh ở lưng chừng mái tháp, ở các góc mái và cuối cùng ở đỉnh tháp. Việc này không cần phải phụ thuộc và ngày giờ tốt….

Câu 28, 29,30,31.Sau khi đặt 4 viên gạch ở bốn hướng, bắt đầu từ hướng đông,người chủ tế dùng nước pha bột gạo để viết các câu thần chú ở các hướng. Bắt đầu từ viên gạch ở hướng đông, dâng cúng hương và hoa. Vị chủ tế buộc viên gạch bằng các sợi vàng, bạc, đồng hoặc vải. Trong khi đọc thần chú, vị chủ tế đặt các viên gạch theo trật tự Brahma, Vishnu, Rudra, Isvara Sadaiva. Dâng cúng thức ăn và trầu….”

II. NHỮNG KHÁM PHÁ KHẢO CỔ HỌC

 A. Phát hiện của các nhà khảo cổ Pháp về kho thiêng trong lòng tháp Chăm.

1 3 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 1. Bản vẽ kho báu tại tháp Tây –Bắc, khu tháp Pô Nagar (Parmentier 1918: 444) 

  1. Tại khu tháp Pô Nagar (Nha Trang): Henri Parmentier (1906) phát hiện ba dépôt (kho đồ vật), hai kho ở dưới nền móng tháp Tây và Tây – Bắc, một kho trên đỉnh tháp Nam.

Kho báu nhỏ tại tháp Tây gồm: Một miếng vàng hình tam giác cân, 0m16 x 0m10; hai miếng tam giác nhỏ hơn (0m03 x 0m025); Một hình tam giác đều bằng bạc, đã bị vỡ vụn; Bốn hình chữ nhật bằng vàng, trên đó khắc hình một con voi đang đi (0m025 x 0m02); Một miếng hình chữ nhật bằng vàng chạm hình con rùa (0m015 x 0m015); Một miếng vàng có khoét hình tam giác (0m05 x 0m025); Một con rùa được cắt và vẽ theo đường vạch (0m05 x 0m03); Một bông hoa bảy cánh được vẽ theo đường vạch (đường kính 0m05); Hai dải nhỏ   m05 x 0m013 và 260 mẩu vàng, kích thước từ 1 mi-li-mét đến 2 cen-ti-mét vuông. Các miếng vàng đều mỏng dưới 1/3 mi-li-mét; tổng trọng lượng các miếng vàng chỉ 47 gram; trọng lượng các miếng bạc là 32 gram.

Tại tháp Tây–Bắc cũng phát hiện một kho tương tự được đặt trong một ô ghép bằng 4 viên gạch kích thước 0m34 x 0m19 x 0m11, có đậy một miếng hình vuông, nửa bằng vàng, nửa bằng bạc, chia theo đường chéo. Trong ô có 4 miếng vàng 0m 095 x 0m06 có khắc hình voi, cá sấu, rùa, thằn lằn, một bông hoa 8 cánh bằng vàng đường kính 0m06. (Ảnh 1)

Một kho khác được phát hiện khi tiến hành bảo quản phần mái vòm trên đỉnh tháp Nam, gồm : Hai đĩa bằng đồng , đường kính 0m15; Một đĩa bằng sắt, đường kính  0m155; Một đĩa bằng kim loại trắng 0m09, rất nặng, đã bị oxy hóa; Bốn miếng bạc hình đĩa 0m075, trong đó có ba miếng có khắc hình bông hoa 8 cánh; Ba miếng vàng hình đĩa, 2 miếng đường kính 0m063 và một miếng 0m055, có  khắc hình lá; Hai miếng vàng cắt hình vajra dài 0m085 – 0m095; Một miếng vàng 0m125 khắc hình cá sấu có vảy; Một miếng vàng cắt hình con voi; Một số mảnh vụn vàng. Tổng cộng trọng lượng các miếng vàng là 7 gram, những miếng bạc là 11 gram.

Sau khi hoàn tất việc gia cố mái tháp Nam, từ ngày 20 đến 23 tháng 2 năm 1909, Parmentier tiến hành khai quật lòng tháp, và ở độ sâu 1m40 dưới lớp đất nền đã phát hiện một kho báu chứa các vật chế tác và vật tự nhiên. Vật chế tác bao gồm: Một chiếc nhẫn vàng đường kính 0m022, mặt nhẫn có viên thạch anh xanh tím rất sáng; Một bình vôi còn một ít vôi bên trong, cao 0m065, đường kính 0m018, có nắp bằng vàng; Những chiếc kềm nhỏ bằng đồng dài 0m04, có thể là dụng cụ têm trầu; Một khoen vàng, đường kính vòng ngoài 0m03, đường kính vòng trong 0m002; Một số hạt ngọc trai nhỏ đường kính 0m003; Một miếng vàng 0m015 x 0m002; Một vật xoắn hình trôn ốc và một số mảnh vụn đồng. Các vật tự nhiên gồm: một cục vàng nặng 15 gram; một mẩu đá màu lục trong suốt, 0m 004 x 0m006; Những mảnh pha lê mùa xanh sẫm; Nhiều hạt lúa chỉ còn lại phần vỏ và bị nát vụn khi được tách ra từ phần đất bám vào ( Parmentier 1909: 349 – 350).

2.Tại di tích Đại Hữu (Quảng Bình):  Di tích Đại Hữu gồm 3 tháp liền kề theo trục bắc nam và cùng quay mặt về hướng đông, được khai quật vào các năm 1918, 1922, 1925 và 1926. Khá nhiều tượng Hindu giáo và Phật giáo được tìm thấy ở đây (Finot 1925). Năm 1926, L. Arouseau thông tin trên BEFEO về những phát hiện mới tại di tích Chăm Đại Hữu ở Quảng Bình, trong đó ông dùng cụm từ dépôt sacré (kho thiêng) để chỉ những hiện vật quý ở các hố sâu trong lòng tháp.

2 4 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng 3 3 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 2 và 3. Các hiện vật trong hố thiêng tháp Bắc, Đại Hữu (Arousseau 1926: Pl XIV, XVII)

Trong kho thiêng của tháp Bắc, có những hiện vật như sau: Một miếng vàng cắt hình con rùa (dài 0m057) đặt trên lớp cát sông sát đáy hố. Bốn lọ nhỏ bằng đất nung, đường kính từ 11 đến 12 cen-ti-mét, nằm trong bốn góc của hố, mỗi góc một lọ; trong lọ chứa đầy cát mịn, trong đó có các viên thạch anh, pha lê và mảnh kim loại. Ở giữa mặt đáy hố có một miếng vàng (đường kính 0m065), cắt hình hoa sen dẹt.  Trên miếng vàng là một cái lọ nhỏ bằng vàng (cao 0m037) có nắp đậy (đường kính 0m054). Trong lọ có một viên đá quý trắng trong suốt, dài 0m016. Bên cạnh lọ là một vòng vàng nhỏ (đường kính 0m012) dường như là một  vòng đeo tai (Ảnh 2, 3). Xung quanh các đồ vật trên còn có 7 cái lọ nhỏ bằng kim loại (đường kính khác nhau từ 0m035 đến 0m045), chứa mỗi cái hai viên đá quý (ngoại trừ một lọ chứa ba viên) lấp kín bằng cát và được bao phủ bởi một miếng kim loại gấp thành khối vuông. Ngoài ra nằm rải rác có 3 hay 4 viên thạch anh lớn.

Ở tháp Giữa, chỉ thấy có đá cuội rồi đến lớp đá ong, không phát hiện các đồ vật.

Trong kho thiêng của tháp Nam, dưới lớp đá cuội là lớp cát mịn. Dưới lớp cát có các đồ vật tương tự như ở tháp Bắc, gồm: Bốn lọ nhỏ bằng đất nung ở bốn góc hố. Ở giữa mặt đáy hố có một miếng vàng cắt hình hoa sen (đường kính 0m065). Trên miếng vàng là một chiếc lọ nhỏ bằng vàng (cao 0m04) có nắp đậy (đường kính  0m055). Trong lọ chứa một viên đá quý màu tím, dài 0m02. Bên cạnh miếng vàng còn có một vật đeo tai bằng vàng. Xung quanh có 7 lọ nhỏ bằng kim loại (đường kính từ 0m035 đến 0m048). Mỗi lọ chứa một viên đá quý màu đỏ hay trắng có cát phủ kín. Một trong bảy lọ còn có thêm một viên thạch anh nhỏ.

  1. Tại di tích Trà Kiệu (Quảng Nam):

Một đợt khai quật quy mô lớn đã được tiến hành ở Trà Kiệu trong 2 năm 1927, 1928 do J.Y. Claeys chủ trì. Ở thời điểm này tại Trà Kiệu không còn các dấu vết kiến trúc trên bề mặt và cuộc khai quật được tiến hành tại nhiều điểm trên phạm vi toàn bộ một quả đồi rộng, phát hiện các dấu vết thành trì, nền móng đền tháp  và nhiều tượng thờ, trang trí kiến trúc chôn vùi trong lòng đất.

Báo cáo năm 1927 ghi nhận ở phía bắc quả đồi (điểm B) trong tháng đầu tiên khai quật đã phát hiện “Một cái giếng nhỏ (un petit puits) đường kính 0,75 m đã được đào ở giữa mặt nền, như một hố chứa một kho thiêng (un dépôt sacré). Phần giữa nền được đắp cao thêm 10 cm ở khoảng rộng 1,3 m. Đất trong hố đã được lấy lên, ắt hẳn đã có người đến đào sau khi công trình bị sụp đổ”. Tháng thứ hai, tại một nền móng tháp chính (điểm A) ghi nhận “Ở giữa nền tháp này, nơi còn những viên gạch mặt trên, có một cái hố thứ hai đã được đào, sâu 0,2 m đến 0,3 m, thành vách của hố có độ nghiêng khá rõ. Ngay chính trung tâm, một cái giếng đường kính 0,8 m đã được đào bởi những kẻ cướp phá, giống như chúng tôi đã ghi nhận ở khu vực giữa ngôi tháp ở điểm B. Lỗ thủng này, sâu khoảng 1 m, có cấu trúc đặc biệt thú vị. Lớp đất màu gạch phía trên dày 0,25 m đã bị đục thủng… Phải chăng những kẻ tìm kiếm đã tìm thấy một kho thiêng? Không thể biết rõ sự thật là thế nào bởi vì họ đã tiếp tục đào sâu thêm 0,3 m xuyên qua lớp đất màu gạch rắn chắc đặc biệt rất khó đào thủng. Có một mẩu thạch anh đẹp, đường kính 0,2m đặt ở đây. ”  (Chronique 1927: 473- 475). Năm 1928, việc khai quật được tiếp tục tại vị trí nói trên và những thông tin về kho thiêng tiếp tục được công bố trên BEFEO (Chronique 1928: 583 -584).

B. Khám phá của các nhà khảo cổ Việt Nam về lòng tháp Chăm.

  1. Tại phế tích Vân Trạch Hòa (Thừa Thiên – Huế): Thông báo về kết quả khai quật lòng tháp Chăm tại Vân Trach Hòa cho biết lòng tháp phẳng, lát 14 lớp gạch, dày 0,75m. Chính giữa lòng là hộp vuông xây gạch từ đáy lên. Kích thước lòng hộp 1,9m x 1,9m, đáy 1,7 x 1,7m, sâu 1,9m với 32 lớp gạch. Trên hộp lòng tháp phủ lớp bê tông gạch dày 0,8 m, lòng hộp chứa cát vàng sạch. Chính giữa lòng là trụ gạch, kích thước 0,9m x 0,9m (Lê Đình Phụng 1999: 720).
  2. Tại phế tích Khánh Vân (Quảng Ngãi): Lòng tháp lát gạch phẳng dày 0,8 m. Chính giữa lòng tháp là khối hộp vuông đào ăn sâu vào lòng núi. Khối hộp kích thước 2,6m x 2,6 m, đáy hộp 2m x 2m, sâu 0,95m. Chính giữa đáy hộp là hố đào ăn sâu xuống lòng núi, hình elip, dài 0,8 m, sâu 1,2 m. Lòng hộp lớp trên cùng đổ bê tông gạch liền khối vững chắc dày 0,25m, lớp dưới là sỏi trộn cát vàng, dày 0,6 m, dưới cùng là cát vàng sạch dày 0,2 m. Hố hình elip chứa đầy cát vàng. Trong lớp cát vàng tìm thấy 1chiếc bát men trắng hoa lam (Phụng 1998a: 652-653).
  3. Tại di tích Dương Long (Bình Định): Báo cáo khai quật miêu tả kiến trúc 1: “Cấu trúc dạng vuông được xây bằng gạch với các lớp: Dưới cùng là một cấu trúc gạch xây dạng hình vuông, dày ba lớp gạch, có kích thước 60cm x 60 cm dày khoảng 20 cm. Đây là nơi thường đặt các vật thiêng của kiến trúc trước khi xây dựng cấu trúc bên trên. Hộc gạch này có thể đã được lấp đầy cát sạch, đã bị phá vỡ cấu trúc nguyên thủy, chỉ còn lại hai cạnh liền kề”. Kiến trúc 2: “Sàn gạch bị phá hủy nghiêm trọng nhưng vẫn còn nhận ra dấu vết của một cấu trúc trung tâm dạng hình vuông… Xử lý tâm kiến trúc cho thấy bên dưới bề mặt lộn xộn ngổn ngang đá ong và gạch vỡ là một cấu trúc dạng cột xây bằng gạch. Cấu trúc này đã bị đào trước đây với dấu vết để lại là một lỗ tròn thu nhỏ dần … Bên dưới là một cột gạch rỗng, cao 19 lớp gạch, dày 1,45m, có dạng vuông với kích thước 0,88m x 0,88m, bên trong lấp đầy cát sạch” (Hoàng 2011: 404-405).

C. Những phát hiện mới về kho thiêng ở di tích Chăm Phong Lệ và Cấm Mít (Đà Nẵng):

4 2 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 4. Hố thiêng ở nền tháp Phong Lệ

  1. Phong Lệ: Từ ngày 1/7 đến 30/8/2012, việc khai quật được thực hiện với diện tích 500 mét vuông ở khu vực nền móng tháp chính của di tích Phong Lệ.[4] Sau khi bóc dỡ phần đất xáo trộn đến độ sâu 1m thì phát hiện một nền gạch Chăm. Đặc biệt, ở diện tích chừng 1 mét vuông ở giữa nền, các viên gạch đã bị tháo gỡ từ trước để lại dấu vết gạch vỡ lẫn với đất được lấp lại. Một hố khai quật đã được bắt đầu tại vị trí này và mở rộng ra xung quanh, gặp các lớp sỏi và cát trắng nén chặt. Khoảng 30 mét khối sỏi và cát đã được đưa lên làm xuất lộ một hố vuông có tường xây bằng gạch, đoàn khảo cổ gọi tên là “hố thiêng” (Ảnh 4).

5 2 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 5. Khu vực giữa đáy hố thiêng Phong Lệ

6 3 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn ThắngẢnh 6. Bản vẽ mặt bằng và mặt cắt hố thiêng Phong Lệ (Nguyễn Thượng Hỷ)

Hố thiêng được xây theo bình đồ hình vuông; sâu 1,8m; đáy hố  3,9m  x 3,9m; miệng hố 4,2m  x 4,2 m. Mặt đáy hố là nền đất sét màu đỏ, nện chặt. Ở giữa đáy hố, nơi mà các lớp sỏi và cát phía trên đã bi đào xới và lấp lại bằng gạch vỡ, có một số viên thạch anh nằm trong một vành đai tròn được xếp bằng những viên sỏi lớn, hình trứng (Ảnh 5). Ví trí này ắt hẳn đã có đặt những đồ vật quý và đã bị những người săn lùng kho báu lấy đi. Trong bốn bức tường của hố thiêng, ở sát đáy hố, có 8 hốc lõm ở vào vị trí tương ứng với tám hướng đông, tây, nam, bắc, đông nam, đông bắc, tây nam, tây bắc (Ảnh 6). Các hốc lõm được lấp đầy với cát trắng. Sau khi lấy hết cát, phát lộ một viên gạch vuông đặt ngang, dưới viên gạch là một viên đá cuội hình trứng đặt theo chiều đứng (Ảnh 7). Và dưới viên đá cuội là một mẩu nhỏ  kim loại màu vàng, 1cm x 2 cm. (Ảnh 8) . Phía trước miệng hốc có một vài viên thạch anh với chiều nhọn của tinh thể quay lên trên. Tất cả tám hốc lõm đều có cùng cấu trúc và các hiện vật giống nhau, ngoại trừ hốc ở hướng đông bắc có thêm một viên cuội đặt bên cạnh viên thạch anh ở miệng hốc (Chiều 2012).

7 2 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 7. Gạch, đá cuội, thạch anh trong hốc lõm ở đáy hố thiêng Phong Lệ

8 2 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 8: Mẩu kim loại màu vàng tìm thấy tại hố thiêng Phong Lệ

  1. Cấm Mít: Cuộc khai quật ở Cấm Mít, tiến hành từ ngày 15/9 đến 20/12/2012,[5] đã phát lộ nền móng của một quần thể tháp Chăm, đặc biệt là nền móng của ba ngôi tháp liền kề theo trục bắc – nam, cửa tháp quay về hướng đông. Tại đây cũng đã phát hiện ba hố thiêng trong lòng nền móng ba ngôi tháp. Một điều đáng lưu ý là cả ba hố thiêng này cũng có dấu hiệu đã bị đào và lấp lại với diện tích chừng 1 mét vuông ở khu vực trung tâm (Chất 2013).

9 2 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 9. Hố thiêng Cấm Mít

Bốn bờ tường của các hố thiêng ở Cấm Mít không xây bằng gạch như ở Phong Lệ, mà chỉ bằng một loại “bê-tông” cấu tạo bởi gạch vụn trộn đất sét đỏ nện chặt. Ở sát mặt đáy, mỗi hố thiêng Cấm Mít đều có tám hốc lõm với phương vị và các thành phần bên trong tương tự như ở hố thiêng Phong Lệ gồm gạch vuông, đá cuội hình trứng, thạch anh và các mẩu kim loại màu vàng (Ảnh 9). Ngoài ra, còn phát hiện ở hố thiêng Cấm Mít năm viên thủy tinh tròn (hai viên có lỗ xuyên thủng) và sáu miếng nhỏ kim loại màu vàng cắt hình voi (Ảnh 10).

10 2 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 10. Các viên thủy tinh tìm thấy ở hố thiêng Cấm Mít.

D. Kho thiêng trong các di tích lân cận Champa và Đông Nam Á.

  1. Tại di tích Cát Tiên (Lâm Đồng): Các thông báo khai quật tại Cát Tiên đã lưu ý đến dấu hiệu đặc biệt trong lòng nền móng tháp, nơi phát hiện những mảnh kim loại màu vàng. Tại kiến trúc ở Gò 2A, “đáng chú ý là ở chính giữa đáy tháp xây một bệ gạch hình vuông cao khoảng 1m, chính giữa có lỗ rỗng vuông, mỗi cạnh khoảng 10cm, xuyên suốt bệ gạch, trong chứa cát vàng và nhiều lá vàng được cất giấu trong đáy ô vuông”. Tại kiến trúc gò 1A, “ trong lòng nền tháp không có bệ gạch hình vuông mà thay vào đó là một trụ giới xây suốt từ đáy tháp lên đến nền tháp. Chính giữa trụ giới có 1 lỗ rỗng hình vuông mỗi cạnh dài 40cm , thông suốt trụ giới, trong chứa cát vàng, ở ô cuối cùng chứa nhiều mảnh lá vàng trang trí hoa văn và chữ Phạn cổ”. Tại kiến trúc gò 5, “dưới bệ tượng yoni có một trụ giới xây suốt đến đáy tháp. Chính giữa trụ giới cũng có 1 lỗ rỗng hình vuông thông suốt trụ giới, trong chứa cát vàng giống như trụ giới ở di tích gò 1A” (Chinh 1997: 651). Tại gò 2B, “ ở đáy của lòng tháp, tức là mức khởi điểm của móng, người xưa đặt 4 viên gạch thành hình vuông, ở vị trí giữa lòng tháp, trong khoảng trống của 4 viên gạch này tìm thấy 5 mảnh kim loại màu vàng có hình hoa sen và voi”, “mảnh nhỏ nhất có kích thước 1cm x 0,8cm, mảnh lớn nhất có hình tròn đường kính 3,8 cm” (Đông 1998: 660-661).
  2. Tại các di tích vùng đồng bằng Nam Bộ thuộc văn hóa Óc Eo: Đã phát hiện khá nhiều cấu trúc thường được cho là “mộ huyệt”. Tại di tích Nền Chùa (Rạch Giá), có các “mộ huyệt” quan trọng, được miêu tả như sau: “Mộ NC82.BCX1, mỗi cạnh rộng 2,20m x 2,20m, nằm ở độ sâu 0,30m so với bề mặt hiện tại, có bờ vách là đất sét. Ở trung tâm có một khối trụ vuông xây bằng 7 lớp gạch cao 0,56cm, mỗi lớp có 4 viên, xếp thành hình vuông tạo lỗ vuông rỗng ở chính giữa… Dưới đáy trụ vuông có dấu vết than tro đặt trong một mảnh gốm lớn nằm úp. Có 2 lá vàng, một hình chữ nhật, một hình tam giác đươc tìm thấy trong mộ”. Mộ NC82.BCX6, “Ở trung tâm huyệt vuông, ngay trên mặt nền này có xây một hộc gạch hình khối vuông… trong hộc có đặt 1 hòn cuội thạch anh và lấp đầy cát trắng…Hiện vật chôn theo: 3 lá vàng có chạm hình người, hình bò và 2 viên đá quý”. Mộ NC82.PN1, “có dạng hình vuông, cạnh rộng 3,30m x 3,30m có trung tâm là một hộc vuông xếp bằng gỗ …Hiện vật tìm thấy: 2 mảnh vàng nhỏ nằm ở dưới thanh xếp hộc”. Mộ NC83,NC1, có huyệt gần vuông, 4m x 3,6m. Lòng mộ đã bị đào phá, còn phát hiện nhiều lá vàng nhỏ. Ở di tích Đà Nổi (An Giang) cũng đã khai quật một số “mộ” có cấu trúc tương tự. Mộ 85DN.M2, “Dạng vuông, rộng ở bề mặt và hẹp dần xuống đáy…Chính tâm có một khối trụ vuông… Hiện vật thu thập được dưới đáy trụ vuông gồm 103 hiện vật bằng vàng”. Mộ 85DDN,M4, “hình giếng vuông (hay hình chóp cụt ngược), phía trên 3,30 cm x 3,30cm , phía đáy 2,50cm x 2,50cm. Giữa huyệt có khối trụ vuông. Hiện vật thu thập đươc dưới đáy khối trụ gạch gồm 162 hiện vật bằng vàng, 1 mảnh đồng tiền cắt tám và 2 viên đá quý. Mộ 85ĐN, M3 rộng 2m x 2m. Trong mộ có chôn theo 31 lá vàng, 1 nhẫn vàng, 2 mảnh đồng tiền cắt tám, 5 viên đá quý có các màu sắc khác nhau và 1 hạt chuỗi màu trong suốt. Đáng chú ý là phần lớn các lá vàng tìm thấy trong mộ được xếp thành bông hoa mà nhụy hoa là 5 viên đá quý và hạt chuỗi nằm ở chính giữa. Mộ 85ĐN.M6, mặt trên 3,30 cm x 3,30 cm, mặt đáy 2,00m x 2,00m. Trung tâm còn dấu vết một ô gần vuông xây bằng 6 viên gạch, mộ đã bị đào phá, đồ vật chôn theo đã bị lấy đi. (Côn 2009: 378-383).
  3. Ở các nước Đông Nam Á: Henri Parmentier có nhắc đến một dépôt sacré (kho thiêng) ở di tích Angkor Vat (Campuchia). Ông cho biết đã di chuyển đài thờ trong một ngôi tháp và phát hiện phía dưới đài thờ một khối đá hình lập phương có 17 khoang nhỏ. Những khoang này trống rỗng khiến Parmentier nghĩ đến khả năng có đã từng đựng các vật phẩm dễ tiêu hủy, như thức ăn chẳng hạn. Dưới khối đá lập phương đó có một ô vuông chứa một số hiện vật nhỏ gồm thạch anh, sắt và đồng, bạc, vàng. Tiếp theo là một lớp đất đỏ nện chặt, và khi đào sâu thêm 38 cm, phát lộ một ô vuông mỗi cạnh 51 cm tạo nên bởi 4 viên đá sa thạch, trong ô có năm miếng vàng hình vuông có cạnh từ 7 đến 8 mi-li-mét (Parmentier 1935: 283-284).

11 1 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 11. Các miếng vàng tìm thấy trong các peripih ở Indonesia – Bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Indonesia, Jakarta (Kal 1999: 71).

Năm 1927, G. Coedes phát hiện một bông sen vàng trong cuộc khai quật nền móng một ngôi chùa tháp tại Thái Lan khiến ông nghĩ đến tục chôn báu vật dưới nền tháp và liên tưởng đến cấu trúc hố thiêng phát hiện tại di tích Champa  (Ninh 1996). Báo cáo khảo cổ tại khu đền tháp Kimpulan, phát hiện năm 2009 ở Indonesia cũng thông tin về “kho thiêng” dưới móng tháp, gọi là “peripih” (Mohammad 2011: 15).[6]   Trước đó ở những di tích khảo cổ khác ở Indonesia cũng đã tìm thấy các peripih chứa những miếng vàng cắt hình bông hoa hoặc các con vật như voi, rồng, rùa (Kal 1999: 70-72) (Ảnh 11). Trong luận văn Tiến sĩ của Anna A. Slaczka  có giới thiệu thông tin chi tiết kèm nhiều hình ảnh về các consecration deposit box (hộp đựng vật ký cúng) tìm thấy ở Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Indonesia và Sri Lanka (Anna 2007: 237-326).

V. NHẬN XÉT VÀ BÌNH LUẬN

  1. Cấu trúc của hố chứa kho thiêng trong lòng tháp Chăm.

Đối chiếu với văn bản cổ Ấn Độ Kāśyapaśilpa về nghi lễ kiến trúc, có thể khẳng định rằng những cấu trúc được gọi là “giếng”, “hộp vuông”, “kiến trúc hình vuông” phát hiện dưới nền móng tháp Chăm chính là bộ phận quan trọng của kiến trúc một ngôi tháp, gắn liền với nghi lễ đặt viên gạch đầu tiên (Prathameṣṭakā-nyāsa) và đặt kho ký cúng (Garbha-nyāsa); tạm gọi cấu trúc này là hố chứa kho thiêng, hoặc “hố thiêng”. Những phát hiện ở các cuộc khai quật lòng tháp Chăm đã bổ sung lẫn nhau giúp hình dung về cấu trúc của hố hố thiêng. Về hình dáng, hố thiêng có bình đồ hình vuông, mặt trên lớn hơn mặt đáy (hình chóp trụ ngược). Tường của hố thiêng xây bằng gạch (Phong Lệ) hoặc chỉ là đất sét trộn gạch vụn nện chặt (Cấm Mít). Phần trung tâm của đáy hố thiêng ở di tích Po Nagar phát hiện tương đối nguyên vẹn với một hộp vuông, ghép bằng gạch, có nắp đậy, bên trong đặt các vật thiêng là những mảnh vàng khắc hình hoa và động vật. Ở các trường hợp khác chiếc hộp đựng vật thiêng đã bị xáo trộn hoặc bị lấy đi, chỉ còn lại dấu vết. Phần tường của hố thiêng được nhận diện rõ ở các di tích Phong Lệ, Cấm Mít và có thể đối chiếu với trường hợp Trà Kiệu. Đó là tám hốc lõm ở đáy tường hố thiêng theo phương vị tám hướng, mỗi tường chứa  hai hốc. Các miêu tả trong báo cáo khai quật Trà Kiệu phù hợp với hình ảnh chụp tại di tích Phong Lệ. “Ở giữa và về phía hai góc, có các ô nhô ra 0,25 x 0,25 m, lắp đặt ít chu đáo hơn, và được chặn bằng một viên gạch. Những dòng cát cực kỳ trắng mịn chảy ra từ khe hở hai bên. Việc nạo vét theo đúng phương pháp và thận trọng cuối cùng đã làm lộ ra một hốc rỗng chứa hai viên gạch rất sắc sảo đặt trên một viên đá cuội hình trứng (galet ovoide), có đường kính lớn khoảng 0,12 m; tất cả đều được phủ kín trong cát trắng mịn, trong đó còn có 4 miếng nhỏ kim loại vàng khoảng 7 x 9 mm và 7 viên thạch anh, vỡ ra thành từng mẩu nhọn dài 2 đến 3 cm. Các hốc khác tiếp tục phát lộ ở các góc, 2 ở góc và 1 ở giữa  mỗi mặt, tất cả là 12”.[7] (Chronique 1928: 583).

Tương tự như ở Trà Kiệu, trong mỗi hốc ở đáy tường hố thiêng Phong Lệ và Cấm Mít có một viên gạch vuông sắc sảo đặt trên một viên đá cuội lớn; đè dưới đáy viên đá cuội là một mảnh kim loại vàng nhỏ; tất cả đều phủ đầy cát trắng mịn. Những viên gạch trong tám hốc lõm này rất có thể là những viên gạch của nghi lễ Prathameṣṭakā-nyāsa (đặt viên gạch đầu tiên), đặt trên  viên đá cuội hình trứng dựng đứng như một loại trụ đá (cự thạch) và mảnh vàng có ý nghĩa cầu phúc. Phương vị của các hốc liên quan đến các vị thần cai quản phương hướng như vai trò các chiếc lọ trong văn bản cổ “Đặt chín cái lọ mới, bắt đầu từ chính giữa…An vị Sadakhya tại chiếc lọ ở giữa, các vị thần bảo vệ phương hướng tại những chiếc lọ chung quanh”. Về kiến trúc, việc xác định vị trí của 8 viên gạch này có ý nghĩa quyết định cho toàn bộ các phần kiến trúc tiếp theo. Báo cáo khai quật Trà Kiệu cũng đưa ra nhận định “Tình trạng bảo quản hoàn hảo của các hốc gạch ở mặt tường bên trong lòng hố cho phép kết luận rằng chúng đã được lấp kín ngay sau khi được lắp đặt. Đầu tiên người ta chuẩn bị các mặt tường với các hốc; tiếp theo là đặt vào các vật tạo thành kho thiêng, chắc chắn là cùng với một nghi lễ cầu phúc; sau đó họ lấp chúng lại để bố trí một kho mới ngay chính giữa lòng  tháp” (Chronique 1928: 584).

Kho thiêng đặt giữa đáy tháp theo nghi lễ Garbha-nyāsa, gồm “Hộp đựng vật phẩm ký cúng được làm bằng vàng, bạc hoặc đồng…Ngọc, kim loại, đá quý được đặt trong hộp. Ngoài ra cũng đặt trong hộp các loại đất, ngũ cốc, thảo mộc.” Tại tháp Pô Nagar, đã phát hiện một hộp gạch có nắp đậy hình vuông, nửa bằng vàng, nửa bằng bạc, trong chứa nhiều miếng vàng. Tại di tích Đại Hữu là những chiếc lọ có nắp đậy bằng kim loại, trong chứa kim loại và đá quý, bên cạnh nhiều vật phẩm quý . Ở phế tích Khánh Vân tìm thấy 1chiếc bát men trắng hoa lam, ở Cấm Mít phát hiện những viên thủy tinh, thạch anh và những mảnh vàng cắt hình voi (đã di chuyển khỏi vị trí trung tâm). Ở Phong Lệ giữa lòng tháp chỉ còn những viên thạch anh và một chuỗi đá cuội xếp thành vòng tròn. Tại Trà Kiệu, chỉ còn thấy một viên thạch anh. Các di tích khác đều có dấu vết đào bới tại khu vực trung tâm, ắt hằn “kho thiêng” đã bị lấy đi. 

  1. Những dấu vết khai quật bí ẩn.

12a - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 12a. Bản vẽ các món trang sức tìm thấy ở Mĩ Sơn (Parmentier 1903:664)

Ngoại trừ trường hợp khu tháp Pô Nagar, nơi Parmentier  không thấy dấu vết xê dịch đài thờ hoặc khai quật trong lòng tháp; các trường hợp kho thiêng khác khi được các nhà khảo cổ khám phá đều ghi nhận có dấu vết khai quật trước đó (Patriza 2009: 230 -231).

Ở Tháp Bắc của di tích Đại Hữu, báo cáo khảo cổ cho rằng “Người An-nam xưa đã thực hiện một cuộc khai quật ở đây và họ đã xê dịch đài thờ; đài thờ không nằm đúng vị trí thông thường của nó mà dựa lưng vào bức tường phía Nam. Cuộc khai quật ngày xưa chỉ thực hiện đến độ sâu 1 m 80 rồi bỏ dở” (Arousseau 1926: 360-361). Trong đống đất được đào lên lại, Pirey đã tìm thấy những phần tượng gãy vỡ do người khai quật trước đó lấp xuống, và khi đào đến độ sâu 4m, ông gặp kho thiêng như đã giới thiệu ở trên. Báo cáo khai quật Trà Kiệu ghi nhận có dấu hiệu đào như một hố giếng ở vị trí kho thiêng. (Chronique 1927: 473- 475). Parmentier nhận định “Những kẻ cướp phá đã đào mọi nơi tại những ngôi tháp, quả thật chỉ để lại cho chúng tôi những trường hợp hiếm hoi để phát quang khảo sát những kho chứa này.” [8]

12b - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 12b. Các món trang sức được ráp thử trên một ma-nơ-canh (Bosseilier 1963: Fig 72).

Như vậy, trước những nhà khảo cổ người Pháp, ai đã khai quật các kho thiêng và khai quật và lúc nào? Tài liệu của người Pháp thường gọi những người khai quật trước họ là “những kẻ cướp phá” (les pillards) hoặc “người tìm kiếm kho báu” (les chercheurs de trésor), nhưng cũng có khi nói là “người An nam” (les Annamites). Tuy nhiên cũng trong tài liệu của những nhà khảo cổ Pháp, có một số thông tin cho thấy sự khai quật cướp phá các kho thiêng có thể đã xảy ra từ thời rất xa xưa của vương quốc Champa. Đó là trường hợp đã xảy ra tại tháp A1 của Mỹ Sơn. Henri Parmentier cho biết, vào năm 1912, sau khi phát hiện các kho thiêng tại khu tháp Pô Nagar ở Nha Trang, ông đã quay lại Mỹ Sơn để thử khai quật lòng tháp A1, nhưng kết quả không như mong đợi. Dưới đài thờ A1 là một hố có dấu vết tu sửa và lấp lại bởi người Chăm. Ông viết: “Năm 1912, được chỉ dẫn bởi những khám phá các kho thiêng trong những ngôi tháp ở Nha Trang, chúng tôi thử tìm kiếm môt kho như vậy mà chúng tôi giả thiết là còn cất giấu ở đáy tháp A1. Mặc dù đài thờ đã chỉ ra những dấu vết đập phá – nhất là cái bể chứa nước tắm tượng (yoni) đã bị lật ngả sang một bên-,vẫn còn tại chỗ nhiều phần quan trọng của đài thờ này, mà cũng vì các phần này mà trước đây chúng tôi đã nghĩ rằng thật là điên rồ để làm một cuộc khai quật quá mạo hiểm dưới các khối đá nặng ấy, và cũng chính sự cân nhắc việc bảo quản đã ngăn trở chúng tôi thực hiện cuộc tìm kiếm vào năm 1903(…). Tình huống nay đã khác, chúng tôi đã tháo rời từng mảnh đài thờ này; chúng tôi đã sắp xếp các phần của đài thờ dọc theo vách tháp và chúng tôi đã có thể thực hiện cuộc khai quật cần thiết, cho đến lớp đất còn nguyên vẹn, có thể nói là 3 m 35 dưới lớp đất bên trong, hay 1 m 35 dưới mức của sân A (…) Chúng tôi thừa nhận rằng ở Mỹ Sơn vào thời kỳ xa xôi , giai đoạn giữa thời kỳ xây dựng thánh địa vào đầu thế kỷ 7 và thời kỳ dựng đài thờ này, có lẽ vào khoảng thế kỷ 9 hay 10, một cuộc khai quật sâu đã được thực hiện ở trung tâm tháp, với ý định rõ ràng là để chiếm đoạt kho thiêng, và đã không có được thành công như mong muốn. Một kho mới đã không được đặt lại ở đây bởi những người trùng tu, và cái hầm thậm chí không được xây lại. Người Chăm đành phải lấp lại xuống hố những phần đất do cuộc khai quật đào lên, đáng chú ý là những tấm đá mỏng, cái mà dường như đã tạo thành ô chứa của kho, và chính trên mô đất được nện một cách đơn giản họ đã đặt lại đài thờ mới lên…..” (Parmentier 1918:588-589).

Ở di tích Chánh Lộ (Quảng Ngãi), Parmentier đã phát hiện dấu vết một hố vuông dưới chân nền móng chứ không phải dưới bệ thờ. Và ông phỏng đoán rằng người Chăm đã thay đổi vị trí đặt kho sau những lần bị cướp phá đầu tiên để đánh lạc hướng những người tìm kiếm báu vật.[9]

Như vậy có thể nói việc đào để tìm kiếm báu vật trong lòng tháp Chăm đã xảy ra ở nhiều tháp Chăm và có thể vào nhiều thời kỳ trong lịch sử. Đối với các dấu vết đào phá tại những nơi mà sau đó người Chăm đã trùng tu, ắt hẳn việc đào bới đã xảy ra trong những cuộc đánh phá từ các quốc gia, dân tộc lân cận. Một số văn bia Chăm có nhắc đến việc trùng tu đền tháp sau những tàn phá trong các cuộc xung đột với người Java, người Khmer và người Việt, như văn bia C 83, dựng năm 784 ở PôNagar; văn bia C 94, dựng vào thế kỷ 11 và văn bia C100 dựng năm 1157  ở Mỹ Sơn (Golzio 2004). Sử Trung Hoa cũng ghi chép các cuộc đánh phá vào Champa, như cuộc tấn công của Đàn Hòa Chi năm 446  “các đền bị phá, các tượng thần bị nấu chảy thành những khối, đúc được 100.000 cân vàng nguyên chất” ; cuộc tấn công của Lưu Phương vào năm 605, “ lấy đi 18 tấm bài vị bằng vàng  và  1.350 pho kinh Phật” (Maspero 1928: 73, 84).

Ngoài ra, cũng có câu hỏi là liệu có trường hợp chính người Chăm đã mang đi (hoặc quay lại đào lấy) những báu vật ở những ngôi tháp mà họ đã phải bỏ lại không thể thờ cúng nữa. Giả thuyết này đã được đặt ra khi khai quật “trụ gạch” ở di tích Dương Long, “ có thể nhận thấy cấu trúc này đã bị phá hủy về mặt chức năng bởi chính chủ nhân xây dựng nên chúng và các hiện vật linh thiêng có thể đã bị lấy đi, có thể vào thời điểm vương triều Vijaya sụp đổ … Đây chỉ là sự phế bỏ về mặt chức năng tâm linh hơn là một hành động phá hủy (Hoàng 2011: 406).

Và một giả định thông thường nhất được nêu trong các tài liệu của người Pháp là những người An Nam tìm kiếm kho báu đã đào tìm vàng, bạc tại các hố thiêng.  Dù nguyên nhân và thời gian của các dấu vết đào bới hố thiêng vẫn còn nhiều ẩn số nhưng có một điểm chung qua các báo cáo khảo cổ và thực tế khai quật gần đây tại Phong Lệ và Cấm Mít là dấu tích các hố đào đều đúng ở vị trí trung tâm lòng tháp, với đường kính chỉ khoảng 1 m và rất sâu đến độ văn bản tiếng Pháp gọi đó là “giếng” (puits).

  1. Kho thiêng, kho báu, trụ giới sima, mộ huyệt.

Qua văn bản về nghi lễ và những phát hiện khảo cổ học, chúng ta có thể thấy rằng các hiện vật quý  (tự nhiên hoặc chế tác từ đá quý, vàng, bạc) được chôn kín trong các tháp Chăm thuộc về hai loại khác nhau.  Một loại là những vật được sử dụng để trang sức cho tượng thần trong các dịp cúng tế và được chôn giấu với mục đích bảo vệ khỏi mất mát. Đây là trường hợp như bộ trang sức được tìm thấy ở khu tháp C tại Mỹ Sơn. Henri Parmentier (1903) cung cấp một bản vẽ và thông tin về việc tìm thấy chiếc hủ bằng gốm ở độ sâu vài centimet dưới lớp đất cũ, giữa tường bao và ngôi tháp phụ ở Mỹ Sơn.[10]  Chiếc hủ được đậy kín bằng một miếng đồng. Trong hủ chứa bộ đồ trang sức có kích thước phù hợp với một pho tượng thần có độ lớn trung bình, bao gồm một cái mão đội đầu, ba chiếc vòng đeo ở tay, ở ngực và ở mắt cá chân; hai chiếc vòng đeo cổ, hai vòng đeo tai và hai chiếc bông tai. Tất cả đều làm bằng vàng mạ trên bạc. Ngoài ra còn có một số mảnh vàng, bạc và hai linga nhỏ bằng vàng  đặt trên hai yoni bằng bạc ( Ảnh 12a,b). Thuộc vào loại này có thể còn bao gồm các dụng cụ nghi lễ khác như lọ cắm hoa, khay, đĩa đựng lễ vật, bình đựng trầm hương v.v… Có thể gọi loại hiện vật quý được chôn dấu này là những “kho báu”. Kho báu có thể được chôn giấu ở nhiều vị trí tùy theo cảm giác an toàn của người cất giữ và không làm hư hỏng đến kiến trúc ổn định của đền tháp. Ngoài ra còn có những “kho báu” là tài sản của hoàng gia, quý tộc Chăm được trao truyền qua các thế hệ, được bí mật cất giấu hoặc thất lạc (Ninh 1998).

Một loại khác là những hiện vật được đặt trong lòng tháp nhằm mục đích ký cúng cho thần linh, là một bộ phận gắn liền vĩnh cửu với kiến trúc đền tháp. Các hiện vật loại này mang ý nghĩa biểu tượng, tín ngưỡng chứ không nhằm mục đích sử dụng thực tế. Thuộc vào loại này là những hiện vật tìm thấy ở khu tháp Pô Nagar, ở các di tích Đại Hữu, Trà Kiệu, Phong Lệ, Cấm Mít, Khánh Vân như giới thiệu ở phần trên. Cụm từ “kho thiêng” phù hợp để chỉ loại hiện vật này. Kho thiêng được đặt ở những vị trí theo quy định của nghi thức xây dựng đền tháp. Ba vị trí đã được phát hiện qua thực tế ở các đền tháp Chăm là trong chân tường hố móng trung tâm một ngôi tháp, ở tâm đáy móng tháp phía dưới bệ thờ chính và ở lưng chừng của mái tháp. Vị trí lưng chừng mái tháp chỉ mới được tìm thấy chính xác ở khu tháp Pô Nagar và qua một vài hiện vật rơi rớt trong đống đổ nát tại khu tháp C, Mỹ Sơn (Parmentier 1906: 297). Vị trí kho thiêng trong hố móng trung tâm được phát hiện nhiều nơi, và thường được phủ kín bằng cát trắng, đá cuội. 

Theo những phát hiện cho đến nay, các hiện vật trong kho thiêng có khối lượng nhỏ, chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng. Các miếng vàng để trơn hoặc cắt hình hoa, hình động vật đã được tìm thấy đều rất mỏng (dưới 1 mi-li-mét) và diện tích chừng 3- 4 cen-ti-mét vuông, ít có những hiện vật có khối lượng lớn. Đối chiếu với văn bản Kāśyapaśilpa của Ấn Độ, chúng ta thấy các hiện vật phát hiện trong hố thiêng của các tháp Chăm có nhiều điểm phù hợp. Các viên ngọc, đá quý, các miếng vàng hình hoa sen và những chiếc lọ tìm thấy ở hố thiêng của tháp Chăm đều là những vật được nhắc tới trong văn bản Kāśyapaśilpa  về việc đặt kho ký cúng ở móng tháp. Các hiện vật thuộc kho thiêng tại mái tháp khu di tích PoNagar và dấu vết trong đống mái tháp đổ nát tại Mỹ Sơn phù hợp với yêu cầu về nghi lễ Mūrdeheṣṭakā-nyāsa (Đặt những viên gạch đỉnh) trong nghi thức xây dựng đền tháp Hindu giáo.

Có tác giả đã gắn các vật thiêng phát hiện trong lòng tháp Chăm với nghi lễ Sima của Phật giáo. Lương Ninh (1996), sau khi dẫn ý kiến của Coedes “việc chôn báu vật dưới nền đền hay dưới bàn thờ là một tục cổ xưa của Ấn Độ, vẫn được áp dụng ở một số nước khi lập Simas (trụ giới) đền chùa”, đã đi đến khẳng định “ở Pong Tuyc (Thái Lan) và ở Quảng Bình, điều đó đã quá rõ ràng. Tục này có lẽ được áp dụng trong suốt thời gian xây dựng tháp Champa, những tháp Hindu giáo ở các nước khác và vẫn được áp dụng cho đến hiện nay trong việc xây chùa Phật giáo Tiểu thừa”. Thật ra, nghi lễ kiết giới Sima của Phật giáo là xác lập ranh giới các khu vực trong đó các vị tì kheo cùng biểu quyết và thực hành những việc quan trọng. Có nhiều loại ranh giới, trong đó có ranh giới xác lập bằng những vật tự nhiên (núi, sông,..), có ranh giới xác lập bằng các bức tường, trụ đá hoặc vật tượng trưng (Cảnh 2007). Việc đặt vật phẩm quý dưới bệ thờ hay tượng là một nghi lễ khác có nguồn gốc Hindu giáo, tiếng Sanskrit gọi là ratna-nyāsa. Do vậy, vận dụng nghi lễ Sima để giải thích các vật quý phát hiện ở đáy tháp Chăm dễ dẫn đến những suy đoán nhầm lẫn. Ngoài ra, đối chiếu các “mộ huyệt vuông” thuộc các di tích Óc Eo (Côn 2009) với các hố thiêng tại lòng tháp Chăm, có thể thấy nhiều điểm tương đồng về kích thước, hình dạng và cả vật phẩm đặt ở trung tâm, trong các “hộc vuông” hay “khối trụ vuông”. Liệu một số “mộ huyệt vuông” Óc Eo lại là nền móng các đền tháp Hindu giáo và các vật quý trong các “hộc gạch vuông” là ‘kho thiêng” trong nghi lễ Garbha-nyāsa, chứ không phải là đồ tùy táng?

  1. Ý nghĩa kiến trúc của hố thiêng.

Việc phát hiện một số hố thiêng với các vật quý trong các tháp Chăm trải khắp khu vực miền Trung, từ Quảng Bình qua Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, cho thấy sự ảnh hưởng chung của nghi thức Hinđu giáo ở các vùng của vương quốc cổ Chămpa. Đồng thời cũng cho thấy tính chất “đồng văn” của các nền văn hóa đương thời trong khu vực Đông Nam Á, từ Thái Lan, qua Campuchia, Champa đến Indonesia (Phụng 1999).

Hầu hết các nghiên cứu về tháp Chăm cho đến nay đều nghiên cứu phần trên mặt đất như tường, mái, đài thờ và  tượng thờ. Chưa có nhiều nghiên cứu về phần bên dưới mặt đất của một ngôi tháp Chăm. Ngoài yếu tố tín ngưỡng, liệu cấu tạo của hố thiêng chứa đầy cát và sỏi dưới nền móng lòng tháp còn có tác dụng về mặt kiến trúc, giúp cân bằng độ ẩm, hút thoát nước cho một khối gạch khổng lồ bên trên bền vững qua mưa nắng? Điều này cần có thêm những khảo sát và đánh giá, tuy vậy, việc nghiên cứu khảo sát nền móng khó thực hiện được ở những tháp Chăm hiện nay. Hy vọng những phế tích nơi phần trên của các ngôi tháp đã biến mất hoàn toàn lại là điều kiện thuận lợi để tiến hành các cuộc khai quật, có các đóng góp mới cho nghiên cứu cấu trúc nền móng và hố thiêng tháp Chăm.

Võ Văn Thắng


 

Tài liệu viết tắt và trích dẫn:

BEFEO: Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême-Orient.

NPHMVKCH: Những phát hiện mới về khảo cổ học – Viện Khảo cổ học.

Anna 2007: Anna A. Slaczka, Temple consecration rituals in ancient India: text and archaeology (Nghi lễ cúng đền tháp Ấn Độ cổ: Văn bản và Khảo cổ) ,  Leiden, Brill, 2007.

Aurousseau 1926: L. Aurousseau, Nouvelles fouilles de Đại-hữu (Các cuộc khai quật mới ở Đại Hữu), BEFEO, 1926, tr 359 -362.

Boisselier 1963: Jean Boisselier, La Statuaires du Champa, (Nghệ thuật tác tượng của Chămpa), Paris,Nhà xuất bản Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, 1963.

Cảnh 2007: Thích Minh Cảnh (chủ biên), Tự điển Phật học Huệ Quang, Nhà xuât bản thành phố Hồ Chí Minh, 2007

Chất 2013: Nguyễn Ngọc Chất và đồng nghiệp, Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật tại Cấm Mít, Hội thảo khoa học Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam 2013.

Chiều 2012: Nguyễn Chiều và đồng nghiệp, Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Phong Lệ, Hội thảo khoa học Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng năm 2012.

Chinh 1997: Hoàng Xuân Chinh, Ba kiến trúc tháp ở thánh địa Cát Tiên (Lâm Đồng), NPHMVKCH 1997, tr 651-652.

           – 1998: Thánh địa Cát Tiên sau 4 lần khai quật, NPHMVKCH 1998, tr 661-663.

Chronique 1927: Fouilles de Trà Kiệu (Khai quật ở Trà Kiệu), BEFEO, 1927, tr 468 – 477.

Chronique 1928: Fouilles de Trà Kiệu (Khai quật ở Trà Kiệu), BEFEO, 1928, tr 578 – 593.

Côn 2009: Đào Linh Côn, Nhìn lại một số di tích văn hóa Óc Eo quan trọng ở miền Tây Nam bộ, Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa Óc Eo- nhận thức và giải pháp bảo tồn phát huy giá trị, An Giang 2009.

Đông 1998: Hoàng Tiến Đông,  Khai quật di tích Cát Tiên lần 4, NPHMVKCH 1998, tr 659-660.

Finot 1925: Louis Finot, Victor Goloubew, Fouilles de Đại hữu (Khai quật ở Đại Hữu), BEFEO, 1925, pp 469 – 475.

Golzio 2004: Karl-Heinz Golzio (ed.), Inscriptions of Campa based on the editions and translations of Abel Bergaine, Etienne Aymonier, Louis Finot, Edouard Huber and other French scholars and of the work of R.C. Majumdar, Aachen 2004.

Hoàng 2011, Bùi Chí Hoàng, Diện mạo khu tháp Dương Long qua ba lần khai quật, Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam, tập 4, Nxb KHXH, 2011. tr 391-440.

Kal 1999: Wilhelmina H. Kal (ed.), Precious Metals in Early South East Asia (Kim loại quý thời kỳ sớm ở Đông Nam Á),  Royal Tropical Institute, Amsterdam 1999.

Maspero 1928: Georges Maspero,  Le Royaume de Champa, Paris 1928.

Mohammad 2011: Mohammad Natsir Ridwan Muslim, Preservation of Kimpulan Temple ( Bảo tồn đền Kimpulan),  The Eight Regular Report, Asia-Pacific Cultural Centre for UNESCO, 2011, tr 14-16.

Ninh 1996: Lương Ninh, Những bông sen vàng và giao lưu văn hóa Đông Nam Á, Tạp chi Khảo cổ học số 2/1996, tr 67-74.

       – 1998: Về ‘kho tàng” cổ của các vua Chăm, NPHMVKCH 1998, tr 670-673.

Parmentier 1903: Henri Parmentier, Descouverte de Bijoux anciens de Mi-Sơn (Khám phá đồ trang sức cổ ở Mỹ Sơn), BEFEO 1903, tr 664-665.

– 1904: Les monuments du cirque de Mi-Son, BEFEO 1904, tr 805-896.

– 1906: Nouvelles notes sur le sanctuaire de Pô-Nagar à Nhatrang (Ghi chép mới về điện thờ ở Pô Nagar Nha Trang), BEFEO 1906, tr 291-300.

– 1909: Découverte d’un nouveau dépôt dans le temple de Pô Nagar de Nha-trang (Khám phá một kho chứa mới trong tháp Po Nagar Nha Trang), BEFEO 1909, tr 347-351.

– 1918: Inventaire descriptif des monuments Cam de l’Annam ( Thống kê miêu tả di tích Chăm ở miền Trung Việt Nam), Tome II,, Paris, 1918.

– 1935: La construction dans l’architecture khmère classique ( Cấu tạo của kiến trúc cổ Khờ-me), BEFEO, 1935,  tr 243-311.

Patriza 2009: Patriza Zolese ,  Results of the Archaeological Investigations at Mỹ Sơn G Group (1997 – 2007) (Kết quả khảo sát khảo cổ học tại nhóm tháp G Mỹ Sơn) , trong  Andrew Hardy, Mauro Cucarzi and Patriza Zolese (ed.), Champa and the Archaeology of My Son (Vietnam),NUS, 2009,  tr 197 – 237.

Phụng  1998a, Lê Đình Phụng, Phạm Như Hổ, Doãn Quang, Khai quật phế tích tháp Khánh Vân, NPHMVKCH 1998,  tr 652-654.

-1998b, Lê Đình Phụng, Phạm Như Hổ, Cấu trúc một số lòng tháp – đền thờ Bà La Môn ở Việt Nam, NPHMVKCH 1998, tr 702-704.

-1999, Lê Đình Phụng, Phạm Như Hổ, Nguyễn Đình Bường, Khai quật phế tích tháp Vân Trạch Hòa, NPHMVKCH 1999, tr 719-721.

[1] Bài đăng trên Tạp chí Khảo cổ học (Viện Khảo cổ học – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) số 6-2013, tr 25-38.

[2] Kāśyapa là tên gọi một nhân vật huyền thoại trong văn bản Hindu giáo, được cho là vị hiền triết có giao tiếp và tiếp nhận kiến thức từ thần Siva. Ṥilpa trong tiếng Sanskrit có nghĩa là nghệ thuật kiến trúc và tạc tượng.

[3] Anna A. Slaczka đã dịch Kāśyapaśilpa ra tiếng Anh, kèm chú thích và phân tích trong luận án Tiến sĩ tại Đại học Leiden (Hà Lan) 2006, sau đó in thành sách Temple consecration rituals in ancient India: text and archaeology. Leiden: Brill, 2007.

[4] Do Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng thực hiện. ThS Nguyễn Chiều chủ trì khai quật.

[5] Do Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam thực hiện. ThS Nguyễn Ngọc Chất chủ trì khai quật.

[6] Peripih là một từ trong tiếng Indonesia để chỉ là một loại hộp hoặc lọ bằng đá hoặc gốm đặt dưới lòng tháp Hindu hoặc Phật giáo trong đó đặt các vật dâng cúng cho thần linh gồm đá quý, kim loại quý, gương, văn khắc, tro và hạt giống. Số khoang trong một hộp peripih thường là số lẻ.

[7] Nếu 2 hốc ở góc và 1 hốc ở giữa  mỗi mặt thì cả thảy ở 4 mặt có thể chỉ có 8 hốc, bởi vì 4 hốc ở góc đươc tính chung cho cả 4 mặt. Thực tế khai quật di tích Phong Lệ và Cấm  Mít cho thấy điều này.

[8] Les pillards qui partout ont  éventré le sol des tours ne nous ont laiseé en effet que le rares occasions de dégager nous-même ces dépôts . (Parmentier 1918: 442).

[9] Peut-être les Ćams  prirent-ils l’habitude, après les premiers  pillages, de dissimuler réellement le dépôt sacré, et cela expliquerait alors l’ incohérence des tentatives faites par les chercheurs des trésors. (Parmentier 1918: 446).

[10] Trong Báo cáo chung về Mỹ Sơn,  Parmentier (1904) xác định ngôi tháp phụ này là tháp C7.

 

Ảnh cho bài viết “Kho thiêng trong lòng tháp Chăm”

1 3 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 1. Bản vẽ kho báu tại tháp Tây –Bắc, khu tháp Pô Nagar (Parmentier 1918: 444) 

2 4 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng 3 3 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 2 và 3. Các hiện vật trong hố thiêng tháp Bắc, Đại Hữu (Arousseau 1926: Pl XIV, XVII)

4 2 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 4. Hố thiêng ở nền tháp Phong Lệ

5 2 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 5. Khu vực giữa đáy hố thiêng Phong Lệ

6 3 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 6. Bản vẽ mặt bằng và mặt cắt hố thiêng Phong Lệ (Nguyễn Thượng Hỷ)

7 2 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 7. Gạch, đá cuội, thạch anh trong hốc lõm ở đáy hố thiêng Phong Lệ

8 2 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 8: Mẩu kim loại màu vàng tìm thấy tại hố thiêng Phong Lệ

9 2 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 9. Hố thiêng Cấm Mít

10 2 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 10. Các viên thủy tinh tìm thấy ở hố thiêng Cấm Mít. 

11 1 - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 11. Các miếng vàng tìm thấy trong các peripih ở Indonesia – Bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Indonesia, Jakarta (Kal 1999: 71). 

12a - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 12a. Bản vẽ các món trang sức tìm thấy ở Mĩ Sơn (Parmentier 1903:664).

12b - Kho thiêng trong lòng tháp Chăm: từ văn bản cổ Ấn Độ đến kết quả khai quật - Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng

Ảnh 12b. Các món trang sức được ráp thử trên một ma-nơ-canh (Bosseilier 1963: Fig 72).

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây