WEF 2024: Nhận diện các biên giới tăng trưởng mới của châu Á

WEF 2024: Nhận diện các biên giới tăng trưởng mới của châu Á

Châu Á đang trong thời kỳ tăng cường kết nối và hợp tác nội vùng. Ảnh: AFP

Châu Á đang ở một thời điểm quan trọng mà những tiến bộ vài thập kỷ qua đã cùng nhau tạo nên một chương mới cho lịch sử khu vực, theo hai chuyên gia hàng đầu của tập đoàn Boston.

Neeraj Aggarwal, Chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn tư vấn Boston (Mỹ) cùng Aparna Bharadwaj, Giám đốc điều hành và đối tác của tập đoàn tư vấn Boston, đã có bài viết chia sẻ quan điểm về động lực tăng trưởng của châu Á tại Diễn đàn Kinh tế thế giới thường niên năm 2024 (WEF 2024).

Bài viết là một phần thảo luận tại Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Đại Liên, Trung Quốc từ ngày 25 – 27/6, theo công bố trên website của WEF.

Hai nhà phân tích của Boston cho rằng, một trong những câu chuyện lâu dài hơn về toàn cầu hóa là sự trỗi dậy của châu Á. “Bình minh của thế kỷ châu Á” như cựu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Kishore Mahbubani đã gọi, đã đến từ lâu, nhưng những thay đổi quan trọng trong trật tự thế giới hiếm khi xảy ra vào những sự kiện có tính thời điểm nào đó, mà quá trình đó diễn ra dần dần, nổi lên từ một bức tranh thảm hội tụ nhiều yếu tố đa dạng.

Trong quá khứ, câu chuyện tăng trưởng của châu Á bị chi phối bởi các nền kinh tế con hổ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và vào đầu thế kỷ này là Trung Quốc. Ngày nay, Ấn Độ, Việt NamIndonesia cũng đang nổi lên như những nhân tố quan trọng trong nền kinh tế khu vực và chuỗi giá trị toàn cầu.

Các biên giới tăng trưởng mới

Nền kinh tế Ấn Độ dự kiến tăng trưởng ở mức 6,8% trong năm nay. GDP danh nghĩa của Ấn Độ ước tính sẽ vượt qua Nhật Bản vào năm 2025 và đến năm 2030, Ấn Độ dự kiến vượt qua Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với GDP dự kiến là 7.000 tỷ USD. Ngoại thương của Ấn Độ có khả năng tăng thêm hơn 393 tỷ USD trong thập kỷ tới do nước này được hưởng lợi từ sự thay đổi động lực địa chính trị.

Ấn Độ cũng đang nổi lên như quốc gia đi đầu trong việc phát triển cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số. Hệ thống nhận dạng sinh trắc học của họ, Aadhaar, là hệ thống lớn nhất thế giới và một số quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc áp dụng hệ thống này. Thị trường tiêu dùng rộng lớn, đa dạng và tăng trưởng nhanh của Ấn Độ cũng hấp dẫn không kém. Nghiên cứu gần đây của tập đoàn tư vấn Boston chỉ ra rằng, đến năm 2030, thu nhập trung bình của hộ gia đình ở Ấn Độ sẽ tăng lên, đặc biệt là số lượng hộ gia đình giàu có.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng tiếp tục là câu chuyện tăng trưởng của châu Á. Tháng trước, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thêm 0,4 điểm phần trăm lên 5% cho năm 2024. Ngay cả khi tốc độ tăng trưởng chậm lại còn 3%, GDP năm 2030 của Trung Quốc vẫn sẽ cao hơn khoảng 5.000 tỷ USD so với năm 2022.

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc cũng tiếp tục xác định lại các tiêu chuẩn toàn cầu và vượt qua ranh giới của các ngành công nghiệp đổi mới toàn cầu như xe điện, năng lượng tái tạo và kinh tế số.

Ở những nơi khác trong khu vực, thương mại giữa các quốc gia ASEAN được dự báo sẽ tăng thêm 1.200 tỷ USD trong thập kỷ tới. Đến năm 2031, xuất khẩu của ASEAN dự kiến sẽ tăng gần 90% so với mức tăng trưởng thương mại toàn cầu nói chung là dưới 30%.

Các chủ đề mới nổi: kết nối thương mại và đổi mới công nghệ

Châu Á đang trải qua thời kỳ tăng cường kết nối và hợp tác nội vùng. Các doanh nghiệp toàn cầu cũng như các công ty đa quốc gia ở Đông Á (bao gồm cả những công ty có trụ sở tại Trung Quốc) đang dịch chuyển hoạt động sản xuất và tìm nguồn cung ứng sang Đông Nam Á. Các quốc gia này có mối liên hệ chặt chẽ – cả với nhau và với các thị trường lớn trên thế giới – điều này đã tạo cơ hội cho các công ty xây dựng chuỗi cung ứng tích hợp và khai thác thị trường trên toàn khu vực.

Các hiệp định thương mại mới đang củng cố sự thay đổi trên. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, sẽ giúp các công ty ở ASEAN được miễn thuế khi tiếp cận thị trường RCEP 2,2 tỷ dân. Hơn nữa, việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đồng nghĩa rằng khu vực này có khả năng tiếp cận thương mại cạnh tranh với các quốc gia chiếm hơn 40% GDP toàn cầu.

Châu Á cũng đang trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới toàn cầu. Đến năm 2030, doanh thu công nghệ tài chính (fintech) của châu Á ướctính sẽ vượt Bắc Mỹ. Một cuộc khảo sát của tập đoàn tư vấn Boston với 21.000 người tiêu dùng từ 21 quốc gia cho thấy người tiêu dùng châu Á có khuynh hướng tích cực hơn về trí tuệ nhân tạo (AI) so với người tiêu dùng ở phương Tây. Điều này cho thấy châu Á có thể mang lại nhiều cơ hội ngắn hạn hơn trong lĩnh vực này.

Một châu Á tự tin hơn

Chuỗi cung ứng toàn cầu đã phải đối mặt với những căng thẳng chưa từng có trong những năm gần đây, từ đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đến việc thắt chặt hạn chế đối với các sản phẩm công nghệ. Khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện là mối quan tâm hàng đầu của những người ra quyết định trong doanh nghiệp.

Từng chỉ được biết đến nhờ các trung tâm và nhà máy gia công phần mềm, người châu Á hiện đang điều hành một số công ty lớn nhất toàn cầu. Điều này cho phép các quốc gia trong châu lục tìm thấy nhiều cơ hội hơn ngay ở trong khu vực, thay vì phải nhìn ra bên ngoài. Điều này cũng mang lại ảnh hưởng và tác động trong nội bộ khu vực nhiều hơn.

Tuy nhiên, câu chuyện tăng trưởng châu Á cũng được phác họa cả những nét vẽ tương phản. Châu lục này phải đối mặt với những thách thức thường cấp bách hơn so với phần còn lại của thế giới. Gần 50% lượng khí thải CO2 toàn cầu được tạo ra ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bốn quốc gia Đông Nam Á, gồm Myanmar, Philippines, Việt Nam và Thái Lan, nằm trong 10 quốc gia hàng đầu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trong 20 năm qua. Hơn nữa, 37% GDP của ASEAN được dự đoán sẽ gặp rủi ro nếu nhiệt độ tăng 3,2°C.

Tiếp cận tài chính cũng vẫn là một thách thức khi gần 44% người trưởng thành ở khu vực ASEAN không sử dụng dịch vụ ngân hàng. Và cũng giống như Covid-19 và hậu quả của nó đã bộc lộ những rạn nứt trong hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới, điều tương tự cũng xảy ra với châu Á.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ có thu nhập trung bình cao, trung bình thấp và thu nhập thấp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có sự chênh lệch lớn về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe với mức trung bình khoảng 2,6 – 2,8 giường bệnh trên 1.000 người. Tỷ lệ này thấp hơn mức trung bình của OECD là 4,6 giường bệnh và mức trung bình của các quốc gia và vùng lãnh thổ có thu nhập cao ở châu Á – Thái Bình Dương là 5,4 giường bệnh. Điều này đặc biệt quan trọng vì một số nước châu Á có dân số già.

Tìm giải pháp sáng tạo cho những thách thức của châu Á

Điều làm cho châu Á ngày nay khác biệt so với quá khứ là kho giải pháp sáng tạo và có thể mở rộng mà châu Á đang phát triển để đương đầu những thách thức này. Ví dụ, mặc dù đúng là châu Á sẽ mất nhiều thứ do nhiệt độ tăng cao, nhưng châu lục này cũng được hưởng nhiều lợi ích nhất từ hành động ứng phó biến đổi khí hậu. Châu Á dự kiến sẽ tận dụng được 43% (4.300 tỷ USD) trong cơ hội mang lại doanh thu 10.100 tỷ USD vào năm 2030 từ các hoạt động như mở rộng năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà, giao thông vận tải và nông nghiệp cũng như tính tuần hoàn lớn hơn trong các ngành sản xuất.

Lĩnh vực fintech cũng dự kiến sẽ đạt doanh thu hàng năm 1.500 tỷ USD vào năm 2030, chiếm gần 25% tổng giá trị giao dịch ngân hàng trên toàn cầu. Với 42% doanh thu tăng thêm, khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự đoán là thị trường fintech lớn nhất, đặc biệt là các thị trường châu Á mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á), nơi fintech sẽ giúp mở rộng khả năng tiếp cận tài chính.

Đại dịch Covid-19 cũng đã đẩy nhanh việc áp dụng kỹ thuật số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trong đó các thị trường như Ấn Độ chứng kiếnkhoản đầu tư chăm sóc sức khỏe tăng 2,5 tỷ USD vào năm 2021, tiếp theo là hơn 1 tỷ USD vào năm 2022. Theo nghiên cứu của tập đoàn nghiên cứu Boston, những khoản đầu tư này trải rộng trên các phân khúc như hiệu thuốc trực tuyến, chẩn đoán trực tuyến, thể dục và chăm sóc sức khỏe cũng như các phân khúc mới nổi như chăm sóc đặc biệt, tài chính cho chăm sóc sức khỏe.

Quan trọng hơn, những giải pháp sáng tạo đó sẽ không chỉ giúp ích cho châu Á mà còn có thể được nhân rộng trên toàn cầu để hỗ trợ cả thế giới.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công – tư, do GS. Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ. Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng Giêng tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh đó là các Diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN… Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu – học thuật… hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Đông Phong

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây