Xác định 5 trục không gian quan trọng trong Quy hoạch xây dựng Thủ đô

Trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 mà Hà Nội đang lập sẽ chú trọng về phát triển không gian. Trong đó, ngoài 2 TP trực thuộc và 3 khu vực không gian (không gian ngầm, không gian xanh, không gian công cộng).

TP xác định 5 trục không gian quan trọng, bảo đảm Hà Nội phát triển hài hòa, bền vững, phát triển văn minh, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống.

Bảo đảm cho Hà Nội phát triển hài hòa

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg đã xác định các trục không gian với chức năng nổi trội như sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm TP Hà Nội; trục không gian kinh tế Mỹ Đình – Hương Sơn – Ba Vì. Bên cạnh đó là trục không gian văn hóa truyền thống Hồ Tây – Ba Vì (liên kết văn hóa Thăng Long – xứ Đoài); trục không gian cảnh quan Hà Đông – Chương Mỹ – Xuân Mai; trục không gian khoa học kết nối đô thị trung tâm với Hòa Lạc; trục không gian tâm linh Hồ Tây – Cổ Loa.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, các trục không gian đặc thù của Thủ đô đã được định hướng phát triển, song suốt hơn 10 năm qua phần lớn còn chậm triển khai, chưa trở thành động lực để thu hút phát triển. Những tồn tại rất cần được nhận diện khoa học, khách quan để lần điều chỉnh quy hoạch chung này có bước đi đầu cần quan tâm là tổ chức không gian.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, trong quá trình nghiên cứu lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, TP đã bám sát 3 Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị được ban hành trong năm 2022 để xây dựng những định hướng lớn về phát triển không gian cũng như hạ tầng khung cho Thủ đô trong giai đoạn tới. Trong đó có việc hình thành 5 trục không gian cảnh quan chính quan trọng, bảo đảm cho Hà Nội phát triển hài hòa, bền vững, phát triển văn minh, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống.

Các trục được định hướng nghiên cứu là trục sông Hồng – trục xanh, cảnh quan trung tâm; trục Hồ Tây – Ba Vì kết nối trung tâm với vùng văn hóa xứ Đoài; trục Nhật Tân – Nội Bài là trục đô thị thông minh; trục không gian Hồ Tây – Cổ Loa là trục kết nối di sản đô thị. Cuối cùng là trục liên kết phía Nam, gắn với trục văn hóa Mỹ Đình – Ba Sao – Bái Đính, kết nối di sản Thăng Long – Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn – Tam Chúc.

Một số định hướng chính về 5 trục không gian

Thông tin cụ thể định hướng phát triển các trục không gian chính, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho biết, trong 5 trục không gian cảnh quan chính được định hướng nghiên cứu thì trục sông Hồng được quan tâm đặc biệt. Đây sẽ là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm TP.

Những định hướng cụ thể ban đầu nhằm phát triển và khai thác trục không gian đặc biệt này của Thủ đô sẽ là xây dựng hệ thống giao thông mới sky-monorail dọc hai bên sông, kết hợp với việc hình thành tuyến waterbus dọc sông kết nối hai bên bờ sông Hồng một cách dễ dàng, đồng thời kết nối cảnh quan và các địa danh du lịch dọc sông. Tầm nhìn đến năm 2045, nâng cao tĩnh không cầu Long Biên sẽ hình thành tuyến du thuyền khám phá lịch sử và văn hóa cội nguồn từ Phú Thọ (đền Hùng) – Thành cổ Sơn Tây – Hoàng thành Thăng Long – thành Cổ Loa – Bát Tràng – Phố Hiến (Hưng Yên). Đây cũng là trục không gian hành trình di sản sông Hồng và các điểm di tích liên vùng từ Phú Thọ – Hà Nội – Hưng Yên.

Điểm nhấn trên trục sông Hồng là cầu Long Biên sẽ được cải tạo nguyên trạng ban đầu, dừng khai thác cơ giới và chuyển thành không gian đi bộ, biểu diễn, triển lãm, tổ chức sự kiện văn hóa, festival du lịch, công trình kiến trúc điển hình thời kỳ mới của Hà Nội. Hình thành hệ thống quảng trường hai bên đầu cầu kết nối dễ dàng bằng tất cả các phương tiện công cộng, là trục không gian kiến trúc, không gian văn hóa gắn kết hai TP cổ và TP mới, tạo sự hài hòa giao thoa giữa không gian mở của dòng sông Hồng.

Bên cạnh đó, khôi phục các công trình kiến trúc tâm linh có yếu tố lịch sử dọc sông Hồng như hệ thống các đền, chùa của nền văn minh sông Hồng, các hình thức văn hóa gắn với truyền thuyết như bãi tắm Chử Đồng Tử, xem xét phát huy làm tăng giá trị và trải nghiệm hòa hợp với thiên nhiên, làm giàu hóa các sân chơi, sản phẩm du lịch có thể quảng bá trên toàn thế giới. Xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, nhà hàng, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị phục vụ khu dân cư.

Cải tạo khu khu dân cư hiện hữu, bảo đảm chất lượng sống khu dân cư hai bên sông. Xây dựng các tuyến đường cảnh quan, tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp trên cơ sở Dự án quy hoạch hai bên sông Hồng. Nghiên cứu bổ sung xây dựng thêm cầu qua sông Hồng để tăng cường kết nối các tuyến đường khu vực Bắc – Nam sông Hồng.

Đối với trục Hồ Tây – Ba Vì, tiếp tục phát triển nhằm kết nối các vùng văn hóa và lịch sử Thăng Long – Xứ Đoài; điều chỉnh phù hợp với thực tế, gìn giữ các làng nghề lâu đời. Trên trục không gian này sẽ tạo dựng các công trình kiến trúc hiện đại, không gian quảng trường đi bộ, công trình văn hóa trung tâm – nơi tổ chức các lễ hội văn hóa dân gian.

Trục không gian Hồ Tây – Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát, đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng: công viên cây xanh, văn hóa, vui chơi giải trí, thương mại dịch vụ phía Bắc sông Hồng với bờ Nam sông Hồng và Hồ Tây gắn với các công trình biểu tượng. Đây cũng là trục cầu nối lịch sử, văn hóa, trong đó, khu vực bán đảo Quảng An, Hồ Tây là điểm hội tụ của hai trục không gian quan trọng là Hồ Tây – Cổ Loa và Hồ Tây – Ba Vì.

Trục Nhật Tân – Nội Bài, sẽ phát triển các trung tâm mới, là động lực kinh tế – văn hóa phía Bắc sông Hồng kết hợp với không gian nêm xanh nối kết sông Hồng với sông Cà Lồ, như trung tâm công cộng, thương mại tài chính, đô thị thông minh, dịch vụ logistics, vui chơi giải trí, nơi tổ chức các sự kiện của khu vực và quốc tế. Không gian này được kết nối từ trung tâm TP đến cảng hàng không quốc tế Nội Bài thông qua cầu Nhật Tân. Hình thành trục kinh tế động lực TP trẻ Bắc Sông Hồng, tạo dựng trục không gian sáng tạo – văn hóa – hội nhập dọc sông Thiếp, đầm Vân Trì.

Cuối cùng là trục không gian phía Nam, đây là trục không gian văn hóa kết nối lịch sử. Hình thành các trung tâm văn hóa tại khu vực công viên tưởng niệm Chu Văn An (lịch sử ) và gần với khu vực dự kiến xây dựng sân bay mới (tương lai). Hình thành các khu công nghiệp, trung tâm logistics gắn với sân bay, ga đường sắt, cảng sông… Tạo khu vực phát triển toàn diện và bền vững nơi mà sân bay không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông hàng không mà còn trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa và xã hội.

Tôi hoàn toàn nhất trí với việc lựa chọn 5 trục không gian quan trọng mà Hà Nội đã định hướng phát triển. Trong đó, trước hết phải làm trục sông Hồng, để sông Hồng thực sự trở thành một trục cảnh quan thiên nhiên, dòng chảy lịch sử tạo nên dấu ấn của nền văn hóa Thăng Long và góp phần làm nên một Hà Nội văn hiến. Khi kết hợp trục sông Hồng với trục Ba Vì – Hồ Tây thành trục văn hóa để làm nổi rõ đặc trưng Hà Nội.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính
Vũ Cúc

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây