Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại - VSD Văn Hóa - Nghệ Thuật
5.000 người trình diễn sáu điệu xòe cổ, tạo hình thành bông hoa ban và ruộng bậc thang, trong đêm khai mạc lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò (Yên Bái) tháng 9/2019. Ảnh: Giang Huy

Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Nghệ thuật xòe Thái được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Quyết định được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc đưa ra trong phiên họp lần thứ 16 tại Paris, Pháp hôm 15/12. Theo UNESCO, hồ sơ đề cử đáp ứng đủ năm tiêu chí để vinh danh: xòe Thái đi kèm âm nhạc của các nhạc cụ dân tộc; sự ghi danh nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của những vũ đạo truyền thống; các biện pháp bảo vệ xòe của cộng đồng người Thái; hồ sơ đề cử thể hiện sự tham gia đông đảo của các cộng đồng, nhóm người, cá nhân liên quan; những thành tố khác nhau của di sản xòe được đưa vào trong danh mục kiểm kê quốc gia.

UNESCO nhận định: “Múa xòe phản ánh thế giới quan và vũ trụ quan của người Thái, được trình diễn vào dịp Tết, trong lễ hội, các cuộc vui, liên hoan. Xòe Thái dành cho mọi người, không kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, nghề nghiệp và tộc người”.

Nghệ thuật xòe được sinh ra trong quá trình lao động của người Thái và dần trở thành chất liệu gắn kết các dân tộc trên vùng cao Tây Bắc. Có ba loại xòe: xòe vòng, xòe nghi lễ, xòe trình diễn. Trong đó, xòe vòng phổ biến nhất. Mọi người nối nhau thành vòng tròn, thực hiện các động tác múa cơ bản như: giơ tay lên cao, hạ xuống, nắm tay người bên cạnh và bước chân nhịp nhàng. Động tác đơn giản biểu trưng cho khát vọng về sức khỏe và hòa hợp của cộng đồng. Xòe nghi lễ và xòe trình diễn được gọi tên theo các đạo cụ như: xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy, xòe hoa. Nhạc cụ phục vụ múa xòe là tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe…

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xòe Thái được công nhận là di sản văn hóa thế giới khẳng định bản sắc văn hóa phong phú dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng.

Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra từ ngày 13 đến 18/12 tại Paris, Pháp theo hình thức trực tuyến. Tại kỳ họp, UNESCO thẩm định 48 hồ sơ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, sáu hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, năm đề xuất đăng ký vào thực hiện hành tốt về di sản văn hóa phi vật thể và nhiều nội dung khác.

Ông Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – cùng lãnh đạo bốn tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái tham dự cuộc họp tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trước xòe Thái, nhã nhạc cung đình Huế, quan họ Bắc Ninh, hát xoan ở Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam Bộ… từng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hiểu Nhân

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây