LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC – KỲ 6

THÀNH LẬP CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC VÀ NHỮNG THÀNH TÍCH CỦA KHU CĂN CỨ TRONG NHỮNG NĂM 1960 – 1965

Tháng 1 năm 1959, trong bối cảnh cách mạng miền Nam đang ở trong hoàn cảnh đen tối nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) họp Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng), xác định con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, “con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến dựng lên chính quyền của nhân dân”[1]. Nghị quyết 15 có ý nghĩa lịch sử to lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần độc lập, tự chủ, năng động sáng tạo của Đảng ta, làm xoay chuyển tình thế, mở đường cho cách mạng miền Nam vượt qua thử thách để tiến lên giành thắng lợi.

Tháng 9 năm 1959, Tỉnh uỷ Quảng Nam Đà Nẵng họp tại Bến Giằng để học Nghị quyết 15. Tỉnh uỷ thành lập Ban Cán sự cánh Bắc do đồng chí Đinh Ngọc Lư, Tỉnh uỷ viên làm bí thư Ban Cán sự.

Tháng 11 năm 1959, Ban Cán sự cánh Bắc họp đề ra chủ trương khôi phục lực lượng Đảng và quần chúng, bắt mối lại những đảng viên còn giữ phẩm chất và lòng trung thành với Đảng. Cán bộ thoát ly của huyện Hòa Vang lúc này chỉ còn 4 đồng chí. Các đồng chí đã vượt núi non hiểm trở, xoi đường xuống Nam Ô, Trường Định để bắt mối xây dựng lại cơ sở cách mạng.

Về phía địch, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tăng cường xây dựng bộ máy kìm kẹp và lùng sục đánh phá cách mạng. Địch trang bị súng đạn đầy đủ cho bọn dân vệ và tổ chức canh gác nghiêm ngặt. Chúng phát triển mạnh các đoàn thể thanh niên xung kích, thanh niên cộng hoà, thanh niên bảo vệ hương thôn. Lực lượng cố vấn Mỹ vào ngày càng đông, chúng phụ trách việc đào tạo, huấn luyện quân sự cho lính nguỵ. Chúng mở rộng khu kho Liên Chiểu chứa xăng dự trữ; xây dựng sân bay Bầu Mạc ở Xuân Thiều và nhiều căn cứ quân sự, hậu cần ở các thôn xung quanh. Tuy nhiên, lúc này thế lực của ta đã bắt đầu lớn mạnh và giống như phong trào cách mạng của nhân dân ta trên khắp miền Nam, phong trào cách mạng của nhân dân Hồng Phước cũng  có bước chuyển biến mới.

Tháng 1 năm 1960, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng tổ chức Đại hội Đại biểu đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại một địa điểm bên dòng sông Avương thuộc huyện Hiên. Tháng 2 năm 1960, Huyện ủy Hoà Vang đã tổ chức Hội nghị cán bộ để học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng và đề ra nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và nhân dân huyện trong thời gian tới là: đẩy mạnh khôi phục và phát triển lực lượng cách mạng, tạo thế và lực để phát động phong trào đấu tranh của quần chúng, xây dựng căn cứ  và  địa bàn đứng chân ở các xã phía Tây, làm bàn đạp tiến về các xã vùng sâu. Huyện ủy quyết định xây dựng Phú Sơn làm căn cứ địa chống Mỹ của Hòa Vang, đồng thời thành lập các đội công tác luồn sâu vào các thôn, ấp bắt mối, tổ chức lại các cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng, theo phương châm “bắt rễ, xâu chuổi” để xây dựng lực lượng, phát triển phong trào cách mạng. Huyện ủy tổ chức 3 Đội Công tác vũ trang theo 3 đường dây hành lang từ căn cứ xuống các địa phương trong huyện, trong đó đường dây cánh Bắc Hòa Vang từ căn cứ “Khe nước Cây Khế” qua Hậu Vực – An Lợi, Cao Sơn xuống Nam Yên – Trường Định – Nam Ô – Hồng Phước và từ đây phát triển đến các xã Hòa Khánh, Hòa Minh, Hòa Phát. Cùng thời điểm đó, Ban Cán sự Đảng Đà Nẵng phân công các đồng chí Võ Thanh Hùng và đồng chí Tăng Ngọc Phương về khu Tây Đà Nẵng tổ chức xây dựng Hồng Phước thành căn cứ lõm cách mạng, dựa vào cơ sở ở Hồng Phước (do Huyện ủy Hòa Vang xây dựng) để bắt liên lạc, gây dựng, chắp nối cơ sở ở Xuân Đán, đưa lực lượng ta tiến vào Đà Nẵng từ phía Tây.

Thời gian này, địa bàn xã Hòa Khánh là nơi tập trung nhiều bọn tay chân của địch nên việc móc nối cơ sở hết sức khó khăn. Các Đội Công tác vũ trang huyện Hòa Vang và khu Tây Đà Nẵng về bám địa bàn Hồng Phước, bắt liên lạc, chắp nối lại các cơ sở cách mạng cốt cán ở đây làm nòng cốt tiếp tục xây dựng thêm các cơ sở mới. Từ các gia đình cơ sở đã được xây dựng từ trước đó, các đồng chí Võ Thanh Hùng và Tăng Ngọc Phương tuyên truyền, vận động, xây dựng và phát triển các cơ sở cách mạng. Đến năm 1961, ở Hồng Phước, Ban cán sự Đảng Đà Nẵng đã xây dựng được 7 cơ sở nòng cốt, đó là các bà: Nguyễn Thị Liên, Phạm Thị Dĩ, Hà Thị Mau, Lê Thị Tịnh, Lê Thị Cảnh (bà Hoài), Lê Thị Huê và Đào Thị Thanh cùng các thành viên trong gia đình của họ.

Các gia đình cơ sở nòng cốt này đã tích cực đào thêm nhiều hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, bộ đội cánh Bắc Hòa Vang và khu Tây Đà Nẵng, đưa đón cán bộ, bộ đội, du kích xuống xây dựng các cơ sở mật ở 3 xã Hòa Khánh, Hòa Minh, Hòa Phát của cánh Bắc Hòa Vang và Xuân Đán, Thanh Hà Khê, Thạc Gián thuộc khu Tây Đà Nẵng. Lúc bấy giờ, ở Hồng Phước chưa có những căn hầm bí mật kiên cố đào sâu trong lòng cát như sau này, mà chủ yếu phên xếp, phên đôi ở trong buống, hoặc là xây hầm nổi hai tầng, tầng dưới sát mặt đất là hầm tránh bom của gia đình và tầng trên là hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Các hầm bí mật xây dựng trong nhà thì thường đào chìm dưới đất để làm nơi nuôi giấu cán bộ.

Những căn hầm bí mật ở Hồng Phước lúc bấy giờ tuy đơn giản nhưng là nơi che giấu an toàn cho nhiều cán bộ của ta trong sự khủng bố tàn bạo của kẻ thù. Một lần, nhằm dò la hầm bí mật của ta, bọn mật vụ đã xâm nhập vào thôn Hồng Phước. Hai đồng chí Phạm Đình Khôi, Bùi Đức Cửu và bà Trương Thị Bợ đã dũng cảm, mưu trí bắt và tiêu diệt một tên. Để trả thù, Mỹ – Diệm kéo quân vây ráp, nhưng tìm không ra, chúng bèn hèn hạ bắt bà Ngô Thị Buông tra tấn, khai thác nhưng không kết quả, chúng đã hèn hạ giết hại bà Buông.

Cùng với việc đào hầm bí mật, công tác giao liên, đảm bảo thông suốt và an toàn cho các tuyến hành lang từ căn cứ miền núi xuống đồng bằng, đô thị càng trở nên quan trọng, vì bấy giờ, ngoài một bộ phận cán bộ bám trụ ngày đêm tại địa bàn, nằm hầm bí mật trong dân, phần lớn cán bộ của ta hoạt động theo phương thức: đêm xuống núi hoạt động sáng về lại căn cứ. Trong tình hình “ngày địch đêm ta” (tức ngày địch kiểm soát, đêm do ta làm chủ), những ngọn đèm tín hiệu tại Hồng Phước có ý nghĩa thực tiễn, tiêu biểu là ngọn đèn tín hiệu tại nhà bà Phạm Thị Dĩ.

Căn nhà bà Phạm Thị Dĩ ở phía Tây Bắc của thôn, trông lên núi vùng núi Hải Vân rất rõ, cho nên Ban cán sự Đảng Đà Nẵng quyết định chọn bà Phạm Thị Dĩ làm cơ sở giao liên và chọn nhà vợ chồng của bà làm nơi đặt ngọn đèn tín hiệu. Hằng ngày, ngoài làm lụng kiếm sống và nuôi giấu cán bộ, vợ chồng con cái của bà Phạm Thị Dĩ đi nắm tình hình địch. Những ngày tinh hình yên ắng, nghĩa là không có địch tại địa phương, thì đêm ấy bà thắp sáng ngọn đèn giao liên ở trước nhà mình, ngược lại, khi có địch thì không thắp; cán bộ của ta ở căn cứ mỗi đêm nhìn xuống phía nhà của bà, xem có đỏ đèn hay tắt đèn để quyết định phương thức hoạt động của mình, xuống núi hoạt động hay ở lại trên căn cứ. Ngoài ra, ở thôn Hồng Phước, tùy theo hướng đi, còn có những ngọn đèn tín hiệu khác ở nhà các bà Lê Thị Huê, Nguyễn Thị Liên, Phạm Thị Miên…

Về công tác hậu cần, nhất là đảm bảo về lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác cũng được Ban cán sự Đảng Đà Nẵng quan tâm. Nguồn lương thực tại chỗ chỉ đủ nuôi một lực lượng cán bộ vừa phải, nếu số lượng đông thì không đủ. Hơn nữa, căn cứ lõm Hồng Phước cón có nhiệm vụ thu góp, tập trung gạo, muối để cung cấp cho căn cứ miền núi. Việc vận chuyển gạo, muối từ Đà Nẵng về tập kết tại Hồng Phước, Xuân Thiều, Kim Liên và từ các địa phương này lên miền núi được các cơ sở của ta làm thường xuyên, vượt qua được những con mắt soi mói, kiểm soát chặt chẽ của bọn cảnh sát, binh lính địch và đưa về căn cứ an toàn.

Công tác xây dựng lực lượng du kích tại Hồng Phước cũng được chú trọng. Ban cán sự Đảng Đà Nẵng đã chỉ đạo xây dựng đội du kích Hồng Phước. Đội này làm nòng cốt để xây dựng đội du kích Hòa Khánh sau đó. Rất nhiều thanh niên Hồng Phước nói riêng và xã Hòa Khánh nói chung đã được đưa lên căn cứ miền núi để tham gia đội công tác, bộ đội địa phương…

Từ năm 1961, địch bắt đầu tiến hành dồn dân, lập ấp chiến lược. Chúng xem “ấp chiến lược” là quốc sách, là chiếc xương sống của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ – Diệm. Ở Hoà Khánh, địch xây dựng ấp chiến lược Đa Phước, Thanh Vinh, Đà Sơn, Khánh Sơn; bắt nhân dân phải đóng góp cọc tre, gai, dây thép và tham gia ngày công gánh đất đắp ấp chiến lược bao bọc chung quanh làng. Ấp chiến lược được rào rất kiên cố với nhiều lớp vòng trong, vòng ngoài. Mỗi ấp chiến lược chỉ có 2 cổng để nhân dân vào ra để dễ kiểm soát. Ấp chiến lược của Mỹ – Diệm gây rất nhiều khó khăn cho công việc làm ăn của nhân dân. Âm mưu của chúng là nhằm tách cán bộ ra khỏi dân, tiến đến cô lập và tiêu diệt lực lượng cách mạng. Địch xây dựng ấp chiến lược thành phòng tuyến chống cộng. Bọn nguỵ quân, nguỵ quyền trong ấp chiến lược, hoặc đóng gần ấp chiến lược để sẵn sàng đối phó với cán bộ đột nhập vào ấp chiến lược. Địch bắt mỗi gia đình phải sắm cây gậy, dây dừa, đuốc, mõ để sẵn trong nhà, hễ mỗi khi nghe kẻng báo động là nhân dân mang dây, gậy đi đuổi bắt cán bộ. Địch tăng cường canh gác, tuần tra ban đêm, phục kích những ngã đường nghi ngờ cán bộ thường hay qua lại. Tuy nhiên, ở xã Hòa Khánh lúc bấy giờ, Mỹ – Diệm đã không lập được ấp chiến lược tại Hồng Phước. Một phần do chính quyền của địch ở đây lỏng lẻo, mặt khác do phong trào diệt ác phá kìm ở Hòa Khánh lên mạnh, ta phá ấp chiến lược Đa Phước (Hoà Khánh), diệt tên Phùng Đình Khấu, tấn công lực lượng địch tại quán cơm Bắc Ninh…., bọn địch lo đối phó ở các nơi này, nên ở Hồng Phước, chúng có phần sơ hở, lỏng lẻo.

Tháng 10 năm 1962, Liên Khu ủy 5 quyết định tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà. Tỉnh ủy Quảng Đà quyết định cắt 3 xã Hòa Minh, Hòa Khánh và Hòa Phát của huyện Hòa Vang sáp nhập vào khu Tây Đà Nẵng, do Ban cán sự khu Tây Đà Nẵng lãnh đạo, để làm cơ sở, bàn đạp cho việc khôi phục phong trào cách mạng ở nội thành Đà Nẵng. Ban Cán sự Đảng khu Tây Đà Nẵng đã thành lập đội công tác do đồng chí Võ Thanh Hùng làm Đội trưởng, trực tiếp về đứng chân tại Hồng Phước để tiếp tục tổ chức xây dựng căn cứ và đường dây hoạt động. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng khu Tây Đà Nẵng, mà trực tiếp lúc này là các đồng chí Võ Thanh Hùng, Tăng Ngọc Phương, Phan Văn Tải, các cơ sở ở Hồng Phước phát triển nhanh chóng. Hồng Phước trở thành một chiếc nôi cách mạng ở cánh Bắc Hòa Vang và khu Tây Đà Nẵng. Từ những cơ sở nòng cốt ban đầu, tiến tới đại bộ phận nhân dân Hồng Phước đã giác ngộ cách mạng và bằng nhiều hình thức, nhân dân trong thôn đã đào thêm nhiều hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ, đảng viên; làm giao liên vận chuyển vũ khí, thư từ, tài liệu vào nội thành và tham gia vận động, lôi kéo một số người trong hội đồng tề xã, một số lính dân vệ tạo cơ sở để các lực lượng ta về hoạt động, thực hiện “hai chân” (đấu tranh chính trị và quân sự), “ba mũi” giáp công (chính trị, quân sự, binh vận), đấu tranh chống “chính sách ấp chiến lược của địch”.

Tháng 11 năm 1963, chế độ độc tài Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Phong trào  cách mạng toàn miền Nam chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều hàng rào ấp chiến lược của địch ở Hòa Khánh, Hòa Minh, Hòa Hiệp bị ta phá rã.

Năm 1964, theo quyết định của Khu ủy 5, thành phố Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Đà, Thành ủy Đà Nẵng được thành lập, do đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư tỉnh Quảng Đà kiêm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Các xã Hoà Minh, Hoà Khánh, Hoà Phát, trước đây là địa bàn thuộc huyện Hòa Vang nhưng là bàn đạp của Đà Nẵng, nay được giao hẳn cho Đà Nẵng quản lý, trực thuộc đơn vị hành chính Quận Nhất (từ năm 1967 đổi thành Quận Nhì) của thành phố. Cũng trong thời gian này, trung đội du kích mật của xã Hòa Khánh được thành lập do đồng chí Phan Văn Bảy là trung đội trưởng và đồng chí Trần Thị Vấn làm trung đội phó.

Để chuẩn bị cho bước phát triển mới của cách mạng, Quận uỷ Quận I cử đồng chí Phan Văn Tải xuống xây dựng cơ sở tại địa bàn Hoà Minh, Hoà Khánh, Hoà Phát. Đồng chí đã thường xuyên về Hồng Phước, chỉ đạo tăng cường xây dựng căn cứ lõm cách mạng Hồng Phước nhằm đáp ứng tinh hình mới của cách mạng, chuẩn bị hưởng ứng phong trào ở “đồng khởi” ở đồng bằng. Trong tình hình đó, căn hầm bí mật trong nhà bà Phạm Thị Miên đã trở thành một địa điểm họp bàn và quyết định nhiều cuộc tấn của ta vào  trung tâm thành phố Đà Nẵng và các xã phía bắc huyện Hoà Vang. “Ngọn đèn đứng gác” tại nhà bà Phạm Thị Dĩ vẫn là tín hiệu được tin cậy của cán bộ, chiến sĩ của ta trên đường hành lang từ căn cứ miền núi xuống Đà Nẵng. Với những căn hầm bí mật được bảo mật tuyệt đối,  những ngọn đèn tín hiệu thắp hoặc không thắp rất chính xác ở Hồng Phước, tuy thầm lặng, nhưng đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cao trào “Đồng khởi” giải phóng đại bộ phận nông thôn đồng bằng ở các xã cánh Bắc Hòa Vang, cũng như các hoạt động quân sự của ta ở Quận Nhất Đà Nẵng. Căn cứ lõm cách mạng Hồng Phước đến lúc này có thể đóng vai trò của một căn cứ tiền phương.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam- Sdd, trang 82.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây