Miền tháp cổ – Tác giả Vũ Hùng – Kỳ 9 – Những bí ẩn của một tộc phả

Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 9 - Những bí ẩn của một tộc phả

Untitled 1 10 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 9 - Những bí ẩn của một tộc phả

NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG

Untitled 2 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 9 - Những bí ẩn của một tộc phả

Tác giả Vũ Hùng

Những bí ẩn của một tộc phả

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

Ngày 14 tháng 4 năm 1806, niên hiệu Gia Long, các vị đời thứ 17 của tộc Phan đã biên soạn và “ký chỉ” bản “Phan tộc phổ chí Đà Sơn – Đà Ly nhị xã(1)” bằng chữ Nho (trong bài này viết tắt là Tộc phả). Ngày 28.12.1989, 183 năm sau, con cháu đời thứ 21 và 22 của tộc Phan ở Phong Lệ-Đà Ly cũ, lần đầu tiên dịch bản Tộc phả trên sang quốc ngữ, gồm dịch âm, dịch nghĩa và có phần chú thích.

Trong Lời mở đầu, những người dịch Tộc phả đã thể hiện lòng thành kính và tự hào về dòng tộc, về sự đóng góp của tổ tiên với quê hương xứ sở, thể hiện tự đáy lòng mình sự nghiêm cẩn đối với bảo vật của tiền nhân lưu lại. Họ đã bám sát nguyên bản chữ Nho để dịch, không tùy tiện thêm bớt, đoạn nào chỗ nào chưa rõ thì cẩn thận giữ nguyên để đời sau tiếp tục làm rõ. Tinh thần ấy là kế thừa của các vị đời thứ 17 khi viết bản Tộc phả năm 1806 bằng chữ Nho, họ cũng đã thận trọng ghi theo lời “truyền lại của liệt vị tổ tiên” để đời sau biết gốc tích, trường hợp có chỗ “không biết rõ được không dám chép càn”(2). Tinh thần nghiêm cẩn, nâng niu và tôn quý ấy cũng truyền sang tôi, một người ngoại tộc khi viết bài này.

Sau năm 1406, tổ tiên của dòng tộc đã hình thành một bản phổ chí bằng một loại chữ cổ mà bốn thế kỷ sau, năm 1806, khi con cháu của dòng tộc tự nhận“ngã thị Chiêm chủng” biên soạn Tộc phả không đọc được chữ cổ ấy, nên chỉ ghi chép theo lời kể của người xưa truyền lại. Việc ghi chép theo truyền khẩu có những hạn chế nhất định như “tam sao thất bản”, mang tính ước lệ, nhất là các chi tiết định lượng.

Giá trị của bản Tộc phả không chỉ đối với dòng tộc mà còn là nguồn sử liệu cổ và quý hiếm phản ánh lịch sử, văn hóa địa phương và mối quan hệ Đại Việt – Chiêm Thành. Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng đã công bố bản dịch âm và dịch nghĩa của bản Tộc phả, kèm theo chú thích và bình luận, tại hội thảo khoa học quốc tế ở Hà Nội, năm 1998(3). Tộc phả này cũng là nguồn sử liệu cho nhiều bài viết và công trình nghiên cứu khác.

Nhưng giá trị của bản Tộc phả vẫn còn nhiều tiềm ẩn cần tiếp tục nghiên cứu khai thác. Trên tinh thần khoa học và căn cứ vào nguyên văn bản Tộc phả, bài viết này nêu một số vấn đề nhằm trao đổi với mong muốn góp phần làm rõ thêm giá trị của bản
Tộc phả.

1. Theo bản Tộc phả, sau năm 1406, tổ tiên dòng tộc Phan đã biên soạn một bản phổ chí “kê các đời từ thượng cổ, trung cổ cho đến cận cổ đều viết bằng chữ khoa đẩu”. Trong chú thích của bản dịch Tộc phả ghi chữ Khoa đẩu “có thể là chữ của người Chiêm Thành”. Đó là chữ Chàm cổ, vì vào năm 1443, một bia ký tại Chiêm Sơn, Duy Xuyên, cũng được người Chàm ở đây khắc bằng chữ Chàm cổ(4). Như vậy, vào nửa đầu thế kỷ 15, người Chàm phía nam núi Hải Vân dùng chữ Chàm cổ để ghi chép và khắc bia ký.

Năm 1806, khi biên soạn Tộc phả bằng chữ Nho, bản phổ chí chữ Khoa đẩu ấy vẫn còn,“nhưng nay không biết chữ nên không biết rõ được danh tính của người xưa, chỉ cùng lặng lẽ ghi theo những lời truyền lại của liệt vị tổ tiên”. Như vậy, khi biên soạn Tộc phả vào năm 1806, dòng tộc chỉ có bản phổ chí chữ Khoa đẩu, không có bản phổ chí nào khác nữa. Tuy nhiên, có vài chi tiết trong Tộc phả cho biết rằng những người biên soạn có đối chiếu với bản phổ chí cũ. Về bà Ung Thị Thận, đời thứ 5, ghi:“Phổ chí bị mối mọt ăn thủng nên không rõ ngày kỵ của bà, nên kỵ chung theo ngày kỵ của ông”. Một đoạn khác:“Phụng tra theo quyển phổ chí cũ, từ liệt vị tổ tiên đời thứ 7 đến đời thứ 13 không thấy chép ngày kỵ và địa điểm mộ”.

“Phổ chí bị mối mọt” và “phổ chí cũ” là bản phổ chí nào?

Tộc phả có ghi:“Từ 6 vị Tằng tổ đời thứ 14 gồm các ông Phan Tấn Vinh, Phan Tấn Do, Phan Văn Lộc, Phan Văn Có, Phan Hữu Cải, Phan Công Diên sinh con cháu ngày càng đông, nên các ngày lễ hội khó mà tập trung. Vì vậy, mỗi phái chép riêng một bản phổ chí để phụng giữ và tiện cho con cháu theo phái trưởng mỗi phái quy tụ”. Trong Tộc phả, phả hệ chỉ ghi đến đời thứ 13, nên 6 vị đời thứ 14 không rõ ở đâu.

Hiện nay, tại tộc Phan ở Phong Bắc còn lưu một bản phổ chí trong tình trạng mục rã, nét chữ không đồng nhất, trong đó chỉ ghi từ đời ông Phan Hữu Cải cho đến khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, không ghi các đời trước đó, không có hoặc không còn dòng lạc khoản nào về niên đại biên soạn phổ chí. Đây có thể là một trong 6 bản phổ chí của đời thứ 14 và được tục biên. Tộc Phan ở Đà Ly là “thứ phái tự tôn” duy nhất sau “trưởng phái tự tôn” ở Đà Sơn, nhưng trong phổ chí của ông tằng tổ Phan Hữu Cải chỉ ghi từ đời thứ 14 trở về sau, nên có thể 5 phổ chí của các vị đời thứ 14 còn lại cũng không ghi các đời trước, do dó không phải là“phổ chí bị mối mọt”, “phổ chí cũ” mà các vị đời thứ 17 đã đối chiếu khi biên soạn Tộc phả.

Nếu phổ chí cũ và phổ chí bị mối mọt chính là bản phổ chí bằng chữ Chàm cổ biên soạn sau năm 1406 thì vì sao lại ghi rằng không còn ai đọc được và dùng thuật ngữ chữ Khoa đẩu, một loại chữ xa lạ, theo truyền thuyết Trung Hoa có trước công nguyên, mà không ghi rõ là chữ của tổ tiên mình?

Bản phổ chí chữ Chàm cổ không còn nên không biết rõ nội dung ghi chép.

Trước năm 1471, Đà Sơn và Đà Ly thuộc châu Hóa của Đại Việt (châu Rí cũ), nhưng thực tế do Chiêm Thành cai quản. Văn hóa mẫu hệ Chàm không có truyền thống biên soạn phổ chí. Dòng tộc bản xứ này biên soạn phổ chí bằng chữ Chàm phải chăng đã bắt đầu ảnh hưởng văn hóa dòng tộc phụ hệ của Đại Việt?

2. “Thời thượng cổ sinh sống tại động Thanh Lam, hiệu là bộ Việt Thường, thời trung cổ dời vào Lâm Châu (nay là đất Lâm Bình), thời cận cổ lại dời vào Đà Bàn (nay là đất Bình Định), đổi quốc hiệu là nước Chiêm Thành, bao trùm cả Thanh Hà (nay là đất Thanh Hoa), về nam tới động Thạch Bi (nay là đất Thuận Thành), tiếp nối các đời làm chủ đất nước, gồm 68 thế kỷ”.

Nếu con số 68 thế kỷ – 6.800 năm, không phải do người biên soạn Tộc phả nhầm lẫn thì dòng tộc này đã “làm chủ đất nước” trước thời Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và các vua Hùng trên 2.200 hoặc trên 2.600 năm(5), trong khi nước Lâm Ấp ghi trong chính sử bắt đầu từ thời Khu Liên, cuối thế kỷ thứ 2 sau công nguyên, cách đây trên 18 thế kỷ.

Những người dịch Tộc phả sang chữ quốc ngữ tự nhận“chưa hiểu hết” đoạn trên và trong chú thích có ghi:“Một thế kỷ có thể là 12 năm”(6). Từ đó cho rằng :“Tộc Phan chúng ta xuất hiện trước năm 1400 là khoảng 800 năm (vào khoảng năm 600 sau công nguyên) vì tên nước Chiêm Thành có vào khoảng năm 808”(7).

Nếu lấy mốc thời gian năm 1400, cũng là thời điểm biên sọan phổ chí chữ Khoa đẩu (sau năm 1406), để tính thời gian hiện diện của dòng tộc như những người biên soạn Tộc phả ghi thì dòng tộc đã “làm chủ đất nước” Chiêm Thành từ khoảng năm 600 sau công nguyên, trùng với sự kiện tướng Tàu Lưu Phương đánh chiếm và tàn phá kinh đô Lâm Ấp năm 605(8).

Trường hợp 68 kỷ (816 năm) do các vị đời thứ 17 tính đến năm biên soạn Tộc phả – năm 1806, thì dòng tộc này cũng đã có mặt tại Lâm Châu vào đầu thế kỷ 11, sau sự kiện 3 châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh thuộc về Đại Việt, sau đó “dời vào Đà Bàn (nay là Bình Định)”(9). Việc di chuyển về phương Nam sau sự kiện trên cho biết đây là một dòng tộc quyền thế gắn liền với cương vực của Chiêm Thành.

Năm 1402, khi nhà Hồ chiếm Chiêm Động và Cổ Lũy, dòng tộc quyền thế này không di chuyển về phương Nam, được nhà Hồ tiếp tục sử dụng để cai quản vùng đất do dòng tộc từng cai quản.

Sau khi Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt vào năm 1407, Chiêm Thành trở lại Cổ Lũy, Chiêm Động và vùng đất từ sông Thu Bồn đến Hải Vân. Từ năm 1407 đến năm 1471, vùng đất ki mi này, nơi dòng tộc sinh sống, trên thực tế vẫn do người Chiêm Thành cai quản.

3. Bối cảnh hình thành bản Tộc phả là vào năm 1806, triều vua Gia Long (1802-1820), vị vua đầu tiên của triều Nguyễn sau khi thống nhất giang sơn, trước năm 1832 hơn một phần tư thế kỷ. Nhiều chi tiết xuyên suốt trong Tộc phả cho biết những người biên soạn đã mặc nhiên tự nhận nguồn gốc, vị thế chính trị của dòng tộc và mối quan hệ với Đại Việt:

“Thời thượng cổ sinh sống tại động Thanh Lam, hiệu là bộ Việt Thường, thời trung cổ dời vào Lâm Châu (nay là đất Lâm Bình), thời cận cổ lại dời vào Đà Bàn (nay là đất Bình Định), đổi quốc hiệu là nước Chiêm Thành, bao trùm cả Thanh Hà (nay là đất Thanh Hoa), về nam tới động Thạch Bi (nay là đất Thuận Thành), tiếp nối các đời làm chủ đất nước, gồm 68 thế kỷ (đất cũ thổ âm gọi là Dung Anh).Các thế hệ đều dùng chữ khoa đẩu để biên chép”.
“Nhân lúc ông Hậu chúa chúng ta đi sứ triều cống Trung Hoa thấy tận mắt nền văn minh đã xâm nhập vào các lân bang của chúng ta là hai bộ Giao Chỉ và Tượng Quận”. -“Tiên công ta liệu sức không thể chống cự lại được, bèn ủy quyền cho ông Bí động trưởng động Thượng thành (nay là Quy Nhơn) giữ nước, còn tiên công mang quốc ấn và giấy tờ sổ sách của tộc chạy sang đất Giao Chỉ, tìm đến vua nhà Trần xin binh tướng về diệt Mật”.
“Quan binh nhà Trần đến nước ta thấy phong tục nước ta lạc hậu, trở về tâu vua. Vua Trần khuyên Tiên công ta và ông Bí chúa nên theo phép quốc hôn mà lãnh quan tước – trở về bàn với các ông Thổ trưởng, Tù trưởng thuận hiệp Chiêm thành Giao chỉ thành một nước”.
“Kể từ đời Tiên công ta về nhà Trần, triều Trần nghi dân ta có dạng chữ riêng, sợ sanh ra có tiếng nói và sách vở khác biệt, nên nghiêm cấm việc học chữ Chiêm.”
“Chúng ta là nòi giống Chiêm, là cháu ngoại nhà Trần, nhờ nhà Trần mà diệt được giặc Mật, giặc Đẩu, rửa nỗi hận của nước nhà, không quên ơn đức. Nhờ đó mà khỏi cam chịu 13 châu này là bãi đất trống không chủ, đất đai của chúng ta nhân dân của chúng ta, không phải nhờ giặc Hồ mà có, mà chúng lại giám chiếm đoạt, phá hủy động tháp…”.
-“Tiếp đến nghe tin vua Lê khởi nghĩa ông nói:“Dòng giống họ Lê gốc người động Thanh Lam cùng một nòi giống Chiêm của ta”.

Năm 1374, nhà Trần có chiếu cấm quân dân không được “bắt chước tiếng nói của người các nước Chiêm, Lào”(10). Thời điểm này nhà Trần đã suy yếu, vùng nam núi Hải Vân do Chiêm Thành cai quản, nên chiếu của nhà vua không có hiệu lực. Sau năm 1406, thế hệ sau Tiên công vẫn biên soạn phổ chí bằng chữ Chàm cổ. Như vậy, đến đầu thế kỷ 15, chữ viết và lời ăn tiếng nói của người trong dòng tộc là tiếng Chàm.

Tìm hiểu các bia ký, chính sử và các công trình nghiên cứu càng làm rõ hơn về nguồn gốc và gợi mở dòng dõi của dòng tộc trong Tộc phả.

Vua Lê gốc người động Thanh Lam ghi trong Tộc phả là Lê Lợi. Theo giáo sư Vũ Ngọc Khánh, quê cha của Lê Lợi ở làng Lam, tên cổ là làng Cham, một trong 10 làng của sách Khả Lâm, huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa (thời Minh thuộc); ông sinh tại làng Chủa quê mẹ, huyện Lôi Dương, gần huyện Lương Giang. Vì vậy, dân gian có thành ngữ “nội Cham ngoại Chủa” để chỉ quê gốc của Lê Lợi. Dân gian còn gọi Lê Lợi là ông “đạo Cham”. Hai huyện Lôi Dương và Lương Giang có nhiều sách, các sách này có mối quan hệ thân thuộc với họ Lê. Cho đến nay chưa đủ cơ sở để khẳng định rõnguồn gốc dân tộc của Lê Lợi(11).

Bên cạnh các đơn vị hành chính khá mới như thôn, tổng, xã, Tộc phả cũng lưu lại nhiều đơn vị hành chính cổ chỉ vùng biên viễn, “phiên thuộc” như các động/trại Trà Ngâu, Lầu Câu, Nội Đồng, Trà Na, Nô Cố, Đồng Quan… và các chức quan động trưởng, tù trưởng, thổ trưởng. Tộc phả còn ghi nhà Hồ “phá hủy động tháp của tổ quốc ta”. Động và trại là những đơn vị hành chính ở miền núi, miền biên giới(12).

Vị Tiên công “dựng tư phủ” tại Đà Sơn, gần sông Câu Đê thuộc bờ nam Hải Vân ngày nay, “con trai trưởng (Công Chánh) dựng công phủ tại xã Đà Câu (nay đổi là Lạc Câu), ông con trai thứ (Công Nhâm) dựng công phủ tại trại Nội Đồng (nay là xã Đà Ly) đặt huyện nha tại Kỳ La”.

Từ Đà Câu, gần với kinh đô Đồng Dương và kinh đô Trà Kiệu, thuộc bờ Nam sông Thu Bồn, đến Nội Đồng và Đà Sơn là những nơi do người trong tộc trực tiếp cai quản. Nhưng vài chi tiết trong Tộc phả cho biết phạm vi đất đai quản lý của dòng tộc rộng hơn nhiều:“Đến năm thứ 2 niên hiệu Trùng Quang, dân trong xứ tiến hóa ước hơn một nửa, ông xin vua chia cắt Hóa châu từ động Tà Ngâu ải vân (nay là Cu Đê) phía Nam đến động Trà Khúc (nay là phủ Tư nghĩa) lập một huyện Đà Bàn”.

Phạm vi huyện Đà Bàn khá trùng với phạm vi của tiểuquốc Amaravati(13). Vị Tiên công được phong chức “Đô chỉ huy kinh lược chiêu dụ xử trí sứ trong 13 châu”. Con số 13 châu cũng gợi mở về một vùng rộng lớn hơn địa bàn Đà Ly và Đà Sơn.

Năm 1312, vua Trần Anh Tông thân chinh đánh Chiêm Thành, ngự dinh và đại quân vua Trần đóng ở trại Câu Chiêm, phía nam núi Hải Vân(14). Trước đó, trại chủ Câu Chiêm là sứ thần Chiêm Thành qua Đại Việt và đã có “bí mật ước hẹn”, nên khi quân binh nhà Trần đến Câu Chiêm, vua Chế Chí (Sri Jaya simhavarman IV, trị vì từ năm 1307 đến năm 1312) nghe theo vị trại chủ “đem gia thuộc đi đường biển tới hàng”(15). Điều đó chứng tỏ vị trại chủ không chỉ là nhà ngoại giao đi sứ mà còn là một thủ lĩnh địa phương, như một tiểu vương, có quan hệ trong hoàng tộc và uy tín trong triều đình Chiêm Thành.

Theo Tộc phả, hai anh em vị Tiên công cũng từng đi sứ, làm ngoại giao: “Hậu chúa chúng ta đi sứ triều cống Trung Hoa”. Và vị “Tiên công mang quốc ấn và giấy tờ sổ sách của tộc chạy sang đất Giao Chỉ, tìm đến vua nhà Trần”. Tiên công qua đời năm 1405, khả năng ông sinh vào nửa đầu thế kỷ 14. Thế hệ trước Tiên công và anh em vị Tiên công có quan hệ như thế nào với vị trại chủ Câu Chiêm?

Những ghi chép trên bia ký Chàm và phát hiện khảo cổ tại Đà Nẵng cũng cho biết khu vực trại Câu Chiêm và người trong Tộc phả cai quản từng tồn tại tầng lớp tinh hoa và dòng tộc quyền thế gắn liền với thần quyền và vương quyền Chiêm Thành.

Một bia ký phát hiện tại Khuê Trung, khắc chữ Phạn và Chàm cổ, niên đại năm 899, trùng với giai đoạn kinh đô Chiêm Thành đóng ở Đồng Dương, tụng ca thần Rudra – một hóa thân của thần Shiva và vua Sri Jayasimhavarman, vị vua bảo trợ cho việc xây dựng tháp thành Rudrapura tại đây để bảo hộ cho thần dân và sự thịnh vượng của xứ sở. Đáng chú ý, bia có ghi chép về 5 anh em, 4 trai là Srikalpa, Amrtasãrathi, Rajapanditavibhu, Kamainsãrathi và một em gái út là Mãy. Họ đều thông tuệ và đức độ, thuộc một gia đình quyền quý địa phương và có vị thế quan trọng trong triều đình Chiêm Thành.

Một bia ký khác, bia Hóa Quê(16), cũng phát hiện tại Khuê Trung, khắc chữ Phạn và Chàm cổ, niên đại sau năm 909 khoảng một vài năm. Bia tụng ca thần Siva thông qua hình tượng Linga và vua Bhadavarman, người bảo hộ cho công trình thờ thần Siva này. Bia cũng ghi về gia đình của một đại thần quyền thế là Ajna Sarthavaha – anh của hoàng hậu vua Indravarman, vị vua đóng đô tại Đồng Dương. Gia đình này có 4 anh em đều tinh thông giáo luật và sùng đạo Bà la môn, Ajna Mahasanmanta, Ajna Narendra Nrpavitra và Ajna Jayendrapati và người em gái út là Ugradevi. Trong đó, người anh đầu Ajna Mahasanmanta là một vị đại thần thân cận của nhà vua và được ban nhiều đặc ân. Đặc biệt, đại thần Ajna Jayendrapati không chỉ sánh ngang với một vị hiền triết trong thần thoại Bà la môn Angirasa” mà còn là một nhà ngoai giao lỗi lạc, “người có khả năng hiểu thông suốt tất cả thông điệp của vua các nước gửi đến chỉ sau khi nhìn lướt qua trong chớp mắt”(17).

4.“Chúa lấy làm khoái mộ, nhơn đó mời vài mươi “tú sĩ’’(người tài giỏi) Trung Hoa đưa về bày dạy cho dân trong nước ta. Hậu chúa già, giao cho con trai cả làm Phó chúa, sai tú sĩ Trịnh Giác Mật theo giúp Phó chúa tại dinh riêng Đà Giang(18). Khi nghe tin Hậu chúa chết, ngụy Mật bèn giết Phó chúa, tự lập làm vua nước Đà Giang”.

Tú sĩ Trung Hoa Trịnh Giác Mật “làm vua nước Đà Giang” là ai?

Ngoài một người Đại Việt tự phong làm vua Chiêm Thành là Lưu Kỳ Tông cuối thế kỷ 10, người Chân Lạp tự phong làm vua Chiêm Thành từ năm 1145 đến năm 1149 là Suryavarman, từ năm 1202 đến 1220 Chân Lạp thống trị Chiêm Thành nhưng chưa rõ có vua là người Chân Lạp hay không(19), nhưng người Trung Hoa duy nhất làm vua thời quốc hiệu Lâm Ấp là Phạm Văn.

Theo Tấn Thư, Lương Thư và Tùy Thư, Phạm Văn là nô bộc của Phạm Trùy, một thủ lĩnh người Di ở huyện Tây Quyển, Nhật Nam(20). Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy, Phạm Văn là một người gốc Hoa quê ở Dương Châu, bị bán làm nô lệ cho vị quan ở huyện Tây quyển là Phạm Tương(21). Phạm Văn có công phò giúp Phạm Dật xây dựng thành trì, cung điện, chế tạo vũ khí. Năm 336, Phạm Văn cướp ngôi khi Phạm Dật qua đời. Phạm Văn cướp ngôi vào thế kỷ 4, tú sĩ Trịnh Giác Mật cướp ngôi vào khoảng thế kỷ 14, cách 10 thế kỷ và khác tên nên Trịnh Giác Mật không thể là ký ức về Phạm Văn.

Theo chính sử Đại Việt, năm 1280, cũng tại Đà Giang có một nhân vật trùng tên là Trịnh Giác Mật: “Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang làm phản. Vua sai Chiêu Văn Vương Nhật Duật đi dụ hàng. Bấy giờ, Nhật Duật coi đạo Đà Giang, ngầm đem quân thuộc hạ đến. Trịnh Giác Mật sai người đến quân doanh, bày tỏ lòng thành : “Mật không giám trái mệnh. Nếu ân chúa một mình một ngựa đến thì Mật xin hàng”. Nhật Duật nhận lời, chỉ đem 5, 6 tiểu đồng cùng đi. Quân sĩ ngăn lại, Nhật Duật nói: “Nếu nó giáo giở với ta thì triều đình còn có vương khác đến”. Khi tới trại, người Man dàn vây mấy chục lớp và đều cầm đao thương chĩa vào phía trong. Nhật Duật đi thẳng vào, trèo lên trại. Mật mời ông ngồi. Nhật Duật thạo biết tiếng nói và am hiểu phong tục của nhiều nước, cùng ăn bốc, uống bằng mũi với Mật. Người Man thích lắm. Khi Nhật Duật trở về, Mật đem gia thuộc đến doanh trại đầu hàng. Mọi người đều vui lòng kính phục vì không mất một mũi tên mà bình được Đà Giang. Đến khi về kinh sư, [Nhật Duật] đem Mật và vợ con hắn vào chầu, vua rất khen ngợi ông. Sau đó, vua cho Mật về nhà, giữ con hắn ở lại kinh đô. Nhật Duật mến nuôi hết lòng, xin triều đình ban tước thượng phẩm”(22).

Sử liệu trên so với Tộc phả tuy khác nhau về không gian và diễn biến, nhưng lại cùng tên Trịnh Giác Mật, cùng địa danh Đà Giang và gần nhau về niên đại.

Đạo Đà Giang thuộc vùng Tây Bắc nước ta, nơi từng có một lượng khá lớn tù binh Chiêm Thành sinh sống. Sau chiến thắng năm 1044: “Vua từ Chiêm Thành về, làm lễ cáo thắng trận ở miếu Thái Tổ, xong về ngự ở điện Thiên An, mở tiệc rượu làm lễ mừng về đến nơi. Ngày hôm ấy, bầy tôi dâng tù binh hơn 5 nghìn tên và các thứ vàng bạc châu báu. Xuống chiếu cho các tù binh đều được nhận người cùng bộ tộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang đến Đăng Châu (nay là Quy Hóa), đặt hương ấp phỏng tên gọi cũ của Chiêm Thành”(23).

Vĩnh Khang là huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, Đăng Châu là tỉnh Yên Bái và Lào Cai ngày nay(24). Thời Lý, Đà Giang là hai châu Lâm Tây và Châu Đăng (Đăng Châu); thời Trần là đạo Đà Giang, sau đổi là trấn Thiên Hưng. Khi quân Minh chiếm nước ta thì trấn Thiên Hưng chia thành hai châu Gia Hưng và Quy Hóa. Năm 1466, nhà Lê đổi hai châu này thành thừa tuyên Hưng Hóa(25). Như vậy, những tù binh Chiêm Thành năm 1044 đưa về Đăng Châu (Quy Hóa) chính là đạo Đà Giang của thổ tù Trịnh Giác Mật.

Thổ tù Trịnh Giác Mật, một thủ lĩnh “người Man” ở đạo Đà Giang, nơi có hàng ngàn tù binh Chiêm Thành định cư và tú sĩ Trịnh Giác Mật “tự lập làm vua nước Đà Giang” tại Chiêm Thành có mối quan hệ gì không là một bí ẩn của Tộc phả.

5. Nếu dòng tộc hiện diện trên đất Chiêm Thành vào đầu thế kỷ thứ 7 hoặc đầu thế kỷ 11, vị Tiên công đời thứ nhất từ trần đầu thế kỷ 15, nên trước đó phải có nhiều đời nữa. Năm 1989, khi biên dịch tộc phả sang chữ quốc ngữ, các vị đời thứ 21, 22 cũng khẳng định: “phải có nhiều đời Phan tiên công trước đó”. Vì vậy, vị Tiên công là đời thứ nhất nhưng không đồng nghĩa là người đầu tiên của dòng tộc hiện diện tại Đà Sơn – Đà Ly.

Vị thế của các đời trước vị Tiên công là một bí ẩn. Tiên công từ trần năm 1405, nên khả năng ông sinh vào nửa đầu thế kỷ 14. Năm 1312, vua Trần Anh Tông thân chinh đánh Chiêm Thành, ngự doanh đóng tại trại Câu Chiêm, vua Chế Chí đã nghe theo lời vị trại chủ Câu Chiêm đến doanh trại đầu hàng. Tiên công là người đứng đầu một dòng tộc quyền thế, như một thủ lĩnh hay tiểu vương, cai quản từ Hải Vân đến Đồng Dương, có thể còn xa hơn nữa. Dòng dõi vị Tiên công và dòng dõi vị trại chủ Câu Chiêm có quan hệ như thế nào?

Tiên công sinh sống vào thời kỳ Chiêm Thành cực thịnh dưới triều vua Chế Bồng Nga (từ năm 1360 đến năm 1390). Tân Bình(26) và Thuận Hóa dưới sự kiểm soát của Chiêm Thành. “Người Nghệ An vốn ở hai lòng, còn Tân Bình, Thuận Hóa thì phần nhiều làm phản theo Chiêm Thành”(27). Năm 1407, nhà Hồ rút đi, tiếp theo là thời Minh thuộc và Lê sơ, vùng đất phía nam núi Hải Vân này vẫn thuộc Chiêm Thành quản lý. Vì sao một dòng tộc có quan hệ mật thiết với Đại Việt, Tiên công là phò mã của nhà Trần, vẫn tồn tại trên vùng đất do Chiêm Thành cai quản?

6. Tiên công Phan Công Thiên được “vua nhà Trần gả con gái”, tức Phò mã của nhà Trần. Đây là chi tiết quan trọng về mối quan hệ của dòng tộc với Đại Việt. Năm 1306, cuộc hôn nhân của công chúa nhà Trần Huyền Trân với vua Chiêm Thành Chế Mân đã đem về cho Đại Việt vùng đất hai châu Ô, Rí. “Vua nhà Trần gả con gái” cho Tiên công có phải chỉ để tạo mối quan hệ với một thủ lĩnh vùng đất phên giậu?

Chính sử Đại Việt không ghi chép về cuộc hôn nhân này. Chính sử Đại Nam và trong Ô châu cận lục, Phủ biên tạp lục ghi chép về tình hình xã hội hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, trong đó có ghi chép về nhân vật, nhưng cũng không có chi tiết nào về phò mã Phan Công Thiên và cuộc hôn nhân với công chúa nhà Trần.

Sau khi Tiên công được nhà Trần phong “Thành hoàng tướng quân Thuận quốc công” và cấp trang trại, ruộng đất,“để đền đáp ơn huệ của vua, ông mang các thứ sản vật để cống tạ và xin được nghỉ vì tuổi già”. Nghĩa là ông được phong thành hoàng khi còn tại thế. Thành hoàng chỉ phong sau khi qua đời và được thờ ở đình làng.

Vị Tiên công được nhà Trần phong thành hoàng phải trước năm 1400, năm chấm dứt triều đại nhà Trần. Vì vậy, ông không thể qua đời vào năm 1405 như ghi chép trong Tộc phả. Đây có thể là sự nhầm lẫn của những người biên soạn Tộc phả.

Theo Tộc phả, ông Phan Công Giáo, đời thứ 5, có trình bày với Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) về Tiên công, Chúa Tiên tâu với vua Lê và Tiên công được phong “Hữu dực thánh thành hoàng”.

Hiện nay, tại Đà Sơn còn lưu sắc phong thần tiền hiền cho Tiên công Phan Công Thiên, niên hiệu Bảo Đại thứ 14 (năm 1939)(28), để “bảo ngã lê dân” (bảo vệ, che chở cho dân làng).

Về mỹ từ Thuận gắn với tước quốc công (順國公). Mỹ từ này từng được Đại Việt đặt tên cho vùng đất phên giậu phương Nam và phong vương hiệu cho vua Chiêm Thành.

Năm 1307, nhà Trần đổi châu Ô thành Thuận châu (順州) , châu Rí thành Hóa châu (化州)(29). Phải chăng việc đặt tên cho hai châu phên giậu mới thuộc về Đại Việt là để thể hiện ý chí vỗ về người bản xứ quy phục, thuận tòng, giáo hóa, biến đổi theo quan niệm của Đại Việt?

Năm 1312, vua Chế Chí bị giải về Gia Lâm, lúc đầu phong là Hiệu Trung vương (效忠王), sau cũng đổi là Hiệu Thuận vương (效順王)(30).

Nhà Nguyễn cũng sử dụng mỹ từ Thuận để đặt tên cho vùng đất Chiêm Thành “phiên thuộc”. Năm 1693, chúa Nguyễn đổi vùng đất từ sông Phan Rang đến Phan Rí thành trấn Thuận Thành (順城)(31), người đứng đầu là Thuận Thành Vương (順城王)(32).

5 1 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 9 - Những bí ẩn của một tộc phả

Ấn triện Thuận Thành Trấn Vương bằng chữ Nho (順城鎮王) và chữ Chàm. (Nguồn: Đổng Thành Danh, khóa luận Trấn Thuận Thành trong giai đoạn 1802 – 1832)

7.“Tiên công chúng ta là em ruột Hậu chúa”, “vua nhà Trần gả con gái cho Tiên công” (bản dịch âm là “quốc nữ” ). Vị “quốc nữ” được“triều Trần phong nhất phẩm phu nhân: tên húy Trần Ngọc Lãng”, “ngày 10 tháng 3 lễ sinh” (không ghi năm sinh), “ngày 07 tháng 01 lễ kỵ”, qua đời vào năm 1406, mộ tại “làng Đà Sơn xứ đất nhiêu Trà Na, đất thổ kiều Chiêm”.

Trên đây là những ghi chép trong Tộc phả về vị “quốc nữ” nhà Trần gả cho Tiên công. Hiện nay, có một số bài viết về vị “quốc nữ” này nhưng thiếu cơ sở, sai lệch so với Tộc phả và không thống nhất. Một bài viết ghi bà sinh ngày 10 tháng 3 năm 1350 và mất năm 1402, lúc 52 tuổi, là công chúa Huy Châu Trần Ngọc Lãng, em công chúa Huy Ninh, con của vua Trần Nghệ Tông. Có tác giả lại cho rằng bà là con của vua Trần Thuận Tông(33). Một tài liệu khác lại ghi bà sinh ngày 10 tháng 3 năm 1323, là con gái vua Trần Minh Tông và Lệ Thánh Hoàng Hậu(34).

Trường hợp bà là em công chúa Huy Ninh thì phải là con của vua Trần Minh Tông, không phải là con của vua Trần Nghệ Tông (1321-1394). Vua Trần Minh Tông (sinh năm 1300, mất năm 1357) và Lệ Thánh Hoàng hậu, còn có các tước hiệu là Hiến Từ hay Huệ Từ, có con gái lớn là công chúa Thiên Ninh và hai người con trai là Trần Nguyên Dục và Trần Hạo (vua Dụ Tông). Công chúa Thiên Ninh, còn có các tên khác là Ngọc Nha, Ngọc Tha hoặc Bạch Tha, được gả cho Chính Túc Vương Trần Kham. Ngoài ra, vua Trần Minh Tông còn có hai công chúa Huy Ninh, Nguyệt Sơn nhưng không rõ mẹ là ai. Chồng công chúa Huy Ninh là Trần Nhân Vinh (sau khi chồng chết, là vợ Hồ Quý Ly), em công chúa Huy Ninh là Nguyệt Sơn đã gả cho Ngô Dẫn. Năm 1317, vua Trần Minh Tông gả chồng cho 5 công chúa Thiên Chân, Huệ Chân, Huy Chân, Thánh Chân và Ý Trinh. Lúc này ông mới 17 tuổi, nên không phải con ông, mà là chị em của ông và người trong hoàng tộc.

Không chỉ vua Trần Minh Tông mà vua Trần Nghệ Tông, vua Trần Thuận Tông và các vị vua khác của nhà Trần cũng chưa vị vua nào ghi nhận có con là công chúa Huy Châu Trần Ngọc Lãng(35).

Nhà Trần là triều đại duy nhất trong lịch sử nước ta thực hiện nội tộc hôn – người trong hoàng tộc Trần lấy nhau(36), nên các trường hợp gả công chúa cho người ngoại tộc là vua quan các nước khác là rất đặc biệt.

Từ lúc khởi đầu vào năm 1226 cho đến khi kết thúc vào năm 1400, chính sử có ghi chép về việc gả các công chúa của nhà Trần: Năm 1228, Trần Thủ Độ gả công chúa Ngoạn Thiềm cho Nguyễn Nộn(37); năm 1251, gả công chúa Thiên Thành cho Trung Thành vương, sau đó gả cho Quốc Tuấn(38); năm 1277, gả công chúa Thiều Dương cho Thượng vị Văn Hưng hầu (không có tên)(39); năm 1285, “sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư hoãn loạn nước”(40), Trần Bình Trọng là chồng sau của công chúa Thụy Bảo(41); năm 1306, “gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành Chế Mân”(42), công chúa Thiên Trân là vợ của Uy Túc công Trần Văn Bích, công chúa Thượng Trân là vợ của Văn Huệ công Trần Quang Triều(43); năm 1317,“làm lễ thành hôn cho năm công chúa Thiên Chân, Ý Trinh, Huy Chân, Huệ Chân, Thánh Chân (Huy Chân lấy Uy Giản hầu (không rõ tên)”(44); năm 1375, gả công chúa Trang Huy cho Nguyễn Dận(45); năm 1376, gả công chúa Tuyên Huy cho Quan Phục Đại vương Húc(46); năm 1393, gả công chúa Thái Dương cho Thái bảo Nguyên Hãng(47).

Phải chăng hôn nhân của vị “quốc nữ” Trần Ngọc Lãng với người em ruột vị “Hậu chúa” Chiêm Thành do chính sử thiếu sót, lãng quên?

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

 


(1) Xã Đà Ly xưa sau đổi thành Phong Lệ, chia thành 2 thôn Phong Lệ Nam, gọi tắt là Phong Nam, nay thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang và thôn Phong Lệ Bắc, gọi tắt là Phong Bắc, nay thuộc 2 phường Hòa Thọ Đông và Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có Phong Lệ Tây, gọi tắt là Phong Tây, nay thuộc thôn Hòa Nhơn 3, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Nhưng Đà Ly trong Tộc phả có thể rộng hơn Phong Lệ ngày nay. Xã Đà Sơn nay là một khu vực thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Xem nguyên văn “Phan tộc phổ chí Đà Sơn – Đà Ly nhị xã” ở cuối bài viết.
(2) Chữ nghiêng trong ngoặc kép trong bài viết này đều trích từ bản dịch“Phan tộc phổ chí Đà Sơn – Đà Ly nhị xã” của con cháu đời 21, 22, thôn Phong Nam, xã Hòa Châu và thôn Phong Bắc, xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), ngày 28.12.1989, do ông Phan Hữu Úy dịch và viết Lời mở đầu.
(3) Võ Văn Thắng, “Một bản phổ chí nói về quan hệ Việt-Chăm”: http://chammuseum.vn/vi/tu-lieu/nghien-cuu-trao-doi/
(4) Arlo Griffiths, Amandine Lepoutre, William A. Southworth, Thành Phần, Văn khắc Chămpa tạo Bảo tàng điêu khắc Chăm – Đà Nẵng, The inscription ò Campã at the Museum ò Cham sculpture in Đà Nẵng, NXB. Đại học quốc gia TP. HCM, VNU-HCM publishing house, 2012, trang 83.
(5) Đại Việt sử ký toàn thư, bản in nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010, trang 82. Kinh Dương Vương dự đoán tính từ năm 2879 TCN. Con số trên 2.600 năm được tính đến sau năm 1406 – năm biên soạn phổ chí chữ khoa đẩu hoặc trên 2.200 năm tính đến 1806 – năm biên soạn Tộc phả chữ Hán.
(6) 12 năm là một kỷ (纪). Tộc phả ghi rõ là thế kỷ (卋 纪).
(7) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 118, ghi: “Lại đắp hai thành ở châu Hoan, châu Ái, vì các thành ấy trước bị Hoàn Vương (vua Chiêm Thành) phá hủy”.
(8) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 115.
(9) Đà Bàn trở thành kinh đô Chiêm Thành từ năm 750 đến năm 850 và từ đầu thế kỷ 11 cho đến năm 1471.
(10) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 304.
(11) GS. Vũ Ngọc Khánh, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và đất Lam Sơn, NXB. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2018, trang 20, 21, 288, 289, 291, 301, 302.
(12) Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2016, trang 146.
(13) GS. TS. Pièrre-Bernard LAFONT, Vương quốc Champa, Địa dư,
Dân cư, và Lịch sử, NXB. Les Indes Sevantes, Paris, 2007, trang 31.
(14) Xem “Trầm tích Cu Đê”, trang 21 của sách này.
(15) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 266.
(16) Xem nội dung bia “Khuê Trung” và bia “Hóa Quê” trong bài “Mạch giếng Chàm”, trang 58 của sách này.
(17) Võ Văn Thắng (chủ biên), Di tích Chăm tại Đà Nẵng và những phát hiện mới, NXB. Đà Nẵng, 2014, từ trang 200 đến trang 207.
(18) Trong bản dịch Tộc phả sang chữ quốc ngữ vào năm 1989, chú thích Đà Giang “chưa biết rõ ở đâu (Hà Giang)”.
(19) D.G.E.Hall, Lịch sử Đông Nam Á, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, trang 299, 301.
(20) An Nam truyện, ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, NXB. Hội Nhà văn, 2018, trang 247, 265, 273
(21) Nguyễn Văn Huy, Tìm hiểu cộng đồng người Chăm ở Việt Nam:
https://nghiencuulichsu.com/2016/08/31/tim-hieu-cong-dongnguoi-cham-tai-viet-nam/
(22) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 236.
(23) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 165.
(24) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 165 (xem chú thích).
(25) Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, sđd, trang 227.
(26) Lâm Bình sau đổi thành Tân Bình là các châu Bố Chính, Địa Lý, Ma
Linh cũ, nay là tỉnh Quảng Bình. Thuận Hóa (châu Ô, châu Rí cũ) ,
nay là các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, thành phố Đà Nẵng và
huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
(27) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 316.
(28) Langdason.vn
(29) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd (phần chữ Hán), trang 144. Thuận (順) là hàng phục, quy phục, phục tùng, suôn sẻ, thuận theo, thuận lợi, xuôi theo, yên vui… Hóa (化) là cảm hóa, giáo hóa, biến đổi, biến hóa.
(30) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd (phần chữ Hán), trang 146.
(31) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tổ Phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, tập 1, NXB. Giáo dục, 2002, trang 106,107. 5 Xem minh họa.
(32) Đàm Trung Nhơn, “Lịch sử làng Đà Sơn”, http://www.langdason.vn/lichsulang.itc
(33) Văn Thành Lê, “Đồng vọng Đà Sơn”, www.vanchuongviet.org/index.phpcomp=tacpham&action=detail&id=11836
(34) Phan Văn Bé, Phan Công Thiên và công cuộc trấn thủ đất Hóa Châu,
NXB. Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2014.
(35) Tạ Chí Đại Trường, Những bài dã sử Việt, NXB. Tri thức, Hà Nội,
2014, trang 243-288 (Phổ hệ và chế độ nội tộc hôn nhà Trần).
(36) GS. Phan Hữu Dật, “Hôn nhân nội tộc trong hoàng gia triều Trần”,
Dân tộc và Thời đại, số 86 – 1.2006, trang 6-8.
(37) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 215.
(38) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 222, 223.
(39) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 234.
(40) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 240.
(41) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 240.
(42) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 262.
(43) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 265.
(44) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 270.
(45) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 304.
(46) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 304.
(47) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 319.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây