TỪ ĐỒNG DÂN ĐẠI LỘC ĐẾN PHONG TRÀO CHỐNG THUẾ NĂM 1908 Ở QUẢNG NAM

từ đồng dân đại lộc

TỪ ĐỒNG DÂN ĐẠI LỘC ĐẾN PHONG TRÀO    CHỐNG THUẾ NĂM 1908 Ở QUẢNG NAM

                                                                                                 Bùi Xuân

Phong trào chống thuế hay còn gọi là Phong trào “dân biến”, Phong trào chống sưu cao, thuế nặng năm 1908 là một sự kiện chính trị quan trọng xảy ra trong lịch sử cận đại Việt Nam mà Quảng Nam có vinh dự là quê hương mở đầu của phong trào này. Phong trào đã phát khởi từ huyện Đại Lộc, sau đó lan tràn khắp ở 7 phủ, huyện trong tỉnh, rồi bùng lên mạnh mẽ ở hầu hết xứ Trung Kỳ, giáng một đòn choáng váng vào chính quyền của bọn thực dân Pháp và bọn Phong kiến Nam triều ở nước ta vào những năm đầu thế kỷ XX.

Nghiên cứu về Phong trào chống thuế năm 1908 ở Quảng Nam đòi hỏi phải có một nguồn tài liệu phong phú và phải có một phương pháp làm việc khoa học, nhằm xác minh lại các sự kiện, xác định lại các nguyên nhân dẫn đến Phong trào và tìm ra những mối quan hệ giữa Phong trào chống thuế với Phong trào Đông Du và Phong trào Duy Tân xuất hiện trong thời kỳ này.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ có tham vọng xin giới thiệu vài nét về diễn biến của phong trào, trên cơ sở tiếp thu thành quả của những người đi trước và dựa vào những tài liệu mà chúng tôi sưu tầm được trong gần ba mươi năm qua.

I. “ĐỒNG DÂN ĐẠI LỘC”

Vào những năm đầu thế kỷ XX, “Phong trào cách mạng ở Quảng Nam đã phát triển ngấm ngầm trong một tầng lớp nhân dân nhất là việc chống lại bọn tham quan ô lại (1). Ví dụ: Ở phủ Tam Kỳ và ở Phủ Điện Bàn “học trò cổ đông nhân dân làm đơn kiện hai tên tri phủ”(2).

Riêng ở huyện Đại Lộc, việc chống lại bọn tham quan ô lại còn đi đôi với việc chống lại chế độ sưu dịch nặng nề của chính quyền thực dân Pháp và bọn Phong kiến Nam triều đương thời, trong đó nổi bật lên là việc chống lại viên quan Huyện nhân việc sưu dịch đã xách nhiễu dân chúng.
Theo Phan Châu Trinh, trước khi vụ Dân biến nổ ra, Viên tri huyện Đại Lộc là Phạm Lãng “vì nhiễu dân, bị dân các xã kiện tại Tòa Công sứ. Tòa sử viên ấy không có lỗi, nên nay viên Huyện ấy nhân đó ỷ thế, lấy việc bắt xâu mà báo thù”(3). Thật vậy vào tháng 02/1908, Phạm Lãng đã “nhận việc xâu mà xách nhiễu tiền, lại tăng khống số dân lên quá số thiệt trong xã, dân các xã không chịu nổi”(4).

Trước tình hình đó, các ông Trương Tổn, Trương Côn, Trương Đính, Trương Hoành (chi nhánh nhì của họ Trương ở làng Phiếm Ái), Lương Châu (người làng Hà Tân, con rể của ông Nghè Trương Tiếp, chi nhánh nhất của họ Trương ở làng Phiếm Ái), và Hứa Tạo (Lý Trưởng làng Ái Nghĩa) đã “ bàn nhau làm đơn lấy chữ ký các làng xã trong huyện, tới trình viên Huyện chuyển đạt lên Tỉnh cùng Tòa Sứ xin giảm

nhẹ sưu cùng các món thuế, kẻo nặng quá dân không đóng nổi” (5). Có lẽ lá đơn này được thảo ra ngay sau khi viên Tri huyện Đại Lộc” tăng khống số dân lên quá số thật trong xã”. Lá đơn này được thảo ra tại nhà ông Trương Liên ở làng Phiếm Ái. Sau đó công việc lấy chữ ký của Lý trưởng các làng xã trong huyện được tiến hành ngay.

Do việc làm này có tính chất thương dân, vì quyền lợi chính đáng, thiết thân của quảng đại quần chúng như vậy nên những người “làm đơn lấy chữ ký” được nhân trong huyện gọi là “Đồng Dân” và cuộc “xin sưu” do họ khởi xướng được gọi là “Sòng Đồng Dân” hay là “Sòng Dân Đại Lộc”.

Một số thành viên của “Đồng Dân” “nguyên là học sinh khâm thiên giám” (?), “đều là thư sinh đã từng thi cử” (6). Ngoài ra, có người còn làm Lý trưởng, có người từng làm Bang tá huyện Đại Lộc, riêng ông Trương Liên đã đỗ Cử nhân, ra làm quan, trước khi về hưu giữ chức vụ Huấn đạo huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). “Đồng Dân” không những có uy tín đối với sĩ dân trong huyện mà họ còn có quan hệ mật thiết với hương chức ở các làng. Trương Kỳ, Lý trưởng làng Phiếm Ái là anh họ của Trương Liên, Trương Tổn, Trương Côn, Trương Đính, Trương Hoành. Lý trưởng làng Hà Tân là Lương Cảnh (tức là Lương Thúc Xáng), là em ruột của Lương Châu.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, huyện Đại Lộc chỉ có phần đất ở bên tả ngạn sông Cái và sông Vu Gia. Trừ vùng núi non trùng điệp, hiểm trở Bến Hiên, địa hình của huyện như là một thẻo đất dài, từ thường nguồn sông Vu Gia đến sông Túy Loan. Dọc theo chiều dài đó, ở đâu cũng có người của “Đồng Dân”, tạo thành một tuyến hoạt động theo chiều dài của huyện. Trong tuyến đó – chúng tôi xin gọi là tuyến “Đồng Dân” – có ba điểm chủ yếu: Hà Tân với hoạt động của Lương Châu, Phiếm Ái với họat động của Trương Tổn, Trương Côn, Trương Đính, Trương Hoành và Ái Nghĩa với hoạt động của Hứa Tạo.

“Đồng Dân Đại Lộc” – như đã nổi ở trên – do có uy tín với sĩ dân tại địa phương, lại có quan hệ mật thiết với hương chức ở các làng nên cách vận động quần chúng đi “xin sưu” của họ cũng giản đơn, nhưng rất có hiệu quả. Trước tiên họ vận động các hương lý, sau đó dùng bộ máy chính quyền này để tập hợp tráng dân.

Theo Huỳnh Thúc Kháng, lúc đầu “Đồng Dân” đi lấy chữ ký của các hương chức ở mấy làng gần đấy “mới độ lên ba mươi làm bác lý trong tổng ký, định đi lấy thêm cho đông”, thì “Đồng Dân” vấp phải một sự việc không như ý là lý trưởng làng La Đái là Nguyễn Khâm, còn gọi là Xã Nhự, sau khi ký tên vào lá đơn đã “lén lên báo viên quan huyện thuật chuyện hào lý và sĩ dân đương làm”(7).

Sau khi phát hiện được sự phản bội của Xã Nhự, “Đồng Dân” đã nhanh chóng vận động hương chức và tráng dân ở các làng xã trong huyện chuẩn bị mo cơm, ống nước lên đường đi “xin sưu”.

Tất cả mọi người khi đi đều phải mặc áo rách đội nón cời…

tải xuống 1 - TỪ ĐỒNG DÂN ĐẠI LỘC ĐẾN PHONG TRÀO CHỐNG THUẾ NĂM 1908 Ở QUẢNG NAM

II. CUỘC BIỂU TÌNH ĐẦU TIÊN

Vào đêm ngày 09/03/1908, tráng dân ở các xã vùng thượng lưu sông Vu Gia thuộc tổng Đức Hòa Thượng đã rời đình làng mình để về tập trung tại đình làng Hoằng Phước sát bến đò Ba Bến, nơi sông Con và sông Cái đổ vào sông Vu Gia. Lý trưởng làng Hà Tân là Lương Cảnh đã ủng hộ 6 ang gạo, đôn đốc dân làng thổi cơm ngay giữa sân đình để đoàn người đi “xin sưu” ăn.

Đến khoảng 7 giờ sáng ngày 10/03/1908, đoàn “xin sưu” từ đình làng Hoằng Phước qua đò ngang sông Con, nhằm đường ra tỉnh mà tiến.

Tráng dân ở các xã vùng dưới của tổng Đức Hòa Thượng lần lượt gia nhập đoàn.

Huyện đường Đại Lộc bấy giờ đóng tại Đông Lâm.

Trong “Vụ kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908”, Huỳnh Thúc Kháng tường thuật lại diễn biến của sự việc này như sau:

“Đến huyện, viên Huyện đã biết trước, sai lính ra truyền rằng: “quan đã xuống Tỉnh bẩm việc tụ tập đông người của các anh rồi …”. Viên huyện xuống tỉnh, bọn ấy không hầu chuyện được, ngơ ngác trông nhau, kẻ nói ta về, người bàn ở đợi. Trong lúc bàn tán phân vân có vài cậu học trò đứng ra xướng nghị:

“Quan đã đem việc bẩm Tỉnh rồi, dầu có tan về cũng không tránh khỏi tội tụ tập đông người liên danh ký chỉ, chắc sẽ bị tra tấn lôi thôi, mang lấy cực lụy vô danh. Vậy ta cứ theo quan vác đơn xuống tỉnh kêu xin, dầu không có kết quả tốt cũng còn danh nghĩa tỏ cùng quan trên thấu rõ thực tình xim giảm sưu thuế, chứ không có điều gì trái phép”.

Thế là kéo nhau xuống tỉnh với với khẩu hiệu: Xin sưu(8).

Theo bước đầu tìm hiểu cùng chúng tôi, quần chúng Đại Lộc có thể đã có ý định xuống Tòa Công sứ Pháp tại Hội An ngày từ lúc làm đơn, lấy chữ ký. Và buổi trưa ngày 10/03/1908, đoàn biểu tình “xin sưu” của tổng Đức Hòa Thượng đã nhóm họp ngay trong huyện đường. Ở đây các thành viên của “ Đồng Dân” đã đem sổ đinh của các làng xã ra để điểm danh tráng dân ở các xã rồi mới tiếp tục cuộc hành trình.

Do dừng lại ở huyện đường khá lâu nên đoàn biểu tình “xin sưu” xuống đến đình làng Phiếm Ái thì trời đã tối. Lý trưởng là Phiếm Ái là Trương Kỳ bên nổi trống đôn đốc người lo cơm nước. Sau đó đoàn biểu tình “xin sưu” đốt đuốc tiếp tục lên đường. Lúc này có cả dân chúng ở tổng Đức Hòa Hạ tham gia.

Ngày 11/03/1908, đoàn biểu tình “xin sưu” của huyện Đại Lộc khoảng nghìn người (theo tài liệu của Pháp thì vào khoảng 300 – 400 người) kéo đến Tòa Công sứ Pháp tại Hội An.
Viên Công sứ Pháp Charles đứng trước sức mạnh của đoàn người “áo rách, nón vời” này kéo đến Tỉnh “Xin sưu”, không có cách nào hơn là hắn phải đấu dịu. Hắn bảo dân chúng hãy tạm về chờ “ Nhà nước Bảo hộ” giải quyết sau. Dân chúng không về. Charles bèn đấu dịu một bước nữa là mời các đại biểu của đoàn biểu tình “xin sưu” vào Tòa Sứ để trực tiếp bày tỏ nguyện vọng. Trước mặt Charles, các đại biểu của đoàn biểu tình “xin sưu” là Hứa Tạo, Trương Hoành, Lương Châu đã nói rõ những nỗi thống khổ của nhân trong huyện do sưu cao, thuế nặng gây nên. Họ yêu cầu Nhà nước Bảo hộ và Nam triều giảm sưu, giảm thuế cho nhân dân và trừng trị những tên tham quan ô lại.

Charles tuyên bố việc giảm sưu, giảm thuế này vượt quá quyền hạn của Tòa Công sứ Pháp. Hắn khuyên dân chúng hãy tạm về, đợi hắn trình lên Khâm sứ Trung Kỳ rồi giải quyết sau. Dĩ nhiên quần chúng thừa biết đó chỉ là lời hứa suông của Charles nên không về. Charles liền cho lính tập bắt giam Hứa Tạo, Trương Hoành, Lương Châu và dùng roi, gậy gộc, báng súng đàn áp, giải tán đoàn biểu tình “xin sưu” nhưng không sao giải tán được.

III. BAO VÂY TÒA CÔNG SỨ PHÁP TẠI HỘI AN

Sau khi Hứa Tạo, Trương Hoành, Lương Châu bị bắt, “Đồng Dân” và quần chúng đã nghĩ ngay đến việc phải kéo dài cuộc đấu tranh này mới huy vọng đạt được kết quả. Đoàn biểu tình bên cử người “chạy giỏ lửa lông gà” đi khắp bảy phủ, huyện trong tỉnh để vận động người kéo về Hội An bao vây Tòa Công sứ Pháp. Khẩu hiệu “xin sưu” chuyển thành khẩu hiệu “Chống sưu cao thuế nặng”.

Ngày 01/04/1908, nhân dân Quảng Nam đã gửi cho chính quyền thực dân pháp một lá đơn với nội dung:

Quang Nam, le 1er Avril 1908

Bẩm các Ngài.

Nhân năm, ni Nhà nước tăng thuế công sưu và các thuế vật nặng quá, dân không chịu nổi. Phần thì thuế nặng, phần thì các quan An Nam tham danh vọng, quen thói hút máu dân. Cái cực của dân không thấu tới tai quan trên được là vì có bọn quan lại hay nói láo với quan Bảo hộ cho nên các Ngài cứ nghỉ bụng dân bi giờ sướng lắm.

Đã hai tuần nay dân ở các huyện trong tỉnh chúng tôi lênTtỉnh, lên Tòa kêu cực khổ và xin các quan đừng tăng thuế nữa, nhưng quan lại họ ngăn đón, kêu không thấu. Vì dân chúng tôi lên đông quá, mỗi huyện có tới mấy trăm người cho nên quan lại họ vu rằng chúng tôi có ý chống lại Nhà nước Bảo hộ. Vì vậy bây giờ các quan Bảo hộ đem lính về đông lắm, bắn chết, đánh chết dân chúng tôi rất nhiều.

Bây giờ các quan tỉnh chúng tôi lại muốn lấy danh tiếng với Bảo hộ nên thương thuyết với quan Tây rằng: vì mấy người coi tân nhiều lắm nên mới biết chuyện các nước, biết việc Nhà nước Bảo hộ, cho nên xúi giục dân tình đi kêu. Thấy vậy, Pháp và quan An Nam có lệnh cấm diễn thuyết và cấm coi tân thư để cho dân cư ngu si, đừng cho nó thông hiểu việc đời chi hết. Khốn nạn, bây giờ nội bao nhiêu ông Tấ sỉ và ông Cử nhơn danh tiếng hay coi tân thư đã bị bỏ tù hết rồi, xin các quan có phương chi cứu cho.

Các quan Phụ chính ở Huế cũng ghét và thù mấy người coi tân thư lắm, các Ngài thường nói rằng dân khôn thì khó trị và khó lấy tiền của họ bỏ túi.

Hiện bây chừ dân trong tỉnh chúng tôi cực quá, nó liền kêu rằng: Xin Nhà nước Bảo hộ bắn chết hết còn hơn là cho quan lại bổn quốc dụng tình giết dân không gươm, không giáo như vậy, cho mình được sung sướng.

Habitants du Quảng Nam(9)

Ngày 13/04/1908, nhân dân Quảng Nam lại gửi một lá đơn khác cho Toàn quyền Đông Dương:

Ngày 13 tháng 03 năm thứ 2 vua Duy Tân (1908)

Chúng tôi là dân tỉnh Quảng Nam xin kêu Quan Toàn quyền đại thần xét thương dân chúng tôi các lẽ như sau:

Bởi vì dân chúng tôi nhớ là từ khi Nhà nước Bảo hộ đến nay, việc quan thì nhiều, thuế thì nặng. Và lại 3, 4 năm nước lụt, đại hạn luôn luôn, sang năm nay lại bị mất mùa, mười nhà đói cả mười không lấy gì mà nộp thuế được. Dân cả tỉnh chúng tôi ai ai cũng muốn kêu Tòa, kêu Tỉnh để xin giảm bớt thuế cho dân được nhờ.

Như Đại Lộc cũng có họp nhau để kêu, không ngờ quan Huyện Đại Lộc là Phạm Lãng chưa hỏi rõ được cái tin, thế mà đã bẩm cho quan Tỉnh và Tòa rằng: dân huyện ấy là các tên Trương Tổn, Trương Hoành và Trương Đính ở xã Phiếm Ái, tên Lương Châu ở xã Hà Tân và tên Hứa Tạo ở xã Ái Nghĩa họp những người dân trong hạt huyện, ý muốn làm giặc. Dân chúng tôi sợ tội vạ đến chúng tôi, chúng tôi mới kéo nhau lênTỉnh kêu rõ cái sự tình như vậy, cho được khỏi cái việc oan ức này. Quan Đốc bộ đã nói rõ cho dân xã hiểu rằng nếu như có muốn kêu xin bạc sưu thì phải làm đơn ký kết cho nhiều, để quan Thượng có được bằng cớ, thương thuyết với quan thuế xin hộ cho. Nhưng khi dân trong huyện ấy về làm đơn đến thì quan Thượng thu đơn, rồi bắt luôn các tên Trương Tổn, Trương Hoành… hơn mười người giải giao cho Tòa sứ nghiêm giam. Dân ở hạt ấy kêu thì phải đủ tất cả dân trong 7 phủ, huyện cùng kêu thì mới cho bớt.

Bởi thế dân cả hạt tỉnh nghe thấy lời quan Khâm sứ như thế đã dần dần kéo đến kêu ca, nhưng quan Công sứ không cho kêu mà chỉ nghe quanTỉnh nói dối nên hễ thấy trong đám người có ai trả lời được là bắt bớ, giam cả lại và sai lính tập đuổi đánh dân, làm chết đuối ở sông Thanh 3 người, đâm chết 1 một người ở phủ Thăng Bình. Quan An Nam lại buột tội cho những kẻ thân hào, rồi mật bẩm lên Tòa Sứ sai quan Tây và tính lập đi nã bắt giam. Số quan với dân bị bắt giam ở đây cả thẩy trăm người.
Chúng tôi lại nghe nói rằng Nhà nước lại kết án lũ tên Trương Tổn, 6 người phải tội lưu chung thân, thì dân chúng tôi nghĩ rằng sự kêu xin bạc sưu thuế là việc chung của cả tỉnh, thế mà chỉ có 6 tên ấy phải chịu tội nặng, thì các nước văn minh có pháp luật không làm. Huống chi là kêu khổ để xin thương lại cho thì là có tội gì. Nhà nước Bảo hộ chỉ nghe quan lại An Nam mà ăn ở ác với dân An Nam, không có lòng thương dân một tý nào, thì cái sự khổ ức như thế làm sao chịu được.

Vậy chúng tôi kêu xin Quan Lớn xét thương cho cái sự khốn khổ của dân và xin hiểu cho cái tệ của quan lại, cho họ khỏi quấy dân và tha cho 6 tên ấy, mà gia ơn bớt sưu thuế cho dân, để được vẹn cái nhẽ là Bảo hộ công bình, thì dân chúng tôi trông ơn lắm lắm.

Điện Bàn phủ, Diên phước huyện dân
Thăng Bình phủ, Lễ…huyện dân
Tam kỳ phủ, Hà Đông huyện dân
Duy xuyên huyện dân
Đại Lộc huyên sân
Quế Sơn huyện dân
Hòa vang huyện dân
Cả dân Quảng Nam ký.
Viết cái đơn kêu kiện này là Trịnh Huyền ký(10)

Charles rất lúng túng. Trong lúc đó những người tham gia biểu tình vẫn ùn ùn kéo xuống Hội An. Charles lại cho lính tập trung dùng roi vọt, gậy gộc đánh đập mong giải tán đoàn biểu tình “xin sưu”. Khi bị đàn áp, họ phải tạm thời giãn ra, sau đó họ lại khép chặt vòng vây Tòa sứ như cũ. Dân chúng Hội An cũng ủng hộ đoàn biểu tình “xin sưu” họ đóng cửa hiệu buôn, không họp chợ. Ngày ngày cái tin sáp được giảm sưu, giảm thuế lan truyền ra đã làm nước lòng dân chúng. Dân chúng càng kéo đến Hội An đông hơn nữa (11).

Charles tiếp tục ra lệnh cho lính tập đàn áp đoang biểu tình “xin sưu”. Quần chúng đi biểu tình bèn có sáng kiến lập ra đội “xung phong”. Đội này đứng ở vòng trong cùng, sát chân tường Tòa Sứ, đầu đội mo cau để đỡ những cơn mưa roi của bọn lính tập. Họ còn có sáng kiến “đổi ban” lần lượt thay nhau “đi, về” để bao vây chặt Tòa Sứ, duy trì phong trào đấu tranh lâu dài. Nhờ có sáng kiến này, không khí đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng của nhân dân Quảng Nam càng thêm sinh động và huy động được nhiều người ở nhiều độ tuổi tham gia, kể cả các cụ già:

“Mười lăm cho chí ông già
Cơm thời ruột tượng xuống Tòa đuổi ban”

Và kéo đến khoảng nửa cuối thág 04/1908 mới chấm dứt.

IV. PHONG TRÀO Ở CÁC PHỦ HUYỆN

Mười ngày sau cuộc chiến biểu tình “xin sưu” đầu tiên của nhân dân Đại Lộc, tại tỉnh thành La Qua (Vĩnh Điện), quần chúng đã kéo đến nhà của tổng đốc Quảng Nam Hồ Đắc Trung yêu cầu Hồ Đắc Trung can thiệp với công sứ pháp giảm sưu, giảm thuế cho dân. Hồ Đắc Trung thoái thác và lại dở giọng “về hùa với tây một phe” liên bị quần chúng phản đối. Nguyễn Duân, người huyện Quế Sơn đã hét vào mặt Hồ Đắc Trung: “ Dân Quảng Nam không cần có ông quan “chúa tỉnh” như thế đâu, về đi cho rảnh”.

Lúc ấy ở Hòa Vang phong trào diệt ác nổ ra mạnh mẽ. Dân trong huyện cùng với dân làm sưu trên đoạn đường Túy Loan – Cẩm Toại đã tổ chức nhau vây bắt Lãnh Điềm, một tên chỉ huy gian ác trông coi việc làm sưu này. Nhưng cuộc vây bắt không thành vì khi “Đường (tức Ông Ích Đường, con Ông Tấn Nhì, Cháu nội của ông Ích Khiểm) cùng với dân chúng sắp vây bắt lãnh Điền, thì trướ đó nữa giờ đêm đã nghe tin, lén xuống xe lửa Tourane – Faifo trốn thoát”(12).

Ở phủ Điện Bàn, ngày 22/03/1908, quần chúng đã tràn vào phủ đường bắt viên Tri phủ Trần Văn Thống đi xin sưu, xin thuế cho dân. Theo Nguyễn Văn Xuân, tác giả cuống “Phong trào Duy Tân”, khi dân chúng kéo vào phủ đường trình bày nguyện vọng xin nhà nước giảm sưu thuế cho dân thì Tri phủ Trần Văn Thống bảo rằng hắn không đi được vì bận việc cưới vợ cho con trai. Hắn lại nói: “ Tôi nhất định ở lại phủ. Trọng trách của tôi là giữa phủ”. Quần chúng bất bình. Một số người khỏe mạnh tiến lên công đường bồng xốc viên Tri phủ lên, vứt tọt vào một chiếc xe kéo và nói: “ Trọng trách của quan là đây nè”. Một người đứng ra kéo xe. Đoàn biểu tình “xin sưu” đi về hướng Hội An vừa đi vừa loa vang nguyên truyền: “ Tri phủ đã đầu hàng” Tri phủ đã chịu dẫn đi xin sưu!” (13).

Trong “Vụ kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908”, Huỳnh Thúc Kháng cũng cho biết ở phủ Điện Bàn “Dân vây phủ, bồng viên phủ lên xe, kéo đi xin sưu. Dân theo đông. Anh Thông Cao tức mình cầm ba tông gõ vào mắt cá hỏi quan có ăn tiền nữa thôi” (14).

Giữa kúc đoàn người đang hăm hở đi theo xe với quan Tri phủ Trần Văn Thống lên Tòa Sứ thì viên đề lại của Trần Văn Thống đã lén xuống báo tin cho Công sư pháp tại Hội An biết. Ba mươi quân lính tập dưới sự chỉ huy của viên Thiếu úy Sogny vội vã kéo đi cứu viện cho Tri phủ Điện Bàn. Tại sông Phú Chiêm, bọn lính tập đã dùng roi, gậy gộc và nổ súng để đàn áp đoàn biểu tình “xin sưu”. Quần chúng bỏ chạy tán loạn, có ba người bị ngã xuống sông Thanh Hà chết đuối.

Liền ngay trong đêm 22/03/1908 rạng ngày 23/03/1908, bất chấp lệnh giới nghiêm của Tòa Sứ Pháp, quần chúng đã vớt sát 3 người bị chết đuối lên, tổ chức lễ truy điệu và an táng họ. Nhiều đôi câu đối điếu viết trên vải điều, giấy đỏ, mo cau, thẻ tre được cắm ở bờ sông Thanh Hà và quanh mộ những người chết, trong đó có những câu rất hay như:

“ Trù trướng khê đầu tòng thử biệt,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”

Dịch:

“Thương sót đầu khe người thiệt mạng,
Căm hờn dòng nước khách qua đường”
(Hà Ngại dịch)

“Tử bất phục tô, tiết liệt do tồn khâm độ Quảng,
Sanh chi giả chúng, tung hoành ưng giản địa cầu Nam”

Tạm dịch:

“ Chết rồi không sống lại, tiết liệt in sâu lòng dân Quảng,
Sanh thêm nhiều hơn nữa, dọc ngang kéo lại góc cầu Nam”(16)

Ở phủ Tam Kỳ, vào ngày 30/03/1908 đã nổ ra một cuộc biểu tình “xin sưu” lớn. Nhân dân trong phủ đông đến 3000 – 4000 người kéo đến phủ đường quyết quây bắt cho được tên Đô Đốc Trần Tuệ phụ trách việc làm sưu ở Tam Kỳ.

Trong “Vụ kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908”, Huỳnh Thúc Kháng viết: “Tam Kỳ là một phủ ở xa tỉnh lỵ. Quan Phủ làm chúa trong bảy tổng. Dân bị khổ đã lâu đời, vì có đồn Trà My, đồn Phương Xá ở giáp miền mọi, có quan Một Pháp và lính đóng ở đồn Đại Lý gần phủ cùng mỏ vàng Bồng Miêu v.v….nên đường sát kinh dinh rất cần. Tỉnh phái Đề Đốc Lang – Bôi với Tri phủ (Kinh Tú) thường đánh đập dân, nhất là ghét dân cúp tóc, đã hành hạ họ trong lúc làm sưu thuế, lại bắt giao về phủ giam” (17).
“…Đề Tuệ đã làm nhiều điều ác, vào nhà người bắt dọn để ở và bắt chủ nhà đánh, vào nhà bên đường nghỉ trưa, nghe con nít khóc, bắt chủ nhà căng đánh rồi giải về phủ giam (Nguyễn Kỳ ở Chiên Đàn v.v…)” (18). Chính vì vậy nên khi cuộc diệt ác trừ gian nổ ra rầm rộ ở phủ 7, huyện trong tỉnh, nhân dân phủ Tam Kỳ đã lấy “ Ông Đề” làm “ đối tượng” diệt ác trừ gian của mình.

Trần Tuệ biết dân oán ghét nên “lén về ở trong phủ” để nhờ sự che chở của viên Tri phủ Tam Kỳ. Quần chúng đến vây phủ đường, đòi Tri phủ và Đề đốc Trần Tuệ ra cho dân gặp, nhưng cả hai tên này trốn im trong phủ. Thế là đến đêm, quần chúng leo vào phủ đường quyết tìm cho ra Trần Tuệ.

Tòa Đại lý Pháp ở cách phủ đường chừng 3 km bèn đem xe, đem lính tới phủ đường đưa Trần Tuệ về Tòa. Dân chúng để yên cho xe của Tòa Đại lý vào trong phủ đường. Khi xe ra dân chúng kéo theo. Trần Tuệ đang ngồi trong xe dân chúng kéo theo. Bất giờ Trần Thuyết – thường gọi là Trùm Thuyết – loa to lên rằng: “Dân ta xin quan Đại lý giao ông Đề để dân ăn gan” (19). Quần chúng đồng thanh “dạ” vang. Trần Tuệ ngồi trong xe sợ hãi, hộc cả máu mồm, đến khi về Tòa Đại lý thì tắt thở.

Ở huyện Duy Xuyên, vào ngày 07/04/1908, nhân dân các làng ở dọ bên hữu ngạn sông Vu Gia (nay là các xã ở vùng B Đại Lộc) đã tìm bắt Trần Quát – thường gọi là Chánh Năm – một tên Chánh tổng nịnh Pháp, có nhiều tội ác với quần chúng. Những người cầm đầu trong vụ này là Trần Phước, Ông Ích Mắng, Tú Cang.

Trong lúc quần chúng Duy Xuyên vùng lên chống sưu cao thuế nặng thì Trần Quát lại xuống Tỉnh đường và Tòa Sứ nhận bằng “hiểu trấp” về “phủ dụ” dân chúng. Trần Quát còn làm buồng giam ngay ở trong nhà với đủ hình cụ tra tấn. Hắn cấm dân chúng ở địa phương không được đi “xin sưu”. Lại cho bọn tay chân đi khắp các làng, hễ thấy ai mang theo mo cơm, ống nước, cắt tóc ngắn là bắt về tra tấn. Vì vậy dân chúng ở các xã rất oán ghét hắn.

Đang lúc trời tối, quần chúng ập vào nhà Trần Quát, phá buồng giam và đã tóm được Trần Quát đang trốn trong một bụi rậm. Trần Quát đã khai ra tất cả những tội lỗi của mình từ trước đến lúc bấy giờ. Sau đó, theo lời của Ông Ích Mắng “đánh rắng phải diệt nọc”, quần chúng đã dẫn Trần Quát ra sông Vu Gia, lấy dây lưng của y buộc một hòn đá vào bụng y rồi nhận chìm xuống nước…

*

Phong trào chống thuế năm 1908 ở Quảng Nam chỉ kéo dài hơn một tháng, nhưng đã thể hiện được tinh thần quật khởi của nhân dân ở bảy phủ, huyện trong tỉnh này. Với sức mạnh của lòng “chuyên nhất”, chí “kiên quyết”, “hành động sáng tỏ” (20) và với những hình thức đấu tranh mới, nhân dân Quảng Nam đã tấn công vào ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều, mở ra cao trào chống sưu cao, thuế nặng rầm rộ trên hầu khắp xứ Trung Kỳ.

Đối sách của bọn thực dân Pháp và bọn phong kiến Nam triều lúc đó là khủng bố và “hiều trấp”, phủ dụ. Song công việc “hiểu trấp” của chúng không thành công. Do vậy chúng càng đàn áp, khủng bố điên cuồng. Các cơ sở của Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam như các hội buôn, các trường học được thành lập trước trước đó, nay đều bị phá. Các yếu nhân dân của các phong trào Đông Du và Duy Tân bị đưa ra “trường học thiên nhiên” Côn Đảo. Trương Tổn và những trụ cột của “Đồng Dân” Đại Lộc bị đi đầy ở Lao Bảo. Hàng ngàn quần chúng bị tra khảo sát và bị giam ở nhà Lao Quang Nam. Nhiều người bị giết chết.

Song dù bị đàn áp, khủng bố khốc liệt, tinh thần đấu tranh chống áp bức, bóc lột và ngọn lửa yêu nước của nhân dân Quảng Nam vẫn được nuôi dưỡng, giữ gìn. Ông Ích Đường trước khi bị chém vẫn dõng dạc tuyên bố: “Dân nước Nam như cỏ cú, giết Đường này thì trăm ngàn Đường khác sẽ nổi lên. Bao giờ hết mía mới hết Đường”. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Chỉ mấy năm sau Vụ chống sưu thuế cao, thuế nặng năm 1908, nhân dân ta, trong đó có nhân đất Quảng đã chuẩn bị cho một cuộc nổi dậy mới, đó là cuộc khởi nghĩa Thái Phiên – Trần Cao Vân năm 1916.

BX

CHÚ THÍCH

(1) (2) (5) (7) (8) (12) (14) (17) (18) (19) Huỳnh Thúc Kháng – “Vụ Kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908”. Dẫn theo: Thái Bạch – “Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp”. Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1968, tr 369, 369, 369, 370, 370, 375, 373, 373, 374.

(3) (4) Phan Châu Trinh – “Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký”. Dẫn theo: “Nguyễn Q. Thắng, “Phan Châu Trinh – Cuộc đời và tác phẩm”, Nxb Văn học, Hà Nội, 1992, tr 288.

(6) Nguyễn Thế Anh – “Phong trào chống thuế miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều Duy Tân”, 1973, Bản đánh máy của người viết.

(9) (10) Bùi Xuân – “ Phong trào chống thuế năm 1908 ở Quảng Nam”. Bản thảo đánh máy của người viết , tr 26, 27, 28.

(11) Theo bức thư của một nhân viên Hiệp hội công thương Trung Kỳ (SICA) lúc đó gửi cho Toàn quyền Đông Dương thì vào chiều ngày 29/3/ 1908 có đến 45.000 người kéo đến Toà Công sứ Pháp tại Hội An (Xem: Hồ Song – “Cuộc vận động dân tộc – dân chủ ở Quảng Nam đầu thế kỷ XX và Phan Châu Trinh”. Tạp chí Đất Quảng, số 77, tr 94).

(13) (15) Nguyễn Văn Xuân – “Phong trào Duy Tân”. Nx b Lá Bối, Sài Gòn, 1969, tr 318, 319, 321.

(16) Câu dối này chúng tôi sưu tầm được trong khi đi điền dã năm 1981.

(20) Các chữ trong ngoặc kép là rút ra từ Tờ truyền đơn “ Tuyên cáo về vụ xin xâu ở Quảng Nam của sĩ dân Hà Tĩnh”. Tài liệu riêng của người viết.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây