Lập quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050: Vì một Hà Nội phát triển xứng tầm, bền vững

Lập quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050: Vì một Hà Nội phát triển xứng tầm, bền vững

UBND TP. Hà Nội triển khai lấy ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Nguồn: UBND TP. Hà Nội).

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch có tầm bao quát lớn, tích hợp đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực có liên quan trên địa bàn toàn thành phố, gắn với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng.

Ðiều chỉnh để Thủ đô phát triển xứng tầm

Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 5/5/2022 đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đến năm 2045, Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển… Để thực hiện mục tiêu này, việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể Thủ đô là rất cần thiết.

Sau 10 năm thực hiện Quy hoạch Thủ đô năm 1998, Hà Nội một lần nữa trở nên chật chội. Để mở ra cơ hội phát triển và giải quyết những vướng mắc, ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, cụ thể là sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) vào thành phố Hà Nội, nâng diện tích Thủ đô lên 3.344km2. Việc này đặt ra yêu cầu phải có quy hoạch mới.

Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050”. Mục đích của quy hoạch là xây dựng Hà Nội là thành phố “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại và Bền vững”. Các chuyên gia đã đánh giá “quy hoạch có những đột phá, đó là phát triển các đô thị vệ tinh”.

Hà Nội ngày nay hiện đại nhưng vẫn bảo tồn được nhiều giá trị truyền thống. Phố cổ, phố cũ và phố mới hòa vào nhau, xuất hiện thêm nhiều công trình có kiến trúc hiện đại. Trục đường Nội Bài – cầu Nhật Tân nối trung tâm Thủ đô với cửa ngõ phía Bắc. Khu vực phía Đông (bờ tả sông Hồng) được đô thị hóa mạnh với quy mô, cảnh quan như các quốc gia phát triển. Nhưng trong quá trình thực hiện, Đồ án quy hoạch được phê duyệt năm 2011 còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Trong đó, nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được khai thác, phát huy đầy đủ. Phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch… Để hóa giải những hạn chế này, ngày 25/5/2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 129/KH-UBND nhằm triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể “Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định: “Việc nghiên cứu, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để phù hợp với tình hình thực tiễn và định hướng phát triển kinh tế – xã hội của thành phố trước mắt và lâu dài là rất cần thiết”.

Đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị bền vững

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, UBND Thành phố sẽ khẩn trương triển khai các bước tiếp theo như lựa chọn tư vấn; thành lập nhóm chuyên gia, nhà khoa học phản biện, nghiên cứu sâu các động lực phát triển cho Thủ đô. Điều tra, phân tích, đánh giá thực trạng; thu thập, chuẩn hóa số liệu… Đặc biệt, quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch được triển khai song song, tích hợp liên thông với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng.

Chia sẻ góc nhìn của mình, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, việc rà soát, đánh giá lại Quy hoạch chung là việc hết sức cần thiết đối với Hà Nội. Để từ đó đưa ra dự báo chiến lược về ngành, kinh tế – xã hội, vừa là định hướng cho quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, vừa làm nền tảng tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, ngoài định hướng, chương trình mục tiêu, cần có tư vấn tốt để có chất lượng quy hoạch tốt, xây dựng ý tưởng quy hoạch, khai thác triệt để về tài nguyên thiên nhiên, con người cũng như các nguồn lực khác, giúp xây dựng, phát triển Thủ đô xứng tầm. Nhiệm vụ quy hoạch lần này cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu định hướng quy mô dân số vì trong những năm gần đây, việc quản lý, kiểm soát dân số tại đô thị trung tâm và giãn dân khu vực nội đô gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hạ tầng đô thị bị quá tải, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, tình trạng khói bụi, không khí ô nhiễm… Với tốc độ gia tăng nhanh ngoài dự báo, việc định hướng dân số trong các giai đoạn sau này cũng là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi thành phố có sự quản lý chặt chẽ.

Ông Trần Ngọc Chính đánh giá, UBND thành phố Hà Nội lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch có tầm bao quát lớn, tích hợp đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành, lĩnh vực có liên quan trên địa bàn toàn thành phố, gắn với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng.

“Do đó, việc lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội bảo đảm sự đồng thời, đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như các quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Thủ đô đang nghiên cứu”, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh.

Với những yêu cầu thực tiễn nêu trên, việc UBND thành phố Hà Nội giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là cần thiết và cấp bách.

Bày tỏ quan điểm của mình, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, những điểm mới như tầm nhìn quy hoạch, chỉ tiêu dân số, mô hình thành phố trong Thủ đô là những định hướng lớn, phức tạp tác động nhiều đến điều chỉnh quy hoạch lần này. Do đó, thành phố cần tập hợp các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu để đưa ra những dự báo, bảo đảm đồ án quy hoạch điều chỉnh có chất lượng và tính khả thi cao.

Cơ hội và thách thức lớn với Hà Nội

Thu do Ha Noi min - Lập quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050: Vì một Hà Nội phát triển xứng tầm, bền vữngThủ đô Hà Nội được định hướng trở thành thành phố “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. (Nguồn: Hanoimoi).

Thủ đô Hà Nội với vai trò và vị thế là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ… nên mỗi lần lập hoặc điều chỉnh quy hoạch là một dấu mốc phát triển quan trọng của Thủ đô. Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô với nhiều yêu cầu mới luôn song hành cả cơ hội lẫn thách thức rất lớn với Hà Nội.

Trong thực tiễn giai đoạn từ năm 2011 đến nay, một số quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới như Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch 2017 cùng những điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cấp quốc gia, cấp vùng và phát triển đô thị, nông thôn đã ảnh hưởng tới tính chất, chức năng, định hướng phát triển Thủ đô. Đặc biệt, hàng loạt các nghị quyết của Bộ Chính trị ban hành gần đây cùng các quy hoạch ngành quốc gia… đã đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với quy hoạch và phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội cần phải xem xét rà soát điều chỉnh cho phù hợp.

Bám sát và cụ thể hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị có liên quan đến phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; các luật, nghị định, thông tư liên quan đến quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị, các quyết định phê duyệt quy hoạch cấp trên có liên quan, Hà Nội đã có đầy đủ cơ sở thực tiễn và pháp lý để thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 1259).

Thủ đô Hà Nội được định hướng trở thành thành phố “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi. Mô hình phát triển chùm đô thị được đưa ra gồm 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn; được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia.

Đặc biệt, Hà Nội có cơ sở pháp lý điều chỉnh quy hoạch khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TƯ về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế.

Đưa ra khuyến nghị, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay: “Từ những hạn chế được nhìn nhận, trong đợt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội lần này, ngoài việc xem xét các yếu tố mới, phát sinh trong quá trình thực hiện quy hoạch, việc nghiên cứu quy hoạch có tính khả thi, phù hợp với xu thế phát triển chung, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế đô thị cũng cần được các cấp, ngành xây dựng cơ chế, hoàn thiện quy trình, tránh vướng mắc ngay từ khâu lập quy hoạch”.

Nguyệt Hà

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây