NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
VÀ BÀI CA CỦA GIÓ
Bài ca của gió, tập thơ thứ tư của Nguyễn Đông Nhật, một con người đang ở tuổi năm mươi hơn và đang độ sung sức nhất của một người cầm bút.
Khác với ba tập thơ trước của anh : Trong hoàng hôn gió ( 1995 ), Trăng của ngày ( 1999), và Thơ bốn câu ( 2001 ), mảng đề tài chủ đạo trong Bài ca của gió là tình yêu, Sau mới đến triết lý và thế sự. Những suy tư mang tính triết học đã tôn vinh tình yêu, kết nối và hòa quyện, làm cho tình yêu trở thành một chuỗi ngọc của phương Đông lung linh nhiệm mầu.
Ở cái tuổi tri thiên mệnh, Nguyễn Đông Nhật đã vẽ lại chân dung người mình yêu thời trai trẻ : Một cô gái ở phố cổ Hội An có chiếc mũ màu nâu và giọt lệ vừa chín. Và mặc dù đã “ ngộ ” ra rằng “ Cái bóng ly nước trên bàn và cái ánh trăng kia / là MỘT, nhưng “ cái điểm sáng dịu dàng không tắt ”, “ cái hơi ấm thật gần không thể nào chạm tới ” ấy vẫn “ là hạt bụi vô hình lặng lẽ / trở lại nơi mặt bàn mỗi sớm mai ” của anh. Nàng vẫn mãi mãi là những gì “ chưa hề thấu to ”, và có lẽ vì vậy mà nàng là một thế giới đầy huyền bí và quyến rũ đối với nhà thơ.
Một ngày, nỗi cô đơn xô đẩy, Nguyễn Đông Nhật trở về lại Hội An, nơi một phần đời anh gắn bó , và:
Bởi vì nơi ấy, em đã tạc vào không khí
bằng thân thể em và ánh sáng
bởi vì tôi đã bước qua những đêm
dệt bằng những giấc mơ của em.
Trong cái trầm mặc của phố cổ, nhà thơ đã tự tuyên ngôn với chính mình bằng lời thì thầm của gió, vô hình mà vĩnh cửu:
Sau này, có thể một hôm nào
dừng chân trước ngôi nhà em cửa đóng
nhân danh tro bụi, tôi cúi xuống
nhặt chiếc lá đêm vô tình rơi.
(Hội An )
Một lần tôi hỏi Nguyễn Đông Nhật : ” Anh viết thơ tình nhiều thế, có lúc nào bị chị nhà phỏng vấn hay đùng đùng nổi giận không ? ” Anh cười:” Mình viết thơ tình tặng người cũ mà mình yêu, đưa cho vợ mình đọc, bà ấy góp cho mấy chữ thật thích. Vợ mình chỉ hay nói ghẹo mình : Ông thì suốt ngày V.A. . . và cười ”. Nguyễn Đông Nhật thường nhắc đến vợ với sự biết ơn, pha một chút tự hào.
Trịnh Công Sơn nói: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, dù chỉ là để. . . gió cuốn đi. Vốn ảnh hưởng sâu nặng Thiền học, nên đôi khi dù tỏ ra bực bội trước “ những định nghĩa, dù biết giới hạn của minh / vẫn không ngừng can thiệp ”, Nguyễn Đông Nhật vẫn rất tin vào một thế giới người tốt đẹp, trong đó “ ngôi sao mai ánh lên lời dịu dàng / như một ân sủng tự nhiên lạ lùng / long lanh tiếng chuông ngày sáng “. Anh mong rằng cuộc đời sẽ ôm mình dù chỉ “ như vầng trăng muộn “, để “ những dòng thơ rơi rụng nơi nao / bỗng chấm từng giọt xanh trên đá” và người yêu anh sẽ lau “ giọt lệ thầm trong trí nhơ ” cho ngày “ vẫn còn một điều gì đó đang bắt đầu ”.
Theo tôi, tập thơ Bài ca của gió cũng như Trăng của ngày và Thơ bốn câu chưa thể vượt lên tập thơ Trong hoàng hôn gio của chính tác giả. Song nếu được chọn một bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Đông Nhật, tôi không đắn đo gì khi chọn bài thơ Bài ca của gió trong tập thơ mà tôi đang cầm trên tay. Đây là bài thơ dài nhất và hay nhất của Nguyễn Đông Nhật từ trước đến nay.
Bằng chất giọng điềm đạm, hòai niệm pha màu trầm tư mặc tưởng, Nguyễn Đông Nhật đưa chúng ta gia nhập vào cuộc hành hương của gió, đi qua những tháng năm của mỗi thân phận và của dân tộc : từ chiến tranh bước sang hòa bình, những khổ đau thẳm sâu và hạnh phúc đầu tiên, sự chống đỡ của con người trước một xã hội hiện đại, “ những giấc mơ không ngừng sinh nở / trên những vầng trán đẫm mồ hôi / của lo âu và hy vọng ” .
Ta hãy đi cùng những ngọn gió :
Những trận gió khác nhau đã thổi ngang đời chúng ta
nơi cánh rừng anh đi qua
gió rung bờm suốt một thời lửa cháy;
và hơi gió ngủ quên lớp bụi phai mờ
trong căn phòng tôi cửa đóng
nhưng cơn gió tháng năm trẻ tuổi
bên con phố đìu hiu ven biển ngày nào
còn ve vuốt dịu dàng mái đầu chúng ta chớm bạc. . .
và :
Đôi khi những tiếng động của thời đại
chạm lướt qua tôi
hoặc lay động giấc mơ tôi
như giấc mơ của bao người khác.
Giấc mơ về hạnh phúc.
Giấc mơ mà ở cuối mỗi con đường
Người ta nhận ra sự bẽ bàng của cát bụi
( Bài ca của gió )
Tác giả cứ “rề rà” như thế, ta cứ lo không biết cái gì sẽ xảy ra ở cuối bài thơ. Và đột ngột đến ngỡ ngàng
Cái bóng ly nước trên bàn và cái ánh trăng kia
là MỘT.
Anh có thấy không ?
Sau Bài ca của gió, Nguyễn Đông Nhật sẽ viết gì ? Chắc chắn anh sẽ còn và mãi còn “ nhiều đêm ta thắp ngày xưa sáng / vẽ lại chân dung đẫm bóng nàng “, người con gái có chiếc mũ màu nâu và giọt lệ vừa chín ở phố cổ Hội An. Tôi chỉ đóan thế. Còn Nguyễn Đông Nhật thì bảo mình đang chuẩn bị cho ra đời Thơ vụn trong nhà và Phía sau tôi. Anh như trái cây đang chín tới.
Đà Nẵng,ngày 20.1.2002
Bài ca của gió
Thơ: Nguyễn Đông Nhật
Hãy dừng lại như hãy còn cách xa
dù tôi đang trẻ lại
cười bằng tiếng của ngày xưa
trong lanh canh màu rượu đỏ chiều nay.
*
Những trận gió khác nhau đã thổi ngang đời chúng ta.
Nơi cánh rừng anh đi qua
gió rung bờm suốt một thời lửa cháy;
và hơi gió ngủ quên lớp bụi phai mờ
trong căn phòng tôi cửa đóng.
Nhưng cơn gió tháng năm trẻ tuổi
bên con phố đìu hiu ven biển ngày nào
còn ve vuốt dịu dàng mái đầu chúng ta chớm bạc…
Hãy dừng lại như hãy còn cách xa.
*
Tôi sẽ chia tay anh, từ cái quán ăn ồn ào này
trong thành phố này; dường như ngờ ngợ
giữa yêu và không yêu.
Cái thành phố tôi vừa nghe ra giọng của nó;
nghiến răng, say đắm, thầm thì;
bên dưới đảo điên vòng xoay cơm áo.
Trong căn nhà tạm trú, đêm nay
vài chiếc ghế, vách tường lờ mờ. Bức tranh
ánh lên con mắt độc dò hỏi.
Tôi sẽ ngồi trước tấm khăn bàn trắng.
Trăng sáng ư? Tôi không biết.
Nhưng cái bóng của ly nước làm tôi tưởng là ánh trăng
chẳng soi vào khoảng không nào cả.
Tôi nghĩ gì tôi sẽ nhớ gì?
*
Có dãy phố hàng trăm năm cúi đầu
soi xuống dòng sông yên tĩnh.
Có tà áo trắng và chiếc nơ tuổi học trò
có nỗi rung động có nét tàn phai.
Sự trinh trắng. Nỗi buồn loang chậm.
Có tiếng đạn pháo gầm gừ, treo quanh ngày mới lớn
có nhiều người bạn đã ra đi.
Có những giờ lên lớp đầu tiên
cô giáo lúc này và cô học sinh hôm nào. Tôi là ai vậy?
Có giấc mơ nghèo nàn xếp hàng chờ gọi tên.
Có bữa cơm độn có căn nhà quạnh hiu
giọt nước rỏ suốt đêm dài khe khẽ.
Có những con người khác
Có những người quen trở nên lạ
giữa một dòng chảy mới, ầm vang nhịp diễu hành…
*
Ra đi.
Rứt khỏi ngôi nhà thân yêu
như rứt từ thân mình từng miếng thịt da vô tội.
Có phải con là bóng mây lạc loài
trong đôi mắt phai màu của mẹ
bên cánh cửa khép hờ. Bậc thềm chia ly rơi xuống nhớ quên.
Giữa cuồng điên ký ức
sao vẫn còn nghe hơi sóng biển rì rào,
luồn theo tiếng lá khua sâu hút mặt đường
bên dưới ánh đèn vàng những con mắt lệ.
Không. Không phải tôi chối từ cảnh vật này đến cùng cảnh vật khác
vì trên lượn sóng xanh mênh mông kia
tôi biết tôi sẽ không tìm thấy gì
ngoài nỗi cô đơn trong trắng.
Biết làm sao khi phải đặt chân lên cuộc hành trình
để trôi vào khoảng từ trường giấu mặt. . .
Một xứ sở xa lạ thổi suốt bên lòng
bao nhiêu năm tháng.
Nơi ấy mỗi ngày từng bước chân
gõ lên mái hồn thanh âm rạn vỡ.
Đôi khi trước tấm gương soi bóng mình
tôi nhìn thấy sự trong suốt
đâm nhói vào người.
Khi ấy tôi trở nên nhẹ tênh, chỉ còn là không khí
vừa rơi vừa bay lên.
Bao nhiêu buổi chiều thấm xuống ven đường
mơ hồ lá rụng
và những ảnh đời ngỡ quên đi bỗng trùng lớp hiện về
bên nhịp cánh vô hình của gió.
Trong căn nhà lạ, tôi phải cầm cự
với nhiều thứ, cũ và mới.
Với chính cái bóng mình. Lặng thầm. Trong sạch.
Một sự trong sạch đôi khi tôi muốn đập vỡ.
Nhưng tôi vẫn đi về với nó. Trong sạch.
Và không ngừng mong ngóng một điều gì. Tôi cũng chẳng rõ.
Có phải tôi đã chết bằng những gì tưởng là sống?
Không.Tôi đã bấm chặt chân bước trên
khuôn mặt trơn lì cám dỗ của cái chết.
Đã qua rồi thời đuổi bắt hư vô.
Hay tôi đang chờ đợi chính tôi
trong sự hiển bày niềm đau thánh hóa?
Đôi khi những tiếng động của thời đại
chạm lướt qua tôi
hoặc lay động giấc mơ tôi
như giấc mơ của bao người khác.
Giấc mơ về hạnh phúc.
Giấc mơ mà ở cuối mỗi con đường
người ta nhận ra sự bẽ bàng của cát bụi.
Cạnh khung cửa sổ phòng tôi có một bóng cây
tôi không biết đó là cây gì nhưng tôi hình dung
bên dưới khoảng màu đặc nhè nhẹ đong đưa
có những ánh nhìn đang dần tắt giữa đời này
còn thao thức hướng về những đời khác.
Chẳng phải tôi nói quá nhiều, nhất là kể lể về mình.
Đó không phải tính cách tôi, anh biết đấy.
Đằng sau mực thước tôi nghiêm cẩn tôi
là nồng nàn lòng yêu cuộc sống.
Nhưng có phải giờ đây người ta không còn tin vào lời nói trái tim
nên làm sao tôi có thể
xóa đi khuôn mặt mình
để tìm ra giọng khác?
Cạnh khung cửa sổ phòng tôi
hoa đã héo. Chiếc bình khô nước.
Nhưng giấc mơ kia vẫn không ngừng sinh nở
trên biết bao vầng trán đẫm mồ hôi
của lo âu và hy vọng
của những con người mà nơi đôi mắt đục mờ kia
tôi nhìn thấy tôi
nhìn thấy con đường đã đi qua đã cười đã khóc
nhìn thấy dòng sông xưa chảy giữa đời tuổi trẻ
dưới trời sao vang một giọng thầm.
*
Tôi đã trở về đây.
Con phố cũ. Trời cuối năm. Tiếng nói cười quen mà lạ.
Đời khác xưa hay tôi khác xưa?
Không, không phải đời đã khác.
Đời sống ở đâu cũng đầm ướt nhọc nhằn
của cay đắng và sướng vui
mà hạnh phúc đôi khi là máu.
Giờ đây, con đường cong mái phố rêu
buổi chiều xanh bên kia hàng cây
ánh rạng ngời tình bạn
tan hòa mềm dịu một đời sông.
Lúc này, trên những không cùng đang
tan ra thành sắc màu của sự ngộp thở
tôi rơi vào phút giây vĩnh cửu
như đang bay. Không còn điệu chán ngắt
chiếc đồng hồ nhỏ xíu trên ngực
không có sự ở lại ra đi hay trở về
không biết mái tóc đang trắng dần.
Ôi, tôi có thể đổi bao nhiêu tháng ngày vô sắc
cho một giờ nồng nhiệt của con ngươi…
Tôi biết rằng tôi vô lý. Anh có thấy như thế không?
Anh biết về tôi hãy còn quá ít.
Bóng của ngày tàn đang soi vào tôi tấm gương mờ
trên tấm gương ấy, tôi bình tâm lọc ra
từng giọt sáng
vừa đủ cho tôi.
Làm sao tôi có thể treo vào hồn người ánh sáng của chính họ.
Không, anh đừng tưởng tôi ưa triết lý.
Đó chỉ là đồ trang sức của lòng yếu mềm.
Tôi? Tôi muốn là một cành hoa cứng cỏi
vô nhiễm trước manh tâm những giày vò.
Và dù anh chưa hiểu những gì thuộc về tôi nhưng tôi tin
anh đã nhìn thấy tôi
bằng những cơn sóng và sự im lặng của đời anh.
Hãy dừng lại như hãy còn cách xa.
*
Hãy dừng lại như hãy còn cách xa.
Tôi sẽ chia tay anh, từ cái quán ăn ồn ào này.
Không tiễn đưa.
Dù đôi khi tôi cũng thích sự đưa tiễn. Nó làm cho người ta trẻ hơn.
Cả tôi và anh sẽ chìm vào sự vô danh của thành phố.
Thành phố không ngừng sống. Biết và không biết
từng lớp người đến và đi.
Hãy mặc cho nỗi êm dịu không tên kia trùm xuống chúng ta
xuống cuộc đời. Như cái bóng. Anh có thấy như thế không?
Những cái bóng, dài ra hay ngắn lại
và tan đi giữa bao quầng sáng quay cuồng.
Nhưng đôi mắt chúng ta, trước khi đời đời yên tĩnh
đã lặng lẽ trả lời.
*
Cái bóng ly nước trên bàn và cái ánh trăng kia
là MỘT.
Anh có thấy không?
NĐN
5.2OOO