Bão ở xứ ta – Tác giả: Nhà sử học Dương Trung Quốc

Bão là một hiện tượng tự nhiên diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Nước Việt Nam ở xứ nhiệt đới lại phơi lưng ra biển cả nên bão tố càng nhiều. Những trận bão lớn đều được sử sách của triều đình, chính quyền ghi lại.

Kỷ lục bão vào Nam Bộ năm Giáp Thìn 1904

Đầu thế kỷ XX, có một trận bão cực lớn không chỉ có sử sách của triều đình mà còn có cả báo chí đương thời ghi lại. Đó là trận bão năm Giáp Thìn (1904) dưới triều Thành Thái thứ 16. Điều đáng nói là cơn bão lại ập đến bờ biển một số tỉnh ở Nam Kỳ là vùng đất vốn rất ít khi gặp, do vậy mà tác hại càng lớn. Báo chí đương thời mô tả, bão đổ vào cùng lúc thành phố Sài Gòn- Gia Định và các tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Sóc Trăng và đặc biệt tâm bão dữ dội nhất ở Gò Gông vào đúng sáng chủ nhật, 1-5-1904, đã tạo nên khung cảnh tàn phá đến kinh hoàng.

Sài Gòn chứng kiến tuyến đường sắt mà thành phố này vốn tự hào đã bị gió bão cày xới ngổn ngang và tê liệt; nhiều tàu biển ngoài cảng bị sóng đánh dạt lên bờ, 900 gốc cây trong phố bị bật gốc và xuất hiện cả vòi rồng. Ở Tân An thì có cả mưa đá. Đèn biển và hệ thống liên lạc hàng hải ở Vũng Tàu (Cap Saint Jacques) cũng bị hư hại nặng. Tỉnh Gò Công có số người chết ước ba ngàn…

Tờ “Aurore” xuất bản ở Pháp ngày 21-5-1904, dẫn báo cáo của Phó thống đốc Rodier cho biết mấy tỉnh Nam Kỳ ấy có tới sáu ngàn người chết và mất tích, tổng thiệt hại cho nông nghiệp ước chừng 3 triệu Fanc (đơn vị tiền tệ của Pháp)… Tiếp đó, Nam Kỳ lại bị bão kéo đến một lần nữa vào ngày 2-11 cùng năm, bổ sung cho cơn lũ kéo dài từ tháng 9 khiến thiệt hại càng thêm nghiêm trọng.

Cũng cần nói thêm rằng, vào năm 1904 đó, Trung Kỳ nơi bão vốn thường xuyên đổ bộ cũng phải chịu đựng một trận bão lớn đổ bộ vào Quảng Trị, Quảng Bình và đặc biệt là Kinh đô Huế mà chúng tôi sẽ đề cập vào phần sau.

Năm Thìn ấy, nói đến bão, sử sách cũng chép tên các tỉnh Thanh-Nghệ- Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi là những nơi có bão…

Bao o xu ta h2 min - Bão ở xứ ta - Tác giả: Nhà sử học Dương Trung QuốcVũng Tàu – một trong những nơi hứng chịu cơn bão vào Nam bộ năm 1904. Ảnh tư liệu.

Bão ở miền Bắc năm 1903

Năm 1904 ấy, không thấy sử sách nói đến Bắc Kỳ có bão. Nhưng trước đó một năm, ngày 7-6-1903, bão lớn đổ vào Hà Nội và một số tỉnh Bắc Kỳ. Vị chủ bút báo “Nông Cổ Mín Đàm” ở Sài Gòn là Lương Khắc Ninh đã căn cứ vào báo chí ở Đà Nẵng để viết tin cho đồng bào Nam Kỳ biết về cơn bão này. Nhà báo mô tả “duy tỉnh Hà Nội, Nam Định và Thái Bình chịu (thiệt hại) nặng nề lắm. Xe hỏa lật ngoài đường, rất nhiều thoàn (thuyền) và tàu chìm, lâu đài và dân cư sập hư cũng nhiều lắm, hãng buôn nhà nghề đều bị lột bay cả nóc, người chết trong bão đó cũng dư trăm, hao dân tài vật cũng mấy triệu dư…”

Lại nói thêm, sử chép chỉ 4 ngày sau đó, ngày 11-6-1903 vùng đất Quỳ Châu, Nghệ An có hiện tượng động đất và lở núi… Phản ánh những hiện tượng này, đáng tiếc cho đến nay chúng tôi mới sưu tập được một số ảnh chụp ở Hà Nội mà phần lớn lại in thành bưu ảnh (?!), còn với các địa phương khác thì rất ít…

Bao o xu ta h3 min - Bão ở xứ ta - Tác giả: Nhà sử học Dương Trung QuốcTrận bão đổ bộ vào Huế năm 2019. Ảnh tư liệu.

Trận bão ở Huế trong chính sử

Chính sử của Triều Nguyễn (Thực lục) chép rõ: ở Trung Kỳ nơi bão vốn thường xuyên đổ bộ cũng phải chịu đựng cơn bão ngày 2 tháng tám (âm lịch) năm 1904. Bão đổ vào không chỉ khiến 163 người dân ở Quảng Trị cùng 411 người dân ở Quảng Bình bị chết, vô số nhà cửa, thuyền bè và gia súc bị tổn hại rất nhiều, mà chính Kinh đô Huế lại là tâm của cơn bão. Gió mưa dữ dội khiến cột cờ trên Kỳ đài bị gẫy, cầu thép Trường Tiền người Pháp mới xây hoành tráng cũng bị cuốn đi vài nhịp, dân 6 huyện chết và bị thương 765 nam nữ, trong đó có cả những người của triều đình (thành viên Bộ Lễ) cũng tử nạn khi đang thực thi công vụ…

Cụ thể, quốc sử Triều Nguyễn chép như sau, xin trích nguyên văn:

“Tháng 8 ngày 2 (ngày Mậu Thân) kinh sư có bão lớn, nước dâng lên ngập hết cung điện trong Cấm thành và quan thự trong kinh thành, nhà cửa nóc ngói bay tung, tường vách sụp đổ, công văn vật hạng bị ngâm nước hư hại rất nhiều. Cột cờ trên kỳ đài gãy ngang rơi xuống, cầu sắt Trường Tiền cũng bị trôi đổ. Đền chùa nhà cửa, thuyền bè ruộng vườn, đồ vật tài sản của dân gian tổn hại, nhân dân và gia súc bị đè bị dìm chết và bị thương không biết bao nhiêu mà kể (trong kinh thành thuộc bộ Lễ chết 2 người, bị thương 2 người, quân binh chết 2 người, bị thương hơn 40 người, nhân dân các phường chết 13 người nam nữ, nhà cửa bị sập đổ hư hại 898 gian. Ở 6 huyện nhân dân chết và bị thương 765 người nam nữ, đình chùa miếu mạo nhà cửa sập đổ hư hại 28.220 gian, súc vật bị trôi bị chết 587 con, thuyền bè bị chìm bị mất 787 chiếc. Tỉnh Quảng Trị nhân dân chết đuối 163 người nam nữ, nhà cửa đền chùa bị trôi bị hỏng 3.168 gian, súc vật chết 3.672 con, thuyền bè bị chìm bị mất 32 chiếc. Tỉnh Quảng Bình hai phủ huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy nhân dân chết đuối 411 người nam nữ, nhà cửa đình miếu bị trôi bị hỏng 5.888 gian, súc vật chết 2.814 con, thuyền bè bị chìm bị mất 74 chiếc. Nghệ An, Hà Tĩnh bão lụt hơn bình thường cũng tổn hại nhiều. Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi thì có mưa gió nhưng không bị tổn hại. Từ Khánh Hòa tới Bình Thuận thì không bị bão). Thiên tai xảy ra trên toàn quốc mà một hạt Thừa Thiên bị thiệt hại nặng nhất, quả thật nhiều năm nay chưa có bão lớn như thế.

Chuẩn phát thóc Thương trường chẩn cấp cho biện có 2000 người, mỗi người nửa hộ, hạt Thừa Thiên có 35 xã thôn vạn ấp bị thiệt hại nặng nhất, cấp 612 hộ.

Tháng 9 Phủ Toàn quyền trích 100.000 đồng giao cho Tòa Khâm sứ bàn với Cơ mật viện chia cấp trù hoạch cứu giúp cho các hạt bị thiên tai (Thừa Thiên 50.000, Thanh Hóa 10.500, Hà Tĩnh 10.500, Quảng Trị 26.300). Bề tôi Cơ mật viện tâu lên chuẩn cho thi hành.

Hạm trưởng Chiến hạm “Diana” của Nga La Tư (chiến hạm này thuộc Hạm đội Ban Tích của Nga- chú thích của người viết) đỗ ở Gia Định là Lievan nghe tin ở Kinh bị bão gởi 57 đồng giúp đỡ, sai Phủ Thừa Thiên nhận cấp cho dân bị thiên tai. Cơ mật viện làm thư cảm tạ.

…Vì bão nên đình việc lễ tụng kính chúc hỗ trong dịp khánh tiết. Khoản phí tổn dự trù 1000 đồng thì sai Bộ Lễ trích giao cho Phủ Thừa Thiên hội đồng với Nha Hộ thành chẩn cấp cho nhân dân trong ngoài kinh thành bị tổn hại (còn 500 đồng tu sửa Chùa Kim Quang)…

Vua nói với cận thần “Gió bão làm hại rất lớn, trẫm rất thương xót cho dân”, bèn sai viện Thượng thân trích 1000 đồng, Thái Hoàng thái hậu cũng ban 500 đồng, sắc cho Phủ doãn Thừa Thiên Trần Đình Phác đi khắp hạt xét khám, xã thôn nào bị hại nhiều nhất thì truyền chỉ ban cấp cho nhân dân được hưởng ân huệ thực sự…”

—————

(Nguồn : Quốc sử quán Triều Nguyễn – Đại Nam Thực Lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên – Cao Tự Thanh dịch.NXB Văn hóa Văn nghệ, TPHCM, tiểu mục 1288,1289,1290,1291, tr.429, 431)

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây