Tác giả Nguyễn Văn Gia

Tác giả Nguyễn Văn Gia

NGUYỄN VĂN GIA 

Nguyễn Văn Gia, sinh năm 1951 (Tân Mão) tại Thanh Khê, Đà Nẵng
Cựu học sinh trường Trung học Phan Châu Trinh – Đà Nẵng;
Cựu sinh viên trường Đại học Sư phạm Huế.
Có thơ đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước.

Tác phẩm đã xuất bản:

Đôi bờ thời gian  (thơ, Nxb Hội Nhà văn – 2010)
Lặng lẽ phù sa  (thơ, Nxb Hội Nhà văn – 2015)
Nắng gió quê nhà (thơ, Nxb Hội Nhà văn – 2019).

1568196218233blob - Tác giả Nguyễn Văn Gia

LẬP THU

Áo tím ai về
bên thềm cũ
Dễ nắng vàng phai
cũng tương tư
Chưa xanh thạch thảo
vàng hoa cúc
Mà sao lòng mình

đã lập thu.

 

RỖNG

Cứ nhủ lòng mình
Buông xả thôi
Nhẹ hều như nước chảy mây trôi
Làm sao giữ được
Điều không thể

Chỉ mỗi tay không đã nặng rồi.

 

MƠ…

Chẳng còn đâu
Bóng tre xanh
Quê nhà giờ đã trở thành cố hương
Ngậm ngùi ta
Giữa phố phường
Mơ…
Mùa trăng cũ
Ruộng
Vườn

Tiếng chim.

 

HẠT BỤI

Trái đất
Chứa bảy tỷ con người
Với vũ trụ
Chỉ là hạt bụi
Bụi của bụi
Mong gì vĩ đại
Giữa thiên hà

Vạn triệu năm trôi.

 

BÂNG QUƠ

Trang giấy trắng
nhớ câu thơ
Cánh buồm nâu
nhớ bến bờ xa xa
Rứa mà
người đó đi qua
Giả vờ đứng ngó

rất là bâng quơ…

 

LÁ TRÚC CHE NGANG

Em – Cháu ngoại họ Hoàng
Thôn Vỹ Dạ
Cũng mơ màng
Lá trúc mặt che ngang
Đời vắng biệt rồi
Những Hàn Mặc Tử
Nên sợi buồn thả xuống

Bến sông trăng.

 

QUẠNH VẮNG
THỀM RÊU

Đã trao ấn kiếm
buồn chi nữa
Buổi xếp hoàng bào
biệt cấm cung
Hỡi ơi
vua chúa còn mơ ngủ
Thì huống hồ chi
kẻ thứ dân
Trời vẫn xanh
trên thành quách cũ
Sao lòng người
quá đỗi rêu phong
Ngô đồng kia
buồn chi ủ rủ
Chẳng vàng rơi
cho kịp thu sang
Em tôn nữ
hay là quận chúa
Chờ ai đây
cửa phủ cuối chiều
Từ dạo mùa vui
không về nữa
Chỉ nghe lá rụng

dưới thềm rêu.

              Untitled 1 3 - Tác giả Nguyễn Văn Gia

Phù saNắng gió trong thơ Nguyễn Văn Gia

TS. Huỳnh Văn Hoa   

          Trên Tuyển tập thơ văn Hương Đất – Trung học Phan Châu Trinh, Xuân Tân Hợi, 1971, có giới thiệu tập thơ Về hướng mặt trời của hai tác giả Nguyễn Văn Gia và Cung Định.

          Từ đó đến nay, Nguyễn Văn Gia vẫn chung thủy với thơ ca. Gắn với thơ nhưng không coi thơ như cứu cánh của đời mình, chỉ viết khi thấy có cảm xúc, có nhu cầu bộc lộ những cảm và nghĩ của bản thân. Đến nay, Nguyễn Văn Gia đã in ba tập thơ: Đôi bờ thời gian (2010), Lặng lẽ phù sa (2015) và Nắng gió quê nhà (2019). Nói như Paul Celan: “Thơ là sự giãi bày chứ không phải là áp đặt”. Đúng vậy.Thơ Nguyễn Văn Gia là sự giãi bày về những cung bậc của tâm hồn.Ở đó, người đọc nhận ra những tâm tình về một vùng quê hương đã dần dần mất dấu trước cơn lốc của đô thị hóa, nhận ra những trăn trở về những nỗi niềm thế sự, những u uẩn của một trái tim nhạy cảm trước bao vấn đề của thời cuộc, của đất nước,”biết dấu vào đâu”, “nỗi buồn, tôi ơi”.

          Trong bài Ký ức,nhớ Thanh Khê cũ, tác giả viết: Hôm qua ruộng vườn / Bây giờ là phố / Tên xóm tên làng / Mấy ai còn nhớ / Đã nhạt phai rồi / Chân quê bình dị / Tôi gửi lên trời / Nỗi niềm cố lý. Cố lý không còn, thành quá vãng, đành gửi nỗi niềm cho mây trắng bay qua những khung trời diệu vợi nhớ thương. Những bài Tình cờ đọc thơ Hạ Tri Chương, Dửng dưng, Cố hương, Những câu thơ vụn 1, 2, 3,...về một làng quê bùi ngùi, thương nhớ, một tâm trạng không như Hồi hương ngẫu thư, nghĩa là: “Quê nhà giờ đã trở thành cố hương” (Những câu thơ vụn 3), “Quê nhà ơi, sao lòng tôi rối bời / Vẫn hoa cỏ tươi xanh đất trời đẹp quá / Mà tiếng cười nghe quá chừng buồn bã / Nắng gió đất trời và nắng gió lòng tôi” (Nắng gió quê nhà).

          Suốt một đời ở quê, từ trẻ cho đến tóc điểm sương, chứng kiến bao đổi dời, bao gió sương cát bụi phong trần, giọng quê không đổi, chỉ cảnh quê, người quê, tình quê thay đổi:

                             Cố hương mỗi lúc một xa
                   Người đi, mang cả quê nhà đi theo”(Cố hương).

          Người của năm tháng cũ như mây cuối trời. Đó là những áng mây lưu lạc, cô đơn và quạnh quẽ: Lối xưa rêu phủ còn đây / Người xưa chừ đã như mây cuối trời. Lạc giữa quê hương là tâm trạng thường trực trong thơ Nguyễn Văn Gia: Tôi quanh quẩn quê mình / Cho đến khi tóc bạc / Nghe giọng lạ thất kinh / Cứ ngỡ mình đi lạc (Tình cờ đọc thơ Hạ Tri Chương).

          Có nhiều bài, Nguyễn Văn Gia viết thật hay về cái mơ hồ, quạnh vắng của đất trời, của lòng người, có đó rồi nhạt phai, như chạm vào thiền tịnh.Thời gian như Tiếng mùa thầm thĩ giữa hư không (Mùa vàng). Bên thềm cũ, ai về, cả mùa thu xao động: Áo tím ai về bên thềm cũ / Dễ nắng vàng phai cũng tương tư / Chưa xanh thạch thảo, vàng hoa cúc / Mà sao lòng mình đã lập thu (Lập thu). Một ước mơ chân thành, như ngọn lửa ấm, sưởi cuộc đời cô đơn: Ước gì thành mây trắng / Bay vào giữa trang thơ / Chữ reo như lửa ấm / Sưởi phận người bơ vơ (Chữ reo như lửa ấm). Và, hãy:Cứ hồn nhiên cây cỏ / Cứ như sương như gió / Bóng ai đang lặng lẽ / Trên nẻo về hoang sơ (Mơ phai), Cả một tinh cầu hiu quạnh lắm / Mai rồi bóng đổ xuống thời gian (Những câu thơ vụn 6), Câu thơ buồn lỡ viết / Biết để dành cho ai...(Dịu dàng như giọt nắng),…

          Chiều xuân phai, bài thơ ngắn, chỉ 20 từ, sao ngậm ngùi: Qua bên kia con dốc / Trôi về phía hoàng hôn / Lòng buồn như con nước / Mỗi lúc một xa nguồn.Đành rằng, đời người có giới hạn. Chuyến tàu hoàng hôn của những mùa xuân phai sẽ trôi như con nước xa nguồn. Trên con đò nhân thế đó, phía trước là bở tử sinh, con người thường nghĩ về cái hữu hạn của đời người: lơ ngơ bước giữa đời / biết về đâu, tôi ơi (Tự hỏi), Không ai tắm hai lần / Trên cùng một dòng sông / Ta về thấy mất hút / Dòng sông thời thanh xuân (Nơi đi để nhớ), Thời gian vô tận trôi / Giữa bao la đất trời / Cái thân rồi cũng mất / Dấu chân còn được sao (Dấu chân), …Một trái tim mẫn cảm.Một cảm thức nhân sinh thảng thốt. Một cuộc viễn trình chỉ có ga cuối… là những gì Nguyễn Văn Gia trăn trở, suy tư trong hơn 10 năm qua.

          Với Nguyễn Văn Gia, trên những nẻo đường sáng tạo, thơ không tách rời với cái đẹp, nhất là cái đẹp của cuộc sống. Dường như với tác giả, thơluôn là cõi gửi gắm những đi về của tình yêu, của khát vọng.Thơ không giữ thái độ mơ hồ với cuộc sống, cam chịu trước cái xấu, cái tiêu cực.Nghệ thuật là Cuộc đời. Cái Cao cảbao giờ cũng là đích đến của Thơ ca: Chắp tay lạy khắp mười phương / Cầu xin Trời Đất xót thương quê nhà… / Cúi đầu lạy tạ cao xanh / Mong sao còn lại chút tình nước non (Khấn), Khi người với người không nhân ái / Thì đất trời kia bỏ ta luôn !(Những dấu chân buồn).

          Các bài:Bên trời thu phai, Cố hương, Đêm khó ngủ, Quê nhà, Đất nước, Phiêu lãng cùng giấc mơ bay, Hoa cỏ vô tình, Trên đường đi làm sổ đỏ bỗng nhớ Vương Thực Phủ,Nắng gió quê nhà… nằm trong chuỗi suy nghĩ của tác giả về làng xóm, quê hương, đất nướcmình.

          Yêu những bài lục bát ngắn, nhiều tình ý. Ở đó, các câu được ngắt nhịp 2/2/2 hoặc 2/4 hoặc 3/3 hay 2/2/4 như Bâng quơ, Cố hương, Lan man buổi giao mùa, Màu mây cũ, Về vườn, Quy y, Mơ…, Lên chùa,…Đó là một thứ lục bát mang đậm hơi thở của hôm nay, day dứt về đời, về thế sự của Nguyễn Văn Gia.

          Xin có vài lời về thơ của một tâm hồn đa mang với cuộc sống, luôn tin vào lẽ phải và sự thành thật với con người, với quê hương. Đó là những phù sa, những nắng gió, qua thời gian, Nguyễn Văn Gia đã gửi gắm nơi bao bài thơ của mình.

Đà Nẵng, tháng 9 năm 2019

   HVH                            

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây