Bảo tàng công – tư bắt tay cùng kể chuyện di sản

Bảo tàng công - tư bắt tay cùng kể chuyện di sản
GS.TS Thái Kim Lan hiện là Giám đốc Bảo tàng gốm cổ sông Hương.

Lần đầu tiên, hai bảo tàng công – tư cùng nhau tổ chức triển lãm hơn 300 cổ vật gốm, để kể câu chuyện về những dòng chảy văn hóa của đất Kinh thành Huế.

“Câu chuyện từ những dòng sông” là chủ đề cuộc triển lãm được tổ chức giữa Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế và Bảo tàng gốm cổ sông Hương của GS.TS Thái Kim Lan. Đây là cuộc triển lãm đầu tiên, giữa một bảo tàng công lập và một bảo tàng tư nhân – nhằm cùng nhau làm bừng sáng vẻ đẹp văn hóa kinh kỳ xứ Huế.

Mảnh ghép di sản

Cố đô Huế là nơi chứng kiến bao sự kiện lịch sử thăng trầm của dân tộc, nơi hội tụ, tiếp biến và giao thoa của nhiều nền văn hóa. Với bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo, những chủ nhân của vùng đất này nối tiếp tạo dựng và gìn giữ cho xứ Huế một kho tàng di sản quý giá.

Ngoài các hệ thống di tích lịch sử văn hóa, thì cổ vật gốm xứ Huế phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, độc đáo về giá trị mỹ thuật – là một trong những báu vật khiến xứ Huế đặc sắc hơn.

“Câu chuyện từ những dòng sông” ngoài nhiệm vụ hưởng ứng Festival Huế 2022, thì quan trọng nhất là cung cấp cho các nhà nghiên cứu và du khách đến với Huế những tư liệu quý bằng sử liệu hiện vật. Những cổ vật này được trục vớt lên từ hai dòng sông nổi tiếng của Huế là sông Hương và sông Ô Lâu.

Du khách và những người yêu di sản Huế có điều kiện chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn những cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật độc đáo. Triển lãm cũng là dịp để Huế góp phần tri ân các nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật – những người có công đóng góp vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Theo Ban tổ chức “Câu chuyện từ những dòng sông”, triển lãm tập trung vào hai chủ đề chính, là “Sông Hương kể chuyện” và “Dấu tích xưa bên dòng Ô Lâu”.

Với “Sông Hương kể chuyện”, giới thiệu những hiện vật gốm thời Trần, Lê cho đến nhà Nguyễn từ thế kỷ 11 – 20 được tìm thấy dưới dòng sông Hương. Các hiện vật gốm thời kỳ này mang nhiều nét đặc trưng gắn bó mật thiết với đời sống người Việt Nam nói chung và người dân vùng đất cố đô nói riêng.

“Dấu tích xưa bên dòng Ô Lâu” giới thiệu bộ sưu tập gốm với các loại hình phong phú, có niên đại từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 20 được phát hiện dưới dòng sông Ô Lâu.

Các hiện vật này chủ yếu mang đặc trưng của lò gốm Phước Tích, Mỹ Xuyên. Dòng gốm là minh chứng khẳng định cho sự phát triển các làng nghề truyền thống của xứ Huế. Đồng thời, là cơ sở khoa học và lịch sử quan trọng phục vụ việc nghiên cứu.

Gần 300 hiện vật được trưng bày lần này có thể xem như những mảnh ghép quan trọng trong bức tranh chung về di sản văn hóa. Đặc biệt, ghi lại sự hiện diện của các nền văn hóa qua các thời kỳ lịch sử, cũng như quá trình hình thành, phát triển của cố đô xưa.

Mong thêm nhiều “cái bắt tay”

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế, cho biết: Các cổ vật đã tự kể câu chuyện về một giai đoạn lịch sử của vùng đất cố đô. Mong rằng, ngành văn hóa Huế sẽ nhận được nhiều “cái bắt tay” từ nhà sưu tập cổ vật cũng như các bảo tàng tư nhân, để công chúng được thưởng lãm thêm các hiện vật có giá trị.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế, cho biết, triển lãm không chỉ tạo mối liên kết giữa bảo tàng văn hóa công – tư, mà còn giúp các nhà nghiên cứu và du khách đến với Huế có thêm tư liệu trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản dưới nước.

Triển lãm trưng bày hơn 300 hiện vật bao gồm bình vôi, gốm, sứ… và những cổ vật từng nằm im dưới lớp phù sa của hai con sông chảy qua Huế. Trong đó, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế đóng góp hơn 160 hiện vật. Số còn lại là hiện vật lấy từ bộ sưu tập gốm cổ sông Hương của GS.TS Thái Kim Lan – Giám đốc Bảo tàng gốm cổ sông Hương.

GS.TS Thái Kim Lan đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng và hình thành Bảo tàng gốm sông Hương tại không gian nhà vườn – từ đường của gia đình. “Thái tộc từ đường” là một trong những khu nhà vườn độc đáo được xây dựng cách đây khoảng 200 năm với kiến trúc nhà rường truyền thống xứ Huế.

Không chỉ là một bảo tàng tư nhân, ngôi từ đường nổi tiếng này từng diễn ra các chương trình âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy và những buổi triển lãm áo dài hay giao lưu thơ ca… Để tạo dựng lại không gian văn hóa đặc sắc của Huế, bà Thái Kim Lan đã từ Đức trở về và phải mất vài năm để dọn dẹp, cải tạo lại không gian.

Khoảng 40 năm trước, gia đình bà Thái Kim Lan đã tiến hành sưu tầm cổ vật dưới dòng sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu… như một cách để hiểu sâu sắc hơn về văn hóa lịch sử Huế.

Đến nay, bộ sưu tập gốm cổ sông Hương của cố họa sĩ Thái Nguyên Bá và GS.TS Thái Kim Lan đã lên đến vài nghìn hiện vật. Trong đó có không ít tiêu bản quý hiếm và tiêu biểu của các nền văn hóa Sa HuỳnhChăm PaĐại Việt.

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên – Huế, cho hay: “Sưu tập gốm sông Hương không chỉ quý, mà còn rất đầy đủ các loại hiện vật tiêu biểu cho hầu hết các thời kỳ lịch sử. Và gần đây, do những cơ duyên đặc biệt, một số hiện vật có giá trị của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã được tích hợp vào bộ sưu tập này”.

Hiện tại, GS.TS Thái Kim Lan đã có trong tay 4 bộ sưu tập quý, gồm: Gốm sông Hương, áo dài triều Nguyễn, đồ đồng và đồ gỗ. Với tổng gần 5.000 hiện vật gốm cổ, Bảo tàng gốm cổ sông Hương của bà Thái Kim Lan được đánh giá là bảo tàng tư nhân đầu tiên hội tụ đầy đủ các giá trị di sản của xứ Huế.

Trần Hòa

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây