Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn: Bất ngờ kho vàng, bạc của triều đình Huế ở Paris

Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn: Bất ngờ kho vàng, bạc của triều đình Huế ở Paris
Bìa sách của tác giả François Thierry xuất bản ở Paris năm 2014 đã “làm rõ” nguồn gốc của bộ sưu tập Trésor de Huế - Ảnh: THÁI LỘC chụp lại

Hệ thống cổ vật quý báu của hoàng triều nhà Nguyễn, sau các biến cố lịch sử, có thể nói “như chim vỡ tổ”, tản mát khắp nơi, nhất là các nước phương Tây. Nhiều cổ vật trong số ấy như có số phận kỳ lạ…

Cuối tháng 9-2017, Bảo tàng Monnaie de Paris đã khai mạc gian trưng bày Trésor de Huế (Kho báu triều đình Huế) gây ngỡ ngàng cho công chúng lẫn du khách trên đất Pháp. Các thỏi vàng, tiền vàng cùng 4 thỏi bạc may mắn không bị nấu chảy trong lô tài sản khổng lồ “cướp” được từ Huế lần đầu trình làng sau hơn 130 năm giữ kín trong kho.

“Trésor de Huế”

Hôm nghe tin, người bạn Nguyễn Trấn Phong ở Marseille đã tức tốc bắt tàu lên Paris đến ngay bảo tàng trong trạng thái háo hức. Lần đầu được nhìn thấy cả trăm loại thỏi vàng, tiền vàng lẫn thỏi bạc từng chỉ nghe trong sách vở khiến anh vô cùng thích thú. Điều làm anh tự hào hơn cả khi nhiều người nước ngoài chiêm ngưỡng, trầm trồ trước di sản cha ông người Việt làm ra.

“Tôi và nhiều người Việt khác đến xem tận mắt, cảm thấy nức lòng vì di sản cha ông được nhiều người thán phục, ca ngợi đã đành. Đọc trên báo, tôi thấy ngay cả người phụ trách các bộ sưu tập của bảo tàng là ông Victor Hundsbuckler cũng tỏ vẻ rất tự hào vì bảo tàng được sở hữu bộ sưu tập “kho báu Huế”. Điều này chứng tỏ cổ vật Việt thực sự quan trọng và quý giá đối với họ” – ông Phong nói.

Ông Phong nhận xét hiện vật không đa dạng lắm về loại hình, chủ yếu dạng tiền và vàng bạc thỏi, nhưng kích thước và trọng lượng thì chênh lệch rất nhiều, có món chỉ nặng vài gram, trong khi có món nặng mấy ký lô. Tất cả hiện vật như được quét lên một lớp bảo vệ màu hơi đỏ. Các loại tiền vàng chủ yếu thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức… 

Đó là đồng mặt trước đề Minh Mạng, mặt sau chữ “tam đa”, đường kính 23,9mm, nặng 6,67g. Đồng Minh Mạng thông bảo đường kính 20mm, nặng 4g. Đồng Thiệu Trị thông bảo triệu dân lại chi (tiền Thiệu Trị muôn dân được nhờ) đường kính 43mm, nặng 19,11g. 

Đồng Tự Đức thông bảo mặt sau đề chữ Nhất tiền viết từ (tạm dịch: một tiền viết yêu thương) đường kính 23,5mm, nặng 3,7g. Ngoài ra còn có các đồng khác như Thiệu Trị nguyên bảo, Tứ mỹ…

Tien Tu Duc thong bao mat sau de Nhat tien viet tu min - Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn: Bất ngờ kho vàng, bạc của triều đình Huế ở ParisTiền Tự Đức thông bảo, mặt sau đề Nhất tiền viết từ – Ảnh: THÁI LỘC chụp lại

Các thỏi vàng gồm: Minh Mạng niên tạo, mặt sau Quan kim tam tiền dài 27,2mm, rộng 9,6mm, dày 3mm, nặng 11,54g. Thỏi Minh Mạng niên tạo, mặt sau Quan kim ngũ lạng, dài 72mm, rộng 27mm, dày 6,2mm, nặng 192,72g. Thỏi Đại Nam nguyên bảo, mặt sau Tự Đức niên tạo, dài 44,8mm, rộng 15mm, dày 3,7mm, nặng 37,95g. 

Khá nhiều thỏi khác bày mặt khắc trọng lượng như: Nội thảng kim nhất bách lạng (100 lượng vàng), Quan kim tứ thập lạng (40 lượng vàng), Nội thảng kim nhất lượng (1 lượng vàng)…

Trong bốn thỏi bạc, có ba thỏi lớn mặt đề chữ Thiệu Trị niên tạo (mặt trước) và một thỏi nhỏ đề chữ Nội thảng ngân nhất lượng (1 lượng bạc – mặt sau)… Phía Bảo tàng Monnaie de Paris không thẩm định giá trị hiện vật bởi nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Song, họ có đề mức giá để làm bảo hiểm và không công bố vì lý do an ninh.

“Chiến phí”

Trésor de Huế được bảo quản trong một gian phòng rất kiên cố, tựa như những tủ két ngân hàng, cửa được mở bằng vôlăng kèm theo một hệ thống bảo vệ rất an toàn. Lý lịch hiện vật đều ghi “mua lại”. Bảo tàng từng định trưng bày nhưng cũng cân nhắc, sợ bị chất vấn nguồn gốc, thậm chí sợ bị “kiện đòi lại”. 

Năm 2014, cuốn sách Le trésor de Huê: Une face cachée de la colonisation de l’Indochine (Kho báu triều đình Huế – một mặt bị che giấu của giai đoạn thuộc địa Đông Dương) của François Thierry xuất bản ở Paris, đã làm rõ vấn đề nguồn gốc, bảo tàng mới mạnh dạn trưng bày cho mọi người thưởng ngoạn…

Thoi vang Minh Mang nien tao va mat sau khac Quan kim tam tien nang 1154g min - Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn: Bất ngờ kho vàng, bạc của triều đình Huế ở ParisThỏi vàng Minh Mạng niên tạo và mặt sau khắc Quan kim tam tiền nặng 11,54g – Ảnh: THÁI LỘC chụp lại

Bảo tàng Monnaie de Paris cho biết sau ngày kinh đô Huế bị thất thủ, quân Pháp tràn vào hoàng cung và trưng thu kho báu nhà Nguyễn gồm 6.000 thỏi vàng, 2.000 đồng tiền vàng, châu báu và nhiều bạc thỏi. Việc trưng thu để duy trì chế độ bảo hộ và làm chiến phí cho cuộc viễn chinh Bắc Kỳ. Về sau, triều đình Huế đã đòi lại nửa phần kho báu và được phía Pháp chấp thuận.

Trên chuyến tàu chở về cảng Marseille của Pháp, số vàng bạc cũng bị thất thoát. Tại Pháp, trước khi đưa số vàng bạc đi đúc tiền để lưu hành và làm chiến phí ở Đông Dương, người ta cũng ý thức giữ lại mỗi thứ 1 mẫu. Trésor de Huế hiện có khá nhiều món được lưu 2 bản. Thì ra, chuyên viên nghiên cứu thời điểm ấy là ông Gabriel Devéria có vài nhầm lẫn nên lưu thêm 1 mẫu nữa…

Nửa phần nhà Nguyễn tưởng chừng đã mất

Đương thời, Nguyễn Cảnh Tông – Đồng Khánh, vị vua đầu tiên ở ngôi khi đất nước hoàn toàn rơi vào tay người Pháp, đã đòi nửa phần kho báu cho triều đình Huế. Theo số liệu từ Bảo tàng Monnaie de Paris, phần Pháp được chia gồm 1.335kg vàng và 14.630kg bạc. 

Sách Đại Nam thực lục ghi vào tháng 5 năm Đồng Khánh nguyên niên (1886), rằng: “Toàn quyền đưa thư đến nói: Một nửa vàng, bạc giao trả nước ta, còn một nửa mang về đúc bạc đồng và sung cho tập binh 2 năm, cùng là chi phí các công tác. Vua chuẩn cho Thị lang bộ Hộ là Hồ Lệ và Hộ lý Nội vụ là Nguyễn Huề hội đồng với quan Pháp mà kiểm nhận. 

Phần bạc của nước ta, tất cả tiền thỏi, tiền đồng các hạng, cộng nặng 78.421 cân; tiền vàng 594 đồng, cộng nặng 11 cân. Phần bạc của nước Pháp: bạc thỏi cộng nặng 32.235 cân; vàng và các hạng tiền bạc thỏi, bạc đĩnh, bạc lá cộng nặng 3.005 cân; đều cân bằng thứ cân của nước Xích mao, mỗi cân ngang với trung bình 11 lạng 8 đồng cân. Cùng biên giao cho nhau để giữ lại lưu chiểu”.

Như vậy, tư liệu phía Pháp lẫn chính sử triều Nguyễn cũng chỉ ghi khối lượng vàng bạc chung chung. Dù là phân nửa nhưng điều dễ nhận thấy là lượng vàng bạc phía Pháp lớn hơn nhiều so với triều đình Huế. Song, tài liệu từ Bảo tàng Monnaie de Paris, nửa kho báu phần của triều đình Huế còn có thêm các ấn triện bằng vàng, ngọc và các cuốn sách vàng…

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn cho hay phía Pháp từng công bố vua Đồng Khánh đứng ra đòi kho báu của tổ tiên bị trưng thu. Và họ cũng chỉ công bố chở vàng bạc về chứ không thấy ghi chép chở cổ vật trong kho báu ấy. Rất có thể đã có sự thương lượng, phía Nam triều nhận các bảo vật cổ quý nên khối lượng vàng bạc sẽ nhẹ và ít hơn nửa phần của Pháp…

Rất nhiều người, trong đó có người Pháp và nhiều người Việt ở trong nước vẫn tin rằng nửa phần kho báu triều Nguyễn còn lại đã bị thất tán, mất mát đi hết cả. 

Ông Victor Hundsbuckler ở Bảo tàng Monnaie de Paris từng “khẳng định”: “Hiện nay, những mẫu duy nhất còn sót lại được bảo quản tại Monnaie de Paris. Nửa kho báu được trao lại cho hoàng đế An Nam có lẽ đã hoàn toàn biến mất hoặc chẳng còn gì nhiều so với toàn bộ kho báu trước đây. Và ngoài những gì được cất giữ tại đây, phần còn lại hẳn đã bị đúc thành tiền khác, được lưu hành ở Đông Dương hoặc ở Pháp”.

Ít ai ngờ rằng những tài sản quý giá nhất của triều Nguyễn vẫn chưa bị mất, vẫn còn được Nhà nước gìn giữ gần như vẹn nguyên, trở thành bộ sưu tập cổ vật quý giá của đất nước hiện nay.

“Có thể hai bên đã thương lượng với nhau, thay vì chia đôi “chiến lợi phẩm” thì phía Nam triều xin ưu tiên nhận các báu vật vàng bạc và đồ thờ, những vật phẩm mang tính quốc bảo để giữ bộ mặt cho ông Đồng Khánh ngồi trên ngai vàng. Còn phía Pháp nhận các loại vàng bạc khác, có thể trọng lượng nặng hơn”.

TRẦN ĐÌNH SƠN (nhà nghiên cứu văn hóa)

t1 min - Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn: Bất ngờ kho vàng, bạc của triều đình Huế ở ParisĐồng Minh Mạng thông bảo, mặt sau Tam đa – Ảnh THÁI LỘC chụp lại

t2 min - Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn: Bất ngờ kho vàng, bạc của triều đình Huế ở ParisMặt trước và sau đồng Minh Mạng thông bảo – Ảnh THÁI LỘC chụp lại

t3 min - Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn: Bất ngờ kho vàng, bạc của triều đình Huế ở ParisMặt trước và sau đồng tiền vàng Thiệu Trị thông bảo triệu dân lại chi thuộc sưu tập Trésor de Huế ở Paris – Ảnh THÁI LỘC chụp lại

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây