Bộ tranh 5 con Rồng qua các thời kỳ của Việt Nam

Bộ tranh 5 con Rồng qua các thời kỳ của Việt Nam - Lịch Sử - Tư Liệu

Bộ tranh 5 con Rồng qua các thời kỳ của Việt Nam

Bộ tranh vẽ năm con rồng các thời kỳ của Việt Nam sau khi đã tìm hiểu các đặc trưng của hình tượng rồng trong từng thời đại lịch sử.

Rồng (long – 龍) của Việt Nam cùng nằm trong phong cách tạo hình rồng được thể hiện trong kiến trúc, hội họa các quốc gia trong vùng văn hóa Đông Á. Rồng là loài vật tưởng tượng được tạo thành từ các yếu tố mạnh của nhiều loài vật khác nhau hợp thành, là biểu tượng cho sự linh thiêng, sức mạnh thần thánh và quyền lực của các bậc quân vương.

Trải qua hơn một ngàn năm tự chủ, tạo hình rồng luôn là hình tượng cao quý và tiêu biểu nhất của nền mỹ thuật dân tộc. Có thể nói, trong nền mỹ thuật trung đại Việt Nam, hình tượng con rồng là công cụ nhận biết đặc trưng phong cách mỹ thuật của từng thời kỳ trong lịch sử. Cho đến ngày nay, hình tượng rồng vẫn là biểu tượng của niềm tự hào văn hóa lịch sử ngàn năm của dân tộc, tiếp tục được kế thừa, sử dụng trong mỹ thuật hiện đại.

2 Bo tranh ve nam con rong cac thoi ky cua Viet Nam trong lich su 1536x646 min - Bộ tranh 5 con Rồng qua các thời kỳ của Việt Nam
5 con rồng biểu tượng cho 5 thời kỳ mỹ thuật của Việt Nam trải qua
các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, trên nền sông núi Ninh Bình.

3 Bo tranh ve nam con rong cac thoi ky cua Viet Nam trong lich su Hinh 1 1536x1536 min - Bộ tranh 5 con Rồng qua các thời kỳ của Việt Nam

Tạo hình rồng thời Lý là sự chuẩn mực, hoàn thiện cao về trình độ mỹ thuật, đã manh nha từ tạo hình rồng đã có trước đó thời Đinh-Tiền Lê. Những điểm đặc trưng của con rồng thời Lý là hàm răng đều, sắc nhọn và hơi hô; có ngà; lông mày kết xoắn; mũi dạng vòi, uốn khúc hình sin và cuộn trong hình tượng lá đề, mang dấu ấn Phật giáo; trên đầu sừng, ở các bức chạm thể hiện như hình ω; thân rồng nhỏ, dài và cũng uốn khúc hình sin, phình to về phần đầu và thu nhỏ về phần đuôi, trên thân mang vảy hoặc để trơn; chân rồng dài, móng vuốt dài với số móng đa dạng, phổ biến nhất là 3, ở các phù điêu lớn số móng có thể lên tới 5. Rồng thời Lý cũng như các con rồng ở các thời kỳ sau của Việt Nam miệng thường ngậm ngọc.

 

4 Bo tranh ve nam con rong cac thoi ky cua Viet Nam trong lich su Hinh 2 1536x1536 min - Bộ tranh 5 con Rồng qua các thời kỳ của Việt Nam

Rồng thời Trần thời kỳ đầu vẫn là những phiên bản sao chép và kế thừa phong cách rồng thời Lý. Càng về sau, hình tượng rồng càng phát triển đa dạng, không còn thống nhất, khuôn vàng thước ngọc như rồng Lý, mà bắt đầu biến đổi nhiều hình vẻ, mỗi nơi một khác, thể hiện sự tiếp biến và giao thoa mới. Một số yếu tố khác biệt xuất hiện ở rồng thời Trần có thể kể đến như: cấu trúc thân mập mạp khỏe khoắn hơn; phần vòi ngắn lại và mập hơn, các mép hình “ngọn lửa” thưa nhỏ lại hoặc tiêu biến hẳn rất giống với con rồng Tống, Nguyên đương thời; sự xuất hiện của sừng rất phổ biến với kiểu dáng phong phú; bờm xuất hiện loại 2 dải ngắn không vắt lên hay duỗi ra sau mà vòng xuống gáy; vảy xuất hiện nhiều hơn kể cả ở một số phiên bản rồng nhỏ; móng vuốt ngắn và to hơn; xuất hiện nhiều tư thế mới.

5 Bo tranh ve nam con rong cac thoi ky cua Viet Nam trong lich su Hinh 3 1536x1536 min - Bộ tranh 5 con Rồng qua các thời kỳ của Việt Nam

Rồng thời Lê sơ là một bước ngoặt trong tạo hình rồng Việt Nam, có thể thấy sự du nhập tạo hình con rồng Minh vào con rồng thời kỳ này. Những khác biệt của con rồng thời Lê sơ so với với các thời đại trước thể hiện rõ nhất ở việc thay thế cái vòi bằng mũi của loài thú ăn thịt (đến thời Mạc lại xuất hiện một số tạo tác mũi trở lại dạng vòi) cùng với cái đuôi cá. Mặt rồng trông dữ hơn, lông mày cùng bộ râu quai nón rậm, thân hình to khỏe cứng cáp kết hợp với mây lửa, thể hiện sức mạnh uy quyền của bậc đế vương với con rồng 5 móng chỉ dành cho hoàng đế. Thoạt nhìn con rồng Lê sơ rất giống con rồng Minh, nhưng nếu quan sát và so sánh kỹ lưỡng, có thể nhận ra nhiều khác biệt đặc trưng mà chỉ con rồng Lê sơ mới có. Rồng Lê sơ cũng như mọi con rồng Việt Nam ở các thời kỳ miệng thường ngậm châu ngọc, phần lông mày và râu quai nón có hình “dấu phẩy” đặc trưng, vây trên thân và đuôi mềm mại hơn con rồng Minh, vây được thể hiện các đường sọc dày, phần râu mép và túm lông ở khuỷu chân luôn được kéo dài bay bổng, phần bờm thường xẻ ra hai bên, xuất hiện tư thế một chân trước cầm lấy râu rất đặc trưng. Hình tượng rồng Lê sơ được kế thừa dưới thời Mạc và vẫn còn được sử dụng sang thời Lê trung hưng đến tận thế kỷ 18 dù có thay đổi ít nhiều.

6 Bo tranh ve nam con rong cac thoi ky cua Viet Nam trong lich su Hinh 4 1536x1536 min - Bộ tranh 5 con Rồng qua các thời kỳ của Việt Nam

Có thể nói, con rồng thời Lê trung hưng là con rồng đa dạng về tạo hình nhất. Là thời kỳ nhiều biến động và cũng là lâu dài nhất trong các triều đại Việt Nam, với sự nở rộ của các kiến trúc đình, chùa mà cho đến nay vẫn để lại kho tàng nghệ thuật đồ sộ, hình tượng rồng cũng vì thế mà rất phong phú. Sự khác biệt đó phân định ở các yếu tố thời gian, vùng miền và chất liệu. Cho đến đầu thế kỷ 18, vẫn tồn tại tạo hình rồng đuôi cá mang những đặc điểm kế thừa từ con rồng Lê sơ – Mạc, song song với đó, con rồng dần được cách điệu cao, hoa văn dáng dấp cứng hơn, nổi bật là râu bờm, mây lửa đều duỗi thẳng sắc nhọn theo kiểu “đao mác” rất đặc trưng của thời đại này. Đầu rồng cũng dần biến đổi, bờm không còn bổ luống mà chia thành từng dải đều nhau, lông mày, râu cằm, lông khuỷu chân loe ra, hai sợi râu mép uốn cong lại. Sang thời Cảnh Hưng gần giữa thế kỷ 18 đã xuất hiện con rồng đuôi xoáy, thân rồng mảnh hơn, tạo hình này xuất hiện sớm nhất có lẽ là con rồng vẽ trên các sắc phong, chính là tạo hình rồng mà đến thời Nguyễn kế thừa lại. Ngoài ra, có sự khác biệt phong cách giữa các vùng Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc đặc biệt ở điêu khắc kiến trúc gỗ, đây là chất liệu mà các nghệ nhân của từng vùng thể hiện sự sáng tạo riêng của mình, không chỉ đẹp về thẩm mỹ mà còn đa dạng về tạo hình, bố cục.

7 Bo tranh ve nam con rong cac thoi ky cua Viet Nam trong lich su Hinh 5 1536x1536 min - Bộ tranh 5 con Rồng qua các thời kỳ của Việt Nam

 

Khi nhắc đến rồng thời Nguyễn là người ta liên tưởng ngay đến con rồng đuôi xoáy đặc trưng. Thế nhưng như đã nói trong bài về rồng thời Lê trung hưng, vốn dĩ hình dáng rồng này đã xuất hiện sớm nhất vào nửa đầu thế kỷ 18 trong mỹ thuật Đàng Ngoài và hoàn thiện ngay từ thời Lê, bao gồm những đặc điểm có thể kể đến như mũi to, mõm ngắn, râu bờm uốn lượn từng dải liền nhau, râu thường uốn cong xoắn ốc, thân mảnh, đuôi xoáy. Nhà Nguyễn tiếp tục kế thừa hình tượng rồng này và theo thời gian xuất hiện nhiều biến thể mới. Những thay đổi như về tạo dáng, có thể thấy ở những con rồng thềm bậc, độ uốn khúc không còn đều đặn mà chỉ vồng lên 2 khúc nhỏ dần về đuôi. Trán rồng có phần lõm hơn và bợt ra sau. Ở nhiều hình ảnh ta thấy đuôi con rồng không còn xoáy nữa mà duỗi ra, hoặc vẫn xoáy nhưng các dải lông thưa thớt và rời rạc chứ không gắn liền nhau, thậm chí có những con đuôi đã cứng với những sợi lông sắc nhọn đâm tua tủa mang ảnh hưởng từ hình tượng rồng Trung Hoa giai đoạn Minh hậu kỳ trở về sau.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây