Cái nghĩa của hôn lễ – Tác giả: Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Các thần thoại khai nguyên, các sáng thế ký của nhiều tôn giáo đều giống nhau ở chỗ là đều sáng tạo ra một cặp nam nữ đầu tiên ở buổi hồng hoang xa xăm của lịch sử.  Một người đàn ông, một người đàn bà và các con cái của họ là hình ảnh của tế bào gia đình nguyên sơ. Ở xứ ta, Lạc Long Quân và Âu Cơ là cuộc hôn nhân đầu tiên, song đến chuyện Sơn Tinh và Mỵ Nương chúng ta mới thấy có hôn lễ đám cưới. Tất nhiên, nghi thức lễ cưới này (nào là lễ vật, nào là việc rước dâu…) là sản phẩm do các nhà nho, tác giả Việt điện u linh, hồi thế kỷ 14 sáng tác. Có trời mà biết thời khai quốc đó việc cưới xin ra thế nào, mặc dù những “thực tại văn hóa” trong Việt điện U linh hay Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ 15) và các sưu tập truyện truyền kỳ được đa số dân ta xác tín là “thực tại lịch sử”, bởi vì chúng chứa đựng cái đẹp huyền ảo, đáp ứng nhu cầu lấp đầy khoảng trống của niềm khát khao “báo bản tư nguyên” của chúng ta.

1. Trong thực tế, hôn nhân và hôn lễ của người Việt thời xa xưa ra sao, dựa trên những nguyên tắc nào là vấn đề ngày nay khó truy cứu tường tận. Điều chắc chắn là các tập tục cổ xưa đích thật của dân tộc ta hẳn khác với qui phạm Quan, Hôn, Tang, Tế của “lễ nghi tam bách” trong sách Chu Lễ và các “uy nghi tam thiên” ở sách Nghi lễ do các thánh nhân phương Bắc đặt ra nhằm thiết lập trật tự kỷ cương xã hội theo chế độ tông pháp mà sau này nước ta chịu ảnh hưởng khá sâu sắc và ít ra đến thế kỷ 17, những qui phạm đó được canh cải theo hướng Việt hóa với Hồ Thượng thư gia lễ (Hồ Sĩ Dương, 1621-1681) và sau đó, được sửa chữa và phổ biến với Thọ Mai gia lễ (Hồ Sĩ Tân, 1690-1760). Nói chung về hôn nhân, hôn lễ trong dân gian tùy từng địa phương và hòan cảnh có những tập tục khác, nhưng những qui định trong Thọ Mai gia lễ được coi là chuẩn và trở thành tập tục truyền thống.

2. Từ “Hôn” nguyên có nghĩa là “Tối”; ngày xưa hôn lễ được cử hành vào buổi tối nên gọi là “Hôn lễ”[1]. Buổi tối là lúc dương (ngày) qua âm (đêm) nên việc lễ cưới được tổ chức vào lúc này là nhằm biểu thị ý nghĩa “âm dương giao hoán” thành tạo nên Đạo hằng. Hôn lễ và hôn nhân là hai mặt biểu-lý của một thực thể, nói cách khác hôn lễ là hình thức thể hiện cái lý của việc hôn nhân. Tự quái truyn (trong Hệ từ) của kinh Dịch, chép rằng: “Có trời đất nhiên hậu mới có vạn vật, có vạn vật nhiên hậu mới có nam nữ, có nam nữ nhiên hậu mới có vợ chồng, có vợ chồng nhiên hậu mới có cha con, có cha con nhiên hậu mới có vua tôi, có vua tôi nhiên hậu mới co trật tự trên dưới, có trật tự trên dưới nhiên hậu lễ nghĩa mới có chỗ thi thố”. Như vậy, hôn nhân là đầu mối của sự sinh hóa: Hôn nhân vi vạn hóa chi thỉ.

Mặt khác, hôn lễ là hình thức biểu thị sự thượng tôn con người với tư cách linh vật trên tất cả muôn loài: Trai gái phải đính ước, kết đôi minh bạch chứ không giao hợp hỗn tạp như lòai cầm thú. Hôn lễ như vậy là cách thế biểu hiện bản chất/ phẩm chất văn hóa của con người, văn hóa ở đây hiểu là khác với tự nhiên. Chính vì ý nghĩa phong hóa quan trọng như vậy nên trong cổ luật hôn lễ đã được xác định như một thành tố bắt buộc của hôn nhân/ giá thú. Tội danh “cẩu hợp” (chỉ việc trai gái sống chung như vợ chồng mà không cử hành hôn lễ như luật định) là hành vi phạm luật. Theo luật Hồng Đức: con trai bị hạ 1 bậc, con gái bị 50 roi (điều 314) [2]. Các điều 94 và 109 luật Gia Long, tuy không để cập trực tiếp đến hôn lễ, nhưng qui định: giá thú phải được cử hành theo nghi lễ long trọng, do một người chủ hôn quyết định và điều khiển. Nếu giá thú “vi pháp” thì chủ hôn chịu trách nhiệm.

Ở đây ta cũng thấy hôn lễ trở nên điều khỏan luật định bởi thời xưa, cổ luật xứ ta không có việc khai báo giá thú để được đăng ký vào sổ hộ tịch và được cấp giấy “chứng nhận kết hôn” làm bằng chứng giá thú như luật lệ phương Tây và dân luật hiện đại. Do đó, bằng chứng của việc đính hôn là ở việc đã tiến hành việc nạp sính lễ. Còn đối với giá thú, bằng chứng là hôn lễ là việc nộp cheo cho làng tại quê vợ: Cưới vợ không cheo như cù nèo không móc. Nói chung, việc trai gái ăn ở với nhau như vợ chồng mà không cử hành hôn lễ và không nộp cheo không được coi là vợ chồng về mặt pháp luật và công chúng không quí trọng, coi đó là tình trạng “già nhân ngãi non vợ chồng”. Nói cách khác “sự đích tình” không là bằng chứng của hôn nhân. Điều này, về sau, kể từ thời thuộc địa do ảnh hưởng dân luật phương tây về quan niệm chấp hữu thân trạng của vợ chồng chính thức (possession d’etat d’epoux légitime) căn cứ vào ba yếu tố của cổ luật La Mã (cách vợ chồng gọi nhau/ nomen; cách vợ chồng đối xử nhau/ tractatus; và việc được xã hội và gia đình công nhận/ fama) nên hôn lễ/ nộp cheo không là bằng cớ giá thú duy nhất, có tính quyết định nữa. Tất nhiên, theo dân luật hiện đại, việc đăng ký kết hôn đã thay thế tòan bộ những bằng chứng giá thú khác, thậm chí cả hôn lễ.

3. Dẫu rằng, ngày nay, một đôi trai gái (hội đủ những điều kiện kết hôn theo luật định) có thể tự mình đăng ký kết hôn và đương nhiên được cấp giấy “Chứng nhận kết hôn” – tức bằng chứng về giá thú, xác định họ là vợ chồng hợp pháp. Như vậy, hôn lễ không còn là giá trị pháp lý mà chỉ còn ý nghĩa văn xã. Mặc dù vậy, trong thực tế đa phần đều coi trọng hôn lễ. Bởi yếu tố pháp lý này chỉ mới là điều kiện cần mà chưa đủ, vì cuộc hôn nhân này mới hợp pháp (luật) mà chưa hợp lệ – lệ được hiểu là tục lệ, là phong hóa. Nói cách khác hôn lễ (nói rộng ra là các qui trình từ lễ giạm, hỏi, cưới) là thành tố văn xã cần thiết để tạo thành một chỉnh thể luật-lệ viên dung của hôn nhân. Cũng cần lưu ý là quan niệm truyền thống về hôn nhân/ hôn lễ quan yếu là nhằm hòa hợp tình thân yêu của hai tộc họ nhà trai và nhà gái cốt để nối dõi tông đường, lưu tồn dòng giống, truyền lại nếp gia phong cho con cháu đời sau, khiến cho mỗi ngày càng thêm phồn thịnh [3]. Do đó, hôn nhân/ hôn lễ có quan hệ mật thiết với đạo hiếu (ở đó, vô tự/ không có con nối dõi là một trọng tội trong ba tội bất hiếu) và đặt nền tảng trên quyền lợi tối quan trọng của đại gia đình/ tộc họ. Chính vì vậy, hôn nhân không xác lập trên mối quan hệ tình cảm đích thực của hai nam nữ công dân mà là vấn đề của gia đình/ gia tộc, bao gồm nghĩa vụ thừa tự quá khứ (gia tiên), trách nhiệm hiện tại (gia đình, gia tộc) và cả những phát triển ở tương lai (con cháu). Đó là những giá trị truyền thống mà trong trên dưới một thế kỷ qua bị phê phán ở nhiều góc độ khác nhau, bị phủ định ở nhiều mức độ khác nhau và đáng lưu ý nhất là thái độ hư vô về truyền thống dẫn đến việc phủ định sạch trơn. Rồi trong những thập niên gần đây, từ sự thái quá lại ngả sang bất cập: chủ nghĩa thượng tôn truyền thống lại trở thành trào lưu thời thượng. Thái độ hư vô về truyền thống đã dẫn đến việc biến hôn lễ thành buổi “tuyên hôn”, đưa hôn lễ từ khuôn khổ gia đình, gia tộc vào khuôn khổ tập thể hội đoàn, công sở – nơi cô dâu, chú rể đang công tác; và đến thập niên 1980 lại đề ra kịch bản đưa hôn lễ thành nghi thức hộ tịch đơn giản: chủ tịch Ủy ban xã/ phường trao giấy kết hôn cho cô dâu chú rể. Kịch bản này chết non ngay trong năm chào đời.

Thái độ thượng tôn truyền thống đã đưa hôn lễ trở về với gia đình: “hôn lễ được tổ chức tại tư gia # vào ngày x, tức ngày y âm lịch” với các nghi thức lục lễ đã đơn giản nhiều, với lễ vật “tùy gia phong kiệm”. Ở đó, nghi thức nổi bật là lễ lạy bàn thờ gia tiên, lễ bái các bậc tôn trưởng trong gia đình hai họ biểu thị sự “hội nhập” của chú rể và cô dâu, với tư cách là thành viên mới của gia đình, gia tộc. Sự ràng buộc tinh thần này coi ra cũng còn quan trọng, trong bối cảnh chủ nghĩa cá nhân đang có điều kiện ưu thắng, nhưng chưa đạt được vị trí thống trị trong xã hội xứ ta. Ở đây, chúng ta cũng cần nhận thức rõ rằng các dạng thức phong hóa luôn luôn thay đổi để phù hợp với đà phát triển của lịch sử. Hôn lễ truyền thống cũng vậy, nó không thể thóat khỏi sự chế định của thời đại, của những “tập quán mới” của xã hội đương đại. Đã đành là không thể coi nhẹ lễ, nhưng biến hôn lễ thành dịp thù tạc để khoe mẻ, mở rộng danh sách khách mời để “tận thu” là những hiện tượng phi văn hóa. Thậm chí, các kịch bản lễ cưới do các chuyên gia của ngành “công nghệ cưới” coi ra cũng còn nhiều điều “quá hớp”: tích hợp đa tạp một chương trình tây ta lẫn lộn, những bài “thiệu” của các MC trích dẫn nhiều điển cố và ca dao, ngạn ngữ mỹ lệ mà sáo rỗng, các màn diễn ca múa nhạc “hoành tráng” song coi ra có phần chưa thích đáng…

Rõ ràng, lễ hội cũng hàm chứa thành tố của nghệ thuật biểu diễn, nhưng yêu cầu cơ bản của nó là phong phú, vui vẻ và phải trang nghiêm. Các biện sự phải là sự biểu hiện của cái “lý” của hôn lễ/ hôn nhân. Khác với một chương trình ca múa nhạc tổng hợp phục vụ cho nhu cầu giải trí đơn thuần, nơi cho phép các màn diễn “tân lỳ pha xảo thuật” thi thố tài nghệ.

Nói chung, đến nay, hôn lễ – cũng như các dạng thức phong hóa khác, đang biến đổi theo nhiều mô hình thể nghiệm đa tạp. Đã đành là phải cách tân, đổi mới, phải cải di phong tục, song qui trình căn bản phải làm là nghiên cứu tường tận về nội dung, đặc điểm và tính chất của hôn lễ truyền thống cũng như xác định mục tiêu , ý nghỉa và tính chất của hôn lễ cũng như xác định mục tiêu và xu hướng phát triển của phong hóa lại chưa được chú ý nên nói chung các thể nghiệm có tính chất tự phát và tùy tiện, còn nhiều điều bất cập.

——————–

[1] Trong Lễ ký, chương 41, Hôn nghĩa: từ “Hôn” là buổi chiều tối; về sau, từ “Hôn” có thêm bộ “nữ” để phân biệt từ Hôn (chiều tối) và Hôn (cưới vợ). Từ “Nhân” chỉ nhà người rể/ cha chồng, có nghĩa là lấy chồng; từ “Thú” có nghiã là lấy vợ; và từ “giá” có nghĩa là con gái về nhà chồng. Hôn thú: chỉ việc người đàn ông lấy vợ. “Hôn nhân” và “Giá thú” là hai từ thường chỉ chung việc lấy vợ lấy chồng, song “Giá thú” có nghiã chính xác và chuẩn hơn.

[2]Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) Bản địch của Đại học Luật khoa. Sài Gòn, 1956

[3]Lễ ký: “Hôn lễ giả tương hợp nhị tính chi hiếu, thượng dĩ sự tôn miếu, nhi hạ dĩ kế hậu thế dã, cố quân tử trọng chi”.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây