Những đứa con xa quê, xa rất lâu rồi, lòng ăm ắp những kỉ niệm với quê hương có bao giờ tự hỏi một ngày nào đó khi trở lại, vẫn là mảnh đất này, vẫn khung trời này nhưng chẳng thể “chạm” vào tận cùng của nỗi nhớ. Không dễ gì có được nỗi nhớ tiềm ẩn, in sâu, day dứt, thấp thỏm.

Tôi dùng từ “chạm” bởi không còn là mường tượng, không còn là hình dung nữa. Nó hiện hữu, đặc trưng, in đậm trong tâm trí và khi trở về, có lẽ bất cứ một chi tiết nhỏ, một va quệt nhỏ, một thanh âm nhỏ cũng làm bùng lên nỗi nhớ khôn nguôi, gợi lên tiếng lòng tha thiết. Và thật thiếu khi không thể “chạm” vào tận cùng của mong ngóng, của mơ quê. Về tới dòng sông, vẫn là lở bồi, sóng vẫn vỗ miên man, dạt dào nhưng đâu rồi con đò cập bến. Có bao nhiêu chuyến đã chở người đi xa, xa mãi mà không hẹn ngày gặp lại. Bên cây cầu, dòng người cứ thế lướt thật nhanh, họ đi qua nhau với bao bề bộn. Về tới đầu làng, hình bóng cây đa cổ thụ xa xưa đâu thấy. Bóng tre cũng khuất, cánh cò cũng khuất. Rêu phong ư đã xa ngái lâu rồi.

Cái chạm đầu tiên, có lẽ là cái chạm của bước chân trần. Nhưng kìa, đó không còn là đường đất, đường làng ghép gạch. Đó là đường bê tông, đường nhựa đã phẳng lì. Chạm ư, sẽ không thể cảm nhận được cái mát lạnh của gan bàn chân, cũng không thể thấy được cái râm ran của sỏi đá, của gai tre lần nào đó xây xước. Và rồi, chẳng thể lấm lem để ra bờ cỏ, bên mảnh ao làng gột rửa. Khẽ chạm mặt nước, những bóng hình loang xa. Đôi chân muốn khỏa nước, khuấy nước vòng vòng.

Kia rồi, bên cây cầu có con kênh chạy qua. Tôi nhớ, những ngày mưa rào, dòng nước chảy xiết, khi mưa tạnh lũ trẻ chúng tôi hay ra đây nhìn những vòng xoáy nước. Tôi bứt lá, bứt cỏ lề đường ném xuống, theo xoáy nước mọi thứ bị cuốn trôi sâu đến tận cùng. Rồi khi không còn những vòng xoáy nữa, tôi men theo bờ tìm những mảng cỏ cây bị vùi dập trôi xa. Thật cứ ngỡ, vòng đời như vòng xoáy nước, cứ cuốn người ta đi mãi xa rồi trả lại những hình dung chẳng còn nguyên sơ, trọn vẹn.

Tôi về đến ngõ, những hàng cây Xanh Táo chẳng còn. Tôi nhớ những lần bẻ đốt Xanh Táo cắm gai Bòng (Bưởi) ném xuống nền đất như những mũi tên bay. Xanh táo như là đặc trưng của những con ngõ nhỏ quê tôi thuở ấy, chúng cứ mọc lên xanh tốt, thỉnh thoảng cha tôi lấy kéo tỉa bằng như những khối lập phương nối dài. Rồi nữa, muốn chạm khoảnh sân gạch thóc lúa đổ đầy sân. Hạt nào đã phơi phong còn sót lại ở những khe hẹp đã nẩy mạ. Chỉ cần chạm vào đất, vào nước là bật rễ, nảy mầm.

Mùa cứ về ăm ắp đầy đường làng ngõ xóm. Rạ rơm chất đống ngợp một góc trời. Muốn chạm lấy mùa, chạm lấy nụ cười thập thò phủ rơm chơi trốn tìm dưới trăng. Chạm để thấy cái mùi ngai ngái mỗi sớm tinh sương, từng mảng rơm chưa phơi chồng lên nhau mà ủ ấm. Thế rồi một ngày nắng to thôi, là hao ngót, là hao gầy, chỉ còn lại mỏng manh. Những mỏng manh ấy lại đượm lửa, thổi lửa, cháy hồn mình quyện với ngô khoai, cám gạo. Thơm lắm, phảng phất mãi những làn khói quyện ở chái bếp, hiên sau.

Tôi muốn chạm vào bậu cửa. Muốn vấp lại, ngã nhào mà chẳng còn để va vấp. Cái bậu cửa ấy tuổi thơ tôi bước qua, bước lại. Níu chân tôi những câu hát à ơi. Ngọt ngào lắm, tha thiết lắm tiếng bà, tiếng mẹ. Bồn chồn day dứt tiếng con mọt cứ cót két, cọt kẹt kêu trong cánh cửa. Và khi tôi bước ra khoảng trời bao la, tôi vùng vẫy thì giờ đây sao chạm được vào ngưỡng cửa đầu đời ấy nữa.

Tôi muốn chạm khu vườn tuổi thơ. Những góc vườn cỏ cây đã ngập lối xanh tốt, che đi mưa nắng, che đi gió giông. Vết chân bé nhỏ hôm nào đã mất dấu không còn nữa. Bước chân ra giếng, muốn vục lấy mảnh trăng trôi mà táp, mà xoa lên mặt. Trong ngần nước, mát lạnh tinh khôi. Chỉ một tiếng gầu vỗ vào đáy giếng có lẽ sẽ làm thức tỉnh khuôn mặt già cỗi, ngái ngủ, làm thức tỉnh khuôn mặt của thời gian. Cứ thế, bên thành giếng, rêu xanh nào bám lấy mà bao phủ, mềm mại, nôn nao.

Để rồi những mong mỏi vỡ òa khi cố chạm lấy những bóng hình đã đi xa. Tôi chưa một lần biết mặt ông nội, chỉ nghe bà nội kể lại cháu có khuôn mặt, nụ cười giống ông. Hình ảnh ông vẹn nguyên trong tim tôi dù chưa một lần chạm tới. Và muốn lắm một lần nữa bà ngồi trầm tư xưa cũ, nhai miếng trầu bỏm bẻm mà thầm thĩ, mà thì thào. Bà vẫn hay nhặt nhạnh củi khô góc vườn, bà vẫn lom khom chống gậy đi lại trước sân nhà, bà vẫn quét lá dồn vào một góc, bà vẫn lụi cụi nhóm lửa, thổi cơm. Cháu về đây, bắc cây thang hái lá trầu xanh cho bà, bẻ một bẹ cau quả dày bánh tẻ. Quệt chút vôi để bà têm miếng trầu, ngồi thong thả đếm thời gian. Chìa đôi tay dắt bà đi lại. Thèm được sờ chiếc áo nâu trầm, thèm được nhìn thấy ánh mắt bà trìu mến, thiết tha. Bóng bà cứ thế mờ ảo, giờ bà đã hóa khói sương.

Tất cả kí ức thật dễ dàng vỡ vụn khi tôi không đủ chạm vào từng hơi thở, từng giọng nói, tiếng cười. Cũng may, những gốc cây còn lại sau vườn vẫn bao dung mà im lặng. Có khi, chỉ cây chứng kiến cặn kẽ những sự đổi thay. Nếu giả định tôi chạm được tất cả dung hình đó chắc gì tôi đã nhớ cồn cào, cháy bỏng đến thế. Tôi chỉ biết, tôi muốn chạm ngay cả trong giấc mơ, ngay cả khi đi xa, ngay cả khi trở lại. Và rồi cứ thế, cứ mãi gói gém “chạm” làm hành trang trên bước đường đã, đang, và sẽ mãi mãi sau này.

Dương Thắng

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây