Chuyện dài về con gà – Tác giả: Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Con gà cục tát lá chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.
Con chó khóc đứng, khóc ngồi,
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng!

Con gà qua văn chương đến với tôi là bài đồng dao dẫn trên, còn trong thực tế, từ dạo lên năm lên sáu là tiếng gáy “Ò… ó… o” khắp xóm và đặc biệt là đợt “gà gáy chỡ ba” hồi ấy được coi như là tiếng reng reng của chiếc đồng hồ báo thức: Tất cả bọn trẻ chúng tôi bật dậy khỏi giường để khởi đầu công việc hàng ngày. Lại nữa, khi lớn lên, con gà trở nên thiêng liêng bởi nó luôn là lễ vật chính trong mâm cỗ cúng ngoài sân với hai bên là chén muối và chén gạo – dùng để vãi tứ tung ra ngoài sân vườn- kiểu như các pháp sư “úm phà…phù diêm mễ”, kết thúc cuộc lễ. Huyễn hoặc hơn là thỉnh thoảng gà gáy loạn, tức gáy vào đầu hôm không như lệ thường, ở xứ tôi hết thảy già trẻ lớn bé đều cả quyết đó là điềm gở và cụ thể là gà xóm dưới gáy thì ắt xóm trên có… con gái chửa hoang và ngược lại. Việc này đúng sai chẳng có gì và chẳng có ai kiểm chứng, song sự việc trai gái yêu đương trước và ngoài hôn nhân gây “hậu quả nghiêm trọng” thì thỉnh thoảng trong làng xảy ra dài dài. Có phải lũ gà trong làng có năng lực thấu thị phát hiện ra việc đó mà cảnh báo cho cộng đồng bằng tiếng gáy của mình là câu hỏi ám ảnh chưa được giải đáp. Tóm lại, thịt gà đúng điệu phải có lá chanh là một chuyện, còn con gà với tư cách là một biểu tượng văn hóa và tâm linh là câu chuyện dài khác.

1. Có lẽ “con gà trắng sống lâu năm đã thành tinh” trong truyền thuyết kể về việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa là con gà biểu trưng cho tính thiêng của nó cổ xưa nhất trong lịch sử văn hóa của xứ ta. Truyện kể rằng, khi thành Cổ Loa được xây xong thì chỉ trong một đêm bị đám yêu ma ở núi Thất Diệu, do con tinh gà trắng dẫn đầu, kéo đến phá đổ sạch. Mấy bận xây lên lại bị phá đổ như vậy. Sau, nhờ thần Kim Qui giúp sức, An Dương Vương đã diệt được gà trắng và triệt hạ đám yêu ma mới xây nên thành ốc nổi tiếng với câu chuyện tình đẫm lệ của Mỵ Châu và Trọng Thủy [1] . Điều khó hiểu là gà, một cách phổ biến, thường biểu tượng cho mặt trời, ánh sáng, dương khí, điều tốt lành… thế mà ở truyền thuyết cổ này, gà trắng lại biểu tượng cho đêm tối, điều xấu, ma quỉ? Liên hệ con tinh gà trắng này với “con gà mở cửa mả” gắn với tập tục tang lễ, chúng ta thấy rằng gà trắng được gán cho vai trò kẻ dẫn dắt linh hồn người quá vãng: Nó báo tin cho thế giới bên kia và dẫn linh hồn người mãn số qua bên đó: bước qua một cảnh giới tái sinh mới. Nói cách khác, ý nghĩa biểu trưng là kẻ dẫn đường cho thế lực tà mị, đêm tối này thực ra cũng là một phần vòng chu chuyển từ đêm sang ngày – giống như con đường mặt trời đã đi trong chu kỳ đêm-ngày miên viễn của nó.

2. Cũng từ cái nhìn “hoài cổ”, chúng ta đến với tập tục Múa Gà phủ (Múa Săn) ở vùng đất Tổ Vĩnh Phú diễn ra vào tối mồng bảy tháng giêng hàng năm trong lễ Mở Cửa Rừng.

Cứ vào tối mồng bảy, ông Chủ tế và ông Từ mang một đôi gà trống và mái cùng một số trai gái kéo đến Đền Thượng rừng Cấm. Con trai đóng khố cởi trần mang theo cung và ba mũi tên; con gái mặc váy ngắn và yếm (không mang áo). Làm lễ xong, Chủ tế cắt tiết gà và vất chúng ra sân. Ông hòa chung tiết gà trống và tiết gà mái lại làm một rồi hắt xuống đất. Sau đó, cuộc múa bắt đầu. Người múa mô phỏng hình thức săn bắn, dồn đám con gái, được coi là gà mồi, vào một chỗ. Cuộc múa không có hát mà chỉ có tiếng hú đầy phấn khích. Cuối cùng, mỗi cặp trai gái tự do tìm một chỗ vắng để múa những động tác như đôi gà phủ nhau, rối thực hành tính giao nam nữ [2] .

Rõ ràng đây là điệu múa nghi lễ rất cổ sơ mà chức năng của nó là cầu mong sự thành công của việc săn bắn và pha trộn tín lý phồn thực của nghi lễ nông nghiệp. Từ nghi thức hòa trộn tiết gà trống-mái, đến động tác múa và hành vi tính giao đã biểu thị rõ điều đó.

3. Ở đây, gà được coi là biểu tượng của sự sinh sôi này nở. Đó cũng là ý nghĩa biểu trưng của tranh Gà thư hùng (gà trống gà mái) và trong chừng mực náo đó là Gà đàn, tranh Tết của dòng tranh Đông Hồ nổi tiếng.

Đồ án một con gà mẹ với đàn gà con chít chiu bên cạnh (hoặc đang ăn thóc hay giành nhau một con giun đất…) kiểu tranh Gà đàn cũng biểu trưng cho tình mẫu tử. Các bức chạm gà mẹ và bầy gà con bên khóm hoa cúc của cánh thợ điêu khắc gỗ họ Huỳnh (gốc Bà Lụa, Bình Dương) ở Nghĩa Nhuận hội quán (quận V, TP.HCM) được chính tác giả cho biết đó là đề tài nói về tình mẫu tử. Nói cách khác, với nội dung này, biểu tượng gà đã đổi từ chiều kích vũ trụ sang chiều kích đạo lý [3].

4. Mặt khác, phong thái chung của gà trống được coi là biểu tượng của người quân tử cũng xuất phát từ những lý giải có tính biểu hình, căn cứ vào hình tướng chứ không căn cứ vào âm của tên gọi: Cái mào của nó biểu trưng cho quan cách của quan văn; cái cựa = quan ; tính “thượng võ” của gà trống trong chiến đấu biểu trưng cho dũng; khi có thức ăn gà trống thường túc mái, gọi gà khác đến cùng ăn biểu trưng cho nghĩa; và việc cứ đúng giờ là gáy sáng biểu trưng cho tín.

Cũng xuất phát từ hình tướng oai dũng của gà trống nên nó cũng được biểu trưng là anh hùng (hùng: trống/tính đực; thư: mái/cái). Gà trống với bụi chuối được hiểu là anh hùng và mỹ nhân (mỹ nhân tiêu) là đề tài chiếm tỷ lệ lớn trong đồ gốm Lái Thiêu hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Biểu trưng này coi ra mang hơi hớm “giang hồ” của phong thái anh hùng cá nhân thời thuộc địa và kiểu thức cặp đề tài cảnh vật cặp đôi của mỹ thuật truyền thống (kiểu kê-cúc, mai-điểu, phù dung-phụng…) trong thời điểm văn hóa Hán Việt bị văn hóa quốc ngữ Latinh giành mất vị trí chủ đạo, đã trở thành đồ án mang tính phong cảnh hơn là biểu ý khánh chúc cát tường như ý.

5. Biểu trưng theo cách sử dụng tính đồng âm của từ gà (kê/kiết) phổ biến biểu thị cho điềm lành (cát/kiết) nhằm để chúc tụng về mọi sự được tốt lành, thuận lợi. Tranh gà Đại Cát của dòng tranh Đông Hồ là một ví dụ tiêu biểu: gà cồ: đại; gà: cát. Để nhấn mạnh cho sự cát tường, gà thường được đi kèm với Cúc – gọi chung là đề tài cặp đôi Kê-Cúc. Về âm, cúc (ju) đồng âm với (lưu lại) và đồng âm với cửu (jiu/lâu dài, trường tồn); do đó, cúc tích hợp với gà là để gia tăng ý nghĩa cho lời chúc lành.

Cũng theo lối biểu ý bằng cách dựa vào sự đồng âm, đồ án Gà trống (công kê) gáy (minh) biểu tượng cho đức tính công minh. Công minh  chính trực là phẩm chất lý tưởng của bậc chính nhân quân tử. Do vậy, người ta treo tranh Gà trống gáy là cốt nêu cái giá trị cao thượng để phấn đấu, tu dưỡng. Mặt khác, ở đời, người ta dùng tranh Gà trống gáy để tặng cho người mình kính trọng; lại có kẻ tặng tranh Gà trống gáy cho kẻ quyền chức cốt để tâng bốc, nịnh bợ!

6. Gà trống gáy báo hiệu một ngày mới. Trong bối cảnh của những thời kỳ lầm than hay nô dịch, tranh Gà trống gáy có ý nghĩa cổ động, chứa đựng niềm hy vọng đổi thay có tính cách mạng.

Trong niềm tin ma thuật, gà trống gáy biểu tượng chống lại có hiệu quả những tác hại xấu của các thế lực hắc ám, tà mỵ. Người ta dán tranh gà trống trên cổng hay, cửa trước hay đặt tượng gà trống trên nóc nhà là nhằm mục đích trấn trạch, bảo vệ sự an lành của gia đình.

Tập tục cúng gà (dùng gà làm lễ vật trong các lễ cúng) ở xứ ta là một “phức hợp” đa nghĩa, khó có hướng lý giải nào là tường minh. Có người cho rằng cúng gà là biểu thị việc cầu mong điều cát tường/kiết tường. Đó là cách giải thích cứ vào sự đồng âm: gà/kê = cát/kiết. Lại có người cho rằng đây là phương cách dùng gà để liên lạc với tổ tiên quá vãng. Rõ ràng cách lý giải thứ hai này có thể đúng theo quan điểm dịch lý ở việc giải thích việc thăng trầm của hồn phách: Phách (vía) là thứ trọc ám nên trầm hạ và mất đi khi thân thể con người chết (Thác là thể phách); còn hồn thì không mất đi và nó là thứ khinh quang nên thăng thượng (còn là tinh anh/hồn). Linh hồn nhẹ sáng đó bay lên cao ở cõi chiêu minh (sáng rực) mà gà là ánh sáng/mặt trời/dương quang nên gà có thể tiếp cận với linh hồn người chết. Đây cũng là cơ sở của tập tục cúng gà trong lễ Mở cửa mả. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta thấy người Việt – nhất là ở Nam bộ, tuyệt không dùng gà mà dùng vịt đề cúng cô hồn. Hỏi ra, người ta bảo rằng vịt thủy bộ đều được. Truy cứu về vũ trụ luận Phật giáo, thấy rằng cõi địa ngục nằm ở dưới chân núi Thiết Vi, tận ngoài biển Hàm hải xa tít tắp và ngăn cách với cõi đời của con người (Nam Thiệm bộ châu) đến bảy lớp biển Hương hải với 7 dãy núi Luân vi cao vòi vọi! Do vậy, nên cứ đến lễ cúng cô hồn tháng bảy, lễ Vu Lan tín đồ Phật giáo thả đèn xuống sông (gọi là phóng đăng) để rước vong hồn người quá vãng về dự lễ và trong lễ tống ôn (xua các linh hồn các đãng), ở các làng người ta cũng làm bè, đặt lễ vật trên đó, và đem thả xuống sông. Thủy lộ là con đường nối cõi thế và người chết, nên vịt là phương tiện dẫn dắt, liên lạc với người chết. Nói cách khác, ở nền văn hóa tam giáo như xứ ta, gà và vịt cùng nhau đảm đương cái ý nghĩa biểu tượng là vật dẫn dắt vong hồn.

Mặt khác, cũng thấy rằng gà/dương và vịt/âm. Điều này thể hiện trong tập tục nghi lễ: Ông cúng gà, Bà cúng vịt, hiểu là gà là lễ vật cúng nam thần và vịt là lễ vật cúng các nữ thần. Lại nữa, có ngoại lệ: Cúng Quan Công không cúng gà vì theo truyện Tam quốc diễn nghĩa khi Quan Công “quá ngũ quan trảm lục tướng” kiệt sức ngủ quên và nhờ gà gáy mà thức giấc kịp thời nếu không thì đã bị giết. Để tri ân gà nên tục cúng Quan Công không được cúng gà.

7. Ý nghĩa biểu tượng của gà trong văn hóa Việt Nam cũng chuyển đổi không ngừng theo dòng chảy của lịch sử văn hóa.

Theo đạo Cơ Đốc, gà trống cũng biểu hiện của Chúa Kitô. Ở đây đặc biệt nổi bật lên ý nghĩa biểu trưng cho mặt trời: ánh sáng và sự phục sinh. Trong sách Job (39, 36) gà trống biểu tượng  của trí tuệ đến từ Chúa Trời: Ai đã truyền sự sáng suốt của Yahvê cho con hạc, người ấy cũng cho gà trống trí minh tuệ. Gà trống báo trời sắp sáng cũng như đấng Cứu thế, nó báo ngày đến sau đêm. Vì lẽ ấy, hình tượng gà trống được đặt trên chót nhà thờ và trên tháp chuông các nhà thờ lớn [4] .

Gà trống cũng được ngưỡng mộ trong đạo Hồi hơn các con vật khác. Chính đấng tiên tri Mohammad đã nói: Gà trống trắng là bạn của ta; nó là kẻ thù của kẻ thù của Thượng đế… Tiếng gáy của nó chỉ báo sự có mặt của thiên thần[5] .

Chuyện về gà còn nhiều điều cần lý giải, chẳng hạn tục dùng chân gà già để bói toán, hay tại sao người ta uống tiết gà để thề thốt trong các lễ thề/hội thề v.v… Xin dừng ở đây vì các vấn đề này vượt quá tầm hiểu biết và chưa có sách vở truy cứ.

——————–

[1]Xem: – Nguyễn Đổng Chi: Lược khảo về thần thoại Việt Nam, 1956, tr. 163.

Truyền thuyết Hùng Vương. Hội Văn học-Nghệ thuật Vĩnh phú, 1984, tr. 95-98.

[2]Theo Nguyễn Khắc Xương: Hội làng, các trò diễn múa/Trong Văn nghệ dân gian. Sở VH-TT&TT Vĩnh Phú, 1914, tr. 3-10.

[3]Từ đây về sau viết theo các tài liệu tham khảo sau đây:

800 mẫu đồ cổ hoa văn Trung Quốc, 1986.

Dictionary of Chinese and Japanese Art, 1981.

Dictionary of Chinese Symbols, 1986.

Outlines of Chinese Symbolism and Art Motives, Trung Hoa dân quốc năm 66.

[4][5]  J. Chevalier và A. Gheerbrant: Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới,sđd,tr.341-343.

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây