Kenzaburo Oe: Văn chương đau thương và khả năng tự chữa lành – Tác giả: Phong Linh

Kenzaburo Oe là nhà văn Nhật Bản thứ hai, sau Kawabata, được trao giải Nobel Văn học (năm 1994). Ông sinh ngày 31.01.1935 tại Shikoku, một trong bốn hòn đảo lớn nhất của Nhật Bản.

Trong cuộc đời mình, cuốn sách để lại ấn tượng nhất cho Kenzanuro Oe chính là tiểu thuyết Huckleberry Finn của Mark Twain. Có thể nói cuốn sách đó là định mệnh dẫn dắt Kenzaburo Oe vào con đường văn chương.

Ông đã kể lại ẩn tượng về lần đầu tiên ấy như thế này: “Tôi nhìn thấy cuốn Huckleberry Finn của Mark Twain. Tôi chả biết gì về Mark Twain, Tom Sawyer hay Huckleberry Finn, nhưng mẹ tôi bảo (đó là cuộc trò chuyện đầu tiên giữa mẹ tôi và tôi về văn chương và hầu như là cuối cùng): “Đây là quyển sách tuyệt vời nhất cho một đứa trẻ và cả người lớn. Cha con nói vậy (cha tôi đã mất năm trước đó). Mẹ mang quyển sách này về cho con, nhưng người đàn bà đổi gạo cho mẹ thì nói: ‘Cẩn thận đấy. Tác giả này là người Mỹ. Bây giờ Mỹ và Nhật đang đánh nhau. Thầy giáo sẽ tịch thu quyển sách này của con trai chị. Hãy bảo với cậu ấy rằng nếu thầy giáo hỏi ai là tác giả quyển sách, hãy trả lời Mark Twain là bút danh của một tác gia người Đức’”.

Kenzaburo Oe bắt đầu sáng tác khi còn là sinh viên và năm 23 tuổi, với tiểu thuyết Nuôi thù, ông đã nhận được giải thưởng Akutagawa, một giải thưởng mà các nghệ sĩ Nhật Bản hằng mong ước. Từ đó trở đi ông sáng tác đều đặn và coi viết văn là nghề mà ông trọn đời theo đuổi.

Ông là tác giả của rất nhiều những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như Một nỗi đau riêngNuôi thùTuổi mười bảyCây xanh rực lửaTạm biệt sách của tôi

Kenzaburo Oe – nha van Nhat Ban min - Kenzaburo Oe: Văn chương đau thương và khả năng tự chữa lành - Tác giả: Phong LinhKenzaburo Oe – nhà văn Nhật Bản thứ hai nhận Giải thưởng Nobel Văn học, vừa từ trần ngày 3.3.2023.

Một nỗi đau riêng và sự tự chữa lành

Năm 28 tuổi, Kenzaburo Oe kết hôn và sinh được một người con trai tên Hikari, và từ đó cuộc đời ông bắt đầu rẽ sang một hướng khác, đầy biến động với những nỗi đau riêng, nhưng cũng là thời điểm sự nghiệp văn chương của ông rực nở.

Hiraki sinh ra mang hình dáng là một dị nhân: đầu to quá mức bình thường, đôi mắt không có khả năng nhận biết ánh sáng. Cậu bé cũng không có khả năng nhận biết và nói tiếng người.

Trong khoảng thời gian đó, Kenzaburo Oe đã sống trong sự tuyệt vọng, và tìm đến rượu để trốn tránh nỗi đau. Nhưng rồi, sống chung với Hiraki, Kenzaburo Oe dần tìm được năng lượng sáng tác từ những đau đớn của mình.

Một nỗi đau riêng được xuất bản năm 1964, là tác phẩm mang tầm vóc nhân loại và chứa đựng hầu hết mọi âm hưởng thời đại trong đó.

Tác phẩm kể về cuộc đấu tranh của người cha trẻ tên Điểu trong việc đối đầu với việc đứa con mới chào đời mắc chứng thoát vị não. Thằng bé, nếu có phẫu thuật và may mắn tránh được đời sống thực vật thì lớn lên cũng trở thành một đứa trẻ không bình thường.

Điểu, trong khi hoang mang lo sợ đã đi đến quyết định thông đồng với bác sĩ giảm khẩu phần sữa của thằng bé. Nhưng thật kỳ lạ, đứa bé có tới hai cái đầu ấy vẫn sống khỏe mạnh. Điểu, cùng với cô nhân tình Himiko quyết định mang đứa bé khỏi bệnh viện để nhờ một tay bác sĩ lang băm ra tay giúp. Nhưng tình cờ họ gặp lại người bạn nhỏ Kikuhiko năm nào, ký ức hiện về khiến Điểu bừng ngộ thoát khỏi cơn ác mộng và dũng cảm đương đầu với nó.

Đứa con được phẫu thuật, anh bỏ nghề dạy học trở thành một hướng dẫn viên du lịch để nuôi vợ con và cũng để nuôi ước vọng về những miền đất xa xôi của mình.

Tất cả những gì tích tụ trong lòng từ khi Hikari chào đời được ông giãi bày trong Một nỗi đau riêng. Kenzaburo Oe cho rằng, chỉ bằng cách ấy, ông và đứa con trai tội nghiệp mới thể “tái sinh” và tự chữa lành.

Bản thân Hikari sau này được cha mẹ đưa đến trường dành cho trẻ em thiểu năng trí tuệ. Ở đây cậu bé được nghe nhạc của Handel, Bach và đến năm 16 tuổi, Hikari trở thành một thiếu niên khỏe mạnh nhưng lại mất thị giác.

Vì không thể chơi piano, Hikari đã học sáng tác dưới sự chỉ dẫn của người mẹ… Và đến độ trưởng thành, Hikari đã là một nhạc sĩ danh tiếng, cả ở Nhật và trên thế giới. Những CD nhạc của anh có mặt ở rất nhiều quốc gia, ngay cả nơi dành để bán những ấn phẩm nghệ thuật phục vụ cho lễ trao giải Nobel Văn học.

Những bản nhạc của Hikari, theo lời Kenzaburo Oe, “có một nguồn năng lực chữa lành cho trái tim”. Ông còn nói: “Khi ta thể hiện ra một cách rốt ráo nỗi tuyệt vọng của con người, ta sẽ chữa lành được chính mình và biết được niềm vui của sự hồi phục…”.

Sự chữa lành cũng là nội dung chính trong nhiều sáng tác của ông, đặc biệt được đề cập một cách trực tiếp, cụ thể trong cuốn Một gia đình tự chữa lành.

Trong đó, có đoạn ông đã viết rằng âm nhạc của con trai ông đã cho ông thấy rằng trong bản thân hành động biểu hiện chính mình, có “một nguồn năng lực chữa lành, một nguồn lực chữa lành cho trái tim”.

Ông viết: “Bởi trong sáng tạo âm nhạc và văn chương, dù ta buộc phải biết đến nỗi tuyệt vọng – cái đêm tối của linh hồn mà chúng ta buộc phải băng qua – nhưng ta phát hiện rằng khi thể hiện ra một cách rốt ráo nỗi tuyệt vọng đó, ta sẽ chữa lành được chính mình và biết được niềm vui của sự hồi phục.

Và bởi những kinh nghiệm liên đới của nỗi đau và hồi phục ấy bổ sung cho nhau, tầng này kế tiếp tầng kia, không chỉ sáng tác của nghệ sĩ được phong phú hơn mà ta còn có thể sẻ chia sự bổ ích của nó với người khác…”

Mot noi dau rieng min - Kenzaburo Oe: Văn chương đau thương và khả năng tự chữa lành - Tác giả: Phong Linh“Một nỗi đau riêng” – tác phẩm nổi tiếng của Kenzaburo Oe.

Tư tưởng hiện sinh

Mặc dù viết bằng tiếng Nhật nhưng Oe say mê tiểu thuyết và thơ ca Pháp, Anh: Gascar và Sartre, Auden và Eliot. Ông không ngừng so sánh văn học Nhật với văn học Pháp, Anh. Ông có thể đọc tiếng Pháp hay tiếng Anh suốt tám tiếng đồng hồ và sau đó viết tiếng Nhật trong khoảng hai tiếng. Việc tiếp xúc với văn học phương Tây từ sớm cũng khiến văn chương của Oe chịu ảnh hưởng đậm đà, đặc biệt là văn chương của chủ nghĩa hiện sinh.

Văn chương của ông đượm tính chất của chủ nghĩa hiện sinh, trong đó nổi bật nhất chính là sự dấn thân vào đời sống xã hội, để truy tìm bản chất của loài người trong một cuộc tự vấn dai dẳng về bản thể.

Oe khẳng định các tác phẩm của ông luôn gắn bó chặt chẽ với xã hội, thời đại, “tôi bao giờ cũng khước từ những cảm xúc trực tiếp của chính mình và đặt chúng trong mối tương quan với xã hội, với đất nước, với thế giới”. Con đường văn học của Oe ngay từ đầu đã gắn bó với con người, cuộc sống, xã hội.

Văn chương của ông có ký ức tuổi thơ về quê hương, có cả dũng khí lập văn chương của tuổi thanh niên, ông luôn suy ngẫm người Nhật Bản cần phải như thế nào và ông, “ngày càng quan tâm đến cuộc sống đương đại. Bởi vì một nhà văn không thể né tránh thời đại sôi động đầy biến hóa mà anh ta đang sống”. Nhà văn luôn tâm niệm tạo ra sợi dây liên kết chặt chẽ giữa cá nhân, gia đình, xã hội và vũ trụ, làm nên một sinh mệnh sống cho tác phẩm của mình

Oe chính là một trong những đại diện xuất sắc của chủ nghĩa hiện sinh, nối tiếp những gương mặt như Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Oe cũng đi tìm bản thể của hiện sinh với bóng tối và nỗi u buồn.

Ông nhận thức sâu sắc về bóng tối, nỗi u buồn hiện diện trong chiều sâu bản thể của con người thời đại cũng như vai trò quan trọng của nó đối với công việc sáng tạo nghệ thuật. Oe viết, “tôi cảm thấy mình phải luôn luôn đi vào cánh cửa tiếp theo bên trong bản thân mình, sâu hơn, sâu hơn nữa, tối tăm hơn, và sau đó tôi phải viết về điều này. Tôi cảm thấy tôi phải chế ngự bóng tối đó bằng cách xem xét kĩ những điều vô cùng tối tăm ẩn sâu trong mình, thông qua việc viết về chúng”

Và từ cái u tối ấy, ông viết rằng, văn chương thực sự cần phải hướng tới ánh sáng dù thực tại còn nhiều u ám: “văn học cần phải phát hiện ra mặt sáng sủa từ phía u ám của nhân loại, đem lại sức mạnh cho con người…văn học cho dù viết ra bao điều u ám của nhân loại, vừa viết về những âm thanh dòng sông đang cuốn trôi trong đêm khuya dễ sợ, vừa phải ngẫm nghĩ sao cho đến trang cuối cùng kết cục hiện ra trước mắt nhân loại phải là niềm hoan lạc lớn lao”

Những tư tưởng văn chương sâu sắc của ông chính là cái truy vấn cuối cùng, cũng là cái chứng minh sắc sảo cho tư tưởng của Jean-Paul Sartre khi viết rằng “Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản”.

Năm 1994, Kenzaburo Oe được trao giải Nobel Văn học vì đã tạo nên “một thế giới giàu hình ảnh tưởng tượng, nơi đó cuộc sống và những câu chuyện tưởng tượng hòa quyện lại để tạo nên một bức tranh đảo lộn về con người trong tình trạng khó khăn hiện nay”.

P.L

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây