Có một mùa lau vàng lóa sông Hồng (Đọc thơ Phùng Văn Khai) – Tác giả: Vũ Thảo Ngọc

Tôi quá bất ngờ khi tiếp nhận tập thơ của nhà văn Phùng Văn Khai. Tôi đọc và dâng lên môt niềm cảm xúc thật lạ. Một niềm cảm xúc về miền phù sa sông Hồng, hình ảnh con sông như một cột trụ chạy suốt dòng sông thơ Phùng Văn Khai. Những câu thơ rười rượi phù sa, rười rượi miền cỏ rối, lau sông, đồng bãi. Sông Hồng hiển hiện như một toà thành bằng thơ tạo nên vô vàn những điệu vợi khác ở thành cổ Thăng Long, ở thủ đô văn hiến, ở những làng quê từ đỉnh Ba Vì chạy xuống những cánh đồng miên man dọc theo trục sông Hồng ngồn ngồn ngộn phù sa, rờm rợp cỏ lau.

Mở đầu tập thơ là Khúc sông Hồng đã dựng lên một hình ảnh sông Hồng vạm vỡ, sông Hồng như mạch máu chảy không ngừng nghỉ giữa lòng Tổ quốc. Sông Hồng như cùng nhà thơ dẫn độc giả đến những bến sông thơ, những con đò thơ, những mênh mang thơ đọng đầy gió sông, phù sa sông…

Hình ảnh cây lau mềm mại ở bãi bờ sông Hồng như được dựng lên thành biểu tượng thơ trong thơ của Phùng Văn Khai một cách thi vị hóa để hình ảnh cây lau dân dã sông Hồng có hồn vía như là một thực thể sống ở miền châu thổ này.

Nv Vu Thao Ngoc bia phai cung cac ban van Khoa 6 Nguyen Du 2 - Có một mùa lau vàng lóa sông Hồng (Đọc thơ Phùng Văn Khai) - Tác giả: Vũ Thảo NgọcNhà văn Vũ Thảo Ngọc (bìa phải) cùng các bạn văn Khoá 6 Nguyễn Du.

Cứ  theo mạch cảm lau của Phùng Văn Khai, thì hình như nếu không có lau thì không có sông Hồng, nếu không có lau nhà thơ… chả biết nói gì… với sông, với thơ chăng? Phải tận cùng với sông, phải đắm đuối vô biên với sông mới có một sông Hồng ngờm ngợp lau thơm đến thế. Lau như là vật dẫn để kéo cảm xúc của nhà thơ đi, và cứ thế, mỗi câu thơ như một bông lau thơm mà quyến rũ người đọc. Như là người dẫn đường để kể về sông Hồng, kể về kinh thành loang loáng bóng tiền nhân giữ nước và bảo vệ toàn vẹn bờ cõi từ thuở còn sơ khai:

 “Chim cu gáy Cổ Loa ngậm mặt trời xa tắp
Lưng áo luống cày trắng vệt muối loang…”
(Mùa màng II)

Với vô vàn hình ảnh về lau: “lau sông thơm thắm”, “lau rì rầm”, “lau phơ phất”, “bóng lau sông”, “lau trắng phố”… để rồi nhà thơ đã chiêm nghiệm về dân tộc, về Tổ quốc bằng những câu thơ bàng bạc như còn vang tiếng voi gầm giữa trận chiến của các bậc tiền nhân:                 

“Kính cẩn dọn mình chiêm bái lau sông
Ngày chim Lạc vút bay từ cỏ hoa thơm thảo
Ngày Bà Trưng vung gươm giông bão
Những thái thú Bắc triều run rẩy dưới chân voi

…Tôi sợ mình không đến được trăm năm
Kính cẩn vái lau sông Hồng nghìn tuổi
Trẻ như cây Hà Nội
Như hoa văn trên bia đá bảng đồng”
(Lau sông Hồng)

Và như gã đàn ông tham yêu, yêu đắm đuối cây cỏ lau và sông Hồng đến cùng kiệt, gã lại… cùng kiệt yêu sen, với vô vàn những hỏi sen, đêm sen, khúc sen… Và không chỉ là những bảng lảng mây gió, vẫn là mạch trụ cảm hứng về dân tộc, về Tổ quốc như khi Phùng Văn Khai mượn lau sông Hồng để vịn vào mà dâng lên những câu thơ tráng sĩ. Thì với sen cũng thế, là sen ở Đêm sen Gò Tháp, những câu thơ không chỉ thơm như loài sen giữa đồng bưng bát ngát, mà là sen ngạo nghễ những tráng binh đã ngã xuống vì độc lập, vì hòa bình dân tộc…

“Ta quỳ xuống trước mộ người tuấn kiệt
Quỳ trước sen Gò Tháp giữa sương khuya
Quỳ trước máu xương mấy nghìn tráng sĩ
Đã một đi không hẹn buổi quay về…”
(Đêm sen Gò Tháp)

Và tôi thấy sen, thấy lau như là nỗi ám ảnh tâm hồn nhà thơ, như thể nếu không vịn vào hai biểu tượng ấy Phùng Văn Khai khó viết!  Nhưng rồi tôi lại trôi theo dòng thơ và lại nhận ra cái chất thơ của nhà văn đã thành công mấy bộ tiểu thuyết “khổng lồ” chuyên đề lịch sử thì tôi càng kính nể sức lao động chữ nghĩa của Phùng Văn Khai. Có thể các bộ tiểu thuyết đã làm nên gia tài khổng lồ của nhà văn, thì ở thể loại thơ, Phùng Văn Khai cũng không định… tự thua kém văn xuôi, tức là không chịu thua chính mình?

Nv Vu Thao Ngoc bia phai cung cac ban van Khoa 6 Nguyen Du - Có một mùa lau vàng lóa sông Hồng (Đọc thơ Phùng Văn Khai) - Tác giả: Vũ Thảo NgọcNhà văn Vũ Thảo Ngọc (bìa phải) cùng các bạn văn Khoá 6 Nguyễn Du.

Ở các bài thơ ngoài lau, ngoài sen thì Phùng Văn Khai vẫn chung thủy với đề tài chiến tranh cách mạng, hệ thống bài này là viết về chiến tranh, viết về đồng đội, viết về nỗi đau hậu chiến… Tôi ám ảnh với bài thơ Nhắn tìm đồng đội, là nỗi đau của tác giả khi không tìm được các chú của mình đã hy sinh trong cuộc khang chiến chống Mỹ cứ nước theo lời ủy thác cua rbà nội tác giả tìm các chú mà đã trở thành cuộc tìm kiếm trong vô vọng, xót xa và đầy thương cảm:

“Ai biết mộ phần liệt sĩ
Phùng Huy, Phùng Hữu nhắn về
Như Quỳnh… sông Lăng… huyện… thị…”
nơi từng cất bước chân đi

Sông Lăng chợt nhoè mặt giấy
tôi viết đã ba bốn lần
ba bốn lần người trong ảnh
mỉm cười mây trắng sông Lăng.”
(Nhắn tìm đồng đội)

Ngoài sen, ngoài lau, ngoài những bài thơ viết về quê hương, về cha mẹ, về vợ con, và bè bạn thì Phùng Văn Khai rất biết tự trào khi viết nịnh vợ, khi tự họa chân dung mình:

“Đã từng ngứa ghẻ đòn ghen
bao nhiêu hội chợ đình đền phù hoa
rừng xanh biển thẳm đi qua
mây đen gió trắng biết là bấy nhiêu”
(Chân dung tự họa)

Trong thơ của Phùng Văn Khai tôi thấy tác giả vẫn như đang trải lòng mình với độc giả khá nhiều bộn bề về dòng sông cuộc đời, khi đứng trước sự kỳ vĩ của dòng sông, bến nước, về các bậc tiền nhân với những dấu mốc lịch sử giữ yên bờ cõi và những ngày hát vang khúc khải hoàn ca khi chiến thắng. Một cúi mình trước Nguyễn Trãi nghĩa nhân, một cúi mình trước Cổ Loa dũng khí, một cúi mình trước vô vàn đất đai cây cỏ, trước những người đồng đội đã ngã xuống vì độc lập dân tộc…

Dù có rong chơi, dù có những tên bài còn đơn giản, có bài còn bị gò vào cảm xúc chưa kỹ lưỡng, chưa chắt lọc ý tưởng, hoặc dù có bỡn cợt, dù có đắm đuối đâu đó, nhưng Phùng Văn Khai vẫn trở về đúng mạch cảm một tâm hồn thơ mang âm hưởng trữ tình, là cảm xúc từ những điều bình dị mà dựng lên những biểu tượng thơ thành công.

Và tôi gọi thơ Phùng Văn Khai có một mùa lau vàng lóa sông Hồng là thế.                                                                                                  

Halong, 25/11/2022

V.T.N

 

Nv Vu Thao Ngoc ao dai do cung cac ban van Khoa 6 Nguyen Du - Có một mùa lau vàng lóa sông Hồng (Đọc thơ Phùng Văn Khai) - Tác giả: Vũ Thảo NgọcNhà văn Vũ Thảo Ngọc (áo dài đỏ ) cùng các bạn văn Khoá 6 Nguyễn Du.

 

CHÙM THƠ PHÙNG VĂN KHAI

 

Khúc sông Hồng

Mặt sông Hồng rạng như hoa
Mỉm cười trăm tuổi mẹ ta về trời

Mẹ về trời câu hát vẫn ru ta
Thì thầm cúi hỏi sông thao thiết
Âm âm lời đá núi mây bay
U u sừng trâu cọ ngày vỡ đất

Cá tôm rì rầm lau sậy hồng hoang
Tre trúc mang mang bia đá bảng đồng
Ứa máu tổ tiên mạch sông thắm thiết
Sông ơi điều ta chưa biết
Dài rộng như sông như biển vô cùng

Phơ phất lau khuya in bóng trăng suông
Em hẹn lời sông chín năm thắt ruột
Những đèo mây cọp gầm võ vàng giấc mơ hoa lạnh buốt
Ta như suối theo sông về em vụng trộm âm thầm

Sông òa vỡ năm cửa ô người về như thác
Bờ vai em nghiêng sóng sánh nước sông lên
Vết đạn bắn cổng thành xưa đôi chim cặp rác
Mái vòm khuya sao chi chít đêm đêm

Không phải bốn nghìn năm mà vạn năm, còn sau nữa
Máu tổ tiên ta, máu ta nuôi sông đỏ
Hồng hạc bay định phận giữa trời
Nguồn lệ tiếng cười xanh rêu đền miếu
Ta phơ đầu bạc trầm mặc sông trôi

Nhúm nhau ta hòa sắc phù sa đỏ
Vạt lau chiều lững thững sông đi
Những ngôi nhà đang cao những cây cầu đang lớn
Vẫn thì thầm in sắc sông khuya.

 

 

Người Hà Nội ở Trường Sa

Những người con Hà Nội đến Trường Sa
Mang hạt mướp, hạt rền, mùng tơi, rau sam, rau muống
Cát mặn san hô giọt mồ hôi lắng xuống
Thành cây thành làng ở Trường Sa

Những người con Hà Nội ở Trường Sa
Mặt trời mọc bình yên chân cột mốc
Cây cau mẹ trao anh trồng góc sân chùa Nam Yết
Hoa nở trắng thì thầm lá xanh giữa trời xanh

Những người con Hà Nội ở Trường Sa
Hương lúa hương cau thơm miếng trầu mẹ hái
Tiếng chuông chùa đêm trăng như tiếng người em gái
Sóng dựng Trường Sa sóng dựng trái tim mình

Những người con Hà Nội ở Trường Sa
Chim hạc tượng hình rợp trống đồng linh hiển
Văng vẳng tiếng Thơ Thần những ngày động biển
“Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư…”

Những người con Hà Nội ở Trường Sa
Cúc thắm đào phai thêm ấm nòng súng thép
Mỗi người con một lá cờ Tổ quốc
Một ngôi sao mang máu thịt Tiên Rồng.

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây