Đà Nẵng: Nhập nhiều phường ở quận trung tâm, chưa sắp xếp đối với phường Thạch Thang

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, vừa ký ban hành phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2023 – 2025. Sau khi sắp xếp, Đà Nẵng từ 45 phường sẽ chỉ còn 36 phường với nhiều tên gọi mới.

Sát nhập nhiều phường ở 2 quận trung tâm

Hiện nay, Đà Nẵng có 56 đơn vị hành chính gồm 45 phường, 11 xã. Theo phương án sắp xếp, sẽ còn sẽ còn 47 đơn vị hành chính gồm 36 phường, giữ nguyên 11 xã thuộc huyện Hòa Vang.

Cụ thể, tại quận Hải Châu, dự kiến sáp nhập phường Hải Châu 1 với phường Hải Châu 2, tên gọi của đơn vị hành chính mới dự kiến thành lập là phường Hải Châu 1.

Sáp nhập phường Phước Ninh, phường Nam Dương và phường Bình Hiên, tên gọi của đơn vị hành chính mới dự kiến thành lập là Nam Bình Phước hoặc Nam Phước.

Sáp nhập phường Bình Thuận với phường Hòa Thuận Đông, tên gọi của đơn vị hành chính mới dự kiến thành lập là phường Hòa Bình.

Tại quận Thanh Khê dự kiến sáp nhập phường Tam Thuận với Xuân Hà, tên gọi của đơn vị hành chính mới dự kiến thành lập là phường Hà Tam Xuân.

Sáp nhập phường Thạc Gián với phường Vĩnh Trung, tên gọi của đơn vị hành chính mới dự kiến thành lập là phường Thạc Gián.

Sáp nhập phường Tân Chính với Chính Gián, tên gọi của đơn vị hành chính mới dự kiến thành lập là phường Tân Chính Gián.

Sáp nhập phường Thanh Khê Đông với Hòa Khê, tên gọi của đơn vị hành chính mới dự kiến thành lập là phường Thanh Hòa.

Tại quận Sơn Trà, dự kiến sáp nhập phường An Hải Đông và An Hải Tây, tên gọi của đơn vị hành chính mới dự kiến thành lập là phường An Hải Nam.

H2 min 800x600 - Đà Nẵng: Nhập nhiều phường ở quận trung tâm, chưa sắp xếp đối với phường Thạch ThangPhường Thạch Thang là nơi tập trung nhiều cơ quan quan trọng về chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng của thành phố; trong đó có Trụ sở UBND TP. Đà Nẵng .

Đề nghị không hoặc chưa sắp xếp đối với phường Thạch Thang

Trong phương án này, UBND TP. Đà Nẵng cũng đề nghị không hoặc chưa sắp xếp đối với phường Thạch Thang (quận Hải Châu) do yếu tố đặc thù. Cụ thể, về lịch sự, địa danh Thạch Thang đã có từ rất sớm. Trong chiều dài lịch sử phát triển của Đà Nẵng, địa danh này luôn nằm trong vùng trung tâm, trọng điểm từ trước đến nay.

Đây cũng là nơi tập trung nhiều cơ quan quan trọng về chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng của thành phố… Trụ sở HĐND, UBND TP. Đà Nẵng cũng đặt ở phường Thạch Thang. Nơi đây cũng có Thành Điện Hải là Di tích quốc gia đặc biệt.

Trước đó, Bộ Nội vụ cũng đã có công văn do Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng ký cho rằng để có đủ căn cứ thực hiện các phương án này, Đà Nẵng cần thuyết minh, bổ sung, giải trình làm rõ hơn các nội dung với đề xuất không thực hiện sắp xếp đối với phường Thạch Thang.

Bộ Nội vụ cho rằng Đà Nẵng cần bổ sung, làm rõ hơn và chứng minh việc mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội khi thực hiện sắp xếp phường Thạch Thang với đơn vị hành chính cấp xã liền kề khác.

Trường hợp không có đủ cơ sở theo quy định thì thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 – 2025.

Địa danh Thạch Thang có từ lâu đời

Làng Thạch Thang ngày trước, nay là phường Thạch Thang thuộc quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Làng Thạch Thang được thành lập sớm, tuy vậy không thấy địa danh này trong Ô Châu cận lục (1553) và Phủ biên tạp lục (1776). Phải đợi đến Địa bạ Gia Long soạn trong khoảng 1812-1818 địa danh này mới xuất hiện. Làng Thạch Thang rộng hơn 35 mẫu, gồm tứ cận: Đông giáp sông; Tây giáp xã Thạc Gián (nay là phường Thạc Gián, quận Thanh Khê), lập cột đá làm giới; nam giáp thôn Du Xuyên Đông, lấy đường làm giới; bắc giáp biển.

Theo bản đồ của người Pháp vẽ năm 1938 thì xã Thạch Thang tiếp cận với các làng Xuân Đán, Xuân Hòa, Hà Khê. Qua hai tài liệu này cho thấy ngày trước làng có quy mô rộng lớn hơn bây giờ rất nhiều, bao trùm cả khu vực Tam Thuận và một phần của Thanh Bình, Xuân Hà ngày nay.

Năm 1888, Chính phủ bảo hộ Pháp ép buộc vua Đồng Khánh ký Đạo dụ ngày 1/10/1888 nhường Đà Nẵng cho Pháp để thành lập một thành phố nhượng địa. Ngày 24/5/1889, Toàn quyền Đông Dương đã ký Nghị định thành lập thành phố Đà Nẵng trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Thạch Thang là 1 trong 5 xã đầu tiên của thành phố nhượng địa này (cùng Hải Châu, Nam Dương, Phước Ninh, Bình Hiên).

Về sau, Toàn quyền Đông Dương thực hiện chính sách tăng cường khai thác thuộc địa, cần thêm đất đai để mở rộng thành phố Đà Nẵng, xây dựng cảng biển, hệ thống đường sắt, thành lập sân bay… nên cuối năm 1900, một lần nữa ép vua Thành Thái nhượng đất thêm cho thành phố nhượng địa Đà Nẵng. Ngày 15/1/1901, vua Thành Thái đã ký Dụ nhường thêm cho Pháp 14 xã nữa. Đến lúc này, thành phố Đà Nẵng gồm tổng số 19 xã, vươn rộng ra phía Tây và Tây Bắc, vượt qua sông Hàn sang phía Đông, chiếm trọn bán đảo Tiên Sa, trong đó có 13 xã ở tả ngạn và 6 xã ở hữu ngạn, bao gồm cả một phần đất của cả huyện Diên Phước (Mỹ Khê, An Hải, Mân Thái, Nại Hiên Đông, Mân Quang và Vĩnh Yên). Thạch Thang là 1 trong 19 xã (cùng với Hải Châu, Nam Dương, Phước Ninh, Xuân Đán, Nại Hiên Tây, Thạc Gián, Xuân Hòa, Yên Khê, Tân Thái, Liên Trị, Thanh Khê, Mỹ Khê, Nại Hiên Đông, Bình Thuận, Đông Hà Khê, An Hải, Mân Quang).

H3 min - Đà Nẵng: Nhập nhiều phường ở quận trung tâm, chưa sắp xếp đối với phường Thạch ThangDi tích lịch sử quốc gia Thành Điện Hải nằm ở phường Thạch Thang.

Đến lúc này, thành phố Đà Nẵng chưa tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam. Chính phủ thuộc địa Pháp chờ đợi một thời gian cho đến khi các mặt hoạt động về kinh tế của thành phố Đà Nẵng phát triển đến một mức nào đó so với tỉnh lỵ Hội An thì mới tách thành phố này ra khỏi tỉnh Quảng Nam.

Cho đến ngày 19/9/1905, Toàn quyền Đông Dương mới chính thức ra Nghị định tách thành phố Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Nam, thành 1 đơn vị hành chính độc lập: Thành phố nhượng địa Tourane trực thuộc Tòa Khâm sứ Trung kỳ.      

Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6/9/1952 ra Quyết định sát nhập thành phố Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Trong giai đoạn này, thành phố Đà Nẵng mở rộng thêm về phía Đông Nam, sát nhập thêm 2 xã Nam Thọ và Hòa Hải của huyện Hòa Vang. Thành phố chia làm 3 khu gồm: Khu Tây 7 xã, Khu Trung 5 xã, Khu Đông 9 xã. Xã Thạch Thang nằm ở Khu Trung (cùng với Hải Châu, Phước Ninh, Bình Thuậ, Nại Hiên Tây).

Cuộc họp đầu tiên của thành phố Đà Nẵng vào tháng 4/1946 đã ra Nghị quyết phân chia địa giới hành chính của Thành phố thành 7 khu: 5 khu phố nằm ở tả ngạn sông Hàn gồm có: Khu Trần Phú bao gồm toàn bộ xã Hải Châu, Khu Phan Đăng Lưu gồm 4 xã, Khu Phan Thanh gồm 3 xã, Khu Lê Hồng Phong gồm 4 xã, Khu Hà Huy Tập gồm 3 xã. Còn lại 2 khu phố nằm ở hữu ngạn sông Hàn gồm có: Khu Nguyễn Thái Học gồm 4 xã, Khu Phó Đức Chính gồm 4 xã.

Sau khi Pháp chiếm lại thành phố Đà Nẵng ngày 20/12/1946, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng quyết định từ 7 khu thành 3 khu: Khu Tây, Khu Trung và Khu Đông như trước đây để tiện chỉ đạo chống Pháp.

Đến năm 1948, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đã quyết định tách thêm 4 xã của huyện Hòa Vang: Mỹ Thị, Đa Phước, Nước Mặn, Bà Đa sát nhập vào thành phố Đà Nẵng và đến tháng 6/1949, lại quyết định tách thêm 3 xã của huyện Hòa Vang: Hòa Cường, Khuê Trung, Hóa Khê để sát nhập vào thành phố Đà Nẵng.

Đến lúc này, thành phố Đà Nẵng được phân thành 6 khu, gồm 3 khu nội thành (Khu Trần Phú, Khu Phan Thanh, Khu Phan Đăng Lưu) và 3 khu ngoại thành (Khu Tây, Khu Nam, Khu Đông). Xã Thạch Thang nằm ở Khu Phan Thanh.

Sau Hiệp định Geneve, từ ngày 20/7/1954, nước ta tạm thời chia thành 2 miền Nam, Bắc, lấy vĩ tuyến 17B làm ranh giới tạm thời. Đến lúc này, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17B thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa từ tháng 8/1954 đến ngày 29/3/1975.

Dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, đến tháng 10/1955, thành phố Đà Nẵng được gọi là Thị xã Đà Nẵng, gồm 3 quận với 18 khu phố (tương đương với phường). Quận I gồm 9 khu phố, quận II gồm 10 khu phố, quận III gồm 9 khu phố. Khu phố Thạch Thang nằm ở quận I.

Đến ngày 31/7/1962, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ra Sắc lệnh 162 – NV chia tỉnh Quảng Nam thành 2 đơn vị hành chính: tỉnh Quảng Nam ở phía Bắc và tỉnh Quảng Tín ở phía Nam. Thị xã Đà Nẵng thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam.

Sau khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia tách tỉnh Quảng Nam thành 2 đơn vị hành chính thì Khu ủy Khu V, Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Nghị quyết chia tỉnh Quảng Nam thành tỉnh Quảng Đà ở phía Bắc và tỉnh Quảng Nam ở phía Nam để tiện chỉ đạo tổ chức kháng chiến. Thành phố Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Đà.

Đến ngày 6/1/1973, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã ra Nghị định số 6 – HCĐP/NĐ quy định lại cơ cấu đơn vị hành chính của thị xã Đà Nẵng, gồm 3 quận: quận I, quận II, quận III với 19 phường. Phường Thạch Thang nằm ở quận I  cùng với các phường: Hải Châu, Hòa Thuận, Triệu Bình, Nam Phước, Bình Hiên, Xương Bình.

Ngày 29/3/1975, Đà Nẵng được giải phóng. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước, Ủy ban Nhân dân cách mạng Khu Trung Trung bộ đã ra Quyết định số 119-QĐ ngày 4/10/1975 hợp nhất 2 tỉnh Quảng Đà và Quảng Nam lại thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng như trước. Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh. Lúc này, thành phố Đà Nẵng gồm 3 khu vực: I, II, III với 28 phường. Phường Thạch Thang nằm ở Khu vực I, cùng với các phường: Hải Châu I, Hải Châu II, Thanh Bình, Thuận Phước, Bình Thuận, Hòa Thuận, Nam Dương, Phước Ninh, Bình Hiên, Hòa Cường, Khuê Trung.

Đến ngày 30/8/1977, Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết số 228-CP về việc xóa bỏ các khu vực I, II, III của thành phố Đà Nẵng.

Trong thời kỳ đổi mới, để tạo điều kiện cho Đà Nẵng vươn lên phát triển thành một thành phố công nghiệp, Quốc hội khóa X, trong kỳ họp thứ 10 từ ngày 13/10/1996 đến ngày 12/11/1996 ra quyết định tách tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính: thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và tỉnh Quảng Nam.

Ngày 23/1/1997, Chính phủ nước ta ra Nghị định số 07-CP về việc thành lập các đơn vị hành chính của thành phố Đà Nẵng gồm 5 quận (Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn) và huyện Hòa Vang. Phường Thạch Thang với diện tích 0,98 km2 thuộc quận Hải Châu.

Đến ngày 23/11/1996, Chính phủ nước ta ra Quyết định số 07-CP quyết định Hoàng Sa là huyện đảo thuộc thành phố Đà Nẵng.

Năm 2005, Chính phủ ra Nghị định số 24/2005/NĐ-CP ngày 2/3/2005 về việc thành lập các phường thuộc quận Hải Châu, quận Liên Chiểu và quận Ngũ Hành Sơn và đến ngày 5/8/2005 ra Nghị định 102/2005/NĐ-CP về việc thành lập các phường, xã thuộc quận Thanh Khê và huyện Hòa Vang, đồng thời thành lập quận mới Cẩm Lệ. Lúc này, phường Hòa Thuận tách thành 2 phường: Hòa Thuận Đông, Hòa Thuận Tây và phường Hòa Cường tách thành 2 phường: Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam. Nên quận Hải Châu có 13 đơn vị hành chính: Hải Châu I, Hải Châu II, Thạch Thang, Phước Ninh, Nam Dương, Thuận Phước, Thanh Bình, Bình Hiên, Bình Thuận, Hòa Thuận Đông, Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam cho đến ngày nay.

Qua chiều dài lịch sử cho thấy địa danh phường Thạch Thang đã có từ lâu đời.

 

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây