Đâu là động lực tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam?

Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và của Quốc hội đã đề ra, việc khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu và tìm kiếm các động lực mới là vấn đề vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cũng như đến năm 2025 và năm 2030.

Nửa nhiệm kỳ vượt khó

Kể từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Khó khăn, thách thức mới xuất hiện nhiều hơn là cơ hội, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với các nhiệm kỳ gần đây: xung đột Nga – Ukraine, đại dịch Covid-19, khí hậu thất thường, khắc nghiệt và nhiều thiên tai hơn. Thời kỳ “họa vô đơn chí” này khiến kinh tế – xã hội thế giới và Việt Nam bất thường, bấp bênh và rủi ro hơn – điều mà giới kinh doanh vẫn gọi là thế giới VUCA (biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ).

Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải thực hiện đa mục tiêu: vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý những yếu kém, tồn đọng lâu nay bộc lộ, vừa phải phục hồi, phát triển nhanh và bền vững.

Với sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự quyết liệt của Chính phủ, nhiều chính sách, giải pháp quyết liệt, quy mô, kể cả chưa có tiền lệ, được các cấp có thẩm quyền ban hành đi kèm việc thành lập, kiện toàn tổ chức – bộ máy chỉ đạo, thực hiện.

Có thể kể đến như: các định hướng, chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 86/2021/NQ-CP, Nghị quyết 128/2021/NQ-CP về phòng, chống dịch bệnh; các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội 2022-2023, về chính sách tài khóa cho phép giãn hoãn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân với tổng giá trị miễn giảm thuế phí khoảng 210 nghìn tỷ đồng, tổng giá trị gia hạn là hơn 430 nghìn tỷ đồng (theo Bộ Tài chính) trong bốn năm (2020-2023); thực hiện chính sách tiền tệ cho phép cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi…; cùng nhiều chỉ thị, nghị quyết, chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn được ban hành kịp thời, tháo gỡ những điểm nghẽn.

Nhờ vậy, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận. Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là điểm sáng “trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu (theo IMF).

Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,6%, năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6-6,5%, sáu tháng đầu năm 2023 đạt 3,72%, cả năm dự báo tăng khoảng 5-5,5% (bình quân ba năm đạt khoảng 5,4%, cao gấp 1,7 lần mức bình quân của thế giới là 3,2%). Định hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện.

Trong tám tháng đầu năm nay, dù kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ bối cảnh kinh tế thế giới cũng như một số vấn đề nội tại nêu trên nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng 3,72% trong sáu tháng đầu năm và đang phục hồi tích cực: các cân đối lớn được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, lãi suất giảm, tỷ giá khá ổn định.

Những kết quả trong phát triển kinh tế – xã hội của nửa nhiệm kỳ vừa qua là đáng trân trọng; tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để có thể đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, việc khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu và tìm kiếm các động lực mới là vấn đề vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược đối với Việt Nam.

Những động lực tăng trưởng mới

Trong nhiều năm qua, công tác hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế của Việt Nam thu được những kết quả quan trọng, được cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao: (i) hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện và phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn và cam kết hội nhập quốc tế; môi trường đầu tư – kinh doanh được cải thiện; quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp được bảo đảm hơn, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế; (ii) chế độ sở hữu, các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp phát triển đa dạng; các quyền và nghĩa vụ về tài sản được thể chế hóa đầy đủ hơn; (iii) các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, gắn kết với thị trường khu vực và thế giới khi hầu hết giá cả của các loại hàng hóa, dịch vụ được xác lập theo cơ chế thị trường và Việt Nam ngày một có vai trò lớn hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; là lựa chọn đầu tư chiến lược của nhiều tập đoàn đa quốc gia; (iv) các cơ chế, chính sách đã chú trọng nhiều hơn đến kết hợp giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, với bảo vệ môi trường cũng như tạo cơ hội cho người dân tham gia và thụ hưởng thành quả từ phát triển.

Từ năm 2020 đến nay, kinh tế thế giới biến chuyển nhanh chóng, với hai nguyên nhân lớn nhất là đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine. Theo đó, nhu cầu và hành vi đầu tư, tiêu dùng thay đổi theo hướng tiết kiệm và bảo vệ sức khỏe nhiều hơn, nhiều mô hình kinh doanh, xu hướng công nghệ mới phát triển nhanh hơn so với dự đoán. Từ đó, những xu thế vận động mới này có thể trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung – dài hạn.

Thứ nhất, động lực từ xu hướng phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, với việc hoàn thiện hành lang pháp lý; khắc phục các hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực số, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, an ninh mạng và bảo mật thông tin, dữ liệu; dự báo kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về cả lượng và chất đến năm 2025 và 2030, góp phần tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tính hiệu quả và bền vững. Dự báo, kinh tế số đóng góp khoảng 25-30% GDP và khoảng 0,63-1,35 điểm % vào tăng trưởng GDP hàng năm.

Thứ hai, động lực đến từ nâng cao năng suất lao động và TFP (hay gia tăng chất lượng). Đây vừa là động lực, vừa là giải pháp để kinh tế Việt Nam nâng cao hiệu quả và chất lượng trong những năm tới. Thực tế, năng suất lao động của Việt Nam đang thấp hơn nhiều quốc gia châu Á (chỉ bằng 12,2% Singapore, bằng 63,9% Thái Lan, 94,2% Philippines, 24,4% Hàn Quốc, 58,9% Trung Quốc…); trong khi đó, TFP năm 2022 của Việt Nam chỉ đóng góp 43,8% vào tăng trưởng GDP, thấp hơn bình quân 45,7% giai đoạn 2016-2020.

Thứ ba, động lực từ khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đóng quan trọng cho nền kinh tế, bổ sung và làm giàu các nguồn lực mà khu vực Nhà nước không làm hoặc không làm được.

Thứ tư, động lực từ hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế. Đây có thể đánh giá là động lực đột phá nhưng cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian nhất bởi động lực này giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh – đầu tư hấp dẫn, minh bạch.

Thứ năm, động lực từ lợi ích thiết thực của kinh tế xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu của Việt Nam. Kinh tế xanh là nền kinh tế dựa trên việc sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng xác định mục tiêu, giải pháp nâng cao vai trò và đóng góp của tăng trưởng xanh.

Thứ sáu, động lực từ quyết tâm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030. Việc Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được với nguồn vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị, thị trường và đối tác mới; từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng giá trị cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thúc đẩy từ việc tăng sản xuất, xuất khẩu, thu nhập, việc làm và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh việc củng cố những động lực tăng trưởng truyền thống, việc phát huy, khai thác những động lực tăng trưởng mới nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, đạt mục tiêu chiến lược đã đề ra; trong đó cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế (nhất là các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đấu thầu…), bao gồm cả tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi và phối hợp chính sách; quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Xây dựng đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia (cùng với chuyển đổi số sẽ góp phần tăng đóng góp của TFP vào tăng trưởng); đồng thời thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn…

Để các động lực tăng trưởng phát huy tối đa hiệu quả, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương cần nhất quán xây dựng và thực thi các chính sách, giải pháp để có thể củng cố động lực tăng trưởng hiện tại và phát hiện, khai thác hiệu quả động lực mới cũng như tương tác, cộng hưởng giữa các động lực cũ và mới này, góp phần quan trọng phục hồi và phát triển nhanh, bền vững và bao trùm trong thời gian tới.

TS. CẤN VĂN LỰC

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây