Văn hóa dân gian Cơ Tu – Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe – Phần 3

Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 3

Untitled 2 min 2 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 3

 

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC XÃ HỘI TRUYỀN THỐNG

 Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe 

1. Gia đình (za đinh; đoong: nhà)

Gia đình là một cộng đồng người cùng chung sống, gắn bó nhau bởi quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng và quan hệ giáo dục. Gia đình hình thành rất sớm trong xã hội loài người, có tác động mạnh mẽ đến xã hội. Từ điển Tiếng Việt, định nghĩa gia đình là: Tập hợp người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái.[1]

Gia đình là tế bào của xã hội.

Gia đình chỉ xuất hiện ở loài người, được quy định bởi các chuẩn mực do gia đình quy định và xã hội tác động mạnh mẽ đến gia đình. Trong mỗi gia đình các yếu tố về kinh tế, văn hóa, tâm lý (của các thành viên trong gia đình), yếu tố sinh học chi phối mạnh mẽ nên gia đình không giống bất cứ nhóm nào do xã hội tổ chức nên.

Khi bàn đến gia đình, các ngành khoa học chuyên ngành đưa ra khái niệm phù hợp với đối tượng nghiên cứu chuyên ngành của họ, nhằm thích ứng với nội dung nghiên cứu của mỗi chuyên ngành. Đối với ngành xã hội học, khi nghiên cứu về gia đình, đặt gia đình trong mối quan hệ với cộng đồng, do gia đình là một nhóm xã hội thu nhỏ. Theo đó: gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, một nhóm xã hội nhỏ mà các thành viên của nó gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ con nuôi, bởi tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức với nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng của mỗi thành viên cũng như để thực hiện tính tất yếu của xã hội về tái sản xuất con người.[2]

1.1. Kết cấu gia đình

Gia đình hạt nhân ngày nay thường là quan hệ cha – mẹ – các con. Ngày trước gia đình người Cơ Tu thường có kết cấu theo quan hệ có nhiều cặp vợ chồng và con cháu sinh sống chung trong một nhà. Thời ấy, thường gắn với hình thức quan hệ ăn chung, ở chung, làm chung trong một gia đình mang tính huyết thống, với quan hệ phụ quyền. Người Cơ Tu, con cái theo họ cha. Trong gia đình, vai trò của người chồng lớn hơn người vợ [3]. Vợ luôn lệ thuộc chồng.

Gia đình người Cơ Tu cách nay trên trăm năm thường ở trong một ngôi nhà dài (mà nay đã trở thành nhà dài truyền thống). Trong nhà dài được bố trí cho mỗi cơbhuh (tộc họ), đôi khi không nhất thiết phải là tộc họ lớn mới ở trong một nhà dài) bao gồm nhiều cặp vợ chồng và con cái cùng sinh sống chung trong nhà. Vì thế, trong nhà chia thành nhiều căn nhỏ dành cho mỗi gia đình có chung huyết thống cùng ở. Mỗi gia đình lập riêng một bếp. Theo đó, nhà dài có thể dài đến mấy chục sải tay và có nhà còn dài hơn thế.[4]

Thời nay, nhà dài người Cơ Tu ít tìm thấy trên thực tế, bởi gia đình huyết thống đã từng bước tách ra thành gia đình nhỏ, gia đình hạt nhân [5] mà ta tìm gặp phổ biến gia đình nhỏ đã tách riêng ra gồm một cặp vợ chồng và các con; đôi khi có vợ chồng người con trai cùng các con, cháu ở trong một ngôi nhà. Điều này thể hiện chế độ nhà dài cùng huyết thống đã lùi xa trong lịch sử tộc người. Càng về sau, ngôi nhà dài dần được thay thế bằng ngôi nhà nhỏ. Quan hệ cơbhuh/tộc họ dần được tách riêng ra, làm nhà nhỏ hơn để ở. Ban đầu là nhà sàn, càng về sau, nhất là giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhà có sự biến dịch đến biến đổi theo kiểu nhà trệch. Hiện tại nhà ở tại ba thôn: Phú Túc (xã Hòa Phú), thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) không còn ngôi nhà sàn nào nữa.

Untitled min 1 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 3

 

Nhà dài Cơ Tu & nhà sàn Cơ Tu (St)

Tuy nhiên, các xã vùng cao, ở sâu, xa trong rừng núi non trùng điệp nên vài nơi vẫn còn tìm thấy nhà dài, nhà sàn để ở, thảng chen xen với nhà trệch. Họ chỉ làm sàn với nhà moong, nhà kho, chòi rẫy, nhà đẻ mà thôi. Có thể nói rằng, người Cơ Tu vùng cao và vùng giữa tỉ lệ ở nhà sàn còn cao, dần xuống vùng phương/ếp (thấp), nhà có khuynh hướng sử dụng nhà trệt và xây xông, lợp tôn, hoặc thưng gỗ, lợp tôn. Chen xen có nhà đúc hai tầng bê tông, cốt thép kiên cố.

Đến đầu thế kỷ XXI, phần nhiều nhà ở của người Cơ Tu biến đổi, từ ngôi nhà dựng lên bằng vật liệu tại chỗ: gỗ, tre, giang, nứa, tranh, đùng đình, dây chạc,… lấy từ rừng về. Nhà không thiết kế theo kiểu ovale mà làm nhà có mái, chái hình thang, lợp tôn như nhà trệch vùng đồng bằng. Nhiều ngôi nhà cải tạo từ nhà sàn truyền thống thành ngôi nhà giống như nhà rường của người Kinh.

d min 300x298 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 33 min 16 1 300x267 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 3

Nhà sàn Cơ Tu & nhà trệt Cơ Tu (St) 

Thiết kế phần nhiều là gỗ, kiên cố, trông vững chắc. Nhà kiểu này tầng số xuất hiện ngày càng nhiều tại các xã vùng Cơ Tu phương/ếp, nhất là tại các thị trấn, khu huyện lỵ của các huyện (P’rao, h Đông Giang; thôn A Grồông, xã A Tiêng, huyện Tây Giang; thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang). Tại các thôn Phú Túc, Tà Lang, Giàn Bí của huyện Hòa Vang toàn bộ số hộ người Cơ Tu không còn nhà sàn. Một số nhà kiên cố, xây xông, lợp tôn, một số nhà đúc bằng bê tông cốt sắt hai tầng được xây dựng ngày càng nhiều hơn.

1.2. Đặc điểm

Theo cách nhìn Xã hội học, gia đình hiện nay chia thành hai loại: 1/ Gia đình nhỏ (gia đình hạt nhân hay gia đình hai thế hệ), là loại gia đình phổ biến, gồm cha mẹ – các con. Hoặc chỉ có mẹ – các con; cha – các con (không đầy đủ các quan hệ, hoặc có cha, không mẹ và ngược lại). Gia đình hai thế hệ là loại gia đình ngày càng xuất hiện nhiều thêm. Gia đình như thế phù hợp với thời kỳ công nghệ 4.0. 2/ Gia đình lớn (gia đình ba thế hệ), là loại gia đình xưa gọi là tam đại đồng đường, cũng gọi gia đình truyền thống. Ba thế hệ sống chung trong một nhà, gồm: ông bà – các con – các cháu. Loại gia đình ba thế hệ hiện nay vẫn còn tồn tại (nhưng ít), trong đó người lớn tuổi không nắm giữ thực quyền trong gia đình mà thường là người con trai (của ông bà) lớn tuổi hơn làm chủ gia đình.

Đối với người Cơ Tu, quan hệ huyết thống trong nhà dài luôn được giữ gìn gắn bó, bởi cùng cư trú trong một mái nhà chung, quan hệ bao giờ cũng thuận hòa tốt đẹp. Chủ ngôi nhà thường là người cao tuổi nhất trong tộc họ. Trong quan hệ, họ ứng xử nhau trên – dưới, trong – ngoài nền nếp kỷ cương. Thành quả săn bắt, hái lượm được chia đều trong huyết thống, đôi khi chia đều cho cả cộng đồng làng những khi săn bắt được con thú to: sao la, con nai, con heo rừng hay con trâu xám lớn. Phong tục, tập quán của huyết thống được giữ gìn. Đây là cơ sở để giữ gìn sự đoàn kết cùng phát triển trong ngôi nhà dài chung. Săn bắt hay sản xuất lương thực, các loại hoa màu là của chung nên thường phân chia công bằng cho mỗi bếp. Ngay trong lễ hội cũng vậy, sau khi cúng dàng xong, phần ẩm thực mời khách và các thành viên trong cộng đồng dùng, còn để dành phần mang về cho những thành viên không tham dự được.[6]

Trong mỗi bếp, vợ chồng – các con cùng ăn bữa, nhưng phụ nữ không ngồi ăn chung với đàn ông.

Người Cơ Tu rất hiếm khi tìm gặp ly dị vợ chồng.

1.3. Tộc họ (cơbhuh)

Tổ chức cơbhuh/tộc họ là tổ chức đứng trước tổ chức gia đình được xem là tổ chức lớn sau tổ chức làng truyền thống người Cơ Tu. Tộc họ, tiếng Cơ Tu gọi là “cơbhuh” hoặc “tô bhub” cũng để chỉ tộc họ cùng chung huyết thống theo họ cha (phụ hệ).

Luật tục Cơ Tu quy định nghiêm ngặt về tục ngoại hôn. Theo cách này, quan hệ hôn nhân nối dây, dây chuyền được luật tục quy định. Chồng chết, vợ lấy em chồng. Luật nối dây khuyến khích cách quan hệ này.

1.3.1. Tên họ, nguồn gốc

Tộc họ Cơ Tu hình thành từ xa xưa trong lịch sử tộc người, đến nay, người Cơ Tu, quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về họ, các nhà dân tộc học chưa lý giải được nguồn gốc ra đời tộc người. Để nhận biết tộc họ, người Cơ Tu căn cứ vào huyền tích, thông qua các câu chuyện kể mà ngày nay chúng ta ghi chép được từ những già làng. Người Cơ Tu cho rằng, theo đó là nguồn gốc hình thành tộc họ của mình. Có tộc họ lớn với số đông người, có tộc họ nhỏ, với số lượng người ít hơn. Hiện tại, người Cơ Tu trong địa bàn tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng không còn sống tập trung như kiểu thị tộc xưa trong các nhà dài theo từng cơbhuh/ tô bhub như quan hệ huyết thống xa xưa. Giải thích quá trình hình thành dòng tộc người Cơ Tu, các nhà dân tộc học chưa đưa ra kết luận, phần nhiều dựa vào tri thức bản địa, khai thác trong văn hóa dân gian tộc người, ức đoán nguồn gốc Cơ Tu. Người Cơ Tu thông qua một số huyền tích, họ căn cứ vào một số động vật, thực vật nào đó và lấy đó đặt tên cho tộc họ mình. Các nhà dân tộc học khi nghiên cứu về cơbhuh/tô bhub Cơ Tu gọi là vật tổ hay tô tem giáo của dòng tộc.

1.3.2. Vấn đề tộc họ, cấu trúc tộc họ

Tộc họ (cơbhuh/ tô bhub) theo quan niệm totem giáo/vật tổ

Người Cơ Tu có tộc họ như nhiều tộc người sinh sống tại khu vực Đông Nam Á. Vấn đề tộc họ giống người Cơ Tu sinh sống tại Thừa Thiên – Huế, tại nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào, họ đều lấy động vật, thực vật, một hiện tượng có trong huyền tích đặt tên cho tộc họ. Mỗi tộc họ có ý nghĩa riêng liên quan đến huyền tích. Đây là đặc điểm hình thành tộc họ người Cơ Tu. “Con vật, cái cây, một vật hoặc một hiện tượng thiên nhiên được coi là “thủy tổ” xa xưa nhất của một nhóm dân tộc (hoặc một bộ lạc) nhất định. Được truyền lại thông qua những huyền thoại, sự tích về vị “tổ” đó được dùng làm cơ sở cho tổ chức văn hóa. Thông thường “vật tổ” được thể hiện trên biểu trưng của bộ lạc là đối tượng tôn thờ, cúng lễ và là yếu tố quyết định phong tục, tập quán của bộ lạc, các cấm kỵ (thí dụ không được săn bắn giống vật được cho là “vật tổ”). Kèm theo tín ngưỡng vật tổ thường có nhiều nghi lễ ma thuật.

“Nền văn hóa vật tổ khác nền văn hóa khác ở chỗ có tính truyền thống rất cao và rất ổn định…Người ta cho rằng mọi nền văn hóa trên thế giới đều phải trải qua giai đoạn tín ngưỡng vật tổ.” [7]

 Họ, tên người Cơ Tu không có chữ lót như người Kinh. Thời cận hiện đại, người Cơ Tu phân biệt nam, nữ sử dụng chữ lót theo cách đặt tên như người Kinh. Nếu là nữ dùng chữ Thị, nếu là nam dùng chữ Văn để phân biệt nam, nữ.

Theo ông Br’riu Liếc, tháng 7/2017, thống kê có 30 tộc họ, nhưng nếu tính hết các họ người Cơ Tu hiện có thì nhiều hơn thế, có thể lên đến 60 họ khác nhau, trong đó người Cơ Tu đặt tên, lấy họ theo người Kinh chiếm tỉ lệ không nhỏ trong tộc họ của họ.

Sinh sống trong một làng, nếu một huyết thống cùng ở chung trong một nhà dài, người làng không gọi tên chủ nhà (mặc dầu chủ nhà là người cao tuổi hơn) mà họ gọi theo tộc họ, theo cơbhuh/tô bhub của tộc họ đó. Ví dụ nếu nhà chỉ toàn tộc họ Bh’riu ở thì làng gọi là: nhà họ Bh’riu (đong a pêê Bh’riu). Nếu tộc họ A Lăng cùng ở chung trong ngôi nhà dài, người làng gọi nhà họ A Lăng. Hoặc nhà P’loong,… mà không gọi tên người cao tuổi hơn trong nhà.

Mặt khác nếu nhà có nhiều tộc họ cùng ở chung trong ngôi nhà dài, liền vách nhau, người làng gọi là: nhà nhiều họ (đong tơr luc, tơr clai).[8] – có nghĩa là nhiều anh em cùng ở – mà không gọi tên từng chủ hộ.[9]

Nếu nhà chỉ một tộc họ Bh’riu ở, thì người làng gọi là: nhà ông Bh’riu (đong tơ coh Bh’riu).

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe 

 


[1] Hoàng Phê (Chủ biên, 2006), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học. Hà Nội.

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Gia_%C4%91%C3%ACnh

[3] Điều này xuất phát từ quan hệ hôn nhân, do xã hội hình thành tục lệ như hôn nhân “mua bán, mua vợ”.

[4] Nhà dài: cũng là một kiểu nhà đặc trưng của các tộc người ở Trường Sơn và Tây Nguyên.

[5] Là gia đình hai thế hệ (cha mẹ – con). Còn gia đình ba thế hệ (là gia đình truyền thống), gồm ông bà – cha mẹ – con (tam đại đồng đường). Gia đình bốn thế hệ (là tứ đại đồng đường), gồm ông bà – cha mẹ – con – cháu.

[6] Người Kinh miền xuôi huyện Hòa Vang xưa kia tục lệ này vẫn có, nhất là lễ hội Đình làng, thường dành phần ẩm thực mang về biếu cho những người cao tuổi không tham dự hội làng được, hoặc cho những chức sắc phụ trách các công đoạn tế lễ tại Đình làng mà vì lý do nào đó không tham dự được. Lệ này còn tìm thấy trong lễ giỗ, chạp. Nay, thảng vẫn còn.

[7] GS. A.A. Radugin (2001), Từ điển bách khoa Văn hóa học, người dịch Vũ Đình Phòng, Viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội. Tr. 617.

[8] Người Cơ Tu huyện Tây Giang có cách gọi này, nhưng tại huyện Đông Giang thì không rõ cách gọi cơlai. (Tư liệu điền dã do già làng Bh’riu Pố, thôn A Rớh, xã Lăng cung cấp).

[9] Xem: Chương I, Ngữ văn dân gian, mục 2.1. Truyện kể về các cơbhuh/ tô gố.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây